Bản tin về tiêu chuẩn – tháng 4/2024

Nhóm tin về tiêu chuẩn

1. Chính thức ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường cao tốc
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư số 06/2024 về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường cao tốc. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10.
Theo đó, đường bộ cao tốc có quy mô tối thiểu 4 làn xe chạy (2 làn xe cho mỗi chiều), có làn dừng khẩn cấp. Các công trình gắn với đường bộ cao tốc bao gồm: Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến; trạm dừng nghỉ; hệ thống thu phí điện tử không dừng đối với tuyến đường có thu phí; trạm kiểm tra tải trọng xe; hàng rào bảo vệ.
Tốc độ thiết kế đường bộ cao tốc được phân làm 3 cấp như sau: Cấp 120 có tốc độ thiết kế là 120km/h; cấp 100 có tốc độ thiết kế là 100km/h; cấp 80 có tốc độ thiết kế là 80km/h. Đối với vị trí địa hình đặc biệt khó khăn, yếu tố quốc phòng an ninh khống chế, cho phép áp dụng tốc độ thiết kế 60km/h.
Tốc độ tối đa cho phép trên đường bộ cao tốc không vượt quá 120km/h. Tốc độ tối đa cho phép và tốc độ thiết kế không được chênh nhau quá 20km/h; tốc độ tối đa cho phép của 2 đoạn tuyến liên tiếp không được chênh nhau quá 20 km/h. Đây là quy định mới, trong đó không còn tình trạng làm cao tốc phân kỳ với 2 làn xe như thời gian vừa qua.
Về số làn xe chạy, quy chuẩn mới yêu cầu, số làn xe được xác định trên cơ sở lưu lượng xe thiết kế, nhưng không ít hơn 2 làn xe cho mỗi chiều. Chiều rộng làn xe chạy tối thiểu 3,75m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 3,50m đối với đường cấp 80. Đối với làn dừng xe khẩn cấp có chiều rộng tối thiểu 3m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 2,5m đối với đường cấp 80.
Liên quan đến dải phân cách giữa đường cao tốc, quy chuẩn quy định phải bố trí dải giữa (gồm dải phân cách giữa và dải an toàn ở hai bên của dải phân cách giữa) để phân chia hai chiều xe chạy đối với trường hợp mặt cắt ngang đường cao tốc được bố trí trên cùng một nền đường. Chiều rộng của dải an toàn tối thiểu là 0,75m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 0,5m đối với đường cấp 80. Dải phân cách giữa được thiết kế để bảo đảm an toàn.
Trường hợp 2 chiều xe chạy được bố trí trên 2 nền đường riêng biệt không có dải giữa, phía bên trái theo chiều xe chạy bố trí dải an toàn và lề đất. Dải an toàn có chiều rộng tối thiểu 1m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 0,75m đối với đường cấp 80.
Nguồn: https://vietq.vn/chinh-thuc-ban-hanh-quy-chuan-ky-thuat-quoc-gia-ve-duong-cao-toc-d220086.html
2. Tiêu chuẩn tín chỉ carbon: Giải pháp quan trọng để bảo vệ rừng, giảm thiểu phát thải khí nhà kính
Tín chỉ carbon là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải lượng khí nhà kính, cụ thể là khí CO2. Nó đại diện cho quyền phát thải một tấn CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2e) vào bầu khí quyển.
Tín chỉ carbon là giấy phép hoặc chứng chỉ có thể mua bán, cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn carbon dioxide hoặc tương đương với một loại khí nhà kính khác. Mục tiêu chính của việc tạo ra tín chỉ carbon là giảm lượng khí thải carbon dioxide và các loại khí nhà kính khác từ các hoạt động công nghiệp, nhằm giảm tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Dự thảo của Đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” xây dựng dựa trên cơ sở Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn (Nghị định số 06/2022/NĐ-CP) đã đưa ra mục tiêu từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ hoàn thiện các quy định trong quản lý tín chỉ carbon, các giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính; quy chế trong vận hành sàn giao dịch; thí điểm cơ chế giao dịch, bù trừ trong các lĩnh vực có tiềm năng; tổ chức hướng dẫn việc thực hiện cơ chế giao dịch trong nước và cả quốc tế, đảm bảo sự phù hợp với các quy định trong các điều ước quốc tế; tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch vào năm 2025.
