Bản tin thị trường, từ 19-25/5/2023

91
Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực
1.    Giá lúa mì thế giới tiếp tục giảm
Ngày 18/5, giá ngũ cốc toàn cầu đã tiếp tục giảm, khi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được gia hạn. Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được gia hạn cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua các cảng trên Biển Đen, giúp giảm bớt lo ngại về nguồn cung thế giới. Giá lúa mỳ trên Sàn giao dịch Chicago (Mỹ) giảm gần 2% trong ngày 18/5, xuống mức thấp nhất trong 2 tuần qua, sau khi đã giảm hơn 3% trong ngày 17/5.
Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian, có hiệu lực ban đầu là 120 ngày, từ tháng 7/2022 nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu kể từ khi bùng phát xung đột tại Ukraine. Sau một lần gia hạn và đến ngày 17/5 vừa qua, các bên đã nhất trí tiếp tục gia hạn sáng kiến trên thêm 2 tháng. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov ngày 18/5 xác nhận, Nga đã đồng ý gia hạn Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen thêm 2 tháng sau các cuộc đàm phán với sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên hợp quốc.
Nguồn: https://vtv.vn/the-gioi/gia-lua-mi-the-gioi-tiep-tuc-giam-2023051911345841.htm
2.    Tranh chấp thương hiệu mật ong manuka giữa New Zealand và Australia
Manuka là cái tên dùng để gọi một loại cây có hoa màu trắng mọc ở cả New Zealand và Australia. Mật ong manuka do đó dùng để chỉ loại mật ong được lấy từ những bông hoa nhỏ màu nhạt của loại cây này. Nổi tiếng với đặc tính kháng khuẩn và các lợi ích cho sức khỏe khác, mật ong manuka được săn đón ở nhiều nơi và thường có giá thành rất cao trên thị trường quốc tế. Trong hơn một thập kỷ qua, 2 quốc gia New Zealand và Australia này vẫn luôn gặp bất đồng trong việc sử dụng cái tên manuka – một từ của người Maori. Các nhà nuôi ong New Zealand coi sản phẩm này là một kho báu bản địa có gắn liền với việc sản xuất mật ong lâu đời và mong muốn được sử dụng thương hiệu mật ong manuka một cách độc quyền. Trong khi đó, các nhà sản xuất mật ong Australia, dẫn đầu bởi Hiệp hội Mật ong Manuka Australia (AMHA) tuyên bố mật ong lấy từ cây manuka cũng có thể được sản xuất tại Australia với chất lượng tương đương trong khi bản thân từ “manuka” đã được sử dụng cho các sản phẩm mật ong ở quốc gia này từ ít nhất là những năm 1930.
Kể từ năm 2015, các nhà sản xuất New Zealand, đại diện bởi Hiệp hội Tên gọi Mật ong Manuka (MHAS) đã nộp đơn đăng ký thương hiệu cho cái tên này từ năm 2015. Tuy nhiên, các nỗ lực này gặp thất bại ở Australia, châu Âu, Trung Quốc, Mỹ và Vương Quốc Anh. Tới 22/5, Văn phòng Sở hữu Trí tuệ New Zealand tiếp tục ra phán quyết rằng nỗ lực đăng ký nhãn hiệu mật ong manuka của những người nuôi ong tại quốc gia này không đáp ứng được các yêu cầu cần thiết. Điều này tạo ra một thất bại nữa đối với MHAS trong trận chiến pháp lý kéo dài nhiều năm và phức tạp.
Nguồn: https://mekongasean.vn/tranh-chap-thuong-hieu-mat-ong-manuka-giua-new-zealand-va-australia-post21944.html

3.    Chuỗi kem và trà sữa giá rẻ Mixue chạm mốc 1.000 cửa hàng tại Việt Nam
Giữa tháng 4/2023, Mixue thông báo chạm mốc 1.000 cửa hàng tại Việt Nam. Bắt đầu tiến vào thị trường Việt Nam vào năm 2018, chỉ sau chưa đầy 5 năm, Mixue đã đạt được quy mô mà hiện chưa có thương hiệu F&B nào đạt đến. Mixue vốn là chuỗi bán kem và trà sữa giá rẻ nổi tiếng tại Trung Quốc. Sản phẩm chủ đạo của thương hiệu này là những cây kem giá chỉ 10.000 đồng, trà sữa có giá trung bình 25.000 đồng/ly, rất dễ tiếp cận với đối tượng học sinh, sinh viên, gia đình có con nhỏ. Một điểm đáng chú ý khác, thay vì theo đuổi các mặt bằng lớn nằm ở vị trí đắc địa hay trong trung tâm thương mại, Mixue chủ yếu mở rộng ở các tỉnh thành nhỏ hoặc các khu phố đông dân cư, với mức thu nhập thấp hơn, tập trung phục vụ mang đi.
Không tự mở như Phúc Long hay The Coffee House, Mixue đi theo mô hình nhượng quyền. Vì thế mà dù không làm truyền thông thương hiệu rầm rộ nhưng chuỗi kem & trà sữa này đã nhanh chóng phủ sóng khoảng 43 tỉnh thành trên cả nước, đạt đến quy mô 1.000 điểm bán. Trên thực tế, nhượng quyền là một nguồn thu nhập chính của công ty mẹ Mixue tại Trung Quốc . Mô hình nhượng quyền đã hoạt động hiệu quả và mang lại cho công ty tới 96% doanh thu. Đến 31/3/2022, trong số 21.619 cửa hàng của Mixue thì có tới 99,8% là cửa hàng nhượng quyền.
Nguồn: https://markettimes.vn/chuoi-kem-va-tra-sua-gia-re-mixue-cham-moc-1-000-cua-hang-tai-viet-nam-bang-tong-highland-coffee-phuc-long-the-coffee-house-trung-nguyen-legend-cong-lai-28155.html
4.    Lễ hội Rượu vang Italia 2023: Trải nghiệm phong cách đậm chất Ý
Ngày 19/5, hướng đến kỷ niệm 77 năm Quốc khánh Cộng hòa Italia (2/6/1946 – 2/6/2023), Lễ hội rượu vang Italia đã trở lại TP.HCM. Đây là dịp để khách mời tìm hiểu các địa danh và thưởng thức các loại rượu vang hảo hạng của nước Ý. Lễ hội Rượu Vang Italia 2023 được tổ chức bởi Hiệp hội các nhà sản xuất thực phẩm và rượu vang lớn bậc nhất Italia – Gambero Rosso, Đại sứ quán Italia tại Việt Nam, Tổng Lãnh sự quán Italia, Thương vụ Italia. Lễ hội được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2017. Sau 5 năm gián đoạn, lễ hội đánh dấu sự trở lại tại TP.HCM vào năm 2022 và tiếp tục vào năm nay cũng tại TP.HCM.
Năm nay, lễ hội có sự tham gia của hơn 50 nhà sản xuất với hơn 150 loại rượu vang nổi tiếng hàng đầu Italia, cùng với đó là chuỗi sự kiện dành riêng cho rượu vang Italia tại TP.HCM. Song song việc giới thiệu về văn hóa, ẩm thực, sự kiện cũng là cơ hội để các doanh nghiệp rượu vang Italia giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác, kết nối giao thương, mở rộng thị trường tại Việt Nam.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/le-hoi-ruou-vang-italia-2023-trai-nghiem-phong-cach-dam-chat-y-2145991.html
Nhóm tin về ngành du lịch
1.    Việt Nam trong top 10 thị trường khách lớn của Thái Lan
Việt Nam đứng thứ 6 trong các thị trường có lượng khách lớn nhất đến Thái Lan với hơn 84.000 lượt khách, trong gần 5 tháng đầu năm 2023. Hồi đầu năm, dữ liệu tìm kiếm trên nền tảng cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến Agoda cũng cho thấy, Thái Lan là điểm đến phổ biến mà các gia đình Việt lựa chọn cho kỳ nghỉ dài ngày. Số liệu từ nền tảng này cũng cho thấy, 4 điểm đến của Thái Lan lọt vào top 10 điểm đến nghỉ dưỡng quốc tế yêu thích của các gia đình Việt Nam trong đó thủ đô Bangkok đứng đầu danh sách.
