Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực
1. Chợ mạng nhộn nhịp khuyến mãi, giảm giá bánh trung thu
Khoảng một tháng nữa là đến tết Trung thu nhưng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee, Tiki, Lazada, Sendo, TikTok… bánh trung thu đã được chào bán từ khá sớm với mức giảm lên đến 50%. Với mức giảm này, so với các cửa hàng truyền thống, giá bán online đang khá cạnh tranh.
Thống kê của nền tảng số liệu thị trường Metric cho thấy, chỉ riêng đối với mặt hàng bánh trung thu, tính trên 5 sàn TMĐT phổ biến gồm Tiki, Sendo, TikTok Shop, Shopee và Lazada có hơn 600 gian hàng (shop) phát sinh đơn hàng bánh trên các sàn này. Tính từ ngày 1-7 đến 27-8, bánh trung thu và nguyên liệu làm bánh trung thu đã thu về cho các sàn TMĐT nói trên 10,54 tỉ đồng với 154.000 sản phẩm bán ra thành công. Mặc dù vậy so với cùng kỳ năm ngoái thì mức doanh thu giảm 58% (không bao gồm TikTok Shop do chưa có dữ liệu vào thời điểm đó).
Nguồn: https://plo.vn/cho-mang-nhon-nhip-khuyen-mai-giam-gia-banh-trung-thu-post749586.html
2. Phát hiện nhiều vụ nhập lậu bánh trung thu số lượng lớn
Theo báo cáo của Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội vừa phối hợp với Công an quận Hai Bà Trưng kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại số 934 Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) và phát hiện một lượng lớn bánh Trung thu nhập lậu. Tại thời điểm kiểm tra lực lượng chức năng đã phát hiện 960 chiếc bánh Trung thu nhân trứng chảy (tên MX Lava Custard Mooncake) do nước ngoài sản xuất nghi nhập lậu. Chủ sở hữu hàng hóa không xuất trình hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số bánh Trung thu này.
Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 24 và Công an huyện Hoài Đức đã kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh chế biến nông sản Gia Hưng (địa chỉ 179 thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức) và phát hiện 4.000 sản phẩm thực phẩm có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu, trong đó 1.960 chiếc bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất. Xác định đây là hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu, Đội Quản lý thị trường số 24 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Nguồn: https://tienphong.vn/phat-hien-nhieu-vu-nhap-lau-banh-trung-thu-so-luong-lon-post1565998.tpo
Nhóm tin về ngành du lịch
1. Ngành du lịch ‘thất thu’ dịp 2/9
Trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh (từ 1-4/9), ngành du lịch chỉ phục vụ khoảng 2,5 triệu lượt khách. Lượng khách giảm so với cùng kỳ năm 2022. Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 55%, giảm 5% so với kỳ nghỉ lễ năm 2022, riêng hai ngày 1/9 và 2/9 công suất đạt trên 60%. Hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM dẫn đầu về lượng khách trong 4 ngày nghỉ lễ.
Tình hình du lịch dịp 2/9 không bùng nổ sớm được các chuyên gia và nhiều công ty du lịch dự đoán. Xu hướng nghỉ lễ tiết kiệm, ngắn ngày được ghi nhận ở hầu hết địa phương trong cả nước. Lãnh đạo Cục du lịch quốc gia Việt Nam nhận định, tổng thu từ du lịch giảm do xu hướng du lịch của khách năm nay là thắt chặt chi tiêu, sức mua thấp, cắt giảm chi phí phương tiện công cộng. Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp cũng là nguyên nhân khiến du khách dè dặt.
Nguồn: https://tienphong.vn/ram-ro-len-day-cot-vi-sao-du-lich-van-that-thu-dip-29-post1566417.tpo
2. Mở cửa visa và 3 ‘mũi tiến công’ của ngành du lịch
Với các chính sách thị thực mới như nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, nâng thời hạn tạm trú đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày, ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là việc tổ chức các chương trình du lịch dài ngày. Theo bà Trần Phương Linh, Giám đốc Tiếp thị – Công nghệ Thông tin BenThanh Tourist, chính sách visa mới không chỉ giúp doanh nghiệp dễ dàng tổ chức tour dài ngày mà còn tổ chức các sản phẩm có chiều sâu hơn với nhiều đến mới và các trải nghiệm văn hóa địa phương hấp dẫn cho du khách. Bằng cách này, du lịch có thể níu chân du khách quốc tế ở Việt Nam lâu hơn và đi tới nhiều tỉnh, thành hơn.
