Vinfast sẽ xuất xe hơi điện tự lái sang Mỹ và châu Âu từ tháng 6/2022
Ba mẫu xe điện tự lái mới công bố của Vinfast sẽ được xuất sang thị trường Mỹ và châu Âu kể từ tháng 6 năm tới, chậm hơn một năm so với kế hoạch mà tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã công bố cuối năm 2019.
Một phần nguồn vốn cho việc phát triển các dòng xe mới này sẽ đến từ đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trị giá 6.980 tỷ đồng, tương đương 302 triệu USD, dự kiến vào tháng 2 tới. Ba dòng xe thể thao VF31, VF32 và VF33 sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho một số chức năng như điều chỉnh hướng lái, đậu xe và công nghệ bản đồ 3D. Hãng xe Việt Nam sẽ sử dụng chip của hãng Nvidia.
Vinfast sẽ bắt đầu nhận đơn đặt hàng các dòng xe này từ tháng 11/2021 và dự kiến các dòng xe điện tự lái made-in-Vietnam sẽ lăn bánh trên đường phố Mỹ, Canada và châu Âu từ tháng 6/2022.
Tuy vậy, các nhà phân tích nói thị trường xe điện tại Việt Nam, bao gồm xe máy và xe hơi, sẽ phát triển rất khiêm tốn trong các năm tới bởi hai lý do. Một, hệ thống đường sá chưa đạt chuẩn quốc tế, đặc biệt với dòng xe tự lái. Hai, mạng lưới các trạm xạc điện rộng khắp.
1/ Giá vàng miếng SJC ở mức 56,15- 56,65 triệu đồng/lượng, tăng tiếp 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 150.000 đồng/lượng chiều bán ra, chênh lệch hai đầu là 500.000 đồng mỗi lượng. Trên thị trường thế giới, giá vàng trên sàn Kitco hiện đang được giao dịch ở mức 1861,7 USD/ounce, tăng 6,2 USD, tương đương 0,33% so với chốt phiên trước. Giá vàng đang được hỗ trợ bởi kỳ vọng về một gói kích thích tài chính mới tại Mỹ.
2/ UBND tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức hội nghị trực tuyến kí kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn AVG Capital Partners (Liên bang Nga) về triển khai dự án tổ hợp chế biến thịt heo. Theo đó, dự án Tổ hợp chế biến thịt heo tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá với tổng số vốn đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD, quy mô chăn nuôi 5 triệu con/năm trên diện tích ít nhất 1.000 ha, nhà máy sản xuất thức ăn hỗ hợp với công suất 2 triệu tấn/năm và nhà máy chế biến với sông suất 0,6 triệu tấn/năm với tổng diện tích khoảng 400 ha. Dự án sẽ được chia thành 3 giai đoạn và phân chia thành 2 nhóm phù hợp với từng giai đoạn xây dựng tuỳ theo điều kiện tài chính.
3/ Từ ngày 31/3 tới, các ngân hàng sẽ dừng phát hành thẻ từ để chuyển sang phát hành thẻ chip đối với các thẻ có số BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp. Đến 31/12/2021, 100% các máy ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam của tổ chức thanh toán thẻ tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Theo đó, các đơn vị ngân hàng cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông rộng rãi cho khách hàng các thông tin về thời gian ngừng phát hành thẻ từ; quy trình, thủ tục phát hành các dòng sản phẩm của thẻ chip nội địa; Sớm xây dựng và triển khai chính sách phí dịch vụ phù hợp để tạo điều kiện phát triển sản phẩm thẻ nội địa nói chung và thẻ tín dụng nội địa nói riêng.
4/ Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep), kim ngạch xuất khẩu cá ngừ năm 2020 đạt 649 triệu USD, giảm 9,8% so với cùng kỳ 2019. Vasep nhận định, đại dịch bùng phát tại nhiều nơi trên thế giới đã tác động đến sức mua mặt hàng này. Điều này dẫn đến xuất khẩu cá ngừ qua các tháng không ổn định và có xu hướng giảm so với 2019. Vasep dự báo xuất khẩu cá ngừ năm 2021 chưa thể phục hồi, do nhiều nguyên nhân. Việt Nam xuất khẩu cá ngừ sang 108 thị trường. Tuy nhiên, kim ngạch sang các thị trường chính năm qua hầu hết đều giảm. Điểm sáng là Canada, một trong 5 thị trường lớn của Việt Nam bên cạnh Mỹ, EU, Đông Nam Á và Israel. Xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này 11 tháng đầu năm 2020 đạt 25 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ.
