Bản tin thị trường – ngày 23/10/2020

636
Chỉ riêng giai đoạn 1990-2015, có hơn 2,5 triệu người Việt di cư ra nước ngoài và trung bình mỗi năm tăng thêm gần 100.000 người - Ảnh: Nikkei
Tiêu điểm:
Kết cuộc buồn từ đồng tiền người làm xa xứ
“Một bộ phận không nhỏ người lao động tại nước ngoài khi về nước không có công ăn việc làm, chỉ “ăn không ngồi rồi”. Sau một thời gian ăn tiêu hết tiền, lại tiếp tục đi làm thuê”.
Ông Phạm Văn Hòa, đại biểu đoàn Đồng Tháp, phát biểu trong phiên thảo luận chiều nay 23/10 của Quốc hội về Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ước tính chỉ riêng giai đoạn 1990-2015, có hơn 2,5 triệu người Việt di cư ra nước ngoài và trung bình mỗi năm tăng thêm gần 100.000 người. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ghi nhận có 540.000 lao động Việt đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài trong năm 2019. Chỉ riêng năm ngoái, có hơn 141.000 người Việt ra nước ngoài làm việc.
Tuy nhiên, trớ trêu là lao động Việt Nam thuộc nhóm có thu nhập thấp tại nước ngoài, trung bình mỗi tháng gửi về nhà 735 USD. Nhưng theo báo cáo “Hai mặt của đồng tiền: Câu chuyện của người nhận kiều hối” của công ty tài chính UniTeller công bố tháng 12/2019, mức gửi này cao xấp xỉ 10 lần mức thu nhập 73 USD/tháng của các hộ gia đình nhận tiền ở nông thôn Việt Nam.
“Cường quốc kiều hối”
Từ con số 1,3 tỷ USD trong năm 2000, lượng kiều hối chảy về Việt Nam luôn tăng đều và dồi dào, trừ năm 2009 khi khủng hoảng tài chính nổ ra. Năm ngoái, lượng tiền từ nước ngoài gửi về vượt quá cột mốc 16 tỷ USD. Tuy nhiên, thái độ và sử dụng hiệu quả nguồn tiền khổng lồ lại gợi nhiều suy tư…
Các số liệu của World Bank về kiều hối tại Việt Nam trong ba năm qua đều tăng với con số ấn tượng: 13,8 tỷ USD trong năm 2017, 15,9 tỷ USD trong năm 2018 và 16,7 tỷ USD trong năm 2019. WB nói tỷ lệ tăng trưởng trung bình của nguồn tiền này là 10-15% trong hơn một thập niên qua.
Mười quốc gia nhận được dòng kiều hối mạnh mẽ trong năm 2019 là Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico, Philippines, Ai Cập, Nigeria, Pakistan, Bangladesh, Việt Nam và Ukraine. Nguồn kiều hối của Ấn Độ đạt 82,2 tỷ USD, chiếm 2,8% GDP của nước này. Kế đến là Trung Quốc với 70,2 tỷ USD, chiếm 0,5% GDP.
Số ngoại hối 16,7 tỷ USD trong năm 2019 là do công sức khó nhọc của 4,5 triệu người Việt (bao gồm Việt kiều) lao động tại 103 quốc gia và lãnh thổ. Các số liệu thống kê chính thức của Việt Nam nói lượng tiền xuất khẩu lao động hàng năm đạt 2,5-3 tỷ USD, khoảng 15% tổng lượng kiều hối. Như vậy, số tiền của người Việt ở nước ngoài gửi về giúp đỡ thân nhân chiếm tỷ lệ áp đảo 85%.
Đồng tiền khó, thái độ dễ?
