Bản tin thị trường, từ 20-26/4/2023

82

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1.    Ai hưởng lợi khi giá cả thực phẩm leo thang?
Theo Euronews, trong vài năm qua, thế giới đã chứng kiến sự gia tăng của các tỷ phú trong ngành thực phẩm. Đây là những công ty thu lợi từ việc giá cả tăng vọt và tạo ra doanh thu khổng lồ. Theo một báo cáo gần đây của Oxfam có tiêu đề “Lợi nhuận từ nỗi đau”, các tỷ phú thực phẩm đã ghi nhận tổng tài sản tăng khoảng 45% trong hai năm qua. Điều này xuất phát từ việc các công ty thu lợi nhuận tốt trong đại dịch Covid-19 và giờ đây là cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Sự gia tăng lợi nhuận này chủ yếu là do hàng nghìn tỷ USD mà chính phủ của nhiều quốc gia đã bơm vào nền kinh tế để giúp các doanh nghiệp không bị sụp đổ. Tuy nhiên, điều này vô tình khiến một số công ty ngày càng giàu có, đặc biệt là trong ngành thực phẩm.
Bên cạnh đó, những tập đoàn trong ngành đang tìm kiếm sự phối hợp với các đơn vị khác của hệ thống thực phẩm nhằm tăng cường sự kiểm soát. Báo cáo của ETC cũng chỉ ra rằng những “ông trùm” trong ngành đã tận dụng tối đa các cuộc khủng hoảng để siết chặt mọi mắt xích trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm. Điều này có thể làm suy yếu quyền lợi của nông dân, ngư dân, những người chăn nuôi gia súc… Hiện có 4-6 công ty thống trị quyền kiểm soát mọi khía cạnh của ngành công nghiệp thực phẩm. Trong đó, hai cái tên lớn nhất có thể kể đến là Cargill và Walmart.
Nguồn: https://zingnews.vn/ai-huong-loi-khi-gia-ca-leo-thang-post1423721.html
2.    Mật ong giả pha đường, chất tạo màu của Trung Quốc khiến thị trường Châu Âu chao đảo
Những người nuôi ong lấy mật ở 20 nước thành viên EU, dẫn đầu là Slovenia, đang kêu gọi thắt chặt quy định để chống lại nạn “rửa mật ong” sau khi một nghiên cứu của Ủy ban châu Âu (EC) hồi tháng trước cho thấy tình trạng gian lận trên thị trường mật ong gia tăng. Nghiên cứu này phát hiện ra rằng gần một nửa sản phẩm mật ong ở thị trường châu Âu vi phạm các quy tắc của EU, chẳng hạn như sử dụng xi-rô đường, chất tạo màu và nước. Vì mật ong nhập khẩu được bán với giá thấp hơn so với sản phẩm mật ong sản xuất ở châu Âu, những người nuôi ong trên khắp lục địa này lo ngại tình trạng gian lận như vậy có nguy cơ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp nhỏ, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Họ cũng cho rằng vấn đề này có thể khiến những người nuôi ong chán nản và bỏ nghề, làm giảm vai trò của loài ong trong hệ sinh thái. “Có sự cạnh tranh không lành mạnh đến từ bên ngoài EU, chủ yếu là Trung Quốc. Đó không phải là mật ong thật và điều đó khiến giá mật ong giảm mạnh”, Yvan Hennion, người đang nuôi 300 tổ ong ở Houllin, miền bắc nước Pháp, nói.
Cho đến nay, EU vẫn dựa vào hàng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu mật ong. Khu vực này sản xuất 218.000 tấn mật ong nhưng cũng nhập khẩu 175.000 tấn mỗi năm, với phần lớn đến từ Trung Quốc, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Mỹ Latin. Nghiên cứu của EC, được thực hiện từ năm 2021 đến năm 2022, cho thấy 46% mẫu mật ong được khảo sát vi phạm các quy tắc của EU. Tỷ lệ vi phạm này tăng từ mức chỉ 14% trong năm giai đoạn 2015-2017. Khoảng 70 trong số 123 công ty nước ngoài được khảo sát, bị nghi ngờ bán mật ong chứa xi-rô đường vào EU. Trong số này có 21 công ty Trung Quốc, nhiều hơn bất cứ nước nào. Ngoài ra, mật ong giả cũng đến từ Ukraine, Argentina, Brazil, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nguồn: https://markettimes.vn/mat-ong-gia-pha-duong-chat-tao-mau-cua-trung-quoc-khien-thi-truong-khu-vuc-nay-chao-dao-gia-giam-manh-lam-nguoi-nuoi-ong-dieu-dung-25886.html
3.    KFC đã bị thay thế ở Nga
Theo Reuters, các cửa hàng đồ ăn nhanh KFC ở Nga sẽ bắt đầu mở cửa trở lại từ ngày 25/4 với tên gọi mới Rostic. Công ty mẹ của KFC tại Mỹ là Yum! Brands vào tuần trước đã hoàn tất quá trình rút khỏi thị trường Nga và chuyển giao quyền nhượng quyền chính cho Smart Service, một công ty nhượng quyền do Konstantin Kotov và Andrey Oskolkov làm chủ. Thỏa thuận này bao gồm tất cả cửa hàng KFC ở Nga, hệ thống vận hành và nhãn hiệu cho Rostic. Song giá trị thương vụ này không được tiết lộ.
Rostic trên thực tế được ra mắt vào năm 1993 và là bàn đạp để KFC mở rộng tại Nga. Hãng hợp tác với Rostic vào năm 2005 trước khi mua lại thời gian sau đó. Trước khi rút khỏi Nga, KFC đã có 1.000 cửa hàng tại đây. Những người chủ mới, trước đó đã điều hành khoảng 40 nhà hàng, cho biết không loại trừ khả năng Yum! Brands một ngày nào đó sẽ quay trở lại Nga.
Nguồn: https://zingnews.vn/kfc-da-bi-thay-the-o-nga-post1425397.html
4.    Nho, táo, dâu tây đổ bộ Việt Nam theo ‘trend’ Hàn Quốc
Ngày 21-4, tại siêu thị MM Mega Market An Phú (TP Thủ Đức, TP HCM) diễn ra sự kiện “Taste of Korea” giới thiệu các nông sản – thực phẩm đến từ quận Uiseong, tỉnh Gyeongsangbuk – Hàn Quốc lần đầu có mặt tại siêu thị. Ông Kwak Byung Il, Giám đốc Marketing phụ trách mảng nông sản chính quyền quận Uiseong thông tin, năm 2020, tổng giá trị nông sản – thực phẩm từ quận Uiseong xuất khẩu sang Việt Nam là 56.000 USD. Đến năm 2022, con số này đã tăng gấp 10 lần, tương đương hơn 560.000 USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm: thực phẩm chức năng, nhân sâm, nhung hươu, rượu, kim chi, nấm,… được thị trường Việt Nam ưa chuộng.
Giải thích cho sự tăng trưởng này, ông Kwak Byung Il cho hay yếu tố chính nhờ “trend” (trào lưu) Hàn Quốc khiến thực phẩm nước này rất được yêu thích tại Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu giảm do Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) cũng là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Ông Kwak Byung Il cho biết Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của quận Uiseong. Sắp tới, Uiseong cùng với các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu thị trường Việt Nam đưa thêm các sản phẩm tiện lợi, đáp ứng theo “trend” của giới trẻ.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/nho-tao-dau-tay-do-bo-viet-nam-theo-trend-han-quoc-2023042119185662.htm
5.    Giá lợn hơi tăng lên mức 55.000 đồng/kg ở các tỉnh phía Nam
Ngày 21/4, giá lợn hơi tại Long An đã tăng 3.000 đồng/kg, đạt giá trần 55.000 đồng/kg; tại Tiền Giang, Bạc Liêu tăng 2.000 đồng/kg, tương ứng với mức 53.000 và 55.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại Đồng Tháp và Cà Mau, giá  lợn hơi tuy tiếp tục tăng nhẹ 1.000 đồng/kg nhưng đạt mức giá trần là 55.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá lợn hơi tại thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai cũng tăng lên mức 55.000 đồng/kg. Nhiều tỉnh thành khác như: Bình Phước, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng… giá phổ biến từ 53.000 – 55.000 đồng/kg, mức dao động tăng từ 1.000 – 3.000 đồng/kg. Tại Công ty CP Việt Nam, giá thịt lợn đang ở mức 56.500 đồng/kg.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, từ sau Tết đến nay, sau thời gian “neo” ở mức 47.000 đồng/kg, bất ngờ từ hôm cuối tuần qua, giá lợn hơi tăng lên 50.000 – 51.000 đồng/kg và đến nay tăng lên tới 55.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do các công ty chăn nuôi lớn đều tăng giá lợn hơi với mức từ 55.000 – 56.000 đồng/kg, vì vậy giá lợn hơi khu vực Đồng Nai đang được thu mua cũng ở mức 55.000 đồng/kg. Với mức giá này,  người chăn nuôi sẽ bớt thiệt hại về giá thành sản xuất chứ chưa khôi phục lượng giảm đàn do dịch bệnh. Theo ông Nguyễn Kim Đoán, suốt thời gia qua, giá lợn hơi xuống thấp, các đơn vị chăn nuôi không có lời, cộng với thị trường chưa có gì để cầu tăng cao. Nếu các công ty chăn nuôi không tăng giá lợn hơi sẽ thiệt hại nhiều hơn vì người tiêu dùng đang mua giá bán lẻ cao, trong khi người sản xuất không có lời. Điều này buộc giá lợn hơi tăng lên để kích thích thị trường sôi động, nhất là trong dịp 30/4 và 1/5 sắp tới.
