Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực
1. Starbucks bị kiện vì thức uống trái cây…. không có trái cây
Thương hiệu cà phê nổi tiếng Starbucks đang phải đối mặt với một vụ kiện tập thể từ các khiếu nại cho rằng một số loại trong danh mục đồ uống trái cây Refresher của họ thiếu thành phần chính là trái cây. Theo hãng tin Reuters, Thẩm phán quận Manhattan John Cronan đã bác bỏ yêu cầu của Starbucks phủ nhận 9 trong số 11 khiếu nại. Theo vị thẩm phán này, việc người tiêu dùng kỳ vọng nhìn thấy của loại quả có trong tên đồ uống xuất hiện bên trong sản phẩm là hợp lý.
Trước đó, một số người khách hàng của Starbucks đã bức xúc khi các loại đồ uống như nước chanh thanh long xoài, nước thanh long xoài, nước chanh dứa, nước chanh dây dứa, nước chanh dâu không chứa các nguyên liệu xoài, chanh dây hoặc dâu như quảng cáo. Theo đơn kiện từ các khách hàng tại Astoria, bang New York và Fairfield, bang California, thành phần chính trong những loại nước này là nước, nước ép cô đặc và đường. Các nguyên đơn cho rằng với tên gọi khiến người tiêu dùng nhầm có hoa quả thật, Starbucks đã vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng của các bang. Starbucks được cho là bị buộc bồi thường thiệt hại ít nhất 5 triệu USD.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/my-starbucks-bi-kien-vi-thuc-uong-trai-cay-khong-co-trai-cay-20230919113022415.htm
2. Dầu Oliu chứng kiến bão giá kỷ lục, nguồn cung khan hiếm
Theo một báo cáo gần đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), giá dầu ô liu toàn cầu đã tăng lên 8.900 USD/tấn trong tháng 9, do “thời tiết cực kỳ khô” ở Địa Trung Hải. Giá dầu ô liu trung bình trong tháng 8 đã cao hơn 130% so với năm trước và “không có dấu hiệu hạ nhiệt”. Tây Ban Nha – nước sản xuất và xuất khẩu dầu ô liu lớn nhất thế giới – đã phải hứng chịu đợt hạn hán dữ dội trong nhiều tháng. Theo dữ liệu từ công ty tình báo thị trường hàng hóa Mintec, sản lượng dầu ô liu của Tây Ban Nha trong vụ mùa gần đây đã giảm xuống còn khoảng 610.000 tấn, giảm hơn 50% so với mức 1,3 – 1,5 triệu tấn thông thường.
Nhà phân tích Kyle Holland cảnh báo rằng, nếu trữ lượng dầu ô liu tiếp tục cạn kiệt do hạn hán, nguồn cung có thể cạn kiệt trước tháng 10, thời điểm vụ thu hoạch tươi thường đến. Nhà phân tích cho biết: “Vấn đề phức tạp hơn nữa là quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ đình chỉ xuất khẩu số lượng lớn dầu ô liu. Việc đình chỉ đã làm trầm trọng thêm sản lượng vốn đã hạn chế ở Tây Ban Nha”. Thổ Nhĩ Kỳ – cũng là một nhà sản xuất dầu ô liu quan trọng – đã đình chỉ xuất khẩu số lượng lớn dầu ô liu cho đến ngày 1/11 do giá toàn cầu tăng vọt.
Nguồn: https://markettimes.vn/mot-nguyen-lieu-co-mat-trong-hau-het-moi-can-bep-dang-chung-kien-bao-gia-ky-luc-nguon-cung-khan-hiem-duoc-xem-quy-nhu-vang-40616.html
3. Ki-ốt số bùng nổ, thay đổi bộ mặt nhà hàng Hàn Quốc
Theo Bộ Khoa học và ICT Hàn Quốc, số lượng ki-ốt tại các cơ sở dịch vụ ăn uống tăng từ 5.479 năm 2019 lên 87.341 năm 2022, tăng 15 lần chỉ trong ba năm. “Khảo sát cơ sở dịch vụ ăn uống năm 2022” của Viện kinh tế nông thôn Hàn Quốc cho thấy tỷ lệ các cơ sở sử dụng ki-ốt và hệ thống đặt món tự động khác tăng từ 1,5% lên 6,1% trong cùng kỳ. Tốc độ lắp đặt ki-ốt tại những khu vực trung tâm sầm uất và thương hiệu nổi tiếng còn nhanh hơn nhiều. Những chuỗi nhượng quyền như McDonald’s, Burger King và Lotteria sử dụng ki-ốt điện tử từ năm 2015 với tỷ lệ hơn 70%.
Tăng trưởng đột biến của ki-ốt số tương ứng với xu hướng lớn hơn, đó là gia tăng những nhà hàng một người (chủ kiêm nhân viên). Dữ liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc tháng 7/2023 chỉ ra số lượng các nhà hàng như vậy đã tăng thêm 44.000 so với một năm trước đó, đạt 4.383.000 vào tháng 7, mức tăng cao nhất trong vòng 15 năm kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nó nâng tỷ lệ nhà hàng một người lên 75,8%.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/ki-ot-so-bung-no-thay-doi-bo-mat-nha-hang-han-quoc-2191177.html
4. Vụ ngộ độc bánh mì Phượng và bài học đắt giá về xây dựng, bảo vệ thương hiệu
Ngày 11/9, một số người dân và du khách sau khi ăn bánh mì Phượng có biểu hiện bị ngộ độc. Con số này liên tục tăng và đến ngày 14/9 số người bị ngộ độc đã lên đến 141 người. Theo con số tăng dần, hình ảnh thương hiệu bánh mì Phương sau bao năm cũng… trượt dần. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, chính quyền địa phương đã yêu cầu bánh mì Phượng tạm dừng hoạt động. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phải vào cuộc đề nghị tạm thời đình chỉ hoạt động của cơ sở Bánh mì Phượng và yêu cầu Sở Y tế Quảng Nam kiểm tra toàn diện điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở, truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu kiểm tra, tìm rõ căn nguyên vụ việc; xử lý nghiêm nếu có vi phạm và thông báo kết quả công khai đến cộng đồng.
Hiện vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur Nha Trang xem nguyên nhân ngộ độc là do đâu nhưng chắc chắn, sau vụ việc này hình ảnh thương hiệu “bánh mì ngon nhất thế giới” sẽ “trượt dốc” trong lòng người tiêu dùng, trước hết là người tiêu dùng ngay tại Hội An. Một điểm đến ẩm thực bị nghi ngờ không đảm bảo an toàn thực phẩm ít nhiều cũng ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Hội An nói riêng và truyền thống văn hóa ẩm thực của Hội An nói chung.
