Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử
1. ‘Gã khổng lồ’ bán lẻ Nhật Bản Seven & i mở rộng ‘đế chế’ 7-Eleven
“Gã khổng lồ” bán lẻ của Nhật Bản Seven & i Holdings ngày 30/11 đã đồng ý mua chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tại Australia với giá 1,71 tỷ AUD (1,1 tỷ USD), gia tăng quyền sở hữu thương hiệu này. Nhà bán lẻ xăng và cửa hàng tiện lợi Australia, thuộc sở hữu của gia đình Withers và Barlow, đã bắt đầu quá trình bán mảng kinh doanh trên, bao gồm 751 cửa hàng, vào đầu năm nay.
Trong một thông báo, Seven & i Holdings cho biết thỏa thuận trên sẽ cho phép Seven & i khẳng định vị thế dẫn đầu trong thị trường cửa hàng tiện lợi ở Australia, nơi có tiềm năng tăng trưởng đáng kể. Seven & i nhận thấy cơ hội để phát triển ở Australia do đó tập đoàn này tích cực mở các cửa hàng mới ở hầu hết các bang của Australia.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-ga-khong-lo-ban-le-seven-i-mo-rong-de-che-7-eleven-post911173.vnp
2. Xu hướng mua sắm bền vững lên ngôi
Nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàng tân trang và hàng đã qua sử dụng ở Anh, cũng như trên khắp châu Âu đã tạo ra mảng kinh doanh trị giá 1 tỷ bảng Anh (1,3 tỷ USD) cho Amazon. Nhiều nhà bán lẻ và nhà sản xuất kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục khi người mua hàng bị ảnh hưởng bởi giá cả và chi phí vay tăng cao, tìm cách tiết kiệm tiền mặt và mua sắm bền vững hơn.
Ông John Boumphrey, Giám đốc chi nhánh Amazon tại Vương quốc Anh (Amazon UK), cho biết, chỉ riêng ở Anh, “gã khổng lồ” thương mại điện tử đã bán được hơn 4 triệu sản phẩm đã qua sử dụng hoặc tân trang với giá ưu đãi trong năm ngoái. Ông cho biết thêm, trong 9 tháng kể từ đầu năm 2023, doanh số bán hàng cũ của Amazon tại Anh đã tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu của Amazon UK vào năm 2022 là 24 tỷ bảng Anh.
Nguồn: https://bnews.vn/xu-huong-mua-sam-ben-vung-len-ngoi/316708.html
3. Siêu thị Emart mới sắp khai trương ở TP HCM
Ngày 7-12 tới, một đại siêu thị Emart nữa sẽ chính thức khai trương tại tầng 1, Trung tâm thương mại Thiso Mall Trường Chinh – Phan Huy Ích (385 Phan Huy Ích, phường 14, quận Gò Vấp). Đây là đại siêu thị Emart thứ ba tại TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Với diện tích hơn 10.500m2, Emart Phan Huy Ích là một trong những siêu thị lớn nhất tại TP HCM. Tại đây thiết kế và trưng bày quầy kệ theo hướng tiện dụng, bắt mắt với lượng hàng hóa dồi dào, kiểm soát chất lượng và nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng. Emart ưu tiên phát triển hàng hóa Việt Nam kết hợp với các chương trình khuyến mãi diễn ra liên tục trong năm.
Nguồn: https://nld.com.vn/can-canh-dai-sieu-thi-thu-3-cua-ti-phu-tran-ba-duong-sap-khai-truong-o-tp-hcm-196231205224905414.htm
4. Việt Nam và Campuchia kết nối thanh toán bán lẻ song phương sử dụng QR code
Ngày 3-12-2023, tại Siem Reap, Vương quốc Campuchia, trong khuôn khổ chương trình Hội nghị song phương giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Quốc gia Campuchia, hai bên đã phối hợp tổ chức Lễ công bố kết nối thanh toán bán lẻ song phương sử dụng QR code giữa Việt Nam và Campuchia. Bằng việc triển khai thành công kết nối nói trên, thông qua ứng dụng Bakong của Ngân hàng Quốc gia Campuchia, khách hàng của 57 ngân hàng Campuchia khi đến Việt Nam có thể quét mã VietQR tại các điểm chấp nhận thanh toán của các ngân hàng đầu tiên triển khai dịch vụ gồm BIDV và TPBank để thanh toán từ tài khoản tiền Riel Campuchia (KHR) của khách hàng.
Ngược lại, du khách Việt Nam khi sang Campuchia cũng có thể sử dụng ứng dụng di động của các ngân hàng gồm BIDV, Sacombank và TPBank để thực hiện thanh toán quét KHQR tại khoảng 1,8 triệu điểm chấp nhận thanh toán của Campuchia. Khi sử dụng dịch vụ thanh toán xuyên biên giới sử dụng QR code, du khách hai nước sẽ được hưởng tỷ giá chuyển đổi ưu đãi thay vì chuyển đổi sang ngoại tệ thứ ba.
