Bản tin công nghệ, từ 29/2 – 6/3/2024

Google đang nỗ lực sửa các lỗi trên ứng dụng Gemini AI
Motorola khoe ý tưởng điện thoại quấn quanh cổ tay: Motorola đã giới thiệu một chiếc điện thoại thông minh có thể uốn cong tại Hội Nghị Di Động Thế giới (Mobile World Congress) ở Barcelona, ​​Tây Ban Nha.
Thiết bị có màn hình P-OLED 6.9 inch, thiết kế mặt trước trông giống với các smartphone, mặt sau được bọc bởi vải dệt và khả năng uốn cong độc đáo quanh cổ tay. Người đại diện cho biết, chiếc điện thoại có khả năng “nhận biết theo ngữ cảnh” nên sẽ thích ứng hiển thị tùy thuộc vào cách thiết bị được uốn cong.
Ý tưởng của Motorola không phải là mới, vì Lenovo, Moxi Group (công ty khởi nghiệp Trung Quốc) cũng đã có một ý tưởng về một chiếc điện thoại mà người dùng có thể quấn quanh cổ tay song đến nay cả hai đều chưa được tung ra thị trường.
Ngốn hàng tỷ USD, dự án ô tô điện của Apple đã dừng lại: Theo báo cáo mới từ Mark Gurman của hãng tin Bloomberg, Apple đã chính thức hủy bỏ dự án ô tô điện. Theo tuyên bố của CEO Tim Cook, các nhân viên làm việc cho dự án Apple Car sẽ chuyển sang bộ phận trí tuệ nhân tạo của công ty để tập trung vào dự án AI. Những kỹ sư phần cứng và nhà thiết kế ô tô, một số người có thể sẽ có thể nộp đơn xin việc ở các bộ phận khác của công ty, những người còn lại có khả năng sẽ bị sa thải.
Bắt đầu dự án năm 2014, Apple muốn chế tạo một chiếc ô tô tự lái hoàn toàn không cần bàn đạp hay vô lăng, với một trung tâm chỉ huy từ xa. Dự định có thể ra mắt vào năm 2028, một chiếc xe điện giống với Tesla. Apple định giá chiếc xe này ở mức khoảng 100.000 USD, tương đương với một chiếc Tesla Model X cao cấp, trong khi các giám đốc điều hành lại lo ngại về tỷ suất lợi nhuận ở mức giá đó
Apple đã nghiên cứu “hệ thống truyền động, phần cứng và phần mềm tự lái, nội thất và ngoại thất ô tô cũng như các thành phần quan trọng khác” trong nhiều năm. Dù vậy, mọi thứ đã thay đổi, hàng tỷ USD bốc hơi cùng với việc dừng dự án Project Titan.
Apple có thể lĩnh án phạt hơn 500 triệu euro trong vụ kiện của Spotify: Apple dự kiến sẽ nhận án phạt vào ngày 5/3. Song thời điểm công bố án phạt và số tiền phạt cuối cùng có thể thay đổi tùy thuộc vào người đứng đầu cơ quan chống độc quyền của EU, bà Margrethe Vestager.
Năm ngoái, Ủy ban châu Âu đã cáo buộc nhà sản xuất iPhone ngăn Spotify và các công ty phát nhạc trực tuyến khác thông báo cho người dùng về các tùy chọn bên ngoài App Store của Apple. Cơ quan giám sát cạnh tranh của EU cho biết hành vi đó cấu thành các điều kiện giao dịch không công bằng. Ngoài án phạt tiền, EU cũng sẽ yêu cầu Apple ngừng các hành vi tương tự.
Ngoài ra, Ủy ban châu Âu cũng đang xem xét quyết định của Apple về việc loại bỏ các ứng dụng web trên màn hình chính (homescreen) đối với người dùng ở EU, điều này tuân thủ DMA. Apple cho biết người dùng EU sẽ có thể tiếp tục truy cập các trang web trực tiếp từ màn hình chính của họ thông qua dấu trang (bookmark) mà không ảnh hưởng nhiều đến chức năng của chúng.
