Bản tin thị trường, từ 8-15/6/2023

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực
1.    Máy gắp sầu riêng và tiệc Buffet sầu riêng ở Singapore
Theo Straits Times, Singapore đang bước vào mùa sầu riêng và người dân đi đâu cũng có thể thấy sự hiện diện của loại quả này. Tại khu vực chợ đêm tại Toa Payoh và một số trung tâm thương mại, người chơi có thể thử sức với máy gắp sầu riêng. Dựa trên trò gắp thú bông vốn được nhiều người yêu thích, giờ người chơi sẽ chuyển sang mục tiêu khó hơn là những trái có phần vỏ xù xì, thô ráp. Giá của mỗi lượt chơi là 1 SGD (0,74 USD). Các máy này được lắp đặt từ đầu tháng 6 và người chơi sau khi gắp thành công không được đổi sang quả khác. Alice Goh, đại diện của Play United – hãng sáng tạo các máy gắp sầu riêng, cho biết do sầu riêng tại Singapore đang có giá hợp lý nên công ty nảy ra ý tưởng về chiếc máy gắp loại quả này.
Ngoài máy gắp sầu riêng, các chủ kinh doanh ở đảo quốc sư tử cũng đang tìm cách kiếm lời hoặc quảng bá cửa hàng của mình dựa trên loại trái cây này. Bên ngoài tiệm làm tóc The One Salon ở khu Bedok Central, những quả sầu riêng được chất thành đống, xếp dọc hành lang. Bên trên là tấm biển ghi dòng chữ: mua trái cây được cắt tóc miễn phí. Người chủ Steven Qin cho biết mình đang tặng phiếu cắt tóc cho những người mua sầu riêng chi ít nhất 20 SGD tại gian hàng tạm thời của ông. Người đàn ông hy vọng chương trình khuyến mãi sẽ thu hút khách hàng mới đến cả gian hàng và salon của mình. Trong khi đó, buffet sầu riêng lại cho phép người dân thỏa sức thưởng thức loại trái cây này. Đại diện chuỗi siêu thị Giant, nơi đã tổ chức buffet đầu tiên, cho hay kế hoạch sắp tới sẽ là cung cấp thêm các bữa tiệc tự chọn kéo dài một giờ. Các cửa hàng chuyên bán sầu riêng khác như Zeng Zu Fu và Lexus Durian King cũng đang cung cấp các bữa buffet sầu riêng miễn phí.
Lý giải đằng sau việc sầu riêng rẻ và nhiều ở Singapore là nước này đang nhận được nguồn cung cực lớn từ các nhà vườn tại nước láng giềng Malaysia từ tháng 5. Hiệp hội Nông dân trồng trái cây Kuala Lumpur và Selangor (KLSFFA) nói với Straits Times rằng Malaysia hiện xuất khẩu trung bình hơn 100 tấn sầu riêng tươi sang Singapore mỗi ngày. Nguồn cung khổng lồ đã khiến giá của loại quả này giảm từ 10% đến 20% so với mùa trước. Hiện tại, các loại Musang King loại B và C được bán lẻ với giá 10 SGD/kg hoặc thấp hơn tại một số quầy hàng ở khu vực trung tâm.
Nguồn: https://zingnews.vn/may-gap-sau-rieng-thay-may-gap-thu-bong-o-singapore-post1439125.html
2.    EU nới lỏng quy định an toàn thực phẩm đối với mỳ ăn liền Việt Nam
Ngày 7/6, EU đã đăng công báo sửa đổi Quy định 2019/1973 về các biện pháp khẩn cấp kiểm soát thực phẩm xuất khẩu vào EU. Theo đó, EU đã  chính thức đưa các loại mỳ ăn liền của Việt Nam từ phụ lục II (kiểm soát bằng chứng thư an toàn thực phẩm và kiểm soát tại cửa khẩu) sang phụ lục I với tần suất kiểm tra tại biên giới là 20%. Quyết định này là một sự ghi nhận đối với Bộ Công Thương nước ta trong công tác kiểm soát an toàn thực phẩm cũng như tích cực hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU, Trần Ngọc Quân, việc EU vẫn duy trì kiểm soát tại cửa khẩu với tần suất 20% đòi hỏi Việt Nam luôn phải duy trì tốt công tác kiểm soát an toàn thực phẩm đối với mỳ ăn liền. Nếu trong 6 tháng cuối năm 2023, mỳ ăn liền của Việt Nam xuất khẩu vào EU có nhiều vụ vi phạm quy định an toàn thực phẩm thì lộ trình tiếp theo của EU sẽ là tăng giám sát lên mức 50% tại cửa khẩu và sau đó là đưa quay lại phụ lục II.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/eu-noi-long-quy-dinh-an-toan-thuc-pham-doi-voi-my-an-lien-viet-nam-20230612060538604.htm
3.    Lần đầu xuất khẩu đặc sản cháo bột cá lóc sang Mỹ
Ngày 13-6, tại TP HCM, startup Cà Mèn cùng Công ty CP Quốc tế LNS (LNS International Corporation) đã tổ chức lễ ký kết hợp tác phân phối độc quyền cháo bột cá lóc Quảng Trị và các sản phẩm đóng gói khác của Cà Mèn tại thị trường. Đây là lần đầu tiên, món cháo bột (bánh canh) cá lóc – một món ăn đặc sản Quảng Trị – được xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ với số lượng lớn. Dự kiến, từ nay đến năm 2026, LNS sẽ vận tải qua đường biển và phân phối tại thị trường Mỹ khoảng 5-6 triệu sản phẩm cháo bột cá lóc thương hiệu Cà Mèn. Cà Mèn là dự án khởi nghiệp từ 2015 của nhà sáng lập Nguyễn Đức Nhật Thuận. Đến nay, Cà Mèn đã mang đến cho thực khách hàng triệu bữa ăn ngon, chất lượng, đậm hương vị Quảng Trị như bánh ướt Phương Lang, cháo bột cá lóc, cháo bột vịt, gà bóp rau răm, miến lươn xào…
Bà Nguyễn Thị Kim Huyền (Jolie Nguyễn), Chủ tịch HĐQT kiêm nhà sáng lập LNS, cho biết với thế mạnh là thương mại quốc tế và xuất nhập khẩu, LNS đang từng ngày mở rộng đa dạng phong phú các dòng sản phẩm chất lượng, dinh dưỡng, tiện dùng phù hợp với xu thế tiêu dùng hiện đại để phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước, đặc biệt thị trường mà LNS đặt văn phòng như Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản, New Zealand và Ý. Theo bà Huyền, hợp tác chiến lược giữa Cà Mèn và LNS là một bước ngoặt quan trọng, giúp cho LNS thực hiện sứ mệnh đưa đặc sản Quảng Trị đến gần hơn với người Việt tại Mỹ và các nước.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/lan-dau-xuat-khau-dac-san-chao-bot-ca-loc-quang-tri-sang-my-202306131447293.htm
4.    Livestream bán hàng tươi sống: mở rộng thị trường đi kèm thách thức
Trong nỗ lực xoay xở để thoát khỏi tình cảnh buôn bán ế ẩm, mở rộng nhóm khách hàng mới, nhiều chủ kinh doanh các mặt hàng tươi sống như hải sản, thịt tươi, trái cây tươi… đã linh hoạt vận dụng kênh livestream (phát trực tiếp) cho việc bán hàng. Những mẻ cá tôm tươi sống, những vựa trái cây đầy ắp được ‘trình diễn’ qua màn hình điện thoại và đến tay người tiêu dùng chỉ sau những comment (bình luận). Các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội đang tạo điều kiện cho nhà kinh doanh được bày bán đa dạng mặt hàng, bao gồm cả đồ tươi sống, tương tự như tại các cửa hàng trực tiếp. Với xu hướng này, các chuyên gia bán lẻ nhận định là sự chuyển mình tất yếu khi tiếp cận bán hàng đa kênh.
Đa số chị em nội trợ vẫn mua hàng tươi sống như rau củ, thịt cá ở siêu thị và chợ truyền thống cao hơn vì cho rằng thực phẩm này phải được mình chạm vào, cầm nắm trực tiếp mới tin dùng. Việc logictics cho loại thực phẩm này còn gặp nhiều rào cản vì vấn đề thời gian và khoảng cách, các cơ sở phải có sẵn mạng lưới giao hàng rộng, phổ biến đa dạng điểm bán, hạ tầng tốt thì mới giao nhanh và giao đúng hàng. Hiện hình thức bán online hải sản, đồ tươi sống trong ngày mới phát triển mạnh ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội.
Mặt khác, anh Phùng Thanh Ngọc, tác giả cuốn sách Nhân Chuỗi Cửa Hàng, người sáng lập tổ chức Retail Hub, cho rằng các bên đem mặt hàng lên livestream để tăng độ nhận diện thương hiệu rất hiệu quả, khách hàng có sự tò mò thích thú. Đồng thời người xem có thêm lựa chọn mua hàng khi phát sinh nhu cầu mua sắm ngoài điểm bán. Anh Minh Phan, người sáng lập Siteplus, đơn vị tư vấn và phát triển mặt bằng kinh doanh cho các chuỗi bán lẻ và F&B tại Việt Nam, nhận định chủ kinh doanh nên đầu tư cả hai nền tảng offline và online, để bổ sung cho nhau tạo sự tiện lợi nhất cho khách hàng chứ không nên thiên vị bên nào.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/livestream-ban-hang-tuoi-song-mo-rong-thi-truong-di-kem-thach-thuc/
5.    Đổ xô lên ứng dụng đặt món ăn được Michelin đề xuất
Theo công ty phân tích số liệu mạng xã hội YouNet Media, sự xuất hiện của danh sách 103 nhà hàng do Michelin đề cử thu hút lượng lớn sự quan tâm của người dùng. Chỉ trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tổ chức, sự kiện này đã dẫn đầu lĩnh vực ăn uống và lọt top 3 sự kiện nóng nhất trên mạng xã hội tại Việt Nam. Tổng cộng, lễ công bố đón nhận hơn 31.000 lượt thảo luận với 154.000 lượt tương tác. Sức hút của thương hiệu Michelin khiến lượng khách tìm đến các nhà hàng/quán ăn nằm trong cẩm nang ẩm thực tăng đột biến. Không chỉ đón khách hàng tìm đến thưởng thức trực tiếp, đại diện một số cơ cở còn ghi nhận một lượng lớn nhu cầu đặt món qua các ứng dụng.
