Bản tin công nghệ, từ 3/5 – 8/5/2024

Microsoft chính thức hỗ trợ đăng nhập không mật khẩu xuyên nền tảng: Tất cả người dùng giờ đây đã có thể đăng nhập tài khoản Microsoft bằng cách tạo mã khoá (pass-key) xuyên nền tảng Windows, Androids hay iOS.
Thay đổi này sẽ giúp người dùng dễ dàng đăng nhập vào tài khoản Microsoft mà không cần nhập mật khẩu. Hiện tại người dùng có thể tạo mã khoá cho tài khoản Microsoft với tuỳ chọn bảo mật khuôn mặt, dấu vân tay, mã PIN hoặc khoá bảo mật đăng nhập trên một thiết bị khác.
Mã khoá, hay passkey là nỗ lực quan trọng của Microsoft hướng đến tương lai không cần mật khẩu. Passkey đang trở thành tiêu chuẩn của ngành công nghệ, được áp dụng bởi Apple, Google, Microsoft cùng những công ty công nghệ khác. Đến nay, hơn 400 triệu tài khoản Google đang sử dụng phương thức đăng nhập này.
Google trả Apple 20 tỷ USD để là công cụ tìm kiếm mặc định: Alphabet được cho là đã trả 20 tỷ USD riêng năm 2022 cho Apple để Google trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên trình duyệt Safari.
Năm 2023, các công tố viên cho rằng Google đang nắm 90% thị phần tìm kiếm trực tuyến, một phần nhờ bắt tay với Apple trong thương vụ đã kéo dài 18 năm. Mỗi năm, Apple nhận về 19 tỷ USD để hiển thị mặc định công cụ tìm kiếm của đối tác trên iPhone, MacBook và các sản phẩm khác của mình. Hai bên cố gắng giữ bí mật trước công chúng và chỉ nhắc tới thỏa thuận trong các kênh liên lạc nội bộ.
Đại diện Apple và Google chưa đưa ra bình luận. Thỏa thuận ngầm giữa hai gã khổng lồ công nghệ là tâm điểm của vụ kiện, trong đó các nhà thực thi luật cho rằng Google độc quyền bất hợp pháp thị trường tìm kiếm trực tuyến và quảng cáo liên quan. Bộ Tư pháp Mỹ và Google sẽ đưa ra các lập luận cuối cùng tuần này, trước khi vụ kiện được ấn định cuối năm nay.
Alibaba dự định xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam: Ông Đặng Minh Tâm, trưởng nhóm kiến trúc sư giải pháp tại Alibaba Cloud cho biết, “Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng”, “Có rất nhiều không gian để phát triển”. Alibaba có kế hoạch xây dựng một trung tâm dữ liệu tại Việt Nam để bắt kịp nhu cầu tại một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Đại diện Alibaba chưa tiết lộ mức chi phí và mốc thời gian vì thông tin chi tiết chưa được công bố. Thông thường, chi phí xây dựng một trung tâm dữ liệu có thể vượt quá 1 tỷ USD.
Một lý do khiến các công ty như Alibaba có thể muốn xây dựng máy chủ của riêng mình, bên cạnh việc cân nhắc về chi phí, là để đảm bảo tính bảo mật và kiểm soát thông tin của họ tốt hơn.
Thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đang thu hút sự đầu tư lớn của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp công nghệ như VNPT, Viettel, CMC, FPT… thời gian qua rất chú trọng đầu tư, xây dựng phát triển các trung tâm dữ liệu hiện đại, quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và cung cấp các dịch vụ đẳng cấp thế giới.
Apple bị nghi lấy cắp công nghệ từ đối tác: Theo The Information, việc trở thành đối tác Apple chưa hẳn là điều tốt đẹp. Trang này dẫn một số nguồn tin nói Apple đã tìm cách “lấy cắp công nghệ một cách hợp pháp” thông qua việc cài cắm điều khoản hợp đồng, trao cho công ty iPhone “quyền kiểm soát hoặc quyền đồng sở hữu”. Việc này giúp Apple có được công nghệ hoặc quy trình mới từ đối tác sau khi hủy hợp đồng mà không phải chịu bồi thường.