Bà Nguyễn Hoàng Oanh – Giám đốc công ty du lịch Top Travel dự báo chính sách visa thông thoáng không chỉ thúc đẩy lượng khách du lịch thuần túy tới Việt Nam mà còn thu hút thêm nhiều đối tượng khách du lịch kết hợp công tác, đầu tư. Đặc biệt là việc cấp thị thực điện tử và quy trình tại sân bay được chuẩn hóa sẽ giúp du khách từ mọi quốc gia đến Việt Nam dễ dàng hơn. Trước mắt, thị thực điện tử cần thuận tiện và đơn giản nhất, khi đó e-visa sẽ được quảng bá như một lợi thế của du lịch Việt Nam.
Nguồn: https://vov.vn/du-lich/mo-cua-visa-va-3-mui-tien-cong-cua-nganh-du-lich-post1043373.vov
Nhóm tin về ngành dịch vụ
1. Gojek bắt tay Selex Motors thử nghiệm chở khách, giao hàng bằng xe máy điện
Gojek vừa công bố hợp tác với Selex Motors, hãng khởi nghiệp trong lĩnh vực xe máy điện tại Việt Nam, triển khai thí điểm sử dụng xe máy diện Selex Motors trong các dịch vụ vận chuyển hành khách, giao đồ ăn, và dịch vụ giao hàng của Gojek tại Việt Nam. Từ 6/9, người dùng Gojek đã có thể trải nghiệm dịch vụ GoRide, GoFood và GoSend với dòng xe máy điện Selex Camel.
Với dự án hợp tác này, các đối tác tài xế Gojek sẽ có cơ hội sử dụng xe máy điện Selex Camel khi thực hiện các đơn hàng GoRide, GoFood và GoSend trên nền tảng ứng dụng Gojek. Theo côgn bố của các bên, xe máy điện Selex Camel có thể giúp tiết kiệm lên đến 35% chi phí nhiên liệu và 50% chi phí bảo trì so với xe máy xăng truyền thống. Như vậy, cuộc đua “điện hóa” các phương tiện phục vụ dịch vụ gọi xe công nghệ tại Việt Nam đã bắt đầu nóng lên với sự tham gia của những cái tên lớn trên thị trường.
Nguồn: https://markettimes.vn/dau-voi-sm-bike-cua-ong-pham-nhat-vuong-gojek-bat-tay-selex-motors-thu-nghiem-cho-khach-giao-hang-bang-xe-may-dien-39579.html
Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử
1. Mua sắm trực tuyến lên ngôi, các ‘đại gia’ bán lẻ Trung Quốc tăng tốc thu hẹp điểm bán
Mặc dù lệnh phong tỏa do COVID-19 đã được gỡ bỏ, nhưng người dân Trung Quốc vẫn giữ nguyên thói quen mua sắm trực tuyến thời đại dịch. Các hãng bán lẻ lớn của Trung Quốc đang đóng cửa các cửa hàng với nhịp độ nhanh do không thể thu hút những khách hàng đã chuyển sang mua sắm trực tuyến. Không chỉ có các công ty bán lẻ, mà cả các chuỗi siêu thị cũng đang gặp khó khăn.
Mua sắm trực tuyến đã tạo ra một môi trường bán lẻ đầy cạnh tranh. Theo Cục Thống kê Quốc gia, doanh số bán lẻ trực tuyến chiếm khoảng 27% doanh số bán lẻ hàng hóa của Trung Quốc trong năm 2022, tăng gần 9 điểm phần trăm so với năm 2018. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ gặp khó khăn khi cố gắng cạnh tranh với những gã khổng lồ như Alibaba, đặc biệt là về việc nhận diện thương hiệu và đa dạng sản phẩm.
