Bản tin về tiêu chuẩn – tháng 8/2024

TIN TIÊU CHUẨN VỀ TÍN CHỈ CARBON

Nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý, tập trung xây dựng tiêu chuẩn tín chỉ các-bon

(VietQ.vn) – Hiện nay cùng với việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững, ngành lâm nghiệp đang tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, tập trung xây dựng tiêu chuẩn nhằm bảo đảm đáp ứng các điều kiện để kinh doanh tín chỉ các-bon rừng…

Kinh doanh tín chỉ các- bon rừng vẫn còn nhiều vướng mắc

Việt Nam có lợi thế rất lớn với trữ lượng rừng phong phú và đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến lược cắt giảm phát thải khí nhà kính, hiện thực hóa cam kết Net-Zero, thông qua việc xây dựng các dự án tín chỉ các-bon. Cùng với việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững, ngành lâm nghiệp đang tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm đáp ứng các điều kiện để kinh doanh tín chỉ các-bon rừng…

Để triển khai đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành “Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính” ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, tập trung giảm phát thải được tạo ra từ các hoạt động bảo vệ rừng; hạn chế mất rừng, suy thoái rừng và chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Tăng hấp thụ được tạo ra từ các hoạt động bảo vệ rừng, trồng rừng mới, phục hồi, nâng cao chất lượng rừng…

Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Việt Nam đang triển khai chương trình chuyển nhượng kết quả tín chỉ các-bon rừng, đó là “Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA)” được ký ngày 22/10/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Tái thiết và phát triển quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo ERPA, Việt Nam chuyển nhượng cho WB 10,3 triệu tấn CO2 (có thể tăng thêm tối đa 5 triệu tấn CO2), đơn giá là 5 USD/tấn CO2, tổng giá trị chi trả là 51,5 triệu USD, trong đó 95% lượng chuyển nhượng sẽ được tính vào NDC của Việt Nam. Để thực hiện ERPA này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 quy định về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính ERPA.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent), cơ quan hành chính của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) đang chuẩn bị đàm phán, ký kết và triển khai Thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ theo Ý định thư (LoI) đã ký ngày 31/10/2021. Theo đó, dự kiến Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 của vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ giai đoạn 2021-2025. Toàn bộ lượng tín chỉ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent sẽ được tính vào cam kết NDC của Việt Nam.

Về các chương trình, đề án chuyển nhượng kết quả giảm phát thải, tín chỉ các-bon rừng, thời gian qua, một số tỉnh như Quảng Nam, Sơn La, Lào Cai, Thanh Hóa đã đề xuất xây dựng và triển khai đề án thí điểm đầu tư, kinh doanh tín chỉ các-bon rừng. Tuy nhiên, đến nay các tỉnh này chưa thực hiện do thiếu quy định pháp luật và các hướng dẫn chi tiết. Hiện đang có những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai dịch vụ các-bon rừng.

Đó là do chính sách và quy định pháp lý đã hình thành nhưng thiếu quy định, hướng dẫn chi tiết để có thể triển khai dịch vụ. Trong đó, bao gồm quyền sở hữu các-bon rừng, quy định về trao đổi, chuyển nhượng các-bon rừng, cơ chế quản lý, sử dụng nguồn thu từ dịch vụ các-bon rừng; hạn ngạch giảm phát thải đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu NDC và tiềm năng tín chỉ các-bon rừng có thể thương mại của từng địa phương chưa được xác định, phân bổ. Cùng với đó, thông tin, nhận thức của nhiều bên liên quan đến dịch vụ các-bon rừng còn nhiều hạn chế như thế nào là tín chỉ các-bon rừng, phương thức tạo tín chỉ, phương pháp tính toán tín chỉ cũng như hướng dẫn về thẩm định, xác minh, cấp tín chỉ…

Theo Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Phạm Hồng Lượng, cùng với hệ sinh thái rừng phong phú, đa dạng, công tác bảo vệ và phát triển rừng luôn được coi trọng và đẩy mạnh, tiềm năng về chuyển nhượng tín chỉ các-bon của Việt Nam đang được thế giới đánh giá rất cao và mong muốn chia sẻ, lan tỏa đến các nước có rừng khác trên thế giới. Với những nỗ lực của mình, các địa phương và ngành lâm nghiệp đang tập trung đẩy mạnh các thủ tục, cơ chế pháp lý liên quan nhằm nghiên cứu, hoàn thiện điều kiện kinh doanh tín chỉ các-bon rừng theo lộ trình mà Chính phủ đã đề ra.

Tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện cơ sở pháp lý, tập trung xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về tín chỉ các-bon rừng

Để các địa phương chủ động trong xây dựng, triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon rừng, Cục Lâm nghiệp đã có Công văn số 1108/LN-KH&HTQT, gửi ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phố. Trong đó nêu rõ, thời gian qua, một số địa phương đã nhận được đề nghị của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đến tìm hiểu và đề xuất triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon rừng (dịch vụ các-bon rừng), bao gồm việc đo đạc, báo cáo, thẩm định, phát hành và thương mại tín chỉ các-bon rừng. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực mới, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đầy đủ, chi tiết và cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện trong thời gian tới.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết, đơn vị này sẽ cung cấp thông tin để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh tham khảo và cùng quan tâm hợp tác, triển khai đối với loại dịch vụ này. Hiện nay, các bộ, ngành đang xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý và các điều kiện thể chế, kỹ thuật và năng lực để triển khai thị trường các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon thế giới như xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, xây dựng Đề án phát triển thị trường các-bon trong nước…

Để chuẩn bị và sẵn sàng triển khai dịch vụ các-bon rừng, Cục Lâm nghiệp thông tin, khuyến nghị dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon rừng là vấn đề mới, hiện mới được thí điểm tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể để triển khai, đang tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện. Việc thương mại, trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon rừng với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế phải tuân thủ quy định pháp luật và chỉ được thực hiện đối với lượng giảm phát thải dôi dư sau khi đã hoàn thành trách nhiệm đóng góp NDC theo hạn ngạch được phân bổ.

Do đó, đề nghị các địa phương chủ động huy động và lồng ghép các nguồn lực hợp pháp để triển khai các biện pháp giảm phát thải, tăng hấp thụ trên diện tích rừng quản lý để triển khai Kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực lâm nghiệp tại Quyết định số 1693/KH-BNN-KHCN ngày 28/4/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cơ sở đề xuất, triển khai các dự án chuyển nhượng tín chỉ các-bon rừng…

Thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 2/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), đồng thời hoàn thiện thể chế, chính sách để triển khai dịch vụ các-bon rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai đánh giá tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ các-bon từ rừng cấp quốc gia, vùng, địa phương đến năm 2030 và có tính đến năm 2050. Phân bổ hạn ngạch giảm phát thải từ rừng cho các vùng sinh thái, các địa phương hằng năm giai đoạn 2021 đến năm 2030 để thực hiện mục tiêu NDC.

Tập trung xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về tín chỉ các-bon rừng và quy định chi tiết về hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng giảm phát thải/tăng hấp thụ các-bon rừng. Bởi thực tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng, việc bảo vệ rừng và giảm phát thải khí nhà kính trở thành một nhiệm vụ cấp thiết cho toàn nhân loại. Tín chỉ các-bon rừng đóng vai trò như một công cụ hữu hiệu, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu này. Theo đó bằng việc tuân thủ các tiêu chuẩn tín chỉ carbon rừng, chúng ta không chỉ đảm bảo tính minh bạch và tin cậy cho thị trường tín chỉ carbon mà còn khuyến khích và thúc đẩy đầu tư vào các dự án bảo vệ rừng, từ đó giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống đăng ký, quản lý tín chỉ các-bon rừng. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, tăng cường năng lực cho các bên liên quan về phương thức tạo và trao đổi, thương mại tín chỉ các-bon rừng. Tham mưu tổ chức đàm phán, ký kết, triển khai thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ (ERPA) với Tổ chức tăng cường tài chính trong lâm nghiệp (Emergent) và các đối tác khác.

Ngoài ra do đây là vấn đề mới, khó, phức tạp, nếu không tạo được các khung khổ pháp lý đồng bộ để quản lý phù hợp sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó đạt các mục tiêu đã đề ra. Thực tiễn này đòi hỏi phải có nghiên cứu kỹ lưỡng bối cảnh, tình hình trong nước, khu vực và thế giới, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước đã vận hành thị trường các-bon, để thị trường các-bon Việt Nam được thành lập, vận hành và quản lý chặt chẽ, phù hợp, hiệu quả, bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia, doanh nghiệp và người dân…

Để tăng cường hiệu quả của các dự án tín chỉ các-bon rừng, cần phải có sự tham gia và cam kết mạnh mẽ từ tất cả các bên liên quan, từ chính phủ, doanh nghiệp cho đến mỗi cá nhân. Chúng ta cần cùng nhau nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua việc học hỏi, chia sẻ kiến thức và tham gia vào các hoạt động có ích như trồng cây và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