Dẫn đầu trong top 10 thị trường có lượng khách lớn đến Thái Lan là Malaysia với 367.530 lượt, thứ 2 là Trung Quốc (328.375), Ấn Độ (131.230) xếp thứ 3, Nga thứ 4 (115.743) và tiếp theo là Hàn Quốc (95.229), Việt Nam (84.221), Mỹ (70.977), Anh (70.089), Lào (68.204) và cuối cùng, vị trí thứ 10 là Hồng Kông (67.771). Người phát ngôn của chính phủ Thái Lan Traisuree TaisaranakulTraisuree Taisaranakul cho biết thêm, tính từ đầu năm đến nay (giữa tháng 5), lượng khách quốc tế đến Thái Lan đạt 9,47 triệu lượt, đóng góp gần 391 tỉ baht (11,43 tỉ USD) cho doanh thu. Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) ước tính tổng doanh thu du lịch đến cuối năm đạt 1.500 tỉ baht (hơn 43,5 tỉ USD), bằng 75% so 2019. Lượng khách đường dài đặt vé máy bay đến Thái Lan hè này đạt 70% so với trước dịch.
Nguồn: https://1thegioi.vn/viet-nam-trong-top-10-thi-truong-khach-lon-cua-thai-lan-198217.html
2.    Biến chuyển trong thị trường tour du lịch hè
ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc marketing Best Price, cho biết sức mua tour hè năm nay khá chậm. Vị này cho hay vào thời điểm này các năm trước, công ty đã hoàn thành xong chương trình tour của tháng 6, thậm chí là tháng 7. Tuy nhiên, năm nay, khách lại quyết định mua tour khá trễ. Theo ông Tú, khó khăn về kinh tế là một trong những lý do khiến du khách thay đổi xu hướng du lịch của mình. Bà Trần Phương Linh, Giám đốc Tiếp thị và Công nghệ của Benthanh Tourist, nhận xét khách không còn chốt mua tour sớm như trước. Đại diện công ty này cho biết thêm thời điểm hiện tại, giá vé máy bay đã giảm nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, chi phí cho các dịch vụ khác vẫn tăng khiến giá tour hè năm nay tăng 10-20% so với thời điểm trước dịch.
Không chỉ thay đổi về thời gian chốt tour, mùa du lịch hè năm nay, khách hàng còn có sự dịch chuyển trong việc lựa chọn điểm đến. Cụ thể, các điểm đến biển, đảo vẫn là nhận được sự quan tâm của nhiều du khách. Nếu năm 2022, Phú Quốc trở thành một cơn sốt thì năm nay, giám đốc marketing của Best Price dự đoán Nha Trang hoặc Phan Thiết sẽ là địa điểm được quan tâm nhiều hơn. Ghi nhận tại Benthanh Tourist, ở thị trường du lịch trong nước, tour miền Tây và các tour biển đảo đang là lựa chọn của đông đảo khách hàng trong mùa hè này. Ngược lại, tour du lịch miền Bắc, tour Phú Quốc có dấu hiệu giảm nhiệt so với cùng kỳ.
Tương tự các năm trước, vào mùa du lịch hè, xu hướng du lịch nước ngoài vẫn tiếp tục chiếm ưu thế. Đại diện một số đơn vị lữ hành cho biết ở thị trường này, các đường tour quen thuộc với mức giá tầm trung vẫn đang là lựa chọn của khách hàng. Cụ thể, các điểm đến nước ngoài được du khách ưa chuộng trong hè này có thể kể đến khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Trung Quốc. Những tour châu Âu, châu Mỹ với mức giá hàng chục triệu đồng có phần kén khách hơn. Theo khảo sát của Vietluxtour, điểm đến như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và Nhật Bản thu hút du khách Việt bởi các tuyến này được làm mới liên tục. Chương trình quảng bá của các cơ quan xúc tiến điểm đến đa dạng, tiếp cận trực tiếp thị trường mục tiêu tại Việt Nam với nhiều khuyến mãi.
Nguồn: https://zingnews.vn/khach-chot-tour-di-du-lich-he-muon-post1433681.html
Nhóm tin về ngành dịch vụ
1.    Cạnh tranh gay gắt, một dịch vụ thuê ô tô tự lái của Ấn Độ phải rút khỏi Việt Nam chỉ sau hơn 1 năm hoạt động
Ngày 23/5, người dùng ứng dụng Zoomcar – một ứng dụng cho thuê xe ô tô tự lái đến từ Ấn Độ đã nhận được thông báo về việc ứng dụng này tạm ngừng hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Nguyên nhân được đơn vị này đưa ra vì điều kiện thị trường kinh doanh nói chung và dịch vụ cho thuê xe tự lái nói riêng có nhiều khó khăn và dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian sắp tới dẫn đến ngừng hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Zoomcar là startup nền tảng cho thuê xe hơi đầu tiên tại Ấn Độ, ra đời vào năm 2013. Với trụ sở chính tại Bangalore Ấn Độ. Zoomcar hoạt động tại hơn 50 thành phố và là doanh nghiệp lớn nhất Ấn độ ở thị trường này. Nền tảng chính thức cung cấp dịch vụ ở TP HCM vào đầu 2022, chuyên cho thuê ô tô để người dùng tự lái. Ô tô trên nền tảng cung cấp bởi các đối tác chủ xe, theo hợp đồng ăn chia hoa hồng trên từng chuyến đặt xe. Giai đoạn đầu sau 4 tháng thâm nhập, họ có được khoảng 1.000 xe trên sàn. Theo đó, Zoomcar bạo tay chi thưởng cho các chủ xe đối tác, những người đưa xe của họ lên nền tảng (thường được gọi là treo xe lên ứng dụng) cho khách hàng chọn thuê. Tuy nhiên, các chính sách ưu đãi giảm dần sau giai đoạn đầu khiến công ty không thể duy trì sức hút với chủ xe lẫn người thuê trong thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Nguồn: https://markettimes.vn/canh-tranh-gay-gat-mot-dich-vu-thue-o-to-tu-lai-cua-an-do-phai-rut-khoi-viet-nam-chi-sau-hon-1-nam-hoat-dong-28554.html
Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử
1.    Walmart nâng mục tiêu doanh thu và lợi nhuận
Walmart Inc vừa nâng mục tiêu doanh thu và lợi nhuận hàng năm khi “gã khổng lồ” bán lẻ hàng đầu nước Mỹ này hướng những người mua sắm chuyển sang các sản phẩm thịt và hàng hóa mang thương hiệu của Walmart có giá rẻ hơn, làm bớt lo lắng về chi tiêu của người tiêu dùng yếu do lạm phát. Walmart đã giữ giá các mặt hàng tạp hóa ở mức thấp để đối phó với sự cạnh tranh từ Target Corp và Kroger ngay cả khi ngành này phải chật vật với chi phí tăng, đặc biệt là chi phí lao động.
Doanh số bán hàng tại các cửa hàng Walmart mở ít nhất một năm ở Mỹ đã tăng 7,4%, không bao gồm nhiên liệu, trong quý I vừa qua, vượt kỳ vọng tăng 5,25%. Tập đoàn cho biết doanh số bán hàng tạp hóa đã tăng dưới hai chữ số trong quý I ở Mỹ, do nhu cầu thực phẩm mạnh mẽ và sức mua hàng từ các hộ gia đình giàu có tăng lên. Tập đoàn cũng dự báo doanh thu ròng cả năm sẽ tăng khoảng 3,5%, cao hơn so với triển vọng 2,5% – 3% trước đó.
Nguồn: https://bnews.vn/walmart-nang-muc-tieu-doanh-thu-va-loi-nhuan/291726.html
2.    Gỡ khó cho tiểu thương châu Á
Theo Ngân hàng Thế giới, trong thời kỳ đại dịch Covid-19, khi các nước buộc phải thực hiện giãn cách xã hội, 2/3 người trưởng thành trên toàn thế giới đã sử dụng thanh toán trực tuyến. Trong đó, khoảng 40% là những người lần đầu tiên mua hàng trực tuyến. Thanh toán kỹ thuật số đã giúp nhiều phụ nữ thành lập doanh nghiệp nhỏ từ sự an toàn tại nhà của họ, thường là trong khi đang làm một công việc khác, mang đến nguồn thu nhập cao hơn.
