An ninh lương thực không chỉ là trồng lúa

87
ĐBSCL còn bỏ phí hơn 23 triệu tấn rơm. Ảnh: T.L.
Thử làm một phép tính nhẩm về mức thất thoát 10% trên tổng sản lượng 21-22 triệu tấn lúa ở ĐBSCL, con số gần tương đương hợp đồng xuất khẩu gạo cho Sierra Leone trong một năm, mới thấy chớ khinh thường chuyện “lỗ nhỏ đắm thuyền”.
Giảm tổn thất sau thu hoạch đã ổn
Năm 2008, trên thực tế tỷ lệ thất thoát lúa sau thu hoạch khoảng 13%-17%, tùy mùa vụ có thể lên đến 17%-20%… Cứ tính 1% thất thoát là mất đứt… 7 triệu USD, các chuyên gia lên tiếng.
Lúa rụng nhiều hay ít, còn do bản chất di truyền của giống, kế đó là do bón phân quá thừa đạm, thiếu K, Ca, và silic, là do thời tiết âm u liên tục, nấm bệnh phát triển trên bông nhiều, cây yếu, cây bị đổ sớm, khi gặt, nhất là gặt bằng tay kéo lúa tách bông này ra khỏi bông khác mà gây rụng, do để quá chín, do sâu bệnh làm các gié lúa bị gãy… Vì vậy, phải áp dụng kỹ thuật liên hoàn kể cả gặt đúng thời gian lúa vừa chín để giảm tỷ lệ rụng hạt. Khi bón quá nhiều phân đạm mà tỷ lệ P và K thấp (ta gọi mất cân đối) thì lúa sẽ có tỷ lệ hạt lép cao, hạt cũng dễ bị rụng, theo GS.TS Mai Văn Quyền.
Hơn một thập niên tập trung giải bài toán khó ở ĐBSCL, trong đó khâu phơi sấy – tổn thất 4,2%, thu hoạch 3%, xay xát 3%, bảo quản 2,6% và vận chuyển gần 1%. Tới nay mức thất thoát còn khoảng 5-7%.
Năm 2016, khi người trồng lúa đối diện với tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán chưa từng có trong vòng 100 năm qua… ĐBSCL vẫn giữ sản lượng trên 21 triệu tấn, chiếm 50% tổng sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, như một lời bảo đảm về an ninh lương thực.
Sản lượng mùa vụ suy giảm, tuy chưa bằng tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch hàng năm, nhưng nỗi lo mất con số sản lượng ảnh hưởng an ninh lương thực luôn thường trực trong khi hàng triệu tấn lúa sau thu hoạch không thể tới chuỗi cung ứng do giảm chất lượng, số lượng và giá trị đang mắc kẹt trong tình thế bắt mạch, ra toa đúng hết nhưng thuốc chữa không đủ liều.
Đến năm 2030, đất lúa ở ĐBSCL được giữ ở mức 3,6 triệu ha. Nếu quyết tâm giảm tổn thất sau thu hoạch bên cạnh cố gắng phục hồi sản lượng lúa gạo thì chẳng có gì phải lo mất an ninh lương thực.
Tháng 8/2022, Agritechnica Asia Live 2022 là sự kiện quốc tế có chủ đề “Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững” tại thành phố Cần Thơ do Bộ NN và PTNT, Hiệp hội nông nghiệp Đức (DLG), Viện nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) phối hợp tổ chức, tập trung vào việc ứng dụng công nghệ cao để tối ưu hóa hệ thống canh tác.
Những con số truyền cảm hứng về cơ giới hóa đất lúa ở ĐBSCL: Làm đất bằng máy đạt 100%, gieo sạ và cấy đạt 75%, chăm sóc và bảo vệ thực vật là 85%, thu hoạch là 95% và khâu thu gom rơm, rạ là 90%… Năm 2010, mọi kỳ vọng thu hoạch lúa bằng cơ giới để kéo tỷ lệ thất thoát còn 2% thay vì gặt thủ công mất tới hơn 10%. Lúc đó, toàn vùng ĐBSCL có 5.000 chiếc máy gặt đập liên hợp, đáp ứng 25% nhu cầu thu hoạch rộ. 5 năm trước, toàn vùng chỉ có 33 máy. Năm 2015, thống kê chưa đầy đủ, toàn vùng đồng bằng có trên 10.000 máy gặt đập liên hợp, đáp ứng 60 – 70% cơ giới hóa thu hoạch, khâu này đã giảm thất thoát lúa từ 2 – 3%.
Hiện nay, nhiều huyện, xã đã có nghĩa địa máy gặt đập liên hợp sẵn sàng thay đổi thế hệ máy để làm dịch vụ. Và, bằng chứng những cuộc chia tay vĩnh viễn mùa len trâu đầy lãng mạn là hàng quán trâu luộc cơm mẻ mọc lên như nấm sau mưa và lò chế biến khô trâu ra đời làm đồ nhấm.

