Bản tin thị trường – ngày 20/1/2021

433
Chủ tịch Goût Français Jean Luc Cabirol giới thiệu về giấy chứng nhận thực phẩm, đồ uống và món ăn đạt chuẩn Pháp. Ảnh: Hữu Long
Tiêu điểm:
Goût Français mang văn hóa ẩm thực Pháp đến với người Việt
Văn hóa ẩm thực và nghệ thuật sống của người Pháp sẽ đến với người dân TP.HCM qua tập hợp gồm 34 các nhà hàng, các nhà nhập khẩu rượu vang và thực phẩm Pháp đạt được chứng nhận của Goût Français.
Trong buổi ra mắt tại TP.HCM sáng 20/1, ông Jean Luc Cabirol – Chủ tịch của Goût Français – nói hiện có 34 đơn vị là các doanh nghiệp Việt và Pháp đạt được chứng nhận và là hội viên của Goût Français. Trong năm nay, Goût Français sẽ mở rộng số thành viên lên 60-80 và đặt mục tiêu hoạt động khắp các tỉnh thành Việt Nam.
Để đạt được chứng nhận của Goût Français, theo ông Cabirol, các doanh nghiệp Việt – Pháp tại TP.HCM phải thỏa ít nhất ba điều kiện: Một, doanh nghiệp có một người quốc tịch Pháp hay một người quốc tịch Việt Nam nhưng đã từng đi học hay đào tạo tại Pháp. Hai, tuân thủ các tiêu chí về nguyên liệu và chế biến các loại thực phẩm và món ăn Pháp. Ba, đạt các chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm tại Việt Nam.
Ông Cabirol cũng nói rằng: “Các nhà hàng và nhà phân phối thực phẩm Pháp có tiềm năng phát triển lớn tại Việt Nam, nhờ vào nhu cầu và mức sống của người dân ngày càng được nâng cao”.
Goût Français là sáng kiến của các chuyên gia ẩm thực và nhà doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam nhằm cung cấp giấy chứng nhận giúp người tiêu dùng Việt Nam an tâm về chất lượng và an toàn thực phẩm của thực phẩm và món ăn Pháp. Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV) và Business France là hai cơ quan tổ chức dự án này với sự bảo trợ của Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM.
Riêng Tổng lãnh sự Vincent Floreani phát biểu rằng giấy chứng nhận góp phần tăng cường sự hiện diện của các món ăn, sản phẩm và rượu vang Pháp, cũng như tận dụng hiệu lực của hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA).
Chính phủ Pháp luôn quan tâm bảo vệ các giá trị truyền thống và danh tiếng của ẩm thực Pháp. Năm 2014, một đạo luật về fait mason đã ra đời nhằm ngăn chặn các nhà hàng Pháp sử dụng các món ăn đã làm sẵn, đã chế biến sẵn rồi hâm nóng và đem ra bàn cho thực khách. Chính phủ Pháp khuyến khích các nhà tự nấu nướng, theo đúng nghĩa đen của từ này là tự chuẩn bị từ sơ chế khâu nguyên liệu, chế biến và đưa ra bàn món ăn hoàn chỉnh. Các nhà hàng đạt chuẩn sẽ được cấp dấu hiệu fait mason – logo cách điệu với cái chảo ở phía dưới và mái nhà có ống khói ở phía trên.
Nay, các nhà ngoại giao, nhà doanh nghiệp và đầu bếp Pháp khởi sự một sáng kiến hoàn toàn mới Goût Français để mang lại hương vị ẩm thực Pháp cho người yêu ẩm thực ở Việt Nam.
Chủ tịch Goût Français Jean Luc Cabirol (thứ hai từ trái) và Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM Vincent Floreani (thứ hai từ phải) cùng chứng kiến lễ cắt “bánh ba vua” mang lại may mắn. Ảnh: Hữu Long
1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,85- 56,40 triệu đồng/lượng, không đổi so với ngày 19/1, chênh lệch giá hai đầu là 550.000 đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng trên sàn Kitco hiện đang được giao dịch ở mức 1.849 USD/ounce. Theo giới phân tích, giá vàng tăng nhẹ trở lại khi đồng USD suy yếu trước khi diễn ra bài phát biểu của ứng cử viên Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen với triển vọng về việc có thêm các gói kích thích tài khóa sẽ thúc đẩy sức hấp dẫn của vàng như một hàng rào chống lạm phát.