Các khoản thanh toán kỹ thuật số bán lẻ ở Philippines đã tăng vọt lên khoảng 30% từ mức 1% khiêm tốn của khoảng một thập kỷ trước sau khi chính phủ tham vấn với Liên minh “Better Than Cash Alliance” do Liên hợp quốc (LHQ) hỗ trợ. Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á, cũng đã có những bước phát triển nhảy vọt. Các sáng kiến chính sách của chính phủ nhằm liên kết chứng minh nhân dân với tài khoản ngân hàng đã giúp tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến lên 77% dân số trưởng thành vào năm 2021, so với 36% vào năm 2011.
Tuy nhiên, không chỉ các chính phủ đang mở ra sự thay đổi, các công ty tư nhân cũng đóng vai trò nhất định. Các thương hiệu bán lẻ toàn cầu như H&M và Gap đang số hóa việc trả lương cho công nhân tại các nhà máy. Các công ty cũng muốn tăng cường chuỗi cung ứng bằng cách số hóa các khoản thanh toán trong lĩnh vực nông nghiệp cấp cơ sở. Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á, phụ nữ thường đóng một vai trò quan trọng trong các trang trại nhỏ, chiếm khoảng 70-80% diện tích đất nông nghiệp ở một số nước đang phát triển. Nhưng vẫn còn một chặng đường dài để đến được đích. Hiện vẫn còn khoảng 1,4 tỷ người trên toàn cầu không có quyền truy cập vào các nền tảng tài chính kỹ thuật số, trong đó bao gồm nhiều người thuộc nhóm khó tiếp cận nhất như phụ nữ nông thôn và những người sống ở vùng sâu vùng xa.
Nguồn: http://daidoanket.vn/go-kho-cho-tieu-thuong-chau-a-5718612.html
3.    Từ ‘gỏi gà măng cụt’ đến đầu ra cho nông sản
“Gỏi gà măng cụt”, “trà mãng cầu”,… đang là những từ khóa đang “hot” gần đây khiến cho các loại nông sản như: gà ta, măng cụt xanh, mãng cầu xanh tăng giá mạnh, thậm chí có nơi măng cụt xanh còn có giá hơn măng cụt chín. Theo ThS Đỗ Quang Huy, giảng viên chính thức của một sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, hiện nay các video về nông sản, các món ăn dân dã rất dễ được lên “trend” (xu hướng) trên TikTok với lượt xem nhiều thay thế cho những clip nhảy nhót, “bóc phốt” trước đây.
Chuyên gia Đỗ Quang Huy cũng thẳng thắn nếu nông dân bây giờ thấy một món nào đó vào trend mới bắt đầu sản xuất, năm sau mới thu hoạch thì chắc chắn sẽ khó bán được hàng. Cách làm khôn ngoan là nông dân có thể chủ động tạo ra trend để bán hàng hóa sẵn có nhưng cần có sự thống nhất và chuẩn bị bài bản ngay từ đầu mùa. Đây là cách mà Trung Quốc đã làm và rất thành công. Nông dân trực tiếp sản xuất livestream thu hút người dùng, còn khâu vận hành để sản phẩm đến tay người tiêu dùng đã có đơn vị chuyên nghiệp lo. Tại Việt Nam, các bộ ngành, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, các sàn thương mại điện tử, các công ty giao nhận cũng đang đầu tư rất nhiều để đẩy mạnh thương mại điện tử vùng nông thôn, bà con nông dân nên tận dụng cơ hội. Do nông sản có độ vênh với ngành F&B, các chuyên gia khuyên nông dân nên chọn những nông sản phổ biến như: cà phê, trà… hay với trái cây thì đào, vải, chanh… để giới thiệu vì đã được ứng dụng phổ biến trong ngành F&B, nhu cầu tiêu thụ lớn.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/tu-goi-ga-mang-cut-den-dau-ra-cho-nong-san-20230517203055707.htm
4.    Apple chọn MoMo làm phương thức thanh toán chính thức tại cửa hàng trực tuyến Apple Việt Nam
Ngày 18/5/2023, Apple chính thức mở rộng Apple Store trực tuyến đến thị trường Việt Nam. Khách hàng trên cả nước nay đã có thể mua sắm trực tiếp với Apple và tận hưởng các dịch vụ từ thương hiệu nổi tiếng toàn cầu này. Trong thông cáo về việc ra mắt thị trường Việt Nam, đối với phương thức thanh toán, Apple đề cập tới MoMo – siêu ứng dụng chiếm tới 45,8% thị phần người dùng tại Việt Nam và đã trở nên quen thuộc với người dân.
Theo đó, Apple Store trực tuyến cung cấp nhiều phương án thanh toán, bao gồm hỗ trợ tài chính lên đến 24 tháng cho iPhone, máy Mac, iPad và Apple Watch với MoMo. Phía MoMo cũng cho biết nền tảng này cung cấp một trong những phương thức thanh toán trên Apple Store, với các lựa chọn linh hoạt. Bên cạnh lựa chọn tính năng “Thanh toán một lần”, người dùng có thể dùng tính năng “MoMo Trả Góp Sản phẩm Apple”để trả góp theo các kỳ hạn từ 6 đến 24 tháng với lãi suất hàng tháng cạnh tranh và chỉ phải trả trước 20% giá trị sản phẩm.
Nguồn: https://markettimes.vn/apple-chon-momo-lam-phuong-thuc-thanh-toan-chinh-thuc-tai-cua-hang-truc-tuyen-apple-viet-nam-cho-phep-khach-tra-gop-6-24-thang-27999.html
5.    Các chuỗi bán lẻ Việt cạnh tranh với chính Apple bằng giá
Việc Apple mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam được các chuỗi bán lẻ đánh giá là bước đi tích cực, giúp người tiêu dùng được trải nghiệm các sản phẩm và dịch vụ được cá nhân hóa từ hãng. Tuy nhiên, theo một chuyên gia bán lẻ trong ngành công nghệ, việc hãng mở cửa hàng online không có tác động quá lớn tới thị trường bán lẻ trong nước bởi các chuỗi bán lẻ đang có xu hướng cạnh tranh bằng giá nhiều hơn là trải nghiệm dịch vụ. Cũng theo vị này, người dùng Việt Nam có xu hướng lựa chọn nơi mua hàng với các tiêu chí như giá bán hợp lý, dịch vụ linh hoạt hơn các cửa hàng cao cấp.
Theo nhận định của đại diện các chuỗi bán lẻ, việc Apple mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam không gây ảnh hưởng tiêu cực tới các chuỗi bán lẻ mà sẽ tạo ra một khung giá làm cơ sở tham chiếu cho thị trường, khiến các đại lý khó bán giá cao. Bên cạnh đó động thái này cũng giúp các nhà bán lẻ trong nước tự nhìn nhận lại hệ thống của mình, từ đó có những điều chỉnh trong cách vận hành, hoạt động để có thể nâng cao trải nghiệm khách hàng và giữ chân khách hàng.
Nguồn: https://zingnews.vn/cac-chuoi-ban-le-viet-canh-tranh-voi-chinh-apple-bang-gia-post1432480.html
6.    Apple tìm kiếm thêm cơ hội tại các thị trường mới nổi ở châu Á
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã đóng vai trò làm “xương sống” cho cả hoạt động sản xuất và tiêu dùng của Apple, giúp họ trải qua một giai đoạn tăng trưởng phi thường và trở thành công ty có giá trị vốn hóa cao nhất trên toàn cầu. Đến hiện tại, mặc dù thị trưởng tỷ dân này vẫn là chìa khóa cho các hoạt động của Apple, “gã khổng lồ” công nghệ đang phải tiến hành các biện pháp phòng ngừa rủi ro. Và việc hướng tới các thị trường châu Á mới nổi bên ngoài Trung Quốc là một phần trong số những động thái đó. Apple thông báo đã mở cửa hàng trực tuyến chính thức tại Việt Nam vào ngày 18/5, tiếp sau sự ra mắt các cửa hàng bán trực tiếp đầu tiên ở Ấn Độ. Điều này cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của các thị trường mới nổi đối với nhà sản xuất iPhone, khi tốc độ tăng trưởng ở các thị trường phát triển đang chậm lại.