Nguồn: https://viettimes.vn/mua-sam-truc-tuyen-len-ngoi-cac-dai-gia-ban-le-trung-quoc-tang-toc-thu-hep-diem-ban-post169702.html
2. Mua sắm online phát triển tạo ‘sàn diễn’ cho người sáng tạo nội dung
Các “ông lớn” trong lĩnh vực thương mại điện tử xuất hiện ở Việt Nam như Shopee, Lazada, Tiki, gần đây nhất là Tiktok Shop… đã đưa nhiều nhà bán hàng nhỏ lẻ, doanh nghiệp gia nhập vào thị trường này. Quá trình đó tạo nên xu hướng công việc mới như làm nội dung số, truyền thông, giới thiệu trải nghiệm sản phẩm, quảng cáo đến người chưa biết nhằm kích cầu tiêu dùng, tiếp thị mặt hàng và ra đơn qua mạng.
ông Tuấn Anh, Co-founder của EcomTik, một nền tảng chuyên về phân tích và tìm kiếm những người sáng tạo nội dung trong lĩnh vực giới thiệu, review sản phẩm (KOC), những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, người nổi tiếng (KOL), cho hay trên ứng dụng TikTok hiện nay có khoảng 150.000 KOL, KOC hoạt động thường xuyên tạo doanh thu cho nhãn hàng. Trung bình, có hơn 30 triệu nội dung được sản xuất từ những người làm công việc này, đồng thời có khoảng 300.000 chương trình mà các thương hiệu “bắt tay” cùng họ làm tiếp thị liên kết, quảng cáo sản phẩm.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/mua-sam-online-phat-trien-tao-san-dien-cho-nguoi-sang-tao-noi-dung/
3. Hơn 100 doanh nghiệp tham gia kết nối giao thương tại Hội chợ vùng Đông Nam Bộ – Bình Dương
Ngày 6/9, Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối cung – cầu hàng hóa và Hội chợ Công Thương vùng Đông Nam Bộ – Bình Dương năm 2023 tại Trung tâm triển lãm WTC Expo thành phố mới Bình Dương. Hội nghị đã thu hút hơn 100 doanh nghiệp tham gia với hơn 300 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng về hàng công nghiệp; tiểu thủ công nghiệp; nông sản; nông sản chế biến đạt tiêu chuẩn OCOP; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản phẩm trà và cà phê các loại; sản phẩm đặc trưng của các vùng, miền các tỉnh, thành trong và ngoài khu vực.
Trong khuôn khổ sự kiện cũng sẽ diễn ra các hội thảo chuyên đề như: Hội thảo về chuyển đổi số, nâng cao năng lực doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử quốc tế; hội nghị kết nối nhà bán hàng và sàn thương mại điện tử; hội nghị tập huấn nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước… Hội nghị kết nối cung – cầu hàng hóa và Hội chợ Công Thương vùng Đông Nam bộ – Bình Dương năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 5/9 đến ngày 10/9/2023.
Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/hon-100-doanh-nghiep-tham-gia-ket-noi-giao-thuong-tai-hoi-cho-vung-dong-nam-bo-binh-duong-110297.htm
Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp
-
Sự kiện khuyến mãi hàng hiệu tại TP HCM
Khuyến mãi hàng hiệu – Flash Sale holiday là sự kiện khuyến mãi hàng hiệu quy mô lớn lần đầu tiên do Sở Công Thương TP HCM tổ chức sẽ diễn ra trong 3 ngày cuối tuần này, từ ngày 8 đến ngày 10-9 tại Khách sạn Tân Sơn Nhất Pavilion. Sự kiện hội tụ hơn 120 thương hiệu lớn và nổi bật như: GUCCI, DIOR, CHANEL, VERSACE, CALVIN KLEIN, NARCISO RODRIGUEZ, CHLOE, YVES SAINT LAUREN, DOLCE & GABBANA, LANCOME, ADIDAS, MOSCHINO, GIO ARMANI,… thuộc các ngành hàng như: thời trang, túi xách, vali, giày dép, mỹ phẩm, nước hoa, đồng hồ, trang sức, phụ kiện… cùng tham gia chương trình khuyến mãi, giảm giá lên đến 90%.
