Bản tin thị trường, từ 16 – 23/5/2024

Hội An cho phép hộ dân phố cổ đón khách ăn ở cùng

I. Sản xuất hàng tiêu dùng

1. Trung Quốc chi nửa tỷ USD xây kho sát biên giới, nguồn hàng tiêu dùng khổng lồ đổ bộ Việt Nam
Thời gian tới, hoạt động sản xuất trong nước sẽ phải cạnh tranh với nguồn hàng tiêu dùng khổng lồ từ Trung Quốc được nhập khẩu thông qua hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới, đặc biệt với lợi thế từ kho hàng nửa tỷ USD mà Trung Quốc mới hình thành sát biên giới.
Qua các chuyến khảo sát và thông tin từ phía Trung Quốc, tỉnh Vân Nam đã hình thành Khu thí điểm thương mại điện tử Trung Quốc – ASEAN (Hà Khẩu) và ở một số cửa khẩu khác dọc trên tuyến biên giới Việt – Trung cũng đang được phía Bạn triển khai.
Cụ thể, Khu thí điểm thương mại điện tử Trung Quốc – ASEAN (Hà Khẩu) – phân khu Hồng Hà cách cửa khẩu đường bộ Hà Khẩu 3km. Tổng diện tích xây dựng 660.000 m2. Tổng mức đầu tư 3,68 tỷ NDT (tương đương 525 triệu USD).
Theo Sở Công Thương Lào Cai, các kho hàng, trung tâm thương mại điện tử tại khu vực biên giới này có chức năng “thu gom trong nước + phân phối ở nước ngoài”. Cung cấp chức năng giao hàng trực tuyến, livestream bán lẻ… cung cấp dịch vụ khai báo, kiểm tra, khai báo đặt hàng; gửi bưu kiện trong nước đi nước ngoài, tiếp nhận, mở các bưu kiện nước ngoài, trung chuyển các bưu kiện quá cảnh,…
Nguồn: https://vnbusiness.vn/thi-truong/trung-quoc-chi-nua-ty-usd-xay-kho-sat-bien-gioi-nguon-hang-tieu-dung-khong-lo-do-bo-viet-nam-1099855.html
2. Nỗ lực kìm giữ giá
Doanh nghiệp sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa đang xoay xở cắt giảm các chi phí liên quan để kìm giữ giá trong bối cảnh người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu thận trọng
Giá nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất và giá xăng dầu tăng mạnh cùng diễn biến thời tiết cực đoan trong các tháng đầu năm 2024 đã tác động trực tiếp lên giá hàng hóa, dịch vụ đến tay người tiêu dùng. Tăng giá là diễn biến không tránh khỏi của nhiều doanh nghiệp (DN).
Báo cáo mới nhất của Kantar Việt Nam cho thấy thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) của Việt Nam trong quý I/2024 tăng trưởng âm bất chấp thời điểm tháng Tết Nguyên đán, đồng thời người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu thận trọng.
Ông Võ Trần Ngọc, Giám đốc kinh doanh Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) thông tin hầu hết nhà cung cấp rau củ quả đã báo tăng giá 10% – 15%. Tuy nhiên, là đơn vị tham gia bình ổn giá, Saigon Co.op chủ động làm việc với nhà cung cấp, ký thỏa thuận bao tiêu một số sản phẩm, bảo đảm nguồn cung ứng. Với nhóm hàng thực phẩm công nghệ, mức đề nghị tăng phổ biến là 10% – 20%. Để ứng phó, Saigon Co.op – với lợi thế có trung tâm phân phối ở Bình Dương, miền Tây, miền Bắc – đã chủ động đàm phán với nhà cung cấp và dự trữ lượng hàng, bảo đảm cung ứng đầy đủ nguồn hàng với giá phải chăng,…
Nguồn: https://baomoi.com/no-luc-kim-giu-gia-c49145530.epi
3. Italia sẵn sàng chia sẻ công nghệ giúp sản xuất dệt may Việt Nam đột phá
Ngài Marco Della Seta, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Italia tại Việt Nam nhấn mạnh: “Italia sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam công nghệ hiện đại trong sản xuất những loại vải tái chế, mô hình tuần hoàn của dệt may… nhằm nâng cao sức cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam”…
Italia đã và đang hỗ trợ Việt Nam sản xuất ra sản phẩm dệt may chất lượng cao thông qua Trung tâm công nghệ dệt may Italia tại TP. Hồ Chí Minh được tài trợ bởi Văn phòng Thương vụ Italia và Acimit – Hiệp hội các nhà sản xuất máy móc dệt may Italia.
Trung tâm hỗ trợ về máy móc dệt may và gửi giáo viên đến để trao đổi kinh nghiệm với dệt may Việt Nam. Cũng tại đây, doanh nghiệp dệt may Việt Nam có điều kiện tiếp cận các kỹ thuật mới, có cơ hội giao lưu trao đổi kinh nghiệm với các giáo sư, các nhà nghiên cứu tại các trường đại học của Italia. “Đây là một minh chứng hợp tác rất tốt đẹp và tôi hy vọng nó sẽ còn phát triển trong tương lai”, vị Đại sứ khẳng định.
Nguồn: https://vneconomy.vn/italia-san-sang-chia-se-cong-nghe-giup-san-xuat-det-may-viet-nam-dot-pha.htm

II. Bán lẻ – Thương mại điện tử

1. Công ty mẹ Shopee tăng trưởng tích cực bất chấp sự trỗi dậy của TikTok Shop
Quý 1/2024, Sea Limited, công ty mẹ Shopee ghi nhận doanh thu tăng trưởng tích cực, nhờ chiến lược đầu tư vào livestream, video ngắn và logistics trong bối cảnh nhiều đối thủ đang lên như TikTok Shop tiếp tục phả hơi nóng vào cuộc chơi thương mại điện tử.
Nikkei Asia dẫn kết quả kinh doanh quý 1/2024 của Sea Limited cho thấy, doanh thu của công ty đạt 3,73 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại quý 1/2024, Sea báo lỗ ròng 23 triệu USD, kết quả này trái ngược với khoản lãi ròng 87 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu xét theo từng quý, khoản lỗ ròng trong 3 tháng đầu năm nay đã được cải thiện 80% so với khoản lỗ ròng lên đến 111 triệu USD ghi nhận trong quý 4/2023.
Nguồn: https://baomoi.com/cong-ty-me-shopee-tang-truong-tich-cuc-bat-chap-su-troi-day-cua-tiktok-shop-c49122652.epi
2. Thế giới Di động giảm nhân sự, thu hẹp kinh doanh
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, bên cạnh lời xin lỗi của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động với cổ đông vì hoạt động kinh doanh không hiệu quả trong năm 2023, Ban lãnh đạo Công ty cũng chia sẻ kế hoạch kinh doanh năm 2024, khi tập trung tái cấu trúc toàn diện “giảm lượng – tăng chất”.
Trong quý I/2024, hoạt động tái cấu trúc tại Thế giới Di động vẫn diễn ra khi Công ty giảm 7,41% nhân sự so với đầu năm, tương ứng giảm 4.853 nhân viên, về 60.561 nhân viên. Tính từ ngày 30/9/2022 đến ngày 31/3/2024, Công ty đã giảm 24,5% tổng quy mô nhân sự, tương ứng giảm 19.670 người trong vòng một năm rưỡi.
Xét tổng thể 4 chuỗi chính của doanh nghiệp, gồm Thế giới Di động, Điện máy Xanh, Bách hóa Xanh và An Khang, từ quý II/2023 đến quý I/2024 đã giảm 4,1% tổng số cửa hàng, từ 5.712 cửa hàng về 5.477 cửa hàng (giảm 235 cửa hàng).
Trái với lo ngại việc tái cấu trúc, thu hẹp quy mô có thể kéo lùi bức tranh tài chính, trong quý I/2024 và Báo cáo sơ bộ tháng 4/2024 đang cho thấy tín hiệu khởi sắc về kết quả kinh doanh của Thế giới Di động so với nền thấp năm 2023.
Nguồn: https://baomoi.com/the-gioi-di-dong-giam-nhan-su-thu-hep-kinh-doanh-c49141622.epi
3. Sức mua tivi giảm không phanh
Đã qua thời tivi được đẩy lên “tốp” đầu tiêu thụ mạnh và đem lại doanh thu cao vượt trội trong các chương trình khuyến mãi, ưu đãi của siêu thị, hệ thống bán lẻ. Thời điểm hiện nay, tồn kho tivi ở mức rất lớn.
Do sức tiêu thụ chạm đáy nên mặt hàng tivi đang tồn kho rất lớn. Theo thống kê từ các nhà bán lẻ, hiện có khoảng 1,5 triệu chiếc tivi tồn kho trên thị trường, chưa kể tồn kho tại các nhà máy. Giá tivi cũng được cho là đã giảm xuống mức rất thấp, khó giảm thêm song vẫn chưa đủ kích thích sức mua.
Các hãng điện tử xác nhận không còn đặt trọng tâm kinh doanh vào mặt hàng tivi như trước đây. Nếu như 3-4 năm trước, các hãng liên tục đưa ra model mới với hàng trăm mẫu, giá bán thường cao hơn model cũ 20%-30% thì thời điểm này, hãng chỉ sản xuất ít mẫu với giá cao hơn không đáng kể so với model trước. Thời gian giữ giá bán ở mức cao đối với một số mẫu mới cũng rút ngắn hơn trước đây, thậm chí còn phải nhanh chóng giảm giá sâu nếu bán quá chậm.
Nguồn: https://baomoi.com/suc-mua-tivi-giam-khong-phanh-c49139178.epi
4. Thương hiệu F&B và thời trang “chiếm sóng” trung tâm thương mại
Hầu hết các giao dịch thuê được ghi nhận đến từ ngành hàng F&B, thời trang thể thao và mỹ phẩm… điều này đã thay đổi đáng kể và đặt ra yêu cầu về nâng cấp, tái cơ cấu đối với các trung tâm mua sắm.
Trên toàn cầu, mua sắm trực tuyến đã tạo áp lực đối với cửa hàng bán lẻ vật lý, đặc biệt tại các mặt bằng bán lẻ nhóm hai hoặc ba, khi tỷ lệ trống tiếp tục ở mức cao. Mặt khác, các mặt bằng bán lẻ cao cấp, có độ nhận diện tốt và khả năng kết nối giao thông thuận tiện lại ghi nhận sự phục hồi đáng kể trong thời gian vừa qua.
Sự thay đổi về nhu cầu của thương hiệu bán lẻ cũng đặt ra yêu cầu về nâng cấp và tái cơ cấu đối với các trung tâm mua sắm để có thể thu hút nhãn hàng. Việc tái cơ cấu khách thuê đã được chứng minh mang đến những kết quả tích cực. Tại Hà Nội, ví dụ nổi bật về việc tái cơ cấu thành công là The Loop by Takashimaya. Trung tâm thương mại này sau thời gian cải tạo nâng cấp và đưa ra phương án tái cơ cấu phù hợp đã đạt được kết quả đáng chú ý, khi công suất lấp đầy đạt 100% và giá thuê tầng trệt tăng đáng kể.
Nguồn: https://markettimes.vn/thuong-hieu-f-b-va-thoi-trang-chiem-song-trung-tam-thuong-mai-56120.html#google_vignette