Giám đốc điều hành (CEO) của Apple, ông Tim Cook đã chỉ ra triển vọng của công ty tại các nền kinh tế mới nổi, gọi đó là những “điểm sáng” trong kết quả tài chính của công ty. Ông cho hay Apple đã đạt được các kỷ lục doanh số ở Mexico, Indonesia, Philippines, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), bên cạnh doanh số theo quý cao nhất mọi thời đại tại Brazil, Malaysia và Ấn Độ. Ông Daniel Ives, Giám đốc điều hành của công ty dịch vụ tài chính Wedbush Securities cho biết tốc độ tăng trưởng đã chậm lại trên toàn cầu, từ đó gây thêm áp lực lên Apple trong việc tích cực theo đuổi các thị trường mới nổi. Ives dự đoán rằng trong những năm tới, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ sẽ đóng vai trò lớn hơn đối với Apple nhờ những nỗ lực của hãng tại các quốc gia này.
Nguồn: https://bnews.vn/apple-tim-kiem-them-co-hoi-tai-cac-thi-truong-moi-noi-o-chau-a/292014.html
7.    Doanh thu Thế Giới Di Động giảm 23%
Theo kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm của Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG, chủ hệ thống Thegioididong.com, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh, AVAKIDs) công bố, doanh thu thuần trong kỳ của nhà bán lẻ này đạt 36.947 tỉ đồng, giảm 23% so với mức từ 47.908 tỉ đồng của cùng kỳ năm trước. Trong đó, chuỗi Điện máy Xanh với 50,1% đóng góp vào tổng doanh thu, tiếp theo là chuỗi Thegioididong.com chiếm 24% và hệ thống Bách Hóa Xanh mang về 23,5% nguồn thu. Ngoài ra còn có 2,4% doanh thu từ hệ thống nhà thuốc An Khang và chuỗi bán lẻ AVA KIDs.
Đặc biệt, trong tháng 4, doanh thu của chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh tăng vọt 30% so với tháng trước khi đạt tới 7.300 tỉ đồng, nhờ doanh số các mặt hàng máy lạnh, gia dụng và điện thoại tăng đáng kể. Ngoài ra, Thế giới Di động cũng ghi nhận doanh số từ bán hàng qua hình thức trả góp đang có tín hiệu phục hồi so với tháng trước. Chuỗi Bách hóa Xanh cũng ghi nhận doanh thu 4 tháng tăng trưởng nhẹ 6% so với cùng kỳ, đạt 8.659 tỉ đồng. Doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng đạt khoảng 1,35 tỉ đồng và dự kiến sẽ có cải thiện trong tháng 5.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/doanh-thu-the-gioi-di-dong-giam-23-du-doanh-so-ban-may-lanh-tang-dot-bien-20230523201413166.htm
Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp
  1. ‘Quyền lực’ của Gen Z Trung Quốc với các nhãn hàng xa xỉ
Thị trường Trung Quốc hiện đã có ảnh hưởng lớn nhất đối với ngành hàng cao cấp toàn cầu, khi chiếm khoảng 1/5 thị phần tại thị trường quy mô 325,4 tỷ USD này, theo PwC. Độ tuổi trung bình của khách hàng Trung Quốc là 29 tuổi, trẻ hơn 5 tuổi so với mức trung bình tại các thị trường khác trên thế giới. Nhóm khách hàng trẻ tuổi Trung Quốc chi trung bình 800 USD/tuần, cao hơn 30% so với phần còn lại của thế giới, theo số liệu của Farfetch Ltd – nền tảng bán lẻ hàng cao cấp. Gen Z, lực lượng trẻ sinh trong giai đoạn 1997-2012 được dự báo sẽ tăng mức chi tiêu gấp 4 lần trong giai đoạn 2019 tới 2035. Tổng chi tiêu năm 2035 của nhóm Gen Z có thể đạt 16 nghìn tỷ nhân dân tệ (2,3 nghìn tỷ USD), theo báo cáo của China Renaissance.
Theo PwC, nhóm khách hàng Gen Z Trung Quốc với đặc trưng chi tiêu mạnh tay sẽ trở thành nhóm người mua số 1 năm 2025, vượt qua nhóm khách từ Mỹ và châu Âu. Đây cũng chính là lý do các nhãn hàng xa xỉ trên toàn cầu đang trong cuộc đua “thu phục” khách hàng Trung Quốc. Các nhãn hàng hàng đầu đang mở rộng sự hiện diện tại thị trường Trung Quốc. Trong đó, LVHM Moet Hennessy Louis Vuitton SE, gã khổng lồ ngành hàng cao cấp đang chuyển dịch trọng tâm từ thị trường Hồng Kông sang Đại lục. Hermes International không chỉ khai trương các cửa hàng mới mà còn làm mới diện mạo tại các cửa hàng hiện hữu trong những năm gần đây. Mytheresa vừa mở cửa hàng đầu tiên tại châu Á ở Thượng Hải, nhằm cung cấp trải nghiệm mua sắm trực tuyến tới các khách hàng. Thị trường mua sắm trực tuyến hàng hóa cao cấp cũng trở nên sôi động khi các doanh nghiệp hàng xa xỉ hiểu rõ khách hàng trẻ tuổi ưa thích sự tiện lợi, công nghệ và xu hướng mua hàng trực tuyến.
Nguồn: https://baodautu.vn/quyen-luc-cua-gen-z-trung-quoc-voi-cac-nhan-hang-xa-xi-d190400.html
Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ
1.    Samsung bắt tay với đối thủ lớn LG
Theo Reuters, Samsung đã ký thỏa thuận mua tấm nền OLED của LG cho các TV cao cấp kích cỡ 77 inch và 83 inch của hãng nhằm tăng lợi nhuận trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ tấm nền LCD của các đối thủ Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Samsung mua tấm nền OLED từ đối thủ đồng hương. Động thái này được xem là sự thừa nhận thất bại sau khi Samsung ngừng sản xuất TV OLED vào năm 2015, do chi phí sản xuất tấm nền cao và tính toán sai lầm rằng thị trường chưa sẵn sàng với các TV cao cấp như vậy. Thay vào đó, Samsung cố gắng thúc đẩy các TV QLED nhưng không thành công.
Theo Reuters, LG Display sẽ cung cấp 2 triệu tấm nền OLED cho Samsung vào năm 2024, 3 triệu vào năm 2025 và 5 triệu vào năm 2026. Thỏa thuận này diễn ra vào thời điểm lý tưởng cho LG Display khi hãng thừa nhận nhu cầu mua TV đang giảm và doanh số dự báo của mặt hàng tấm nền OLED là thấp. Đây cũng là thời điểm thuận lợi cho Samsung khi công ty vừa có một quý kinh doanh tồi tệ do nhu cầu bán dẫn suy yếu dẫn đến phải cắt giảm sản xuất chip nhớ.
Nguồn: https://zingnews.vn/ly-do-samsung-bat-tay-voi-doi-thu-lon-mang-tv-post1432097.html
2.    LG Energy ký thỏa thuận đầu tư với Green Technology Metals
LG Energy Solution Ltd. (Hàn Quốc) ngày 19/5 cho biết, công ty này đã ký một thỏa thuận đầu tư với nhà phát triển lithium Green Technology Metals Ltd. (Canada) có trụ sở tại Australia trong nỗ lực tăng cường nguồn khoáng sản quan trọng được sử dụng trong pin xe điện (EV). Theo thỏa thuận đã ký, LGES sẽ mua khoảng 7,89% cổ phần của Green Technology Metals và có quyền tiếp cận 25% sản lượng quặng lithium hàng năm trong 5 năm tới. Quặng lithium là một khoáng chất quan trọng trong chuỗi cung ứng pin xe điện (EV). LGES cho biết, hai công ty đã đồng ý xây dựng mối quan hệ đối tác lâu dài.