Qua kinh nghiệm tổ chức lần này, Sở Công Thương sẽ lắng nghe nhu cầu của doanh nghiệp, cùng nhau trao đổi để điều chỉnh kế hoạch tổ chức cho các lần tiếp theo; nhất là sẽ tính toán lại thời điểm tổ chức cho phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp kinh doanh hàng hiệu và sẽ vận động các doanh nghiệp kinh doanh hàng hiệu tại các cửa hàng, trung tâm thương mại và kể cả các sàn thương mại điện tử có kinh doanh hàng hiệu cùng tham gia. Sở cũng sẽ kết hợp chặt chẽ với các với Chương trình kích cầu du lịch của Sở Du lịch như Hội chợ quốc tế về Du lịch (ITE), qua đó hiệu ứng lan tỏa, góp phần thu hút khách du lịch, người tiêu dùng trong và ngoài nước đến tham quan mua sắm.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/gucci-dior-chanel-versace-giam-gia-toi-90-tai-tp-hcm-tu-ngay-8-10-20230905153145721.htm
-
Ngành dệt may muốn phát triển bền vững phải đầu tư sản xuất xanh
Hiện nay, Việt Nam ký các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đều có các quy tắc, cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp, điều này bắt buộc các doanh nghiệp phải triển khai bằng việc đầu tư công nghệ sản xuất, tự động hóa, xây dựng môi trường làm việc an toàn cho người lao động, giúp tăng tính cạnh tranh đối với khách hàng và người tiêu dùng.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, để đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu, ngành dệt may Việt Nam buộc phải đầu tư theo sản xuất xanh. Mặt khác, việc xanh hóa dệt may là xu thế tất yếu, bắt buộc doanh nghiệp phải triển khai nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Nguồn: https://baotintuc.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/nganh-det-may-muon-phat-trien-ben-vung-phai-dau-tu-san-xuat-xanh-20230906183848614.htm
Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ
1. Cơn sốt đầu tư AI đối mặt cuộc sát hạch thực tế
Sau khi chạy đua rót tiền vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh, các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp (startup) và nhà đầu tư mạo hiểm đang nhận ra rằng việc phát triển và vận hành thành công các công cụ chatbot AI như ChatGPT của OpenAI khó hơn tưởng tượng. Theo dữ liệu từ nền tảng phân tích Sameweb, số lượng khách truy cập trực tuyến hàng tháng vào ChatGPT đã giảm 10% trong cả tháng 6 và tháng 7 sau nhiều tháng tăng trưởng. Dữ liệu cũng cho thấy, tính đến tháng 7 vừa qua, số lượt truy cập hàng tháng của Midjourney, một công cụ AI có thể tạo hình ảnh từ những mô tả của người dùng đã giảm trong ba tháng liên tiếp. Trong khi đó, mức tăng trưởng người dùng của Synthesia, một công cụ AI tạo văn bản thành video, từng huy động được 90 triệu đô là vào tháng 6, đã không thay đổi hoặc sụt giảm trong sáu tháng qua.
Các nhà đầu tư mạo hiểm vẫn chưa chắc chắn về mô hình kinh doanh thành công đối với một startup xây dựng các sản phẩm mới dựa trên công nghệ AI. Nhiều startup non trẻ chưa chứng minh được việc có thể giữ chân người dùng và phát triển những sản phẩm mà các công ty công nghệ hiện tại không thể dễ dàng bắt chước. Việc đào tạo các mô hình AI tiên tiến có thể khiến các công ty tiêu tốn hàng tỉ đô la do cần thu thập và phân tích khối lượng lớn dữ liệu. Các nhà đầu tư đã trở nên do dự hơn trong việc cấp vốn cho những doanh nghiệp như vậy khi con đường dẫn đến lợi nhuận không chắc chắn và sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ có tiềm lực tài chính dồi dào như Google của Alphabet và OpenAI, được Microsoft hậu thuẫn.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/con-sot-dau-tu-ai-doi-mat-cuoc-sat-hach-thuc-te/
2. Tập đoàn Ấn Độ đàm phán cấp phép công nghệ với công ty Trung Quốc để tự sản xuất xe điện
Ngày 31/8, Reuters dẫn các nguồn tin cho biết, tập đoàn sản xuất thép và năng lượng của Ấn Độ JSW hiện đang tiến hành các cuộc thảo luận đầu tiên với với nhà sản xuất xe điện Leapmotor của Trung Quốc để được cấp phép công nghệ chế tạo xe điện ở Ấn Độ. Theo thỏa thuận cấp phép công nghệ, JSW sẽ sử dụng nền tảng xe điện của Leapmotor, nền tảng cấu trúc hệ thống truyền động và nguồn năng lượng của xe điện được chế tạo, để sản xuất xe điện ở Ấn Độ dưới thương hiệu của công ty, trong một nỗ lực thứ hai của doanh nghiệp nhằm tiếp cận lĩnh vực kinh doanh các phương tiện giao thông năng lượng mới đang phát triển.