Đại diện Grab mới đây thông báo một số quán ăn, nhà hàng đối tác của GrabFood được đề xuất trong cẩm nang Michelin chứng kiến lượng đơn đặt hàng gia tăng, thậm chí tăng mạnh so với thời điểm trước sự kiện. Tương tự, ShopeeFood ghi nhận lượt truy cập bình quân vào các nhà hàng đối tác thuộc danh sách Michelin tăng gấp 3 lần thông thường. Trước sức hút của sự kiện, cả hai ứng dụng đều triển khai tính năng riêng giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm và đặt món tại nhà hàng được đề cử.
Nguồn: https://zingnews.vn/do-xo-len-ung-dung-dat-mon-an-duoc-michelin-de-xuat-post1439585.html
Nhóm tin về ngành du lịch
1.    Thị trường MICE sôi động trở lại tại châu Á
Với nhu cầu về các hoạt động MICE (họp mặt, khen thưởng, hội nghị và triển lãm) tại chỗ đang tăng trở lại sau đại dịch COVID-19, các quốc gia châu Á đang gấp rút dọn dẹp, chỉnh trang các địa điểm tổ chức sự kiện, triển lãm và tăng cường các kế hoạch tiếp thị để chào đón du khách quốc tế một lần nữa. Không khí tiếp thị đặc biệt sôi nổi ở Đông Bắc Á, nơi thành phố Busan của Hàn Quốc đang chạy đua giành quyền đăng cai Hội chợ triển lãm Thế giới 2030 (World Expo 2030), trong khi chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã công bố Khu Văn hóa Tây Cửu Long, trải rộng hơn 40 ha để thu hút cả du khách giải trí và MICE. Tại vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), các cuộc triển lãm quy mô lớn đã diễn ra nhộn nhịp với số lượng người tham gia ngày càng tăng, bao gồm cả sự kiện triển lãm công nghệ Computex 2023 tuần trước, tăng 60% so với phiên bản năm 2019.
Năm 2019, giá trị của ngành công nghiệp MICE của Đài Loan là 15,6 tỷ USD, được tạo ra từ 314.000 khách doanh nhân đã tham gia 291 hội nghị quốc tế và 284 triển lãm tại Đài Loan. Thị trường MICE ở Đài Loan vẫn trong giai đoạn phát triển và chính quyền phải bắt đầu xây dựng các địa điểm ở nhiều thành phố trọng điểm. Ngoài các dự án hiện có ở Đài Bắc và Cao Hùng, còn có các kế hoạch mở các trung tâm triển lãm mới ở Đài Trung ở khu vực trung tâm vào năm tới, tiếp theo là một dự án khác ở Đào Viên. Bà Rosa Liu, Giám đốc Văn phòng Dự án MICE Đài Loan thuộc Bộ Kinh tế, cho biết Đài Loan quyết tâm quảng bá mình như một điểm đến, cho phép thu hút du khách hiệu quả hơn khi họ khám phá các điểm tham quan, trải nghiệm và hoạt động độc đáo ở Đài Loan.
Nguồn: https://bnews.vn/thi-truong-mice-soi-dong-tro-lai-tai-chau-a/294153.html
2.    Hà Nội sẽ đẩy mạnh quảng bá ẩm thực, xây dựng bản đồ ‘Food Tour’
Theo Sở Du lịch Hà Nội, đơn vị sẽ có kế hoạch tăng cường quảng bá hệ thống các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống vừa được tổ chức Michelin gắn sao và vinh danh trong danh sách giới thiệu cho du khách khi đến Hà Nội. Cụ thể vào tối 6/6/2023, tổ chức Michelin đã công bố danh sách những những nhà hàng đạt tiêu chuẩn do Michelin thẩm định. Trong số 103 nhà hàng được Michelin Guide tuyển chọn, Hà Nội có 48 đại diện, gồm 3 nhà hàng được gắn “1 sao Michelin”; 13 nhà hàng nhận giải quán ăn ngon với giá cả phải chăng (Bib Gourmand); 32 nhà hàng thuộc danh sách tuyển chọn Michelin (Michelin Selected) và 1 Giải thưởng Michelin dành cho Đầu bếp trẻ xuất sắc.
Năm nay, với việc Hà Nội có đại diện nhà hàng được gắn sao Michelin – Giải thưởng danh giá trong làng ẩm thực thế giới là tin vui cho ngành Du lịch Thủ đô, là cơ hội tốt để quảng bá rộng rãi ẩm thực Hà Nội ra thế giới, đồng thời cũng là động lực để các nhà hàng, quán ăn chuẩn chỉnh lại phong cách phục vụ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, sáng tạo trong cách chế biến và tạo được không gian đặc trưng để mang lại nhiều trải nghiệm cho khách hàng. Để khai thác, phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực trở thành thế mạnh của Du lịch Thủ đô, trong thời gian tới Sở Du lịch Hà Nội sẽ đẩy mạnh quảng bá hệ thống nhà hàng được gắn sao Michelin bên cạnh những nhà hàng, quán ăn uy tín khác của Hà Nội trong các chương trình tuyên truyền, quảng bá du lịch Hà Nội trên sóng của các kênh truyền thông, các trang mạng xã hội cũng như tại các sự kiện xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch có chủ trương xây dựng “bản đồ foodtour” để du khách có thể tự mình khám phá, trải nghiệm ẩm thực địa phương. Sở sẽ phối hợp với các địa phương phổ biến kiến thức về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ năng giao tiếp, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, đặc biệt tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch để tiếp tục duy trì và nâng cao hình ảnh, chất lượng của du lịch Thủ đô trong thời gian tới.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/ha-noi-se-day-manh-quang-ba-am-thuc-xay-dung-ban-do-food-tour-a611691.html
3.    Các công ty lữ hành thay đổi trước xu hướng mới
Xu hướng tự đi du lịch của du khách trong nước ngày càng tăng đã đặt các công ty lữ hành trước áp lực phải thay đổi dịch vụ, sản phẩm để bắt kịp với sự thay đổi. Một điều đặc biệt trong hè năm nay là bên cạnh những chương trình tour trọn gói truyền thống, đã có những công ty tạo ra mảng sản phẩm theo yêu cầu, trong đó có dịch vụ đặt phòng khách sạn/khu nghỉ dưỡng, vé máy bay và các dịch vụ lẻ tại điểm đến. Gói sản phẩm này nhắm vào những người muốn tự đi du lịch – phân khúc khách hàng đang tăng trưởng nhanh. Ở một số công ty, sự tăng trưởng nhanh chóng của phân khúc này đã làm cho mảng tour trọn gói dành cho khách lẻ khó làm ăn hơn.
Các số liệu nghiên cứu thị trường, trong đó có số liệu từ The Outbox Company cho thấy xu hướng du lịch đã thay đổi như những nhận định trên. Theo đó, hồi trước dịch Covid-19, có 63% khách Việt Nam được hỏi chọn hình thức đi tour trọn gói, chỉ có 37% lựa chọn du lịch tự túc. Vào năm 2021, sau thời điểm dịch được kiểm soát, số người chọn tour trọn gói là 8%, du lịch tự túc là 92%. Năm 2022, tỷ lệ chọn du lịch tự túc là 90% và giảm còn 79% trong quí 1 năm nay.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/lu-hanh-thay-doi/
4.    Chính thức đề xuất tăng trần giá vé máy bay nội địa
Bộ Giao thông vận tải đề xuất tăng khung trần giá vé máy bay nội địa với một số nhóm cự ly đường bay dài từ 500 km trở lên, với mức tăng cao nhất thêm 250.000 đồng/chiều so với giá trần hiện hành. Trước đó, báo cáo với Ban chỉ đạo điều hành giá, Bộ GTVT đã trình phương án tăng trần giá vé máy bay nội địa. Dự kiến quy định mới về trần giá vé máy bay sẽ được ban hành trong quý III năm nay.
Bộ GTVT cho rằng, trong chi phí của hãng hàng không, trong điều kiện bình thường chi phí nhiên liệu thường chiếm trên 39% tổng chi. Tuy nhiên, tại tháng 12/2022, cùng với biến động tỷ giá ngoại tệ, chi phí nhiên liệu của các hãng tăng hơn 80% so với tháng 9/2015 làm tổng chi phí của hãng hàng không tăng thêm gần 33,5%. Trong khi đó, giá trần vé máy bay đang áp dụng được ban hành từ năm 2015 và sử dụng tới nay. Cơ quan soạn thảo đánh giá, với mức tăng cho đường bay dài, giá vé máy bay một số đường bay sẽ chịu tác động tăng thêm hơn 6% so với giá hiện hành, như các đường bay: Hà Nội – TPHCM; Hà Nội – Phú Quốc; TPHCM – Hải Phòng… Trong khi, một số đường bay ngắn giá vẫn giữ ổn định, như: TPHCM – Đà Lạt, Hà Nội – Vinh, Hà Nội – Điện Biên…
Nguồn: https://tienphong.vn/chinh-thuc-de-xuat-tang-tran-gia-ve-may-bay-noi-dia-post1542168.tpo
Nhóm tin về ngành dịch vụ
1.    Tập đoàn Thái Lan muốn đầu tư phòng khám hạng sang ở Việt Nam
Tập đoàn chăm sóc sức khỏe của Thái Lan Thonburi Healthcare Group (THG) sẽ đầu tư xây dựng 1 phòng khám chăm sóc sức khỏe quy mô tại Việt Nam, theo Bangkok Post. Đây là cú bắt tay của Thonburi với IFF Holdings và Mithmittree Clinic có trụ sở tại Việt Nam. Tanatip Supradit, Giám đốc điều hành của THG, cho biết dự án sẽ tập trung vào những khách hàng quan tâm đến chăm sóc sức khỏe và chống lão hóa. Phòng khám mới dự kiến khai trương tại TP.HCM vào cuối năm nay.