III. Xu hướng tiếp thị – truyền thông

1. Tiktok thử nghiệm video 60 phút, đòn trả đũa Google vì lệnh cấm tại Mỹ
Tờ Business Insider (BI) cho hay Tiktok đang cho một số người dùng tải thử nghiệm video dài 60 phút lên nền tảng của mình, qua đó cạnh tranh trực tiếp với Youtube cùng những kênh livestream khác. Hiện vẫn chưa rõ hãng sẽ áp dụng dịch vụ này cho những khu vực thị trường nào, khi nào triển khai và có giới hạn gì không.
Nhiều chuyên gia nhận định đây là chiến lược của mạng xã hội này nhằm mở rộng sang phân khúc mới: Truyền hình.
Ban đầu Tiktok tập trung vào sự đa dạng hóa nội dung khi giới hạn thời gian các video, nhưng giờ đây hãng chấp nhận nới rộng thời lượng để khuyến khích người dùng Youtube chuyển sang nền tảng này, qua đó cạnh tranh trực tiếp với nhà Google.
Ngoài ra, việc phát hành phim hay theo dõi các chương trình dài tập trên Netflix hay Disney+ cũng có thể diễn ra trên Tiktok.
“Việc các video có thời lượng quá ngắn trên Tiktok khiến nhiều người dùng khám phá nội dung xong chuyển sang những nền tảng khác như Youtube để xem bản đầy đủ. Tuy nhiên với việc nâng thời lượng thì Tiktok có thể ngăn cản người xem chuyển sang các nền tảng khác”, báo cáo của eMarketer nêu rõ.
Nguồn: https://cafef.vn/tiktok-thu-nghiem-video-60-phut-cuoc-chien-toan-dien-voi-youtube-netflix-disney-chinh-thuc-bat-dau-don-tra-dua-google-vi-lenh-cam-tai-my-1882405171507376.chn
2. Vì sao không hoàn hủy, VF 3 vẫn nhận gần 28.000 cọc trong 3 ngày?
VinFast VF3 đang trở thành “hiện tượng” của thị trường ô tô Việt Nam khi lượng xe đặt cọc chỉ sau 66 giờ lập kỷ lục 27.649 xe.
Mức giá tốt, ngoại hình cá tính, trang bị vượt tầm giá, nhiều lợi ích khi cọc sớm và nhất là phương thức kinh doanh của VinFast đã khiến VF3 đã trở thành mẫu xe “hot” trên thị trường.
Bên cạnh những ưu điểm của bản thân chiếc xe, lý do giúp VF3 sớm lập kỷ lục nằm ở chính sách bán hàng mới của hãng xe Việt.
Đầu tiên là đặc quyền dành cho khách hàng đặt cọc sớm như mức giá ưu đãi 235 triệu đồng/xe (thuê pin) và 315 triệu đồng/xe (kèm pin), được miễn phí lựa chọn trong 9 màu ngoại thất hoặc tùy chọn tự thiết kế màu và họa tiết trang trí xe chỉ với 15 triệu đồng, cơ hội được khắc tên “Creators’ Edition” và đánh số thứ tự đặt cọc từ 1 đến 6.868 trên xe.
Song song đó, chiến lược bán hàng đa nền tảng của VinFast là động lực thúc đẩy người tiêu dùng “chốt” cọc nhanh hơn. Bên cạnh hệ thống showroom, nhà phân phối truyền thống, VF 3 được mở bán từ 13/5 trực tuyến trên website, sàn thương mại điện tử Shopee và VinID, hoặc qua các buổi livestream hội tụ những gương mặt nổi tiếng tại Việt Nam như Viruss.(ViruSs đã chốt được 98 chiếc VF3 với tổng doanh thu ít nhất là 31,85 tỷ).
Đó là cách VinFast mang ô tô tới gần đông đảo đối tượng khách hàng, từ những người dùng trẻ tuổi tới phụ nữ nội trợ, người làm văn phòng, công sở với nhiều thói quen mua hàng đa dạng. VF 3 phủ sóng mọi mặt trận, từ mạng xã hội, sàn thương mại điện tử tới những cuộc thảo luận hàng ngày. Đây thật sự là một chiến dịch ‘phổ cập’ ô tô điện đúng nghĩa.
Nguồn: https://dantri.com.vn/o-to-xe-may/vi-sao-khong-hoan-huy-vf-3-van-nhan-gan-28000-coc-trong-3-ngay-20240520093850687.htm

IV. Xu hướng Xanh – Bền vững

1. Thương mại điện tử và nỗi lo 800.000 tấn rác thải vào năm 2030
Hiệp hội TMĐT Việt Nam cuối tháng 4 vừa qua đã tổ chức hội thảo “Rác thải nhựa từ thương mại điện tử”. Tại hội thảo này, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Chính sách, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho rằng số lượng rác thải từ thương mại điện tử, mua hàng qua mạng tăng ít nhất 5 lần so với thương mại truyền thống.
Cũng tại hội thảo trên, ông Nguyễn Thanh Hưng, thành viên Hội đồng tư vấn cấp cao về TMĐT của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), cho biết tại Việt Nam năm 2023 bán lẻ hàng hoá trực tuyến sử dụng 1,84 tỉ gói hàng hoá, tương đương với khối lượng bao bì, vật liệu nhựa là 306 ngàn tấn. Trong đó hộp carton và túi nilon là loại bao bì phổ biến được đơn vị bán hàng sử dụng đóng gói đơn hàng. Ngành quần áo, thời trang, phụ kiện và đồ ăn nhanh có đến 90% thương nhân sử dụng túi nilon, hộp, ly nhựa để đóng gói.
Bên cạnh đó, phần lớn các đơn hàng đều sử dụng vật liệu chèn là mút xốp và xốp nilon bong bóng khí với tỉ lệ tương ứng là 30% và 35%. Các đơn hàng đều sử dụng vật liệu phụ trợ là băng keo nhựa.
“Với tốc độ tăng trưởng trên 25% mỗi năm, có thể tới năm 2030, quy mô TMĐT Việt Nam sẽ gấp trên 4,7 lần hiện tại, khi đó lượng rác thải nhựa từ TMĐT sẽ lên tới 800 ngàn tấn”, ông Hưng nói.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/thuong-mai-dien-tu-va-noi-lo-800-000-tan-rac-thai-vao-nam-2030/
2. Xanh hóa bao bì để xuất khẩu bền vững
Việt Nam đang đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ sử dụng 100% bao bì thân thiện với môi trường. Việc này sẽ rất khả quan khi có sự chung tay của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Tuy nhiên, để hàng tái chế được trưng bày nhiều hơn nữa trên kệ hàng, các doanh nghiệp vẫn đang tìm cách giải quyết bài toán chi phí và đầu ra khi các sản phẩm xanh này luôn gặp rào cản về giá thành cao hơn sản phẩm thông thường từ 10 – 30%.
Theo số liệu của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), tỷ lệ thu gom và tái chế giấy đã qua sử dụng (trong đó có bao bì carton) của Việt Nam hiện nay là khoảng xấp xỉ 50%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới hiện là gần 60%, ông Anil Viswanathan, Tổng Giám đốc Công ty Mondelez Kinh Đô Việt Nam cho biết. EU – một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam – đã thông qua dự luật bao bì mới nhằm giảm lượng rác thải bao bì, theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu vào EU chỉ còn 5 năm để chuyển đổi sang loại bao bì khác thân thiện và bền vững hơn…
Nguồn: https://vneconomy.vn/xanh-hoa-bao-bi-de-xuat-khau-ben-vung.htm
3. Thủ đô Hàn Quốc cấm đồ nhựa dùng một lần trong các sự kiện lớn
Ngày 20-5, chính quyền thành phố Seoul thông báo bắt đầu từ tháng 9, các sản phẩm nhựa dùng một lần sẽ bị cấm tại các sự kiện và lễ hội do chính quyền Seoul tổ chức và có hơn 1.000 người tham dự.
Theo chính sách “Seoul không có rác thải nhựa”, các trung tâm y tế lớn của thành phố này, như Trung tâm Y tế Samsung, có kế hoạch giới thiệu các hộp đựng đa dụng từ nửa cuối năm nay, trong khi Bệnh viện Dongbu Seoul cũng sẽ giới thiệu các thùng chứa có thể tái sử dụng vào cuối tháng này.
Trước đó, hồi tháng 7-2023, Trung tâm Y tế Seoul đã tuyên bố không còn sử dụng đồ hộp dùng một lần.
Bắt đầu từ tháng 4 năm nay, 38 nhà bán lẻ ở sân vận động bóng chày Jamsil đã bán thực phẩm và đồ uống trong các hộp đựng có thể tái sử dụng.
Theo thống kê của chính quyền thành phố Seoul, với việc các cơ quan dịch vụ không sử dụng đồ hộp dùng một lần, lượng rác thải hằng năm từ các cơ sở này sẽ giảm khoảng 80%.
Cũng theo thành phố này, việc thực hiện kế hoạch “Seoul không có rác thải nhựa” đã giúp toàn thành phố giảm khoảng 378 tấn đồ nhựa sử dụng một lần trong 2 năm qua, tương đương với mức giảm khoảng 1.039 tấn khí CO2.
Nguồn: https://tuoitre.vn/thu-do-han-quoc-cam-do-nhua-dung-mot-lan-trong-cac-su-kien-lon-20240520145032067.htm

