Trong ngày thi đầu tiên của vòng bán kết 3 cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh 2023 đang diễn ra ở Hà Nội (ngày 23-24/9), khá nhiều dự án của bạn trẻ là người đồng bào dân tộc đã nhận được sự tư vấn, hướng dẫn tận tình của ban giám khảo.
Nhiều trong số các dự án vòng bán kết ở Hà Nội do các thanh niên người Tày, người Dao ở Cao Bằng, Bắc Kạn… đang có sự phát triển, liên kết được nhiều hộ nông dân là bà con dân tộc tham gia. Như dự án liên kết, sản xuất tiêu thụ chế biến thịt lợn – Bắc Kạn của Nguyễn Trọng Hoàng, dân tộc Tày, với nhiều dòng sản phẩm như thịt lợn sấy khô, lạp sườn và thịt treo gác bếp… nuôi theo mô hình tuần hoàn, chọn nái đen bản địa, nhân giống, phân sử dụng bón cho cây khoai, ngô, chuối,… làm thức ăn cho lợn. Dùng ngô ủ men vi sinh tắm cho lợn, giúp đồng bào dân tộc thiểu số địa phương có hướng ra bền vững hơn.
Giám khảo Đàm Quang Thắng – Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia đặt câu hỏi với dự án rằng, “bạn áp dụng giá ra sao, có nghĩ rằng dự án của mình nằm trong chuỗi du lịch của Bắc Kạn không? Sản phẩm không sử dụng chất bảo quản mà dùng nguyên liệu bản địa để bảo quản, liệu có được lâu không?.
Hay giám khảo Hoàng Sơn Công – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ Việt Nam, sau khi ăn thử, nhận xét: “Hương vị khá đặc trưng, nếu đây là hương vị của đồng bào dân tộc thì cần làm rõ cho mọi người biết, làm sao để thuyết phục các cơ quan ban ngành ở Bắc Kạn có thể dùng sản phẩm của mình làm quà tặng, liên hoan trong những dịp gặp gỡ”.
Trong khi đó, giám khảo Trần Nam – Giám đốc Sáng tạo Quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển thanh niên nhìn nhận, mùi khói khá rõ trong sản phẩm, nhưng mùi mắc khén (đặc trưng của đồng bào dân tộc) hay gia vị khác chưa thể hiện rõ trong đó, nên thêm vào.
“Mặt khác, chủ dự án nói bán online, nhưng chưa thấy rõ ràng địa chỉ trên kênh của mình. Ngoài ra thì cũng nên phát triển thêm kênh tiktok nữa”, giám khảo Trần Nam nhắn nhủ.
Hay như dự án từ Sơn La là mận sấy dẻo, ban giám khảo cũng cho rằng, ngoài mận thì nên chọn thêm các dòng sản phẩm chủ lực khác.
Giám khảo Phạm Hoàng Ngân – Sáng lập và điều hành Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Đầu tư kinh doanh Nông nghiệp sáng tạo (INARI), phân tích, trên bao bì chưa thấy thông tin đây là vùng mận đạt chất lượng ra sao. Bà Ngân đặt ra câu hỏi, “mình có cách nào để không dùng đường không”, hay chuyển qua dùng đường tự nhiên khác, vì nhiều người quan tâm tới sức khỏe họ sẽ rất thích…
Góp ý thêm, giám khảo Hà Việt Quân – Vụ trưởng, Chánh văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia – Uỷ ban dân tộc, cho hay, sản phẩm ghi thời gian sử dụng 2 năm thì cần xem lại có đáp ứng an toàn thực phẩm không….
Với dự án từ Cao Bằng, bảo tồn giống thuần chủng bản địa không biến đổi gen của thí sinh Triệu Đình Lụ, dân tộc Dao đến từ huyện Hà Quảng. Thuyết trình bày thi của mình, Quảng nói “học xong quay về thấy những giống thuần chủng dần biến mất, thay vào đó là giống biến đổi gen, nên em nghĩ mình cần làm gì đó để lưu giữ lại giống bản địa”.