2/ Cảng Cái Mép Gemadept – Terminal Link (Gemalink) đã chính thức đón chuyến tàu thương mại đầu tiên sau giai đoạn xây dựng. Chuyến tàu thương mại đầu tiên cập cảng Gemalink thuộc tuyến JAX trên hải trình kết nối giữa châu Á với Mỹ. Siêu tàu này của Hãng tàu CMA – CGM có tải trọng 165.375 DWT, chiều dài 365,5 m và sản lượng container xếp/dỡ đạt gần 8.500 Teu. Cảng Gemalink được chính thức khởi công xây dựng từ tháng 02/2019, là một trong 19 cảng nước sâu trên thế giới có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay, lên đến 200.000 DWT. Đồng thời, đây là cảng nước sâu duy nhất khu vực Cái Mép – Thị Vải có bến chuyên dụng cho tàu feeder và sà lan kết nối khu vực TP.HCM, Đồng bằng sông Cửu Long, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn và các nước trong khu vực như Philippines, Thái Lan, Campuchia…
3/ UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có quyết định công nhận vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao đầu tiên trên địa bàn. Vùng chăn nuôi này thuộc địa bàn xã Đạ Ròn và Tu Tra, huyện Đơn Dương với tổng diện tích 10.639 ha. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, vùng chăn nuôi bò sữa hai xã Tu Tra và Đạ Ròn hiện đạt 5 tiêu chí ứng dụng công nghệ cao về tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị. 100% doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân đáp ứng các tiêu chí chăn nuôi công nghệ cao và sử dụng các chế phẩm sinh học để bảo vệ môi trường. Vùng này cũng đạt quy mô tối thiểu từ 10.000 con bò sữa trở lên. Đến hết năm 2020, toàn huyện Đơn Dương có trên 15.000 con bò sữa, chiếm khoảng 64% tổng đàn bò sữa Lâm Đồng.
4/ Năm 2021, tỉnh Tiền Giang tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại nội địa, phấn đấu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 70.500 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2020. Theo đó, Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình phát triển thương mại điện tử và xây dựng Sàn Giao dịch điện tử phục vụ các doanh nghiệp kết hợp kết nối cung cầu, khảo sát thị trường; khuyến khích các đơn vị tham gia các hội chợ thương mại tổ chức trong ngoài tỉnh nhằm quảng bá sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường, giải quyết việc làm và an sinh xã hội. Đồng thời, mở điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP Tiền Giang và đặc sản tỉnh nhà tại phường 6, thành phố Mỹ Tho.
5/ Vừa qua, FPT Software đã thành lập Trung tâm sản xuất quốc tế đầu tiên tại San José, thủ phủ của Costa Rica. Đây là văn phòng thứ 52 của FPT Software trên phạm vi 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Phục vụ khách hàng Mỹ, thị trường khó tính hàng đầu thế giới, với lợi thế về địa lý và nguồn nhân lực, trung tâm sản xuất Costa Rica sẽ giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo duy trì vận hành liên tục 24/7 cũng như hỗ trợ khách hàng ngay tức khắc khi cần. Cũng hỗ trợ cho thị trường Mỹ, FPT Ấn Độ (đặt tại Hyderabad) đi vào hoạt động cuối năm 2020 sẽ cùng FPT Costa Rica tạo nên một chuỗi cung ứng dịch vụ, giải pháp công nghệ, chuyển đổi số khép kín cho khách hàng Mỹ.
