Bản tin công nghệ, từ 4 – 10/4/2024

Google lên kế hoạch tính phí công cụ tìm kiếm được hỗ trợ AI. Biểu tượng Google. Ảnh: EPA/TTXVN

Apple hồi phục sau sự cố sập dịch vụ giữa đêm: Theo Reuters, các dịch vụ của Apple đã bất ngờ gặp sự cố sập trên diện rộng, gây ảnh hưởng đến hàng triệu người dùng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, các vấn đề đã được giải quyết và hoạt động đã được khôi phục trở lại.

Theo thông tin từ trang trạng thái hệ thống của Apple, sự cố đã ảnh hưởng đến một loạt các dịch vụ, bao gồm App Store, nền tảng phát trực tuyến video và âm nhạc Apple TV+ và Apple Music. Ngoài ra, các vấn đề cũng đã được báo cáo xảy ra với dịch vụ thể dục Apple Fitness+, cũng như các dịch vụ như Arcade, Audiobook, Books và Podcasts.

Dù gặp sự cố, nhưng khả năng phục hồi nhanh chóng của Apple đã được đánh giá cao. Việc khôi phục hoạt động của hầu hết các dịch vụ chỉ sau một thời gian ngắn đã giúp giảm thiểu bất tiện cho người dùng và khôi phục lại sự tin tưởng vào hệ thống của công ty.

Google lên kế hoạch tính phí công cụ tìm kiếm được hỗ trợ AI: Báo cáo cho biết “gã khổng lồ” công nghệ này đang xem xét nhiều lựa chọn khác nhau, bao gồm cả việc kết hợp các tính năng tìm kiếm được hỗ trợ bởi AI vào các dịch vụ đăng ký cao cấp của mình, vốn đã cung cấp quyền truy cập hỗ trợ Gemini AI mới trong Gmail và Docs.

Động thái này sẽ đánh dấu lần đầu tiên Google đưa bất kỳ sản phẩm cốt lõi nào của mình vào sau “bức tường phí” (paywall), khi hãng này tìm cách giành được chỗ đứng trong không gian AI đang phát triển nhanh chóng. “Bức tường phí” là bức tường ngăn cách giữa nội dung và người đọc, yêu cầu họ phải đóng phí để có thể “qua cửa”. Thông thường, độc giả sẽ được đọc một số ít tin bài miễn phí, nhưng họ cần phải trả tiền nếu muốn truy cập vào những bài có nội dung chuyên sâu.

Báo cáo cho biết thêm, công cụ tìm kiếm truyền thống của Google sẽ vẫn miễn phí và quảng cáo sẽ tiếp tục xuất hiện cùng với các kết quả tìm kiếm ngay cả đối với những người đăng ký.

Apple đang chế tạo robot gia đình: Theo Bloomberg, Apple hiện ở giai đoạn đầu của việc chế tạo một loại robot mới phục vụ gia đình – một nỗ lực được xem là “điều lớn lao tiếp theo” sau những sản phẩm đã thành danh như iPhone, iPad. Robot được trang bị màn hình và camera, có thể theo dõi người dùng bên trong và xung quanh nhà.

Nguồn tin cho biết, robot sẽ làm nhiệm vụ theo dõi, cung cấp thông tin hoặc đưa ra cảnh báo nếu nhận thấy thành viên gia đình gặp nguy hiểm. Màn hình trên máy có thể thay iPhone, iPad để thực hiện cuộc gọi FaceTime nhưng sẽ có nhiều chức năng hơn, chẳng hạn phóng to một người cụ thể trong đám đông.

Cũng theo nguồn tin, việc chế tạo robot diễn ra trong bộ phận kỹ thuật phần cứng và nhóm AI do giám đốc John Giannandrea điều hành. Matt Costello và Brian Lynch, hai lãnh đạo phụ trách sản phẩm gia dụng, làm nhiệm giám sát việc phát triển phần cứng. Apple chưa đưa ra bình luận.

Trung Quốc chế tạo máy bay chở hàng không người lái, tốc độ 300km/h: Công ty Công nghiệp máy bay Tây An (Trung Quốc) là nhà phát triển và sản xuất mẫu máy bay chở hàng không người lái HH-100. Mẫu máy bay không người lái chở hàng hoàn thành bước thử nghiệm cuối cùng vào ngày 3.4.