Hiện chưa có bên liên quan nào công khai xác nhận, nhưng nguồn tin cho biết Apple nhiều lần thực hiện theo cách này khi giao thông tin có được từ các công ty Mỹ cho các nhà cung cấp ở Trung Quốc – nơi có chi phí sản xuất linh kiện rẻ hơn, qua đó giúp tiết kiệm.
Do cách Apple thực hiện đều nằm trong điều khoản hợp đồng, các công ty đối tác không phản ứng công khai. Tuy nhiên, họ bắt đầu trở nên khôn ngoan hơn.
Apple chưa đưa ra bình luận.
Nhà mạng Mỹ thu tiền người dùng muốn truy cập ổn định: Nhà mạng AT&T cung cấp tùy chọn giá 7 USD cho những người muốn truy cập mạng nhanh và ổn định hơn. Tùy chọn “Turbo” được AT&T cung cấp từ ngày 2/5, đi kèm các gói cước 5G hiện có, khi đăng ký, người dùng sẽ trải nghiệm mạng có độ tin cậy và ổn định hơn, đặc biệt với các tác vụ đòi hỏi khả năng phản hồi thời gian thực.
Theo Mobile Report, cách làm của AT&T thực chất là chuyển tất cả khách hàng về mức ưu tiên thấp hơn, từ chỉ số QCI7 xuống QCI8 – thang đo mức độ ưu tiên của mạng. Khi khách hàng chi thêm 7 USD cho gói Turbo, họ được đưa trở lại QCI7.
Theo Arstechnica, AT&T có vi phạm hay không sẽ cần chờ đánh giá từ Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ FCC. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng chúng có thể được coi như việc bán giá cao cho gói cước tốc độ cao, điều vẫn phổ biến ở các nhà mạng hiện nay.
Google “nín thở” chờ phán quyết trong vụ kiện chống độc quyền ở Mỹ: Ngày 3/5, Tập đoàn Google và Bộ Tư pháp Mỹ đã kết thúc phần tranh luận cuối cùng liên quan đến cáo buộc công ty con của Alphabet vi phạm luật chống độc quyền ở mảng công cụ tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến. Vụ kiện này mang tính bước ngoặt, được đánh giá là có khả năng định hình “tương lai của Internet.”
Trong nhiều giờ tranh luận, thẩm phán Amit Mehta thuộc tòa án sơ thẩm liên bang ở Washington đã đặt câu hỏi cho cả hai bên, qua đó thăm dò xem liệu các nền tảng như TikTok của ByteDance, Facebook và Instagram của Meta có phải là lựa chọn thay thế khả thi cho các nhà quảng cáo hay không.
Đứng trước các cáo buộc này, Google khẳng định rằng người dùng vẫn có nhiều sự lựa chọn về tìm kiếm từ nhiều đối thủ như Bing của Microsoft hay Amazon và việc hãng đạt lợi thế dẫn đầu đến từ khả năng cải tiến công cụ của mình nhờ dữ liệu cũng như thói quen tìm kiếm của khách hàng.
Nga bắt đầu sản xuất điện thoại thông minh chống thu thập dữ liệu trái phép: Các công ty thuộc tập đoàn nhà nước Rostec và Rostelecom của Nga đã triển khai dây chuyền sản xuất và lắp ráp điện thoại thông minh AYYA T1 có khả năng chống rò rỉ dữ liệu.
Tính năng đặc biệt của AYYA T1 là chống lại nguy cơ thu thập dữ liệu khi chưa được cho phép thông qua các hệ thống camera và microphone, nhờ có lựa chọn tắt phần cứng. Cùng lúc đó, tính năng truy cập mạng và các ứng dụng nhắn tin tức thì vẫn được duy trì.