Nguồn: https://tuoitre.vn/viet-nam-va-campuchia-ket-noi-thanh-toan-ban-le-song-phuong-su-dung-qr-code-20231206080206605.htm
Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực
1. Công ty Hồng Kong Kamakura Foods ra mắt máy bán bento tự động tại Nhật Bản
Thương hiệu Wada Bento của Kamakura Foods đã bán được hơn 600.000 hộp cơm bento ở thị trường Hong Kong kể từ khi thành lập vào năm 2019. Công ty này có 40 máy tại 30 địa điểm trong các tòa nhà văn phòng, khuôn viên trường đại học và công trường. Trên đà phát triển đó, Kamakura Foods đã lắp đặt máy bán cơm bento đầu tiên tại Nhật Bản. Chiếc máy này được đặt tại Kitahama, khu thương mại trung tâm ở Osaka, bắt đầu phục vụ từ ngày 24/11.
Máy bán cơm hộp tự động đầu tiên của Kamakura Foods ở Osaka sẽ được đặt cạnh hai chuỗi của hàng tiện lợi 7-Eleven và Lawson. Mẫu máy bán hàng tự động mới nhất của Kamakura Foods có thể phục vụ cơm hộp trong 17 giây sau khi khách hàng đặt hàng và được thiết kế để có thể phục vụ cho những người ngồi xe lăn. Máy chứa nhiều loại bento, giúp khách hàng có nhiều lựa chọn khác nhau. Máy bán cơm hộp tự động này được giảm sát và kiểm soát bằng hệ thống GPS và công nghệ Internet vạn vật (IoT) dựa trên đàm mây. Sau khi những hộp cơm bento được làm xong, chúng được đặt trong các hộp giữ ấm độc quyền, thường có thể đựng được 48 hộp cơm trưa, trong đó lò sưởi được đặt ở nhiệt độ trên 70 độ C hoặc cao hơn một chút.
Nguồn: https://bnews.vn/kamakura-foods-com-hop-thoi-4-0/316832.html
2. Giá chocolate tăng phi mã trên toàn cầu
Mưa lớn liên tục cùng một loại bệnh dịch trên cây ca cao ở Tây Phi khiến giá giao dịch kỳ hạn tăng lên mức cao nhất kể từ giai đoạn năm 1970. Một cuộc khủng hoảng ca cao đang diễn ra trên khắp Bờ Biển Ngà và Ghana, những quốc gia trồng ca cao lớn nhất. Mưa quá nhiều khiến sản lượng sụt giảm, việc thu hoạch cũng gặp khó khăn. Sản lượng của Ghana dự kiến ở mức thấp nhất trong 13 năm qua còn Bờ Biển Ngà là 7 năm , dựa trên tổng sản lượng được cung cấp bởi các thương nhân và nhà xuất khẩu. Theo tổ chức Ca cao Quốc tế, 2 quốc gia này chiếm đến 60% sản lượng toàn cầu.
Hậu quả là giá bán buôn ca cao ở thị trường New York đã lên mức cao nhất 46 năm. Hợp đồng ca cao thời hạn đang giao dịch ở mức cao nhất kể từ năm 1977 tại New York, vượt mức 4.200 USD/tấn. Với việc giá đường cũng đang ở mức cao nhất một thập kỷ, người tiêu dùng sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho các thanh chocolate, bánh quy và ca cao nóng khi Giáng sinh đến gần. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo giá đường và đồ ngọt tăng 8,9% trong năm nay và 5,6% trong năm tới, vượt xa mức lạm phát chung của thị trường thực phẩm.
Nguồn: https://markettimes.vn/day-la-ly-do-gia-chocolate-tang-phi-ma-tren-toan-cau-48375.html
3. Mì tôm thanh long bất ngờ thành trend nhờ bài hát quảng cáo
Những ngày vừa qua, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện đoạn nhạc quảng cáo có ca từ như sau: “Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm…” khiến nhiều người thích thú. Theo đó, đoạn nhạc xuất hiện trong video quảng bá món mì tôm thanh long do Công ty Thanh long Bình Thuận, Công ty CATY FOOD cùng trường Đại học Công thương TP.HCM, Viện Khoa học Kinh tế và Công nghệ Sài Gòn phát triển.
Sau khi đoạn nhạc trở nên “viral”, nhiều tài khoản đã mua và dùng thử món mì tôm thanh long. Đa số đều cho rằng cảm thấy tò mò và họ muốn nhanh chóng “bắt trend” do có tâm lý sợ bỏ lỡ.
Nguồn: https://plo.vn/mi-tom-thanh-long-bat-ngo-thanh-trend-nho-bai-hat-quang-cao-post764139.html
Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi
1. Những startup thúc đẩy tính tuần hoàn của ngành công nghiệp cà phê
Hồi tháng 9, Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) công bố thành lập Trung tâm Kinh tế tuần hoàn về cà phê. Đặt trụ sở tại Turin (Ý), mục tiêu của trung tâm là “đẩy nhanh quá trình chuyển đổi tuần hoàn trong chuỗi cung ứng cà phê”. Vanúsia Nogueira, CEO của ICO, cho rằng các giải pháp kinh tế tuần hoàn sẽ giúp biến chất thải trong ngành cà phê thành “cơ hội việc làm và thu nhập mới”. Cụ thể, công ty khởi nghiệp (startup) Woodpecker có trụ sở tại Bogotá, thủ đô của Colombia, chuyên chế biến vỏ trấu cứng của hạt cà phê thành ván xây dựng. Tại thủ đô Berlin của Đức, startup Kaffeeform đang thực hiện cách tiếp cận tuần hoàn bằng cách biến bã cà phê thành những chiếc cốc có thể tái sử dụng.