Từ 2028, Việt Nam chính thức sẽ đưa vào vận hành thị trường giao dịch tín chỉ carbon. Đối với các chủ thể tham gia thị trường, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định: Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên, hoặc thuộc một trong các trường hợp sau: nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.
Việt Nam hiện có khoảng 1.912 cơ sở đang thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính theo quy định trong Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Đây chính là các khách hàng sẽ tham gia thị trường trong thời gian tới.
Tiêu chuẩn quốc tế ISO 14064 đưa ra các yêu cầu đối với các tổ chức và cá nhân kiểm định và hợp chuẩn số lượng thải khí gây hiệu ứng nhà kính, ISO 14065 quy định các yêu cầu công nhận đối với các tổ chức hợp chuẩn và kiểm định các kết quả yêu cầu hoặc xác nhận thải khí gây hiệu ứng nhà kính (GHG).
Nguồn: https://vietq.vn/tieu-chuan-tin-chi-carbon-giai-phap-quan-trong-de-bao-ve-rung-d219908.html
3. Israel thông báo dự thảo sửa đổi quy định về thực phẩm và Luật Tiêu chuẩn
Những thay đổi chính được đưa ra trong bản sửa đổi như sau: Đơn giản hóa và hợp lý hóa các thủ tục cập nhật thay đổi trong luật Châu Âu và ủy quyền cập nhật cho Giám đốc Dịch vụ Thực phẩm; Thông qua thêm 20 quy định về thực phẩm của Châu Âu, bao gồm ghi nhãn thực phẩm, phụ gia thực phẩm và các chất tiếp xúc với thực phẩm và tạo ra sự hài hòa, tương thích giữa luật an toàn thực phẩm của Israel và Châu Âu; mục tiêu để hài hòa; giảm rào cản và tạo thuận lợi cho thương mại; tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất.
Cùng với đó, Israel thông báo dự thảo sửa đổi Luật Tiêu chuẩn. Sửa đổi này nhằm cải cách đáng kể chế độ nhập khẩu của Israel. Việc sửa đổi được đề xuất nhằm mục đích giảm bớt gánh nặng pháp lý và quan liêu đối với nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và nhà bán lẻ. Nó thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích thương mại quốc tế tự do, bằng cách bổ sung lộ trình thay thế để nhập khẩu và tiếp thị hàng hóa tuân theo tiêu chuẩn bắt buộc.
Lộ trình thay thế mới dựa trên các quy định của Châu Âu, giảm yêu cầu pháp lý ở giai đoạn nhập khẩu và tập trung vào giám sát thị trường, lấy mẫu hàng hóa tại cảng theo hệ thống quản lý rủi ro mới. Theo chế độ mới này, các nhà sản xuất và nhập khẩu thúc đẩy việc tự thực thi hoặc nộp các tài liệu chứng minh rằng hàng hóa đã được bán trên thị trường châu Âu sẽ phải tuân theo yêu cầu nhập khẩu thuận lợi.
Nguồn: https://vietq.vn/israel-thong-bao-du-thao-sua-doi-quy-dinh-ve-thuc-pham-va-du-thao-sua-doi-luat-tieu-chuan-d220078.html

Nhóm tin về quy định

1. EU thay đổi quy định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với nông sản
Bắt đầu từ 11/5/2024, Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp dụng mức dư lượng tối đa (MRL) mới, cho phép MRL Oxamyl trên các loại nông sản ở mức 0,001 mg/kg, thấp hơn nhiều so với mức 0,01-0,05 mg/kg trước đây.