Đầu tư vào Việt Nam nằm trong chiến lược kinh doanh của THG, trước đó, tập đoàn này và Bệnh viện Thonburi Bamrungmuang đã đồng ý cung cấp dịch vụ tư vấn cho Bệnh viện FV TP.HCM. Bà Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch IFF Holdings, cho biết công ty quyết định đầu tư vào phòng khám này vì xu hướng chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng ở Việt Nam và các khu vực khác tại Đông Nam Á. Xu hướng này phát triển kể từ khi kết thúc đại dịch, đặc biệt là khi các nền kinh tế phục hồi. IFF Holdings kỳ vọng phòng khám sẽ cải thiện chất lượng dịch vụ y tế và kiến thức chăm sóc sức khỏe của người Việt Nam để mang lại kết quả sức khỏe tốt hơn cho người dân.
Nguồn: https://zingnews.vn/tap-doan-thai-lan-muon-dau-tu-phong-kham-hang-sang-o-viet-nam-post1439199.html
Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử
1.    Công bố thống kê về doanh thu trung bình mỗi ngày của các thương hiệu nổi bật trong ngành bán lẻ tại Việt Nam
Q&Me mới công bố thống kê về doanh thu trung bình mỗi ngày của các thương hiệu nổi bật trong ngành bán lẻ tại Việt Nam. Số liệu trong báo cáo được tính toán dựa trên doanh thu năm, số lượng cửa hàng tính đến tháng 6/2023 mà Q&Me thực hiện đã cho thấy nhiều thông tin đáng thú vị.
Trong ngành bán lẻ thực phẩm, Q&Me thực hiện so sánh giữa 3 chuỗi Bách Hóa Xanh, Winmart và Winmart+. Theo đó, Bách Hóa Xanh đạt doanh thu năm 2022 hơn 27.000 tỷ đồng với quy mô 1.728 chi nhánh. Như vậy, mỗi siêu thị Bách Hóa Xanh thu về khoảng 44,65 triệu đồng/ngày. Trong khi đó, chỉ với 123 cửa hàng chuỗi siêu thị WinMart đã mang về hơn 209,1 triệu đồng/ngày, gấp 4,68 lần so với Bách Hóa Xanh. Siêu thị nhỏ WinMart+ có 3049 chi nhánh, song doanh thu trên mỗi cửa hàng còn khá hạn chế, chỉ khoảng 18,8 triệu đồng/ngày.
Chuỗi bán lẻ ngành F&B chứng kiến sự cạnh tranh ấn tượng giữa ‘ông kẹ’ Highlands Coffee và tân thành viên của nhà Masan, là Phúc Long Coffee & Tea. Thống kê của Q&Me cho thấy, mặc dù sở hữu chuỗi cửa hàng rộng khắp lên tới 605 chi nhánh khắp toàn quốc – gấp 4,5 lần Phúc Long, song doanh thu trên mỗi cửa tại Highlands lại kém xa đối thủ. Cụ thể, doanh thu trên từng cửa hàng của chuỗi Phúc Long đang cao gấp 2 lần so với Highlands. Mỗi ngày, mỗi cửa hàng Phúc Long thu về 32,9 triệu đồng, so với 16,5 triệu đồng của Highlands.
Tại ngành bán lẻ dược phẩm, cuộc chiến giữa Long Châu (thuộc FPT Retail) và An Khang (thuộc MWG) cũng cam go không kém. Hai chuỗi này đều tích cực mở rộng quy mô vào nửa đầu năm 2022 nhưng sau đó chậm lại do dự báo tình hình kinh tế vĩ mô khó khăn. Theo báo cáo của Q&Me, Long Châu hiện có 937 cửa hàng, trong khi con số này ở An Khang là 500. Doanh thu hàng ngày tại Long Châu cũng áp đảo An Khang lần lượt là 28,2 triệu đồng và 9,4 triệu đồng.
Ở nhóm ngành bán lẻ điện tử – điện lạnh, FPT Retail và MWG là 2 ông lớn được Q&Me đưa lên bàn cân. Hiện chuỗi Thế Giới Di Động đang có 1.190 cửa hàng, nhiều hơn đối thủ FPT Shop chỉ có 786 cửa hàng. Song, doanh thu trên mỗi cửa hàng lại không chênh nhau quá nhiều. Theo đó, Thế Giới Di Động đạt 79,9 triệu đồng/cửa hàng/ngày trong khi FPT Shop đạt hơn 72,8 triệu đồng/cửa hàng/ngày. Với 2284 chi nhánh, trụ cột của MGW – Điện Máy Xanh cũng đóng góp doanh thu 84,6 triệu đồng/cửa hàng/ngày.
Nguồn: https://viettimes.vn/so-gang-phuc-long-coffee-tea-vs-highlands-coffee-long-chau-vs-an-khang-fpt-retail-vs-mwg-post167404.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat
2.    Nhà bán lẻ đồng loạt khởi động lễ hội mua sắm Hè 2023
Ghi nhận tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh từ những ngày đầu tháng 6/2023 đến nay, các nhà bán lẻ đã đồng loạt khởi động lễ hội mua sắm Hè 2023 với nhiều hoạt động giảm giá, khuyến mãi. Đồng thời, các nhà bán lẻ này cũng thực hiện đa dạng chương trình kích cầu tiêu dùng tập trung vào một số nhóm khách hàng tiề̀m năng như gia đình, trẻ em… Tại hệ thống bán lẻ của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đang triển khai chương trình khuyến mãi “Lễ hội mùa hè – Deal xịn quà xinh” từ nay đến ngày 21/6/2023. Chương trình áp dụng cho hơn 200 mặt hàng mỹ phẩm, thời trang… giảm giá ở mức từ 20-30% để phục vụ khách hàng vừa làm đẹp, vừa bảo vệ làn da và sức khỏe trong những chuyến du lịch mùa hè. Còn tại LOTTE Mart cũng chạy chương trình khuyến mãi “Hè sôi động”, mang tới cho khách hàng cơ hội mua sắm nhóm sản phẩm thiết yếu cho gia đình chất lượng, được chọn lựa từ các thương hiệu hàng đầu, cùng sản phẩm nhập khẩu trực tiếp với giá ưu đãi tới 43%.
Trong khi đó, tại những trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị khác trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh như Giaga Mall, Aeon Mall, MM Mega Market, Satramart… cũng thu hút đông đảo người dân và khách hàng đến mua sắm, vui chơi, giải trí với đa dạng hoạt động ưu đãi luân phiên, áp dụng phong phú nhóm ngành hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Những đơn vị bán lẻ này, cũng khai thác triệt để lợi thế cạnh tranh của kênh bán lẻ hiện đại như làm mới khu vui chơi cho trẻ em, khu ẩm thực Việt và món ăn các nước…
Liên quan đến lĩnh vực bán lẻ, báo cáo của Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh trong tháng 5/2023 vừa qua tăng 3,1% so với tháng trước, tăng 10,1% so với tháng 5/2022. Còn cộng dồn 5 tháng đầu năm 2023 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh tăng 6,2% so với cùng kỳ.
Nguồn: https://bnews.vn/nha-ban-le-dong-loat-khoi-dong-le-hoi-mua-sam-he-2023/294291.html
3.    ‘Cuộc chiến’ giá trong ngành hàng công nghệ gây thiệt hại cho khách hàng
“Cuộc chiến” giá hiện nay được khởi đầu bởi nhà bán lẻ lớn nhất thị trường, vốn có thị phần trên 60% vốn luôn duy trì chính sách giá bán lãi gộp cao. Theo giới kinh doanh nhận xét Thế Giới Di Động với sức mạnh độc quyền, thị phần lớn, họ đã ký kết với hầu hết các hãng, nhà phân phối các mẫu sản phẩm độc quyền ở hầu hết các phân khúc giá. Với các sản phẩm này người tiêu dùng sẽ không có lựa chọn nào khác phải mua hàng với giá độc quyền của nhà bán lẻ.
Để thực hiện “cuộc chiến” giá, các nhà bán lẻ phải cắt giảm chi phí vận hành, trong đó rõ ràng nhất là tiến hành cắt giảm nhân sự, cắt giảm giờ công của nhân viên. Điều này dẫn tới chất lượng phục vụ khách hàng giảm không thể duy trì như trước đây nữa. Thêm nữa, các lương thưởng phục vụ cũng bị cắt bỏ để tập trung cho “cuộc chiến” giá. Theo ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS, “cuộc chiến” giá này làm cho toàn bộ các nhà bán lẻ khác gặp khó khăn và dẫn tới sự giảm sút về chất lượng phục vụ của cả thị trường để có thể giảm chi phí. Về lâu dài, cuộc chiến giá dẫn tới toàn bộ các nhà bán lẻ cũng như các hãng, nhà phân phối không còn lợi nhuận để có thể tiếp tục đầu tư nâng cao trải nghiệm cho người tiêu dùng.