Google đang nỗ lực sửa các lỗi trên ứng dụng Gemini AI: Ngày 27/2, Giám đốc Điều hành Google (CEO) Sundar Pichai đã chỉ trích các lỗi “hoàn toàn không thể chấp nhận được” trên ứng dụng Gemini AI. CEO Google cho biết các nhóm chuyên môn của tập đoàn đang “làm việc ngày đêm” để khắc phục những vấn đề này, song không tiết lộ thời điểm cụ thể đưa vào sử dụng trở lại tính năng tạo hình ảnh người.
Hiện các công ty công nghệ đang coi các mô hình AI như bước tiến lớn trong lĩnh vực điện toán và tích hợp những mô hình vào nhiều hoạt động, từ tìm kiếm trên mạng Internet, tự động hóa hỗ trợ khách hàng cho tới sáng tạo âm nhạc và nghệ thuật. Các chuyên gia và nhiều chính phủ cảnh báo rằng AI cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra các biến động lớn về kinh tế, đặc biệt là gây mất việc làm; thông tin sai lệch ở quy mô lớn có thể tác động tiêu cực tới các cuộc bầu cử và thúc đẩy bạo lực.
Nghi vấn Google trả tiền cho tác giả để sử dụng AI viết truyện: Theo báo cáo trên Adweek, Google đã kín đáo thực hiện các thỏa thuận này với một số nhà xuất bản, mỗi thỏa thuận có giá trị hàng chục nghìn USD mỗi năm. Các thỏa thuận này được cho là một phần của Sáng kiến Google Tin tức (GNI), một chương trình hỗ trợ các dự án truyền thông, tuy nhiên có thể gây tranh cãi.
Theo Adweek, chương trình này nhắm mục tiêu vào các nhà xuất bản nhỏ, giúp họ tạo ra nội dung tổng hợp hiệu quả hơn. Mặc dù các bản sao do AI tạo ra được mã hóa màu để biểu thị độ tin cậy, nhưng việc này vẫn gây ra những lo ngại về tính chân thực và đáng tin cậy của nội dung.
Google, họ chỉ cho biết đang khám phá các ý tưởng để cung cấp các công cụ hỗ trợ AI cho các nhà báo, nhưng công cụ này không thể thay thế vai trò của con người trong việc đưa tin và kiểm tra sự chính xác của tin.Chương trình đã gây ra những lo ngại mới về việc sử dụng AI trong việc sản xuất nội dung văn học. Các phản ứng và giám sát từ cộng đồng văn chương có thể khiến Google phải điều chỉnh hoặc chấm dứt các thỏa thuận này.
FWD hợp tác với Microsoft nâng cao trải nghiệm bảo hiểm: Tập đoàn Bảo hiểm FWD vừa thông báo mở rộng quan hệ hợp tác với Microsoft thông qua một thoả thuận có thời hạn bốn năm, cung cấp quyền truy cập những sáng kiến Trí tuệ Nhân tạo (AI) tạo sinh mới nhất, đồng thời tiếp tục hỗ trợ chiến lược công nghệ đám mây đang là ưu tiên tại FWD. Tập đoàn FWD đẩy mạnh ứng dụng AI thông qua dịch vụ Azure OpenAI và các đổi mới sáng tạo khác dành cho doanh nghiệp của Microsoft.
Tập đoàn FWD luôn nỗ lực nâng cao trải nghiệm khách hàng và cải tiến các hoạt động trong lĩnh vực tiếp quản, tiếp thị, quản lý chất lượng các kênh phân phối và tư vấn tài chính, thẩm định, giải quyết quyền lợi bảo hiểm và chăm sóc khách hàng. FWD là một trong những doanh nghiệp sớm ứng dụng Copilot cho Microsoft 365, một trợ lý AI hỗ trợ công việc hàng ngày của nhân viên. Hiện nay, có gần 200 mô hình AI đang được ứng dụng trên toàn bộ tập đoàn, với hơn 600 trường hợp sử dụng AI được triển khai thực tế.