5/ Bộ Tài chính cho biết, chỉ tiêu trần nợ nước ngoài so với GDP đến cuối năm 2020 được duy trì trong giới hạn an toàn được Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Bộ cũng cho biết nợ nước ngoài của khu vực công, gồm nợ của chính phủ và do chính phủ bảo lãnh, được kiểm soát chặt chẽ. Nợ nước ngoài của khu vực công có xu hướng giảm trong cơ cấu nợ nước ngoài của Việt Nam: từ 73,6% trong năm 2010 xuống còn 63,4% trong năm 2015 và 43,7% trong năm 2020.
Theo baochinhphu.vn, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ nước ngoài của khu vực công cũng được kiểm soát chặt chẽ, từ mức trung bình 13%/năm giai đoạn 2011 -2015 giảm xuống còn khoảng 3%/năm giai đoạn 2016 – 2020, góp phần bồi đắp dư địa chính sách, kiềm chế nghĩa vụ nợ trực tiếp và dự phòng của ngân sách nhà nước. Ông Võ Hữu Hiển – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính, cho biết vay nước ngoài của chính phủ vẫn chủ yếu là các khoản viện trợ phát triển chính thức (ODA) có lãi suất ưu đãi, chiếm đến 98% nợ nước ngoài của chính phủ.
6/ Ba hãng hàng không có vốn nhà nước hàng đầu Trung Quốc đã hoãn nhận hơn 100 máy bay của Boeing và Airbus. Trong đó, China Southern Airlines, China Eastern Airlines và Air China đã hoãn nhận 58 máy bay Boeing và 53 máy bay Airbus. Tuy nhiên, họ vẫn nhận phi cơ trong các đơn hàng với Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC). Đây là tín hiệu ủng hộ nhà sản xuất Trung Quốc trong năm đại dịch. Đồng thời, sự lựa chọn của ba ông lớn hàng không Trung Quốc cũng làm nổi bật tầm quan trọng chiến lược của COMAC. Ba hãng bay này đã bổ sung 12 tàu bay ARJ21 của COMAC vào đội bay của họ. Một nửa đơn hàng năm ngoái của COMAC được giao cho China Southern Airlines, China Eastern Airlines và Air China. Phần còn lại đến tay các hãng nhỏ hơn như Chengdu Airlines, Genghis Khan Airlines và China Express Airlines.
7/ Microsoft đã chính thức đầu tư hơn 2 tỷ USD vào hãng xe tự lái của GM, giúp Cruise tăng vọt giá trị thị trường từ 19 tỷ USD vào năm 2019 lên 30 tỷ USD. Là một phần của giao dịch, xe tự hành Cruise sẽ sử dụng nền tảng điện toán đám mây Azure của Microsoft. Ngoài ra, GM cũng sẽ hợp tác với Microsoft để đẩy nhanh việc triển khai chiến lược kỹ thuật số, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và khám phá các cơ hội, nhằm đơn giản hóa hoạt động của chuỗi cung ứng, mang lại cho khách hàng các dịch vụ mới. hoản đầu tư chính thức của Microsoft vào Cruise cũng đồng nghĩa với việc những gã khổng lồ công nghệ Mỹ sẽ tham gia vào mảng xe tự hành. Trong đó, 4 công ty với giá trị thị trường hơn 1 ngàn tỷ USD, bao gồm Apple, Microsoft, Amazon và Google.
8/ Giá trị xuất khẩu hàng hóa của Australia đã tăng vọt trong tháng cuối của năm 2020, đạt mức 9 tỷ AUD, tăng 7,4 tỷ AUD so với tháng trước. Thặng dư thương mại bất chấp tác động từ đại dịch Covid-19 và quan hệ căng thẳng với đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc trong suốt cả năm vừa qua đã tiếp tục làm dấy lên triển vọng hồi phục kinh tế của Australia trong năm 2021. Theo số liệu cập nhật của Cơ quan Thống kê Australia (ABS), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước này trong tháng 12/2020 đạt 34,9 tỷ AUD, tăng 4,9 tỷ AUD, tương đương mức tăng trưởng 16%. Trong đó, với mức tăng gần 3,6 tỷ AUD, các mặt hàng xuất khẩu gồm quặng kim loại, ngũ cốc và than đá là động lực chính thúc đẩy thặng dư thương mại trong tháng vừa qua. Trong khi giá trị xuất khẩu tăng thì kim ngạch nhập khẩu của Australia lại giảm giảm 2,5 tỷ AUD, xuống mức 26 tỷ AUD.