Hồi tháng Hai, LG Chem, công ty mẹ của LG Energy Solution Ltd. đã thông báo đầu tư 75 triệu USD mua cổ phần của công ty Piedmont Lithium, có trụ sở tại Mỹ, để đảm bảo nguồn cung ổn định nguyên liệu chính trong việc sản xuất pin cho xe điện này. Ngoài ra, LG Chem còn ký thỏa thuận nhận tổng cộng 200.000 tấn tinh quặng spodumene từ mỏ lithium Bắc Mỹ (NAL), thuộc quyền sở hữu của Piedmont Lithium, trong 4 năm kể từ quý III/2023. Piedmont nắm giữ 25% cổ phần trong mỏ NAL và lithium có thể được chiết xuất từ tinh quặng spodumene.
Nguồn: https://bnews.vn/lg-energy-ky-thoa-thuan-dau-tu-voi-green-technology-metals/291869.html
3.    Luxshare có thể độc quyền lắp ráp iPhone 16 Pro Max
Từ trước đến nay, Foxconn luôn là nhà cung ứng hàng đầu trong việc lắp ráp các sản phẩm điện thoại, tai nghe và máy tính bảng của Apple. Tuy nhiên, nguồn tin mới đây cho biết, Apple đã quyết định hợp tác với Luxshare để đưa nhà sản xuất này trở thành đối tác chủ lực trong việc lắp ráp các mẫu iPhone 16. Cụ thể, theo nguồn tin từ nhà phân tích Ming-Chi Kuo, Luxshare đã nhận được NPI của mẫu iPhone 16 Pro Max, còn Foxconn thì không. Trong đó, NPI là một bản kế hoạch để thương mại hóa 1 sản phẩm từ khi nó còn là ý tưởng, cho tới lúc sẵn sàng để sản xuất hàng loạt. Do vậy, hãng đặt hàng cần phải gửi NPI cho đối tác càng sớm càng tốt nhằm đảm bảo kế hoạch bán ra đúng lịch. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hợp tác lâu dài với Apple, Foxconn có nguy cơ bị mất đơn hàng lắp ráp phiên bản iPhone cao cấp nhất.
Nhà phân tích Ming Chi Kuo nhận định, quyết định trên là một thành công to lớn với Luxshare, giúp nâng cao vị thế của công ty trong chuỗi cung ứng của Apple. Trước đó, nhà sản xuất này chỉ đảm nhiệm lắp ráp một số thành phẩm nhỏ hay xử lý bao bì. Theo nguồn tin, tuy không nhận được NPI của iPhone 16 Pro Max, Foxconn vẫn nhận NPI của iPhone 16 Pro và iPhone 16 bản tiêu chuẩn. Một đối tác khác của Apple là Pegatron thì nhận NPI của iPhone 16 Plus. Công ty nghiên cứu thị trường TrendForce cho biết, Luxshare cũng là một trong những đối tác sản xuất các mẫu iPhone 15 Pro Max sắp ra mắt trong năm nay của Apple. Dự kiến, hoạt động sản xuất iPhone của Luxshare sẽ có sự tăng trưởng lợi nhuận đáng kể, với mức xuất xưởng 45–50 triệu chiếc iPhone trong năm 2023. Đây là mức tăng đáng kể so với khoảng 20 triệu chiếc vào năm 2022.
Nguồn: https://ttvn.toquoc.vn/doi-tac-dat-nha-may-o-viet-nam-cua-apple-co-the-doc-quyen-lap-rap-iphone-16-pro-max-20230519145617261.htm
4.    Mạng lưới trạm sạc xe điện liên kết 5 quốc gia Đông Nam Á sẽ hoạt động từ cuối năm 2024
Công ty Charge+ có trụ sở tại Singapore đã công bố kế hoạch xây dựng 45 trạm sạc tốc độ cao kết nối Singapore với Malaysia, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Chúng sẽ được đặt dọc theo đường cao tốc và trong các thành phố. Tờ Straits Times (Singapore) ngày 18/5 đưa tin 18 trạm sạc đầu tiên do Charge+ sở hữu và vận hành sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2024. Chúng dự kiến được đặt tại Singapore, Kuala Lumpur, Bangkok, Phnom Penh, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. 27 địa điểm còn lại, thuộc sở hữu của Charge+ hoặc các đối tác dự kiến sẵn sàng hoạt động vào cuối năm 2025. Người lái xe có thể sử dụng các trạm ở cả năm quốc gia thông qua ứng dụng điện thoại thông minh Charge+ để thanh toán cho dịch vụ. Ứng dụng có thể xử lý nhiều loại tiền tệ khác nhau.
Mạng lưới trạm sạc có 4 nhánh chính. 700km đầu tiên bao gồm các trạm ở Singapore, Yong Peng, Ayer Keroh, Simpang Ampat, Bangi và Kuala Lumpur. Chặng thứ hai dài 1.500km nối Penang với Bangkok với các trạm ở Juru, Phuket, Thap Sakae và Bangkok. Tuyến Bangkok đến Thành phố Hồ Chí Minh là chặng thứ ba trải dài 1.100 km, nó có các trạm ở Pattaya, Rayong, Sihanoukville, Phnom Penh và Thành phố Hồ Chí Minh. Chặng cuối là tuyến cao tốc ở Việt Nam với các trạm tại Phan Thiết, Đà Nẵng và Hà Nội.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/mang-luoi-tram-sac-xe-dien-lien-ket-5-quoc-gia-dong-nam-a-se-hoat-dong-tu-cuoi-nam-2024-20230519075930476.htm
5.    Huawei và con đường tiến tới “tự chủ”
Trong bài phát biểu ở Đại học Giao thông Thượng Hải hồi cuối tháng 2, người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi tiết lộ hãng đã thay thế hơn 13.000 linh kiện bị Mỹ cấm vận bằng các giải pháp của nội địa Trung Quốc và thiết kế lại 4.000 mạch in trên thiết bị trong vòng ba năm qua. Ông Nhậm nhấn mạnh dây chuyền sản xuất mạch in của Huawei hiện đã “ổn định”, toàn bộ linh kiện bị cấm đã được thay bằng sản phẩm nội địa. Chia sẻ với báo giới về thông tin trên, ông Eric Xu, Chủ tịch luân phiên của Huawei, cho biết, thực tế việc thay thế các linh kiện đã nằm trong kế hoạch của hãng từ lâu. “Điều này đã thực sự đạt được trong 10 năm qua. Chúng tôi đã thực hiện nhiệm vụ này từ năm 2012, và bây giờ nó gần như đã hoàn thành”.
Báo chí Trung Quốc gần đây đưa tin rằng Huawei và các công ty công nghệ Trung Quốc khác đã phát triển các công cụ thiết kế chip điện tử có thể sản xuất chip sử dụng nút quy trình 14nm trở lên. Ông Eric Xu, Chủ tịch luân phiên của Huawei chia sẻ: thay vì giết chết ngành công nghiệp chip nội địa của Trung Quốc, các biện pháp trừng phạt sẽ thúc đẩy ngành này. Tuyên bố này hoàn toàn có căn cứ khi mà trong bối cảnh bị Mỹ tìm cách “chặn đứng” đà phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ, các nhà cung cấp thiết bị và vật liệu sản xuất chip của Trung Quốc đã có kế hoạch chi 7,26 tỷ USD để củng cố chuỗi cung ứng trong nước. Khi việc nhập khẩu máy sản xuất chip do nước ngoài sản xuất bị chậm lại do các hạn chế của Mỹ, các công ty Trung Quốc chuyên sản xuất thiết bị và vật liệu sản xuất chip đã được chú ý nhờ các gói trợ cấp và đầu tư dưới sự bảo trợ của Chính phủ theo sáng kiến Made in China 2025. Theo báo cáo của truyền thông Trung Quốc, khoảng 35% nhà máy bán dẫn Trung Quốc sử dụng thiết bị nội địa vào năm 2022, tăng từ mức tương ứng 21% của năm 2021.