Về quy mô lớn hơn, “cuộc chiến” giá dẫn tới lợi nhuận ngành bị mất đi, người lao động trong toàn ngành bị sụt giảm thu nhập góp phần vào việc tiếp tục làm giảm sức mua. Đôi khi, người bán giảm giá để cạnh tranh và cắt bớt chất lượng sản phẩm hay các dịch vụ khác, nhất là dịch vụ hậu mãi để bù vào, làm cho giá trị dành cho khách hàng thấp xuống, dẫn đến mất sức cạnh tranh và mất khách. “Cạnh tranh bằng giảm giá là con dao hai lưỡi và không bao giờ bền vững. Nó có thể làm hại chính doanh nghiệp nếu bị lạm dụng và làm giảm giá trị dành cho khách hàng. Khi cạnh tranh lâu dài về giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các đại lý nói riêng và cả thị trường nói chung.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/cuoc-chien-gia-hang-cong-nghe-gay-thiet-hai-cho-khach-hang-20230611171555141.htm
4.    Máy bán hàng tự động thông minh ‘càn quét’ Trung Quốc và Thái Lan
Máy bán hàng Tao Bin đang rất nổi tiếng tại Thái Lan, với khả năng nhận đơn qua màn hình cảm ứng và chấp nhận thanh toán di động. Tính đến cuối tháng 5, khoảng 6.000 máy đã được lắp đặt tại các nhà ga và khu căn hộ trên khắp Thái Lan, bán 200.000 đồ uống mỗi ngày. Tao Bin phổ biến nhờ vào hàng hóa đa dạng, giá cả hợp lý. Một máy có thể pha chế tới 170 đồ uống khác nhau, với giá chỉ từ 15 baht đến 65 baht (10.000 đồng đến 44.000 đồng), rẻ hơn một nửa so với mua ngoài quán cà phê. Đồng thời, CP All, chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Thái Lan, sẽ giới thiệu máy đồ ăn vặt và hộp cơm trưa tự động tại hơn 10.000 cửa hàng 7-Eleven để tăng cường hiệu quả. Tại Trung Quốc, số lượng máy bán hàng tự động thông minh chấp nhận thanh toán di động như Alipay và WeChatPay, hay thậm chí qua nhận diện gương mặt cũng đang tăng nhanh, chủ yếu tại các nhà ga. Một loại máy của Shanghai Hi-Dolphin Robot Technology chứa robot đằng sau cửa sổ, làm nhiệm vụ chuẩn bị đồ uống. Nó có mặt tại khoảng 30 thành phố Trung Quốc và được xuất khẩu sang 12 nước, trong đó có Mỹ, Anh, Đức và Malaysia.
Thị trường máy bán hàng tự động thông minh tại Đông Nam Á và Trung Quốc đang bùng nổ cùng với đà tăng của thanh toán di động, mua sắm không chạm và chi phí nhân công. Trong 5 năm tính đến năm 2022, máy bán hàng tự động thông minh đã thúc đẩy doanh số máy bán hàng tự động 70% tại Malaysia, 40% tại Trung Quốc và khoảng 10% tại Singapore và Thái Lan, theo hãng nghiên cứu Euromonitor International. Một yếu tố dẫn đến sự phổ biến của máy bán hàng tự động thông minh ở châu Á là tỷ lệ sử dụng thanh toán di động cao. Theo công ty tài chính FIS, 44% thanh toán tại cửa hàng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương là thanh toán di động, cao hơn cả Bắc Mỹ và châu Âu. Yếu tố khác là mức độ an toàn tương đối cao tại châu Á, nên không quá lo việc máy bị đập phá, trộm cắp. Chi phí nhân công tăng đi cùng với thiếu hụt lao động cũng tạo thuận lợi cho máy bán hàng tự động tăng trưởng. Máy không phát sinh chi phí nhân công, cần ít không gian nên phí thuê thấp, hoạt động 24/7, đặc biệt với những nước như Trung Quốc và Thái Lan có tỷ lệ sinh suy giảm và dân số già, nhu cầu tự động hóa ở mức cao.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/may-ban-hang-tu-dong-thong-minh-can-quet-trung-quoc-va-thai-lan-2154283.html
5.    Hàng Thái Lan lại ‘nở nồi’ tại Việt Nam
Từ hơn 10 năm trước, khi các doanh nghiệp (DN)bán lẻ Thái Lan bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam, giới kinh doanh đã từng chứng kiến làn sóng hàng Thái Lan đổ bộ nhiều nơi. Đến nay, khi quan hệ thương mại Việt Nam – Thái Lan được thiết lập ở mức cao hơn, các ông chủ người Thái Lan đã củng cố nền tảng vững chắc ở thị trường Việt, nhiều nhà đầu tư các lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm, công nghiệp… Thái Lan cũng mở rộng hoạt động tại Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán sáp nhập, góp vốn, hàng Thái Lan không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam.
Tại TP HCM, các cửa hàng, siêu thị hàng Thái Lan được trưng bày khá bắt mắt, vẫn giữ được nét riêng của văn hóa Thái Lan. Các siêu thị của người Thái Lan như MM Mega Market, Big C, Tops Marget, GO! cũng dành diện tích ưu tiên cùng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá lẫn chương trình truyền thông quảng bá sản phẩm Thái Lan đến khách hàng Việt Nam. Không chỉ ở các siêu thị lớn, cửa hàng chuyên kinh doanh hàng nhập khẩu Thái Lan mà mỹ phẩm, hàng tiêu dùng (kem đánh răng, sữa tắm, dầu gội, nước giặt, dầu nóng…), thời trang, bánh kẹo, thực phẩm, hàng điện tử xuất xứ từ đất nước chùa vàng còn tràn ra chợ đầu mối, chợ lẻ, tiệm tạp hóa… ở thành thị lẫn nông thôn. Tương tự, các thương hiệu ẩm thực, đồ uống Thái Lan với nét đặc trưng nên luôn thu hút lượng khách hàng ổn định.
Giám đốc kinh doanh một DN chuyên nhập khẩu và phân phối hàng Thái Lan tại Việt Nam cho hay hàng Thái Lan đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng bắt mắt, phù hợp với túi tiền và tiêu chí chất lượng của người Việt Nam. Thêm vào đó, từ nhiều năm nay, người tiêu dùng luôn có thiện cảm với hàng Thái Lan. Ngoài ra, hàng Thái Lan đang có nhiều lợi thế cạnh tranh ở phân khúc cửa hàng chuyên doanh, kênh thương mại điện tử, chợ và cửa hàng tạp hóa truyền thống. Lý do là ở phân khúc này, sản phẩm Thái Lan rất đa dạng, thay đổi nhanh theo thị hiếu tiêu dùng. Bà Wiraka Moodhitaporn, Tổng Lãnh sự Vương quốc Thái Lan tại TP HCM, tin rằng thị trường Việt Nam hứa hẹn sẽ mang lại nhiều đột phá cho các nhà sản xuất hàng tiêu dùng Thái Lan đang hoạt động tại Việt Nam lẫn hàng nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan. Theo bà Wiraka Moodhitaporn, có 70% hàng tiêu dùng Thái Lan đang phân phối tại Việt Nam được nhập khẩu từ Thái, 30% còn lại sản xuất tại Việt Nam.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/hang-thai-lan-lai-no-noi-20230613215541973.htm
6.    TikTok Shop – thế lực 1 năm tuổi đáng sợ của làng TMĐT
Theo tờ Bloomberg, TikTok của ByteDance đang nhắm tới việc tăng gấp 4 lần kích thước mảng kinh doanh thương mại toàn cầu, đạt chỉ tiêu tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) lên 20 tỷ USD trong năm nay. Động lực chính tạo ra tăng trưởng này là nhờ tốc độ tăng trưởng mạnh tại Đông Nam Á. Nếu thành công, con số kể trên sẽ tăng chóng mặt so với mức GMV đạt 4,4 tỷ USD của TikTok Shop vào năm ngoái. TikTok cũng đang đặt cược vào những thị trường như Indonesia – nơi nhiều người có tầm ảnh hưởng bán các sản phẩm từ quần jean tới son môi thông qua các buổi livestream.
TikTok hiện đang tìm cách mở rộng doanh số bán ở Mỹ và châu Âu mặc dù những thị trường này chỉ chiếm một phần nhỏ trong mục tiêu GMV 20 tỷ USD của họ. Startup giá trị nhất thế giới hiện đang nỗ lực tìm cách chiếm miếng bánh lớn hơn của lĩnh vực thương mại điện tử trị giá 17 nghìn tỷ USD khi động lực doanh thu chính – là mảng quảng cáo đang có dấu hiệu chậm lại do nền kinh tế đi xuống. Tuy nhiên, những nỗ lực của TikTok để mở rộng hoạt động thương mại điện tử tại Mỹ hiện đang bị đe doạ bởi những chính trị gia Mỹ khi họ muốn cấm ứng dụng này vì những lo ngại an ninh quốc gia. Tuy nhiên, việc hình thành nên mối quan hệ hợp tác có lời lãi với những nhà bán hàng Mỹ và các thương hiệu ở đây có thể giúp TikTok nhận được đồng minh quan trọng khi họ bắt đầu bảo vệ mình trước toà án.
Trên thực tế, mua sắm trực tuyến chưa trở nên phổ biến ở Mỹ và châu Âu mặc cho những nỗ lực thay đổi thói quen từ Instagram và những ứng dụng khác. Tuy nhiên, TikTok đang dựa vào dự đoán trên thành công họ đã đạt được ở Trung Quốc. TikTok Shop cho phép người dùng mua các mặt hàng khi lướt qua nguồn cấp dữ liệu vô tận gồm các video ngắn và phát trực tiếp trong ứng dụng truyền thông xã hội chính của mình, hy vọng người tiêu dùng sử dụng như một giải pháp thay thế cho Shopee và Amazon.com. Định dạng đó – kết hợp giải trí với mua sắm – đã giúp Douyin giành lấy một phần lớn chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc từ Alibaba và JD.com, đặc biệt là sau khi các quy tắc phong tỏa trong đại dịch khiến mọi người dành nhiều thời gian hơn cho trực tuyến.