Nguồn:  https://baotintuc.vn/kinh-te/gia-lon-hoi-tang-len-muc-55000-dongkg-o-cac-tinh-phia-nam-20230421184622238.htm

Nhóm tin về ngành du lịch

1.    Lượng khách Trung Quốc du lịch châu Á thua xa trước dịch
Lượng khách Trung Quốc đặt chỗ cho các chuyến đi đến các địa điểm châu Á tiếp tục phục hồi trong dịp nghỉ lễ 1/5. Tuy nhiên, con số này được cho là vẫn còn cách xa so với mức trước dịch. Theo Reuters, nguyên nhân của vấn đề này là do vé máy bay đường dài tăng cao và số lượng chuyến bay không đủ đáp ứng nhu cầu du lịch của người dân nước này. Dữ liệu mới nhất từ Bộ Du lịch Thái Lan cho thấy trong tháng 2, có hơn 150.000 khách Trung Quốc đến quốc gia này. Đây là mức cao nhất trong 3 năm dịch bệnh bùng phát nhưng vẫn thấp hơn 85% so cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, các chuyến đi đến Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ phục hồi ở mức 5-10% so trước dịch.
Trong một khảo sát gần đây về các điểm đến nước ngoài được khách Trung Quốc yêu thích nhất sau dịch, Thái Lan giữ vị trí đầu tiên. Trong top 10, Mỹ là điểm đến duy nhất không thuộc châu Á. Điều này khiến các trung tâm thương mại chuyên đồ hàng hiệu ở Paris (Pháp) hay Milan (Italy) thất vọng bởi đây là nhóm khách Trung Quốc chiếm thị phần lớn. Năm 2019, 155 triệu người Trung Quốc du lịch nước ngoài, chi tiêu khoảng 254,6 tỷ USD. Tệp khách này từng chiếm 10% lượng khách từ các châu lục khác tới châu Âu.
Nguồn: https://zingnews.vn/luong-khach-trung-quoc-du-lich-chau-a-thua-xa-truoc-dich-post1423807.html
2.    Thái Lan quan ngại về các tour du lịch 0 đồng
Là một điểm đến du lịch nổi tiếng, Thái Lan dự kiến sẽ chào đón ít nhất 25 triệu lượt khách nước ngoài trong năm nay. Trong đó, dự kiến khoảng 5 triệu lượt khách Trung Quốc sẽ đến Thái Lan trong năm nay, tương đương 50% tổng số du khách Trung Quốc vào quốc gia Đông Nam Á này trong năm 2019. Tính chung cả lượng khách du lịch tự túc, Thái Lan đã đón gần 500.000 lượt du khách từ Trung Quốc đại lục trong quý đầu tiên của năm 2023. Tuy nhiên, sự phục hồi đầy hứa hẹn đã làm dấy lên mối lo ngại về sự trở lại của cái gọi là “các chuyến du lịch 0 đồng”, được biết đến với mức giá thấp bất thường.
Các tour du lịch 0 đồng thực tế buộc khách du lịch phải trả giá cao hơn trong suốt chuyến đi, trong khi chất lượng sản phẩm và dịch vụ hầu hết dưới tiêu chuẩn, điều này có thể tạo ra cái nhìn tiêu cực đối với ngành du lịch Thái Lan. Trong một số trường hợp, các công ty lữ hành này còn thuê công dân nước ngoài làm hướng dẫn viên du lịch để tiết kiệm chi phí. Hành vi này là bất hợp pháp vì hướng dẫn viên du lịch là nghề được bảo vệ theo luật lao động chỉ dành riêng cho công dân Thái Lan. Kết quả là, một lượng tiền đáng kể đã chảy ra khỏi Thái Lan, trong khi chính phủ không thể thu được số tiền thuế mà lẽ ra phải có.
Chủ tịch Hiệp hội các công ty du lịch Thái Lan Sisdivachr Cheewarattanaporn cho biết việc làm tổn hại danh tiếng của ngành du lịch Thái Lan về lâu dài có hại hơn là các tour du lịch bất hợp pháp. Ông Sisdivachr cho biết các hoạt động bất hợp pháp có thể vẫn còn ở quy mô nhỏ vì Thái Lan đang nhận được ít nhóm du lịch Trung Quốc hơn so với trước đây, nhưng các thông tin liên quan đến việc này đã làm tổn hại niềm tin của khách du lịch ở một mức độ nào đó. Ông Sisdivachr kiến nghị các nhà chức trách nên xác định các doanh nghiệp bất hợp pháp và ngăn chặn hoàn toàn hoạt động của họ để tránh việc các công ty lữ hành hợp pháp liên lụy.
Nguồn: https://bnews.vn/thai-lan-quan-ngai-ve-cac-tour-du-lich-0-dong/288558.html
3.    Công bố bảng xếp hạng về các thương hiệu trong ngành du lịch Việt quý I – 2023
The Outbox Company vừa công bố bảng xếp hạng về các thương hiệu trong ngành du lịch dựa trên mức độ yêu thích và nhận biết của du khách Việt Nam quý I. Theo đó, top đại lý du lịch trực tuyến (OTA) được yêu thích nhất quý I đều thuộc về các thương hiệu quốc tế, gồm Traveloka, Booking.com, Agoda, Expedia và Trip.com. Không có một nền tảng OTA nội địa nào nằm trong top 5 lựa chọn của du khách Việt. Đặc biệt, The Outbox Company đánh giá Traveloka đã tăng trưởng vượt bậc nhờ các chiến dịch hiệu quả trong mùa Tết 2023, qua đó chiếm trên 40% lựa chọn của du khách, hơn 10 điểm phần trăm so với cái tên thứ hai là Booking.com.
Ở hạng mục top công ty lữ hành (TA/TO), đơn vị này ghi nhận thị trường tiếp tục được dẫn dắt bởi hai thương hiệu Vietravel và Saigontourist, chiếm gần 50% lựa chọn của du khách. Trong đó, Vietravel duy trì vị thế hàng đầu, chiếm 1/3 thị phần theo sự lựa chọn của du khách. Ở các vị trí tiếp theo, ngoài Hanoitourist và Vietnam Tourism vốn là những cái tên quen thuộc, bảng xếp hạng quý I ghi nhận sự xuất hiện bất ngờ của Vietnam Booking.
Về hãng hàng không, Vietnam Airlines chiếm ưu thế trong bảng xếp hạng khi được hơn 40% du khách lựa chọn. Hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air xếp hạng nhì, tiếp theo là Bamboo Airways. Vietravel Airlines tuy mới thành lập khoảng đầu năm 2019, trải qua biến cố đại dịch nhưng vẫn góp mặt ở hạng 4.