V. Thực phẩm – Ẩm thực

1. Đông Nam Á: “Mảnh đất vàng” cho thực phẩm của tương lai?
Dữ liệu từ Grand View Research cho thấy, thị trường thịt nuôi cấy dự kiến tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 51,6% trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2030.
Theo trang tin CNBC của Mỹ, các chuyên gia cho rằng việc giảm tiêu thụ thịt động vật và các sản phẩm từ sữa động vật có thể là “chìa khóa” giúp khu vực Đông Nam Á vượt qua cuộc khủng hoảng khí hậu. Trong một báo cáo công bố mới đây, Công ty Asia Research Engagement (ARE) có trụ sở ở Singapore khuyến nghị, để ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu, từ nay đến năm 2030, các quốc gia Đông Nam Á cần giảm sản lượng thực phẩm protein động vật và chuyển sang các loại protein thay thế.
ARE dự báo đến năm 2060, các loại protein thay thế protein động vật có thể sẽ chiếm hơn 50% lượng thực phẩm protein ở Đông Nam Á và các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, công ty này lưu ý: “Để đạt được điều này sẽ đòi hỏi nguồn vốn chuyên dụng cũng như cam kết của ngành thực phẩm châu Á, các nhà đầu tư và ngân hàng đối với sự phát triển bền vững.”
Theo một báo cáo của Boston Consulting Group vào năm 2022, cứ mỗi một USD đầu tư vào việc sản xuất các sản phẩm thay thế thịt và sữa sẽ giúp giảm lượng khí nhà kính nhiều hơn bảy lần so với xây các tòa nhà xanh và thậm chí hơn 11 lần so với phát triển ô tô không phát thải.
Nguồn: https://vneconomy.vn/dong-nam-a-manh-dat-vang-cho-thuc-pham-cua-tuong-lai.htm
2. Thị trường thực phẩm chay dịp lễ Phật Đản đa dạng, hút khách
Không sôi động bằng lễ Vu Lan nhưng thực phẩm chay vẫn được người tiêu dùng lựa chọn sử dụng nhiều trong dịp lễ Phật Đản. Đối với nhiều người tiêu dùng, ăn chay không chỉ là nhu cầu tâm linh mà còn là cách để thanh lọc cơ thể, bảo vệ sức khỏe, giảm bệnh tật, nhất là đối với những người lớn tuổi, người có bệnh cần ăn kiêng.
Trên thị trường, các nhà hàng, siêu thị, hay hội nhóm mua bán trên mạng xã hội hiện cung cấp, rao bán những loại thực phẩm chay đa dạng, đóng gói đẹp mắt, tiện lợi cho việc chế biến tại nhà như: nem, chả giò, thịt từ chân nấm, đậu hũ non, há cảo, cá và bò viên nấm… Thực phẩm mặn có gì thì thực phẩm chay cũng có các món tương tự nên không kém phần đặc sắc và ngon miệng. Gần đến lễ Phật Đản, thị trường thực phẩm chay sôi động từng ngày, sức tiêu thụ các mặt hàng chay tăng mạnh và giá cũng không thay đổi so với ngày thường.
Qua tìm hiểu tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và chợ dân sinh, đa số các loại thực phẩm chay đều do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất với mức giá bình dân, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Các loại thực phẩm của những nhãn hàng này đều được chế biến sẵn để đông lạnh, khi dùng chỉ cần hấp, chiên, xào, giúp người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn, an tâm khi sử dụng.
Nguồn: https://congthuong.vn/thi-truong-thuc-pham-chay-dip-le-phat-dan-da-dang-hut-khach-321064.html
3. ‘Cuộc chiến’ khốc liệt tranh thị phần tỷ USD của các chuỗi cà phê ở Việt Nam
Trong khi Highlands, Phúc Long miệt mài mở cửa hàng mới thì Trung Nguyên đẩy mạnh chiến lược phát triển ở nước ngoài còn The Coffee House giảm điểm bán.
Highlands hiện vẫn giữ vững vị thế vô đối với 777 cửa hàng đang hoạt động tại nhiều tỉnh thành cả nước theo cập nhật mới nhất trên website doanh nghiệp. Con số này tăng hơn 170 cửa hàng so với 605 cửa hàng cuối 2022. Ngoài ra còn hơn 50 cửa hàng tại Philippines.
Phúc Long cũng có một năm 2023 quyết liệt mở cửa hàng sang, xịn. Khoảng hơn 25 cửa hàng flagship đã được cấp tập mở trong 6 tháng cuối năm, với mục tiêu đưa thương hiệu này thành chuỗi đồ uống lớn thứ 2 Việt Nam.
Trung Nguyên của “vua” cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ lại có hướng đi khác biệt so với các chuỗi trong phân khúc, dù số lượng cửa hàng không thua kém Highlands. Trên hệ thống của Trung Nguyên, cập nhật đến giữa tháng 5/2024, chuỗi này có khoảng 700 cửa hàng, bao gồm 108 cửa hàng Trung Nguyên Legend, 548 cửa hàng E Coffee và các cửa hàng ở nước ngoài.
Nhân tố gây bất ngờ nhất năm 2023 chính là chuỗi non trẻ Katinat Saigon Cafe. Từ cuối năm 2022 đến nay, Katinat say mê mở cửa hàng mới tại các vị trị vàng ở trung tâm TP.HCM. Gần như những ngã tư đường ở các khu vực đắt đỏ nhất đều có sự hiện diện của Katinat, nhiều địa điểm có Highlands là có Katinat.
The Coffee House cũng gây bất ngờ cho thị trường trong năm 2023 nhưng ở chiều ngược lại. Chuỗi này dường như thủ thế khi số lượng cửa hàng giảm xuống. Nếu con số cuối 2022 là 155 cửa hàng, thì cập nhật trên website của doanh nghiệp đến 15/5/2024 còn 133 cửa hàng.
Còn Starbucks, đến giữa tháng 5/2024 cũng có 108 cửa hàng sau 11 năm gia nhập thị trường Việt Nam. Có vẻ ông lớn đến từ Mỹ rất cân nhắc, bình tĩnh trong việc nhân rộng cửa hàng, và nhiều cửa hàng Starbucks tại các vị trí trung tâm TP.HCM phải đóng cửa.
Nguồn: https://baomoi.com/cuoc-chien-khoc-liet-tranh-thi-phan-ty-usd-cua-cac-chuoi-ca-phe-o-viet-nam-c49164078.epi
4. Doanh nghiệp chế biến thịt Việt Nam muốn tiến quân vào thị trường Halal
Ông Trần Văn Tân Cương, Giám đốc Công ty Halal quốc gia Việt Nam cho biết, với dân số hơn 2 tỷ người, thị trường Hồi giáo đang trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Do đó, ngành công nghiệp Halal đang là một trong những xu hướng mạnh mẽ trên thị trường thế giới.
Đối với thực phẩm, tiêu chuẩn Halal yêu cầu quá trình chuẩn bị thực phẩm Halal phải tuân theo các quy tắc Hồi giáo và tính toàn vẹn, an toàn và vệ sinh của sản phẩm được duy trì trong suốt chuỗi cung ứng chứ không đơn thuần chỉ là nguyên liệu đầu vào.
“Không có một tiêu chuẩn Halal thống nhất ở hơn 200 quốc gia có người Hồi giáo sinh sống trên thế giới. Nhiều quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi dường như tuân theo các tiêu chuẩn Halal của họ và không nhất thiết phải tương thích với tiêu chuẩn Hồi giáo của các quốc gia khác.
Ví dụ, với bộ tiêu chuẩn MS 1500-2029 của JAKIM, sản phẩm chứng nhận sẽ chỉ vào được thị trường Malaysia, bộ tiêu chuẩn HAS 23000 chỉ vào được thị trường Indonesia, bộ tiêu chuẩn GSO 2055-1 do SFDA công bố sẽ đi vào được các nước Trung Đông. Nếu doanh nghiệp muốn đảm bảo hàng hóa thông quan với các quốc gia còn lại có người Hồi giáo thì cần làm hai chứng nhận đồng thời là HAS và GSO”, ông Cương lưu ý.
Đối với doanh nghiệp chăn nuôi và chế biến thịt động vật thì phải chú ý các qui trình tiêu chuẩn từ Farm đến Feed. Ví dụ, với các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi thì quá trình mua, chế biến, đưa các thành phần tham gia vào sản xuất thì phải chú ý tránh nhập các thành phần có tính chất cấm kỵ đối với người đạo Hồi như máu huyết động vật, các nguyên liệu có nguồn gốc dẫn xuất từ heo…
Hạn chế lớn nhất của Việt Nam trong việc thâm nhập thị trường Halal là tỷ lệ người theo đạo Hồi rất thấp và rất ít người được đào tạo về quy trình chứng nhận Halal. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc Việt Nam không có cơ hội để khai thác thị trường này. “Điều kiện quan trọng nhất là các quốc gia và doanh nghiệp nhận thức rõ tầm quan trọng và khả năng đóng góp của ngành công nghiệp Halal vào doanh thu của quốc gia. Từ đó, tăng cường hoạt động đào tạo, xúc tiến đầu tư, đàm phán để khơi thông nông sản Việt cũng như các ngành khác vào thị trường giàu tiềm năng này”, ông Trần Văn Tân Cương chia sẻ.
Nguồn: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-che-bien-thit-viet-nam-muon-tien-quan-vao-thi-truong-halal-d215608.html