Hoạt động của Tập đoàn FWD trải rộng khắp châu Á với hơn 11 triệu khách hàng tại 10 thị trường.
Viettel và Intel sẽ hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao và Hạ tầng Số: Trong khuôn khổ Hội nghị Di động thế giới MWC 2024 (26-29/2), Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) và Intel đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm tăng tốc nghiên cứu, phát triển và sản xuất công nghệ tiên tiến phục vụ Hạ tầng Số, Xã hội Số tương lai. Hai công ty sẽ cùng phát triển dự án trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), 5G, thiết bị thông minh, nền tảng tính toán và trung tâm dữ liệu.
Intel sẽ hỗ trợ Viettel với tư vấn kỹ thuật và quyền tiếp cận sớm các sản phẩm mới của mình. Bốn lĩnh vực cụ thể mà hai bên sẽ triển khai, bao gồm: Nghiên cứu phát triển công nghệ và giải pháp AI & 5G; Nghiên cứu phát triển và sản xuất thiết bị thông minh và nền tảng tính toán; Sáng kiến triển khai hạ tầng trung tâm dữ liệu tối ưu dành riêng cho AI & 5G; Tăng cường hợp tác trao đổi lãnh đạo cấp cao về công nghệ và đào tạo, phát triển hệ sinh thái chung và tiếp cận các thị trường mới.
Đây là những nền tảng công nghệ quan trọng hàng đầu hiện nay trên thế giới, giúp 2 bên sẵn sàng cho giai đoạn phát triển bùng nổ Hạ tầng Số phục vụ Xã hội Số.
Hợp tác với Figure AI, OpenAI đặt tham vọng lớn vào robot hình người: OpenAI, công ty tạo ra ChatGPT và Sora đã ký một thỏa thuận hợp tác với Figure AI để phát triển các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) thế hệ tiếp theo cho robot vì tin rằng chúng có thể hỗ trợ con người trong cuộc sống hàng ngày.
Figure AI cũng thông báo đã huy động được 675 triệu USD trong vòng gọi vốn loại B, định giá công ty khởi nghiệp Mỹ này ở mức 2,6 tỉ USD. Theo Figure AI, Figure-01 có khả năng hỗ trợ trong các lĩnh vực như “sản xuất, vận chuyển, kho bãi và bán lẻ”, giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động.
Robot đã nổi lên như một lĩnh vực tiên phong quan trọng mới trong ngành công nghiệp AI, cho phép áp dụng công nghệ tiên tiến vào các nhiệm vụ trong thế giới thực.
Những loại điện thoại “cục gạch” nào vẫn được hòa mạng từ ngày 1.3? : Theo thông tin từ Cục Viễn thông, căn cứ chủ trương, định hướng dừng công nghệ di động 2G, phổ cập điện thoại thông minh. Từ ngày 1.3.2024, khi người dân đi mua một sim hòa mạng mới, nếu điện thoại họ đang sử dụng là điện thoại 2G “cục gạch” (có thể cũ hoặc mới), không nằm trong danh sách được cấp giấy chứng nhận hợp quy thì sẽ bị từ chối nhập mạng.
Với những máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ 2G, đã lưu hành ở Việt Nam từ lâu và có chứng nhận hợp quy, người dùng vẫn có thể lắp sim mới để hòa mạng bình thường gồm những dòng điện thoại: Nokia 1280, Avio A101i, Samsung B200.