Nguồn: https://congthuong.vn/vu-ngo-doc-banh-mi-phuong-va-bai-hoc-dat-gia-ve-xay-dung-bao-ve-thuong-hieu-272343.html
5. Các chuỗi F&B tăng khuyến mãi, giảm giá để giữ thị phần
Bức tranh tổng quan về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngành Thực phẩm – Đồ uống (F&B) trong năm 2023 được hiện rõ ngày 19-9, tại bảng công bố Top 10 công ty uy tín ngành thực phẩm – đồ uống năm 2023 do Vietnam Report, thực hiện. Theo khảo sát, nguy cơ suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng, tỉ lệ doanh nghiệp ngành F&B ghi nhận tăng doanh thu cũng giảm theo, từ năm 2022 đến năm 2023 đã giảm 3,9%. Đáng chú ý, tỉ lệ doanh nghiệp ghi nhận giảm lợi nhuận (41,7%) lớn hơn đáng kể tỉ lệ doanh nghiệp giảm doanh thu (33,3%), cho thấy không ít doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận lại không như kỳ vọng.
Khó khăn kinh tế khiến xu hướng của người tiêu dùng cũng thay đổi. Họ lựa chọn sản phẩm giảm giá (46,8%), chuyển sang sản phẩm giá thấp hơn (39,8%), lựa chọn nơi có giá bán thấp hơn (37,1%)… Báo cáo cho rằng Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ, thu nhập và tích lũy càng nhạy cảm với tình hình phát triển kinh tế – xã hội. Khi có khó khăn, tâm lý nhiều người tiêu dùng không còn lạc quan, họ thường lựa chọn các mặt hàng phù hợp hơn, ưu tiên chi phí hơn. Do đó, tình hình khó khăn sẽ là cơ hội cho sự phát triển của những mặt hàng có giá cả phải chăng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cac-chuoi-f-b-tang-khuyen-mai-giam-gia-de-giu-thi-phan-20230919114553447.htm
6. Đà Lạt lập kỷ lục trình diễn 100 món ngon từ cây atisô
Ngày 19-9 tại Thung lũng Tình yêu Đà Lạt, Hội Đầu bếp chuyên nghiệp tỉnh Lâm Đồng tổ chức cuộc thi công diễn xác lập kỷ lục “100 món ngon từ cây atisô Đà Lạt”, với thông điệp quảng bá tinh hoa ẩm thực Việt Nam. Cuộc thi với mục tiêu công diễn xác lập kỷ lục quốc gia với 100 món ăn ngon được chế biến với nguyên liệu chính là cây atisô Đà Lạt. Đây là hoạt động trong khuôn khổ kỷ niệm: Đà Lạt 130 năm hình thành và phát triển.
Tại chương trình, các đầu bếp đến từ nhiều tỉnh thành đã dùng các bộ phận của cây atisô để chế biến thành các món ăn. Khoảng 150 món ăn lấy nền nguyên liệu atisô đã được thực hiện. Đại diện ban tổ chức cho biết việc công bố 100 món ăn ngon từ cây atisô sẽ cung cấp thêm chất liệu cho hoạt động du lịch – ẩm thực Đà Lạt. Ngoài ra, ban tổ chức muốn quảng bá đến nhiều người về tính đa dụng trong ẩm thực của cây atisô.
Nguồn: https://tuoitre.vn/da-lat-lap-ky-luc-trinh-dien-100-mon-ngon-tu-cay-atiso-20230919172701982.htm
Nhóm tin về ngành dịch vụ
1. Nghề ngoại cảm cho thú cưng kiếm bộn tiền ở Trung Quốc
Theo trang Sixth Tone, mặc dù không có bằng chứng khoa học nào cho thấy “nhà ngoại cảm thú cưng” thực sự có thể giao tiếp với động vật, nhưng một số người cho rằng dịch vụ này đã giúp họ vượt qua được nỗi đau vì sự ra đi của người bạn nhỏ. Dịch vụ này cực kỳ phổ biến ở Đài Loan (Trung Quốc) và thời gian gần đây nở rộ ở Trung Quốc đại lục, sau khi Tân Hoa Xã đưa tin về một doanh nhân Đài Loan thành công trong dịch vụ tâm linh thú cưng. Theo nền tảng phân tích dữ liệu Newrank, dịch vụ này ngày càng thu hút sự chú ý với hơn 2.200 bài liên quan với gần 1 triệu lượt xem được đăng tải trên mạng xã hội Xiaohongshu.
Đây là một công việc kinh doanh sinh lời, với khóa học trực tiếp có giá lên đến 17.800 nhân dân tệ (gần 60 triệu VNĐ) trong 3 ngày và khóa học trực tuyến có giá 14.800 nhân dân tệ (gần 50 triệu VNĐ). Khi chính thức được cấp phép hành nghề, các nhà ngoại cảm thu phí từ khách hàng 300 nhân dân tệ (khoảng 1 triệu VNĐ) cho 30 phút nói chuyện. Mức đắt nhất là từ một CEO khác của Hiệp hội với 888 nhân dân tệ (gần 3 triệu VNĐ) cho 30 phút, và hiện đã có đến 731 lượt đặt trước.
Nguồn: https://baotintuc.vn/chuyen-la-the-gioi/nghe-ngoai-cam-cho-thu-cung-kiem-bon-tien-o-trung-quoc-20230919154859454.htm
2. Disney sẽ rót khoảng 60 tỷ USD cho các công viên giải trí
Công ty giải trí và truyền thông đa phương tiện lớn nhất thế giới Walt Disney Co vừa cho biết sẽ tăng gần gấp đôi vốn đầu tư cho mảng kinh doanh công viên lên khoảng 60 tỷ USD trong 10 năm tới. Các công viên đã trở thành một nguồn lợi nhuận đáng tin cậy cho Disney và giúp giảm bớt các khoản lỗ trong hoạt động kinh doanh phát trực tuyến của Disney+. Theo Giám đốc Iger, các công viên là hoạt động kinh doanh chủ chốt đối với công ty này.
Disney cho biết phân khúc công viên, trải nghiệm mang lại cho khách hàng và các sản phẩm đi kèm của họ đã tăng trưởng tích cực kể từ năm tài chính 2017 và tạo ra doanh thu hoạt động 32,3 tỷ USD trong 12 tháng qua. Disney hiện đang có kế hoạch mở rộng diện tích tại sáu địa điểm công viên giải trí hiện nay trên khắp thế giới. Công ty cũng đang tìm cách thu hút khoảng 700 triệu người tiêu dùng là những người hâm mộ Disney.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/disney-se-rot-khoang-60-ty-usd-cho-cac-cong-vien-giai-tri/895455.vnp
Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử
1. Amazon mở trung tâm phân loại đầu tiên tại Nhật Bản
Amazon Japan cho biết đã thành lập kho phân loại hàng hóa đầu tiên tại nước này ở Tokyo để hợp thức hóa quá trình phân phối. Kho phân loại này nằm ở quận Shinagawa, có khả năng xử lý 750.000 đơn hàng hàng ngày từ các trung tâm hoàn thiện đơn hàng lớn với sự trợ giúp của hệ thống máy móc tự động. Kho này sau đó sẽ chuyển tiếp các đơn hàng đến các trạm giao hàng chặng cuối tại khu vực Tokyo và cả các trạm ở Hokkaido và Okinawa. Việc gom nhóm các đơn hàng theo vị trí sẽ giúp trung tâm phân loại này giảm số lượng phương thiện cần thiết để phục vụ việc giao hàng.