Sự tự chủ đang là mục tiêu tối thượng của Huawei để thoát khỏi sự phụ thuộc vào các công nghệ phương Tây. Lá bài chiến lược của Huawei vừa được công bố khi Huawei thay thế thành công hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp ERP cũ bằng MetaERP do họ tự phát triển, nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào các công nghệ Mỹ. Trong 3 năm qua, Huawei đầu tư đáng kể nguồn lực và nhân lực vài nghìn người cho dự án này, đồng thời làm việc với các đối tác trong ngành và hệ sinh thái chung để giải quyết những thách thức liên quan. Hệ thống MetaERP mới – định hướng tương lai, quy mô cực đại và dựa trên đám mây – đã đi vào vận hành mượt mà để thay thế hệ thống ERP cũ. MetaERP hiện xử lý 100% các kịch bản kinh doanh và 80% khối lượng kinh doanh của Huawei. Hệ thống đã vượt qua các bài kiểm tra về thanh toán hàng tháng, hàng quý và hàng năm. Đồng thời hệ thống này cũng đảm bảo không có lỗi, không chậm trễ và không cần sự điều chỉnh từ kế toán.
Nguồn:  https://toquoc.vn/huawei-va-con-duong-tien-toi-tu-chu-20230519143959764.htm
6.    Những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi
Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc hiện đã mở cửa trở lại, những gã khổng lồ công nghệ trong tuần này đã công bố báo cáo thu nhập cho thấy những dấu hiệu phục hồi ban đầu. Tuy nhiên kết quả tài chính cũng phản ánh tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc không đồng đều và báo hiệu rằng quá trình cải tổ của các công ty có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Baidu, doanh nghiệp tìm kiếm trên internet hàng đầu của Trung Quốc và Tencent, chủ sở hữu của ứng dụng nhắn tin phổ biến WeChat, đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu hai con số trong ba tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2022, đánh dấu lần đầu tiên sau hơn một năm liên tục gặp khó. Tuần trước, Alibaba đã báo cáo doanh thu tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn ước tính của các nhà phân tích.
Dẫu vậy, các nhà đầu tư vẫn đặc biệt cẩn trọng sau đợt báo cáo tài chính này. Cổ phiếu của Baidu và Tencent hầu như không thay đổi tại Hồng Kông, mặc dù cả hai đã tăng kể từ tháng Mười. Cổ phiếu của Alibaba đã giảm khoảng 6%. Alibaba, Baidu và Tencent đang tiến hành những cuộc cải tổ vào thời điểm khó khăn. Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với Hoa Kỳ đã tước đi quyền tiếp cận của các công ty Trung Quốc đối với một số vi mạch tiên tiến cần thiết để phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo tiên tiến nhất. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đã thận trọng hơn đáng kể với những khoản đầu tư của mình bởi, họ biết các công ty internet khó có thể quay trở lại tốc độ tăng trưởng trong mơ của thập kỷ trước.
Nguồn: https://viettimes.vn/nhung-ga-khong-lo-cong-nghe-cua-trung-quoc-co-dau-hieu-phuc-hoi-post166957.html
7.    Taxi điện VinFast chính thức hoạt động trên app Be
Sau hơn 1 tháng chính thức đi vào hoạt động, taxi điện Xanh SM đã phủ sóng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Từ kết hợp giữa taxi truyền thống tới taxi công nghệ như Ahamove (Đà Nẵng), Lado (Lâm Đồng), Én Vàng (Hải Phòng), ASV (phục vụ sân bay)…, di chuyển bằng phương tiện xanh đã dần trở nên quen thuộc với nhiều người dân. Mới đây, dịch vụ hợp tác giữa công ty GSM và Be Group cũng đã chính thức đi vào hoạt động, mang tên beVinFast. Cụ thể, từ 22/5, khách hàng gọi xe trên nền tảng của Be Group có thêm lựa chọn dịch vụ taxi điện của GSM, bên cạnh các dịch vụ beCar và beTaxi hiện có. Mẫu xe phục vụ khách hàng sẽ là VinFast VF e34.
Trước đó, vào ngày 21/3, Be Group đã ký thỏa thuận đầu tư và hợp tác với Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) nhằm đưa ôtô điện và xe máy điện vào hoạt động dịch vụ vận tải công nghệ đầu tiên tại Việt Nam. Theo thỏa thuận hợp tác, Be Group sẽ nhận khoản đầu tư trực tiếp từ GSM để hướng đến mục tiêu trở thành nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ, cũng như cung cấp dịch vụ vận chuyển công nghệ số một Việt Nam. Ngoài ra, thông qua các đối tác tài chính, GSM sẽ hỗ trợ tài xế của Be Group chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện. Trong giai đoạn đầu, Be Group và GSM sẽ phối hợp với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cung cấp các chính sách ưu đãi độc quyền cho tài xế Be Group để thuê hoặc mua ôtô, xe máy điện VinFast thông qua GSM với chi phí hợp lý.
Nguồn: https://markettimes.vn/taxi-dien-vinfast-chinh-thuc-hoat-dong-tren-app-be-gia-ca-lieu-co-canh-tranh-hon-28431.html
Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng
1.    Nắng nóng gay gắt khiến châu Á ngày càng phụ thuộc năng lượng Nga
Nắng nóng gay gắt đang thiêu đốt châu Á trong những tuần gần đây đã khiến châu lục này ngày càng phụ thuộc vào năng lượng Nga. Theo Bloomberg, khi các quốc gia trong khu vực tìm mọi cách đảm bảo có đủ than, khí đốt, dầu mazut để có điện thắp sáng và chạy máy điều hòa nhiệt độ, thì năng lượng của Nga ngày càng trở nên hấp dẫn cho dù bị phương Tây từ bỏ. Số liệu từ công ty Kpler cho thấy lượng than và khí đốt tự nhiên mà Nga xuất khẩu sang châu Á trong năm nay đã tăng rõ rệt. Than và khí đốt tự nhiên thường được dùng để sản xuất điện. Khối lượng than mà Nga xuất khẩu sang châu Á tăng mạnh lên 7,46 triệu tấn trong tháng 4, cao hơn khoảng 1/3 so với một năm trước đó. Lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng xuất khẩu sang châu Á cũng đã tăng lên trong những tháng gần đây sau khi giá giảm. Trước đó, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở mức cao kỷ lục khiến nhiều quốc gia nghèo không thể mua được loại nhiên liệu này.
Ngoài mua dầu giảm giá của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang mua nhiều than, khí đốt và dầu mazut nhất. Hai nước này đã chiếm hơn 2/3 lượng than của Nga xuất sang châu Á vào tháng trước. Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng đã chiếm 15% lượng xuất khẩu của Nga, còn Malaysia và Sri Lanka cũng mua một lượng đáng kể. Theo ông Chris Wilkinson, nhà phân tích cấp cao về năng lượng tái tạo tại công ty Rystad, ngay cả Nhật Bản, một đồng minh thân cận của Mỹ và do đó không muốn tăng nhập khẩu từ Nga, cũng có thể tăng cường mua trong giới hạn hợp đồng. Xu hướng mua năng lượng Nga tại châu Á có thể tiếp tục trong mùa hè năm nay khi ngày 3/5, Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ ngày càng cao hiện tượng El Nino sẽ diễn ra trong vài tháng tới, làm nhiệt độ toàn cầu tăng cao và có thể sẽ dẫn tới những kỷ lục nắng nóng mới.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/nang-nong-gay-gat-khien-chau-a-ngay-cang-phu-thuoc-nang-luong-nga-20230522103217226.htm
Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới
1.    Ấn Độ mở rộng chương trình khuyến khích đầu tư vào sản phẩm công nghệ
Ấn Độ đã công bố một chương trình khuyến khích mở rộng để thu hút khoản đầu tư lớn vào sản xuất phần cứng công nghệ thông tin (CNTT). Theo đó, Ấn Độ tăng gấp đôi khoản tiền dự chi ban đầu, lên 2 tỷ USD nhằm thúc đẩy sản xuất nội địa các sản phẩm công nghệ là máy tính xách tay và máy tính bảng. Các công ty toàn cầu và Ấn Độ như Dell, Wistron Corp, Dixon và Foxconn sẽ được hưởng lợi từ chương trình này. Kế hoạch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nỗ lực của Ấn Độ phấn đấu trở thành một cường quốc trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu. Ấn Độ đặt mục tiêu đạt sản lượng hằng năm trị giá 300 tỷ USD vào năm 2026.