Nguồn: https://markettimes.vn/tiktok-shop-the-luc-1-nam-tuoi-dang-so-cua-lang-tmdt-nguoi-dung-bi-cuon-vao-nhung-video-buoi-livestream-vo-tan-lu-luot-roi-bo-shopee-amazon-30874.html
Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp
  1. Startup sản xuất giày thể thao từ bã táo và vật liệu tái chế
Đôi vợ chồng Natalie Chow và Simon Chow thành lập Kibo vào năm 2020 với sứ mệnh giảm thiểu rác thải trong ngành giày dép. Cặp đôi này nghiên cứu thiết kế những đôi giày được làm bằng vật liệu bền vững và mang lại cảm giác thoải mái hơn và có thể mang trong mọi dịp. Tất cả các vật liệu được sử dụng trong các đôi giày thể thao của Kibo đều có nguồn gốc từ Trung Quốc đại lục. Mẫu thiết kế giày đầu tiên của Kibo được làm bằng da tái chế từ những phần da vụn bị loại bỏ ở các nhà máy tiếp tục là sản phẩm bán chạy nhất. Natalie Chow cho biết, chai nhựa tái chế được kết hợp trong lớp lót và dây giày cũng như phần lưới phía trên của giày. Thương hiệu này đang thử nghiệm các vật liệu làm từ thực vật để thay thế cho da thuộc. Hồi giữa năm ngoái, Kibo đã tung ra sản phẩm Apple Kicks, một đôi giày được làm từ bã táo bị ngành công nghiệp đồ uống loại bỏ.
Kibo đã tăng gần gấp đôi doanh số bán hàng trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2023. Doanh số bán hàng tăng một phần là nhờ dịch vụ sản xuất giày theo các yêu cầu cụ thể của khách hàng. Hiện Kibo lên kế hoạch mở rộng sự hiện diện ra ngoài Hồng Kông. Giày Kibo sẽ có mặt tại trung tâm mua sắm 313 Somerset ở Singapore trong tháng này và công ty cũng đã làm việc với các nhà phân phối ở Canada.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/startup-san-xuat-giay-the-thao-tu-ba-tao-va-vat-lieu-tai-che/
  1. FamilyMart và tham vọng bán quần áo
Chuỗi cửa hàng tiện lợi Nhật Bản FamilyMart đang đẩy mạnh việc bán mặt hàng quần áo, theo Nikkei Asia. Doanh thu của hàng hóa may mặc tăng 60% trong năm tài chính 2022 và FamilyMart dự đoán mức tăng trưởng có thể lên đến 40% vào năm 2023. Thương hiệu này bắt đầu chỉ với những đôi tất nhưng giờ đây đã bán cả dép, túi xách và áo khoác ngoài. Việc mở rộng này phù hợp với chiến lược đẩy mạnh kinh doanh hàng tiêu dùng của FamilyMart để mở rộng tệp khách hàng. Cuối tháng 4, FamilyMart đã tung ra quần ngắn unisex, giá 1.990 yên (14 USD), và tiếp theo là xăng đan với giá 2.990 yên vào cuối tháng 5. Bây giờ, họ không còn thiếu bất kỳ món hàng may mặc nào, một số tiệm còn cháy hàng quần short.
Một lãnh đạo của FamilyMart cho rằng thành công của hàng may mặc tại đây một phần là do thiết kế. Các thiết kế đơn giản được tạo ra để phù hợp với mọi lứa tuổi và giới tính, nhưng thương hiệu cũng cung cấp những màu sắc thời trang khác. Công ty cũng sử dụng các vật liệu chất lượng cao với chi phí tương đối thấp, được hưởng lợi từ công ty thương mại Nhật Bản và thế mạnh của công ty mẹ FamilyMart Itochu trong lĩnh vực dệt may. FamilyMart thậm chí còn chuẩn bị các kệ chuyên dụng để trưng bày sản phẩm tốt hơn.
Nguồn: https://zingnews.vn/familymart-va-tham-vong-ban-quan-ao-post1439319.html
Nhóm tin về xu hướng xanh – bền vững
  1. Sản phẩm xanh ‘made in Vietnam’ bứt phá tại thị trường Mỹ
Thành lập từ năm 2002, CTCP Nhựa An Phát Xanh – thành viên của Tập đoàn An Phát Holdings chuyên sản xuất các loại bao bì như túi thực phẩm, túi rác, màng nông nghiệp… Trong vòng 10 năm trở lại đây, khi cuộc khủng hoảng ô nhiễm trắng khiến chính phủ các quốc gia công bố nhiều biện pháp cấm, hạn chế sản phẩm nhựa một lần, xu hướng tiêu dùng xanh lan tỏa khắp toàn cầu, Nhựa An Phát Xanh đã dần chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường mang thương hiệu AnEco. Xác định Hoa Kỳ là thị trường trọng điểm, Nhựa An Phát Xanh đã đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm AnEco tại thị trường này. Nhựa An Phát Xanh cho biết đã chọn thâm nhập thị trường Hoa Kỳ bằng hình thức “xuất khẩu online’ qua sàn TMĐT Amazon, vì đây là kênh bán hàng có tệp khách hàng tiềm năng với hơn 300 triệu người sử dụng, các công cụ bán hàng đa dạng, sẵn có.
Chỉ sau hơn 2 năm có mặt trên sàn TMĐT Amazon, sản phẩm AnEco của Nhựa An Phát Xanh đã có mặt trong danh mục Amazon’s Choice cho ngành hàng túi rác phân hủy sinh học, doanh thu tăng trưởng gấp 20 lần so với thời điểm ra mắt năm 2021. Nhựa An Phát Xanh cho biết mức tổng doanh thu năm 2023 dự kiến sẽ cán mốc triệu đô. Điều đó cho thấy các chiến lược mà Nhựa An Phát Xanh đang triển khai trên Amazon có hiệu quả, thương hiệu sản phẩm xanh của công ty đã bước đầu chinh phục được thị trường Mỹ.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/san-pham-xanh-made-in-vietnam-but-pha-tai-thi-truong-my-2154303.html
  1. Central Retail Việt Nam khởi động chương trình thay thế túi nilon
Hưởng ứng ngày quốc tế không sử dụng túi nilon (3/7) và ngày môi trường thế giới (5/6), Tập đoàn Central Retail Việt Nam – thành viên của Liên Minh các nhà Bán lẻ giảm tiêu thụ túi nilon đã khởi động chương trình “Bring Your Own Shopping Bag – Mang theo túi riêng” tại 10 siêu thị của chuỗi Tops Market. Central Retail mong muốn tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và thói quen của người tiêu dùng khi mua sắm ở kênh bán lẻ hiện đại. Theo đó, khi mua sắm tại 10 siêu thị Tops Market ở TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Cần Thơ vào các ngày thứ Tư trong tuần (bắt đầu từ ngày 7/6), khách hàng sẽ được khuyến khích mang theo túi đựng hàng. Với các khách hàng chưa kịp chuẩn bị, siêu thị sẽ phục vụ cung cấp thùng giấy carton miễn phí ngay tại cửa hàng.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng mang theo túi cá nhân với hóa đơn 500.000 đồng, sẽ được tặng voucher trị giá 20.000 đồng. Đặc biệt, khách hàng mua sắm với hóa đơn từ 350.000 đồng với một sản phẩm bất kỳ của P&G sẽ được tặng 1 túi tái sử dụng nhiều lần. Trong ngày này, khách hàng có thể mua các loại túi tái sử dụng với giá ưu đãi đến 40%. Nhiều sản phẩm tươi sống tại siêu thị được gói bằng lá chuối, giấy kraft,.. thay thế túi nilon và màng bọc thực phẩm. Thông qua chương trình này, Central Retail ước tính sẽ giảm thiểu 32.000 túi nilon tiêu thụ trong một ngày tại hệ thống Tops Market.
Nguồn: https://bnews.vn/central-retail-viet-nam-khoi-dong-chuong-trinh-thay-the-tui-nilon/294696.html
  1. Phê duyệt dự án phát triển thủy sản bền vững trị giá 2.600 tỷ đồng
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Phát triển thủy sản bền vững, ngày 13/6. Cơ quan chủ quản của Dự án là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) và Tổ chức Quốc tế về bảo tồn Thiên nhiên (WWF). Dự án sẽ được thực hiện trong 6 năm, tại 6 tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Bình Định, Khánh Hòa và Kiên Giang, với tổng vốn đầu tư 115,6 triệu USD (tương đương hơn 2.600 tỷ đồng). Trong đó, vốn vay World Bank là 83,6 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của IDH và WWF là 1,61 triệu USD và vốn đối ứng khoảng 30,4 triệu USD. Mục tiêu cụ thể của dự án là đầu tư hạ tầng phục vụ khai thác hải sản gồm xây dựng, nâng cấp các cảng cá thuộc các trung tâm nghề cá lớn, các cảng cá loại I, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp vùng theo hướng hiện đại, đồng bộ. Qua đó, tạo động lực hỗ trợ khai thác hải sản xa bờ, nâng cao hiệu quả khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo và tháo gỡ thẻ vàng của IUU của Ủy ban châu Âu.
Dự án dự kiến được triển khai thành các tiểu dự án nhỏ. Nội dung các hợp phần gồm: Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển thủy sản bền vững; xây dựng mới 2 cảng cá động lực tại các trung tâm nghề cá lớn tại Khánh Hòa và Kiên Giang; nâng cấp, sửa chữa 3 cảng cá loại I và cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), cảng cá Lạch Hới và Lạch Bạng (Thanh Hóa); xây dựng mới cảng cá loại I ở Thụy Tân (Thái Bình) và khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng Tam Quan (Bình Định). Bên cạnh đó, dự án cũng tập trung cho các hạng mục phi công trình như nâng cao năng lực quản lý khai thác hải sản thực hiện chống đánh bắt bất hợp pháp IUU, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống nuôi biển, nuôi tôm thương phẩm; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản; hỗ trợ quản lý, giảm rác thải nhựa trong khai thác, nuôi trồng thủy sản.