Nguồn: https://bnews.vn/amazon-mo-trung-tam-phan-loai-dau-tien-tai-nhat-ban/306697.html
2. Siêu thị Pháp dán nhãn sản phẩm tăng giá trá hình
Chuỗi siêu thị Carrefour đang dán cảnh báo lên hàng loạt sản phẩm dù không tăng giá nhưng đã giảm kích thước. Từ đầu tuần này, Carrefour dán nhãn 26 sản phẩm trên các kệ hàng của họ tại Pháp với dòng chữ: “Sản phẩm này đã bị giảm kích thước hoặc trọng lượng, khiến giá trên thực tế lại tăng”. CEO Carrefour Alexandre Bompard cho biết các công ty hàng tiêu dùng không hợp tác trong việc giảm giá hàng nghìn sản phẩm thiết yếu, dù giá đầu vào đã đi xuống. Hồi tháng 6, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cũng đã họp với 75 hãng bán lẻ và nhóm đại diện cho người tiêu dùng để thúc giục họ giảm giá. Trong cuộc họp tháng trước, ông nêu tên Unilever, Nestlé và PepsiCo nằm trong nhóm doanh nghiệp không hạ giá.
Cũng như các nước châu Âu khác, nhiều tháng qua, Pháp cố gắng hỗ trợ người tiêu dùng trong thời kỳ lạm phát. Họ yêu cầu các doanh nghiệp lớn giữ nguyên hoặc giảm giá thực phẩm, vận chuyển. Tuy nhiên, kết quả đạt được khá trái chiều. Bompais cho biết nhãn dán cảnh báo sẽ được thực hiện tại tất cả siêu thị của Carrefour tại Pháp. Việc này sẽ còn kéo dài đến khi các hãng cung cấp đồng ý giảm giá. Siêu thị này cũng có thể tăng quy mô cảnh báo sang nhiều sản phẩm khác, nhưng không có kế hoạch mở rộng sang nước khác.
Nguồn: https://vnexpress.net/sieu-thi-phap-dan-nhan-san-pham-tang-gia-tra-hinh-4654143.html?gidzl=NAHdRnDjqG5TicPh67RH1bAmOsu08uG1IB1cQ55qXL58vsOqLtVL2HdZPM1J98ODIUmmOs5yyOPS4cVJ2m
3. Sakuko khởi đầu hành trình mới với việc tái định vị thương hiệu, tôn vinh giá trị văn hóa
Ngày 14/9/2023. chuỗi siêu thị hàng Nhật nội địa Sakuko chính thức công bố chiến lược tái định vị thương hiệu, với những chiến lược mới trong mô hình kinh doanh, mô hình doanh nghiệp, mô hình cửa hàng, trải nghiệm dịch vụ mang đậm tinh thần Nhật Bản. Đây là lần thứ hai Sakuko thực hiện tái định vị kể từ khi thành lập, sau lần thứ nhất vào năm 2017.
Sau hơn 10 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, Sakuko đã trở thành một trong những thương hiệu bán lẻ sản phẩm Nhật Bản được người tiêu dùng tin tưởng và yêu thích. Chiến lược tái định vị của Sakuko tập trung vào các mục tiêu lớn: Xây dựng bản sắc thương hiệu độc đáo, nâng cao trải nghiệm đa dạng và trọn vẹn cho khách hàng, truyền cảm hứng cho cộng đồng yêu văn hóa Nhật về các giá trị sống.
Nguồn: https://congthuong.vn/sakuko-khoi-dau-hanh-trinh-moi-voi-viec-tai-dinh-vi-thuong-hieu-ton-vinh-gia-tri-van-hoa-272281.html
4. Central Retail khai trương cửa hàng nội thất đầu tiên tại Hà Nội
Ngày 15/9/2023, thương hiệu cung cấp giải pháp toàn diện về trang trí nội thất Come Home (thuộc tập đoàn Central Retail) đã chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại tầng 3 TTTM Lotte Mall West Lake (Hà Nội). Với không gian trưng bày rộng hơn 2.000m2 và thiết kế hiện đại, Come Home mang đến cho người tiêu dùng Thủ đô Hà Nội trải nghiệm mua sắm nội thất độc đáo, đẳng cấp và phong cách; nổi bật là khu vực trưng bày được thiết kế đặc biệt với các “ngôi nhà mô phỏng”, đặc trưng của Hà Nội, được trang trí độc đáo để thể hiện đúng phong cách và sở thích của khách hàng Thủ đô.
Nguồn: https://bnews.vn/central-retail-khai-truong-cua-hang-noi-that-dau-tien-tai-ha-noi/306553.html
Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp
-
Các thương hiệu mỹ phẩm Châu Âu gặp khó tại thị trường Trung Quốc
Tờ New York Times (NYT) cho hay bất chấp những thách thức trong nền kinh tế, một mặt hàng ở Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng cực nóng, đó là ngành mỹ phẩm. Sau quãng thời gian dài đến 3 năm theo đuổi chiến dịch “Zero Covid” giãn cách chặt chẽ, người dân Trung Quốc giờ đây bắt đầu “mua sắm trả thù” trở lại với hàng mỹ phẩm, nước hóa cùng những sản phẩm chăm sóc sắc đẹp khác. Thế nhưng điều trớ trêu là hàng loạt các thương hiệu mỹ phẩm quốc tế, từ Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc cho đến Mỹ lại bỏ lỡ cuộc chơi này dù đã tốn vô số tiền của, nguồn lực cũng như thời gian đầu tư cho thị trường Trung Quốc.
Nguyên nhân chính là trong khi doanh nghiệp mỹ phẩm nội địa Trung Quốc bùng nổ cùng nhu cầu thị trường thì mảng nhập khẩu sản phẩm chăm sóc sắc đẹp lại gặp cản trở từ các rào cản thương mại, từ những hàng rào thuế quan cho đến các lệnh kiểm dịch nghiêm ngặt từ thời đại dịch vẫn chưa được dỡ bỏ. Trung Quốc đang là thị trường mỹ phẩm lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, nhưng các thương hiệu quốc tế lại đang khá chật vật để có thể sống sót nơi đây. Theo NYT, doanh số bán lẻ mỹ phẩm cùng sản phẩm chăm sóc sắc đẹp tại Trung Quốc đã tăng 8,7% nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này lại giảm 13,7%. Sự trái ngược này cho thấy mỹ phẩm ngoại đang dần mất thị phần vào tay doanh nghiệp nội địa.