Nguồn: https://zingnews.vn/doanh-nghiep-ngoai-thong-tri-kenh-dai-ly-du-lich-truc-tuyen-post1423903.html

Nhóm tin về ngành dịch vụ

1.    Taxi điện GSM bắt đầu chạy thử nghiệm tại TP.HCM từ tuần sau
Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh (Green and Smart Mobility – GSM), được sở hữu 95% cổ phần bởi tỷ phú Phạm Nhật Vượng, đã ra mắt dịch vụ taxi điện tại Hà Nội cách đây hơn 1 tuần và đích đến tiếp theo sẽ là TP.HCM. Theo thông tin ban đầu, công Ty Xanh SM sẽ bắt đầu chạy thử nghiệm dịch vụ taxi điện ở TP.HCM với số lượng khoảng 100 xe VF e34. Dự kiến, cuối tháng 4 này, dịch vụ taxi Xanh SM sẽ chính thức hoạt động tại TP.HCM. Trước đó, từ ngày 5/4, hãng đã tổ chức tuyển dụng tài xế. Nhiều tài xế bày tỏ háo hức chờ taxi điện Xanh SM hoạt động tại TP.HCM, bởi thị trường gọi xe taxi tại TP.HCM đang rất lớn.
Với màn nhập cuộc thị trường xe taxi phía Nam, GSM sẽ không chỉ trở thành đối thủ của các hãng xe công nghệ, mà ngay cả sự tồn tại của những hãng taxi truyền thống như Vinasun – đang vùng dậy sau quãng thời gian tưởng như hụt hơi cũng có thể tạo ra một cuộc cạnh tranh cực gắt.
Nguồn: https://markettimes.vn/taxi-dien-cua-ong-pham-nhat-vuong-bat-dau-chay-thu-nghiem-tai-tp-hcm-tu-ngay-mai-23-4-24760.html
2.    Thừa Thiên – Huế nghiên cứu đưa taxi điện của GSM vào hoạt động
Chiều 24/4, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương có buổi làm việc Công ty Cổ phần Di chuyển xanh và Thông minh (GSM) về đề xuất đăng ký hoạt động taxi thuần điện trong tỉnh.Qua tìm hiểu, nghiên cứu, công ty GSM nhận thấy tỉnh Thừa Thiên – Huế là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Việt Nam và là nơi thu hút khách du lịch quốc tế lớn hàng năm. Chính các vị khách quốc tế là các khách hàng rất ưa thích sử dụng các phương tiện xanh và thân thiện với môi trường. Chính vì vậy, công ty GSM mong muốn đăng ký hoạt động xe taxi thuần điện tại địa phương.
Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương hoan nghênh, đánh giá cao việc Công ty GSM nghiên cứu và mong muốn đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế giao các sở, ban, ngành phối hợp với Công ty GSM tổ chức khảo sát, đánh giá để đề xuất phương án phù hợp theo quy mô, nội dung đề xuất của công ty. Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc nghiên cứu và có định hướng phù hợp cho công ty đầu tư trong thời gian tới.
Nguồn: https://vtc.vn/thua-thien-hue-nghien-cuu-dua-taxi-dien-cua-gsm-vao-hoat-dong-ar768131.html

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1.    Nhà bán lẻ hàng đầu nước Mỹ nộp đơn xin bảo hộ phá sản
Ngày 23/4, chuỗi cửa hàng nội thất gia đình Bed Bath & Beyond Inc (Mỹ) đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 sau khi không thể đảm bảo được nguồn tài chính để duy trì hoạt động. Năm ngoái, Bed Bath & Beyond đã báo lỗ khoảng 393 triệu USD sau khi doanh số bán hàng giảm 33% trong quý kết thúc vào ngày 26/11. Nhà bán lẻ có trụ sở tại Union, New Jersey đã nộp đơn xin phá sản tại tòa án Quận New Jersey, với việc liệt kê cả tài sản và nợ ước tính trong khoảng từ 1-10 tỷ USD. Sự cạnh tranh mạnh mẽ của thương mại điện tử khiến doanh số bán hàng của Bed Bath & Beyond chững lại từ năm 2012 đến năm 2019. Công ty này cũng đã bị ảnh hưởng nặng nề trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, buộc công ty phải tạm thời đóng cửa các cửa hàng truyền thống trong năm 2020, trong khi các đối thủ trực tuyến vẫn hoạt động bình thường. Doanh thu đã giảm 17% trong năm 2020 và giảm 15% trong năm 2021.
Nguồn: https://bnews.vn/nha-ban-le-hang-dau-nuoc-my-nop-don-xin-bao-ho-pha-san/288958.html
2.    Baemin bán mỹ phẩm
Thay vì cạnh tranh với các siêu ứng dụng khác thông qua tích hợp dịch vụ tài chính, bảo hiểm…, ứng dụng giao đồ ăn từ Hàn Quốc Baemin quyết định ra mắt một thương hiệu mỹ phẩm. Trao đổi với Zing, ông Jinwoo Song, Tổng giám đốc Baemin Việt Nam cho biết đã bắt đầu dự án này từ 1,5 năm trước với những cuộc khảo sát người tiêu dùng và phân tích thị trường mỹ phẩm một cách kỹ lưỡng. Đến nay, doanh nghiệp chính thức ra mắt thương hiệu mỹ phẩm đầu tiên mang tên Lazy Bee, với các sản phẩm được sản xuất tại Hàn Quốc.
Trước câu hỏi liệu kỳ lân công nghệ Hàn Quốc còn tiếp tục đầu tư mạnh vào lĩnh vực giao đồ ăn ở Việt Nam nữa hay không, vị lãnh đạo nhấn mạnh đây vẫn là mảng đem lại tệp người dùng chính cho ứng dụng. Trên cơ sở tệp người dùng này, hãng mới có thể phát triển các dịch vụ khác để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. Như vậy, tham vọng siêu ứng dụng tại Baemin ngày càng rõ ràng hơn và có phần khác biệt. Những năm gần đây, Grab, Gojek, be liên tục tích hợp hàng loạt dịch vụ từ gọi xe công nghệ, giao hàng, giao đồ ăn, đi chợ hộ tới các dịch vụ về tài chính, bảo hiểm, du lịch… Trong khi đó, Baemin lại mở Baemin Studio – các sản phẩm sáng tạo và đồ dùng quen thuộc, và bây giờ là mỹ phẩm Lazy Bee, bên cạnh các dịch vụ giao đồ ăn, đi chợ hộ và thực phẩm sơ chế. Baemin cho biết trong 1-2 tháng đầu tiên ra mắt, Lazy Bee chỉ được bán thông qua ứng dụng Baemin ở TP.HCM, trước khi đa dạng hóa kênh phân phối và mở rộng tới các thành phố khác như Hà Nội hay Đà Nẵng.
Nguồn: https://zingnews.vn/baemin-ban-my-pham-post1424364.html
3.    Tham vọng kết nối vạn nhu cầu của tập đoàn Masan
Ông Danny Lê, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Masan, cho rằng thị trường tiêu dùng Việt Nam còn khá phân mảnh, việc kết nối với người tiêu dùng chưa có dữ liệu, kênh bán truyền thống còn chiếm tỷ trọng lớn trong khi kênh hiện đại tỷ trọng thấp. Vị CEO của Tập đoàn Masan cũng không giấu tham vọng dùng số hóa tăng chi tiêu, tăng mạng lưới, tăng hội viên để từ đó gây dựng kho dữ liệu khổng lồ trên con đường đưa Masan trở thành nhà bán lẻ số bá chủ thị trường. Hiện tại, để đạt mục tiêu này, Masan đã thành lập công ty chuyên về hệ thống kho bãi, vận chuyển, tận dụng trí tuệ nhân tạo AI và các công nghệ khác để tối ưu hóa vận hành (Supra).
Hệ sinh thái của Masan được mở rộng thêm ở nhiều khu vực nhưng vẫn trong vòng quay liên kết hữu cơ của một nhà bán lẻ tạo lập thị trường với 3 ba trụ cột chính: (i) tăng trưởng mạng lưới; (ii) tăng trưởng hội viên và (iii) tăng trưởng thị phần chi tiêu. Ba trụ cột này được củng cố bởi dịch vụ hậu cần xuyên suốt trên toàn quốc (Supra) để giao hàng hóa cho người tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi một cách kịp thời, tiết kiệm chi phí nhất. Trong đó, trí tuệ nhân tạo AI và công nghệ là nền tảng giúp vận hành mạng lưới thương mại thông minh hơn, tự động hơn với quy mô ngày càng lớn. Với cách vận hành như vậy, trong khi thị trường đóng cửa 1.000 cửa hàng thì mỗi ngày, hệ thống bán lẻ tập đoàn này mở 2 cửa hàng, nhờ đó thị phần và mạng lưới siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi tăng từ 40% của năm 2021 lên 50% của năm 2022.