Theo nhà sản xuất, cuộc thử nghiệm cho thấy máy bay thể hiện hiệu suất ổn định, khả năng tự động kiểm soát quá trình lăn bánh, sẵn sàng cho chuyến bay đầu tiên. Công ty Công nghiệp Máy bay Tây An là công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC).

Với trọng lượng cất cánh tối đa 2.000 kg, HH-100 có tải trọng 700 kg, quãng đường bay 520 km với tốc độ hành trình lên tới 300 km/h.Máy bay không người lái có thể hoạt động ở độ cao tối đa 5.000 mét, phù hợp với nhiều lĩnh vực khác nhau. Khả năng cơ động của HH-100 có thể đáp ứng hậu cần trung chuyển, chữa cháy hay giám sát hoả hoạn, cũng như phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Cảnh báo AI tạo sinh làm gia tăng rủi ro tấn công mạng toàn cầu: Trong báo cáo công bố ngày 4/4, Munich Re cho biết công ty này đã ghi nhận sự gia tăng đột biến các cuộc tấn công mạng trong những tháng qua, trong đó hình thức tấn công mã độc tống tiền (ransomware) chiếm phần lớn.

Cổng thông tin điện tử tích hợp dữ liệu Statista dự báo tội phạm mạng toàn cầu hằng năm sẽ gây tổn thất 13.800 tỷ vào năm 2028, tăng từ 8.150 tỷ USD vào năm 2023. Các chuyên gia của Munich Re cảnh báo các cuộc tấn công có xu hướng “tự động hóa và cá nhân hóa” do kẻ tấn công có thể sử dụng thư điện tử lừa đảo và cuộc gọi điện thoại giả mạo do AI điều khiển để đánh lừa nạn nhân. Về khía cách tích cực, AI sẽ ngày càng hỗ trợ các nỗ lực bảo đảm an ninh mạng. AI và các công nghệ liên quan có thể được sử dụng để nâng cao năng lực phát hiện và phản ứng, đồng thời cũng áp dụng được trong ngành bảo hiểm an ninh mạng.

Mặc dù bảo hiểm an ninh mạng đã giúp nâng cao khả năng phục hồi, Munich Re cảnh báo rằng khả năng chịu rủi ro của ngành bảo hiểm có những giới hạn tự nhiên

Công ty mẹ của Facebook từ chối yêu cầu sửa đổi thỏa thuận về quyền riêng tư: Meta Platforms đã từ chối yêu cầu của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) nhằm sửa đổi thỏa thuận về quyền riêng tư năm 2020, đồng thời lưu ý rằng Meta đã tự nguyện tiết lộ hai lỗi kỹ thuật liên quan đến ứng dụng Messenger Kids cho cơ quan này.

Trong một hồ sơ công bố ngày 4/4, công ty mẹ của Facebook đã tiết lộ các lỗi này vào tháng 7/2019, đồng thời cho biết Meta đã chi 5,5 tỷ USD cho chương trình quyền riêng tư và các sáng kiến về quyền riêng tư liên quan. Hồi tháng 3/2024, một tòa phúc thẩm Mỹ đã ra phán quyết rằng chủ sở hữu Instagram không thể ngăn FTC mở lại cuộc điều tra về các hoạt động bảo vệ quyền riêng tư đối với Facebook, bất chấp sự phản đối của Meta rằng họ đã nộp phạt 5 tỷ USD và đồng ý với một loạt biện pháp bảo vệ.

Meta cũng đã phủ nhận việc gây hiểu lầm cho các bậc cha mẹ về rủi ro quyền riêng tư, đồng thời đã kiện FTC vào tháng 11/2023 về khả năng quyền hạn của cơ quan này vừa là cơ quan điều tra vừa là cơ quan xét xử.

Meta gắn nhãn nội dung do AI tạo ra trên Facebook và Instagram: Ngày 5/4, tập đoàn Meta công bố một số thay đổi lớn trong chính sách quản lý của hãng trên 2 nền tảng mạng xã hội Facebook và Instagram bắt đầu từ tháng 5 tới, Meta sẽ tiến hành gắn nhãn “Made with AI” (do AI tạo ra) đối với những video, hình ảnh và audio được xác định tạo ra bởi các công cụ AI.