Nguồn: https://markettimes.vn/dai-chien-my-pham-trung-quoc-khi-cac-thuong-hieu-chau-au-them-khat-thi-truong-1-4-ty-dan-40487.html
-
Shiseido đặt cược vào sức tăng trưởng của Ấn Độ
Thương hiệu mỹ phẩm lớn nhất Nhật Bản Shiseido sắp ra mắt thương hiệu trang điểm đầu tiên tại Ấn Độ sau gần một thập kỷ. Shiseido dự kiến sẽ đưa dòng mỹ phẩm NARS nổi tiếng đến các cửa hàng làm đẹp tại Ấn Độ nhằm tìm cách giành lấy thị phần trong thị trường tiêu dùng đang bùng nổ. Nicole Tan, người đứng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Shiseido, cho biết công ty mỹ phẩm lớn nhất Nhật Bản này đã hợp tác với nhà bán lẻ Ấn Độ Shoppers Stop’s Global SS Beauty Brands và sẽ mở 14 cửa hàng ở New Delhi và Mumbai trong năm nay. Bà cho biết họ cũng sẽ tiếp thị NARS thông qua các cửa hàng Sephora của LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton SE.
Các thương hiệu toàn cầu đang bị thu hút bởi quốc gia đông dân nhất thế giới, họ đặt cược rằng những người mua sắm trẻ tuổi và mức độ chi tiêu ngày càng tăng sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng trong dài hạn. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu Mordor Intelligence, thị trường sản phẩm mỹ phẩm của Ấn Độ được dự đoán sẽ tăng trưởng 4,2% mỗi năm trong 5 năm tới, nhờ sự phổ biến của lĩnh vực mỹ phẩm màu.
Nguồn: https://bnews.vn/shiseido-dat-cuoc-vao-suc-tang-truong-cua-an-do/306986.html
Thời trang Việt trong ‘làn sóng’ đua tranh trên các sàn trực tuyến
Theo thống kê của Metric, một nền tảng chuyên phân tích thống kê dữ liệu thương mại điện tử (E-commerce), trong vòng một năm từ 1-9-2022 đến 31-8-2023, tổng doanh thu ngành hàng thời trang trên các sàn TMĐT khoảng 38.500 tỉ đồng, hơn 365 triệu sản phẩm giao thành công, tăng 174% so với doanh thu cùng kì năm 2022 nhờ TikTok Shop mới mở. Việc có thêm các sàn TMĐT mới cũng tạo nên cú hích thúc đẩy tăng trưởng và cạnh tranh tích cực của ngành hàng này. Thời trang nữ vẫn chiếm phần lớn doanh số trong ngành, tiếp theo thứ tự là tệp khách hàng nam giới và trẻ em. Thống kê thứ hạng nhãn hàng thời trang Việt của Metric cũng chỉ ra thương hiệu trong nước chủ yếu phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ.
Các thương hiệu Việt hiện tại cần dành thời gian để định hướng lại chiến lược kinh doanh ngắn hạn và phát triển dài hạn. Dựa trên thế mạnh của mình, họ nên nắm bắt xu hướng của người tiêu dùng trong tương lai 3 năm tiếp đến, để phát triển vững chắc hơn, như lồng ghép yếu tố thời trang xanh, thương hiệu thân thiện với môi trường tăng thêm giá trị cho cộng đồng, sự thiện cảm với khách hàng.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/thoi-trang-viet-trong-lan-song-dua-tranh-tren-cac-san-truc-tuyen/
-
Việt Nam – mảnh đất màu mỡ của các thương hiệu thời trang ngoại
Nhìn lại thị trường thời trang những năm gần đây có thể thấy, các thương hiệu thời trang nước ngoài liên tục đổ bộ vào Việt Nam. Theo thống kê, hiện có khoảng hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ trung bình đến cao cấp có mặt tại Việt Nam như Pull&Bear, Massimo Dutti, Uniqlo, H&M, Chanel, Giovanni, Nike, Levi’s… Là những cái tên lớn trong lĩnh vực thời trang, các thương hiệu này được giới trẻ săn đón và đang ngày càng phổ biến trong thói quen mua sắm của người Việt.
Bên cạnh sức hút về thiết kế hợp xu hướng, chất lượng đảm bảo, điều giúp các thương hiệu thời trang ngoại tạo dấu ấn và mở rộng thị phần chính là đề cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, thương hiệu ngoại đều tập trung ở các trung tâm thương mại lớn như Lotte Mall Hà Nội, Vincom Mega Mall, Aeon Mall,… Cửa hàng đều có diện tích lớn, cách bài trí hướng đến việc mang lại trải nghiệm mua sắm cho khách hàng thay vì chỉ là nơi trưng bày sản phẩm. Việc giải được bài toán cảm xúc đã giúp những thương hiệu ngoại ngày càng chiếm được tình cảm của người tiêu dùng Việt, đặc biệt là giới trẻ.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/viet-nam-manh-dat-mau-mo-cua-cac-thuong-hieu-thoi-trang-ngoai-a626803.html
-
Sau 8 tháng, dệt may TCM ước lãi sau thuế giảm 26%
Tại báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh tháng 8/2023 ngày 20/9, CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (mã: TCM) ghi nhận giảm mạnh cả về lợi nhuận và doanh thu. Cụ thể, tháng 8/2023 TCM ước doanh thu đạt 12,84 triệu USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế giảm 43%, xuống còn 774.000 USD (khoảng 19 tỷ đồng). Trong tháng 8, xuất khẩu của công ty sang thị trường châu Á chiếm 70,3%, trong đó Hàn Quốc chiếm 26,82%, Nhật Bản là 19,66% và Trung Quốc 12,56%,… Tiếp đến là thị trường châu Mỹ chiếm 25,2% và châu Âu chiếm 4,3%.
Lũy kế 8 tháng năm 2023, doanh thu tại TCM ước đạt hơn 91,2 triệu USD và lãi sau thuế hơn 6 triệu USD (tương đương hơn 146 tỷ đồng), giảm lần lượt 29% và 26% so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu đến từ 3 mảng chính gồm sản phẩm may chiếm 76%, vải chiếm 16% và sợi chiếm 7%. Theo giải trình của TCM, kết quả kinh doanh tháng 8 và 8 tháng năm 2023 chưa đạt kế hoạch và sụt giảm so với cùng kỳ, do tình hình sụt giảm đơn hàng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn trong khi chi phí đầu vào không giảm làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty.
