Bà Nguyễn Kim Thanh: Trái tim của bạn ở đâu thì kho báu của bạn ở đó!

61
Không ít người trước khi tham gia cuộc thi đoan chắc rằng con đường mình đi là tốt nhất, nhiều quả ngọt đang chờ hái, cho đến khi giám khảo nói vài câu “thẳng thắn” và thí sinh lập tức bị lôi tuột về với một thực tế không được trông đợi.
Giám khảo dạng này có thể ví như ‘nhà giả kim’ áo đen trong truyện “Nhà Giả kim”, ông ấy đem biếu hết tiền dành dụm của anh chàng chăn cừu Santiago cho nhóm nổi loạn để đổi lấy mạng sống cho cậu chàng, ông ấy còn khiến cậu bị đám cướp đánh một trận nhừ tử ở Kim tự tháp để biết được kho báu cậu hằng mong mỏi và tìm kiếm đang ở đâu.
Ban tổ chức cuộc thi ắt hẳn cho rằng nếu giám khảo chỉ toàn bác áo đen chắc không ai dám khởi nghiệp, vậy nên cũng có giám khảo như người chủ tiệm trà thủy tinh, và có người như vị vua già, ân cần hỏi han, chỉ bảo và cho Santiago phương tiện để thực hiện giấc mơ của mình. Và dĩ nhiên cũng có giám khảo đơn giản như nàng Fatima, cho Santiago lòng tin để tiếp tục theo đuổi giấc mơ kiếm tìm kho báu. Cá nhân tôi nghĩ giàn giám khảo như thế là quá tuyệt!
Có đội hình giám khảo ấy là bởi vì vườn khởi nghiệp nhiều màu sắc và cung bậc, từ nghề nhân dân cho đến nghề công nghệ và thời đại, nhắm đến nhiều nhóm đối tượng tiêu dùng khác nhau. Người hoài cổ, hoặc mong muốn được trải nghiệm thời mà miền Tây còn mùa nước nổi và cách trở đò ghe? Nhóm món truyền thống sẽ giúp họ. Ai có thể hình dung rằng bánh ít, bánh lá dừa một ngày đẹp trời bỗng dưng mọc cánh bay muôn phương? Món me ngào, mắm me cho ngày nắng nóng và món khô cá nướng thình lình điểm danh trong những bữa ăn chốn thành thị khiến đời sống chị em nội trợ trở nên dễ dàng hơn. Nếu với món bánh người trẻ đơn giản là tiếp tục việc kinh doanh của gia đình hơn là tinh thần “nối nghiệp”, sắc màu vì thế có phần nhạt nhòa thì các sản phẩm me của đôi vợ chồng giáo viên vùng lũ lại rất thi vị. Cây me ở ĐBSCL cứ vậy âm thầm cùng người đi qua năm tháng, gỏi bông me, me non kho cá linh mùa nước nổi, me dốt cho món kẹo me, mắm me, và thậm chí hột me mềm trong món đá me cũng tha hồ làm mưa làm gió ở các cổng trường học miền quê.
Khác nhóm nghề nhân dân, cô gái Băng Nhi gây ấn tượng với các biến hóa sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa. Dĩ nhiên là nghề này không mới, nhưng sản phẩm của em lạ, nó cho tôi cảm giác sự được chăm chút và tâm huyết mà chúng nhận từ em. Trẻ, năng nổ với cái gốc thiết kế công nghiệp, chuyên ngành mỹ thuật tạo dáng của Đại học Kiến Trúc, tôi tin rằng việc làm lương cao ở thành phố không phải quá cao xa với em. Ấy vậy mà phụ nữ trẻ ấy lại quyết định cùng chồng trở về Bến Tre khai phóng tài nguyên bản địa, thật đáng quý. Khởi nghiệp tầm này là kết hợp giữa khoa học hàn lâm và khoa học bản địa. Em định hướng trong tương lai chú trọng vào thiết kế, làm mẫu, hướng dẫn cho nghệ nhân địa phương cách làm mới và đưa những sản phẩm này ra thị trường.
Băng Nhi đưa nghệ thuật hàn lâm vào sản phẩm bản địa, còn Hồng Thắm thì dùng công nghệ để rút tinh hoa các sản phẩm bản địa đưa vào sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Một youtuber đã gọi trường hợp của Thắm là khởi nghiệp ở địa phương cần được học hỏi, anh này cũng cho rằng cần phải có tri thức để có thể chuyển nguyên vật liệu địa phương thành những sản phẩm tốt và tiện dụng. Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến này!
Xin phép mượn lời nhà giả kim cho đoạn kết: “Trái tim của bạn ở đâu thì kho báu của bạn ở đó”. Nên vui vì ngày càng có nhiều nhà khởi nghiệp đặt trái tim của họ tại quê nhà. Có nhiều cách. Bạn có thể lựa chọn giữ hồn quê, để những thế hệ tiếp theo hiểu được những khía cạnh khác nhau của lịch sử; hoặc lựa chọn dùng công nghệ hay kiến thức đương đại để khoác cho sản phẩm bản địa một bộ áo mới, hay chắp thêm đôi cánh để chúng tự do bay lượn trên bầu trời hội nhập. Nhưng trước khi làm điều đó, tham gia thi khởi nghiệp sẽ giúp nhà khởi nghiệp thực tế hơn, tôi tin như vậy!