Cách tiếp cận này sẽ thay đổi cách thức Meta xử lý nội dung bị thao túng, chuyển từ tập trung gỡ bỏ một số lượng hạn chế các bài đăng sang vẫn duy trì những nội dung đó trong khi thông tin cho người xem về cách nó được tạo ra.Tháng 2 vừa qua, Meta từng công bố kế hoạch phát hiện và gắn nhãn các hình ảnh được tạo bởi công cụ trí tuệ nhân tạo của các công ty khác, bằng cách sử dụng một bộ điểm đánh dấu vô hình được tích hợp trong các tệp. Tuy nhiên, khi đó tập đoàn này lại không đưa ra thời điểm cụ thể bắt đầu triển khai thực hiện kế hoạch.

Người phát ngôn của Meta cho biết, phương pháp gắn nhãn chỉ áp dụng cho nội dung được đăng trên Facebook, Instagram và Threads. Các dịch vụ khác của tập đoàn này, bao gồm ứng dụng WhatsApp và tai nghe thực tế ảo Quest, sẽ được quản lý bởi các quy định khác nhau.

Tin tặc đánh cắp dữ liệu của Bộ Tư pháp Israel nhằm phản phản đối xung đột Gaza: Bộ Tư pháp Israel thông báo đang đánh giá một “sự cố mạng” xảy ra ngày 5/4 sau khi các đối tượng tin tặc tìm cách đột nhập các máy chủ của bộ và tuyên bố đã đánh cắp hàng trăm gigabytes (GB) dữ liệu nhằm phản phản đối xung đột tại Gaza.

Trước đó, một nhóm mang tên “Anonymous for Justice” (Nặc danh đòi công lý) đã thừa nhận tiến hành cuộc đột nhập mạng này, đồng thời khẳng định đã đánh cắp được 300 GB dữ liệu. Trên trang web của mình, nhóm trên khẳng định sẽ tiếp tục tấn công Israel “cho đến khi xung đột tại Gaza kết thúc” và cũng công bố một số files dữ liệu có được trong cuộc đột nhập, như các tài liệu pháp lý, các dự thảo thỏa thuận song phương, hợp đồng được đánh dấu mật…

Hiện thông tin này chưa được kiểm chứng. Bộ Tư pháp cho biết đã chuẩn bị trước kịch bản tấn công mạng như vậy, và hoạt động của bộ không bị ảnh hưởng.Trong tuần này, Ban Quản lý mạng quốc gia (NCD) của Israel đã dự báo nguy cơ gia tăng tấn công mạng vào ngày cuối cùng của tháng lễ Ramadan (5/4).

Tesla ra mắt taxi tự lái vào tháng 8/2024: Ngày 5/4, tỷ phú Elon Musk cho biết hãng xe Tesla của ông sẽ cho ra mắt taxi tự lái (robotaxi) vào mùa Hè này. Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh việc áp dụng phương tiện tự lái đang gặp phải những trở ngại về tốc độ vì lý do an toàn.

Ông chủ hãng sản xuất ô tô điện không cung cấp thông tin chi tiết, song cho biết sự kiện ra mắt Tesla Robotaxi sẽ diễn ra vào ngày 8/8. Sau thông báo này trên mạng xã hội X, cổ phiếu của Tesla đã tăng hơn 3%. Tỷ phú Musk từ lâu đã tự hào về những gì Tesla đang thực hiện trên hệ thống dành cho ô tô điện tự lái. Trong một bài đăng trên X vào tháng 3/2024, ông viết: “Những mẫu xe Tesla với FSD (tự lái hoàn toàn) sẽ siêu phàm đến mức trong tương lai sẽ có vẻ kỳ lạ khi con người lái ô tô!”. Ông Musk cũng cho biết chủ sở hữu xe Tesla có FSD sẽ có thể sử dụng ô tô của họ như robotaxi.

Tuy nhiên, việc triển khai các phương tiện tự lái ở Mỹ vẫn đang đối mặt với nhiều thử thách và khó khăn do cả cơ quan quản lý và công chúng đều lo ngại về mức độ an toàn.

