23 dự án khu vực ĐBSCL tìm vé vào chung kết “Dự án Khởi nghiệp Nông nghiệp – đổi mới sáng tạo” lần 8

190
Trong 2 ngày 7 và 8/9/2022, Cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp Nông nghiệp – đổi mới sáng tạo” lần 8 – 2022 diễn ra vòng bán kết 1 tại TP.Long Xuyên, An Giang.
Cuộc thi do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (TT.BSA), Hội doanh nghiệp HVNCLC tổ chức với sự đồng hành của Qũy hỗ trợ phát triển Thanh niên, Công ty Cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau, Dự án HVNCLC Chuẩn hội nhập, cùng các DN HVNCLC như: Công ty Cổ phần Vinamit, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty TNHH Minh Long I, Công ty Cổ phần Cơ điện Tân Hoàn Cầu, Công ty TNHH SX TM DV Qui Phúc, Công ty TNHH Lợi Lợi Dân, Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn Cầu GIBC, Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan….
 Triển khai từ đầu tháng 4.2022, Ban tổ chức cuộc thi “ Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp – đổi mới sáng tạo” lần 8 năm 2022 đã nhận được tổng cộng 164 bài thi của các dự án khởi nghiệp từ 40 tỉnh, thành. Sau vòng chấm sơ khảo, có 88 dự án nổi trội được chọn vào thi vòng bán kết. Sau 3 vòng bán kết tại An Giang, Hà Nội và TP.HCM, khoảng 30 dự án sẽ được chọn vào thi Chung kết vào cuối tháng 10 tới.
 Vòng bán kết 1 có 23 dự án tham gia, thuộc các địa phương khu vực ĐBSCL, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng Tháp là địa phương tham gia nhiều nhất với 10 dự án. Bến Tre đứng kế tiếp với 3 dự án. Chủ nhà An Giang cùng Cần Thơ đều có 2 dự án tranh tài. 6 dự án còn lại đến từ Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang và Trà Vinh.
Một số dự án có nhiều cơ hội vào chung kết có thể gọi tên như Sữa thực vật của An Giang, Cocohand nâng tầm giá trị thủ công mỹ nghệ dừa Bến Tre, Sản xuất Dược trà – Khai thác giá trị dược liệu từ nông sản (Cần Thơ), Sản xuất cua biển ứng dụng công nghệ cao của Cà Mau, Green Balance Store – Xanh hóa mô hình kinh doanh dựa trên lợi thế tài nguyên bản địa đến từ Đồng Tháp và Các loại sản phẩm thay thế thịt có nguồn gốc thực vật từ ĐBSCL – dự án này thuộc Hậu Giang.
Tại vòng thi này, các dự án tham gia phải thể hiện được các nội dung như mục đích, lý do thực hiện dự án, quy trình và phương thức thực hiện, sự sáng tạo cũng như tính thực tế phù hợp với mục tiêu nông nghiệp phát triển phải bền vững, có tính hỗ trợ và tác động đến cộng đồng. Dự án khởi nghiệp được xây dựng dựa trên cơ sở ứng dụng tài nguyên bản địa, có tính tăng trưởng bền vững, có ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh sinh lợi nhuận, cách thức thực hiện và tính khả thi cao. Sau khi công bố kết quả vòng sơ loại, các dự án lọt vào bán kết đã được Ban tổ chức tập huấn, góp ý và có sự điều chỉnh bài thi nên chất lượng được cải thiện. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho bài thi về cách phát triển dự án sẽ giúp các thí sinh tự tin trong phần thi thuyết trình trước ban giám khảo.
Điểm đáng chú ý ở Vòng bán kết thứ nhất là có sự phối hợp đồng tổ chức của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hiệp Hội doanh nghiệp và Trung tâm kinh doanh VNPT – tỉnh An Giang. Đồng thời, trong tiêu chí chấm điểm có thêm nội dung dành cho công tác trưng bày, nhận diện thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp. Khách hàng chính là các giám khảo, chuyên gia trực tiếp khai thác thông tin về sản phẩm, quy trình sản xuất, công nghệ, bao bì, các chiến lược kinh doanh, giá bán, tác phong và nội dung tiếp thị, giới thiệu sản phẩm với khách hàng… Đây là cách để các chuyên gia nhìn nhận rõ hơn về khả năng bán hàng, tương tác với khách hàng của từng dự án. Ban giám khảo đánh giá và có những góp ý nhằm giúp các dự án tìm ra phương pháp giải quyết bài toàn thị trường hiệu quả nhất. Song song với việc trình bày của các dự án thi tại hội trường, Hội LHPN tỉnh An Giang còn tổ chức “Phiên chợ khởi nghiệp Xanh”, được tổ chức ngay tại Công viên Nguyễn Du của TP.Long Xuyên với sự tham gia của các dự án thi cùng các mô hình khởi nghiệp kinh doanh của Phụ nữ các huyện, thị trong tỉnh.
Các dự án trưng bày sản phẩm tại vòng bán kết 1
Ban giám khảo vòng bán kết 1:
  1. Ông Phan Văn Minh – Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Công nghệ sinh học Môi trường – Viện Nghiên cứu Công nghệ sinh học và môi trường – Đại học Nông lâm TP.HCM.
  2. Ông Trần Hoàng Tuyên – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA).
  3. Ông Ngô Đình Dũng – Giám đốc điều hành Công ty Giải Pháp Quản Trị Tổng Thể ISM.
  4. Bà Nguyễn kim Thanh – Thạc sĩ Khoa học và Quản lý chuỗi Nông nghiệp – Đại học Van Hall Larenstein, Hà Lan; Chuyên gia tư vấn thủy sản bền vững; Sáng lập Công ty Kim Delta
  5. Ông Trần Vũ Nguyên – Nguyên Giám đốc Vườn Ươm khởi nghiệp Đà Nẵng (DNes); Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Giáo dục sáng tạo Châu Á (AI Education Group).
Cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp Nông nghiệp – đổi mới sáng tạo” lần 8 – 2022 nhằm cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế của thanh niên nông thôn; tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên Việt Nam trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển tài nguyên bản địa.