Theo thông tin từ hệ thống vận hành mạng điện thoại di động Aurora, thuộc Rostelecom, điện thoại thông minh AYYA T1 sẽ được cung cấp cho các khách hàng doanh nghiệp dưới 2 phiên bản, chạy hệ điều hành Android hoặc hệ điều hành Aurora OS.
Hiện khách hàng có thể đặt mua trước loại điện thoại thông minh này.
Mạng 6G sẽ nhanh gấp 500 lần 5G, thậm chí không cần cáp quang: Theo Live Science, thiết bị không dây 6G mới của các nhà phát triển Nhật Bản có thể truyền dữ liệu ở tốc độ 100 Gbps trong nhà trên băng tần 100 gigahertz (GHz) và ngoài trời ở băng tần 300 GHz – nằm dưới mức hồng ngoại trong vùng điện từ.
Với tốc độ cao và độ trễ thấp, 6G được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng ứng dụng mới dựa trên kết nối liền mạch và xử lý dữ liệu theo thời gian thực, góp phần phát triển nhiều lĩnh vực như Internet vạn vật (IoT), thành phố thông minh và thậm chí cả những trải nghiệm thực tế ảo và thực tế tăng cường tiên tiến hơn.
Tuy nhiên, do 6G dựa trên các dải tần số cao hơn nhiều nên cũng cần cơ sở hạ tầng hoàn toàn mới để truyền và khuếch đại tín hiệu. 6G có thể mở ra những giới hạn mới cho các công nghệ như xe tự lái, vốn cần kết nối dữ liệu theo thời gian thực, gần như liên tục để vận hành an toàn.
Indonesia bắt tay với tập đoàn Nvidia xây dựng trung tâm phát triển AI: Indonesia sẽ xây dựng một trung tâm phát triển Trí tuệ Nhân tạo (AI) với khoản đầu tư 200 triệu USD. Trung tâm phát triển AI (Indonesia AI Nation) sẽ được đặt tại Solo Techno Park, Trung Java – nơi có đủ cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực cũng như tài năng kỹ thuật số để phát triển, với sự hợp tác của Tập đoàn công nghệ Nvidia (Mỹ) và Công ty viễn thông Indosat Ooredoo Hutchison (IOH).
Trung tâm gồm tòa nhà Sembrani để tiến hành nghiên cứu và tòa nhà Gumarang để phục vụ phát triển công nghệ và đổi mới. Chính phủ Indonesia phát triển hệ sinh thái AI quốc gia theo mô hình của các nước phát triển đi trước. Ngoài ra, Chính phủ Indonesia cũng sẵn sàng triển khai chương trình HUB.ID để kết nối các công ty khởi nghiệp với các nhà đầu tư.
Microsoft tạo mô hình AI cạnh tranh OpenAI: Mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) mới nhất của Microsoft có tên MAI-1, chứa 500 tỷ tham số. Mức này lớn hơn mọi LLM mà Microsoft từng phát triển, cao hơn con số 70 tỷ của Meta Llama 3, nhưng thấp hơn so với một nghìn tỷ tham số của OpenAI GPT-4.
Đây cũng là LLM đầu tiên do Microsoft tự phát triển được hé lộ sau thời gian dài sử dụng sản phẩm từ OpenAI, nơi hãng đầu tư hơn 10 tỷ USD trong nhiều năm. Với năng lực mạnh mẽ, LLM mới đòi hỏi nhiều sức mạnh tính toán cũng như dữ liệu đào tạo. Microsoft được cho là đã dành một lượng lớn máy chủ trang bị chip Nvidia để phục vụ dự án này.
Apple đang tự làm một con chip AI riêng: Apple đang tiến hành phát triển một loại chip AI dành cho các trung tâm dữ liệu, động thái này của Apple đến sau nhiều nỗ lực nhằm bắt kịp các đối thủ cạnh tranh như Google và Microsoft trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).
Chip AI mới của Apple dự kiến sẽ được sử dụng để thực hiện các tác vụ trí tuệ nhân tạo trong các trung tâm dữ liệu của họ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu công ty này có sử dụng chất bán dẫn riêng phát triển chip hay không.