Chuyên gia công nghệ khuyến cáo không nên trả tiền chuộc dữ liệu cho tin tặc: Thời gian qua, 2 doanh nghiệp lớn là Công ty Cổ phần Chứng khoán VN-Direct và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) đã chịu nhiều hậu quả sau sự cố tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền (ransomware).

Điều này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đối về mức độ nguy hiểm của phương thức tấn công mạng này. Vấn đề trang bị các giải pháp để bảo vệ hệ thống thông tin và dữ liệu cần được các đơn vị quan tâm, đầu tư hơn nữa để nâng cao năng lực phòng, chống tấn công mạng, đặc biệt trong bối cảnh tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền không ngừng gia tăng về số lượng, cũng như mức độ tinh vi, phức tạp.

Cục An toàn thông tin sẽ tăng cường rà soát, phát hiện, đánh giá các lỗ hổng bảo mật trên các hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, tập đoàn; đồng thời yêu cầu các đơn vị thực hiện các biện pháp bảo vệ hệ thống thông tin theo đúng quy phạm pháp luật.

Alibaba giới thiệu nhân viên AI đầu tiên hỗ trợ lập trình: Ngày 2/4, tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Alibaba Cloud đã chính thức giới thiệu trợ lý mã hóa của mình, được xem là “nhân viên AI” đầu tiên của tập đoàn mang tên “Tongyi Lingma”, Tongyi Lingma được cấp cả mã số nhân viên chính thức (AI001), thẻ nhân viên, giấy phép làm việc và sơ yếu lý lịch.

Được biết, tất cả nhân viên đều có thể truy cập và sử dụng trợ lý AI này, Tongyi Lingma được thiết kế chủ yếu để hỗ trợ hầu hết các tác vụ lập trình, dự đoán rằng Tongyi Lingma sẽ hỗ trợ viết ít nhất 20% mã của công ty trong tương lai, có khả năng giúp các lập trình viên tiết kiệm đến hàng giờ làm việc.

Tongyi Lingma thành thạo hơn 200 ngôn ngữ lập trình và xuất sắc 16 ngôn ngữ. Thử nghiệm chính thức cho thấy nó đặc biệt có khả năng nhận biết nhiều tệp và khả năng thích ứng với môi trường làm việc của Alibaba Cloud. Tuy nhiên, việc áp dụng nhanh chóng các trợ lý AI đã làm dấy lên những cuộc tranh luận về tương lai của công việc lập trình.

Người dùng iPhone phải đối mặt với ngày càng nhiều rủi ro: Từ trước tới nay, người dùng iPhone của Apple luôn có tư tưởng “thoải mái” hơn người dùng điện thoại Android do khả năng bảo mật tốt của “nhà táo”. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những rủi ro nhắm tới người dùng điện thoại của “táo cắn dở” đang xuất hiện ngày một nhiều.

Thông tin cá nhân, hình ảnh, thông tin thanh toán được người dùng lưu trên iPhone của Apple đang trở thành mục tiêu “nóng” của nhiều cá nhân, tổ chức để lợi dụng và các mục đích xấu. Khi ứng dụng giả xuất hiện ngày càng nhiều, một số người dùng đã báo cáo về việc bị đánh cắp tiền điện tử sau khi sử dụng ví điện tử giả mạo này và mã độc, mối nguy hại khó nhận biết nhằm đánh cắp dữ liệu nhận dạng khuôn mặt, giấy tờ tùy thân và theo dõi tin nhắn SMS của người dùng, nó thu thập tất cả thông tin cần thiết từ nạn nhân để tạo các bản deepfake nhằm đưa ra các video giả mạo và tự động chiếm quyền truy cập vào ứng dụng ngân hàng của nạn nhân.

Doanh thu Ngành Thông tin và Truyền thông tăng 11,8% trong 3 tháng đầu năm: Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết trong 3 tháng đầu năm 2024, doanh thu toàn Ngành Thông tin và Truyền thông ước đạt 971.197 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 23,3% so với kế hoạch năm (4.171.172 tỷ đồng). Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 23.118 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 22,8% so với kế hoạch năm (101.593 tỷ đồng).

Một điểm sáng của ngành Thông tin và Truyền thông trong tháng Ba là việc đấu giá thành công băng tần dành cho phát triển 4G/5G. Tại buổi họp báo, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay đơn vị này đã ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BTTTT ngày 29/3/2024 quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn.