Một nguồn tin cho biết, thỏa thuận với JSW sẽ là cơ hội để Leapmotor hợp tác với tập đoàn và tiếp cận thị trường Ấn Độ, trong bối cảnh các công ty Trung Quốc đối mặt với những khó khăn khi cố gắng thiết lập cơ sở sản xuất tại quốc gia này sau khi New Delhi thắt chặt những quy định đầu tư nước ngoài từ nước láng giềng.
Nguồn: https://viettimes.vn/tap-doan-an-do-dam-phan-cap-phep-cong-nghe-voi-cong-ty-trung-quoc-de-tu-san-xuat-xe-dien-post169649.html
3. Xe hơi Đức bị các hãng Trung Quốc chiếm sóng ngay tại triển lãm ô tô Munich
Tờ New York Times (NYT) cho hay trong suốt nhiều thập niên, cụm từ “Made in Germany” đã là một biểu tượng cho ngành ô tô, tự động và thiết kế xe hơi. Thế nhưng giờ đây các thương hiệu xe Đức đang bị tụt hậu lại phía sau trong cuộc đua ô tô điện và bị qua mặt bởi một cái tên hoàn toàn mới trong ngành: Trung Quốc. Thậm chí mới đây, sự kiện triển lãm ô tô IAA Mobility tại Munich từng được coi là nơi khoe khoang niềm tự hào của nước Đức thì nay lại trở thành sân khấu độc diễn của các hãng xe Trung Quốc. Theo NYT, hầu như mọi con mắt đều đổ dồn về BYD, thương hiệu ô tô vượt qua Volkwagen của Đức để trở thành hãng xe bán chạy nhất Trung Quốc.
Tờ Süddeutsche Zeitung cho hay bình quân mỗi năm, Trung Quốc có thể sản xuất đến 40 triệu chiếc xe điện, cao hơn 15 triệu so với nhu cầu nội địa và lớn hơn rất nhiều so với quy mô thị trường ô tô Châu Âu. Nhờ đó, những chiếc xe giá rẻ của Trung Quốc hoàn toàn có khả năng tràn ngập thị trường này và đè bẹp các đối thủ địa phương. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang là nước kiểm soát đến 90% nguồn cung ắc quy cho xe điện của thế giới với những tập đoàn khổng lồ như CATL hay Gotion. Do đó, nếu những thương hiệu như BYD có thể xây dựng được các dòng sản phẩm cả rẻ tiền lẫn hạng sang thì những hãng ô tô Đức sẽ chẳng còn lợi thế cạnh tranh gì ngoài tiếng tăm lâu đời và trông chờ vào các rào cản thương mại của chính phủ.
Nguồn: https://markettimes.vn/thoi-hoang-kim-da-xa-cua-xe-hoi-duc-nguy-co-chi-con-la-cai-ten-vang-bong-1-thoi-bi-cac-hang-trung-quoc-chiem-song-ngay-tai-trien-lam-o-to-munich-39616.html
Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới
1. Trung Quốc mua thành công 7 công ty quan trọng ở Anh và Mỹ thông qua Goldman Sachs
Financial Times mới đây tiết lộ Goldman Sachs đã sử dụng tiền vốn của nhà nước Trung Quốc để mua lại một số công ty công nghệ của Anh và Mỹ, liên quan đến các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và máy bay không người lái mà không tiết lộ nguồn gốc số tiền. Theo đó, Goldman Sachs đã sử dụng “quỹ hợp tác” cổ phần tư nhân được thành lập chung với China Investment Corporation (CIC, Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc) vào năm 2017 để đạt được 7 vụ giao dịch. Vụ việc cho thấy, sau khi phương Tây tăng cường quản chế giám sát, một số ngân hàng đầu tư đã trở thành “găng tay trắng” để giúp Trung Quốc gián tiếp đầu tư vào các ngành công nghiệp trọng điểm ở nước ngoài.