Nguồn: https://mekongasean.vn/phe-duyet-du-an-phat-trien-thuy-san-ben-vung-tri-gia-2600-ty-dong-post22917.html
Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ
1.    AI khiến gần 4.000 người Mỹ mất việc làm
Bất chấp những lời cảnh báo về mối nguy mang tên trí tuệ nhân tạo (AI), các công ty đang ngày càng áp dụng công nghệ này để thay thế nhân lực. Một báo cáo được Business Insider tham khảo mới đây cho thấy AI chịu trách nhiệm cho gần 4.000 công việc bị cắt giảm trong tháng 5 tại Mỹ. Báo cáo này đến từ Challenger, Grey & Christmas, một công ty chuyên về tuyển dụng tại Chicago, Mỹ. Cụ thể, các công ty Mỹ đã thông báo cắt giảm 80.809 việc làm trong tháng 5 và 3.900 việc làm trong số đó có liên quan trực tiếp đến việc áp dụng trí tuệ nhân tạo. Con số này cũng tăng 20% so với tháng 4, vốn chỉ có 66.995 việc làm bị cắt giảm. Với lo ngại về một cuộc suy thoái đang đến gần, có thể các công ty đang bắt đầu thay thế nhân sự bằng các công nghệ AI nhằm cắt giảm chi phí và gây ấn tượng với các cổ đông.
Tuy vậy, các tổ chức tại Mĩ dường như đang cố tình phớt lờ tiềm năng của AI trong việc giúp đỡ nhân lực hoàn thành các tác vụ thông thường dễ dàng và nhanh chóng hơn, qua đó tối ưu được hiệu suất công việc khi kết hợp cả con người và AI. Một nghiên cứu mới từ Đại học Stanford và Viện Công nghệ Massachusetts phát hiện rằng 14% người lao động sử dụng ChatGPT nhận thấy nó giúp năng suất công việc tăng lên đáng kể. Ngay cả những người ít kinh nghiệm và ít kỹ năng nhất cũng cho biết AI giúp họ hoàn thành công việc hiệu quả hơn đến 35%.
Nguồn:  https://zingnews.vn/ai-dang-ngay-cang-anh-huong-den-viec-lam-post1438211.html
2.    Các thương hiệu ô tô Mỹ mất dần chỗ đứng tại Trung Quốc
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang khiến các công ty ô tô Mỹ phải chạy đua khi đà phát triển của xe điện đang tăng tốc. Điều đó có thể buộc Ford và GM phải đưa ra một số quyết định khó khăn. Thị phần của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc tại Trung Quốc đã tăng 17% vào năm 2022, trong khi thị phần của các nhà sản xuất ô tô nước ngoài giảm 11%. Theo công ty tư vấn Automobility Ltd., doanh số bán ô tô của GM ở Trung Quốc đã giảm 20% kể từ năm 2021, trong khi của Ford giảm 33,5%. Nhưng điều này có thể là do khả năng của các công ty ô tô Trung Quốc trong việc chế tạo những chiếc ô tô tốt hơn và rẻ hơn, đặc biệt là xe điện, mà người tiêu dùng rất muốn mua vì hợp túi tiền.
Trong khi các công ty Mỹ thua lỗ ở Trung Quốc, vẫn có một điểm sáng. Đại dịch buộc các nhà sản xuất ô tô phải kiếm được nhiều tiền hơn với chi phí ít hơn, bằng cách thay đổi chuỗi cung ứng của họ và tập trung vào những thị trường mà họ kiếm được tỷ suất lợi nhuận cao nhất. GM chủ yếu dẫn đầu về việc thoát khỏi các thị trường thua lỗ, rút khỏi châu Âu vào năm 2017 và sau đó rời khỏi Nga, Ấn Độ và Úc. Công ty vẫn hoạt động ở Trung Quốc nhưng đang phải vật lộn để bảo vệ thị phần của mình. Doanh số bán hàng của GM tại Trung Quốc đã giảm 25% trong quý đầu tiên của năm 2023 sau khi giảm 20% vào năm ngoái.
Giữ vững thị phần ở châu Âu dường như không phải là một kế hoạch dễ dàng cho các công ty ô tô Mỹ. Châu Âu là thị trường mà các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang ráo riết theo đuổi và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Mặc dù hiện tại không có bất kỳ thương hiệu ô tô Trung Quốc nào được bán ở Mỹ, nhưng trong tương lai các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc sẽ có thể thực hiện một cuộc chơi để xâm chiếm thị trường này.
Nguồn: https://vneconomy.vn/automotive/cac-thuong-hieu-o-to-my-mat-dan-cho-dung-tai-trung-quoc.htm
3.    Samsung và kế hoạch soán ngôi TSMC
Trong hơn 3 thập kỷ, Samsung giữ vị trí dẫn đầu trong ngành sản xuất chip bộ nhớ, sản phẩm được dùng để lưu trữ dữ liệu điện tử. Nhưng lúc này, trong bối cảnh lợi nhuận từ sản xuất chip bộ nhớ bắt đầu đi xuống, gã khổng lồ Hàn Quốc đang chuyển hướng sang các sản phẩm chip xử lý tiên tiến nhất, với tham vọng cạnh tranh vị trí dẫn đầu của TSMC, theo Nikkei Asia. Samsung hiện là một trong 3 công ty duy nhất trên thế giới sản xuất dòng chip tiên tiến nhất. Samsung đứng trên Intel và chỉ xếp sau TSMC của Đài Loan. Lúc này, công ty Hàn Quốc đang lên kế hoạch bắt kịp TSMC.
Tháng 10/2022, Samsung công bố lộ trình đầy tham vọng với mục tiêu tăng gấp 3 sản lượng sản xuất chip xử lý tiên tiến. Theo kế hoạch này, tới năm 2025, Samsung sẽ chế tạo chip với kích thước 2 nanometer, và tới năm 2027 sẽ là 1,4 nanometer. Để hoàn thành mục tiêu tham vọng, Samsung đang không tiếc tiền rót vốn vào các nhà máy sản xuất. Tại Taylor, Texas, gã khổng lồ Hàn Quốc đang xây một nhà máy chip bán dẫn trị giá 17 tỷ USD. Cơ sở này hứa hẹn sẽ cho ra lò những sản phẩm chip tiên tiến đầu tiên tại Mỹ từ năm 2024. Tại quê nhà Hàn Quốc, Samsung cũng đang đầu tư nhằm mở rộng quy mô sản xuất. Samsung đã đầu tư 228 tỷ USD vào cụm sản xuất siêu lớn gồm 5 nhà máy. Cụm sản xuất này sẽ đi vào hoạt động đầy đủ từ 2024.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Samsung một phần là kết quả từ cuộc chiến địa chính trị trong ngành chip giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo ông Jon Taylor – phó chủ tịch phụ trách thiết kế chip tại Mỹ của Samsung, đạo luật Chips và Khoa học giúp Samsung vượt qua khó khăn về chi phí xây dựng, để công ty này tự tin mở rộng sản xuất ở Mỹ. Trong khoản đầu tư 17 tỷ USD vào nhà máy ở Taylor, 11 tỷ USD sẽ dành cho máy móc và thiết bị, bao gồm máy chế tạo chip hiện đại nhất sản xuất bởi Applied Materials. Samsung hiện giảm dần sản xuất các loại chip bộ nhớ bởi thị trường ngày càng bão hòa. Ngoài chuyển hướng đầu tư vào dòng chip xử lý tiên tiến, công ty này cũng mở rộng sang chip tùy chọn dành cho các công ty toàn cầu như Qualcomm, Tesla, Intel hay Sony.
Nguồn: https://zingnews.vn/samsung-va-ke-hoach-soan-ngoi-tsmc-post1438643.html
4.    Đội quân robot hình người chuẩn bị tiến vào ngành logistic
Các công ty khởi nghiệp (startup) ở Mỹ như Agility Robotics, Figure AI và Boston Dynamics nằm trong số các đấu thủ đang chạy đua thiết kế robot có hình dạng và cách vận động linh hoạt giống như con người để sử dụng trong các trung tâm phân phối hàng hóa. Các robot này có khả năng đi bộ xung quanh nhà kho, tiếp cận các thùng hàng nằm trên kệ cao, cúi người để đặt hàng xuống, lấy và di chuyển thùng hàng. Các nhà phát triển robot hình người cho biết thiết bị của họ sẽ giúp các nhà vận hành nhà kho ứng phó tình trạng thiếu lao động và loại bỏ nhu cầu thiết kế lại nhà kho để phù hợp với khả năng của máy móc.
Agility Robotics, có trụ sở ở bang Oregon, đang phát triển một robot hình người có tên gọi Digit, cao 1,75 mét, nặng 64 kg và có thể mang khối lượng hàng nặng tới 16 kg. Digit có thể hoạt động trong 2 giờ sau khi được sạc pin trong 1 giờ. Agility Robotics cho biết Digit được thiết kế để hoạt động theo đội hình, trong đó 2 robot làm việc trong khi một robot sạc pin để sẵn sàng thay thế khi robot khác cần sạc pin. Trong khi đó, Figure AI đang thiết kế robot hình người có thể hoạt động liên tục 5 giờ sau 30 phút sạc pin. Boston Dynamics, một trong những nhà phát triển robot nổi tiếng nhất thế giới với sản phẩm robot chó bốn chân, tìm cách giải quyết thách thức đó bằng cách giới thiệu một thiết bị robot nhà kho, có tên gọi Stretch, có chân đế rộng để giữ cho thiết bị ổn định và có thể hoạt động 16 giờ sau mỗi lần sạc đầy pin.