Lộ trình tăng trưởng của tập đoàn này trong giai đoạn 2023 – 2025 như sau: về mạng lưới, tiếp tục chiếm lĩnh thị phần bán lẻ hiện đại nhưng vẫn hợp tác với bán lẻ truyền thống để phục vụ 30 – 50 triệu hội viên WIN; tăng quy mô hội viên Offline và online lên mức 30 – 50 triệu, trong năm 2023 sẽ đạt 10 triệu hội viên; tăng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho 5 triệu người tiêu dùng chưa được phục vụ đầy đủ các dịch vụ tài chính trong 2 – 3 năm tới.
Nguồn: https://vneconomy.vn/tham-vong-ket-noi-van-nhu-cau-cua-ong-lon-nganh-tieu-dung.htm
4.    Website FPT Long Châu dẫn đầu bảng xếp hạng Global E-Pharmacy năm 2022
Theo báo cáo thường niên mới nhất của Convert Group công bố, website nhathuoclongchau.com của hệ thống Nhà thuốc FPT Long Châu là trang nhà thuốc trực tuyến phát triển nhanh nhất thế giới, đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu năm 2022. Cụ thể, trang website của hệ thống Nhà thuốc FPT Long Châu có lượng truy cập trung bình 5,7 triệu lượt hàng tháng và năm 2022 đã tăng trưởng hơn 298% so với cùng kỳ trước đó. Bảng xếp hạng được thực hiện nghiên cứu bởi Convert Group với dữ liệu tổng hợp thông tin thị trường kỹ thuật số hàng đầu thế giới trên 989 trang nhà thuốc – y tế trực tuyến tại 89 quốc gia trên tất cả châu lục.
Bảng xếp hạng cũng cho thấy xu hướng và tầm quan trọng của ngành e-Pharmacy (nhà thuốc – y tế trực tuyến) trong thời kỳ hậu Covid-19 và bình thường mới, khi người tiêu dùng đã thoải mái hơn với việc mua hàng trực tuyến. Các nhà thuốc – y tế trực tuyến đang là xu hướng mới, với mức tăng trưởng 8,1% toàn cầu và 49% tại Đông Nam Á so với cùng kỳ 2021. Nhiều thị trường dược phẩm được dự đoán phát triển bùng nổ vào năm nay, cùng với quá trình hiện đại hóa hoạt động số hóa toàn diện và gia tăng nắm bắt trải nghiệm đa kênh của ngành.
Nguồn: https://zingnews.vn/fpt-long-chau-dan-dau-bang-xep-hang-global-e-pharmacy-nam-2022-post1425569.html
5.    Igloo hợp tác với Circle K phân phối bảo hiểm tại Việt Nam
Ngày 25/4, Công ty Bảo hiểm hàng đầu khu vực Igloo công bố hợp tác chiến lược với Circle K về phân phối bảo hiểm cho khách hàng tại Việt Nam. Chiến lược hợp tác giữa hai đơn vị nhằm cung cấp các sản phẩm bảo hiểm thông qua mạng lưới hơn 400 cửa hàng tiện lợi của Circle K trên cả nước. Đây là lần đầu tiên ở châu Á, các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ được cung cấp thông qua chuỗi cửa hàng tiện lợi, giúp mọi người có thể dễ dàng tiếp cận bảo hiểm hơn, đặc biệt cho phân khúc khách hàng chưa được bảo hiểm tại Việt Nam.
Người tiêu dùng hiện có thể mua Bảo hiểm xe máy toàn diện GIC Easy với 4 quyền lợi trong 1 của Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu (GIC) tại toàn bộ mạng lưới hơn 400 cửa hàng của Circle K trên toàn quốc. Khách hàng có thể thanh toán tại quầy thu ngân của Circle K hoặc thanh toán online và sau đó sẽ nhận được Giấy chứng nhận bảo hiểm trực tuyến trong vòng vài phút. Các sản phẩm khác như Bảo hiểm vật nuôi, Bảo hiểm tai nạn cá nhân sẽ lần lượt được giới thiệu tại Circle K trong thời gian tới, giúp mang những sản phẩm bảo hiểm hữu ích đến tay người tiêu dùng Việt một cách thuận tiện, dễ dàng hơn.
Nguồn: https://congthuong.vn/igloo-hop-tac-voi-circle-k-phan-phoi-bao-hiem-tai-viet-nam-251754.html

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1.    Châu Âu đề cao cảnh giác, xe điện Trung Quốc có thể mất lợi thế giá rẻ
Bên cạnh mẫu mã thiết kế thời thượng, cực kỳ sang trọng, hiện đại và model tới từ các sản phẩm xe điện Trung Quốc xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, có một lợi thế vô hình cực kỳ lớn tạo sự thành công vang dội của các nhà sản xuất nước này, đó chính là giá rẻ. Dẫu vậy, có vẻ như các chính trị gia châu Âu cũng đã bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc để bảo vệ ngành công nghiệp ô tô điện nội địa của họ trước “hiện tượng” Trung Quốc, thông qua các chính sách về đánh thuế nhập khẩu.
Theo người sáng lập, giám đốc điều hành của hãng Nio – ông William Li cảnh báo: “Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc nên chuẩn bị tinh thần cho khả năng chính phủ các nước áp dụng chính sách bảo hộ chống lại những hãng xe nhập khẩu để ngăn các hãng Trung Quốc có thể tận dụng tuyệt đối lợi thế về giá rẻ làm ảnh hưởng tới ngành công nghiệp ô tô sở tại”. Đầu năm này, Giám đốc điều hành hãng Stellantis – ông Carlos Tavares cho biết châu Âu đang ở một ngã ba đường trong cuộc cạnh tranh với các hãng xe điện Trung Quốc. Và nếu những chính trị gia châu Âu không hành động một cách quyết liệt và kịp thời, sẽ có một cuộc chiến “khủng khiếp” diễn ra giữa nhà sản xuất nội địa châu Âu và các hãng Trung Quốc.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/chau-au-de-cao-canh-giac-xe-dien-trung-quoc-co-the-mat-loi-the-gia-re-2135017.html
2.    Hãng xe Mini đón nhận cơn thịnh nộ trên mạng xã hội Trung Quốc vì… hộp kem
Mới đây, tại Triển lãm ô tô Thượng Hải, Mini đã bố trí một quầy kem để tặng khách hàng đến tham quan gian hàng. Đây là điều không có gì đáng ngạc nhiên, tuy nhiên, Mini không lường trước được nó đã nhanh chóng trở thành thảm họa truyền thông của hãng. Theo đó, dựa trên video được công bố, Mini bị tố phân biệt đối xử khi tặng kem cho một người nước ngoài trong khi khách hàng Trung Quốc bị từ chối với lí do hết kem. Đoạn video đã gây ra phản ứng dữ dội trên mạng, đặc biệt là đối với người dùng Trung Quốc. Đồng thời, chủ đề “BMW Mini” đã trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều thứ 2 trên nền tảng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc với hơn 93 triệu lượt xem. Nhiều người dùng đã để lại ý kiến bình luận thể hiện sự phẫn nộ, công kích Mini phân biệt đối xử. Một số ý kiến cho rằng “Với tinh thần hiếu khách, lẽ ra kem phải được ưu tiên cho khách tham quan”. Trong khi đó, có những ý kiến phê phán rằng quầy kem của Mini chỉ miễn phí cho người nước ngoài.
Một nguồn tin chia sẻ với Reuters rằng hãng xe Đức đã lên kế hoạch phát 300 phần kem cho khách tham quan. Tuy nhiên, một số suất đã được giữ lại để phần cho nhân viên công ty và “người nước ngoài” trong clip gây tranh cãi được là một nhân viên của BMW. Các cô gái phụ trách quầy kem là nhân viên thời vụ chứ không phải nhân viên chính thức của BMW và MINI. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Mini Trung Quốc đã lên mạng xã hội Weibo giải thích và xin lỗi. Họ thừa nhận đã thiếu cẩn trọng trong công tác quản lý nội bộ, khiến tất cả đều không vui. Công ty hứa sẽ chấn chỉnh việc này và tăng cường hoạt động đào tạo nội bộ.