Hiện nay Quảng tạo thu nhập cho bà con bằng cách liên kết 50 hộ dân trong bản, tuyên truyền cho bà con lưu giữ giống thuần chủng bản địa, thu mua giá cao hơn thị trường, với nhiều loại giống được lưu giữ như lạc đỏ, đỗ tương, ngô không biến đổi gen…
Nhưng giám khảo Hà Việt Quân nhận xét, bảo tồn giống liên quan đến rất nhiều yếu tố, bạn căn cứ vào đâu để làm và có gen chuẩn. Vì giống thuần chủng sẽ thoái hóa sau vài mùa vụ, do đó, mình cần xem lại cách đặt tên mà dự án mình đang có.
“Hiện nhiều nước đã xây dựng kho hạt giống thuần chủng để họ khôi phục lại, mà nhiều khi mình nghĩ nó là thuần chủng, nhưng thực ra nó đã biến đổi rồi”, ông Quân nói.
Giám khảo Hoàng Sơn Công thông tin với chủ dự án rằng, “tôi sẽ cho bạn một số thông tin của các trung tâm bảo tồn gen giống, liên kết với các cơ quan này, để nhân giống, bảo tồn, từ đó mình có nguồn gốc, giấy tờ, chứng nhận. Hay kết nối với các cộng đồng bảo tồn gen giống, thuần chủng”.
Cuối cùng giám khảo Hoàng Sơn Công bày cách thêm rằng, chỉ giống không thì khó tồn tại, nên làm ra thêm sản phẩm, như sữa đậu nành, ngô từ giống bản địa, làm thành chuỗi luôn sẽ hay hơn và có thêm đầu ra.
Những lưu ý khi phát triển dự án Farmstay
Dự án Hòn mát Farmstay được ban giám khảo đánh giá khá cao về tiềm năng, quy mô, và hường phát triển. Dù vậy, vẫn có nhiều ý kiến đưa ra nhằm giúp dự án hoàn thiện hơn. Với dự án này, ban giám khảo cho rằng, những người làm dự án có thể liên kết với các trường học để tận dụng sức mạnh cộng đồng, thông qua việc tổ chức cuộc thi, viết bài… với lượng học sinh nhiều, đó là cách marketing chủ động, không tốn tiền… mà có độ lan tỏa cao..
Bên cạnh đó, cần có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm, tham quan nuôi trồng, chăn nuôi, sản xuất…. và cần khai thác thêm các mô hình kinh doanh mặt nước, để tạo thêm những điểm mới.
Cũng với hình thức Farmstay, nhưng với thí sinh Lâm Hồng Giang từ dự án Farmstay ở Lạng Sơn, ban giám khảo có những chia sẻ chi tiết, cụ thể hơn.
Giám khảo Hà Việt Quân cho hay, dự án chưa định hướng rõ ràng do đó chưa xác định cho mình được một lộ trình cụ thể, chưa đưa thêm các yếu tố về tạo ra các sản phẩm thảo dược từ mô hình này. Cùng với đó, sự kết nối với cộng đồng cũng chưa cao, để cùng tạo ra giá trị cho người dân cùng chung sống. Bạn cần định hình được điểm đặc trưng của mô hình mình, và những định hướng triển khai từ đó.
Còn giám khảo Phạm Hoàng Ngân – Sáng lập và điều hành Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Đầu tư kinh doanh Nông nghiệp sáng tạo (INARI) nhắn nhủ chủ dự án “Bạn có đồi cỏ rộng 24ha, hãy truyền thông về nó, sẽ rất ấn tượng”.
Là một chuyên gia trong ngành du lịch, giám khảo Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện phát triển Du lịch châu Á (ATI), Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam bày tỏ, “tôi luôn trăn trở về các dự án du lịch cộng đồng, nếu xảy ra sự cố với khách du lịch, sẽ rất khó. Nên các bạn cần luôn đặt ra vấn đề sinh kế phi du lịch (vì không may xảy ra sự cố thì mình làm gì), vấn đề môi trường, văn hóa…
Một số hình ảnh buổi thi bán kết tại Hà Nội: