20% doanh nghiệp Trung Quốc có kế hoạch cắt giảm nhân sự trong quí 1-2025

Công nhân trên dây chuyền sản xuất tai nghe Bluetooth ở thành phố Hàm Đan thuộc tỉnh Hà Bắc cuối tháng 2-2025. Các chỉ số của chính phủ và tư nhân đều cho thấy thị trường việc làm của Trung Quốc vẫn trì trệ mặc dù đã có nhiều biện pháp kích thích khác nhau. Ảnh: Getty Images

Thị trường việc làm vẫn trì trệ ở Trung Quốc giữa lúc đại lục đang ứng phó với các mức thuế cao hơn của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Bắc Kinh đã tung ra một loạt các biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng kể từ mùa thu 2024. Mới nhất là kế hoạch hỗ trợ việc làm trị giá 66,74 tỉ nhân dân tệ (hơn 9,2 tỉ đô la)

Khảo sát của hãng tuyển dụng Liepin cho thấy 19% công ty có kế hoạch cắt giảm nhân sự trong quí đầu tiên của năm nay, tăng so với mức 12% của năm trước. Theo tính toán của Goldman Sachs, tăng trưởng tiền lương theo năm ở khu vực thành thị đã chậm lại đáng kể từ 5,6% trong quí đầu 2024 xuống chỉ còn 2,6% trong quí 3-2024.

Tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát chính thức ở khu vực thành thị Trung Quốc đã tăng lên 5,4% vào tháng 2-2025, cao nhất trong hai năm qua dù đầu tư trong nước gia tăng, tiêu dùng tăng vượt mức kỳ vọng theo các số liệu Cục Thống kê Quốc gia công bố đầu tuần.

Các nhà kinh tế cho rằng dữ liệu việc làm kém khiến Bắc Kinh phải tăng cường kích thích tài chính để tạo thêm việc làm, vì một ngành sản xuất công nghệ cao đang bùng nổ không thể tuyển dụng hết lượng lao động dư dôi từ thị trường bất động sản suy thoái trong nhiều năm. Ngoài ra, căng thẳng thương mại với Mỹ và các rào cản ngày càng tăng với hàng xuất khẩu Trung Quốc có thể đẩy nhiều nhà xuất khẩu đến bờ vực đóng cửa hoặc đẩy nhanh kế hoạch chuyển sản xuất ra nước ngoài – tức việc làm trong nước giảm bớt.

Các quan chức Trung Quốc cho biết tỷ lệ thất nghiệp cao hơn trong tháng 2 một phần phản ánh sự gián đoạn do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán gây ra, nhưng vẫn thừa nhận rằng cần phải thúc đẩy các kế hoạch tạo ra việc làm. “Việc ổn định và mở rộng việc làm trong năm nay vẫn cần những nỗ lực mạnh mẽ. Nền tảng để nền kinh tế trong nước phục hồi và cải thiện vẫn chưa vững chắc”, Fu Linghui, phát ngôn viên của Cục thống kê Trung Quốc, tuyên bố hôm 18-3.

Nhưng tình hình thực tế có vẻ bi quan hơn nhiều.

Số liệu thất nghiệp của Trung Quốc từ lâu đã phải đối mặt với sự chỉ trích về độ chính xác , một phần là do cư dân nông thôn bị loại khỏi các cuộc khảo sát về tình trạng thất nghiệp. Năm 2023, Bắc Kinh đã tạm thời ngừng báo cáo tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong khi thay đổi phương pháp tính toán, “tối ưu hóa” bằng cách bỏ qua học sinh đang đi học. Điều này dẫn đến số liệu thấp hơn.

Và không giống như các nước khác, Trung Quốc không có dữ liệu chính thức nào đo lường tình trạng thiếu việc làm, chẳng hạn như sinh viên tốt nghiệp đại học làm những công việc không cần bằng cấp.

Ngay cả khi đã thay đổi cách thống kê, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao. Theo dữ liệu của chính phủ công bố hôm 20-3, tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi 16-24 tuổi, không tính sinh viên, đã tăng lên 16,9% trong tháng 2, tăng từ 16,1% vào tháng 1 và 15,7% vào tháng 12.

“Chúng tôi chưa thấy bất kỳ sự cải thiện cơ bản nào trên thị trường lao động. Nhà chức trách phải có những động thái táo bạo hơn để tạo ra nhu cầu, đặc biệt là nếu thuế quan Mỹ tiếp tục tăng”, theo Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Group. Cho đến nay, Mỹ đã áp dụng mức thuế bổ sung 20% ​​đối với hàng hóa Trung Quốc và đang đe dọa sẽ áp dụng mức thuế quan “có đi có lại”, hay thuế đối ứng, đối với tất cả các nước từ đầu tháng 4-2025.

Theo Global Times, năm 2024 Trung Quốc có khoảng 11,79 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, tăng 210.000 so với năm 2023. Trong khi đó, số lượng kỷ lục 12,2 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học dự kiến ​​sẽ gia nhập thị trường việc làm vào mùa hè 2025. Lực lượng này sẽ cạnh tranh mạnh ở thị trường nhân dụng đang thu hẹp dần khi các công ty ứng dụng AI để giảm bớt nhân sự, cắt giảm chi phí.

Kịch bản có thể khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc mất ngủ là thị trường lao động yếu, được đánh dấu bằng mức tăng trưởng tiền lương chậm lại và cạnh tranh gia tăng, sẽ làm xói mòn niềm tin giữa các doanh nghiệp và hộ gia đình. Điều này cũng làm suy yếu nhu cầu đầu tư và chi tiêu của hộ gia đình, dẫn đến vòng xoáy giảm phát — một vòng luẩn quẩn khi giá thấp hơn và nhu cầu yếu củng cố lẫn nhau.

Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 2 đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn một năm.

Theo Nikkei Asia, Reuters

Ricky Hồ / BSA Media