Hợp chất Momilactone A và B trong gạo trắng không chỉ chống tiểu đường, béo phì mà còn trị bệnh gút, đã được thương mại hóa.

Mất khả năng tạo bất ngờ
Trong cuộc thương chiến, nếu dùng đòn hi sinh bằng cách giảm giá thì người trồng lúa gánh thảm họa. Ngược lại, vẫn còn đó lỗ hổng tồn trữ. Người trồng lúa dựa vào thành tựu lò sấy, đã bán lúa tươi tại đồng. Miền tây không còn ví lúa khô tại nhà để bán.
Trong khi đó, từ năm 2012, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (SIAEP), TS Phạm Văn Tấn lên tiếng cảnh báo về việc bảo quản, tồn trữ là khâu yếu nhất trong chuỗi cung ứng lúa gạo ở ĐBSCL (chỉ mới đạt 13-15% nhu cầu). “Thắt cổ chai” (sấy, tồn trữ, bảo quản) làm chất lượng và giá trị lúa gạo Việt Nam khó cải thiện. Trong nhiều cách tính toán cho thấy sự cần thiết của hệ thống kho 4 triệu tấn để tăng năng lực do bảo quản tồn trữ, mới có thể tăng cơ hội “tích cốc phòng cơ” và tạo bất ngờ, trong khi cả vùng chỉ có khoảng 1,5 triệu tấn. Ngày nay, hệ thống silô tồn trữ (công nghệ thích ứng, tự động hóa) cần có sức chứa 10 triệu tấn, nhưng đó là ước mơ nhiều thế hệ về hệ thống dự trữ nhưng chưa có được.
Năm 2020 là thời điểm nhìn lại một chặng đường giảm tổn thất sau thu hoạch nông – thủy sản (NĐ 48). Bộ NN&PTNT thừa nhận: Tùy lĩnh vực ngành hàng, tổn thất nông sản sau thu hoạch nói chung dao động từ 10 – 20%. Mức độ tổn thất sau thu hoạch của rau, quả, sắn khoảng 20 – 30%; cà-phê, tiêu, điều, chè khoảng 10 – 15%; thủy sản đánh bắt khoảng 15 – 20%; lúa gạo khoảng 5 – 7%…
Tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch ở ĐBSCL dù đã giảm nhưng vẫn là thách thức trong việc nâng cao giá trị hạt gạo, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, góp phần cải thiện đời sống của người trồng lúa. Theo TS Phạm Văn Tấn, silo (kho chứa, bảo quản nông sản dạng hạt, tuy chi phí đầu tư khá cao nhưng bảo đảm chất lượng hạt trong thời gian dài, tiết kiệm được mặt bằng và không gian chứa, tiện lợi trong vận hành, tiết kiệm lao động… tạo thế chủ động cho các hoạt động xay xát, kinh doanh và xuất khẩu của doanh nghiệp). Đặc biệt, hệ thống kho tự động hóa phù hợp với xu thế sản xuất lúa hàng hóa theo chuỗi; có thể bảo quản giá trị từ các phụ phẩm khác của lúa gạo (hiện nay tổn thất cũng lên đến 50%).
Rơm có khả năng làm ra nhiều sản phẩm giá trị cao hơn những gì chúng ta biết đến, nhưng ĐBSCL còn bỏ phí hơn 23 triệu tấn rơm. 1 tấn rơm có giá 2 triệu đồng, quy ra tiền đây không phải con số nhỏ, theo PGS-TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành.
Có quá nhiều điều chưa được biết đến. Khi PGS.TS Trần Đăng Xuân, Đại học Hiroshima (Nhật Bản) phân lập thành công 2 hợp chất quý Momilactones A và B có hoạt tính ức chế các enzyme trong gạo trắng, mọi thứ đã thay đổi. Hợp chất này không chỉ chống tiểu đường, béo phì mà còn trị bệnh gút. Trên Carbosynth.com, một công ty chuyên bán các sản phẩm hóa sinh nổi tiếng của Anh chào giá 125 USD cho 0,1 mg. Có 4 gene liên quan đến việc tổng hợp Momilactones A và B trong lúa đã được xác nhận. Điều đó sẽ giúp ích cho việc tạo ra các giống lúa mới có khả năng ức chế tiểu đường, giúp làm tăng giá trị của lúa gạo Việt Nam, theo TS Trần Đăng Xuân.