Ngoài ra, trong danh sách do Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông cung cấp, có tới hơn 4.000 thiết bị đầu cuối di động 2G đã được cấp giấy chứng nhận hợp quy (cập nhật đến ngày 21.8.2023), người dùng có thể tra cứu thêm tại đây: https://tqc.gov.vn/2g-only
Meta hợp tác với Samsung để giảm sự phụ thuộc vào TSMC: Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc hôm 29/2 cho biết, người sáng lập và Giám đốc điều hành Meta, Mark Zuckerberg, muốn hợp tác với hãng Samsung Electronics của Hàn Quốc trong lĩnh vực bán dẫn trí tuệ nhân tạo (AI) để ít phụ thuộc hơn vào “gã khổng lồ” chip TSMC của Đài Loan (Trung Quốc).
Theo quan chức Hàn Quốc, Giám đốc điều hành Meta cũng đề cập về sự phụ thuộc của Meta vào nhà sản xuất chip Đài Loan, mô tả tình hình hiện tại là “không ổn định”. Và Samsung có thể giúp ổn định sự phụ thuộc nặng nề của Meta vào TSMC trong bối cảnh hiện tại.
Cuộc thảo luận của Meta và Samsung xoay quanh hợp tác bán dẫn, đặc biệt liên quan đến việc sản xuất chip AI, để vận hành mô hình ngôn ngữ lớn thế hệ tiếp theo của Meta được gọi là Llama 3. Tuy nhiên, đại diện của Meta tại Hàn Quốc và Samsung đều từ chối xác nhận chính xác những nội dung các buổi làm việc.
Ấn Độ hướng tới trở thành trung tâm toàn cầu về sản xuất chất bán dẫn: Ngày 1/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định rằng quốc gia Nam Á này sẽ nổi lên là trung tâm sản xuất chất bán dẫn toàn cầu, sau khi nội các ngày 29/2 phê duyệt việc thành lập 3 nhà máy bán dẫn ở nước nằm trong khuôn khổ chương trình “Phát triển Hệ sinh thái sản xuất chất bán dẫn và màn hình ở Ấn Độ.”
Các cơ sở này sẽ được thành lập ở Dholera (bang Gujarat), Morigaon (bang Assam) và Sanand (bang Gujarat), công tác xây dựng 3 cơ sở trên sẽ bắt đầu trong vòng 100 ngày tới. Các sản phẩm bán dẫn sản xuất tại bang Assam sẽ được các công ty ôtô lớn trên toàn cầu sử dụng.
Ấn Độ công bố chương trình Phát triển Hệ sinh thái sản xuất chất bán dẫn và màn hình trong nước vào ngày 21/12/2021 với tổng kinh phí hơn 9 tỷ USD. Giới quan sát nhận định chỉ trong thời gian ngắn, lĩnh vực bán dẫn của Ấn Độ đã đạt được những thành công đáng kể.
FPT lần đầu tiên mua lại một công ty công nghệ thông tin của Nhật Bản: Ngày 1/3, Tập đoàn FPT công bố mua 100% vốn của Next Advanced Communications NAC Co., Ltd. (NAC) – Công ty dịch vụ công nghệ thông tin của Nhật Bản, thương vụ M&A đầu tiên của FPT tại Nhật Bản giúp tập đoàn này mở rộng gấp đôi tập khách hàng cũng như danh mục dịch vụ và củng cố vị thế tại thị trường này.
Thương vụ này giúp FPT tận dụng nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm và chuyên môn vững vàng của NAC trong các mảng tư vấn chiến lược, thiết kế cấu trúc, quy hoạch hệ thống công nghệ, thiết kế, phát triển và vận hành, giúp FPT đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững, đồng thời, tiến gần tới mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường Nhật Bản vào năm 2027.
thành công trong thương vụ M&A đầu tiên tại Nhật đã thể hiện cam kết đầu tư mạnh mẽ, lâu dài của FPT với thị trường trọng điểm này, tạo ra bước đà để tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động mua bán sáp nhập trong thời gian tới.