Từ đầu tháng 8 đến nay, sau khi công bố danh sách 88 dự án vào bán kết, BTC cuộc thi đã tiến hành tập huấn cho các dự án này. Tại Hà Nội, các chuyên gia Tiền Gia Trí, Nguyễn Cẩm Chi, Nguyễn Thị Quý Phương và Hồ Ngọc Phương Thảo đã tập huấn cho các dự án về các chủ đề: Quản lý tài chính doanh nghiệp; Trade Marketing – Tiếp thị tại điểm bán và xây dựng kênh phân phối; Quản lý tài chính doanh nghiệp; Truyền thông và Marketing doanh nghiệp, cùng với đó là chuyên đề “Doanh nghiệp khởi nghiệp cần thực hành tiêu chuẩn ngay từ ban đầu”. Ở khu vực TP.HCM, chuyên gia Trần Anh Tuấn cũng đã chia sẻ, hướng dẫn các dự án khu vực ở ĐBSCL, TP.HCM và Tây Nguyên về “Tư duy đổi mới sáng tạo cải tiến nội dung và nâng cao chất lượng dự án kinh doanh”.

DANH SÁCH 23 DỰ ÁN VÒNG BÁN KẾT 1 “KHỞI NGHIỆP NÔNG NGHIỆP – DỰ ÁN NÔNG NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO” LẦN 8 NĂM 2022
Số thứ tự
Họ và tên
Tên dự án
Địa phương
1         
Nguyễn Hoàng An
Sữa thực vật
An Giang
2         
Nhóm – Nguyễn Hoàng Ngọc Yến
Trại nấm Tài Phát
An Giang
3         
Nguyễn Băng Nhi
Cocohand nâng tầm giá trị thủ công mỹ nghệ dừa Bến Tre
Bến Tre
4         
Đặng Huỳnh Thiên An
Hàng thủ công mỹ nghệ dừa gia dụng từ tài nguyên bản địa xứ dừa
Bến Tre
5         
Nhóm – Đặng Huỳnh Thiên An
Bánh dân gian quê em xứ dừa! Văn hóa bản xứ du lịch, tâm linh
Bến Tre
6         
Lâm Quốc Nhựt
HALOFAI – Hương vị từ đất mặn
Cà Mau
7         
Đoàn Thị Hồng Thắm
Sản xuất Dược trà – Khai thác giá trị dược liệu từ nông sản
Cần Thơ
8         
Đỗ Thị Xuân Diệu
Bảo tồn và nâng cao giá trị trái LEKIMA tại Việt Nam
Cần Thơ
9         
Nhóm – Lê Ngọc Thạch
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, quả trong nhà màng theo tiêu chuẩn Viet.g.a.p
Đồng Tháp
10     
Lê Hồ Thùy Linh
Sản xuất nấm rơm nhà kính, tiêu thụ nấm và phụ phẩm sau trồng nấm
Đồng Tháp
11     
Nhóm – Trần Văn Triển
Green Balance Store – Xanh hóa mô hình kinh doanh dựa trên lợi thế tài nguyên bản địa
Đồng Tháp
12     
Nguyễn Thị Bích Huyền
Vườn nấm sinh học Công nghệ cao
Đồng Tháp
13     
Huỳnh Thị Mỹ Nhân
Bánh Ít nếp hột
Đồng Tháp
14     
Tống Duy Khương
Nấm rơm hấp đóng gói
Đồng Tháp
15     
Trần Thụy Hải Ly
Snack vỏ bưởi sấy Phúc Đạt
Đồng Tháp
16     
Nhóm – Lê Văn Lộc Kiểng
Sản xuất me ngào đa dụng
Đồng Tháp
17     
Đồng Lê Tiểu My
Sản phẩm từ củ Ấu – bột Ấu
Đồng Tháp
18     
Nguyễn Văn Hiều
Mô hình sản xuất mè luân canh trên nền đất lúa
Đồng Tháp
19     
Cao Thị Cẩm Nhung
Các loại sản phẩm thay thế thịt có nguồn gốc thực vật từ ĐBSCL
Hậu Giang
20     
Nguyễn Thị Pha Phăng
Son gấc, dầu gấc, rượu hạt gấc
Kiên Giang
21     
Nhóm – Lưu Cát Tường
Sản xuất dịch kem tươi thuần chay
Long An
22     
Nguyễn Thanh Sơn
Mô hình thiết kế tưới thích ứng biến đổi khí hậu
Tiền Giang
23     
Thạch Tuấn Anh
Sản xuất cua biển ứng dụng công nghệ cao
Trà Vinh
 Một số hình ảnh chuẩn bị và trưng bày sản phẩm của các dự án