VI. Nông nghiệp – Thủy sản – Chăn nuôi

1. Giá hồ tiêu lập kỷ lục mới
Giá hồ tiêu trong nước cuối tuần qua đã thiết lập kỷ lục mới với 111.000-112.000 đồng/kg, tăng thêm 10.000 đồng/kg so với đầu tuần.
Nguyên nhân, theo các chuyên gia, là do nguồn cung ở các nước sản xuất thiếu hụt trong khi nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn như châu  u, Mỹ, Trung Quốc tăng.
Tại Việt Nam, hồ tiêu năm nay bị mất mùa do thời tiết bất thường và người dân đã chuyển đổi sang cây trồng khác, nhiều nhất là cây ăn trái, trong thời gian trước đó do giá hồ tiêu xuống thấp.
Giá hạt tiêu xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm ước đạt 4.214 USD/tấn, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 3 tháng đầu năm 2024, 3 thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Đức và Ấn Độ với tổng thị phần 41,5%.
Nguồn: https://cafef.vn/gia-ho-tieu-lap-ky-luc-moi-188240520063517883.chn
2. Sản lượng cà phê Việt Nam dự kiến thấp nhất 4 năm
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024 có thể giảm 20% xuống 1,47 triệu tấn, mức thấp nhất trong 4 năm, dưới tác động của hiện tượng El Nino.
Bên cạnh yếu tố thời tiết, mặc dù là nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới và là nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất, nhưng nhiều nông dân trong nước đang chuyển sang các loại cây trồng khác.
Trong nhiều năm qua, khi giá cà phê ở mức thấp không tương xứng với công đầu tư, chăm sóc nên nhiều nông dân dần chuyển sang những cây có giá trị cao hơn, điển hình là sầu riêng.
Xu hướng chuyển đổi cây trồng trên đã làm giảm diện tích trồng cà phê, làm giảm nguồn cung trong trung và dài hạn. Cà phê phát triển tốt nhất ở vùng nhiệt đới và nỗ lực chống nạn phá rừng ngày càng tăng khiến việc tìm đất mới để trồng cà phê ngày càng khó khăn hơn.
Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/gia-ca-phe-hom-nay-21-5–san-luong-ca-phe-viet-nam-du-kien-thap-nhat-4-nam-121424.htm
3. Thị trường trái cây đặc sản Mỹ: ‘Đuổi’ không hết người mua
Bất chấp những lo lắng về lạm phát và tình trạng thất nghiệp, người tiêu dùng Mỹ vẫn sẵn sàng trả tiền cho những thứ đặc biệt như dứa Rubyglow, dứa Pinkglow hay quýt Sumo.
Melissa’s Produce, một nhà bán trái cây và rau đặc sản có trụ sở tại California, đang bán dứa Rubyglow với giá 395,99 USD/quả.
Ông Corley, một đầu bếp có ảnh hưởng về ẩm thực cho biết quả dứa thật sự rất thú vị, song vẫn không đáng giá 400 USD. Theo ông Corley, một số người có thể không chi tiền vì hương vị của quả dứa mà chỉ để khoe rằng họ có khả năng mua được nó
Bà Cindy van Rijswick, chiến lược gia chuyên về sản phẩm tươi sống tại Rabobank, cho rằng người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền cho những thứ đặc biệt.
Theo bà van Rijswick, đối với các sản phẩm đặc sản, luôn có một thị trường nhỏ dành cho các nhà hàng cao cấp, những người sành ăn hoặc một số kênh trực tuyến nhất định.
Nguồn: https://baomoi.com/thi-truong-trai-cay-dac-san-my-duoi-khong-het-nguoi-mua-c49154177.epi
4. Vải thiều chín sớm sắp ra thị trường, khách du lịch về tận vườn “chốt đơn”
Những ngày này, thương lái đang đổ về Phương Nam, TP. Uông Bí (Quảng Ninh) để kịp thu mua những xe vải chín sớm, đưa ra thị trường. Cây vải chín sớm Phương Nam được trồng tại đây là một trong những giống vải có chất lượng tốt nhất, trái to vỏ mỏng, nhiều nước, mùi thơm… Quan trọng hơn là cây có đặc tính chín rất sớm (trước từ 10 đến 20 ngày) so với các giống vải khác. Vùng vải hiện có diện tích hơn 400 ha, ước cho sản lượng 1.800 tấn trong vụ năm nay. Thời gian thu hoạch sẽ kéo dài từ trung tuần tháng 5 cho đến trước ngày 6/6, khi mùa vải thiều bắt đầu.
Tương tự, theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, do có vùng tiểu khí hậu đặc biệt, vải ở Tân Yên năm nào cũng chín sớm, từ giữa tháng 5 đã cho thu hoạch, trong khi đó những khu vực khác như Lục Ngạn phải đến tháng 6 mới chín rộ. Ông Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc HTX Sản xuất và Tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa (huyện Tân Yên, Bắc Giang), khoảng 5 ngày nữa, HTX chính thức thu hoạch vải thiều chín sớm, sản lượng dự kiến 450 tấn.
Với thị trường phía Nam, nhờ lợi thế chín sớm khoảng 1 tháng so với cây vải thiều ở các tỉnh phía Bắc nên nông dân Đắk Lắk gặp nhiều thuận lợi trong khâu tiêu thụ sản phẩm với giá bán dao động từ 45.000 – 65.000 đồng/kg.  Năm nay, hầu hết các vườn trồng vải thiều trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bị mất mùa, sản lượng giảm 30 – 50% so với năm trước do thời tiết khô hạn kéo dài. Song giá vải được các thương lái thu mua cao gần gấp đôi so với vụ thu hoạch niên vụ 2022 – 2023 nên người trồng vải vẫn có thu nhập cao.
Nguồn: https://vneconomy.vn/vai-thieu-chin-som-sap-ra-thi-truong-khach-du-lich-ve-tan-vuon-chot-don.htm
5. Vườn sầu riêng giống mới mang tên Tiểu Long
Một giống sầu riêng mới có tên Tiểu Long của nhà vườn Nguyễn Thanh Phong (H.Chợ Lách, Bến Tre) bán ra thị trường có nhiều ưu điểm đặc biệt.
Cây sầu riêng sáp Tiểu Long có tán lá nhỏ, rất dễ nhận diện và đây là khác biệt đầu tiên so với các loại giống khác hiện có tại địa phương. Cây sớm cho trái, dễ đậu trái, khả năng mang trái trên cành rất tốt. Trái có chất lượng tốt ngay lứa trái đầu tiên: màu vàng đẹp, tỷ lệ hạt lép cao, đặc biệt là cơm sáp, ráo, càng chín sáp càng cao. Điều này trái ngược với nhiều giống tại địa phương, càng chín càng cơm có hiện tượng nhão, vỡ liên kết cơm trong múi. Đó là đặc tính khó kiếm tại ở các loại giống sầu riêng khác hiện nay. Tuy nhiên, đặc tính sáp cao khi chín cũng khiến cho trái sầu riêng sáp Tiểu Long giảm trọng lượng.
“Đây là giống sầu riêng tốt, có nhiều đặc tính ưu việt hơn nhiều loại giống tại địa phương. Đặc tính cơm sáp, khô ráo, độ Brix cao (độ ngọt hơn 39), trái có trọng lượng vừa phải nên rất phù hợp cho hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng giống sầu riêng sáp Tiểu Long sẽ được cấp có thẩm quyền chính thức bổ sung vào bộ giống sầu riêng tại Việt Nam”, TS Bùi Thanh Liêm – Trưởng phòng NN-PTNT H.Chợ Lách  thông tin.
Năm 2023, sầu riêng sáp Tiểu Long trồng tại vườn nhà anh Phong được Sở NN-PTNT Bến Tre công nhận cây đầu dòng và được phép sản xuất cây giống từ năm 2024.
Nguồn: https://thanhnien.vn/muc-so-thi-vuon-sau-rieng-giong-moi-mang-ten-tieu-long-185240520122745656.htm
6. Hơn 60 tấn tôm hùm ở Phú Yên chết bất thường
Thống kê của Chi cục thủy sản Phú Yên cho thấy đến 13h ngày 20/5, tại xã Xuân Thịnh đã có khoảng 61 tấn tôm hùm xanh, gần 30 tấn cá nuôi của 160 hộ bị chết khiến nông dân phải bán tôm hùm với giá rẻ chỉ 50.000-400.000 đồng một kg.
Bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Thủy sản Phú Yên, cho biết nhà chức trách đang kiểm tra để xác định nguyên nhân. Tôm hùm, cá chết hàng loạt bước đầu được cho là do thời tiết nắng nóng kết hợp với mưa dông lớn mấy ngày qua. Ngoài ra, năm nay lượng nuôi tôm trong dân quá dày khiến chúng thiếu oxy, có thể cũng là nguyên nhân xảy ra tình trạng chết bất thường.
Nguồn: https://vnexpress.net/hon-60-tan-tom-hum-o-phu-yen-chet-bat-thuong-4748341.html
7. Lễ hội trái cây Nam Bộ khai mạc ngày 1-6
Lễ hội trái cây Nam Bộ lần thứ 20 chính thức khai mạc ngày 1/6 và diễn ra đến hết ngày 31/8.
Đây là một điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ 2. Lễ hội là sự kiện văn hóa, du lịch được tổ chức tại Khu Du lịch văn hóa Suối Tiên nhằm giới thiệu đến du khách nét đặc sắc và đa dạng các chủng loại trái cây miền nhiệt đới.
Lễ hội trái cây Nam Bộ năm nay tiếp nối hành trình hiện thực hóa mục tiêu nâng tầm quy mô trở thành sự kiện có tính biểu tượng cho Việt Nam vươn xa trên bản đồ du lịch châu Á và toàn cầu. Trong suốt 19 năm, Lễ hội trái cây Nam Bộ là điểm đến yêu thích của du khách với hàng trăm thức quả đầu mùa tươi ngon, chín mọng của miền nhiệt đới với giá bán ưu đãi bất ngờ.
Nguồn: https://dttc.sggp.org.vn/le-hoi-trai-cay-nam-bo-khai-mac-ngay-1-6-post114217.html