Bên cạnh đó, Công ty Green Coffee Company (Mỹ), hoạt động ở Colombia, kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng, cho phép công ty mua cà phê của nông dân với giá cao hơn và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để tạo ra lợi nhuận lớn hơn. Công ty đang phát triển các cách để biến lớp vỏ thịt (pulp) của quả cà phê thành nhiều loại sản phẩm, bao gồm phân bón và bột sử dụng trong làm bánh hoặc có thể chuyển đổi thành thức ăn chăn nuôi. Green Coffee cũng lên men vỏ thịt cà phê để sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/nhung-startup-thuc-day-tinh-tuan-hoan-cua-nganh-cong-nghiep-ca-phe/
2. Rau quả Trung Quốc đi đường chính ngạch vào siêu thị Việt Nam
Trước đây, rau quả Trung Quốc chủ yếu bán ở chợ, vắng bóng tại các siêu thị thì nay đã xuất hiện khá nhiều và cả ở cửa hàng cao cấp như hệ thống Bách Hóa Xanh hay cửa hàng Farmers Market . Số liệu thống kê từ Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho thấy từ đầu năm đến nay có 125.375 tấn rau củ và trái cây Trung Quốc nhập chợ đầu mối. Trong đó, riêng trái cây chiếm 81.207 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái; rau củ 44.168 tấn, giảm 6,3%. Như vậy, bình quân mỗi ngày có khoảng 380 tấn rau củ và trái cây Trung Quốc về chợ đầu mối để tiêu thụ tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Còn theo báo cáo mới nhất của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), cơ cấu chủng loại nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc khá đa dạng. Xét về giá trị, nhiều nhất là tỏi (gần 13%), tương đương 11,2 triệu USD; tiếp theo là khoai tây 9,9%, nấm các loại 9,8%, cà rốt 9,7%, nho 9,4%, hành các loại 6,1%. Tùy theo từng tháng mà giá trị từng mặt hàng khác nhau nhưng các loại rau củ thường chiếm tỉ lệ cao hơn trái cây. Đại diện Công ty Quản lý chợ cho hay nông sản Trung Quốc nhập chợ đều là hàng chính ngạch và về Việt Nam theo mùa. Ngoài ra, có một số mặt hàng khi giá tại Việt Nam cao, thương nhân sẽ chủ động nhập từ Trung Quốc về bán kiếm lời, cũng như để hạ nhiệt giá trong nước.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/bat-ngo-voi-rau-qua-trung-quoc-20231129212509829.htm
3. Gạo ST25 lại đoạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2023
Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới trong khuôn khổ Hội nghị thương mại lúa gạo toàn cầu do The Rice Trader tổ chức tại Philippines vừa công bố kết quả trưa 30-11. Theo đó, mẫu gạo Việt Nam (gạo Ông Cua ST25) đã đoạt giải nhất, giải nhì thuộc về gạo Campuchia và giải 3 thuộc về gạo Ấn Độ. Cuộc thi năm nay có sự tham gia của hơn 10 quốc gia với 30 mẫu gạo được gửi dự thi.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/gao-st25-lai-doat-giai-gao-ngon-nhat-the-gioi-nam-2023-20231130123318909.htm
4. Việt Nam lần đầu tổ chức Festival quốc tế ngành lúa gạo
Festival quốc tế ngành lúa gạo sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 14/12 tại tỉnh Hậu Giang, với khoảng 200 đại biểu quốc tế dự, trong đó có các lãnh đạo Bộ Nông nghiệp, đại sứ, doanh nghiệp đến từ 39 quốc gia chuộng mua gạo Việt. Trong sự kiện này, Việt Nam sẽ ký kết với Ngân hàng Thế giới về cam kết hỗ trợ nông dân, các địa phương trong đề án phát triển một triệu ha lúa vừa được Chính phủ thông qua cuối tháng 10; ký hợp tác song phương với Indonesia về xuất khẩu lúa gạo…
Hiện đã có 12 doanh nghiệp lớn trên toàn cầu như Philippines, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Trung Đông đăng ký tham dự và có nhu cầu mua gạo Việt Nam. Ngoài ra, có khoảng 8 lãnh đạo Bộ Nông nghiệp từ Philippine, Lào, Indonesia, Venezuela… và 7 đại sứ từ châu Âu, Mỹ, Đức, Đan Mạch… đến tham dự.