Phần lớn nguồn tiền đổ về TP.HCM, có khi tỷ lệ lên đến 50%, và được tái đầu tư vào thị trường bất động sản và ngoại hối khi lãi suất tiết kiệm ở Việt Nam cao hơn nước ngoài. Nhiều căn hộ, biệt thự, khu đất được Việt kiều nhờ người thân có quốc tịch Việt Nam mua và đứng tên. Nguồn tiền đầu tư này giúp thị trường bất động sản trong nước trong hai thập niên qua thêm sôi động.
Trong khi đó, các số liệu của Ngân hàng Agribank và các ngân hàng khác ở Việt Nam cho thấy các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh trung bình nhận 250-500 triệu USD mỗi năm nhưng đang có chiều hướng giảm dần và giảm mạnh trong ba năm qua. Vụ tai tiếng “nạn nhân xe thùng” ở Anh, các vụ du khách trốn ở lại ở Hàn Quốc và Đài Loan – mà phần lớn đến từ các tỉnh này – đã khiến hồ sơ xin visa ở các tỉnh này bị đại sứ quán, tổng lãnh sự quán nước ngoài xếp vào “danh sách đen” – không cấp hay đòi hỏi thủ tục gắt gao khi xin visa! Vì thế, lượng lao động đi nước ngoài giảm!
Chưa có số liệu thống kê người dân địa phương xài số tiền này như thế nào. Nhưng ở nhiều làng quê, những căn nhà khang trang  được mọc lên từ những đồng tiền khó nhọc của những người xa xứ làm việc cật lực gửi về. Bên cạnh đó là smartphone đắt tiền, xe sang hay nhà từ đường, nhà thờ tổ hay lăng mộ nguy nga!
Trong khi đó, khảo sát của UniTeller cho thấy tiền gửi về được chi trả cho các khoản: 24% cho các khoản chi quan trọng thường nhật trong gia đình, 25% để trả nợ, 14% để dành và còn lại dùng để trả các khoản liên quan đến tới giáo dục và y tế…
Nguồn tiền từ người thân ở nước ngoài đã cải thiện chất lượng cuộc sống cho hơn 74% người Việt tham gia khảo sát. Bên cạnh đó, 73% cho biết nguồn tiền nước ngoài đã giúp họ trang trải những chi tiêu mà bản thân họ không thể chi trả trước đây.
“Từ nguồn thu nhập phụ trợ cho gia đình và người thân, kiều hối đã trở thành nguồn tiền huyết mạch để cải thiện vị thế kinh tế và xã hội của người nhận”, báo cáo của UniTeller nhận định.
Kết quả khảo sát của UniTeller cho thấy 99% người Việt hoàn toàn tự tin mình có thể tự chủ trong việc sử dụng đồng kiều hối. Nhưng có tới 21% thừa nhận họ thường xài đến đồng cuối cùng của người thân gửi về mỗi tháng và 35% có xu hướng tìm đến người gửi để… xin thêm!
Mối quan hệ tiền bạc đang tạo áp lực lên các mối quan hệ gia đình và gây căng thẳng cho người lao động đang làm việc ở nước ngoài. Cứ 10 người ở nước ngoài thì có 3 phàn nàn họ phải chịu “sứt mẻ tình thân” và đau đầu vì chuyện gửi tiền về mỗi tháng!
Lẽ nào đồng tiền cực khổ của người xa xứ lại có kết cuộc buồn?
Các lao động Việt Nam thuộc nhóm có thu nhập thấp tại nước ngoài, trung bình mỗi tháng gửi về nhà 735 USD – Ảnh: Nikkei Asia
1/ Theo chỉ đạo ban hành hôm nay 23/10 của Ngân hàng Nhà nước, tuỳ vào khả năng tài chính, người đi vay có thể được ngân hàng miễn giảm lãi và tiếp tục được cấp thêm vốn vay mới để khôi phục sản xuất sau mưa lũ. Các chi nhánh, phòng giao dịch tại vùng lũ lụt được yêu cầu tổng hợp thiệt hại, kịp thời cơ cấu lại hạn trả nợ cho khách hàng vay vốn. Bên cạnh đó, cán bộ ngân hàng cần hướng dẫn khách làm thủ tục và xử lý nợ đối với khách vay bị thiệt hại theo quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn… Danh sách các địa bàn nằm trong diện hỗ trợ đợt này là các tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên.