Nguồn: https://mekongasean.vn/sau-8-thang-det-may-tcm-uoc-lai-sau-thue-giam-26-post27127.html
Nhóm tin về xu hướng xanh – bền vững
-
Các startup chạy đua mở rộng dịch vụ giao hàng không phát thải
Một nhóm các công ty khởi nghiệp (startup) giao hàng ở châu Âu và Mỹ đang chạy đua để phục vụ nhu cầu giao hàng chặng cuối bằng phương tiện chạy điện, không phát thải carbon trong nội đô cho các nhà bán lẻ và người tiêu dùng. Những startup như Liefergrun của Đức, Zedify và Packfleet của Anh, và DutchX, có trụ sở tại New York đang tận dung nhu cầu của các nhà bán lẻ để đạt được các mục tiêu về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) cũng như giảm phát thải khí nhà kính. Đến nay, họ đã huy động được tổng cộng khoảng 1 tỉ đô la Mỹ, theo dữ liệu của Pitchbook và Reuters. Họ hy vọng sẽ giành được thị phần giao hàng không phát thải trong thời gian các công ty lớn dẫn đầu ngành vẫn chưa mở rộng dịch vụ này.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/cac-startup-chay-dua-mo-rong-dich-vu-giao-hang-khong-phat-thai/
-
Triển lãm Quốc tế Vải cao cấp với chủ đề “Cùng nhau tái chế – Cùng nhau tuần hoàn”
Việc Việt Nam và Mĩ nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, là cơ hội tốt đối với xuất khẩu hàng hóa nói chung và hàng dệt may nói riêng. Nhưng để tận dụng tốt các cơ hội này trong thời gian tới, theo các chuyên gia, trong tầm nhìn đến 2050, số hoá và xanh hoá là xu thế tất yếu của ngành dệt may, do đó, doanh nghiệp cần thích ứng sản phẩm tuần hoàn vào sản phẩm dệt may. Trong bối cảnh đó, Triển lãm Quốc tế Vải cao cấp Texfuture Việt Nam 2023 – Mùa Thu Đông do VCCI-HCM phối hợp với các đối tác tổ chức từ ngày 20/9 đến ngày 22/9/2023 tại Trung tâm hội nghị Thiskyhall (TPHCM) là một trong những hoạt động nhằm giúp doanh nghiệp dệt may Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh, cập nhật thông tin thị trường, đặc biệt là có được sự đột phá trên con đường tìm nguồn cung ứng vải bền vững và sáng tạo.
Với chủ đề “Cùng nhau tái chế – Cùng nhau tuần hoàn”, triển lãm thu hút sự quan tâm và đồng hành của hơn 15 nhãn hàng, hơn 200 đơn vị tham gia triển lãm, hơn 1.000 nhà máy doanh nghiệp dệt may, hơn 1.000 thương hiệu thời trang Việt và hơn 2.500 lượt khách tham quan và theo dõi. Triển lãm tập trung vào việc khơi dậy và thu hút hệ sinh thái dệt may và da giày, hơn là tuân theo định dạng triển lãm truyền thống, với nhiều hoạt động đa dạng với các không gian sáng tạo, khác biệt và ấn tượng.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/xuat-khau-det-may-da-thay-anh-sang-cuoi-duong-ham-20230920144441029.htm
-
Tuân thủ các quy định xanh của EU: Không để ‘nước đến chân mới nhảy’
Tại tọa đàm “Chuyển đổi xanh: Yêu cầu cấp thiết của doanh nghiệp xuất khẩu sang EU”, ngày 19/9/2023, đại diên Bộ Công Thương nhận định, sau ba năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã có những tác động vô cùng tích cực đến thương mại giữa Việt Nam và EU. Tuy nhiên, từ năm thứ 3 trong lộ trình thực thi EVFTA, những lợi thế và kết quả này đã phần nào bị ảnh hưởng bởi EU đang áp dụng nhiều hơn các tiêu chuẩn cao, gia tăng các yêu cầu về chất lượng đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam- VCCI) khẳng định những tiêu chuẩn xanh hay bền vững của EU sẽ bao trùm gần như tất cả những sản phẩm được xem là thế mạnh của chúng ta khi xuất khẩu vào thị trường EU như nông thủy sản, đồ gỗ, những mặt hàng công nghiệp và hàng tiêu dùng như dệt may, da giày… Những mặt hàng này đều là một trong những đối tượng được xem là trọng tâm trong việc chuyển đổi xanh của phía EU. Các quy định này là một thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam. Bởi các tiêu chuẩn không phải đặt ra và chúng ta tuân thủ là xong mà đây là một chuỗi những thay đổi nó đòi hỏi xanh dần, bền vững dần. Tức là yêu cầu không ổn định, các doanh nghiệp nếu muốn tuân thủ phải thường xuyên theo dõi mới đảm bảo được việc tuân thủ. Bà Trang cho rằng doanh nghiệp không nên quá lo lắng nhưng cũng không nên không làm gì cả. Nếu các doanh nghiệp của Việt Nam có được một cái nhìn tổng thể, sẵn sàng chuẩn bị, không để “nước đến chân mới nhảy” sẽ không kịp.
Nguồn: https://vneconomy.vn/tuan-thu-cac-quy-dinh-xanh-cua-eu-khong-de-nuoc-den-chan-moi-nhay.htm
-
Việt Nam – EU tăng cường hợp tác phát triển nông nghiệp bền vững
Từ ngày 18-20/9/2023, Đoàn Công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu đã thăm và làm việc với các cơ quan của Ủy ban châu Âu (EC) tại Brussels, Bỉ. Mục tiêu của chuyến công tác này nhằm tăng cường hợp tác Việt Nam – EU cho phát triển bền vững. Trong các phiên làm việc với Tổng vụ Môi trường và Cao ủy Môi trường, đại dương và nghề cá của EC, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ chủ trương của Chính phủ Việt Nam trong chuyển đổi nông nghiệp sang hướng sinh thái, xanh và bền vững.
Tổng vụ Môi trường và Cao ủy Môi trường, đại dương và nghề cá của Ủy ban châu Âu (EC) cùng đánh giá cao Việt Nam và mong muốn Việt Nam trở thành hình mẫu toàn cầu trong hợp tác với EU về phát triển nông nghiệp xanh bền vững, thích ứng với Quy định chống phá rừng của EU và phát triển ngành thủy sản bền vững…
Nguồn: https://vneconomy.vn/viet-nam-eu-tang-cuong-hop-tac-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung.htm
Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ
1. Trung Quốc loay hoay với bài toán nhân lực AI
Năm 2020, Bộ Lao động Trung Quốc công bố một báo cáo định lượng mức thiếu hụt 5 triệu kỹ sư lĩnh vực AI vào thời điểm đó. Báo cáo cho biết nguồn cung chuyên gia AI chỉ có thể đáp ứng 10% nhu cầu. Theo Bộ, trừ khi có những nỗ lực tăng cường đào tạo công nhân AI, nếu không, sự thiếu hụt sẽ tăng lên hơn 10 triệu công nhân vào năm 2025.