Nguồn: https://vnexpress.net/viet-nam-lan-dau-to-chuc-festival-quoc-te-nganh-lua-gao-4683499.html
5. Thời tiết khô hạn có thể ảnh hưởng sản lượng gạo trái vụ tại châu Á
Theo Bloombergs, sản lượng gạo trái vụ ở châu Á có thể bị ảnh hưởng do thời tiết khô hạn và mực nước tại các hồ chứa xuống thấp, trong khi hiện tượng khí hậu El Nino (được dự báo sẽ tiếp diễn) sẽ làm giảm sản lượng đầu năm 2024, khiến nguồn cung gạo tiếp tục bị thắt chặt và làm tăng lạm phát giá lương thực.
Giới phân tích thị trường và một số thương nhân dự báo sản lượng gạo trái vụ từ hai quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới là Ấn Độ và Thái Lan sẽ giảm trong quý đầu năm tới, trong khi nông dân trồng lúa tại nước nhập khẩu gạo hàng đầu là Indonesia vẫn đang chống chọi với hạn hán. BMI, một đơn vị của Fitch Solutions lưu ý, trong trường hợp Ấn Độ không xuất khẩu gạo, Thái Lan và Việt Nam sẽ chiếm thị phần lớn trong xuất khẩu gạo toàn cầu, điều này sẽ khiến giá gạo trở nên “nhạy cảm” với điều kiện thời tiết ở cả hai thị trường.
Nguồn: https://bnews.vn/thoi-tiet-kho-han-co-the-anh-huong-san-luong-gao-trai-vu-tai-chau-a/317018.html
6. Giá cà phê tiếp tục lập kỷ lục mới
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết 11 tháng năm 2023, dự kiến xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,36 triệu tấn, trị giá thu về gần 3,5 tỉ đô la Mỹ. Xuất khẩu cà phê sẽ dần tăng trở lại khi Việt Nam đã bước vào thu hoạch niên vụ 2023-2024. Niên vụ cà phê mới bắt đầu khi giá xuất khẩu bình quân tháng 10-2023 của Việt Nam tiếp tục lập mức cao kỷ lục mới 3.603 USD/tấn, tăng gần 9% so với tháng trước đó và tăng 40,7% so với cùng kỳ năm trước.
Cục Trồng trọt cho biết, hiện cả nước có hơn 710.000 ha cà phê. Việt Nam hiện đứng thứ 6 thế giới về diện tích cây cà phê, song nhờ năng suất cao nhất thế giới nên Việt Nam đạt sản lượng cà phê thu hoạch hàng năm lớn thứ hai thế giới, từ 1,75-1,85 triệu tấn. Hiện thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam là EU, tiếp đến là Mỹ, Nhật Bản… Cà phê Việt Nam đang có cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường có tiềm năng lớn với sức mua cao, tốc độ nhập khẩu cà phê tăng bình quân hơn 25%/năm.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/san-luong-du-bao-giam-gia-ca-phe-tiep-tuc-lap-ky-luc-moi-tu-dau-vu/
Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu
1. Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ thịt dê lớn thứ 2 của Australia
Theo báo cáo mới của Hiệp hội Thịt và Chăn nuôi gia súc Australia (MLA), nhu cầu tiêu thụ thịt dê Australia của Trung Quốc đã tăng mạnh trong vòng 12 tháng tính đến tháng 10/2023, với giá trị xuất khẩu tăng hơn 4.000%. Số liệu của MLA cho thấy lượng thịt dê xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc đã tăng từ khoảng 135 tấn vào tháng 10/2022 lên 5.587 tấn vào cuối tháng 10/2023. Con số trên đưa Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ thịt dê lớn thứ hai của Australia, sau Mỹ.
Theo chuyên gia Tim Jackson – nhà phân tích nguồn cung toàn cầu của MLA, Trung Quốc có nhu cầu về thịt rất lớn vì có dân số đông và dê là nguồn thịt thay thế tốt cho thịt cừu. Sự kết hợp giữa giá thịt dê rẻ và nhận thức của các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Trung Quốc đối với tình trạng sẵn có thịt dê ở Australia đã khiến hoạt động nhập khẩu và tiêu thụ thịt dê ở Trung Quốc tăng mạnh.
Nguồn: https://bnews.vn/trung-quoc-tro-thanh-thi-truong-tieu-thu-thit-de-lon-thu-2-cua-australia/317015.html#google_vignette
2. Nhập khẩu ngũ cốc của EU từ Nga tăng gấp 10 lần
Theo báo cáo của Eurostat, Liên minh châu Âu (EU) đã tăng đáng kể nhập khẩu ngũ cốc từ Nga bất chấp các lệnh trừng phạt của khối đối với nước này. Chỉ trong tháng 9/2023, EU đã tăng nhập khẩu ngũ cốc của Nga thêm 22% so với tháng 8 lên 180.000 tấn, gấp gần 10 lần cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số cao nhất kể từ khi xung đột Ukraine diễn ra và các trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga sau đó.
Cũng theo số liệu thống kê của Eurostat cho thấy EU đã tăng cường nhập khẩu phân bón của Nga trong những tháng gần đây. Theo dữ liệu, trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9, thị phần nhập khẩu phân bón của Nga ở EU đã tăng trở lại 27%, tương đương với quý 3 năm 2021.