Nguồn: https://markettimes.vn/mini-don-nhan-con-thinh-no-tren-mang-xa-hoi-trung-quoc-vi-hop-kem-24678.html
3.    GM và Samsung SDI ‘bắt tay’ xây dựng nhà máy sản xuất pin EV tại Mỹ
Nhà sản xuất ô tô General Motors Co (GM) của Mỹ và nhà sản xuất pin và vật liệu điện tử Samsung SDI (Hàn Quốc) ngày 25/4 thông báo sẽ đầu tư hơn 3 tỷ USD để xây dựng một nhà máy liên doanh sản xuất pin xe điện (EV) ở Mỹ, trong bối cảnh nhà sản xuất ô tô này muốn đa dạng hóa các nhà cung cấp linh kiện. Nhà máy chung của GM và Samsung SDI, dự kiến bắt đầu xây dựng trong năm 2026, đặt mục tiêu đạt công suất sản xuất hàng năm là 30 gigawatt giờ (GWh). Thông tin cho biết địa điểm của nhà máy liên doanh này vẫn chưa được quyết định.
GM cũng đã có một liên doanh với nhà sản xuất pin của Hàn Quốc LG Energy Solution tại Mỹ và đã đầu tư để đẩy mạnh sản xuất pin với công ty này để tận dụng các khoản trợ cấp theo Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước. Bộ Năng lượng Mỹ đã hoàn tất khoản vay 2,5 tỷ USD cho liên doanh GM-LG Energy hồi cuối năm 2022. Các công ty này đang xây dựng một nhà máy trị giá 2,6 tỷ USD ở Michigan, dự kiến khai trương vào năm 2024.
Nguồn: https://bnews.vn/gm-va-samsung-sdi-bat-tay-xay-dung-nha-may-san-xuat-pin-ev-tai-my/289164.html
4.    Trung Quốc ‘bơm’ 7 tỷ USD nâng cấp chuỗi bán dẫn
Do hoạt động nhập khẩu máy móc sản xuất chip ngoại bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận của Mỹ, các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực này được chú ý hơn. Họ cũng được tài trợ và đầu tư dựa theo sáng kiến Made in China 2025. Các nhà cung ứng bán dẫn và quỹ được nhà nước hậu thuẫn Trung Quốc dự định chi 50 tỷ NDT (7,26 tỷ USD) để củng cố chuỗi cung ứng trong nước. Theo truyền thông Trung Quốc, khoảng 35% nhà máy bán dẫn trong nước sử dụng thiết bị nội trong năm 2022, tăng từ 21% năm 2021. Họ cũng thắng thầu gần một nửa các gói thầu thiết bị cho các nhà sản xuất chip trong những tháng đầu năm. Doanh số thiết bị sản xuất chip tại Trung Quốc đạt 52 tỷ NDT năm trước, tăng gần 6 lần năm 2017. Khoảng 62 tỷ NDT vật liệu sản xuất cũng được tiêu thụ, tăng ba lần trong cùng kỳ.
Bắc Kinh sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước để đối đầu với Washington. Theo Giáo sư Wei Shaojun đến từ Đại học Thanh Hoa, “các ngành công nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn sẽ cùng hợp tác đổi mới, tăng tốc nỗ lực tự chủ phong cách Trung Hoa trong bán dẫn”. Theo báo cáo của SEMI, Trung Quốc đứng đầu thế giới về doanh số thiết bị sản xuất chip ba năm liên tiếp, bất chấp sụt giảm 5% năm 2022. Nhu cầu sẽ còn tăng trong năm nay, đặc biệt khi các nhà sản xuất chip dự đoán Mỹ sẽ ban hành những lệnh cấm vận mới. Những người chơi toàn cầu sẽ để mắt đến cơ hội tại thị trường chip khổng lồ này. Dữ liệu từ viện nghiên cứu ChipInsights chỉ ra 30% tổng doanh số ba hãng thiết bị chip lớn nhất Mỹ đến từ quốc gia tỷ dân.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/trung-quoc-bom-7-ty-usd-nang-cap-chuoi-ban-dan-2135687.html
5.    Trung Quốc trong cơn khát tài năng AI
Các công ty Trung Quốc đang tranh giành những tài năng hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI) trong bối cảnh các công ty nội địa đang đua nhau tung ra các dịch vụ tương tự ChatGPT. Nhu cầu về nhân tài AI của Trung Quốc đã tăng gấp ba lần so với 5 năm trước, theo dữ liệu được tổng hợp gần đây bởi Liepin, một nền tảng tuyển dụng của Trung Quốc. Các vai trò liên quan đến mô hình đào tạo bot đàm thoại và nội dung do AI tạo ra (AIGC) đang có nhu cầu đặc biệt cao. Khi ChatGPT ra mắt vào tháng 11 và gây bão trên toàn thế giới, tình trạng thiếu hụt tài năng AI hàng đầu ở Trung Quốc ngày một trầm trọng. Trong số gần 1 triệu người ở Trung Quốc làm việc trong lĩnh vực AI, chỉ 0,1% có bằng tiến sĩ, trong khi phần lớn có bằng thạc sĩ hoặc bằng cấp thấp hơn, theo kết quả khảo sát được công bố vào tháng 10 bởi Học viện Lao động và An sinh xã hội Trung Quốc (CALSS).
AI trở thành một môn học trong các trường đại học bắt đầu từ năm 2018, hai năm sau khi Hội đồng Nhà nước, nội các Trung Quốc, coi nó là một lĩnh vực chiến lược trong kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 13. Hiện tại, gần 35% trong số 1.270 trường đại học của đất nước, đã được Bộ Giáo dục cho phép cung cấp các khóa học AI. Lứa sinh viên chuyên ngành AI đầu tiên đã tốt nghiệp năm ngoái, nhưng phần còn lại vẫn ngồi trên giảng đường. Điều này khiến nguồn cung và nhu cầu nhân sự AI trên thị trường vẫn còn một khoảng cách rất lớn. Sự thiếu hụt có thể tới 300.000 người trong năm nay, chủ yếu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển chip AI, máy học và xử lý ngôn ngữ tự nhiên. So với Mỹ, khoảng cách về nhân tài AI của Trung Quốc hiện đang kém rất xa. Theo danh sách AI 2000 của Đại học Thanh Hoa công bố tháng 1/2022, tính đến cuối 2021, Trung Quốc có 232 chuyên gia nghiên cứu hàng đầu, xếp thứ hai thế giới, nhưng Mỹ có 1.146 nhà nghiên cứu, chiếm hơn 57% toàn cầu.
Nguồn: https://viettimes.vn/trung-quoc-trong-con-khat-tai-nang-ai-post166179.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_tinmoi_vt&utm_campaign=click_tinmoi
6.    Vượt Apple, Samsung đứng đầu thế giới về thị phần smartphone
Theo số liệu từ công ty điều tra thị trường Canalys của Singapore công bố ngày 19/4, Samsung hiện chiếm 22% thị phần trên thị trường điện thoại thông minh thế giới, vượt lên trên mức 21% của hãng Apple. Mặc dù đã giành lại được ngôi số 1 về thị phần điện thoại thông minh, tuy nhiên Samsung cũng như các đối thủ cạnh tranh đều đang chứng kiến sự sụt giảm kéo dài của toàn ngành. Công ty Canalys cho biết, trong quý I/2023, Samsung là đơn vị duy nhất có xu hướng hồi phục so với quý trước. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ một năm trước thì thị phần của Samsung vẫn bị giảm 2%, trong khi của Apple tăng 3%. Sau Samsung và Apple, Xiaomi đứng thứ ba với 11% thị phần. Oppo đứng thứ tư với 10% thị phần cùng với Vivo là 8%.
Trong quý I/2023, thị trường điện thoại thông minh toàn cầu đã giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022, nối dài xu hướng 5 quý giảm liên tiếp. Sanyam Chaurasia, nhà phân tích của Canalys đã nhận định, sự suy giảm của thị trường điện thoại thông minh trong quý đầu tiên của năm 2023 nằm trong dự đoán của toàn ngành. Nhu cầu của người dùng với mặt hàng smartphone vẫn khá trì trệ, đặc biệt ở phân khúc giá rẻ do lạm phát cao ảnh hưởng đến niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/vuot-apple-samsung-dung-dau-the-gioi-ve-thi-phan-smartphone-20230420143431785.htm
7.    Đối tác Apple rót 120 triệu USD vào nhà máy sản xuất tại Việt Nam
Vào tháng 12 năm ngoái, Apple được cho là đang chuẩn bị chuyển một số dây chuyền sản xuất MacBook Pro sang Việt Nam. Điều này đã kéo theo những khoản đầu tư riêng được Foxconn và BOE công bố nhằm phục vụ nỗ lực sản xuất tại Việt Nam. Giờ đây, một đối tác chuỗi cung ứng quan trọng khác của Apple là Quanta cũng làm điều tương tự khi ký một thỏa thuận với chính quyền tỉnh Nam Định vào hôm 21.4 để xây dựng một nhà máy rộng 22,5 hecta tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận với kinh phí dự kiến trị giá 120 triệu USD.