Ủy ban châu Âu, ban EU vừa ban hành Quy định mới số (EU) 2024/331 sửa đổi Phụ lục II và V Quy định (EC) số 396/2005 của Nghị viện và của Hội đồng châu Âu liên quan đến mức dư lượng tối đa (MRL) đối với hoạt chất Oxamyl áp dụng đối với một số nông sản.
Tại quy định mới (EU) 2024/331, EU sẽ áp dụng mức MRL cho phép mức dư lượng Oxamyl trên các loại nông sản ở mức rất thấp là 0,001 mg/kg. Tuy nhiên, EU cũng cho phép áp dụng đối với một số nông sản với mức MRL cao hơn.
Cụ thể, quả bơ quy định ở mức 0,005 mg/kg, cà chua 0,002 mg/kg; các loại ngũ cốc; có gạo, sản phẩm động vật MRL là 0,005 mg/kg. Riêng đối với hạt ca cao, EU cho phép áp dụng MRL ở mức mới là 0,01 mg/kg.
Trước đó, ngày 17/1, EU đã đăng công báo Quy định thực hiện Quy chế (EU) 2024/286 ký ngày 16/1/2024, sửa đổi Quy định thực hiện (EU) 2019/1793 về việc tạm thời tăng cường biện pháp kiểm soát chính thức và biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu vào Liên minh một số hàng hóa từ một số nước thứ ba thực hiện Quy định (EU) 2017/625 và (EC) số 178/2002 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu.
Tại quy định này, các mặt hàng của Việt Nam vào EU sẽ chịu giám sát tại cửa khẩu là ớt chuông, mỳ ăn liền và sầu riêng với tần suất kiểm tra tương ứng là 50%, 20% và 10%.
Nguồn: https://vietq.vn/eu-thay-doi-quy-dinh-du-luong-thuoc-bao-ve-thuc-vat-voi-nong-san-d218583.html
2. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa là yêu cầu tất yếu
Người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn theo xu hướng tìm hiểu sâu về thông tin sản phẩm, hàng hóa. Do đó, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm là tất yếu, doanh nghiệp phải đáp ứng.
Mỹ, năm 2002, Luật chống khủng bố sinh học đã quy định về lưu trữ, hồ sơ truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Châu Âu, năm 2005, yêu cầu các nước thành viên trong EU phải thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Úc, năm 2017, bắt đầu thực hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc với sản phẩm, hàng hóa.
Nhật, năm 2005, bắt đầu thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc ở thịt bò…
Việt Nam, tháng 1/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Ðề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Ðề án 100).
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc và áp dụng tem truy xuất nguồn gốc nước ta đang tồn tại một số vấn đề khó khăn, bất cập, như: Truy xuất nguồn gốc mới chỉ tập trung áp dụng ở một số sản phẩm và một số thị trường lớn.
Các giải pháp truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam chưa được kết nối và có được sự thừa nhận của quốc tế gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu; Việc khai báo, cập nhật thông tin truy xuất, in và dán tem chưa được kiểm soát; Chưa có chương trình, hệ thống, cơ quan đánh giá chứng nhận các hệ thống truy xuất nguồn gốc mang tính khách quan để tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng…
Theo ông Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, việc xây dựng Cổng thông tin do Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (NBC) làm chủ đầu tư đã hoàn thành vào năm 2022; trong 10 tháng vận hành thử nghiệm, hệ thống này đã có sự kết nối với một số địa phương và hơn 4.000 doanh nghiệp tham gia.
Đây là nội dung quan trọng được lãnh đạo Bộ KH&CN rất quan tâm và đặt mục tiêu đưa vào vận hành Cổng thông tin trong quý II/2024. Đến nay, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã chuẩn bị một số yếu tố để sẵn sàng đưa vào vận hành chính thức Cổng thông tin.
Cổng thông tin sẽ kết nối các hệ thống truy xuất nguồn gốc trong nước và quốc tế; quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa trong nước và quốc tế; chia sẻ dữ liệu truy xuất nguồn gốc giữa các hệ thống. Cổng thông tin cũng dựa trên số liệu báo cáo, thống kê và công nghệ để phân tích trợ giúp cơ quan quản lý đưa ra chính sách kịp thời, phù hợp với biến động của thị trường.