Nguồn: https://vtc.vn/nhap-khau-ngu-coc-cua-eu-tu-nga-tang-gap-10-lan-ar838069.html
3. Cua Nga đổ mạnh vào Nhật Bản, Trung Quốc
Sau khi Mỹ và châu Âu cấm nhập khẩu, cua Nga chuyển hướng bán sang châu Á với sản lượng thu mua từ Nhật Bản, Trung Quốc tăng mạnh. Năm ngoái, nhập khẩu cua của Nhật đạt 74,9 tỷ yen (508 triệu USD). Riêng cua Nga đạt 48,5 tỷ yen (330 triệu USD), tăng 28%, chiếm 64,8% thị phần. Năm nay, trong 35,8 tỷ yen (244 triệu USD) kim ngạch nhập cua 3 quý đầu năm, cua Nga chiếm 24,6 tỷ yen (167,5 triệu USD), đưa thị phần tăng lên 68,8%.
Theo tuyên bố gần đây của một số nhà sản xuất cua hàng đầu của Nga, nước này đã định hướng lại xuất khẩu cua sang châu Á sau khi thị trường EU và Mỹ bị đóng cửa do lệnh trừng phạt của phương Tây. Năm ngoái, xuất khẩu cua sống của Nga sang Trung Quốc và Hàn Quốc tăng từ 20% đến 30%. Trong khi nguồn cung cua đông lạnh cũng tăng lần lượt 2,6 lần và 3 lần tại Hàn Quốc và Trung Quốc.
Nguồn: https://vnexpress.net/cua-nga-do-manh-vao-nhat-ban-trung-quoc-4684540.html
4. Xuất khẩu sầu riêng vượt 2 tỷ USD
Trung Quốc tăng mua giúp xuất khẩu sầu riêng 10 tháng đạt gần 2,1 tỷ USD – mức cao kỷ lục. Đây là số liệu vừa được Hiệp hội Rau quả Việt Nam công bố. Theo đó, năm nay sầu riêng là loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục, dẫn đầu trong nhóm rau quả Việt Nam và chiếm tỷ trọng 51%. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng, 94% là hàng tươi được xuất đi 8 nước trên thế giới, 6% còn lại là hàng đông lạnh và hàng sấy. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng Việt cao nhất với thị phần chiếm 97%, đạt gần 1,9 tỷ USD. Ngoài thị trường Trung Quốc, năm nay xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Czech cũng tăng đột biến đạt gần 10 triệu USD, tăng 28 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, hai tháng cuối năm, Việt Nam có thể thu về 200-400 triệu USD từ xuất khẩu sầu riêng, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2023 đạt 2,5 tỷ USD. Tháng 12, sản lượng sầu riêng tiếp tục giảm mạnh nên giá có thể tiếp tục lập đỉnh mới.
Nguồn: https://vnexpress.net/xuat-khau-sau-rieng-vuot-2-ty-usd-4682751.html
5. Nhật Bản tiêu hủy 2 lô sầu riêng và ớt Việt Nam
Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết mới đây, 2 lô hàng sầu riêng và ớt nhập từ Việt Nam bị cơ quan kiểm dịch Nhật lấy mẫu phân tích và phát hiện tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật.
Theo đó, lô hàng sầu riêng khoảng 1,4 tấn được nhập khẩu qua một doanh nghiệp lớn tại Việt Nam từ ngày 5/10. Khi hàng đến Nhật Bản, cơ quan kiểm dịch nước này đã lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện tồn dư hoạt chất procymidone với hàm lượng 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép của Nhật là 0,01 ppm. Đây là hoạt chất có trong thuốc trừ sâu có tác dụng diệt nấm mốc. Còn lô hàng ớt có tổng trọng lượng hơn 4 tấn, cơ quan kiểm dịch Nhật Bản lấy mẫu xét nghiệm với 4 hoạt chất, phát hiện có 2 hoạt chất tồn dư vượt ngưỡng cho phép gồm tricyclazole 0,2 ppm và hexaconazole 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 0,01 ppm. Trước vi phạm trên, cả 2 lô hàng đều bị cơ quan kiểm dịch Nhật Bản yêu cầu tiêu hủy.
Nguồn: https://vnexpress.net/nhat-ban-tieu-huy-2-lo-sau-rieng-va-ot-viet-nam-4684183.html
6. Xuất khẩu gạo sang nhiều nước EU tăng đột biến
Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU đạt trên 58.000 tấn, tăng gần 16% về lượng và kim ngạch đạt gần 39 triệu USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2022. Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương), trong 6 tháng đầu năm 2023, Đức là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong khối EU với sản lượng gần 12.500 tấn, trị giá gần 9,3 triệu USD; tăng 33% về lượng và 21% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ 2 là Ba Lan tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ, đạt 6.700 tấn. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang một số thị trường tăng ở mức 3 – 4 con số như: Bồ Đào Nha tăng 1.467%, Bungari tăng 1.012%, Hungary tăng 704%, Tây Ban Nha tăng 252%, Bỉ tăng 210%, Slovakia tăng 192%…
EU tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam do sản lượng gạo sản xuất chỉ đạt khoảng 1,33 triệu tấn, giảm đến 23% so với niên vụ trước và là mức thấp nhất kể từ năm 1990. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhập khẩu gạo của EU tăng lên mức kỷ lục trong năm 2023, ước đạt tới 2,65 triệu tấn.