Rueben Scriven, giám đốc nghiên cứu về lĩnh vực tự động hóa kho hàng của hãng ty nghiên cứu Interact Analysis, cho biết robot hình người có thể đe dọa việc làm trong lĩnh vực nhà kho. Song các nhà phát triển robot hình người cho biết, khách hàng của họ không muốn thay thế công việc của con người mà chỉ tìm đang tìm cách lấp đầy vai trò trong các lĩnh vực mà họ không thể tuyển dụng được nhân viên. Figure AI đang xem xét phát triển các ứng dụng trong nhà kho cho sản phẩm robot hình người mà startup này đang phát triển. Mục tiêu là để robot có thể làm mọi thứ mà con người có thể làm, bao gồm chọn và đóng gói các đơn hàng, bốc dỡ hàng trên xe tải và kệ hàng. Brett Adcock, người sáng lập kiêm CEO của Figure AI, cho biết, công ty đang nhận thấy nhu cầu thực sự về một số giải pháp có thể giúp thực hiện công việc của con người, mà không cần đầu tư lớn hoặc làm xáo trộn hoạt động bình thường của nhà kho.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/doi-quan-robot-hinh-nguoi-chuan-bi-tien-vao-nha-kho/
Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng
1.    Hai tập đoàn sản xuất pin Trung Quốc tính rót hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam
Theo Reuters, ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc khởi động hoặc mở rộng các dự án sản xuất tại Việt Nam. Các doanh nghiệp này coi Việt Nam như một trung tâm xuất khẩu toàn cầu nhờ vào hàng loạt các hiệp định thương mại tự do và lao động giá rẻ. Trong đó, 2 công ty Xiamen Hithium Energy Storage Technology và Growatt New Energy hiện đang thể hiện sự quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Cụ thể, Xiamen Hithium Energy Storage Technology, công ty khởi nghiệp chuyên nghiên cứu và phát triển, sản xuất và kinh doanh vật liệu lõi pin lithium-ion, hệ thống và pin lưu trữ năng lượng LFP, đã tiếp cận các quan chức và các nhà quản lý công nghiệp ở Việt Nam để xuất xây dựng một nhà máy sản xuất các sản phẩm trữ năng lượng với vốn đầu tư có thể lên đến 900 triệu USD trên một khu đất công nghiệp có diện tích hơn 30ha. Bên cạnh Hithium, một công ty Trung Quốc khác là Growatt New Energy, nhà cung cấp giải pháp năng lượng phân tán hàng đầu thế giới, có trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc), đang có kế hoạch chi khoảng 300 triệu USD để mua khoảng 15ha đất công nghiệp nhằm xây dựng một nhà máy mới ở Việt Nam. Doanh nghiệp từ chối bình luận thêm liên quan khoản đầu tư này. Các nguồn tin cho biết cả 2 công ty đều đang đàm phán với nhiều cơ quan chức năng và khu công nghiệp ở Việt Nam về các địa điểm tiềm năng cho các nhà máy.
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/reuters-hai-tap-doan-san-xuat-pin-trung-quoc-tinh-rot-hon-1-ty-usd-vao-viet-nam-20180504224285344.htm
Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới
1.    Các startup ở Mỹ ‘tung cờ trắng’ vì cạn tiền
Tốc độ ngừng hoạt động, bán tháo tài sản và thay đổi chiến lược kinh doanh của các công ty khởi nghiệp (startup) ở Mỹ đang tăng nhanh trong bối cảnh nguồn vốn mới từ các nhà đầu tư mạo hiểm và các khoản vay ngân hàng ngày càng khan hiếm và đắt đỏ. Trong những tháng gần đây, một số startup ở Mỹ, từng huy động được nguồn vốn đầu tư mạo hiểm đáng kể, đã phải đóng cửa, bao gồm công ty công nghệ sinh học Goldfinch Bio, công ty kinh doanh rượu vang Underground Cellar và công ty công nghệ tài chính Plastiq.
Một số nhà quan sát tin rằng cơn bùng nổ đầu tư vốn mạo hiểm vào năm 2021, cũng như khoản hỗ trợ của chính phủ Mỹ dành cho doanh nghiệp nhỏ trong thời kỳ đại dịch, có thể đã giúp một số startup sống sót lâu hơn. Giờ đây, nguồn vốn hỗ trợ đó đã cạn kiệt và những cú sụp đổ đang xuất hiện. Các starup ở Mỹ đã huy động được 346 tỉ đô la vốn đầu tư mạo hiểm trong năm 2021, theo báo cáo của PitchBook-NVCA Venture Monitor. Các nhà đầu tư và người sáng lập cho biết nhiều startup đang sống sót nhờ nguồn vốn dồi dào đó. Tuy nhiên, thị trường vốn mạo hiểm vẫn đang suy yếu. Các startup ở Mỹ chỉ huy động được 37 tỉ đô la trong quí đầu tiên của năm nay, giảm 55% so với ba tháng đầu năm ngoái. Thị trường vốn mạo hiểm suy thoái càng lâu, càng có nhiều startup tiến gần đến thời điểm thử thách thực sự.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/cac-startup-o-my-tung-co-trang-vi-can-tien/
2.    Tập đoàn y tế Singapore đàm phán mua cổ phần bệnh viện FV
Nguồn tin của Bloomberg cho biết Thomson Medical Group Ltd., một tập đoàn chăm sóc sức khỏe có trụ sở tại Singapore do ông trùm Peter Lim chống lưng, đang đàm phán để mua cổ phần bệnh viện FV ở Việt Nam. Tập đoàn của Lim đã đánh bại các ứng cử viên quan tâm khác để tiếp tục tham gia cuộc đấu thầu tại bệnh viện FV. Ngoài ra, các nguồn tin tiết lộ Thomson Medical đang làm việc với một cố vấn tài chính về khả năng mua lại bệnh viện FV. Trên tờ The Straight Times, Thomson Medical cho biết các cuộc thảo luận đang diễn ra và chưa đạt được thỏa thuận dứt khoát nào.
Bệnh viện FV được thành lập bởi Guillon và một nhóm bác sĩ người Pháp tại TP.HCM vào năm 2003 hiện có 220 giường với 950 nhân viên phục vụ. Ngoài bệnh viện tại quận 7, FV còn có một phòng khám đa khoa tại quận 1. Các cơ sở y tế của bệnh viện cũng điều trị bệnh nhân từ các nước láng giềng như Campuchia, Lào và Myanmar.
Nguồn: https://zingnews.vn/tap-doan-y-te-singapore-dam-phan-mua-co-phan-benh-vien-fv-post1438421.html
Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi
1.    Việt Nam ra mắt vải thiều không hạt
Bà Phan Thị Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cho biết sau 4 năm trồng thử nghiệm trên địa bàn huyện, đến nay, Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Hồ Gươm – Sông Âm thuộc Tập đoàn Hồ Gươm đang tiến hành thu hoạch 27 ha vải thiều không hạt. Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Duy Ninh, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm cho biết giống vải này được công ty hợp tác với Viện Di truyền Việt Nam lai tạo và canh tác theo phương pháp hữu cơ trồng tại nông trường Hồ Gươm – Sông Âm. Theo lãnh đạo tập đoàn này, giống vải thiều không hạt của công ty đã được cấp bảo hộ sản phẩm, không có hạt, lượng đường thấp và có vị thanh mát, cùi vải mọng, giòn, trắng. Đối với cây vải không hạt, công ty ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm thời gian, công chăm sóc và phân bón đảm bảo cây sinh trưởng phát triển tốt.
Năm nay, Tập đoàn Hồ Gươm dự kiến thu hoạch khoảng 15-20 tấn vải thiều không hạt, phân phối ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện công ty đã có khách hàng ở Nhật Bản và đang đàm phán với thị trường khác như Singapore, Canada… Về phân phối cho thị trường trong nước, vị đại diện này cho biết công ty hợp tác với nhiều kênh bán hàng trực tiếp và trực tuyến như Grab, các siêu thị, cửa hàng… để phân phối rộng rãi sản phẩm tới khách hàng. Hiện nay, công ty đã ươm hơn 20.000 cây vải không hạt để ghép giống vải quý dự kiến tiếp tục nhân rộng trong những năm tới, cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm nông sản chất lượng cao và xuất khẩu đi các nước trên thế giới.
Nguồn:  https://zingnews.vn/viet-nam-co-vai-thieu-khong-hat-gia-ban-tu-250000-dongkg-post1438176.html
2.    Vải thiều đầu vụ mất giá
Những ngày này, thủ phủ vải thiều của Bắc Giang đang vào vụ thu hoạch. Vải năm nay được mùa, tuy nhiên giá lại không khả quan ngay từ đầu vụ. Chở vải ra chợ để bán từ sáng sớm, nhưng anh Quỳnh (xã Nam Dương, Lục Ngạn, Bắc Giang) vẫn chưa thể bán lô vải của mình vì thương lái trả quá rẻ. “Năm ngoái, tôi bán được 25.000 – 27.000 đồng, năm nay chỉ được 7.000 – 10.000 đồng. Thương lái ép giá quá, với lại trừ chọn nhiều quá, 1 tạ trừ 6 kg. Như chuyến vải này của tôi bình thường mất 15 kg”, anh Hà Công Quỳnh, xã Nam Dương, Lục Ngạn, Bắc Giang, chia sẻ.
Theo đánh giá của những thương lái, thị trường vải năm nay chỉ bằng 1/2 so với năm 2022 cả về giá và lượng tiêu thụ. Vào thời điểm này năm 2022, mỗi ngày có thể đóng được 2 container để vào thị trường miền Nam, năm nay chỉ có 1. Trong khi giá thu mua tại chợ có sự bấp bênh, ở các hợp tác xã, vải vẫn được thu mua ổn định với giá từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, nhờ đáp ứng được những yêu cầu tiêu chuẩn của nhà phân phối và nhập khẩu.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/vai-thieu-dau-vu-mat-gia-2023060819330085.htm
3.    Nông dân thở phào vì phân bón cắt ‘cơn sốt’ giá
Sau 2 năm oằn mình gánh giá phân bón cao ngất ngưỡng, từ đầu tháng 6, giá phân bón tiếp tục giảm mạnh giúp người dân thở phào khi bước vào vụ sản xuất mới. Tính từ đầu năm đến nay, giá phân bón đã giảm khoảng 50% so với hồi lập đỉnh lịch sử vào tháng 5/2022, trở thành mức giá thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2022 giá phân bón và các vật tư đầu vào tăng cao đã khiến không ít hộ dân bỏ ruộng, giảm sản xuất. Điển hình, vụ Hè Thu 2022, tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam Bộ đạt khoảng 1,5 triệu ha, giảm 20.000 ha so với vụ Hè Thu 2021. Năm nay, theo báo cáo của các địa phương, diện tích gieo trồng vụ Hè Thu đã bắt đầu tăng trở lại với hơn 10-15%.