Theo: https://vietq.vn/truy-xuat-nguon-goc-san-pham-hang-hoa-la-yeu-cau-tat-yeu-d220168.html
3. Bộ KH&CN ban hành quy định mới về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ký ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN ngày 28 tháng 3 năm 2024 quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Thông tư chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 2024.
Theo đó, quy định gồm: Quản lý nhà nước đối với hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; quy định hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu; quản lý sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm, vật mang dữ liệu; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ, giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và tổ chức triển khai, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa.
Cụ thể, tổ chức, cá nhân thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm bảo đảm phù hợp Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13274:2020 Truy xuất nguồn gốc – Hướng dẫn định dạng các mã dùng trong truy vết do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố trước khi đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa sử dụng vật mang dữ liệu bảo đảm phù hợp theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13275:2020 Truy xuất nguồn gốc – Định dạng vật mang dữ liệu do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Trong đó, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bảo đảm 4 nguyên tắc sau: Nguyên tắc “Một bước trước – một bước sau”; nguyên tắc “Sẵn có của phần từ dữ liệu chính”; nguyên tắc “Minh bạch”; nguyên tắc “Sự tham gia đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc”; và dữ liệu truy xuất nguồn gốc tối thiểu phải đủ 10 thông tin sau:
1- Tên sản phẩm, hàng hóa;
2- Hình ảnh sản phẩm, hàng hóa;
3- Tên đơn vị sản xuất, kinh doanh;
4- Địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh;
5- Các công đoạn trong sản xuất, kinh doanh (bao gồm tối thiểu thông tin: mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và thời gian sự kiện truy xuất nguồn gốc của từng công đoạn);
6- Thời gian sản xuất, kinh doanh (thời gian các sự kiện truy xuất nguồn gốc diễn ra);
7- Mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa;
8- Thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số sê-ri sản phẩm (nếu có);
9- Thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa (nếu có);
10- Các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn cơ sở được áp dụng.
Vật mang dữ liệu được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên sản phẩm, hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa, bảo đảm thiết bị có thể đọc được.
Nguồn: https://vietq.vn/bo-khoa-hoc-va-cong-nghe-ban-hanh-quy-dinh-moi-ve-truy-xuat-nguon-goc-san-pham-hang-hoa-d219991.html
4. Lưu ý đối với doanh nghiệp khi ghi thành phần dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm
Thông tư 29/2023/TT-BYT đã có hướng dẫn cụ thể về nội dung, cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm. Theo đó, thực phẩm được sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, lưu thông tại Việt Nam phải ghi các thành phần dinh dưỡng sau: 1- Năng lượng (kcal); 2- Chất đạm (g); 3- Carbohydrat (g); 4- Chất béo (g); 5- Natri (mg). Riêng nước giải khát, sữa chế biến cho thêm đường và thực phẩm cho thêm đường khác phải ghi thêm đường tổng số.
Thông tư nêu rõ, thông tin về giá trị năng lượng được tính bằng ki-lô-ca-lo (kcal); thông tin về hàm lượng chất đạm, carbohydrat, chất béo, chất béo bão hòa, đường tổng số được tính bằng gam (g); thông tin về hàm lượng natri được tính bằng miligam (mg). Thông tin các thành phần dinh dưỡng được biểu thị trong 100g hoặc 100ml thực phẩm hoặc trong một khẩu phần ăn đã được xác định hàm lượng trên nhãn hoặc theo mỗi phần đóng gói khi số phần trong bao gói đó được công bố.
Trường hợp tổ chức, cá nhân tự nguyện biểu thị thêm phần trăm (%) giá trị dinh dưỡng tham chiếu thì thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Giá trị khoảng dung sai của các thành phần dinh dưỡng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP.