An Dương (Nguồn: https://vietq.vn/kinh-doanh-tin-chi-carbon-rung-tiep-tuc-nghien-cuu-va-hoan-thien-co-so-phap-ly-tap-trung-xay-dung-tieu-chuan-quoc-gia-d224212.html)

Thủ tướng yêu cầu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Chỉ thị nêu rõ, thực hiện cam kết về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại COP26, Việt Nam đã cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), cụ thể hóa các cam kết quốc tế về giảm phát thải. 

Cùng với đó, triển khai thực hiện NDC là trách nhiệm của các quốc gia để thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong đó có mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp. 

Nhiều doanh nghiệp và người dân chưa hiểu về thị trường tín chỉ carbon

Chỉ thị của Thủ tướng nhấn mạnh, để bảo đảm thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030 theo NDC và đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính của các lĩnh vực; phát triển thị trường carbon và các cơ chế quản lý tín chỉ carbon là rất cấp thiết.

Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người dân hiểu chưa đúng về thị trường carbon

Theo đó, phát triển thị trường carbon và các cơ chế quản lý, trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí hợp lý. Đồng thời, thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thu nhập của người dân tham gia các dự án giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ và phát triển rừng. 

Tại Việt Nam, từ giữa những năm 2000 đến nay đã có nhiều doanh nghiệp triển khai thực hiện các chương trình, dự án tạo tín chỉ carbon và trao đổi tín chỉ carbon ra thế giới trên thị trường tự nguyện, đặc biệt là tín chỉ carbon từ các chương trình, dự án theo Cơ chế phát triển sạch. 

Tuy nhiên, trong thời gian qua, có nhiều thông tin, dư luận xã hội chưa thực sự đầy đủ, toàn diện, chính xác về thị trường carbon và các cơ chế quản lý tín chỉ carbon, đặc biệt là hoạt động tạo tín chỉ, quản lý tín chỉ carbon từ rừng và một số lĩnh vực khác. Ngoài ra, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người dân hiểu chưa đúng về thị trường carbon và phương thức tạo tín chỉ carbon để có thể giao dịch trên thị trường.

Quản lý tín chỉ carbon bao gồm việc xây dựng và tổ chức triển khai các quy định về cơ chế quản lý việc tạo tín chỉ và trao đổi, mua bán tín chỉ carbon theo hình thức tự nguyện hoặc bù trừ cho hạn ngạch phát thải khí nhà kính; là cơ sở cho phát triển thị trường carbon trong nước và tham gia thị trường thế giới.

Việc trao đổi, mua bán tín chỉ carbon và kết quả giảm phát thải khí nhà kính cần bảo đảm thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia, hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và người dân, doanh nghiệp và các đối tác tham gia.

Nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon 

Tại Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, NN-PTNT, Tài nguyên và Môi trường khẩn trương ban hành kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực theo quy định và tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo đạt mục tiêu cam kết theo NDC, hoàn thành trong quý III/2024;

Các bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định việc tổ chức đàm phán, ký kết, triển khai thỏa thuận hoặc hợp đồng với các đối tác quốc tế về chuyển nhượng tín chỉ carbon, kết quả giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải theo NDC; đánh giá mức độ sẵn sàng tham gia thị trường carbon của một số lĩnh vực.

Với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon, quản lý các chương trình, dự án, hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và tạo tín chỉ carbon phục vụ triển khai thí điểm và phát triển thị trường carbon trong nước, trao đổi với quốc tế.

Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, trong đó có các quy định về quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi tín chỉ carbon trong nước và ra nước ngoài, trình Chính phủ trước ngày 30/7/2024.

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với bộ ngành liên quan và địa phương có rừng khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng và đánh giá tiềm năng giảm phát thải, hấp thụ carbon từ rừng cấp quốc gia, vùng, địa phương đến năm 2030 và có tính đến năm 2050.

Cùng với đó, xác định tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ carbon từ rừng đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu NDC để làm cơ sở cho các hoạt động trao đổi tín chỉ carbon rừng với các đối tác quốc tế; hoàn thành trước ngày 31/10/2024; 

Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về tín chỉ carbon rừng và quy định chi tiết đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng hấp thụ carbon rừng; xây dựng chính sách thí điểm và cơ chế chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho khu vực chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát cơ sở pháp lý, tình hình thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế về hoạt động quản lý, mua bán, trao đổi chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC) gắn với việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải quốc gia, đề xuất quy định quản lý và báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/9/2024.

Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành hoàn thiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo mục tiêu tổ chức, vận hành thí điểm và chính thức đã đề ra; nghiên cứu đánh giá kinh nghiệm của các nước trong khu vực và quốc tế trong quá trình xây dựng, quản lý, vận hành, phát triển thị trường này.

Với UBND các tỉnh và thành phố, Thủ tướng yêu cầu phối hợp cùng các bộ ngành tổ chức thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia theo NDC; rà soát, đánh giá hiện trạng các hoạt động, biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn để đánh giá tiềm năng tạo tín chỉ carbon, trao đổi tín chỉ carbon;

Rà soát, yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trên địa bàn thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin về chương trình, dự án, số lượng tín chỉ carbon được tạo ra và trao đổi gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp theo quy định;

Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan triển khai các chương trình truyền thông về trách nhiệm thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia theo NDC, phương thức tạo tín chỉ carbon, tham gia thị trường tự nguyện, tổ chức và phát triển thị trường carbon tuân thủ.

Tâm An (Nguồn: https://vietnamnet.vn/thu-tuong-yeu-cau-danh-gia-tiem-nang-giam-phat-thai-hap-thu-carbon-tu-rung-2276920.html)

Bán tín chỉ carbon rừng: Khách muốn mua giá rất cao nhưng chưa bán được

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, giá tín chỉ carbon đang rất ‘nóng’. 4,9 triệu tín chỉ carbon rừng còn dư, nhiều khách hỏi mua với giá cao nhưng do kẹt về thủ tục nên chưa bán được.

Nhiều doanh nghiệp muốn mua

Cuối năm 2023, Việt Nam chuyển nhượng cho Ngân hàng Thế giới (WB) 10,3 triệu tấn CO2 với đơn giá 5 USD/tấn và thu về 51,5 triệu USD. Đây là khoản tiền đầu tiên mà Việt Nam nhận được từ bán tín chỉ carbon rừng. Ngay sau đó, các chủ rừng ở một số địa phương đã được chia tiền tín chỉ carbon này.

Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), thời gian qua, một số địa phương đã nhận được đề nghị của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đến tìm hiểu và đề xuất triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng (dịch vụ carbon rừng), bao gồm việc đo đạc, báo cáo, thẩm định, phát hành và thương mại tín chỉ carbon rừng. Tỉnh Quảng Nam, Sơn La, Lào Cai, Thanh Hóa đã đề xuất xây dựng và triển khai Đề án thí điểm đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon rừng.

Chia sẻ tại tọa đàm “Triển vọng phát triển Tài chính xanh” mới đây TS Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon (CODE) cho biết, giá tín chỉ carbon rất “nóng”, nhưng quá trình làm chính sách lại rất gian nan. 

Nhiều tổ chức, doanh nghiệp muốn mua tín chỉ carbon rừng của Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh

Việc tiến hành đo tín chỉ carbon rừng thuộc sở hữu của CODE vẫn đang được tiến hành. Đơn vị này vừa thực hiện đo bằng máy, vừa đo thủ công để so sánh kết quả. 

“Nếu đo thủ công, mỗi 1ha rừng chi phí hết 178 triệu đồng, nhân lên với 500ha mà chúng tôi đang sở hữu vô cùng tốn kém”, ông nói.

Sau này, CODE đã nhờ chuyên gia nước ngoài tham gia hoạch định vì có rất nhiều công việc phải làm. Ví như chọn mẫu theo hướng mặt trời mọc hay mặt trời lặn, đo rừng lẫn tre thì làm thế nào (rừng lẫn tre có carbon cao nhất), làm thế nào để đo sinh khối khác (chỉ có máy mới đo được rễ và cành ngọn). Sắp tới có kết quả, CODE sẽ báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ, Chính phủ.

TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, với CODE trồng rừng là công việc có tính chất nghiên cứu khoa học nhưng cũng là làm ăn có lãi (khoảng 2 triệu USD/năm). 

“Khi bắt đầu, chúng tôi cố tình lựa chọn khu rừng bị tàn phá nặng nề để phục hồi sinh quyển. Đến nay, khu rừng này đã khôi phục được hiện trạng của rừng mưa nhiệt đới với sự trở lại của chim chóc và muông thú. Mười mấy ngàn cây gỗ lim phát triển tốt. Tất cả những gì rơi từ cây xuống, chúng tôi lại đưa vào vườn ươm, trồng lại”, ông Nghĩa chia sẻ. 