Nguồn: https://thanhnien.vn/xuat-khau-gao-sang-nhieu-nuoc-eu-tang-dot-bien-bo-dao-nha-tang-1467-185231204112826466.htm#
7. Bưởi Diễn lần đầu xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Lô bưởi Diễn lần đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ vừa được tỉnh Hòa Bình tổ chức vào sáng 5/12. Sau bưởi đỏ Tân Lạc, việc bưởi Diễn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Anh, châu Âu, Hoa Kỳ đã mở ra nhiều cơ hội cho nông dân trồng bưởi. Lô hàng gồm 13 tấn bưởi Diễn trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đáp ứng hơn 900 chỉ số an toàn bảo vệ thực vật để xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Sau khi được đưa vào TP Hồ Chí Minh chiếu xạ, những quả bưởi Diễn đầu tiên dự kiến sẽ có mặt trên kệ hàng siêu thị Hoa Kỳ sau 35 ngày, gần với thời điểm kiều bào đón Tết Nguyên đán.
Hiện cây bưởi đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Hòa Bình; trong đó diện tích bưởi Diễn năm 2023 đạt trên 3.200 ha, chiếm gần 60% diện tích bưởi và chiếm 31% tổng diện tích cây có múi toàn tỉnh. Sản lượng bưởi Diễn năm 2023 đạt trên 52.000 tấn.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/buoi-dien-lan-dau-xuat-khau-sang-hoa-ky-20231205213024054.htm
8. Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng dương trở lại
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu thủy sản tháng 11 đã tăng trưởng dương sau nhiều tháng liên tục tăng trưởng âm. Cụ thể, tháng 11/2023, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt gần 840 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chính trong tháng 11/2023 đều cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, tôm tăng 4%, cá ngừ tăng 26%, cá tra tăng 12%, mực, bạch tuộc tăng 3%, cá biển khác tăng 4%…
Luỹ kế đến hết tháng 11/2023, ước tính kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,27 tỷ USD, vẫn giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Với diễn tiến hiện nay, Vasep dự báo, xuất khẩu thủy sản cả năm nay ước tính sẽ đạt khoảng 9 tỷ USD, giảm 18% so với năm ngoái.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/xuat-khau-thuy-san-tang-truong-duong-tro-lai-20231205090002668.htm
Nhóm tin về xu hướng xanh – bền vững
-
Canada lên kế hoạch cắt giảm 75% lượng khí thải methane
Canada vừa công bố kế hoạch dự thảo nhằm cắt giảm 75% lượng khí thải methane của nước này. Theo dự thảo, các hoạt động công nghiệp phổ thông tại các cơ sở khí đốt tự nhiên sẽ bị cấm hoàn toàn vào năm 2030, buộc ngành dầu khí phải cắt giảm đáng kể lượng khí thải. Ngoài ra, Canada cũng đang xem xét giải quyết lượng khí thải methane trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng các quy định nhằm giảm lượng khí thải methane từ các bãi rác vào năm 2030.
Bộ Môi trường và Biến đổi Khí hậu Canada cho biết nước này đang đi đúng hướng trong việc đặt ra các mục tiêu giảm lượng khí thải methane cho ngành dầu khí, khoảng 45% vào năm 2025. Tỉnh Alberta, trung tâm của ngành dầu khí Canada, hiện đã giảm được 40% lượng khí thải này so với thời điểm năm 2014. Với việc tiếp cận cách giải quyết vấn đề phát thải khí methane, Canada đang kích hoạt một trong những đòn bẩy mạnh mẽ nhất để chống lại biến đổi khí hậu.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/canada-len-ke-hoach-cat-giam-75-luong-khi-thai-methane-post911983.vnp
Nhóm tin về ngành dịch vụ
1. Hãng xe điện của tỉ phú Phạm Nhật Vượng ‘nhảy’ vào lĩnh vực giao hàng
Ngày 2-12, Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (GSM) của tỉ phú Phạm Nhật Vượng công bố triển khai dịch vụ giao hàng bằng xe máy điện – Xanh Express trên ứng dụng Xanh SM. Dịch vụ được triển khai đồng thời tại 5 tỉnh thành đang vận hành dịch vụ Xanh SM Bike là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Bình Dương và Đồng Nai.
Điểm khác biệt vượt trội cũng là lợi thế cạnh tranh của Xanh Express chính là cam kết giao hàng với quy trình giao nhận rõ ràng và giám sát nghiêm ngặt. Trong đó, 100% phương tiện của Xanh Express là xe máy điện VinFast Feliz S và VinFast Evo200 sơn màu xanh lục lam đặc trưng.