Bộ Y tế yêu cầu việc ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm phải bảo đảm tuân thủ quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, pháp luật về an toàn thực phẩm có liên quan. Bảo đảm chính xác, không gây ra cách hiểu sai lệch, nhầm lẫn về giá trị dinh dưỡng của sản phẩm thực phẩm.
Về lộ trình thực hiện việc ghi nhãn được quy định: chậm nhất đến 31/12/2025, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm để lưu thông tại Việt Nam phải thực hiện ghi thành phần dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm theo quy định tại Thông tư này. Từ 01/01/2026, tổ chức, cá nhân không được sản xuất, in ấn, nhập khẩu và sử dụng nhãn không đúng quy định tại Thông tư này.
Nguồn: https://vietq.vn/luu-y-doi-voi-doanh-nghiep-khi-ghi-thanh-phan-dinh-duong-tren-nhan-thuc-pham-d220255.html

Nhóm tin về cảnh báo

1. Không loại nhựa nào được coi là an toàn hoặc phù hợp cho sử dụng tuần hoàn
Độc chất từ rác thải nhựa làm phức tạp thêm quá trinh tái sử dụng nhựa. Các tổ chức môi trường và các chính phủ đang vật lộn để xây dựng hiệp ước toàn cầu đầu tiên nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa ngày càng gia tăng, với rác thải nhựa hằng năm đã lên tới 400 triệu tấn…
Trong khi đó, các nhà khoa học nhắc nhở rằng: không có loại nhựa nào được coi là an toàn hoặc phù hợp cho sử dụng tuần hoàn bởi thực tế chúng tiềm ẩn rất nhiều hóa chất độc hại đã được tìm thấy.
Theo nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Data in Brief, các hạt nhựa từ các nhà máy tái chế nhựa ở 13 quốc gia khác nhau đặt tại châu Phi, Nam Mỹ, châu Á và Đông Âu đều chứa hàng trăm loại hóa chất, trong đó có những loại thuốc trừ sâu nồng độ cao.
Tổng số, 491 hợp chất hữu cơ đã được tìm ra và định lượng trong những các hạt nhựa, được bổ sung 170 hợp chất. Các hợp chất này thuộc về vô số loại khác nhau, bao gồm thuốc trừ sâu, dược phẩm, hóa chất công nghiệp, phụ gia nhựa.
Còn trong một báo cáo mới đây do Hội đồng Nghiên cứu Na Uy tài trợ, có hơn 16.000 hóa chất tồn tại trong các sản phẩm nhựa, từ bao bì thực phẩm, đồ chơi trẻ em đến thiết bị y tế…
Theo bà Jane Muncke, Giám đốc điều hành của Diễn đàn Bao bì thực phẩm phi lợi nhuận Thụy Sĩ, để giải quyết triệt để vấn nạn ô nhiễm nhựa, thế giới cần phải thực sự xem xét toàn bộ vòng đời của nhựa và phải giải quyết vấn đề hóa chất.
Ông Martin Wagner, trưởng nhóm báo cáo và là nhà môi trường học thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy, cho rằng ngay cả các nhà sản xuất không thực sự biết có bao nhiêu loại hóa chất trong sản phẩm của họ. Do đó, theo ông, nếu không có quy định bắt buộc, sẽ không có động lực buộc các doanh nghiệp tiết lộ những hóa chất có trong nhựa.
Một nghiên cứu gần đây cũng phát hiện ra, một chai nước một lít thông thường chứa tới 240.000 hạt vi nhựa, gấp khoảng 100 lần so với ước tính trước đây, do sự hiện diện của nhựa nano trong nước. Khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, hộp nhựa có thể giải phóng các hóa chất độc hại, chẳng hạn như phthalates và bisphenol A (BPA) vào thực phẩm bên trong. Những hóa chất này đã được phát hiện là có thể phá vỡ nội tiết tố và có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm cả các vấn đề về sinh sản.
BSAS (DỰ ÁN HVNCLC – CHUẨN HỘI NHẬP)