VII. Thị trường xuất nhập khẩu

1. Mì ăn liền Hàn Quốc tiến sâu vào thị trường châu  Âu
Theo công ty và các quan chức trong ngành, xuất khẩu mì ăn liền của Hàn Quốc đã chuyển sang giai đoạn cao hơn khi Nongshim đã ký một thỏa thuận cung cấp với các nhà bán lẻ lớn ở Pháp.
Nongshim đã trở thành nhà cung cấp chính thức cho E.Leclerc và Carrefour, hai chuỗi siêu thị lớn hàng đầu ở Pháp, cùng chiếm hơn 40% thị trường bán lẻ ở đó khi Pháp đăng cai Thế vận hội Paris vào tháng 7/2024, sẽ thu hút hàng triệu vận động viên, người ủng hộ và khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Thành phố cũng tổ chức Korea Expo 2024 vào cuối tháng này và Lễ hội K-Street vào tháng 6/2024.
Theo công ty, bước đột phá mới nhất của Nongshim tại Pháp báo hiệu sự bắt đầu mở rộng thị trường khắp châu  u. Công ty cho biết sẽ nhắm mục tiêu vào Tây Ban Nha, Italy (I-ta-li-a) và các quốc gia khác ở Tây Nam châu  u cũng như các quốc gia Bắc  u như Thụy Điển và Đan Mạch
Nguồn: https://baomoi.com/mi-an-lien-han-quoc-tien-sau-vao-thi-truong-chau-au-c49121330.epi
2. Xuất khẩu gạo sang Philippines tăng mạnh
4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 3 triệu tấn gạo. Trong số này, thị trường Philippines nhập gần 1 nửa, tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo nhiều nhất của nước ta.
Trên đà thuận lợi của năm vừa qua, từ đầu năm tới nay, xuất khẩu gạo nước ta tiếp tục tăng trưởng khả quan. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong quý I đạt hơn 2 triệu USD, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nổi bật là thị trường Philippines, chẳng những sản lượng tăng, mà giá trị cũng tăng 41%, với giá bình quân đạt ngưỡng 642 USD/tấn.
Thái Lan và Ấn Độ, 2 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới chiếm tỉ trọng lớn thị phần nhập khẩu gạo của Philippines. Thế nhưng hiện tại, Ấn Độ đang trong tình trạng cấm xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, trong khi Thái Lan chỉ cạnh tranh ở phân khúc gạo cấp cao. Đây là cơ hội tốt để gạo Việt Nam tăng trưởng mạnh tại thị trường tiềm năng này.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/xuat-khau-gao-sang-philippines-tang-manh-20240517103537081.htm
3. Xuất khẩu sang thị trường lớn nhất khu vực Mỹ Latinh phải cạnh tranh khốc liệt
Đánh giá của Thương vụ, Brazil là thị trường rất lớn và rất tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam. Đây là thị trường không quá khắc khe, thị hiếu người dân rất đa dạng. Nhiều mặt hàng của Việt Nam được tiếp nhận tại thị trường rất đông này.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn bởi khoảng cách địa lý xa xôi nên không dễ dàng vận chuyển hàng hoá từ Việt Nam sang nước này. Các phương tiện vận chuyển lại chưa thuận lợi để kết nối người dân hai nước, cũng như logistics chưa đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hai bên.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh khốc liệt về chất lượng và giá cả từ các đối thủ xuất khẩu có nhiều lợi thế hơn như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore.
Trong khi đó, các doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội của Việt Nam còn chủ quan, chưa thật sự chủ động và quyết liệt trong mở rộng thị trường, bảo vệ thị trường truyền thống.
Nguồn: https://vneconomy.vn/xuat-khau-sang-thi-truong-lon-nhat-khu-vuc-my-latinh-phai-canh-tranh-khoc-liet.htm
4. Canada cân nhắc tăng thuế xe điện Trung Quốc
Quyết định của Canada diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng thuế mạnh với 18 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Trong đó, xe điện “made in China” bị tăng thuế lên 4 lần, lên mức tổng cộng 102,5%.
Bộ trưởng Thương mại Canada Mary Ng cho biết “đang xem xét vấn đề này rất cẩn thận” cùng với việc đối thoại cởi mở với Mỹ. Hiện xe điện Trung Quốc nhập vào nước này chỉ chịu mức thuế khoảng 6%. Người tiêu dùng Canada còn được hưởng chương trình trợ giá liên bang khi mua xe điện nước ngoài sản xuất.
Bộ trưởng Công nghiệp Canada François-Philippe Champagne cho biết Ottawa đang “xem xét mọi biện pháp” sau khi Mỹ tuyên bố sẽ tăng thuế với xe điện của Trung Quốc và các hàng hóa liên quan khác. Theo ông, sẽ không loại trừ khả năng nước này áp đặt mức thuế tương tự.
Nguồn: https://vnexpress.net/canada-can-nhac-tang-thue-xe-dien-trung-quoc-4747683.html
5. Quả dừa Việt Nam có nhiều tiềm năng xâm nhập thị trường Philippines
Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết, trong chuyến công tác của Hiệp hội dừa Việt Nam với Cơ quan quản lý dừa – Bộ Nông nghiệp Philippines diễn ra mới đây, hai bên đã trao đổi thông tin và học hỏi kinh nghiệm trong công tác quản lý, trồng, thu hái cũng như sản xuất các sản phẩm từ dừa.
Hai bên có rất nhiều tiềm năng để hợp tác trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Đặc biệt, mặc dù các sản phẩm dừa của Philippines đã chiếm lĩnh và có chỗ đứng tại thị trường trong nước và quốc tế, nhưng nhiều sản phẩm dừa hoặc từ dừa của Việt Nam cũng hoàn toàn có tiềm năng để xâm nhập thị trường Philippines.
Trên cơ sở đó, Thương vụ Việt Nam tại Philippines và Hiệp hội dừa Việt Nam cũng đã trao đổi và thống nhất một số chương trình, mục tiêu nhằm giới thiệu, quảng bá và tìm kiếm đối tác cho các sản phẩm dừa của Việt Nam tại thị trường Philippines.
Philippines có khoảng 2,8 triệu nông dân trên cả nước tham gia trồng dừa với tổng số 167 nhà máy chế biến các sản phẩm dừa, tuy nhiên, do thiếu nguồn nguyên liệu nên sản xuất hàng năm chỉ đạt khoảng 50% công suất.
Nguồn: https://cafef.vn/qua-dua-viet-nam-co-nhieu-tiem-nang-xam-nhap-thi-truong-philippines-188240519112740101.chn
6. Nhập khẩu điện thoại về Việt Nam tăng mạnh trong 4 tháng
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam trong tháng 4 đạt kim ngạch 789,72 triệu USD, giảm nhẹ 1% so với tháng 3/2024.
Như vậy tính đến hết tháng 4/2024, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đạt hơn 3,079 tỷ USD, tăng mạnh 22,4% so với cùng kỳ năm trước, là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 5 trong số các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam.
Xét theo thị trường, có 8 quốc gia và vùng lãnh thổ cung cấp điện thoại các loại và linh kiện cho Việt Nam, trong đó Trung Quốc, Hàn Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) là 3 thị trường lớn nhất.
Nguồn: https://vneconomy.vn/nhap-khau-dien-thoai-ve-viet-nam-tang-manh-trong-4-thang.htm
7. Thép Trung Quốc nhập khẩu giá mềm lại đe dọa thị trường Việt
Ngành thép Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, trong đó nguy cơ bị bóp nghẹt bởi thép nhập khẩu, nhất là lượng thép Trung Quốc đang ngày càng nhiều.
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 4-2024, sản lượng thép cán nóng (HRC) nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh với 890.000 tấn, hơn 1,5 lần so với sản xuất nội địa, trong đó thép HRC Trung Quốc chiếm 71%.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, thép nhập khẩu vào Việt Nam là 3,9 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 159% sản lượng của các doanh nghiệp thép nội địa đang sản xuất thép HRC.
Trong đó, lượng nhập từ Trung Quốc chiếm 73% tổng số lượng nhập khẩu 2,9 triệu tấn, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm 2023.
Doanh nghiệp sản xuất thép cho rằng thép nhập khẩu tiếp tục vào Việt Nam với số lượng lớn, không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào là một nghịch lý. Chưa kể, xu hướng thép Trung Quốc có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh về giá.
Chẳng hạn cùng loại mặt hàng thép HRC, Trung Quốc luôn bán rẻ hơn nhiều quốc gia khác để xuất khẩu sang Việt Nam, giá nhập khẩu HRC từ Trung Quốc 4 tháng đầu năm luôn thấp hơn giá bình quân so với các thị trường khác từ 32 – 59 USD/tấn.
Nếu so sánh riêng với thép HRC nhập từ Hàn Quốc, thép cán nóng từ Trung Quốc thấp hơn đến 123 USD/tấn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/thep-trung-quoc-nhap-khau-gia-mem-lai-de-doa-thi-truong-viet-20240520153455334.htm
8. ‘Không gỡ được thẻ vàng IUU năm nay, phải chờ thêm 3 năm nữa’
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng đợt kiểm tra khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) lần thứ 5 tới đây sẽ là cơ hội cuối cùng để gỡ “thẻ vàng IUU) nếu không gỡ được sẽ phải chờ thêm 3 năm nữa.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT) cho biết tháng 5 này đoàn thanh tra Ủy ban châu  u (EC) có lịch sang Việt Nam kiểm tra công tác chống khai thác IUU, nhưng sau đó lùi đến tháng 9 – 10.
“Để phía EC gỡ ‘thẻ vàng’ IUU cho Việt Nam trong lần kiểm tra tới đây, các địa phương phải ngăn chặn tối đa tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiên quyết xử lý triệt để những tàu cá vi phạm”, ông Hùng nói.
“Nếu không thể xóa “thẻ vàng” IUU dịp này, Việt Nam sẽ phải chờ khoảng 3 năm nữa để đón đoàn kiểm tra tiếp theo”, ông Tiến nói.
Nguồn: https://thanhnien.vn/khong-go-duoc-the-vang-iuu-nam-nay-phai-cho-them-3-nam-nua-185240521194709162.htm