Nguồn: https://nld.com.vn/hang-xe-dien-cua-ti-phu-pham-nhat-vuong-nhay-vao-linh-vuc-giao-hang-196231202125216459.htm
2. Huế có dịch vụ ‘già đi’ trong yêu thương
Ngày 2-12, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết đã chính thức triển khai dịch vụ “Chăm sóc người cao tuổi theo phong cách Nhật Bản” (Kaigo) tại Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền. Đây là dự án hợp tác giữa Bệnh viện Trung ương Huế và Tập đoàn Phúc lợi xã hội AOMORI (Nhật Bản) nhằm cung cấp đa dạng các dịch vụ chăm sóc ngoại trú và nội trú, mang lại lợi ích thiết thực cho cá nhân và gia đình người cao tuổi. Đây là một hình thức dịch vụ kiểu mới đã ra đời bằng cách kết hợp giữa Kaigo mà Tập đoàn đã bồi đắp tại Nhật Bản và Y tế mà Bệnh viện Trung ương Huế đã gây dựng tại Việt Nam.
Dựa trên nền tàng “Để mắt, để ý, để tâm”, dịch vụ “Chăm sóc người cao tuổi theo phong cách Nhật Bản” kết hợp với hệ thống các chuyên gia đầu ngành luôn sát cánh hỗ trợ, phân tích và đưa ra những yếu tố cần thiết, những phương án chăm sóc tốt nhất phù hợp với nhu cầu, hoàn cảnh từng đối tượng để mỗi người cao tuổi đều có cảm giác vui vẻ, bình an và “già đi” trong yêu thương.
Nguồn: https://nld.com.vn/hue-co-dich-vu-gia-di-trong-yeu-thuong-196231202083108325.htm
Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ
1. Google DeepMind AI có thể giúp tạo ra hàng ngàn vật liệu mới
Trong một bài nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Nature hôm thứ Tư 29/11, công ty AI thuộc sở hữu của Alphabet cho biết gần 400.000 thiết kế vật liệu giả định của họ có thể sớm được sản xuất trong điều kiện phòng thí nghiệm. Các ứng dụng tiềm năng của nghiên cứu này bao gồm sản xuất pin, tấm pin mặt trời và chip máy tính có hiệu suất tốt hơn.
Việc phát hiện và tổng hợp các vật liệu mới có thể là một quá trình tốn kém và mất thời gian. Ví dụ, phải mất khoảng 2 thập kỷ nghiên cứu trước khi pin lithium-ion – ngày nay được sử dụng để cung cấp năng lượng cho mọi thứ từ điện thoại, máy tính xách tay đến xe điện – được đưa ra thị trường. Ekin Dogus Cubuk, một nhà khoa học nghiên cứu tại DeepMind cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng những cải tiến lớn trong thử nghiệm, tổng hợp tự động và mô hình học máy sẽ rút ngắn đáng kể khoảng thời gian 10 đến 20 năm đó xuống mức dễ quản lý hơn nhiều”.
Nguồn: https://dttc.sggp.org.vn/google-deepmind-ai-co-the-giup-tao-ra-hang-ngan-vat-lieu-moi-post110114.html
2. Nhật Bản yêu cầu ngăn chặn rò rỉ công nghệ chip
Chính phủ Nhật Bản sẽ yêu cầu các công ty nhận trợ cấp liên quan đến chất bán dẫn và các mặt hàng quan trọng khác thực hiện các biện pháp ngăn chặn việc rò rỉ công nghệ sang các quốc gia khác. Tại cuộc họp ngành bán dẫn vào ngày 29/11, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã đưa ra yêu cầu trên đối với những công ty nhận trợ cấp của Chính phủ để phát triển chất bán dẫn và các mặt hàng quan trọng. Động thái thể hiện nỗ lực của Tokyo nhằm đảm bảo công nghệ quan trọng đối với an ninh kinh tế sẽ nằm trong biên giới của mình.
Các công ty được yêu cầu thực hiện các biện pháp ngăn chặn rò rỉ công nghệ cho các đối tác kinh doanh và nước ngoài bằng cách hạn chế số lượng người có thể truy cập thông tin về công nghệ quan trọng và yêu cầu nhân viên thực hiện các cam kết bảo mật.
Nguồn: https://bnews.vn/nhat-ban-yeu-cau-ngan-chan-ro-ri-cong-nghe-chip/316595.html
3. Xe điện Trung Quốc muốn lấy Thái Lan làm điểm tựa để mở rộng cả ASEAN
Tại triển lãm Thailand International Motor Expo diễn ra từ 29/11 đến 11/12 tại Bangkok, Tập đoàn xe hơi Quảng Châu (GAC) đã giới thiệu năm mẫu xe điện thương hiệu Aion. Tương tự, Changan Automobile cũng giới thiệu hai mẫu xe thuộc dòng Deepal, công bố bước đột phá chính thức vào thị trường Thái Lan. Các hãng xe điện như GAC, Changan và Geely đang bị thu hút bởi nhu cầu xe điện ngày càng tăng của thị trường Thái Lan. Dựa trên dữ liệu từ Autolife Thailand, các mẫu xe điện chiếm 13% số lượng xe mới được bán ra trong tháng 10. Mặc dù, Toyota Motor của Nhật Bản dẫn đầu thị trường chung nhưng xe điện thì gần 90% xe điện là của các hãng Trung Quốc.