Thông tin chi tiết về thời điểm dự kiến mở cửa nhà máy cũng như các dây chuyền sản xuất tiềm năng vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, nếu nhìn vào mong muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam của Apple, cũng như các nỗ lực từ các thành viên chuỗi cung ứng khác, có vẻ như rất có khả năng nhà máy của Quanta sẽ được sử dụng cho các mục đích sản xuất của Apple.
Nguồn:  https://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doi-song-24h/doi-tac-apple-rot-120-trieu-usd-vao-nha-may-san-xuat-tai-viet-nam-171335.html

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1.    Trung Quốc liên tiếp lập kỷ lục nhập khẩu dầu ‘đại hạ giá’ từ Nga
Trung Quốc nhập khẩu lượng dầu cao nhất từ trước đến nay từ Nga trong tháng 3, tiếp tục biến quốc gia này thành nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc, hơn cả Saudi Arabia – theo dữ liệu từ chính phủ Trung Quốc. Nhập khẩu dầu từ Nga của Trung Quốc đạt mức 2,26 triệu thùng/ngày (bpd) trong tháng 3, tăng 50% so với 1,5 triệu thùng/ngày cùng kỳ năm ngoái, Reuters dẫn dữ liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc.
Nhập khẩu dầu từ Saudi Arabia của Trung Quốc cũng tăng nhưng vẫn thấp hơn so với dầu giá rẻ từ Nga. Trung bình, mỗi ngày Trung Quốc đang nhập khẩu 2,1 triệu thùng dầu từ Saudi Arabia, tăng 30% so với mức 1,61 triệu thùng/ngày vào tháng 3 năm ngoái. Nga cũng là nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc trong các tháng 1 và 2 năm nay. Trước đó vào năm 2022, Saudi Arabia mới là người giữ vị trí này.
Nguồn: https://markettimes.vn/khong-bay-gio-thi-bao-gio-trung-quoc-lien-tiep-lap-ky-luc-nhap-khau-dau-dai-ha-gia-tu-nga-so-thang-3-da-la-2-26-trieu-thung-ngay-24747.html

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1.    Mỹ bỏ xa Trung Quốc về số lượng kỳ lân khởi nghiệp
Sau khi dẫn đầu thế giới và nhỉnh hơn Mỹ một chút vào năm 2019, Trung Quốc đã tụt lại phía sau Mỹ ở một trong những chỉ số quan trọng trong cuộc đua giành ưu thế kinh tế và công nghệ: số lượng các kỳ lân khởi nghiệp (các công ty khởi nghiệp có mức định giá từ 1 tỉ đô la Mỹ trở lên). Sự chênh lệch ngày càng lớn về số kỳ lân khởi nghiệp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh, những người đang đặt hy vọng vào sự đổi mới trong nước để phát triển một nền kinh tế kỹ thuật số trưởng thành hơn. Và điều này xảy ra vào thời điểm Mỹ tạo dấu ấn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) với việc công ty khởi nghiệp (startup) OpenAI ra mắt công cụ chatbot gây sốt ChatGPT, đồng thời Washington siết chặt các hạn chế xuất khẩu chip cao cấp nhằm kìm hãm tiến bộ công nghệ của Trung Quốc.
Trước đại dịch Covid-19, có 494 kỳ lân trên thế giới, với tổng định giá 1,7 nghìn tỉ đô la. Trong đó, Trung Quốc dẫn đầu với 206 kỳ lân, tiếp theo là Mỹ với 203 kỳ lân. Hiện tại, thế giới có 1.361 kỳ lân, có tổng định giá 4,3 nghìn tỉ đô la, theo Chỉ số kỳ lân toàn cầu năm 2023 do Viện Nghiên cứu Hồ Nhuận (Trung Quốc) công bố hồi đầu tuần này. Mỹ dẫn đầu danh sách với 666 kỳ lân khởi nghiệp, bao gồm cả Công ty công nghệ không gian SpaceX của tỉ phú Elon Musk và Công ty công nghệ tài chính (fintech) Stripe. Con số này tăng thêm 179 so với năm ngoái và tăng thêm 463 trong ba năm qua. Trung Quốc đứng thứ 2 với 316 kỳ lân khởi nghiệp, chỉ tăng 15 trong năm qua và tăng 110 kể từ năm 2020. Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hồ Nhuận, kỳ lân ở Mỹ chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực chính điện toán đám mây, fintech và công nghệ y tế. Trong khi đó, kỳ lân của Trung Quốc tập trung ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và thương mại điện tử.
Tốc độ tăng trưởng số lượng kỳ lân khởi nghiệp thường được coi là thước đo quan trọng về môi trường kinh doanh và sức mạnh kinh tế của một quốc gia. Trung Quốc đang bước vào thời điểm quan trọng trong nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế khi mô hình tăng trưởng của nước này từ lâu dựa vào đầu tư và xuất khẩu, đứng trước những thách thức chưa từng có. Khối nợ gia tăng của các chính quyền địa phương, dân số ngày càng giảm cùng với xu hướng tách rời kinh tế khỏi Mỹ là những tín hiệu đáng lo ngại đối triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/my-bo-xa-trung-quoc-ve-so-luong-ky-lan-khoi-nghiep/
2.    Mùa hè đau khổ ở thung lũng Silicon
Sau nửa năm sa thải hàng loạt, vốn đầu tư mạo hiểm giảm và sập Ngân hàng Thung lũng Silicon, nhiều người trong giới công nghệ tin rằng tương lai còn u ám hơn. Các chuyên gia cho biết trong bối cảnh thị trường suy thoái kéo dài và nhà đầu tư vẫn chưa muốn chi tiền, nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ sẽ bắt đầu cạn vốn. Một số công ty sẽ buộc phải “bán rẻ” chính mình, huy động vốn mới với mức định giá thấp hơn các vòng gọi vốn trước đây. Đây là tình huống thường khiến những người sáng lập cũng như các nhà đầu tư lo ngại, vì giảm định giá đồng nghĩa với việc cổ phần của họ trong công ty giảm giá trị.
Theo công ty nghiên cứu Prequin, vào cuối năm 2022, số vòng gọi vốn giảm định giá đã đạt gần mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Và dữ liệu ban đầu của quý đầu năm nay cho thấy khoảng 7,5% trong số tất cả các vòng gọi vốn mạo hiểm ở Mỹ là giảm định giá, theo PitchBook, và con số này đang trên đà tăng. Những tên tuổi lớn như công ty tài chính khổng lồ Stripe, công ty khởi nghiệp thanh toán Klarna Bank AB và công ty bảo mật Snyk đều đã phải cắt giảm định giá, và những công ty khác như Blockchain.com cũng đang theo sau. Nhưng một vòng gọi vốn giảm định giá vẫn tốt hơn là không có vòng gọi vốn nào và công ty hết tiền. Đầu tư mạo hiểm vào tất cả các công ty khởi nghiệp đã giảm nhanh chóng trong những tháng gần đây. Số lượng công ty khởi nghiệp huy động được tiền trong quý đầu tiên của năm 2023 ở mức thấp nhất trong 5 năm. Một ước tính nội bộ của PitchBook cho thấy rằng cứ chỉ có 1/3 nhu cầu vốn của giới khởi nghiệp đang được đáp ứng.
Nguồn: https://zingnews.vn/mua-he-dau-kho-o-thung-lung-silicon-post1425083.html
3.    Netflix rót 2,5 tỷ USD vào ngành giải trí Hàn Quốc
Theo thông cáo báo chí của Netflix đăng ngày 25/4, “gã khổng lồ trực tuyến” quyết định rót 2,5 tỷ USD vào thị trường Hàn Quốc. Con số này nhiều gấp đôi số tiền Netflix đã đầu tư cho ngành công nghiệp giải trí xứ kim chi vào năm 2016. Insider cho biết thông báo được đưa ra sau cuộc gặp giữa Ted Sarandos – đồng Giám đốc điều hành Netflix và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại Washington, DC trong chuyến thăm kéo dài 6 ngày.