Việc ứng dụng AI trong nhiều ngành công nghiệp đang dẫn đến tình trạng thiếu lao động. Theo công ty nghiên cứu thị trường IDC của Mỹ, Trung Quốc dự kiến sẽ đầu tư 38,1 tỷ USD vào AI đến năm 2027, tương đương mức tăng gấp ba lần chi tiêu của năm 2022. Trong đó, đầu tư vào AI sẽ đặc biệt lớn trong lĩnh vực viễn thông và ngân hàng, cũng như chính quyền địa phương. Theo một báo cáo được công bố vào tháng 5 bởi McKinsey & Co, Trung Quốc đang trên đà thiếu hụt 4 triệu nhân tài AI vào năm 2030. Con số dựa trên dự đoán nhu cầu về chuyên gia AI lành nghề sẽ tăng gấp sáu lần từ năm 2022, lên 6 triệu người, nhưng nguồn cung chỉ đạt 2 triệu vào năm 2030.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/trung-quoc-loay-hoay-voi-bai-toan-nhan-luc-ai-tao-sinh-2189594.html
2. Foxconn tăng gấp đôi quy mô hoạt động tại Ấn Độ, có khả năng lắp ráp iPhone
Foxconn Technology Group, đối tác của Apple Inc., có kế hoạch tăng gấp đôi đầu tư và việc làm tại Ấn Độ, nhấn mạnh sự dịch chuyển mạnh mẽ đối với hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng. Ông Lee – đại diện của Foxconn tại Ấn Độ, cho hay Foxconn dự định tăng gấp đôi số lượng việc làm, vốn FDI và quy mô kinh doanh ở Ấn Độ. Kế hoạch đầu tư của Foxconn, còn được biết đến với tên gọi Hon Hai Precision Industry Co., bao gồm một khu đất rộng 300 mẫu gần sân bay ở Bengaluru, thủ phủ của Karnataka. Nhà máy này có khả thể lắp ráp iPhone và dự kiến sẽ tạo ra khoảng 100.000 việc làm.
Việc Foxconn mở rộng sự hiện diện ở Ấn Độ cho thấy Trung Quốc có nguy cơ mất vị thế là nhà sản xuất điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới. Apple và các thương hiệu khác của Mỹ đang tìm kiếm các địa điểm thay thế cho các nhà cung cấp có trụ sở tại Trung Quốc như Ấn Độ và Việt Nam.
Nguồn: https://bnews.vn/foxconn-tang-gap-doi-quy-mo-hoat-dong-tai-an-do-co-kha-nang-lap-rap-iphone/306853.html
3. AI và nhu cầu trường tồn theo thời gian
Trong một năm qua, chúng ta đã nghe nhiều về ChatGPT và trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc tạo ra những đột phá trong công việc cá nhân và tại công sở. Tuy nhiên, AI còn có thể thực hiện một chức năng khác, mang lại giá trị tinh thần rất lớn mà chúng ta sẽ không thể ngờ đến.
Công nghệ AI có thể giúp lưu giữ những ký ức và suy nghĩ của một người, thậm chí khi họ đã mất. Các trải nghiệm đó được kết hợp với các kiến thức và trải nghiệm mới được cập nhật vào hệ thống, từ đó tạo ra một thực thể trường tồn theo thời gian dựa trên nền tảng các triết lý sống ban đầu. Thậm chí, AI kết hợp với công nghệ Hologram 3D, một người sống ở giai đoạn 2023 hoàn toàn có thể tương tác và giao tiếp với một người sống ở những năm 2123. Đó là sự trường tồn mà AI có thể giúp con người tạo ra.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/ai-va-nhu-cau-truong-ton-theo-thoi-gian/
4. Gã khổng lồ xe điện BYD mở rộng doanh số bán xe điện ở Đông Nam Á
BYD đã gây ấn tượng mạnh ở Đông Nam Á, khi vượt qua các đối thủ bao gồm Tesla để chiếm hơn 1/4 thị phần xe điện được bán trong khu vực. Cùng với mức giá hấp dẫn, thành công ban đầu của BYD dựa trên mô hình hợp tác phân phối với các tập đoàn lớn ở địa phương, cho phép nhà sản xuất ô tô mở rộng phạm vi tiếp cận, kiểm tra sở thích của người tiêu dùng và điều hướng các quy định phức tạp của chính phủ trong khu vực, các quan chức của ba đối tác và nhà phân tích cho biết. Mô hình hợp tác này, tương tự như mô hình mà các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản ở một số nước Đông Nam Á theo đuổi cách đây nhiều thập kỷ, đang giúp BYD xây dựng thị phần một cách nhanh chóng và trái ngược với mô hình phân phối độc quyền của Tesla.
Theo Counterpoint, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc này đã bán được hơn 26% tổng số ô tô tại thị trường xe điện nhỏ nhưng đang phát triển nhanh chóng ở Đông Nam Á trong quý 2 năm 2023 và mẫu Atto 3, có giá khởi điểm 30.000 USD tại Thái Lan, là mẫu xe bán chạy nhất khu vực. Các nhà phân phối khu vực của BYD bao gồm các bộ phận của Sime Darby tại Malaysia và Singapore, Bakrie & Brothers của Indonesia, Ayala Corp tại Philippines và Rever Automotive của Thái Lan.
Nguồn: https://vneconomy.vn/automotive/ga-khong-lo-xe-dien-byd-mo-rong-doanh-so-ban-xe-dien-o-dong-nam-a.htm
Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng
1. Lại lo giá xăng dầu tăng cao
Theo dự báo của đại diện nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, tuần tới, liên Bộ Tài chính – Công Thương có thể điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo xu hướng tăng mạnh so với giá hiện hành, nếu giá dầu thế giới vẫn “phi mã” như thời gian qua và giữ đỉnh cao nhất 10 tháng.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng tới 15 lần và chỉ giảm 7 lần. Tại những kỳ điều chỉnh gần đây, giá xăng đã tăng liên tiếp trong 6 kỳ và trong kỳ điều chỉnh mới nhất (ngày 11/9), giá xăng tuy không thay đổi nhưng giá dầu vẫn tiếp tục tăng thêm 370 – 410 đồng/lít. Và nguy cơ giá xăng dầu quay đầu tăng lại vào kỳ điều chỉnh 21/9 sắp tới là rất rõ nét, khi giá thế giới đang rất cao. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng.
Nguồn: https://vtc.vn/lai-lo-gia-xang-dau-tang-cao-ar820615.html
Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới
1. ‘Cá mập’ Thụy Điển dự định góp vốn vào 25 startup công nghệ Việt Nam
Trước sự chuyển dịch của làn sóng đầu tư, các nhà sáng lập (founder) có ý định khởi nghiệp tại Việt Nam cần có cho mình một định hướng bài bản và đúng đắn ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp. Để hỗ trợ các startup, quỹ đầu tư mạo hiểm Antler đã phát triển mô hình đầu tư “Day Zero” dành cho những founder mới tại Việt Nam. Đây là mô hình hỗ trợ cho các nhà sáng lập startup khi họ vừa bắt đầu hành trình khởi nghiệp. Mô hình này bao gồm các chương trình tìm kiếm người đồng sáng lập (co-founder), sàng lọc và phát triển ý tưởng kinh doanh, tài trợ tiền hạt giống (pre-seed) và tiếp cận mạng lưới nhà đầu tư, nhà cố vấn khắp thế giới.