Apple đang đặt mục tiêu bắt kịp các đối thủ của mình trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, một lĩnh vực ngày càng trở nên quan trọng trong ngành công nghiệp công nghệ. Họ dự kiến sẽ công bố chiến lược mới về AI tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu vào tháng tới, với mục tiêu tập trung vào các tính năng mới có thể hỗ trợ người dùng trong cuộc sống hàng ngày.
Google tại Australia cho phép người dùng yêu cầu xóa thông tin cá nhân khỏi kết quả tìm kiếm: “Gã khổng lồ công nghệ” Google vừa mới phát hành một công cụ mới cho phép người dùng Australia dễ dàng tìm thấy kết quả tìm kiếm chứa thông tin cá nhân của họ và yêu cầu xóa thông tin đó.
Công cụ “Kết quả về bạn” (Results about you) của Google lần đầu tiên ra mắt vào ngày 7/5 tại Australia, cho phép người dùng biết được những thông tin về họ sẽ hiển thị như thế nào trong kết quả tìm kiếm. Theo đó, người dùng có thể yêu cầu xóa bỏ những kết quả tìm kiếm có chứa thông tin định danh cá nhân – chẳng hạn như số điện thoại, địa chỉ thư điện tử hoặc địa chỉ nhà riêng – thông qua nền tảng Google. Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể đăng ký để nhận thông báo để biết liệu những kết quả tìm kiếm sau này có chứa những thông tin cá nhân của họ hay không.
OpenAI phát triển công cụ nhận diện hình ảnh do AI tạo ra: Công cụ mới hiện đang trong quá trình thử nghiệm và chỉ hoạt động đối với các mô hình AI tạo sinh do OpenAI phát triển, như DALL-E 3, nền tảng tạo hình ảnh dựa trên những gợi ý cho sẵn bằng văn bản.
Theo OpenAI, trong quá trình thử nghiệm nội bộ, công cụ này đã phát hiện chính xác khoảng 98% các hình ảnh do DALL-E 3 tạo ra, trong khi tỷ lệ kết quả sai là chưa tới 0,5%. Tuy nhiên, công ty cũng cho biết nền tảng DALL-E 3 hiện đã được cải tiến và theo đó gây khó khăn hơn cho công cụ nhận diện hình ảnh này.
Ngoài ra, công cụ này cũng mới chỉ xác định đúng 5-10% số hình ảnh do các mô hình AI khác tạo ra. OpenAI cho biết công ty này sẽ chèn các watermark (ký tự nhận diện được làm mờ) vào hệ thống siêu dữ liệu hình ảnh AI, trong bối cảnh đang có nhiều công ty đăng ký tham gia các tiêu chuẩn của Liên minh chứng minh và xác thực nội dung (C2PA).
Samsung mua lại công ty AI Sonio của Pháp: Tập đoàn công nghệ Samsung của Hàn Quốc ngày 8/5 thông báo sẽ mua lại Sonio, công ty trí tuệ nhân tạo (AI) của Pháp, nhằm củng cố vị thế trong lĩnh vực chẩn đoán y tế tiên tiến.
Theo thông tin được công bố, Samsung sẽ mua lại toàn bộ cổ phần của Sonio với giá 126 tỷ won (khoảng 92 triệu USD). Tuy nhiên, thương vụ này vẫn cần được các cơ quan quản lý liên quan phê duyệt, trong đó có Chính phủ Pháp. Sau khi hoàn tất, Sonio sẽ tiếp tục hoạt động độc lập và duy trì trụ sở chính tại Pháp.
Công nghệ AI của Sonio sử dụng học máy để nâng cao độ chính xác, chất lượng và hiệu quả phân tích hình ảnh siêu âm. Sản phẩm Sonio Detect, được cấp phép sử dụng tại Mỹ, hỗ trợ phân tích hình ảnh thai nhi, bao gồm cấu trúc não và tim.
Việc mua lại Sonio đánh dấu bước tiến mới trong chiến lược phát triển các dịch vụ AI của Samsung.
Dinh Lê/BSA Media (tổng hợp)