Meta khai tử tab Tin tức Facebook ở Mỹ và Australia: Theo thông báo mới nhất từ Meta ngày 1/3, tab Tin tức sẽ không còn tồn tại trên Facebook của Mỹ và Australia từ đầu tháng 4. Công ty cho biết, lượng người sử dụng tab Tin tức đã giảm đến 80% trong năm qua, chỉ chiếm chưa đến 3% trong tổng trải nghiệm của người dùng trên Facebook.
Meta đang đi theo hướng tập trung vào việc cung cấp những nội dung mà người dùng thực sự quan tâm trên nền tảng, chẳng hạn như video ngắn. Meta cũng sẽ ngừng trả tiền cho các nhà xuất bản nội dung tin tức sau khi các thỏa thuận hiện tại kết thúc. Điều này có thể tạo ra một biến động lớn trong ngành truyền thông trực tuyến.
Tuy nhiên, Meta vẫn cho phép các liên kết tin tức được chia sẻ trên nền tảng của họ và nhà xuất bản vẫn có thể đăng các liên kết tới bài viết của mình trên trang web chính thức của họ. Quyết định của Meta đang tạo ra nhiều tranh cãi và tác động đáng kể đến ngành truyền thông trực tuyến toàn cầu.
Nhật Bản lần đầu tiên chạy thử tàu hydro trên tuyến đường thực tế: Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) đã chạy thử nghiệm đoàn tàu hybrid hydro mang tên Hybari trên tuyến JR Tsurumi vào cuối tháng Hai. Hybari chạy bằng năng lượng điện kết hợp giữa hệ thống pin nhiên liệu hydro và pin lưu trữ. Phản ứng giữa hydro và ôxy sẽ sinh ra điện và nước nên hoàn toàn không thải ra khí CO2.
Tàu được trang bị các bình hydro với tổng dung tích khoảng 1.000 lít trên nóc của Hybari, bên trong tàu được lắp đặt màn hình hiển thị theo thời gian thực xem động cơ và hệ thống chiếu sáng được cấp nguồn bằng pin nhiên liệu hay pin lưu trữ, tùy thuộc vào khả năng tăng tốc và giảm tốc.
JR East đã tiến hành thử nghiệm Hybari từ tháng 3/2022 nhưng đây là lần đầu tiên vận hành trên một tuyến đường thực tế giữa 2 ga Tsurumi và Ogimachi.
Elon Musk kiện OpenAI vì từ bỏ sứ mệnh phi lợi nhuận: Vụ kiện đầy tranh cãi này bắt nguồn từ những lo ngại của Elon Musk về việc OpenAI từ bỏ sứ mệnh ban đầu của mình: tạo ra trí tuệ nhân tạo (AI) vì lợi ích của nhân loại.
Trong đơn kiện, Elon Musk và các bên khác cáo buộc rằng, OpenAI đã thay đổi mục tiêu từ việc phát triển trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AGI) vì lợi ích của nhân loại sang việc tối đa hóa lợi nhuận cho Microsoft. Điều này vi phạm các thỏa thuận ban đầu và đặt ra một thách thức lớn đối với nguyên tắc và đạo đức của tổ chức. Elon Musk, cho rằng việc này đe dọa nghiêm trọng đến tương lai của AI và nhân loại.
OpenAI phủ nhận mọi cáo buộc và tuyên bố rằng, họ vẫn cam kết với sứ mệnh phi lợi nhuận ban đầu. Cuộc chiến pháp lý này sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của cả giới doanh nghiệp và cộng đồng công nghệ, với tiềm năng thay đổi đáng kể cả trong lĩnh vực pháp lý và định hình tương lai của trí tuệ nhân tạo.
Ấn Độ lên tiếng về vụ việc Google xóa các ứng dụng trực tuyến: Bộ trưởng Công nghệ Thông tin Ấn Độ Ashwini Vaishnaw, ngày 2/3, tuyên bố quyết định xóa một số ứng dụng của nước này ra khỏi cửa hàng ứng dụng trực tuyến của nền tảng công nghệ Google là “không thể chấp nhận được.”