VIII. Dịch vụ

1. Nhật Bản mất kiên nhẫn với du khách
Quá tải khách ở các điểm du lịch khiến Nhật Bản – đất nước lịch sự – phải đưa ra các biện pháp mạnh để ngăn chặn đám đông.
Tuần trước, Fujikawaguchiko, thị trấn bên hồ Kawaguchi – một cảnh đẹp trường tồn với thời gian dưới chân núi Phú Sĩ – gây chú ý khắp thế giới bằng việc dựng tấm chắn lớn màu đen để che tầm nhìn ra đỉnh núi. Quyết định được đưa ra khi người địa phương phàn nàn khách du lịch xả rác, đỗ xe trái phép, trèo lên mái nhà để chụp ảnh.
Từ 1/7, chính quyền địa phương vùng núi Phú Sĩ bắt đầu thu khoản phí bắt buộc 2.000 yen (khoảng 330.000 đồng) với người muốn leo núi. Số lượng khách leo mỗi ngày cũng bị giới hạn ở mức 4.000 lượt. Điểm nóng khác là cố đô Kyoto cũng đưa ra những biện pháp quyết liệt để hạn chế tình trạng quá tải, ví dụ đóng cửa một phần khu Gion – quận geisha lịch sử – khi ngày càng nhiều báo cáo về việc khách du lịch quấy rầy geisha như giật áo, chen chúc chụp ảnh.
Trong mắt khách nước ngoài, sự nổi tiếng của Nhật Bản dường như chỉ tăng không giảm. Trong khi đó, người dân địa phương lại mong muốn bảo tồn những nét đẹp cổ xưa và mong manh. Điều này có thể dẫn tới những rắc rối trong thời gian tới.
Nguồn: https://vnexpress.net/nhat-ban-mat-kien-nhan-voi-du-khach-4748273.html
2. Hội An cho phép hộ dân phố cổ đón khách ăn ở cùng
Để du khách trải nghiệm, khám phá sinh hoạt hàng ngày, thành phố Hội An thí điểm cho người dân đón du khách vào nhà ăn ở cùng. Ngày 20/5, ông Tống Quốc Hưng, Trưởng phòng Văn hóa thông tin Hội An, cho biết khu vực thí điểm mô hình lưu trú trải nghiệm cùng cư dân phố cổ Hội An là nhà trong kiệt (sâu trong hẻm).
Hộ dân được đón khách lưu trú ở cùng phải là chủ nhà, cư dân bản địa Hội An, sinh sống thực tế tại địa chỉ đăng ký. Gia đình dự kiến đón khách ở cùng đạt gia đình văn hóa tiêu biểu và có uy tín trong cộng đồng tại địa phương.
Mỗi hộ dân thông tin các hình thức và nội dung, thời gian sinh hoạt, hoạt động tại gia đình để thuận tiện cho khách trải nghiệm và tham gia. Các hoạt động phải đảm bảo các điều kiện về nhà ở cũng như quy định của Luật Du lịch năm 2017.
Nguồn: https://vnexpress.net/hoi-an-cho-phep-ho-dan-pho-co-don-khach-an-o-cung-4748282.html

IX. Công nghiệp – Năng lượng

1. Nga dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu
Theo hãng tin Reuters, Chính phủ Liên bang Nga đã công bố nghị định cho biết, lệnh cấm xuất khẩu xăng tạm thời từ nước này đã được dỡ bỏ.
Quyết định được đưa ra có tính đến sự bão hòa của thị trường nhiên liệu động cơ trong nước, nhằm ngăn chặn việc giảm khối lượng lọc dầu tại các nhà máy lọc dầu riêng lẻ do dự trữ quá nhiều xăng động cơ, cũng như nhu cầu giải phóng khối lượng nhiên liệu đã được lên kế hoạch tại các cảng để xuất khẩu.
Chính phủ Nga đã áp đặt lệnh cấm vào tháng 3 năm nay để bù đắp nhu cầu quá cao đối với các sản phẩm dầu mỏ và để ổn định giá cả thị trường trong nước. Bộ Năng lượng Nga cho biết, Chính phủ đang theo dõi chặt chẽ thị trường nhiên liệu trong nước và có thể gia hạn lệnh cấm trong tương lai nếu cần.
Nguồn: https://baomoi.com/nga-do-bo-lenh-cam-xuat-khau-xang-dau-c49155314.epi
2. Bộ Công thương thu hồi giấy phép của 4 thương nhân phân phối xăng dầu
Bộ Công thương vừa ban hành loạt quyết định thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu.
Cụ thể, Công ty TNHH Đức Hạnh (Q.Hồng Bàng, TP.Hải Phòng).
Trường hợp 2 là Quyết định 1171 đối với Công ty TNHH thương mại và vận tải xăng dầu Minh Phát (Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
Trường hợp thứ 3 là Quyết định 1172 đối với Công ty TNHH thương mại và cung ứng Petrolink (Q.Ba Đình, Hà Nội).
Trước đó, Bộ Công thương cũng ban hành Quyết định số 1059 thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu đối với Công ty CP thương mại và dịch vụ vận tải Ngọc Khánh (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam)
Nguồn: https://thanhnien.vn/nong-bo-cong-thuong-thu-hoi-giay-phep-cua-4-thuong-nhan-phan-phoi-xang-dau-185240520164255244.htm