Trong tháng 10/2023, quỹ đầu tư mạo hiểm Antler sẽ khởi động chương trình ươm tạo startup dành cho các founder Việt Nam đang chuẩn bị khởi nghiệp và tìm kiếm đầu tư. Năm nay, Antler dự kiến đầu tư vào khoảng 25 startup tại Việt Nam, với mối quan tâm chính hướng tới các lĩnh vực như công nghệ y tế (health tech), công nghệ giáo dục (ed-tech), thương mại điện tử, fintech, climate tech, phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS)…
Nguồn: https://vietnamnet.vn/ca-map-thuy-dien-du-dinh-gop-von-vao-25-startup-cong-nghe-viet-nam-2190821.html
Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi
1. ‘Nâng trình’ nông dân, thành viên HTX trong thời đại số
Bắc Giang, Thái Nguyên, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Đồng Tháp… đang là những địa phương đi đầu khi có những chiến dịch quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua nền tảng số, cụ thể là hình thức livestream. Và đi liền với đó là những con số ấn tượng về kết quả mà những phiên livestream. Tiêu biểu như tại phiên livestream sản phẩm OCOP- Đồng Tháp- Xứ sở Sen hồng diễn ra ngày 9/9 kéo dài 6 tiếng đã thu hút hơn 24 triệu lượt tiếp cận, 563.000 người xem, mang về hơn 556 triệu đồng doanh thu.
Tận dụng môi trường số, nhất là thực hiện các livestream bán nông đặc sản đang cho thấy tính hiệu quả trong quảng bá, tiêu thụ, từ đó hỗ trợ rất tốt đầu ra cho nông dân, HTX và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu. Tuy nhiên, làm sao để nông dân, HTX có thể trở thành những KOL, những streamer thực sự mới có thể giúp họ chủ động hơn trong chuỗi giá trị và tránh bị phụ thuộc vào thương lái thì vẫn là câu chuyện dài.
Nguồn: https://vnbusiness.vn/hop-tac-xa/apos-nang-trinh-apos-nong-dan-thanh-vien-htx-trong-thoi-dai-so-1095312.html
2. Giá cà phê Việt Nam tăng cao nhất trong 30 năm qua
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 8, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 85 nghìn tấn, thu về 258,5 triệu USD, giảm 25,1% về lượng và giảm 2,9% về giá trị so với tháng 8 năm ngoái. Tính chung 8 tháng, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,2 triệu tấn, trị giá gần 3 tỷ USD, giảm 5,4% về lượng nhưng tăng 3,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Dù khối lượng suy yếu, song giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam tăng tháng thứ 6 liên tiếp, ghi nhận mức cao mới trong tháng 8, đạt kỷ lục 3.054 USD/tấn, tăng 8% so với tháng trước đó và tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Thái Như Hiệp – Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp – cho biết, chưa bao giờ thị trường cà phê biến động mạnh đến vậy. Theo ông Hiệp, giá cà phê đang duy trì tại mức cao trong lịch sử là tin vui đối với nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê. Tuy nhiên, điều đáng nói nguồn cung cà phê của Việt Nam đang rơi vào tình trạng khan hiếm. Tại một số tỉnh trọng điểm ở Tây Nguyên, lượng cà phê dự trữ của người dân và một số doanh nghiệp còn rất ít do mất mùa dẫn tới nguồn cung khan hiếm, chủ yếu lượng hàng dự trữ để xuất cho các hợp đồng đã được ký kết.
Nguồn: https://tienphong.vn/gia-ca-phe-viet-nam-tang-cao-nhat-trong-30-nam-qua-post1569657.tpo
3. Giống ngô sinh khối đầu tiên của Việt Nam
Những năm gần đây, cơ cấu nông nghiệp đang có sự chuyển đổi mạnh, tỷ trọng chăn nuôi tăng lên rất nhanh. Thế mạnh của các tỉnh miền núi là chăn nuôi đại gia súc nên rất cần nguồn thức ăn chất lượng cao như ngô sinh khối. Tuy nhiên Việt Nam lại chưa có các giống ngô chuyên để sản xuất sinh khối mà chỉ là các giống ngô lấy hạt được sử dụng để sản xuất ngô sinh khối dưới dạng “hai trong một”. Với hướng đi mới về ngô sinh khối, TS Đặng Ngọc Hạ – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã miệt mài tạo dòng, thử tổ hợp lai và đánh giá, và đã chọn ra được tổ hợp lai ưng ý nhất là ĐH17-5. Đến tận năm 2022, giống ngô ĐH17-5 mới được công nhận chính thức, cho phép lưu hành ở các tỉnh phía Bắc. Đây là giống ngô sinh khối đầu tiên của Việt Nam, chuyên biệt theo đúng tiêu chuẩn.
ĐH17-5 là giống ngô đầu tiên đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí của ngô sinh khối. Thứ nhất, sinh khối phải tương đương hoặc hơn các giống ngô chuyên hạt sử dụng vào mục đích lấy sinh khối. Về chỉ tiêu này thì năm 2019, anh Đạt ở thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La) đã trồng thử 1ha và đạt năng suất 82 tấn, ít nhất bằng với giống đối chứng đang thịnh hành là NK 7328. Thứ hai, phải đạt các tiêu chí về hóa sinh như hàm lượng chất khô, chất béo, protein…Bà Cầm Thị Phong – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sơn La phấn khởi trước kết quả ấn tượng của mô hình trình diễn giống ngô sinh khối ĐH17-5. Theo bà, trồng ngô sinh khối có nhiều lợi thế so với trồng ngô lấy hạt bởi rút ngắn thời gian được 1 tháng, lại tiết kiệm được công thu hoạch, tẽ, phơi.