Chương trình này có thời hạn 6 năm và nhà nước sẽ có chính sách hoàn tiền cho các nhà sản xuất đạt doanh số bán các sản phẩm sản xuất trong nước vượt chỉ tiêu hằng năm. Theo Chính phủ Ấn Độ, với kế hoạch này, các công ty công nghệ dự kiến sẽ sản xuất lượng sẩn phẩm CNTT trị giá gần 41 tỷ USD và tạo ra hơn 75.000 việc làm.
Nguồn: https://bnews.vn/an-do-tang-khoan-dau-tu-len-2-ty-usd-khuyen-khich-dau-tu-vao-san-pham-cong-nghe/291982.html
Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi
1.    Thủ tướng ra công điện hỏa tốc sau kiến nghị của ngành chăn nuôi gia cầm
Công điện hỏa tốc số 426/CĐ-TTg được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ngày 18-5, về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam; yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ trưởng và Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách để xử lý.
Cụ thể, công điện yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, nhất là các địa phương giáp biên giới, tăng cường kiểm soát gia cầm vận chuyển trái phép vào Việt Nam. Trường hợp phát hiện các lô hàng gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu bất hợp pháp phải thực hiện tái xuất hoặc tiêu hủy ngay; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Bộ Công Thương được yêu cầu chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông thị trường; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép vào Việt Nam và các trường hợp kinh doanh trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được yêu cầu chỉ đạo cơ quan chuyên môn thú y tăng cường kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/thu-tuong-ra-cong-dien-hoa-toc-sau-kien-nghi-cua-nganh-chan-nuoi-gia-cam-20230518201143507.htm
2.    Cá tra, tôm nín thở chờ giá lên
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), từ tháng 1 đến tháng 3, kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước chỉ đạt 422 triệu USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, 3 trong 6 thị trường có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh là Mỹ (giảm 64%), Brazil (giảm 40%) và Trung Quốc (giảm 22%). Kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước giảm khiến các vùng nuôi lớn như An Giang, Đồng Tháp gặp nhiều khó khăn. Tại An Giang, ước kim ngạch xuất khẩu thủy sản (chủ yếu cá tra) quý I/2023 đạt 31.760 tấn, tương đương 87 triệu USD; so với cùng kỳ tăng 2,58% về sản lượng và tăng 2,75% về kim ngạch. Tuy nhiên, đây là sản lượng xuất khẩu đã được các doanh nghiệp (DN) ký kết trước đó khá lâu với giá khá cao. Còn hiện nay, giá cá giảm, cứ nằm im ở mức 27.000 đồng/kg đã khiến DN gặp khó.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh An Giang, cho biết hiện cả 6 thị trường nhập khẩu chính của sản phẩm cá tra Việt Nam nói chung và sản phẩm cá tra của An Giang nói riêng, đều giảm mạnh so với năm ngoái. Điều này phản ánh tình hình kinh tế tại các quốc gia nhập khẩu sản phẩm cá tra đang gặp khó. Trong khi đó, theo ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, các hộ nuôi cá tra đang rất lo lắng vì giá cá cứ “neo” 27.000 đồng/kg suốt nhiều tháng liền. “Nhiều hộ chưa bán được cá thì vẫn phải chịu lỗ khi mua thức ăn nuôi cá cầm chừng, còn những hộ đã bán được cá thì đành “treo ao”. Cá giống không ai mua, tình hình này thật sự rất khó khăn và cần một chính sách lớn để giải vây” – ông Hiền nói.
Tình hình xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn do các nguyên nhân khách quan và chủ quan cũng khiến các hộ nuôi tôm, DN lao đao. Một DN chuyên xuất khẩu tôm thẻ chân trắng sang châu Âu cho hay đến thời điểm này, công ty vẫn chưa xuất được lô hàng mới nào. Xuất khẩu gặp khó kéo theo giá tôm nguyên liệu thu mua trong người dân giảm mạnh. Theo một số thương lái tại Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang thì tôm thẻ loại 30 con/kg hiện được thu mua với giá 123.000 đồng/kg (đầu năm giá khoảng 173.000 đồng), loại 50 con giá 99.000 đồng (trước đó 120.000 đồng), loại 70 con chỉ còn 91.000 đồng…Thực tế trên đã khiến nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp bắt đầu “treo ao” để chờ thị trường ổn định. Bởi thời điểm này nuôi sẽ không có lợi nhuận mà còn đứng trước nguy cơ thua lỗ cao.
Nguồn:  https://nld.com.vn/thoi-su/ca-tra-tom-nin-tho-cho-gia-len-20230521214205683.htm
3.    Ngành tôm Việt Nam ứng dụng công nghệ để phát triển chuỗi cung ứng sạch
Tuần trước, Việt Úc, tập đoàn thủy sản giữ vị trí số 1 Việt Nam về thị phần tôm giống công nghệ cao, đã khai trương một nhà máy chế biến trị giá 17 triệu USD. Với nhà máy này, Việt Úc trở thành doanh nghiệp phát triển được đầy đủ quá trình nuôi tôm, xử lý mọi bước từ nuôi ấu trùng đến xuất khẩu tôm trưởng thành. Theo công ty này, nhà máy mới được tự động hóa 70% và có diện tích bằng 14 sân bóng đá ở Bạc Liêu. Công nghệ đang hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ môi trường nuôi tôm tự nhiên sang ao nhân tạo là hệ thống nuôi thủy sản tuần hoàn (RAS), liên tục lọc và tái sử dụng nước. Các nhà môi trường cho biết phương pháp này là bền vững và cho phép sản xuất ra khối lượng thủy sản cao hơn nhưng ít nước thải hơn và nguy cơ hủy hoại hệ sinh thái thấp hơn. Đối với Việt Úc, công ty này sử dụng hệ thống “dòng chảy” liên tục – lấy nước vào và ra khỏi ao theo định kỳ. Họ cũng cho biết tôm của công ty được nhân giống bằng cách sử dụng “công nghệ di truyền định lượng” và phân tử để giúp tôm “có khả năng thích nghi tốt hơn cũng như khả năng kháng bệnh mạnh hơn.”
Steve Hedlund, Giám đốc truyền thông của Liên minh thủy sản toàn cầu, cho biết công nghệ đang mở đường cho việc “nuôi tôm trên đất liền sôi động hơn và tạo ra giá trị thương mại”. Ông Andrew Wyatt, Phó giám đốc nhóm môi trường IUCN cũng cho biết, các trang trại RAS đang xuất hiện ở ngày càng nhiều nơi, từ Philippines đến Đài Loan (Trung Quốc), và đa dạng quy mô, từ các bể vận hành thủ công, chi phí thấp đến các hệ thống quy mô lớn phức tạp. tổ chức trực quan hóa dữ liệu (OEC) cũng cho biết theo một số ước tính, Việt Nam có hơn 100.000 trang trại nuôi tôm, thường là các doanh nghiệp gia đình nhỏ, và đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản đông lạnh trị giá 2,3 tỷ USD vào năm 2021. Với Việt Úc, nhà máy mới đánh dấu một bước tiến mới để công ty này tham gia vào toàn bộ chuỗi giá trị của ngành.