X. Liên kết – Đầu tư – Khởi nghiệp

1. Việt Nam – Miền đất hứa cho các trung tâm dữ liệu
Chuyên gia công nghệ thông tin, TS Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ ứng dụng CMC, đánh giá Việt Nam có nhiều lợi thế để thu hút các ông lớn công nghệ đầu tư DC.
Thứ nhất là nền tảng pháp lý. Luật pháp VN yêu cầu các công ty công nghệ nước ngoài muốn hoạt động phải có máy chủ đặt tại VN, không lưu dữ liệu ở nước ngoài. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ VN đang rất tiềm năng, dân số vàng, xã hội năng động… Các tập đoàn muốn phát triển tại thị trường này bắt buộc phải đầu tư hạ tầng máy chủ tại VN.
Thứ 2, chi phí hạ tầng tại VN tương đối rẻ so với các nước phát triển và đang phát triển khác. Chẳng hạn về internet, VN nằm trong số các quốc gia có nền tảng internet phủ khắp với chi phí rẻ, thậm chí gần như miễn phí. Khách du lịch đến VN rất dễ để có thể kết nối internet miễn phí tại bất kỳ quán xá nào, kể cả quán vỉa hè. Trong khi đó, tại các nước như Mỹ và châu   u, khách phải trả phí để sử dụng internet hoặc nếu có dùng miễn phí tại quán ăn thì tốc độ cũng khá hạn chế, hoặc phải trả tiền theo giờ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/viet-nam-mien-dat-hua-cho-cac-trung-tam-du-lieu-185240518174952332.htm
2. Việt Nam sẽ có trung tâm dữ liệu công suất lên tới 60MW trong tương lai
Ngày 15/5, ST Telemedia Global Data Centres (STT GDC) và VNG Corporation (VNG) đã công bố hợp tác về xây dựng và vận hành các dự án trung tâm dữ liệu theo tiêu chuẩn quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hợp tác này bao gồm việc tiếp tục vận hành Trung tâm dữ liệu STT VNG Ho Chi Minh City 1 (trước đây là VNG Data Center, tọa lạc tại Khu chế xuất Tân Thuận) và thành lập một Trung tâm dữ liệu mới với tên gọi STT VNG Ho Chi Minh City 2 cách cơ sở đầu tiên 1,5km.
Trung tâm dữ liệu số 2 dự kiến đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2026. STT VNG Ho Chi Minh City 2 có khả năng cung cấp công suất điện lên đến 60MW lớn nhất tại Việt Nam sau khi hoàn thiện. Nền Kinh tế Số Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 20% vào năm 2025 gần gấp đôi mức tăng trưởng GDP với hệ sinh thái kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ và sự bùng nổ của thị trường Thương mại điện tử.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-se-co-trung-tam-du-lieu-cong-suat-len-toi-60mw-trong-tuong-lai-post950688.vnp#google_vignette
3. Nuôi cua trong hộp nhựa: Hướng đi nhiều sáng tạo
Hiện tại nghề nuôi cua tại Cà Mau đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; trong đó có diễn biến bất lợi của thời tiết, môi trường, dịch bệnh xuất hiện thường xuyên vào thời điểm giao mùa, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nghề cua; ứng dụng khoa học, công nghệ còn hạn chế; quy trình sản xuất giống chưa ổn định, chất lượng con giống chưa cao; chưa đa dạng trong phát triển các loại hình nuôi mới…
Xuất phát từ thực tế đó, đồng thời nhằm khắc phục được khó khăn cơ bản nhất là “được mùa – mất giá”, gia đình chị Nguyễn Thị Quyên, ấp Tân Tạo, xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, đã nghiên cứu, áp dụng mô hình nuôi cua trong hộp nhựa bằng công nghệ lọc nước tuần hoàn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ mô hình này, gia đình chị Quyên đã có thể kiểm soát tốt hơn về dịch bệnh và chế độ ăn là nguyên nhân chính dẫn đến đến tỷ lệ cua giống bị hao hụt cao.
Hiện, mô hình nuôi cua trong hộp nhựa của gia đình chị Quyên đã được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước đầu tư 180 triệu đồng để phát triển mô hình.
Nguồn: https://baomoi.com/nuoi-cua-trong-hop-nhua-huong-di-nhieu-sang-tao-c49164081.epi
4. Nhiều hãng ô tô có thể chuyển đầu tư sang Việt Nam
Giới chuyên gia nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia phù hợp để các hãng ô tô mở rộng chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, nhằm ứng phó với những quy định thuế mới từ Mỹ.
Mới đây, Mỹ thông báo áp dụng mức thuế nhập khẩu mới cho xe điện Trung Quốc lên tới 100%, và pin xe điện tăng từ 7,5% lên 25%. Chưa dừng lại ở đó, quốc gia này dự kiến sẽ còn đưa ra những quy định mới đối với các loại phương tiện có liên hệ với Trung Quốc.
Chia sẻ trên Korea Times, giáo sư Lee Ho Geun, chuyên ngành kỹ thuật ô tô tại đại học Daedeok, cho biết các ông lớn như Hyundai và Kia cần phải sẵn sàng cho tình huống xấu nhất bằng cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và mở rộng chuỗi cung ứng sang các quốc gia khác. Trong đó bao gồm cả Việt Nam .
Tuy nhiên, giáo sư Lee cũng nhận định rằng việc không sử dụng bất kỳ linh kiện nào từ Trung Quốc là rất khó khăn và sẽ làm tăng chi phí trong ngắn hạn. Thế nhưng nếu không thay đổi, Hyundai và Kia có thể sẽ đối mặt với gánh nặng tài chính lớn trong dài hạn.
Nguồn: https://cafef.vn/nhieu-hang-o-to-co-the-chuyen-dau-tu-sang-viet-nam-188240522095426311.chn

XI. Công nghệ

1. Các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á đang ứng dụng AI mạnh mẽ
Theo một nghiên cứu gần đây của Deloitte, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương đang đưa trí tuệ nhân tạo tổng quát (GenAI) vào sử dụng với tốc độ nhanh hơn so với các nước láng giềng tiên tiến hơn…
Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á là các quốc gia có tỷ lệ người dùng GenAI cao hơn 30% so với các nước láng giềng khác như Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.
Nghiên cứu cho thấy các CEO và lãnh đạo cấp cao không chỉ phải nghĩ đến việc kết hợp GenAI vào doanh nghiệp của họ để hoạt động hiệu quả hơn mà còn phải suy nghĩ lại các quy trình để đảm bảo họ có thể thích ứng với sự bùng nổ AI thay vì bị gián đoạn bởi nó.
Báo cáo cho biết “GenAI đang ngày càng được sử dụng nhiều hơn để dịch văn bản hoặc lời nói, điều này giúp phá bỏ rào cản ngôn ngữ và kết nối mọi người cũng như doanh nghiệp trên toàn cầu”.
Nguồn: https://baomoi.com/cac-nen-kinh-te-dang-phat-trien-o-chau-a-dang-ung-dung-ai-manh-me-c49123456.epi
2. Công ty Mỹ và Nhật Bản ‘bắt tay’ phát triển chip AI tiết kiệm năng lượng
Ngày 15/5, công ty liên doanh sản xuất chip được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Rapidus và liên doanh thiết kế chip Esperanto Technologies của Mỹ thông báo sẽ hợp tác để cùng phát triển và sản xuất chip tiết kiệm năng lượng dành cho trí tuệ nhân tạo (AI).
Công ty có trụ sở tại California sẽ cung cấp kiến thức chuyên môn về thiết kế loại chip trên trong khi Rapidus sẽ phụ trách phần các công nghệ chế tạo chip.
Đại diện 2 công ty cho biết hai bên hợp tác nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà vận hành trung tâm dữ liệu, vốn đang chật vật do lượng tiêu thụ năng lượng tăng vọt giữa lúc công nghệ AI tạo sinh “bùng nổ” gần đây trên thế giới.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/cong-ty-my-va-nhat-ban-bat-tay-phat-trien-chip-ai-tiet-kiem-nang-luong-post948585.vnp
3. Trung Quốc đạt được bước tiến quan trọng trong sản xuất chip cho AI
Hai nhà sản xuất chip Trung Quốc đang trong giai đoạn đầu sản xuất bộ nhớ băng thông cao (HBM) được sử dụng trong các bộ chip trí tuệ nhân tạo (AI).
Tiến triển trong sản xuất HBM này đánh dấu một bước tiến nhảy vọt trong nỗ lực giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài của Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ dẫn đến các hạn chế đối với việc xuất khẩu chip tiên tiến của Mỹ sang các công ty Trung Quốc.
Các bằng sáng chế được nộp bởi CXMT, Tongfu và Huawei cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu có các kế hoạch phát triển HBM trong nước từ ít nhất ba năm trước, khi ngành chip của nước này ngày càng trở thành mục tiêu kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-dat-duoc-buoc-tien-quan-trong-trong-san-xuat-chip-cho-ai-post948560.vnp
4. Google “thay máu” đội ngũ lãnh đạo
Tái cấu trúc tổ chức, thay đổi đội ngũ lãnh đạo trong kỷ nguyên AI. CEO Sundar Pichai đã quyết định sáp nhập hai bộ phận quan trọng – nền tảng và thiết bị – thành một “siêu nhóm” tập trung vào Android, Chrome và các thiết bị do Google sản xuất, như điện thoại Pixel.
Ông Pichai đang trực tiếp quản lý 18 người, bao gồm cả những cố vấn như cựu CEO YouTube – Susan Wojcicki. Đội ngũ lãnh đạo của Pichai đông hơn so với các đối thủ cạnh tranh và Google đang tinh gọn bộ máy, một số lãnh đạo giờ đây sẽ chịu trách nhiệm quản lý đối với nhiều bộ phận.
Google đang đặt cược vào trí tuệ nhân tạo (AI) khi bổ nhiệm Demis Hassabis, người sáng lập DeepMind, vào vị trí lãnh đạo. Hassabis hiện quản lý hơn 2.600 nhân viên và ông xem Google DeepMind là quân át chủ bài của Google trong kỷ nguyên AI.
Đưa nhân viên kỳ cựu lên nắm quyền. Trong đợt “thay máu” đầu năm, Google đã bổ nhiệm Liz Reid, một nhân viên kỳ cựu của công ty, làm người đứng đầu bộ phận Tìm kiếm, đánh dấu sự thay đổi lớn trong lĩnh vực quan trọng nhất của Google.
Nguồn: https://laodong.vn/cong-nghe/google-thay-mau-doi-ngu-lanh-dao-1340980.ldo
5. EU yêu cầu Microsoft làm rõ về rủi ro liên quan AI trong Bing
Ngày 17/5, Ủy ban châu  u (EC) cho biết rằng châu  u lo ngại về việc phổ biến công nghệ làm giả deepfake và thao túng tự động các dịch vụ có thể đánh lừa cử tri khối này.
Nếu không đáp ứng thời hạn trên, EC có thể phạt Bing tới 1% tổng thu nhập hàng năm và mức phạt định kỳ lên tới 5% thu nhập trung bình hàng ngày. Ủy ban châu  u cũng có thể phạt Microsoft nếu công ty này cung cấp thông tin không chính xác hoặc gây hiểu lầm.
Các công ty công nghệ được yêu cầu phải hành động nhiều hơn để giải quyết vấn nạn các nội dung bất hợp pháp và có hại trên nền tảng của mình theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số của Liên minh châu  u, vốn bắt đầu có hiệu lực vào năm ngoái. EC xác định AI tạo sinh là một trong những rủi ro có thể ảnh hưởng tới các quy trình bầu cử, đặc biệt là đối với cuộc bầu cử Nghị viện châu  u vào tháng 6 sắp tới.
Nguồn: https://nhandan.vn/eu-yeu-cau-microsoft-lam-ro-ve-rui-ro-lien-quan-ai-trong-bing-post809903.html
6. Ấn Độ đặt mục tiêu dẫn đầu thế giới về công nghệ Trí tuệ nhân tạo
Ngày 19/5, Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố rằng Ấn Độ sẽ chứng kiến những đổi mới to lớn trong các công nghệ mới như Trí tuệ Nhân tạo (AI), thúc đẩy sản xuất địa phương và tạo ra cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số (DPI) cho thế giới trong tương lai gần.
Giám đốc Điều hành kiêm Tổng Biên tập mạng lưới truyền thông AMG rằng “đội ngũ thanh niên tài năng lớn nhất của chúng ta đang tạo ra các giải pháp đổi mới. Về AI, Ấn Độ sẽ sớm dẫn đầu thế giới.” Thủ tướng Modi cho rằng dữ liệu giá rẻ cũng đã giúp Ấn Độ tạo ra các giải pháp đẳng cấp thế giới.
Từ xe điện đến hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, từ điện thoại di động đến sản xuất ôtô, Ấn Độ đang có những bước đi cụ thể để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 5.000 tỷ USD trong vài năm tới. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đặt mục tiêu đạt 300 tỷ USD sản xuất điện tử vào năm tài chính 2026.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/an-do-dat-muc-tieu-dan-dau-the-gioi-ve-cong-nghe-tri-tue-nhan-tao-post952301.vnp
7. Microsoft chuẩn bị cho sự bùng nổ của máy tính cá nhân AI
Một lợi thế riêng biệt mà Microsoft có so với những công ty khác trong cuộc đua AI là sở hữu hệ điều hành Windows, điều này mang lại cho công ty lượng người dùng máy tính cá nhân (PC) khổng lồ.
Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella cho biết rằng năm 2024 sẽ đánh dấu năm AI trở thành “phần thiết yếu của mọi PC”. Công ty hiện đã cung cấp trợ lý trò chuyện Copilot của mình trong công cụ tìm kiếm Bing và, với một khoản phí, trong phần mềm văn phòng Office. Giờ đây, người dùng PC sẽ được biết thêm về cách AI được tích hợp vào Windows và những gì họ có thể làm với nó trên các PC AI mới.
Đối với Microsoft, thách thức đến từ hai hướng: duy trì vị trí nổi bật trong lĩnh vực AI và thúc đẩy doanh số bán PC.
Nguồn: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/microsoft-chuan-bi-cho-su-bung-no-cua-may-tinh-ca-nhan-ai-20240520150029713.htm