Theo Financial Times, quỹ do Goldman Sachs và CIC đồng sở hữu cũng đã đầu tư vào công ty tư vấn điện toán đám mây Cprime, công ty thử nghiệm thuốc Parexel, công ty khởi nghiệp theo dõi chuỗi cung ứng toàn cầu Project44, tập đoàn công nghệ bán lẻ Aptos, công ty chiếu sáng Visual Comfort & Co và Boyd Corporation, nhà sản xuất hệ thống làm mát máy dùng cho máy bay không người lái có trụ sở tại California.
Nguồn: https://viettimes.vn/trung-quoc-mua-thanh-cong-7-cong-ty-quan-trong-o-anh-va-my-thong-qua-goldman-sachs-post169690.html
2. F88 huy động thành công 50 triệu USD từ quỹ ngoại
Mới đây, CTCP Kinh doanh F88 đã công bố huy động thành công khoản vay nước ngoài mới trị giá 50 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng từ quỹ Lending Ark Asia. Khoản vay trị giá hơn 1.200 tỷ đồng này là khoản vay thứ hai mà F88 nhận được từ quỹ Lending Ark Asia, sau khoản vay đầu tiên cũng có trị giá 50 triệu USD vào tháng 11/2022, hiện tổng mức vay Lending Ark cấp cho F88 lên đến 100 triệu USD.
Ông Phùng Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc F88 cho biết, nguồn vốn huy động trong đợt này sẽ dành vào mở rộng cung cấp dịch vụ tài chính cho nhóm khác hàng dưới chuẩn ngân hàng và tiếp tục nâng cao năng lực tài chính cho tệp khách hàng này. Với nguồn vốn này, F88 đặt mục tiêu mở rộng việc cung cấp các dịch vụ tài chính đạt chuẩn cho tệp khách hàng dưới chuẩn ngân hàng tại Việt Nam.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/chuoi-f88-vay-them-1200-ti-dong-du-lo-nang-trong-nua-dau-nam-20230906121238837.htm
Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi
1. Nóng bỏng mùa sầu riêng Tây Nguyên
Tỉnh Đắk Lắk có gần 22.500 ha sầu riêng, chiếm 26,4% diện tích sầu riêng của cả nước. Hiện sầu riêng Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung đang vào chính vụ. Đây cũng là địa phương hiếm hoi còn sầu riêng tươi để bán nên nhiều vùng trồng ở đây nhộn nhịp kẻ mua, người bán. Ngoài việc tạo thêm nhiều tỉ phú, cơn sốt sầu riêng ở Tây Nguyên cũng kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội.
Với thương hiệu sầu riêng đi đầu của tỉnh, từ đầu năm đến nay, hàng loạt doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tới huyện Krông Pắk đầu tư xây dựng kho xưởng, chế biến phục vụ hoạt động xuất khẩu sầu riêng của huyện cũng như vùng lân cận. Điều đáng nói là nhiều doanh nghiệp ngang nhiên vi phạm các quy định của pháp luật về xây dựng. Bên cạnh đó, Quốc lộ 26 là tuyến giao thông huyết mạch nối Đắk Lắk với Khánh Hòa, mật độ giao thông đông đúc. Với lưu lượng xe container chở sầu riêng tăng đột biến và nhiều kho thu mua sầu riêng vi phạm hành lang an toàn giao thông, tuyến đường này đã thường xuyên bị ách tắc cục bộ, mất an toàn giao thông.
Tình trạng “cò”, bảo kê thu mua sầu riêng cũng đã xuất hiện tại một số địa phương, gây mất an ninh trật tự. Ngoài ra, thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk còn liên tiếp xảy ra các vụ trộm cắp sầu riêng. Tại Đắk Nông, lực lượng công an đã khởi tố ít nhất 2 vụ án với 4 đối tượng trộm cắp hơn 1 tấn sầu riêng.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/nong-bong-mua-sau-rieng-tay-nguyen-20230905215204384.htm
2. Sẽ lập ‘trật tự’ xuất khẩu gạo bằng việc áp giá sàn
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), dù xuất khẩu gạo đang gặp thuận lợi nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, nhưng hoạt động hiện cũng gặp không ít bất cập. Cụ thể, do giá cả biến động tăng quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý chờ giá, hợp đồng liên kết bị phá vỡ, doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện hợp đồng đã ký. Ngoài ra, hiện có trên 200 thương nhân được Bộ Công Thương cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định số 107. Dù đã có quy định cụ thể về chế độ báo cáo nhưng đa số các thương nhân chưa thực hiện đúng chế độ, đặc biệt là tình hình ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và hàng tồn kho ở từng thời điểm.