Trong số các ứng dụng bị loại bỏ có khoảng 150 ứng dụng thuộc nhà cung cấp Matrimony.com’s và ứng dụng tìm kiếm việc làm Naukri hiện rất phổ biến của Ấn Độ. Lý do mà Google đưa ra là các công ty đã không tuân thủ nguyên tắc thanh toán phí dịch vụ theo quy định của Play Store. Những khoản phí này dùng để phát triển và quảng bá hệ sinh thái Android và Play Store, đảm bảo việc phân phối miễn phí các công cụ và dịch vụ phân tích dành cho nhà phát triển. Tranh chấp xuất phát từ một số công ty khởi nghiệp Ấn Độ nhằm giảm bớt tỷ lệ phần trăm của khoản phí từ 11-26% mà Google áp dụng đối với các ứng dụng xuất hiện trên Play Store.
Bộ trưởng Vaishnaw nhấn mạnh: “Điều này không thể được cho phép. Kiểu hủy niêm yết này không thể được phép”.
Sẽ phủ sóng 5G trên phạm vi toàn quốc trong năm nay: Tập đoàn Viettel cho biết năm 2024 sẽ là năm chuyển đổi lớn khi mà tháng 9 này sẽ tắt sóng 2G, chỉ có sóng 4G và 5G. Năm nay đơn vị này sẽ triển khai phủ sóng 5G trên phạm vi toàn quốc.
Theo ông Tào Đức Thắng, Tập đoàn sẽ đầu tư gần 30.000 tỉ đồng để đẩy mạnh tần số bao gồm hệ thống kết nối đến các vùng sâu vùng xa, tăng cường hợp tác quốc tế, tập trung xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn để các doanh nghiệp lớn như Amazon, Microsoft có thể đặt những trung tâm dữ liệu lớn. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng tập trung triển khai chuyển đổi số cho Chính phủ, doanh nghiệp, xã hội; tập trung đẩy mạnh công nghệ cao.
Viettel kỳ vọng chính phủ tiếp tục hỗ trợ về hành lang pháp lý, chính sách, hợp tác quốc tế để tập đoàn tiếp tục phát triển lớn mạnh và có thêm các cơ hội hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài lớn trong lĩnh vực này.
SMIC vượt qua lệnh cấm của Mỹ, phát triển chip 5 nm: Dù bị giảm doanh thu, nhưng SMIC cho thấy họ không bị ảnh hưởng nhiều bởi lệnh cấm của Mỹ. Năm 2023, SMIC đạt doanh thu 6,3 tỷ USD, giảm so với 2022 (7,2 tỷ USD) và chỉ đạt lợi nhuận 900 triệu USD, bằng một nửa so với trước đó.
Mệnh trừng phạt của Mỹ khiến doanh thu của SMIC đi xuống, nhưng không đủ sức làm sụp đổ xưởng đúc lớn nhất của Trung Quốc. Công ty là đang phát triển quy trình sản xuất chip 5 nm, đồng thời mở rộng năng lực trên quy trình 7 nm, hứa hẹn giúp doanh thu tăng trở lại thời gian tới.
Hiện quy trình 7 nm của SMIC được áp dụng để sản xuất chip di động và GPU Ascend 910B dành riêng cho AI của Huawei. Dù hiệu suất thấp, SMIC có sự hỗ trợ từ chính phủ và dự kiến cải thiện sản lượng, năng suất theo thời gian.
TV360 bắt tay Globus Access phát triển TV360 tại thị trường quốc tế: Theo thoả thuận, Viettel và Globus Access sẽ cùng nhau thúc đẩy sự phát triển và mở rộng sự hiện diện của TV360 trên phạm vi toàn cầu, đưa giải pháp truyền hình của TV360 tiếp cận tới mạng viễn thông trên thế giới, mang lại lợi ích cho khách hàng và chính phủ các nước triển khai bằng việc thúc đẩy chuyển đổi số – xã hội số, phổ cập dịch vụ truyền hình của Viettel đến với khách hàng tiềm năng.