Vị viện trưởng nhớ lại chuyện các nhà khoa học từ Pháp và Hà Lan ngỏ lời tới CODE để nghiên cứu sinh quyển Đông Nam Á và mua tín chỉ carbon. 

“Ban đầu, chúng tôi mua tới 11 căn nhà sàn cổ và nhà thờ đá để làm du lịch sinh thái. Tuy nhiên, theo lời đề nghị mua tín chỉ carbon, chúng tôi đã chuyển từ làm du lịch sinh thái sang làm rừng”, TS Lê Xuân Nghĩa thuật lại quá trình phát triển tài chính carbon. 

Trong quá trình thực hiện, CODE đã “dứt khoát đấu tranh” để bà con có sổ đỏ, qua đó giúp họ bán được carbon. 

Doanh nghiệp đồng ý trả mức giá khá cao để mua tín chỉ carbon rừng. 

Trả giá cao vẫn không mua được vì kẹt thủ tục

Chia sẻ về những vướng mắc trong quá trình phát triển tài chính carbon, theo TS Lê Xuân Nghĩa, đầu tiên là quy định pháp lý về sở hữu carbon. 

“Rừng thuộc sở hữu của nhà nước, vậy carbon có thuộc sở hữu của nhà nước không? Sau khi 6 tỉnh Bắc Trung Bộ bán tín chỉ carbon rừng cho WB, tiền được tính cho bà con. Nhưng điều này lại không phù hợp với quy định rừng của nhà nước”, ông Nghĩa đặt vấn đề. 

Liên quan đến việc triển khai sàn giao dịch tín chỉ carbon, TS Lê Xuân Nghĩa chỉ ra rằng, khi bán tín chỉ carbon liên tỉnh, Bộ NN-PTNT là đơn vị đứng ra bán. Tuy nhiên, khi bán riêng lẻ thì của tỉnh nào tỉnh đó bán. Bán như vậy chưa thể mang lên sàn giao dịch, bởi khi lên sàn cần phải có mã và mã phải có chủ.

Do đó, CODE đang đề nghị sửa đổi Nghị định 06 để có thể sớm đưa tín chỉ carbon lên sàn giao dịch. 

Thứ hai là vấn đề giá carbon. Giá carbon đang rất “nóng”, CODE đã đàm phán được mức 30 USD/tín chỉ nhưng cũng gặp khó về thủ tục nên chưa thể bán. 

Ông Nghĩa nhắc lại lần đầu tiên bán tín chỉ carbon rừng cho WB với giá 5 USD/tấn, là khá cao và WB đã tặng lại cho Việt Nam tới 95% giá trị để đóng NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định) theo cam kết lộ trình Net Zero vào năm 2050. 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tiến hành đàm phán về việc chuyển nhượng 5,15 triệu tín chỉ carbon rừng của 11 tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên theo phương thức mua và tặng lại để Việt Nam đóng góp NDC với giá 10 USD/tấn; trường hợp Việt Nam muốn bán đứt thì 20 USD/năm. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT muốn nâng giá cao hơn hoặc bán có thời hạn (3-5 năm). 

Vướng mắc thứ ba, chúng ta bán 10,3 triệu tín chỉ carbon nhưng vẫn còn 4,9 triệu tấn bị “kẹt”. Nhiều doanh nghiệp liên hệ CODE đứng ra giúp họ mua, mặc dù số tín chỉ này chỉ còn hạn trong vòng 17 tháng. Tuy nhiên, khi làm việc với Bộ NN-PTNT thì chưa bán được vì còn phải thực hiện nhiều quy trình liên quan.

Theo đó, muốn bán phải đấu giá, có cơ quan giám sát, có người xây dựng hồ sơ kỹ thuật, tham vấn ý kiến các bộ ngành… “Không biết có bán được 4,9 triệu tín chỉ carbon này trước khi hết hạn không. Tiền từ bên ngoài rất nhiều nhưng chúng ta thiếu cơ chế để tiếp cận”, TS Lê Xuân Nghĩa nói. 

Tâm An (Nguồn: https://vietnamnet.vn/ban-tin-chi-carbon-rung-khach-muon-mua-gia-rat-cao-nhung-chua-ban-duoc-2309302.html)

Việt Nam có 57 triệu tín chỉ carbon rừng, bán giá nào hợp lý?