6/ Cước tàu biển vốn đã tăng mạnh trong các tháng cuối năm 2020 vì thiếu hụt container rỗng, lại tiếp tục tăng một cách chóng mặt trong tháng 1 này. Theo VASEP, thông tin từ các doanh nghiệp thủy sản cho thấy, bước sang tháng 1 này, cước tàu biển đi EU tiếp tục tăng rất mạnh, với mức tăng từ 145-276% (tùy theo cảng). Cụ thể, hồi tháng 12/2020, giá cước cảng chính là 2.850 USD/cont (container), sang tháng 1/2021 đã tăng lên tới 7.000 USD/cont (tăng 145%). Một số hãng tăng từ 2.800 USD/cont lên tới 10.550 USD/cont (tăng 276%). Giá cước tàu biển đi Mỹ vốn đã cao, trong tháng 1 này tiếp tục tăng, dù mức tăng không lớn như cước tàu đi EU. Giá cước tàu đi Nhật Bản cũng tăng từ 50-100 USD/cont.
7/ Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau cho biết việc Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) – còn gọi là Brexit – đã khiến gần 2.500 việc làm và khoảng 50 doanh nghiệp tại Anh chuyển số tài sản có trị giá ít nhất là 170 tỷ euro (205 tỷ USD) sang Pháp vào cuối năm 2020. Ông de Galhau cho rằng sự dịch chuyển đó là điều đã được dự báo và xu hướng này sẽ gia tăng trong năm nay. London vẫn là trung tâm tài chính hàng đầu, nhưng Amsterdam, Dublin, Frankfurt và Paris đều đang cạnh tranh để thu hút các doanh nghiệp muốn hoạt động tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). EU vẫn cho phép các trung tâm thanh toán bù trừ của London được phép duy trì hoạt động trên phạm vi toàn châu Âu trong 18 tháng, do khối này không có các trung tâm thanh toán bù trừ riêng. Tuy nhiên, khi hết thời hạn trên, các giao dịch tài chính bằng đồng euro về lý thuyết sẽ phải được xử lý tại các nước EU.
8/ Nhiều doanh nghiệp và địa phương ở Trung Quốc đã tung ra hàng loạt các chế độ phúc lợi để giữ chân lao động ngoại tỉnh ở lại nơi làm việc trong dịp Tết năm nay. Thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang tặng phiếu mua hàng trị giá 500 nhân dân tệ (khoảng 1,8 triệu đồng Việt Nam), miễn phí xe buýt, chỗ đỗ xe và vé vào các điểm du lịch, kêu gọi chủ nhà trọ giảm 1/2 tiền thuê nhà… cho lao động ngoại tỉnh vào dịp Tết. Hay như thành phố Hàng Châu, cũng thuộc tỉnh Chiết Giang phát cho mỗi người ở lại thuộc diện này 1.000 nhân dân tệ tiền mặt (khoảng 3,6 triệu đồng Việt Nam) để ăn Tết. Chính quyền thành phố Thiên Tân còn hỗ trợ doanh nghiệp phát cho mỗi nhân viên xa nhà ở lại 300 nhân dân tệ (hơn 1 triệu đồng Việt Nam), mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ tối ta 300.000 nhân dân tệ (hơn 1 tỷ đồng Việt Nam).
9/ Theo trang The Verge, kênh phim và chương trình truyền hình quốc tế Netflix hiện có 203,6 triệu người đăng ký trên khắp thế giới. Netflix đã đạt được thành công mới nhất sau khi phát triển bật tốc từ nửa đầu năm 2020. Netflix đã phá kỷ lục với 37 triệu người dùng có trả phí trong năm 2020 và thu về 20 tỉ USD doanh thu hàng năm. Dù vậy, hãng dự đoán kênh của họ sẽ chỉ có thêm khoảng 6 triệu người đăng ký trong quý 1/2021, so với 15,8 triệu người cùng kỳ năm ngoái. Giới quan sát nhận định Netflix hiện đang đối đầu với sự cạnh tranh lớn trong năm nay, khi các đối thủ của hãng đang phát triển tốt. Đặc biệt, Disney+ đã có năm ra mắt đầu tiên thành công với 87 triệu người đăng ký có trả phí, theo Đài CNBC.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Bản tin thị trường – ngày 19/1/2021