Với kinh nghiệm hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực viễn thông và tài chính, Globus Access sẽ đưa TV360 tiếp cận các thị trường mà Globus Access đang có hợp tác kinh doanh tại Đông Nam Á (Philippines), Caribe, Trung Đông và Châu Phi.
Sự kết hợp giữa Viettel Telecom và Globus Access là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển và mở rộng thị trường truyền hình thế hệ mới, cùng khát vọng và triết lý “Công nghệ từ trái tim”, TV360 mong muốn sự hợp tác này giúp cho việc đưa dịch vụ truyền hình số hiện đại đến nhiều người dùng nhanh và mạnh hơn nữa.
Samsung hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn: Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho biết Samsung sẽ tiếp tục nghiên cứu các khả năng mở rộng hợp tác với NIC và hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn.
Tổng Giám đốc Choi Joo Ho cho biết năm 2023, Samsung đã đầu tư bổ sung 1,2 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 22,4 tỷ USD. Samsung sẽ tiếp tục đầu tư thêm 1 tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam. Phó Thủ tướng đề nghị Samsung, với kinh nghiệm và năng lực của mình, tiếp tục hợp tác với Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC); hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn đến năm 2030.
Đối với hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, Samsung và Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký văn bản hợp tác với mục tiêu trong 4 năm sẽ đào tạo khoảng 40 sinh viên ưu tú của Đại học Quốc gia Hà Nội trở thành nhà lãnh đạo trong tương lai ở lĩnh vực bán dẫn.
Apple bị phạt 2 tỷ USD vì Spotify: Ngày 4/3, Ủy ban châu Âu EC cho biết đã phạt Apple 1,84 tỷ Euro (gần 2 tỷ USD) do hãng đã lạm dụng vị thế thống trị của mình trên thị trường. Ngoài số tiền 1,8 tỷ Euro, Apple cũng phải nộp phạt thêm 40 triệu Euro theo luật chống độc quyền của khu vực.
Quyết định đưa ra sau gần bốn năm, kể từ khiếu nại vào năm 2019 của dịch vụ phát nhạc trực tuyến Thụy Điển Spotify liên quan đến khoản phí 30% trên App Store cùng việc kho ứng dụng của Apple ngăn chặn người dùng tiếp cận hình thức thanh toán khác bên ngoài.
Apple cũng lên tiếng phản đối kết luận của Ủy ban châu Âu, khẳng định Spotify cũng như các dịch vụ phát nhạc trực tuyến khác đều đang phát triển mạnh tại châu Âu, một phần nhờ sự thúc đẩy từ App Store.  Ngoài ra, hãng chỉ trích tham vọng của Spotify khi muốn “viết lại những quy tắc của App Store theo hướng có lợi cho mình”. Apple sẽ đưa vụ việc ra toán án tại Luxembourg, tòa án cao thứ hai ở châu Âu.
Samsung ra mắt tủ lạnh tích hợp AI xếp hạng bảo mật IoT cao nhất:  Ngày 5/3, tập đoàn điện tử Samsung Electronics của Hàn Quốc đã công bố mẫu tủ lạnh gia đình Bespoke Family Hub Plus năm 2024, dự kiến ra mắt toàn cầu vào nửa đầu năm 2024.
Tủ lạnh Bespoke Family Hub Plus được trang bị các công nghệ AI và IoT nâng cao, trong đó có AI Vision Inside, camera bên trong tủ lạnh có thể nhận biết sự hao hụt của các thành phần thực phẩm. Người dùng có thể nhập ngày hết hạn của thực phẩm theo cách thủ công trên màn hình cảm ứng Family Hub, màn hình này sẽ thông báo sớm những trước thực phẩm sắp hết hạn sử dụng. Ngoài ra, dịch vụ Samsung Food còn đề xuất các công thức nấu ăn được cá nhân hóa dựa trên những thực phẩm đang có trong tủ lạnh.