XIII. Tài chính

1. Thị trường Fintech Việt Nam thiếu đồng đều trong cơ cấu ngành
Dù được đánh giá là điểm sáng trên bản đồ Fintech Đông Nam Á nhờ sự gia tăng liên tục cả về số lượng lẫn chất lượng nhưng cơ cấu các ngành Fintech tại Việt Nam chỉ mới tập trung ở mảng thanh toán kỹ thuật số.
Theo báo cáo thị trường Fintech Việt Nam của Nextrans, trong số hơn 260 công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam vào cuối năm 2022, doanh nghiệp hoạt động trong mảng dịch vụ thanh toán chiếm đa số với khoảng 81 công ty (chiếm 31,1% tổng số lượng công ty Fintech tại Việt Nam). Trong khi đó, công ty hoạt động tại mỗi mảng Fintech khác không chiếm quá 18% tổng số lượng công ty toàn ngành.
Trong bảng xếp hạng các công ty Fintech hàng đầu của Fintech News năm 2021, hai công ty Fintech thanh toán là VNLIFE (công ty mẹ của công ty fintech VNPAY) và M_Service (nhà điều hành của MoMo) lần lượt dẫn đầu hệ sinh thái Việt Nam. Cùng với VNPay và MoMo, hàng loạt ví điện tử khác như ZaloPay, Shopee Pay và Viettel Pay cũng đang chiếm lĩnh thị trường Fintech nội địa.
Khi nhìn vào Singapore, thị trường Fintech dẫn đầu Đông Nam Á với mức định giá được dự đoán đạt gần 40 tỷ USD trong năm nay, danh mục Blockchain và tiền điện tử là lĩnh vực phổ biến nhất, chiếm 20% tổng số công ty fintech ở Singapore, thanh toán chiếm 17%, ứng dụng đầu tư và ứng dụng quản lý đều chiếm 13%, theo FintechNews Singapore năm 2022.
Bên cạnh cơ sở hạ tầng công nghệ chưa đủ đáp ứng yêu cầu, một trong những nguyên nhân khiến các danh mục này kém phát triển là do khung pháp lý của Việt Nam chưa thực sự toàn diện, quy định còn thiếu cụ thể. Chẳng hạn như cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có hành lang pháp lý rõ ràng về công nghệ Blockchain hay cho vay ngang hàng (P2P).
Nguồn: https://vneconomy.vn/thi-truong-fintech-viet-nam-thieu-dong-deu-trong-co-cau-nganh.htm
2. NHNN đấu thầu thành công 7.900 lượng vàng
Theo công bố của NHNN, phiên đấu thầu hôm nay đã có 9 thành viên trúng thầu. Tổng khối lượng trúng thầu 79 lô, tương ứng 7.900 lượng vàng. Giá trúng thầu trung bình là 89,42 triệu đồng/lượng. Trước đó, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc mà NHNN đưa ra là 88,6 triệu đồng/lượng.
Trong buổi sáng, vàng miếng SJC đã được điều chỉnh giảm 500.000 đồng mỗi lượng. Hiện Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng 88,5 – 90,5 triệu đồng/lượng.
Các doanh nghiệp cũng điều chỉnh giảm từ 200.000 – 500.000 đồng. Giá mua trong khoảng 88,2 – 88,7 triệu đồng/lượng. Giá bán trong khoảng 90,2 – 90,4 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn SJC 99,99 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ cũng được điều chỉnh giảm 200.000 đồng/lượng, ở mức 75,55 – 77,25 triệu đồng/lượng.
Nguồn: https://dttc.sggp.org.vn/nhnn-ban-duoc-7900-luong-vang-cao-hon-tham-chieu-gan-1-trieu-dong-post114220.html
3. Chính phủ ra văn bản mới, quy định rõ về tiền điện tử
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/7/2024), thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung).
Theo điều 3, tiền điện tử là giá trị tiền Việt Nam đồng lưu trữ trên các phương tiện điện tử được cung ứng trên cơ sở đối ứng với số tiền được khách hàng trả trước cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử.
Theo điều 6, ví điện tử, thẻ trả trước là phương tiện lưu trữ tiền điện tử.
Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phát hành, cung ứng ví điện tử, thẻ trả trước. Việc cung ứng, phát hành và sử dụng ví điện tử, thẻ trả trước thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).
Nguồn: https://baomoi.com/chinh-phu-ra-van-ban-moi-quy-dinh-ro-ve-tien-dien-tu-c49168129.epi
4. Lãi suất tiền gửi thấp, sao lãi cho vay vẫn ‘cao bền vững’?
Suốt hơn 1 năm qua, người gửi tiền tiết kiệm phải chịu lãi suất rất thấp nếu so với lạm phát. Việc chấp nhận lãi suất tiền gửi thấp nhằm tạo điều kiện cho ngân hàng có lãi suất cho vay thấp để tăng trưởng tín dụng, góp phần giúp doanh nghiệp có lãi suất hợp lý để kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thế nhưng hiện nay, doanh nghiệp vẫn phải kêu lãi suất cho vay còn cao khiến việc kinh doanh ngày càng khó trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, đầu ra xuất khẩu chưa khơi thông.
Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) mới đây nhận xét rằng, trong khi doanh nghiệp khó khăn chồng chất, ngân hàng vẫn báo lãi là một nghịch lý.
Khi đại dịch Covid-19 ập đến vào đầu 2020, gần như ngay lập tức chính sách tiền tệ được nới lỏng bằng định hướng hạ lãi suất nhằm hỗ trợ kinh tế. Tuy nhiên các ngân hàng lại giảm lãi suất huy động nhanh hơn so với lãi suất cho vay khiến cho biên lãi thuần (NIM – thước đo mức sinh lời của hoạt động cho vay) tăng. 2 năm sau Covid-19, NIM của các ngân hàng vẫn còn cao hơn so với khoảng thời gian trước dịch. Các ngân hàng giải thích là do các hợp đồng cho vay thường có kỳ hạn dài hơn hợp đồng tiền gửi tiết kiệm nên biến động lãi suất sẽ có ảnh hưởng chậm hơn tới lãi suất cho vay. Tuy nhiên đến giờ thì đã là 4 năm kể từ khi lãi suất được định hướng giảm, thì có lý do gì mà lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng với mức giảm lãi suất huy động. Trong năm 2023, với 4 lần hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, thì ngay lập tức các ngân hàng thương mại làm rất nhanh, áp dụng giảm lãi suất tiền gửi huy động ngay khi quyết định có hiệu lực.
Ngân hàng thương mại cần chấp nhận giảm lợi nhuận để cùng hợp tác với doanh nghiệp. Điều này chắc chắn là không thiệt với ngân hàng. Vì khi ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận để chia sẻ với doanh nghiệp thông qua lãi suất cho vay hợp lý thì doanh nghiệp có nguồn lực để đầu tư, phát triển, qua đó tăng thu ngân sách, giảm rủi ro tín dụng, tăng nguồn thu lãi cho ngân hàng.
BSAi