Trong thời gian tới, Thông tin và Truyền thông cho biết cũng sẽ tổ chức đo lường, đánh giá, công bố xếp hạng mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh và của quốc gia (DTI).

Thêm một cường quốc G7 đầu tư nhiều tỷ USD vào trí tuệ nhân tạo: Ngày 7/4, Thủ tướng Justin Trudeau đã nói rằng Chính phủ Canada sẽ dành một khoản 2,4 tỷ CAD (1,76 tỷ USD) trong dự thảo ngân sách năm 2024 để phát triển năng lực về trí tuệ nhân tạo (AI) của quốc gia này.

Ông Trudeau nói rằng đây là một khoản đầu tư lớn cho tương lai của đất nước, tương lai của người lao động, nhằm đảm bảo rằng mọi ngành công nghiệp và mọi thế hệ đều sẽ có được các công cụ để đạt được sự thành công và thịnh vượng trong nền kinh tế của tương lai.

Chính phủ Canada cũng đang có kế hoạch thành lập Viện an toàn AI trị giá 50 triệu CAD để chống lại cái mà họ gọi là “hệ thống AI tân tiến hoặc bất chính” và dành hơn 5 triệu CAD khác để triển khai Đạo luật Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo. Dự kiến, Chính phủ Canada sẽ công bố dự thảo ngân sách năm nay vào ngày 16/4 tới, trong đó sẽ tập trung nhiều vào việc giải quyết vấn đề về nhà ở.

Trung Quốc sản xuất hàng loạt máy bay chở khách không người lái: Cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) đã cấp giấy chứng nhận sản xuất hàng loạt cho hãng Ehang với phiên bản EH216-S. Đây là chứng chỉ sản xuất đầu tiên trên thế giới cấp cho ngành eVTOL toàn cầu. Chứng chỉ đánh dấu cột mốc hướng tới sản xuất hàng loạt máy bay eVTOL dành cho hoạt động thương mại trong tương lai gần.

Ehang là công ty công nghệ di chuyển hàng không đô thị hàng đầu thế giới. Ehang có trụ sở tại Quảng Châu, đã nhận được chứng chỉ loại tiêu chuẩn từ CAAC vào năm ngoái, theo CGTN. Phiên bản EH216-S được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như vận chuyển hành khách, du lịch hàng không, hậu cần hàng không và ứng phó khẩn cấp y tế.

Theo ông Hu, mục đích của Ehang là giới thiệu eVTOL không người lái an toàn, đáng tin cậy ra thị trường toàn cầu, từ đó cung cấp các dịch vụ di chuyển trên không an toàn, tự chủ và thân thiện với môi trường

Mexico triệu hồi hơn 4.000 xe điện Tesla do lỗi phần mềm: Ngày 8/4, Văn phòng bảo vệ người tiêu dùng Mexico (Profeco) thông báo triệu hồi hơn 4.000 xe Tesla hiện đang lưu thông tại nước này do lỗi phông chữ trên bảng đồng hồ trung tâm liên quan đến các cảnh báo về phanh, dừng và đỗ xe.

Các dòng xe trong diện triệu hồi kiểm tra lần này bao gồm 389 chiếc Tesla M3 phiên bản năm 2023, 523 chiếc MX năm 2022-2023 và hơn 3.000 chiếc MY năm 2020-2023. Profeco cho biết sẽ phối hợp với đại diện của Tesla tại Mexico thực hiện các quy trình triệu hồi và kiểm tra, nhấn mạnh lý do triệu hồi xe là vì kích thước phông chữ tín hiệu báo phanh, dừng và đỗ xe của các mẫu xe trên nhỏ hơn 3,2 mm. Cỡ chữ này có thể quá nhỏ để  thu hút sự chú ý của người lái xe, từ đó làm tăng nguy cơ va chạm và tai nạn.

Sau khi triệu hồi, hãng sẽ cập nhật phần mềm nhằm tăng kích thước phông chữ. Ngoài ra, hãng sản xuất xe điện của Mỹ sẽ điều chỉnh các giao thức mạch để tăng khả năng tích hợp chức năng mở khóa của của các dòng xe MX và MS phiên bản năm 2021-2023.