Nguồn: https://nongnghiep.vn/giong-ngo-sinh-khoi-dau-tien-cua-viet-nam-mang-ten-nguoi-vien-pho-d362070.html?fbclid=IwAR3zlv0pJXjQOR-sn4woO1928WEt9G_98raIVY6OPSHrYnQkgq1KVCuGcdc_aem_AeBTae5S2yUQRToy3eD7XnyAodygYk4NFA1vCEHlP5TtNOtJPGCh7B2kd94xLEZ3eIc&s=cl&fs=e
4. Việt Nam hướng tới nghề cá phát triển bền vững
Ngày 19-9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết với nỗ lực vận động EC tháo gỡ thẻ vàng IUU trước khi đoàn thanh tra đến Việt Nam tiến hành đợt thanh tra thứ 4, ngày 18-9, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu đoàn công tác của bộ có buổi làm việc với các cơ quan của Ủy ban châu Âu (EC) tại Bỉ. Trong các phiên làm việc với Cao ủy Môi trường, đại dương và nghề cá, Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản (DG MARE), Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định quan điểm của Việt Nam trong chống khai thác IUU (khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Việc này không chỉ để xuất khẩu sang EU mà còn giúp phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam, giữ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Để triển khai các giải pháp đồng bộ cho phát triển nghề cá bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Việt Nam có chiến lược giảm cường lực khai thác, giảm đội tàu và chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Ông Hoan cũng đề nghị EC hỗ trợ Việt Nam công tác điều tra nguồn lợi thủy sản trong vùng biển Việt Nam. Hỗ trợ triển khai các chương trình chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân ven biển.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bo-truong-le-minh-hoan-viet-nam-huong-toi-nghe-ca-phat-trien-ben-vung-20230919182154162.htm
Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu
1. Trong 8 tháng, Trung Quốc 6 lần gửi thông báo vi phạm mã số vùng trồng nông sản Việt Nam
Theo Cục BVTV, công tác giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại các tỉnh đã được quan tâm hơn nhưng chưa có nhiều thay đổi rõ nét. Hầu hết các tỉnh mới chỉ quan tâm đến hướng dẫn thiết lập và cấp mới mà chưa tập trung nguồn lực cho giám sát các mã số sau khi được phê duyệt. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều lô hàng vi phạm phải nhận cảnh báo từ cơ quan kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu hoặc buộc phải quay đầu xe ngay tại các cửa khẩu của Việt Nam do phát hiện có đối tượng kiểm dịch thực vật. Hiện cả nước mới giám sát được 2.640 mã số vùng trồng (đạt gần 41%) và 478 mã số cơ sở đóng gói (đạt 27%)…
Ông Hoàng Trung – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho biết, trong 8 tháng đầu năm, phía Trung Quốc đã 6 lần gửi thông báo vi phạm về mã số vùng trồng. Bộ đã nhiều lần cảnh báo, yêu cầu chấn chỉnh nhưng chuyển biến ở các địa phương rất chậm, thậm chí có nơi còn tệ hơn. “Nếu cứ tiếp tục vi phạm, thời gian tới Trung Quốc có thể áp dụng các biện pháp tăng cường như cho ngưng nhập khẩu. Với diện tích sầu riêng hiện nay, chúng ta bán đi đâu? Kể cả thanh long, xoài cũng vậy. Khi đó chúng ta yêu cầu đàm phán lại thì mất 3-5 năm nữa. Với 10 loại trái cây chủ lực của Việt Nam đều có mặt ở Trung Quốc, chỉ cần dừng xuất khẩu 1 loại thôi đã không ổn, sẽ dẫn tới hệ lụy nghiêm trọng”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cảnh báo.
Nguồn: https://tienphong.vn/8-thang-6-lan-gui-thong-bao-vi-pham-ma-so-vung-trong-nong-san-post1570069.tpo
2. Thời cơ cho xuất khẩu trái dừa
Mỹ, Bangladesh, Israel… mở cửa thị trường với trái dừa tươi Việt Nam; Nhật Bản, Hàn Quốc không còn bị hạn ngạch. Nhiều khả năng thời gian tới trái dừa cũng sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Những tín hiệu tích cực từ thị trường đang là động lực để nông dân các vùng trồng dừa bắt tay vào cải tạo vườn dừa, liên kết với doanh nghiệp thúc đẩy ngành hàng này phát triển.
Cũng như nhiều nông sản khác, giá dừa luôn bấp bênh, chịu cảnh “được mùa mất giá” thường xuyên. Từ khi thị trường trái dừa được xuất khẩu sang nhiều thị trường, đặc biệt gần đây là Mỹ, thị trường dừa trong nước cũng sôi động hơn. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nếu dừa Việt Nam mở cửa được thị trường Trung Quốc vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới thì dự kiến tiêu thụ dừa tươi sẽ được tiêu thụ mạnh vào mùa hè năm sau. Bên cạnh đó, các đơn vị chế biến cũng xuất khẩu sản lượng lớn dừa chế biến như: dừa khô, cơm dừa, sữa dừa, dầu dừa… Đây sẽ là những sản phẩm phục vụ tốt khi thị trường vào mùa Đông. Đây cũng chính là dư địa của ngành hàng này có thể tiếp tục bứt phá thời gian tới.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/thoi-co-cho-xuat-khau-trai-dua-20230914074457247.htm
3. Xuất khẩu thủy sản có thể cán mốc 10 tỷ USD
Các tháng cuối năm là thời điểm có nhiều lễ hội, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thủy sản nói chung và sản phẩm cá tra nói riêng sẽ tăng mạnh. Việc tập trung nâng cao chất lượng, tận dụng tốt các cơ hội sẽ giúp ngành hàng tỷ đô này sớm lấy lại đà tăng trưởng. Không riêng thị trường Mỹ, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường khác từ nay đến cuối năm đang được VASEP đánh giá là có xu hướng khả quan hơn. Bởi thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thủy sản sẽ tốt lên, nhất là khi lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch đang đến gần.
Nhìn vào biến chuyển kim ngạch trong những tháng qua có thể thấy xu hướng ấm dần lên của thị trường. Nếu tháng 6, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt hơn 767 triệu USD, giảm trên 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến tháng 8, con số giảm đã rút ngắn là 15%, đây cũng là mức tăng trưởng âm thấp nhất trong 6 tháng qua và doanh số cao hơn so với những tháng trước. Với đà này, ngành thủy sản có thể chạm mức kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/xuat-khau-thuy-san-co-the-can-moc-10-ty-usd-20230915120013402.htm
4. Công bố danh mục các loại gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có quyết định công bố danh mục các loại gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, danh mục các loại gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam tính đến ngày 30/6/2023 bao gồm các loại gỗ đã được công bố tại Quyết định ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố danh mục các loại gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam. Cụ thể, danh mục có 837 loại gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam. Trong danh mục này, tên gọi chính thức của các loại gỗ là tên khoa học; tên Việt Nam thường gọi chỉ có giá trị tham khảo bởi có nhiều loại không có tên Việt Nam thường gọi.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện Nghị định số của Chính phủ Quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, chủ gỗ nhập khẩu tự kê khai và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin trong bảng kê gỗ, sản phẩm gỗ nhập khẩu. Chủ gỗ nhập khẩu phải kê khai đầy đủ các thông tin đối với sản phẩm gỗ hỗn hợp nhằm bảo đảm kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gỗ nhập khẩu và làm căn cứ kiểm tra, truy xuất nguồn gốc gỗ trong trường hợp cần thiết.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/cong-bo-danh-muc-cac-loai-go-da-nhap-khau-vao-viet-nam-post1046631.vov
BSA Media