Bộ NN&PTNT cho biết, tính đến ngày 15/5, xuất khẩu phân bón đạt 593 nghìn tấn (giảm 16%) với giá trị hơn 253 triệu USD (giảm hơn 44%). Hiện nguồn cung trên thị trường thế giới dồi dào khi Nga và Trung Quốc đã tăng hạn ngạch xuất khẩu phân đạm. Do đó, dự báo giá phân bón có thể tiếp tục hạ nhiệt trong thời gian tới. Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận định, giá phân bón giảm còn do có sự cạnh tranh của nhiều thương hiệu trong và ngoài nước. Đặc biệt, là sức tiêu thụ phân bón đang ở yếu. Thời điểm này, nông dân trồng cây ăn trái đang giảm mua phân bón do nhiều loại cây bước vào vụ thu hoạch và trong cao điểm mùa hạn mặn. Tuy nhiên, đây là tín hiệu tốt giúp người dân phục hồi sản xuất sau khi phải đương đầu với tình trạng giá phân bón leo thang trong 2 năm qua.
Nguồn: https://tienphong.vn/nong-dan-tho-phao-vi-phan-bon-cat-con-sot-gia-post1540989.tpo
Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu
1.    King Coffee xâm nhập thành công chuỗi bán sỉ lớn nhất của Costco, Mỹ
Cuối tuần qua, King Coffee đã lên kệ 23 Business Center của Costco toàn nước Mỹ, thông tin từ nhãn hàng cho biết. Bên cạnh đó, các sản phẩm của King Coffee còn được bán trên ecommerce Costco.com. Tại thị trường Mỹ, King Coffee đã được phân phối từ năm 2016 trên các hệ thống siêu thị của người Việt, người Châu Á như Hoa Binh Supermarket, Saigon City Market (Westminster, California), Hong Kong Grand Prairie (Dallas, Texas), Hiep Thai Supermarket (Houston, Texas),… các siêu thị của người Mỹ bản xứ như Tawa Services Inc (Buena Park, California), Supervalu (Commerce, California), Aliments Inc, tại hệ thống E-commerce của Amazon, Walmart và trên trang web của King Coffee tại Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, quán cà phê của King Coffee cũng được mở tại Anaheim GardenWalk (gần Disneyland), mở đầu cho kế hoạch triển khai rộng rãi nhượng quyền thương hiệu tại quốc gia này. Quán TNI King Coffee tại Hoa Kỳ phục vụ đầy đủ các loại cà phê truyền thống của Việt Nam, như cà phê phin, cà phê đá, cà phê sữa đá v.v…, với nguyên liệu là các sản phẩm rang xay của TNI King Coffee. Đặc biệt, quán cũng phục vụ Phở và Bánh mì của Việt Nam, mang lại trải nghiệm thật sự độc đáo tại bang California.
Nguồn: https://markettimes.vn/king-coffee-cua-ba-le-hoang-diep-thao-xam-nhap-thanh-cong-chuoi-ban-si-lon-nhat-cua-costco-my-31076.html
2.    Xuất khẩu sầu riêng đạt kỷ lục
Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 190 triệu USD, tăng gần 6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Kỷ lục xuất khẩu sầu riêng có được bởi nhu cầu rất lớn từ thị trường Trung Quốc và cũng là một trong những thành tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng 39% của ngành hàng rau quả từ đầu năm đến nay. Từ sau khi được ký nghị định thư, loại trái cây này cũng liên tục đạt được các kỷ lục. Kết thúc năm 2022, sầu riêng đem về 421 triệu USD, tăng gần 137% so với năm trước đó. Trong những tháng đầu năm nay, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng nhận định sầu riêng là mặt hàng quan trọng giúp tạo nên kim ngạch ấn tượng của ngành rau quả nói chung.
So với giai đoạn giá sầu riêng đạt đỉnh vào đầu năm nay, với mức 150.000 – 190.000 đồng mỗi kg, hiện giá đã giảm còn 60.000 đồng/kg. Sự giảm giá này được lý giải bởi sầu riêng hiện đang bước vào giai đoạn chính vụ nên giá đã hạ nhiệt rất nhiều. Tuy vậy tại thị trường Trung Quốc, nơi chiếm đến 84% kim ngạch xuất khẩu, sầu riêng vẫn đang là sản phẩm hút hàng liên tục khi được bán với giá khoảng 50 Nhân dân tệ mỗi kg, khoảng 160.000 đồng/kg trên các trang thương mại điện tử của nước này. Thị trường thuận lợi đang là điều kiện tốt nhất để sầu riêng có thể lần đầu đạt kim ngạch 1 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, đây sẽ là cuộc canh tranh của các quốc gia Đông Nam Á khi sầu riêng Thái Lan đã có chỗ đứng rất tốt, sầu riêng Malaysia liên tục cháy hàng hay “tân binh” Phillipines với mục tiêu thu về hàng trăm triệu USD kim ngạch từ thị trường Trung Quốc.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/xuat-khau-sau-rieng-dat-ky-luc-20230608155748126.htm
3.    Tín hiệu xuất khẩu cà phê có thể thiết lập kỷ lục mới
Với dự báo El Nino xuất hiện trong quý III/2023 sẽ tác động đến sản lượng cà phê tại Việt Nam và Indonesia, cùng với nguồn cung của nhiều nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới ở mức thấp, giá cà phê sẽ còn khởi sắc, xuất khẩu cà phê có thể vượt kỷ lục 4 tỷ USD của năm 2022. Giá cà phê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tăng mạnh trong tuần vừa qua và đạt mức kỷ lục trong 3 tháng gần đây.
Theo Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cà phê tháng 5 ước đạt 165.000 tấn với giá trị đạt 396 triệu USD, đưa tổng khối lượng với giá trị xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm 2023 đạt 882.000 tấn với 2,02 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 0,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Với sự tăng trưởng những tháng đầu năm, giới quan sát nhận định, kỷ lục về giá trị cà phê xuất khẩu 4 tỷ USD năm 2022 có sẽ bị phá vỡ.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/tin-hieu-xuat-khau-ca-phe-co-the-thiet-lap-ky-luc-moi-20230608112804166.htm
4.    Xuất khẩu lô vải đầu tiên bằng đường sắt sang Trung Quốc
Chi cục Hải quan ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng – Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, đơn vị vừa thí điểm cho xuất khẩu thành công lô vải đầu tiên từ Bắc Giang sang Trung Quốc với thời gian thông quan nhanh hơn đường bộ. Theo Chi cục Hải quan ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, khi vận chuyển vải tươi sang Trung Quốc bằng đường sắt liên vận quốc tế, đơn vị vận tải sẽ đưa container lạnh chuyên dùng đến kho của doanh nghiệp. Sau đó, đơn vị này sẽ vận chuyển về Ga Liên vận quốc tế Kép (Bắc Giang) để đưa lên cửa khẩu ga đường sắt quốc tế. Trong khi đó, doanh nghiệp nông sản sẽ chỉ đảm nhiệm hoàn thành các thủ tục để xuất khẩu hàng hóa.
Theo tính toán sơ bộ, với 1 container hàng được bảo quản lạnh vận chuyển từ Lục Ngạn (Bắc Giang) đi Bằng Tường (Trung Quốc) sẽ có giá khoảng 30 triệu đồng và container thường khoảng gần 20 triệu đồng. Thời gian di chuyển, sau khi đóng đủ hàng (khoảng 20 container/chuyến) dự kiến xấp xỉ 12 giờ, bao gồm cả thời gian làm thủ tục thông quan. Chi cục Hải quan ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng đánh giá, giá cước vận chuyển này không giảm nhiều so với vận chuyển bằng đường bộ. Tuy nhiên, thời gian di chuyển nhanh hơn, khắc phục được tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu. .
Sau lô hàng thử nghiệm này, đơn vị đang thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp để các doanh nghiệp nắm rõ tình hình, từ đó chuyển hướng sang thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu đường sắt, giảm áp lực thông quan cho đường bộ. Theo đại diện Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt Ratraco (1 trong những đơn vị vận chuyển), sau khi thí điểm thành công với lô hàng vải Lục Ngạn, những ngày tới đây, doanh nghiệp sẽ tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và Chi cục Hải quan ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng để xuất khẩu các lô hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc.
Nguồn: https://tienphong.vn/xuat-khau-lo-vai-dau-tien-bang-duong-sat-sang-trung-quoc-post1540807.tpo
5.    Xuất khẩu hồ tiêu vào Hoa Kỳ và EU sụt giảm
Theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu hồ tiêu trong 5 tháng đầu năm tăng 30% về lượng nhưng giảm 12,7% giá trị do giá xuất khẩu giảm. Cụ thể, trong 5 tháng, Việt Nam xuất khẩu được 131.777 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 119.832 tấn, tiêu trắng đạt 11.945 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 408,9 triệu USD; trong đó, tiêu đen đạt 354,1 triệu USD, tiêu trắng đạt 54,7 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu tăng 30%, tuy nhiên giá trị xuất khẩu giảm 12,7%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen đạt 3.443 USD/tấn, tiêu trắng đạt 4.955 USD/tấn, giảm lần lượt 21,7% và 18,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Về thị trường, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột biến, ngược lại đơn hàng đi Hoa Kỳ và EU có xu hướng giảm. Về nguyên nhân xuất khẩu hồ tiêu vào Hoa Kỳ và EU sụt giảm, bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch VPA lý giải, các nhà mua hàng khu vực này có tâm lý chờ đón thêm hàng vụ mới từ Indonesia (tháng 7 – 8) và Brazil với hy vọng giá mua giảm xuống. Ngoài ra, lượng hàng tồn từ các năm trước đang còn cũng giúp cho các nhà mua từ EU và Hoa Kỳ nấn ná chưa vội tham gia thị trường trong 5 tháng qua.
Nguồn:  https://vtv.vn/kinh-te/xuat-khau-ho-tieu-vao-hoa-ky-va-eu-sut-giam-20230610091755138.htm
BSA Media