2/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,83 – 56,33 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 70.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với giá khảo sát sáng qua. Giá vàng thế giới trên sàn Kitco đang được giao dịch quanh mức 1.905,2 USD/ounce, giảm 19,1 USD, tương đương 0,99% giá trị so với chốt phiên trước.
3/ Casino Phú Quốc vẫn đạt doanh thu 700 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020 bất chấp đại dịch Covid-19. Doanh nghiệp này đã nộp thuế hơn 212 tỷ đồng cho Nhà nước. Doanh thu này bao gồm cả tiền bán vé cho người Việt vào chơi casino sau khi Chính phủ cho phép người Việt được vào chơi casino khi đáp ứng các điều kiện theo quy định. Cũng theo Bộ Tài chính, kết quả kinh doanh của 8 casino còn lại trên cả nước là Hồ Tràm, Nam Hội An, Đồ Sơn, Lợi Lai, Hoàng Gia, Khách sạn Hồng Vận, khách sạn quốc tế Lào Cai, Silver Shores cũng rất khả quan.
4/ Theo Nikkei Asia, Mitsubishi Heavy Industries đã tiến gần đến quyết định cuối cùng về việc hoãn vô thời hạn chương trình máy bay phản lực của mình. Điều này đã đặt ra nghi ngờ về hy vọng cho chiếc máy bay chở khách đầu tiên do Nhật Bản chế tạo trong nửa thế kỷ. Chương trình này, được gọi là SpaceJet, đã bị liên tục bị trì hoãn kể từ khi ra mắt vào năm 2008 và hiện đang phải đối mặt với sự suy giảm trên toàn cầu về nhu cầu du lịch hàng không do đại dịch Covid-19. Những khó khăn từ chương trình SpaceJet đã góp phần khiến Mitsubishi Heavy ghi nhận một khoản lỗ trước thuế hàng năm đầu tiên trong hai thập kỷ qua. Mitsubishi Heavy đã có kế hoạch để chuyển nhiều nguồn lực hơn vào thiết bị phát điện để thay thế cho mảng hàng không.
5/ Theo Market Watch, ngân hàng Goldman Sachs hôm nay đã cho biết sẽ nộp phạt 2,8 tỷ USD cho nhà chức trách Mỹ để khép lại cuộc điều tra liên quan tới vai trò của ngân hàng này trong bê bối tham nhũng tại quỹ đầu tư 1Malaysia Development Berhad (1MDB). Theo đó, tổng số tiền ngân hàng này phải nộp phạt lên đến hơn 5 tỷ USD. Cùng với đó, Goldman Sachs ra quyết định thu hồi tiền thưởng vào năm 2011 của các cựu lãnh đạo, bao gồm cựu CEO, cựu giám đốc hoạt động, cựu giám đốc tài chính và hai cựu phó chủ tịch với tổng số tiền là 67 triệu USD. Ngân hàng cũng sẽ giảm 31 triệu USD tiền thưởng của CEO hiện tại, giám đốc hoạt động, giám đốc tài chính và CEO.
6/ Hôm nay, Nhật Bản và Anh đã chính thức ký thỏa thuận thương mại tự do (FTA) song phương hậu Brexit (sau khi Anh rời Liên minh châu Âu), nhằm đảm bảo duy trì tính liên tục trong hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước sau khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp Brexit. Đây là thỏa thuận thương mại đầu tiên Anh ký với một nền kinh tế lớn sau khi nước này rời EU vào tháng 1 năm nay, trong bối cảnh London chưa hoàn tất đàm phán thương mại với liên minh châu Âu cũng như với Mỹ, Australia và New Zealand. Điều này cũng được xem là một bước tiến quan trọng đối với mục tiêu của Anh hướng tới gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo thỏa thuận, Anh sẽ ngay lập tức bãi bỏ thuế đối với các mặt hàng toa tàu và phụ tùng xe hơi của Nhật Bản, đồng thời từng bước bãi bỏ thuế đối với xe hơi của Nhật Bản xuống mức 0% vào năm 2026.