Nhờ thành công vang dội của Squid Game, The Glory, Physical: 100 và nhiều dự án khác, thị trường phim Hàn Quốc thu hút đông đảo nhà đầu tư khắp thế giới. Netflix tin rằng, với sự sáng tạo không ngừng, ngành công nghiệp giải trí xứ kim chi sẽ mang về cho họ nguồn lợi nhuận lớn trong tương lai. Theo Insider, các khoản đầu tư khổng lồ của Netflix thúc đẩy làn sóng Hàn Quốc hay còn gọi là Hallyu, phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ngày càng có đa dạng lựa chọn nội dung cho người xem liên quan đến làn sóng này.
Nguồn: https://zingnews.vn/netflix-rot-2-5-ty-usd-vao-nganh-giai-tri-han-quoc-post1425530.html
4.    Công ty Thái Lan dự chi 45 triệu USD tăng cường hiện diện tại Việt Nam
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Công ty SCG Packaging Plc (SCGP) có trụ sở chính tại thủ đô Bangkok của Thái Lan đang đàm phán mua lại 70% cổ phần của Công ty cổ phần Starprint Việt Nam (SPV) với giá 1,53 tỷ baht (gần 45 triệu USD) để mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Việc mua lại cổ phần dự kiến hoàn thành vào quý III/2023, sẽ góp phần giúp SCGP nâng cao hiệu quả bán sản phẩm, bao gồm các loại hộp cứng và các sản phẩm đóng gói sang trọng. SPV có có khả năng tạo ra 16.500 tấn bản in offset và 8 triệu chiếc hộp cứng mỗi năm, với hai cơ sở sản xuất đặt tại Khu công nghiệp Long Bình (Amata), Đồng Nai, miền Nam Việt Nam.
Theo SCGP, nhu cầu tại các nước ASEAN đối với các sản phẩm đóng gói ngày càng tăng trong bối cảnh ngành du lịch phục hồi nhanh chóng sau khi đại dịch COVID-19 lắng xuống. SCGP dự kiến sẽ chi số tiền đầu tư khoảng 18 tỷ baht (524 triệu USD) vào năm 2023, trong đó 50% sẽ được phân bổ cho các dự án hợp tác và sáp nhập. Phần còn lại sẽ được sử dụng cho các hoạt động mở rộng và duy trì kinh doanh.
Nguồn: https://bnews.vn/cong-ty-thai-lan-du-chi-45-trieu-usd-tang-cuong-hien-dien-tai-viet-nam/289228.html

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1.    Cạnh tranh ở thị trường sầu riêng Trung Quốc, “đối thủ” chính của Việt Nam vẫn là Thái Lan
Trong hơn một thập kỷ tới, sầu riêng Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với Thái Lan trên thị trường Trung Quốc, cho dù đất nước 1,4 tỷ dân đã bắt đầu manh nha sản xuất sầu riêng với sản lượng không ngừng tăng. Bà Nguyễn Thị Thành Thực, chuyên gia nông nghiệp cho rằng, câu chuyện cạnh tranh với sầu riêng nội địa Trung Quốc, nếu có xảy ra, cũng còn ở tương lai xa. ‘Một số vùng ở Trung Quốc có trồng được thì cũng chỉ có thời vụ, mà nhu cầu của họ thì rất lớn. Việc họ tự trồng sầu riêng thì phải 10-15 năm nữa mới đáng lo’ – bà Thực đánh giá.
Theo Sakda Sinives – chuyên gia nông nghiệp Thái Lan, lợi thế của trái sầu riêng Việt Nam đến từ việc nông dân Việt Nam có thể thu hoạch sầu riêng muộn hơn Thái Lan, vì mất ít thời gian vận chuyển hơn, ngay cả khi không có khác biệt về hương vị. Bà Thực cho rằng yếu tố quyết định tính cạnh tranh không nằm ở hương vị. Để có thể làm tốt ngành sầu riêng, Việt Nam còn phải học tập nhiều ở Thái Lan trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường.
Mặt khác, một vấn đề lớn của sầu riêng Việt Nam hiện nay, theo bà Thực, là cần phát triển sản phẩm sơ chế, chế biến, nghiên cứu công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Làm được những việc này sẽ giúp giải quyết hai vấn đề. Thứ nhất là tăng sản lượng. ‘Sản lượng tiêu thụ có thể tăng lên nhiều nếu chúng ta xúc tiến các sản phẩm sơ chế, chế biến, ví dụ như phát triển sản phẩm bóc múi cấp đông để có thể xuất khẩu chính ngạch’ – bà Thực nhấn mạnh. Thứ hai, phát triển việc sơ chế, chế biến có thể giúp người nông dân có thêm lựa chọn trồng xen canh. Hiện nay, thị trường Trung Quốc đang quy định chỉ nhập khẩu sầu riêng nguyên trái trồng thuần, diện tích tối thiểu là 10 ha, chưa cho phép nhâp khẩu sầu riêng trồng xen canh. Một yếu tố quan trọng khác mà bà Thực nhấn mạnh, là sầu riêng Việt Nam cần xây dựng được thương hiệu. Đặc biệt, cần ưu tiên ưu tiên tiếp thị ở các thị trường phía Bắc Trung Quốc, như Bắc Kinh và Thượng Hải, vì đây mới thực sự là thị trường tiêu dùng lớn nhất.
Nguồn: https://markettimes.vn/trung-quoc-tu-trong-sau-rieng-doi-thu-chinh-cua-viet-nam-van-la-thai-lan-25842.html
 2.    Chăn nuôi gia cầm ở Tiền Giang “tiến thoái lưỡng nan”
Tiền Giang là địa phương dẫn đầu khu vực ĐBSCL về đàn gia cầm. Trong bối cảnh giá thức ăn tăng vọt, đầu ra sản phẩm chậm, giá thành cao làm cho người chăn nuôi gia cầm ở địa phương này gặp rất nhiều khó khăn. Ở thời điểm này, giá gà thịt dao động từ 52-77.000 đồng/kg tùy loại, gà ác giá 70.000 đồng/con. Trứng gà dưới 2.200 đồng/quả, riêng giá trứng gà ác chỉ ở mức 1.300 đồng/quả, bằng nửa giá so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá thức ăn cho gà hiện ở mức trên dưới 290.000 đồng/bao, tăng gần 30% so cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ giá gà sụt giảm mà thị trường tiêu thụ còn ùn ứ, thương lái chỉ mua cầm chừng khiến cho nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng.
Xã Mỹ Tịnh An là một trong những địa phương có tổng đàn gia cầm lớn nhất tỉnh Tiền Giang, khoảng 900.000 con. Hiện nay, người chăn nuôi loay hoay trước áp lực giá thức ăn tăng cao; tiếp tục nuôi thì nguy cơ thua lỗ kéo dài trong khi đó chuồng trại đã đầu tư rất tốn kém. Trước khó khăn của mô hình chăn nuôi gia cầm, các ngành chức năng, các cơ quan hữu quan ở địa phương đang nỗ lực phối hợp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi.
Nguồn:  https://vov.vn/kinh-te/chan-nuoi-gia-cam-o-tien-giang-tien-thoai-luong-nan-post1015547.vov
3.    Giá heo hơi tăng nhẹ, người nuôi vẫn ngại tái đàn: nỗi lo thiếu thịt heo cuối năm
Sau thời gian giảm liên tục, gần đây, giá heo hơi trong cả nước dao động 52.000 – 55.000 đồng/kg, tăng nhẹ 3.000 – 5.000 đồng/kg so với đầu tháng 4/2023. Tuy vậy, nhiều người nuôi heo chia sẻ, họ vẫn chưa muốn tái đàn lúc này vì lo càng nuôi sẽ càng lỗ. Theo đánh giá của các chuyên gia, giá heo hơi tăng thời gian gần đây là do nhu cầu ăn uống, du lịch nhiều của người dân trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5. Tuy nhiên, về lâu dài, do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế nên người dân vẫn có xu hương tiết kiệm chi tiêu. Cùng với đó là lượng công nhân, người lao động mất việc làm, giảm thu nhập dẫn đến các bếp ăn tập thể cũng bị hạn chế nên lượng tiêu thụ thịt heo dự báo sẽ giảm. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc vốn là nơi tiêu thụ thịt heo của Việt Nam thời gian này cũng đang dư thừa nên việc xuất khẩu là không nhiều.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, hiện nay giá heo hơi đã tăng nhưng vẫn chưa đảm bảo mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi vì các chi phí cho đầu tư trang trại, thức ăn chăn nuôi quá lớn. Đó là những lý do khiến người chăn nuôi không mặn mà tái đàn. Tình trạng này cảnh báo nguy cơ khủng hoảng thiếu và giá thịt heo có thể  tăng mạnh từ khoảng tháng 8 đến hết năm 2023. Để ổn định thị trường, chuyên gia kinh tế PGS- TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, các cơ quan chức năng cần có giải pháp giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi như giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ cho vay vốn tín dụng để người chăn nuôi tái đàn.