Cơ giới hóa và chuyển đổi số là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong canh tác ở ĐBSCL. Ảnh: T.L.

Bất an ninh lương thực
Lão nông Lê Văn Lam ở huyện Tân Hồng, từng nói với ông Lê Minh Hoan trước khi ông nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ NN-PTNT “Chỉ cần lúa có giá, nông dân sẵn sàng ra đồng ngủ để giữ lúa chứ giá lúa thấp thì nông dân sẽ bỏ ruộng. Đó mới là mất an ninh lương thực”. Đồng vô, đồng ra là hai mặt của đồng tiền đề huề, đầu tháng 9/2022, giá lúa ngon cơm bán với giá 6.000 đồng/kg. Chẳng ai thấy vui vì giá xăng, giá thuốc, giá phân bón… đã cướp đi hết công sức và niềm hi vọng cuối vụ rồi còn gì!
“An ninh lương thực gắn với trách nhiệm xã hội của người trồng lúa, xã hội cũng phải có trách nhiệm với người trồng lúa” TS Vũ Thành Tự Anh nói.
Ông Phạm Thái Bình, CEO Cty Nông công nghệ cao Trung An, người từng xuất khẩu gạo với giá 800-900 USD mỗi tấn gạo – cao hơn các doanh nghiệp khác nhờ chất lượng. Giảm sản lượng thì chỉ có cách tăng chất lượng. Chính chất lượng khẳng định giá trị và ST 24, ST 25 bán tại thị trường nội địa – quy ra tỷ giá hối đoái lúc bình thường đã trên 1.000 USD/1 tấn gạo.
Việt Nam xem sản lượng lúa (gạo, nếp), bắp, khoai, sắn là an ninh vững chắc. Trong khi thế giới định nghĩa lương thực chỉ là phạm trù quan trọng trong tổng thể vấn đề phải giải quyết. Thực phẩm là tất cả những thứ con người hay động vật có thể ăn hay uống được để hấp thụ dinh dưỡng, không giới hạn các chất: chất bột, chất béo, chất đạm hoặc nước. Cách thế giới giải quyết vấn đề là nguồn thực phẩm và khả năng tiếp cận dinh dưỡng, sức khỏe của từng người.
Ngân hàng thế giới phân biệt giữa hai khái niệm bất an ninh lương thực kinh niên và nhất thời, PGS.TS Nguyễn Ngọc Nông giải thích: Bất an ninh lương thực kinh niên được định nghĩa như là chế độ ăn uống không đầy đủ thường xuyên do không có khả năng kiếm đủ lương thực. Còn bất an ninh lương thực nhất thời là sự thiếu hụt lương thực tạm thời ở phạm vi hộ gia đình. Từ đó, các tiêu chí để xét đến an ninh lương thực gồm: 1/Sự sẵn có lương thực, tức khả năng đảm bảo đủ khối lượng lương thực dự trữ ở một mức độ chủ động nguồn sản xuất, chất lượng phù hợp hay nguồn thực phẩm dồi dào từ tự nhiên; 2/Tiếp cận lương thực là mọi cá nhân tiếp cận được nguồn cung để có được lượng lương thực thích hợp với chế độ ăn uống dinh dưỡng; 3/Ổn định lương thực, tức mọi cá nhân lúc nào cũng phải tiếp cận được nguồn lương thực phù hợp; không gặp phải rủi ro do các cú sốc bất thường (như khủng hoảng khí hậu hoặc kinh tế) hoặc các hiện tượng chu kỳ (mất an ninh lương thực theo mùa). 4/ Tiêu dùng lương thực thông qua các chế độ ăn uống hợp lý, nước sạch, đảm bảo vệ sinh và y tế để đảm bảo dinh dưỡng khi tất cả các nhu cầu tâm sinh lý được đáp ứng.
Ở ĐBSCL, đặc biệt là nguồn nước ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức nguồn cung lương thực – thực phẩm. Đất đai, thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu, hệ sinh thái… Sự thay đổi khí hậu, các biến động hàng năm không thuận hoặc thời tiết cực đoan hay ô nhiễm môi trường mất cân bằng sinh thái hoặc rủi ro như đại dịch khiến nguồn cung hàng hóa không thể tới chuỗi cung ứng, kênh phân phối, tác động tới giá cả, sức mua và sản lượng đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh lương thực.
An ninh lương thực hiểu theo nghĩa rộng, là sự chuyển dịch của đất nước từ khả năng chỉ có lúa gạo sang các vấn đề toàn diện hơn là an ninh và cân bằng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cũng như khả năng cung ứng các nguồn thức ăn cho chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản.
Có gì đó sao sao khi cố thủ trong quan niệm vì an ninh lương thực mà nông dân đồng bằng phải trồng lúa – luân canh, tăng vụ hết đời này tới đời khác; chỉ có lúa mới bảo đảm an ninh lương thực – nghe chừng không giống ai nữa rồi.