Trước tình hình sản xuất và thị trường thương mại gạo thế giới trong thời gian tới dự báo chứa đựng nhiều biến động, VFA kiến nghị bổ sung quy định cụ thể cơ chế báo cáo và phân công một cơ quan quản lý về tình hình ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo và hàng hóa lúa gạo tồn kho của thương nhân có đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định 107. Cùng đó, VFA đề nghị bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo hiệu quả cho nông dân sản xuất lúa , đồng thời đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa thương nhân xuất khẩu gạo, đặc biệt giữa thương nhân đã đầu tư cơ sở sản xuất theo Nghị định 109 và thương nhân thuê kho theo Nghị định 107.
Nguồn: https://tienphong.vn/se-lap-trat-tu-xuat-khau-gao-bang-viec-ap-gia-san-post1566325.tpo
3. Dự báo giá ure trong nước sẽ tăng trong quý IV tới
Giá phân ure-chủng loại dẫn dắt thị trường phân bón trong nước đã giảm nhẹ theo giá thế giới và do nhu cầu thấp.Theo khảo sát tại thị trường, với nhu cầu tiêu thụ trong nước hạn chế nên các thương nhân và nhà phân phối dường như không lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung, do đó không xảy ra tình trạng gom hàng.
Tuy nhiên, theo quy luật tiêu thụ phân bón nhiều năm lại đây, nhu cầu phân bón ure sẽ tăng mạnh hơn trong quý IV-thời điểm vụ Đông Xuân nên giá phân ure sẽ có thể sẽ điều chỉnh tăng. Ngoài ra, giá phân ure thế giới được định giá theo biến động của giá dầu khí. Vì vậy, giá ure trong nước đang được nhiều doanh nghiệp dự báo sẽ tăng trong quý IV tới.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/du-bao-gia-ure-trong-nuoc-se-tang-trong-quy-iv-toi-20230906115306372.htm
Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu
1. Xuất khẩu điện tử, máy tính, linh kiện giúp Việt Nam kiếm gần 40 tỷ USD trong 8 tháng
Điện tử, máy tính và linh kiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trong khi nhiều ngành sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đang nỗ lực hồi phục sau dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt trong 8 tháng năm nay, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt 36,2 tỷ USD, chiếm 14,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm nhẹ 1,5% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm thấp nhất trong nhóm các mặt hàng có giá trị xuất khẩu dẫn đầu. Các thị trường xuất khẩu lớn của nhóm hàng này là chủ yếu vẫn là EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc.
Là mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng của mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện có ảnh hưởng khá lớn đến tăng trưởng chung của xuất khẩu cả nước. Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã khiến giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này vượt qua dệt may trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực lớn thứ 2 của Việt Nam. Hồi tháng 5/2023, mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã tiếp tục vượt qua điện thoại và linh kiện để trở thành nhóm hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất (đạt 20.5 tỷ USD, vượt qua điện thoại và linh kiện đạt 20,2 tỷ USD).
Nguồn: https://markettimes.vn/ga-de-trung-vang-giup-viet-nam-kiem-gan-40-ty-usd-trong-8-thang-ca-nam-ngoai-thu-hon-55-ty-usd-39407.html
2. Xuất khẩu thanh long sang thị trường Anh vẫn theo quy định hiện hành
Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, việc xuất khẩu thanh long của Việt Nam sang thị trường Anh vẫn theo quy định hiện hành, chưa có quy định mới. Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các tổ chức, cá nhân kiểm soát chặt chẽ hồ sơ, giấy tờ về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với các lô hàng thanh long trước khi xuất khẩu đảm bảo đúng quy định nhập khẩu của Vương quốc Anh.
Do việc xuất khẩu thanh long của Việt Nam vào Vương quốc Anh vẫn theo quy định hiện hành, chưa có quy định mới nên Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp chặt chẽ để đưa tin chính xác, tránh gây hiểu nhầm làm ảnh hưởng đến uy tín và chất hàng nông sản của Việt Nam.
Nguồn: https://congthuong.vn/xuat-khau-thanh-long-sang-thi-truong-anh-van-theo-quy-dinh-hien-hanh-270732.html
BSA Media