Italy cân nhắc tăng mức phạt đối với tội phạm dùng công cụ AI: Chính phủ Italy đang thảo luận một dự luật nhằm đưa ra hình phạt cứng rắn hơn đối với tội phạm sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI), bao gồm gian lận thị trường và rửa tiền. Dự luật gồm 25 điều, quy định những nguyên tắc chung về nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển, phê duyệt và ứng dụng AI ở Italy, tạo hành lang pháp lý để đối phó với “tác động đến các quyền cơ bản” và các rủi ro kinh tế, xã hội liên quan.

Phạm vi của dự luật bao phủ việc sử dụng các công cụ AI trong lĩnh vực y tế và tư pháp, tập trung vào tác động đối với các điều kiện việc làm. Đồng thời, dự luật này cũng đặt nền móng cho việc xây dựng chiến lược quốc gia của Italy về trí tuệ nhân tạo. Văn bản này cũng đưa ra mức phạt đối với hành vi vi phạm bản quyền thông qua AI và phạt tù lên tới 3 năm đối với những đối tượng sử dụng các công cụ AI để thay thế người khác.

Reuters dẫn hai nguồn tin chính phủ cho biết, nội các Italy sẽ “bật đèn xanh” cho dự luật trên vào cuối tháng 4. Văn bản này sẽ được trình Quốc hội xem xét để có những điều chỉnh cần thiết và phê duyệt lần cuối trước khi có hiệu lực.

Microsoft sẽ đầu tư 2,9 tỷ USD để mở rộng hạ tầng AI và đám mây tại Nhật Bản: Ngày 9/4, tập đoàn Microsoft cho biết sẽ đầu tư 2,9 tỷ USD trong vòng 2 năm tới để mở rộng hệ thống hạ tầng AI và đám mây của hãng tại Nhật Bản. Số tiền nói trên sẽ được sử dụng vào việc đào tạo các kỹ năng liên quan đến AI cho 3 triệu công nhân trên khắp đất nước và thành lập một phòng thí nghiệm mới của Microsoft Research Asia ở Tokyo.

Phòng thí nghiệm mới này sẽ tập trung đặc biệt vào các lĩnh vực bao gồm nghiên cứu AI và robot cũng như những phát minh khoa học phù hợp với các ưu tiên kinh tế-xã hội của Nhật Bản. Microsoft Research Asia sẽ cung cấp các khoản tài trợ nguồn lực trị giá 10 triệu USD cho Đại học Tokyo và cho hợp tác nghiên cứu trí tuệ nhân tạo giữa Đại học Keio và Đại học Carnegie Mellon trong 5 năm tới.

Bên cạnh đó, Microsoft cũng sẽ hợp tác với Chính phủ Nhật Bản để tăng cường khả năng phục hồi an ninh mạng cho các cơ quan, doanh nghiệp và xã hội, đây là khoản đầu tư lớn và quan trọng nhất của hãng trong suốt 46 năm hoạt động tại Nhật Bản.

Messenger cập nhật loạt tính năng mới, người dùng có thể gửi file lên tới 100MB:Messenger giờ đây đã hỗ trợ chia sẻ hình ảnh HD và video có độ phân giải cao hơn trong cuộc trò chuyện thông qua ứng dụng.

Người dùng có thể gửi các tập tin với dung lượng lên tới 100MB thay vì 25MB như trước đây trực tiếp qua ứng dụng Messenger. Tính năng mới này hỗ trợ tất cả các định dạng tập tin phổ biến, bao gồm Word, PDF, Excel và zip. Messenger bổ sung tính năng tạo album chung trong cuộc trò chuyện nhóm, giúp người dùng chia sẻ, sắp xếp và cùng người thân, bạn bè hồi tưởng những kỷ niệm gắn với những hình ảnh, video đó.

Ngoài ra, người dùng Messenger có thể dễ dàng kết nối với những người bạn mới bằng cách quét mã QR Messenger của họ hoặc chia sẻ mã QR của mình. Trong tương lai, Messenger sẽ tiếp tục cải thiện thông qua các phiên bản cập nhật và tính năng mới nhằm nâng cao trải nghiệm sử dụng ứng dụng của người dùng.

Dinh Lê/BSA Media (tổng hợp)