12/10/2022, Tọa đàm: Khởi nghiệp xanh – hành trình kiến tạo những doanh nông trẻ

182
  • Thời gian: từ 14-16h00 ngày 12/10/2022

  • Địa điểm: KS Sài Gòn, 41-47,  Đông Du, P.Bến Nghé,Q.1, TP.HCM

Tại tọa đàm “Khởi nghiệp xanh – hành trình kiến tạo những doanh nông trẻ”, được BSA tổ chức tại KS Sài Gòn, 41-47 Đông Du, Quận 1, TP. HCM từ 14-16h00 ngày 12/10/2022, những câu chuyện về hành trình 10 cuộc thi dự án khởi nghiệp nông nghiệp – đổi mới sáng tạo; hành trình xây dựng và phát triển dự án, cách kết nối giao thương, tham dự các hoạt động nhằm phát triển thị trường cho sản phẩm, những kinh nghiệm thương trường, những nỗ lực vượt qua khó khăn… sẽ được những người trong cuộc chia sẻ.
Gần 10 năm qua 8 cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo (Khởi nghiệp xanh), đã có gần 1000 chủ dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp trên khắp cả nước ra đời và gắn bó với SKC của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm BSA), trở thành một hệ sinh thái rộng khắp, năng động.
Trong hành trình 10 năm qua, nhiều thế hệ của hệ sinh thái khởi nghiệp SKC, nhất là các dự án tham gia cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp Nông nghiệp – đổi mới sáng tạo” đã có sự phát triển vượt bậc. Nhiều startup đã đưa sản phẩm nông sản Việt Nam đến nhiều thị trường khó tính trên thế giới, từ Mỹ, ÚC, Nhật Bản, Hàn Quốc, hay các nước EU…
Trong đó, câu chuyện về “Mứt chuối phồng Tư Bông” được như  Nguyễn Thị Các Thủy, cô gái Đồng Tháp – Giải nhì của cuộc thi năm 2018 sẻ chia là đại diện cho những doanh nông trẻ của vùng nông thôn, tâm huyết với những giá trị mang lại từ sản phẩm bản địa là nông sản địa phương.
Còn câu chuyện của Nguyễn Thị Ngọc Hương, chủ dự án bột rau sấy lạnh ở TP.HCM – Giải nhất năm 2019 mang đến là sự thành công trên còn đường đưa sản phẩm ra nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ hay các thị trường lớn ở châu Á. Những câu chuyện tham quan, trải nghiệm từ những chuyến startup tour do Trung tâm BSA tổ chức đã mang lại những giá trị đích thực để Ngọc Hương xây dựng mối quan hệ, phát triển thị trường…

Câu chuyện của Phan Minh Tiến (TP.HCM) – Giải nhì năm 2019 xoay quanh giá trị từ nguồn tài nguyên bản địa là cây dừa nước ở Cần Giờ. Qua gần 4 năm, Minh Tiến đã sáng tạo ra khá rất nhiều sản phẩm từ cây dừa nước như nước giải khát tươi, mật, đường cho người ăn kiêng…. Từng bước phát triển sản phẩm, xây dựng tiêu chuẩn để phát huy được chuỗi giá trị của cây dừa nước trong vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ là bài học, là kinh nghiệm để các doanh nghiệp trẻ tham khảo.
Cũng liên quan đến việc khai thác mật, Phạm Đình Ngãi – Giải nhất cuộc thi năm 2020, mang đến câu chuyện thú vị với mật hoa dừa, một sản phẩm được xem là di sản của đồng bào Khme ở Trà Vinh từ hơn 100 năm trước. Ngãi chia sẻ kỹ về hành trình xây dựng hệ thống đại lý phân phối cũng như liên kết với hộ nông dân trồng dừa, đồng thời thành công của Ngãi cũng như Mật hoa dừa Sockfarm chính là câu chuyện truyền thông khá tốt trong thời gian qua.
Tại diễn đàn, với sự chủ trị của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC kiêm Giám đốc Trung tâm BSA, các doanh nghiệp còn được gặp gỡ, giao lưu cùng những doanh nhân uy tín cũng như nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng và phát triển thị trường như ông:
– Ông Nguyễn Lâm Viên: Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Vinamit; PCT Thường trực Hội DN HVNCLC.
– Bà Nguyễn Phi Vân: Chủ tịch Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Việt Nam; Chủ tịch Cty Retail & Franchise Asia, Cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia.
– Bà Vũ Kim Anh, PGĐ Trung tâm BSA, phụ trách chương trình Khởi nghiệp xanh – Trưởng ban tổ chức cuộc thi Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp – đổi mới sáng tạo.