Nguồn: https://vtc.vn/gia-heo-hoi-tang-nhe-nguoi-nuoi-van-ngai-tai-dan-lo-thieu-thit-heo-cuoi-nam-ar767714.html

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1.    Thị phần xuất khẩu sang Mỹ của Trung Quốc sụt giảm
Năm 2022, Trung Quốc đại lục và Hồng Kông chiếm tổng cộng 50,7% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sản xuất của Mỹ từ 14 quốc gia, vùng lãnh thổ và khu vực LCC châu Á (gọi tắt là nhóm LLC châu Á), bao gồm Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore, Campuchia, Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka. Tỷ lệ này thấp hơn so với 53,5% vào năm 2021 và tiếp tục xu hướng giảm bắt đầu từ năm 2013, theo báo cáo thường niên Reshoring Index của hãng tư vấn quản lý Kearney. Theo báo cáo, thị phần của Trung Quốc tiếp tục giảm mặc dù nhập khẩu hàng hóa sản xuất của Mỹ từ nhóm LCC châu Á tăng 11% trong năm ngoái, lên hơn 1.000 tỉ đô la. Thị phần xuất khẩu của Trung Quốc đại lục và Hồng Kông sang Mỹ trong nhóm này giảm chủ yếu do Mỹ tăng nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ, Đài Loan và Thái Lan.
Đã có sự dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, với nhiều công ty đa quốc gia sắp xếp lại chuỗi cung ứng của họ để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc do lo ngại rủi ro trong các lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, thuế quan, căng thẳng địa chính trị và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, báo cáo của Kearney cho biết. Báo cáo cũng chỉ ra rằng các hãng điện tử tiêu dùng như Apple và Samsung Electronics đã chuyển bớt hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, đồng thời mở rộng sang Việt Nam và gần đây nhất là Ấn Độ để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ. Xu hướng tương tự cũng diễn ra trong ngành dệt may khi báo cáo của Kearney nêu rõ rằng chi phí lao động ngày càng tăng, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và các mối lo ngại xã hội đã đẩy nhanh quá trình dịch chuyển của ngành sản xuất ra khỏi Trung Quốc đại lục và Hồng Kông để đến các LCC châu Á khác.
Theo báo cáo, một số công ty đa quốc gia, đặc biệt là những công ty đang tìm cách tiết kiệm chi phí hậu cần và vận chuyển cho các sản phẩm tiêu dùng lớn hơn, cồng kềnh hơn, có mật độ giá trị tương đối thấp (không đòi hỏi nhiều quy trình gia tăng giá trị), đang được đa dạng hóa hoàn toàn khỏi châu Á và chuyển về Mexico và Mỹ. Hãng tư vấn quản lý Kearney ghi nhận việc đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ ngày càng trở nên quan trọng đối với các công ty đa quốc gia, đồng thời cho biết thêm rằng hơn 80% công ty được khảo sát trong hầu hết các ngành công nghiệp cho biết họ có kế hoạch chuyển ít nhất một phần hoạt động sản xuất trở về Mỹ trong ba năm tới. Một số công ty này hoạt động trong các ngành công nghiệp xe điện và chip, đang được hưởng lợi từ Đạo luật Giảm lạm phát và Đạo luật CHIPS của Mỹ.
Nguồn:  https://thesaigontimes.vn/thi-phan-xuat-khau-sang-my-cua-trung-quoc-sut-giam/
2.    Trung Quốc ồ ạt thu mua rau quả, nhiều mặt hàng có cơ hội đạt tỷ USD
Trong khi hầu hết mặt hàng chủ lực của Việt Nam đều có dấu hiệu suy giảm mạnh, xuất khẩu rau quả đang có sự đảo chiều ngoạn mục.  Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group – cho biết, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp liên tục đầy ắp đơn đặt hàng xuất khẩu trái cây. Tại thị trường Mỹ, hiện đơn hàng của doanh nghiệp tăng khoảng 20% so với cùng kỳ. Trong khi đó, đơn hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu vẫn duy trì đều đặn. Còn thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp đã ký với đối tác xuất khẩu 1.500 container sầu riêng . “Trong mấy tháng qua, doanh nghiệp tất bật chuẩn bị hàng, không có thời gian nghỉ. Dù nhiều dự báo trước đó nói về vấn đề lạm phát, nhu cầu tiêu dùng tại nhiều thị trường sụt giảm, nhưng với thị trường rau quả, không khí lại khác hẳn”, ông Tùng chia sẻ.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) đánh giá, hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam đang lấy lại phong độ ấn tượng ngoài mong đợi. Hiện giá một số mặt hàng như sầu riêng, thanh long, bưởi… tăng rất mạnh, giúp thị trường trái cây của Việt Nam sôi động hẳn. Nhiều cửa khẩu giữa Việt Nam – Trung Quốc phải mở rộng giờ hoạt động đến 22 giờ mỗi ngày để tiếp nhận các xe hàng. Điều này cho thấy sức hút từ thị trường Trung Quốc đang rất lớn sau 3 năm suy giảm do ảnh hưởng của dịch COVID.  Ông Nguyên cho rằng, cùng với các sản phẩm mít, chuối và thanh long…chỉ riêng thị trường Trung Quốc, xuất khẩu rau quả năm nay có thể đạt ít nhất là 2,5 tỷ USD, chiếm 62,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. “Trong quý 2, xuất khẩu rau quả có thể tăng 10%, thậm chí cao hơn. Năm 2023 ngành rau quả có thể sẽ đạt 4 tỷ USD , tăng 20% so với năm ngoái. Phần tăng thêm này hoàn toàn khả thi nếu xuất khẩu sầu riêng đạt mục tiêu trên 1 tỷ USD”, ông Nguyên dự báo.
Nguồn: https://tienphong.vn/trung-quoc-o-at-thu-mua-rau-qua-nhieu-mat-hang-co-co-hoi-dat-ty-usd-post1528625.tpo
3.    Philippines là khách hàng lớn nhất của gạo Việt
Chỉ trong quý đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 1,85 triệu tấn, thu về hơn 981 triệu USD, tăng 23,4% về lượng và tăng 34,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm ước đạt 531 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022 – mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Trong quý I/2023, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc giúp thu về 199 triệu USD, tăng 119% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ gạo Việt lớn thứ hai trong quý I/2023. Philippines vẫn là khách hàng lớn nhất của gạo Việt xuất khẩu. Quý I/2023, xuất khẩu gạo sang Philippines đạt 450,4 triệu USD, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 45,8% tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Mới đây, Fitch Solutions dự đoán thị trường gạo toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhất trong 20 năm qua vào năm 2023. Dự đoán thị trường gạo toàn cầu sẽ thiếu hụt 8,7 triệu tấn trong niên vụ 2022 -2023, mức cao nhất kể từ niên vụ 2003 -2004, khi lượng thiếu hụt ở mức 18,6 triệu tấn. Dự báo trên sẽ khiến thị trường lúa gạo thế giới càng trở nên sôi động. Chuyên gia trong ngành nhận định, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tiếp tục thuận lợi. Trong ngắn hạn, giá gạo sẽ ở mức tốt do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới. Thêm vào đó, thông tin Indonesia sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm nay khiến giá gạo xuất khẩu 5% tấm liên tục tăng.
Nguồn:  https://vtv.vn/kinh-te/philippines-la-khach-hang-lon-nhat-cua-gao-viet-20230425092225228.htm

BSA Media