Nguồn: https://toquoc.vn/nganh-tom-viet-nam-ung-dung-cong-nghe-de-phat-trien-chuoi-cung-ung-sach-20230524144728934.htm
4.    Giá rau Đà Lạt từ vườn ra chợ tăng đến 5 lần
Ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng), thời gian gần đây, giá thu mua rau giảm khiến nông dân phải bán lỗ, thậm chí đổ bỏ. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn phải mua rau Đà Lạt với giá cao. Sự chênh lệch giá rau từ vườn ra chợ là điều đương nhiên, nhưng câu chuyện ở chỗ mức chênh lệch đang được cho là quá cao. Ngay giữa vùng rau Đà Lạt, quãng đường đưa rau từ vườn ra chợ không xa, tuy nhiên mức chênh lệch giá rau đã gấp từ 3 – 5 lần. Mức chênh lệch này sẽ còn cao hơn đối với thị trường tiêu thụ cách xa vùng rau Đà Lạt. Với gần 3 triệu tấn rau đưa ra thị trường mỗi năm, Lâm Đồng là vùng chuyên canh rau đứng đầu cả nước. Tuy nhiên cho đến lúc này, tổ chức tiêu thụ mặt hàng rau vẫn là bài toán khá nan giải. Phần lớn nông dân lệ thuộc vào vựa thu mua, rất khó rút ngắn mức chênh lệch giá rau từ vườn ra chợ.
Dù giữa lúc giá rau Đà Lạt lao dốc, nhiều nhà vườn phải đổ bỏ. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn có những nông dân Đà Lạt, nhờ tham gia vào chuỗi liên kết, đã bán rau với giá ổn định, giữ được ổn định sản xuất. Khi canh tác có kế hoạch, gắn liền với thị trường tiêu thụ, nông dân đã tránh được vòng luẩn quẩn “được mùa, mất giá”.  Ở tỉnh Lâm Đồng, số chuỗi liên kết từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ nông sản tăng nhanh sau mỗi năm. Như năm vừa qua, tăng thêm 31 chuỗi liên kết và hiện tại, cả tỉnh có 215 chuỗi liên kết với gần 20.000 hộ. Năm nay, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục hỗ trợ các chủ thể tham gia chuỗi liên kết để mở rộng quy mô sản xuất lẫn thị trường. Đây cũng là hướng đi lâu dài cho thị trường nông sản ở những vùng nông nghiệp trọng điểm như Lâm Đồng.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/gia-rau-da-lat-tu-vuon-ra-cho-tang-den-5-lan-20230524093144659.htm
Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu
1.    Doanh nghiệp Việt tham gia Triển lãm Thực phẩm quốc tế Thượng Hải 2023
Sau gần ba năm vắng bóng vì dịch COVID-19, Triển lãm Thực phẩm quốc tế Thượng Hải (SIAL Shanghai) đã quay trở lại tại thành phố Thượng Hải của Trung Quốc, trở thành một trong những sự kiện đáng mong đợi nhất đối với các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức trong ngành thực phẩm và đồ uống trong năm 2023. Hàng chục doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia SIAL Shanghai 2023 nhằm quảng bá sản phẩm và tìm kiếm thêm cơ hội kinh doanh tại sự kiện diễn ra từ ngày 18-20/5. Là triển lãm hàng đầu về thực phẩm và đồ uống tại châu Á, SIAL Shanghai 2023 là cơ hội vàng dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu và nhà sản xuất thực phẩm, đồ uống giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới cũng như học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cùng với các chuyên gia hàng đầu trong ngành.
Tại SIAL Shanghai 2023, CCI France-Vietnam (FFCVF) – đại diện chính thức của SIAL Network tại Việt Nam, đã tổ chức gian hàng quốc gia Việt Nam (Vietnam Pavilion), với sự tham gia của 18 doanh nghiệp đến từ nhiều ngành hàng thực phẩm và đồ uống khác nhau, như hạt điều, gia vị, trái cây, nước giải khát, bánh kẹo, thủy sản… Ngoài ra còn có 5 doanh nghiệp khác của Việt Nam cũng tham gia ngoài khu gian hàng. Với diện tích 162m2 và nằm tại vị trí đắc địa trong khu vực gian hàng quốc tế, khu gian hàng Việt Nam nhanh chóng được nhận diện, sản phẩm của doanh nghiệp dễ dàng thu hút sự chú ý của không chỉ khách tham quan Trung Quốc mà còn nhiều quốc gia trên thế giới.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/doanh-nghiep-viet-tham-gia-trien-lam-thuc-pham-quoc-te-thuong-hai-2023/863274.vnp
2.    Bắc Giang dự tính xuất 1.500 tấn vải thiều đi Mỹ
Tỉnh Bắc Giang, dự kiến sản lượng vải thiều năm nay trên 180.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải ngắn nên việc liên kết, tìm đầu ra cho vải thiều được chính quyền, nông dân các địa phương trong tỉnh tích cực xúc tiến ngay từ đầu vụ. Cụ thể, năm nay, Bắc Giang có gần 30.000 ha vải thiều, thời gian thu hoạch dự kiến từ 20/5 – 30/7/2023. Đến nay, toàn tỉnh có 178 mã số vùng trồng phục xuất khẩu với tổng diện tích gần 16,7 nghìn ha. Trong đó, diện tích và sản lượng vải thiều đủ điều kiện xuất khẩu đi thị trường Mỹ đã được cấp 17 mã số vùng trồng, với diện tích 205 ha, sản lượng ước đạt 1.500 tấn.
Tân Yên là huyện đầu tiên ở Bắc Giang thu hoạch vải chín sớm. Những ngày này nông dân đang tập trung chăm bón, sản xuất vải an toàn, nâng chất lượng để vải lên cùi dày, tăng vị ngọt. Tất cả các quy trình đều phải tuân thủ tiêu chuẩn của phía nhập khẩu đề ra. Để xuất khẩu được vào thị trường Mỹ, quả vải cần đáp ứng nghiêm ngặt tiêu chuẩn về chất lượng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, có yêu cầu phân tích, xét nghiệm bắt buộc gần 900 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2022 vải Tân Yên xuất được khoảng 180 tấn sang thị trường cao cấp. Năm nay, kỳ vọng sản lượng xuất khẩu sẽ cao hơn. Nhờ xuất khẩu sang những thị trường khó tính, giá trị quả vải và thu nhập của người trồng vải đã được nâng lên rõ rệt, từ 110 triệu đồng/ha vào năm 2020 lên thành 320 triệu đồng/ha vào năm 2022.
Nguồn:  https://vtv.vn/kinh-te/bac-giang-du-tinh-xuat-1500-tan-vai-thieu-di-my-20230519141124526.htm
3.    Bắc Giang có thêm 12 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) vừa cấp thêm 12 mã số vùng trồng vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang thị trường Australia và Thái Lan. Theo đó, 9 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Australia với tổng diện tích hơn 117,5 ha cho nhóm hộ tại các xã: Phì Điền, Kiên Lao, Quý Sơn (huyện Lục Ngạn); Đồng Hưu, Đồng Vương, Canh Nậu (huyện Yên Thế) và Phúc Hòa (huyện Tân Yên). Đây là những nhóm hộ đầu tiên được cấp mã số xuất khẩu vải thiều sang thị trường Australia. 3 mã xuất khẩu sang thị trường Thái Lan có tổng diện tích 42 ha được cấp cho tổ sản xuất vải thiều tại các thôn: Thị, Giữa và Tân Long (xã Tân Trung, huyện Tân Yên).
Như vậy, sau khi 12 mã số vùng trồng được cấp mới nói trên, hiện toàn tỉnh có 19 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Thái Lan và 9 mã xuất khẩu sang thị trường Australia. Cùng với những mã số này, trên địa bàn tỉnh hiện có 110 mã số xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc với diện tích hơn 16.000 ha; 37 mã xuất khẩu sang Nhật Bản (hơn 297,4 ha) và 15 mã xuất khẩu sang Mỹ (hơn 184,2 ha). Ngoài 12 mã số vừa được cấp mới, Cục Bảo vệ thực vật cũng chuyển thông tin 11 mã số vùng trồng vải thiều cho cơ quan chuyên môn của Mỹ và Trung Quốc để phía bạn xem xét, đánh giá việc cấp mới.
Nguồn:  https://vtv.vn/kinh-te/bac-giang-co-them-12-ma-so-vung-trong-vai-thieu-xuat-khau-20230521172400443.htm

BSA Media