Ông Tobias Fausch, giám đốc Công nghệthông tin – công ty BayWa (Đức): Xây dựng mô hình theo chuỗi

Tìm kiếm các mô hình phát triển kinh tế – xã hội – môi trường phù hợp cho nông nghiệp vùng ĐBSCL là hết sức cần thiết và cấp bách. Kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp như vậy. Chính sách an ninh lương thực dựa vào lúa gạo được điều chỉnh theo hướng ưu tiên các mô hình có nhiều lợi thế so sánh và sản xuất nông sản theo định hướng thị trường. Quá trình này cần được hỗ trợ bởi những thay đổi khoa học – kỹ thuật như cơ giới hóa, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn…
Ở Đức, chúng tôi có các mô hình theo chuỗi. Ví dụ, những hợp tác xã đang làm công việc trồng trọt – bán hàng, thậm chí làm bao bì – hình ảnh rất là tốt. Họ có cả những cửa hàng tiêu thụ ở các góc đường. Vì chúng tôi hiểu, nếu chỉ trồng và trồng, bán thô thì không thể nào đi xa được. Bây giờ, người ta nói nhiều về chuyện ăn làm sao cho khỏe và lành chứ không phải để no. Nhìn vào các công nghệ mà thế giới đang làm, nếu các bạn muốn đạt được mục tiêu trên thì có một việc cực kỳ quan trọng cần làm đó là chuyển đổi số cũng như kết hợp cơ giới hóa. Kết quả của tất cả những quá trình này là sự thay đổi cơ cấu nông nghiệp, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp và phát triển nền kinh tế nông nghiệp theo cơ chế thị trường. Ngọc Bích(lược ghi)
Hoàng Lan (theo TGHN)