Nhật Bản và Anh đã ký kết một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) – Ảnh: Nikkei
7/ Hãng hàng không American Airlines của Mỹ thông báo mức thua lỗ 2,4 tỷ USD trong quý 3/2020, trong bối cảnh hoạt động hàng không trên thế giới đình trệ do tác động của đại dịch Covid-19. Hãng cũng đã phải cắt giảm mức chi phí xuống 44 triệu USD/ngày so với mức trung bình 58 triệu USD/ngày trong quý trước đó. American Airlines mới đây cũng đã cho nghỉ việc 19.000 nhân viên sau khi nỗ lực tìm kiếm thêm nguồn hỗ trợ tài chính từ chính phủ liên bang gặp thất bại.Thêm vào đó, khoảng 20.000 nhân viên khác đã phải nghỉ hưu sớm hoặc nghỉ phép dài hạn trong bối cảnh American Airlines cũng như các hãng hàng không khác đang cố nỗ lực để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.
8/ Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ cho biết sẽ sớm thông báo cắt giảm thêm việc làm ở Mỹ, Canada và các quốc gia khác, sau khi đã cắt giảm các hoạt động ở châu Âu và Australia. Tập đoàn này, cũng như toàn bộ lĩnh vực dầu mỏ, bị ảnh hưởng nặng nề do nhu cầu năng lượng giảm khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng khắp thế giới. ExxonMobil đã cắt giảm đáng kể chi phí bằng cách hoãn các khoản đầu tư hơn 10 tỷ USD và cắt giảm 15% chi phí hoạt động. Họ cũng đã bắt đầu chương trình cho nghỉ việc tự nguyện tại Australia vào đầu tháng 9 và thông báo vào đầu tháng 10 về việc loại bỏ 1.600 việc làm đến cuối năm 2021 ở châu Âu.
9/ Nguồn cung thịt heo trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới ở Trung Quốc – nước tiêu thụ thịt heo hàng đầu thế giới, sẽ tăng 30% so với năm ngoái. Tết Nguyên đán là ngày lễ quan trọng nhất của Trung Quốc và thịt heo theo truyền thống được phục vụ trong các bữa tối đoàn tụ của hàng triệu gia đình trên khắp Trung Quốc đoàn tụ. Các nhà chăn nuôi heo đã xây dựng 12.500 trang trại heo quy mô lớn mới trong ba quý đầu năm và khởi động lại hơn 13.000 trang trại trống. Năm ngoái, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã đặt mục tiêu khôi phục đàn heo lên 80% mức bình thường vào cuối năm 2020.
10/ Coca-Cola đã thông báo rằng họ sẽ ngừng cung cấp một số loại đồ uống được yêu thích như Tab, Zico và Odwalla nhằm giảm danh mục đầu tư của công ty. Công ty này đã gặp khó khăn trong thời kỳ đại dịch vì nhiều nhà hàng đóng cửa. Trong quý 3, doanh thu ròng giảm 9% xuống còn 8,7 tỷ USD. Việc giảm danh mục đầu tư sẽ cho phép Coca-Cola tập trung vào các dịch vụ sinh lợi nhất của mình. Bao gồm các sản phẩm cốt lõi của hãng như Coca-Cola Zero Sugar cũng như các thương hiệu phù hợp với các danh mục mới hợp thời, như Topo Chico và AHA, một loại nước có ga chứa caffeine mà công ty đã ra mắt vào năm ngoái.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Nhật Ngọc khai trương Cà phê khởi nghiệp Mr. Khoai Lang tại Vĩnh Long