Thái Lan không phải là địa chỉ duy nhất mà các công ty sản xuất xe điện Trung Quốc hướng đến và xa hơn là thị trường hơn 600 triệu dân của ASEAN. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, thành công của xe điện Trung Quốc ở Thái Lan nhưng khi mở rộng ra các nước khu vực Đông Nam Á có thể sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/xe-dien-trung-quoc-muon-lay-thai-lan-lam-diem-tua-de-mo-rong-ca-asean/
4. Thế giới có ChatGPT, Việt Nam có PhởGPT
Tại Ngày hội trí tuệ nhân tạo – AI Day 2023 đang diễn ra ở TP.HCM, Công ty VinAI lần đầu tiên công bố dự án nghiên cứu mã nguồn mở về mô hình ngôn ngữ lớn cho riêng tiếng Việt có tên là PhởGPT. Mục tiêu của dự án là phát triển các mô hình tương tự như ChatGPT cho tiếng Việt và văn hóa người Việt. PhởGPT có khả năng hiểu và viết văn phong tiếng Việt một cách vượt bậc so với các công nghệ về ngôn ngữ thế hệ trước.
Mô hình cũng được huấn luyện từ đầu với tập dữ liệu tiếng Việt, không phụ thuộc vào bất cứ một mô hình nào khác của thế giới, đảm bảo việc làm chủ công nghệ lõi tiên tiến cho Việt Nam. Kết quả so sánh phiên bản PhởGPT-7B5-Instruct và ChatGPT mã nguồn đóng (GPT-3.5-turbo) và các mô hình mã nguồn mở khác cho thấy PhởGPT đứng thứ hai chỉ sau ChatGPT trong hầu hết các mục đánh giá. Đội ngũ phát triển PhởGPT cho biết đang tiếp tục cải tiến mô hình và sẽ mở rộng dự án cho các ngôn ngữ khác, đặc biệt là các ngôn ngữ trong khu vực Đông Nam Á.
Nguồn: https://tuoitre.vn/the-gioi-co-chatgpt-viet-nam-co-phogpt-20231205164736363.htm
Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới
1. Start-up Việt M Village gọi vốn thành công 2,3 triệu USD
Nguồn tin từ DealStreetAsia cho biết, M Village, start-up cung cấp dịch vụ lưu trú ngắn hạn và dài hạn, đã huy động được 2,3 triệu USD trong vòng gọi vốn nội bộ để đẩy nhanh kế hoạch mở rộng. Khoản đầu tư mới đã xuất hiện sau hơn 1 năm rưỡi, từ thời điểm start-up này huy động được hàng triệu USD từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, bao gồm Simple Tech Investment (STI), công ty đầu tư mạo hiểm (VC) Singapore Vulpes Ventures, quỹ đầu tư Nhật Bản Genesia Ventures và Access Ventures.
Dù gia nhập thị trường vào giai đoạn đỉnh dịch, nhưng M Village đã cho thấy mô hình phù hợp với giới trẻ khi công suất thuê tại các cơ sở luôn đạt trên 90%. Chỉ trong hơn 2 năm thành lập, M village đã vận hành 27 cơ sở trong TP.HCM, cùng 2 khách sạn với thương hiệu Signature by M Village hướng tới phân khúc người dùng cao cấp. Để có thể đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, làm việc từ xa cho cư dân đô thị trẻ, Hà Nội sẽ là điểm đến tiếp theo mà M Village mở rộng trong năm nay.
Nguồn: https://baodautu.vn/dinh-nghia-lai-cach-song-hanh-phuc-start-up-viet-goi-thanh-cong-23-trieu-usd-d204283.html
2. Tập đoàn Keppel (Singapore) thâu tóm công ty quản lý bất động sản hàng đầu châu Âu
Tờ Straits Times ngày 30/11 đưa tin, tập đoàn Keppel của Singapore đã mua 50% cổ phần của công ty quản lý tài sản hàng đầu châu Âu Aermont Capital với giá 517 triệu USD. Qua đó, Keppel muốn mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Giám đốc điều hành Keppel, Loh Chin Hua cho biết, công ty Singapore đang có kế hoạch mua 50% cổ phần còn lại của Aermont vào năm 2028. Việc mua lại 50% cổ phần lần đầu của Aermont dự kiến sẽ hoàn tất vào nửa đầu năm 2024.
Ông Loh cho biết, thương vụ mua lại này sẽ ngay lập tức mang lại lợi nhuận tích cực và mở rộng đáng kể dấu ấn của Keppel ra ngoài khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông Loh lưu ý rằng bên cạnh hoạt động kinh doanh, tài sản và thu nhập, Keppel cũng sẽ được hưởng lợi từ nhân lực của Aermont, bao gồm một đội ngũ cấp cao giàu kinh nghiệm với thành tích đã được chứng minh và mạng lưới rộng khắp châu Âu. Keppel cho biết thương vụ Aermont dự kiến sẽ tăng giá trị các quỹ do Keppel quản lý thêm 24 tỷ USD, từ mức 53 tỷ USD hiện tại lên hơn 77 tỷ USD.
Nguồn: https://bnews.vn/ta-p-doan-keppel-thau-tom-cong-ty-quan-ly-bat-dong-san-hang-dau-chau-au/316686.html
BSA Media