Samsung Electronics cũng có kế hoạch mở rộng việc xếp hạng bảo mật cho nhiều dòng sản phẩm khác nhau, trong đó có cả máy hút bụi robot với công nghệ AI, để người dùng có thể tự tin sử dụng các thiết bị gia dụng AI khác nhau.
Anthropic “hâm nóng” cuộc đua AI với bộ chatbot Claude 3: Ngày 4/3, Anthropic, đã ra mắt bộ mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) Claude 3, gồm Claude 3 Opus, Claude 3 Sonnet và Claude 3 Haiku. Đây là bộ chatbot mới nhất trong cuộc cạnh tranh khốc liệt ở Thung lũng Silicon trong lĩnh vực công nghệ AI này.
Claude 3 Opus hiện là chatbot mạnh nhất, vượt trội so với các phiên bản đối thủ GPT-4 của OpenAI và Gemini 1.0 Ultra của Google trong các bài kiểm tra điểm chuẩn khác nhau. Anthropic cho biết các chatbot trong “gia đình” Claude 3 sẽ có sẵn trên các nền tảng đám mây của Amazon và Google và sẽ bán quyền truy cập trực tiếp ở 159 quốc gia, khách hàng sẽ phải trả 15 USD cho mỗi triệu chuỗi ký tự được nhập vào Claude 3 Opus.
Đây là dạng trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra nội dung và ý tưởng mới, bao gồm các cuộc trò chuyện, câu chuyện, hình ảnh, video và âm nhạc, theo cách giống như con người tạo ra.
Thử nghiệm pin Mặt Trời được chế tạo bằng kỹ thuật in 3D trong không gian:  Pin Mặt Trời được chế tạo bằng kỹ thuật in 3D do Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp khối thịnh vượng chung (CSIRO) của Australia phát triển, đã được đưa lên không gian ngày 5/3 để thử nghiệm độ tin cậy của loại pin này như một nguồn năng lượng phục vụ các sứ mệnh không gian trong tương lai.
Giám đốc phụ trách của CSIRO Kimberly Clayfield cho biết họ đánh giá tiềm năng sử dụng pin Mặt Trời như một thống năng lượng khối lượng thấp, hiệu quả cao cho các sứ mệnh không gian trong tương lai.
Nếu thử nghiệm cho thấy hiệu suất tương tự như hiệu suất đã được chứng minh trong phòng thí nghiệm, công nghệ trên sẽ mang lại những lợi thế đáng kể so với việc chế tạo pin Mặt Trời dựa trên silicon tinh thể truyền thống.
Facebook và Instagram bị “sập”, liên tục đăng xuất người dùng: Vào khoảng 10 giờ 20 phút tối 5/3 theo giờ Việt Nam, một sự cố kỹ thuật bất ngờ đã xảy ra với Facebook, khiến hàng loạt người dùng trên toàn thế giới gặp phải tình trạng bị tự động “văng” khỏi tài khoản của mình. Sự cố này không chỉ ảnh hưởng đến ứng dụng Facebook mà còn lan sang Messenger, Instagram và nền tảng web.
Nguyên nhân của sự cố chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, dường như đây là lỗi kỹ thuật từ phía máy chủ, khiến cho hệ thống không thể duy trì đăng nhập của người dùng, buộc họ phải đăng nhập lại liên tục. Mặc dù vậy, kể cả khi đăng nhập lại thành công, chỉ một vài giây sau, tài khoản lại tiếp tục bị “văng”.
Ngay sau khi nhận thấy vấn đề, hàng loạt người dùng đã lên các nền tảng mạng xã hội khác để bày tỏ sự bức xúc và tìm kiếm sự giúp đỡ.

Dinh Lê/BSA Media tổng hợp