Chỉ riêng lĩnh vực lâm nghiệp Việt Nam đã có 57 triệu tín chỉ carbon, tương đương 52 triệu tấn CO2 có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế. Nếu lạc quan tính cả “rừng vàng biển bạc” thì Việt Nam có khoảng 5 tỷ tín chỉ carbon.

TS Lê Hoàng Thế – Công ty TNHH hệ sinh thái The Vos, cho biết, thị trường tín chỉ carbon là một hệ thống giao dịch cho phép mua bán quyền phát thải khí nhà kính giữa các đơn vị kinh doanh, giữa các tổ chức, giữa các địa phương hoặc giữa các quốc gia.

Thị trường tín chỉ carbon chia làm hai loại, gồm: thị trường tự nguyện và thị trường bắt buộc. Trong đó, thị trường tự nguyện dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Còn thị trường bắt buộc dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương, bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch để đáp ứng các chính sách về môi trường xã hội.

Hiện tại, Việt Nam nằm trong danh sách quốc gia có tốc độ tăng trưởng phát thải carbon cao nhất thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về cung ứng tín chỉ carbon. 

Ước tính riêng lĩnh vực lâm nghiệp Việt Nam đã có 57 triệu tín chỉ carbon, tương đương 52 triệu tấn CO2 có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế. Nếu lạc quan tính cả “rừng vàng biển bạc” thì nước ta có khoảng 5 tỷ tín chỉ carbon, ông Thế thông tin.

Theo ông Thế, nước ta có địa hình trải dài, không những có trữ lượng lớn về tín chỉ carbon mà còn có thể phát triển loại tín chỉ carbon siêu cấp, gọi là organic carbon.

Lĩnh vực lâm nghiệp nước ta có thể bán 52 triệu tấn CO2. Ảnh minh hoạ

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, đã đến lúc bài toán tăng trưởng không thể né tránh câu chuyện tín chỉ carbon. Thị trường tín chỉ carbon được thúc đẩy bởi các cam kết về khí hậu của doanh nghiệp, sự quan tâm của người tiêu dùng đối với việc giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Vậy, tín chỉ carbon được bán với mức giá nào là hợp lý?

Cuối năm 2023, Việt Nam đã thu được khoản tiền đầu tiên từ bán tín chỉ carbon rừng khi chuyển nhượng cho Ngân hàng Thế giới (WB) 10,3 triệu tấn CO2 với đơn giá 5 USD/tấn. Sau khi chuyển nhượng, nước ta thu về 51,5 triệu USD và số tiền này được chia cho các chủ rừng.

Thời gian qua, một số địa phương đã nhận được đề nghị của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đến tìm hiểu và đề xuất triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng (dịch vụ carbon rừng), bao gồm việc đo đạc, báo cáo, thẩm định, phát hành và thương mại tín chỉ carbon rừng. Tỉnh Quảng Nam, Sơn La, Lào Cai, Thanh Hóa đã đề xuất xây dựng và triển khai Đề án thí điểm đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon rừng.

Bộ NN-PTNT và Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent), cơ quan hành chính của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) đang chuẩn bị đàm phán, ký kết và triển khai Thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ theo Ý định thư (LoI) đã ký ngày 31/10/2021. 

Dự kiến, nước ta sẽ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 của vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ giai đoạn 2021-2025 với mức giá 10 USD/tín chỉ carbon.

TS Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon (CODE) cho biết, giá carbon đang rất “nóng”, CODE đã đàm phán được mức 30 USD/tín chỉ nhưng cũng gặp khó về thủ tục nên chưa thể bán (đọc thêm)

Trong phiên thảo luận tình hình kinh tế – xã hội ở Quốc hội mới đây, đại biểu Nguyễn Quang Huân – Phó chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam “rất phấn khởi” khi Việt Nam thu được 51,5 triệu USD từ chuyển nhượng tín chỉ carbon, nhưng đây là trong thị trường tự nguyện.

Ông cho rằng, nếu chúng ta không khẩn trương lập thị trường bắt buộc thì có thể sẽ rất thiệt thòi vì giá carbon trên thị trường tự nguyện hiện nay rất thấp, chỉ còn 10 USD/tín chỉ. Trong khi, ở thị trường bắt buộc có thể là 40, 50, 60 USD, thậm chí cơ chế JCM của EU có thể lên tới 110 USD/tín chỉ carbon.

Hiện nay, trên thế giới có gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đã ban hành thuế carbon, mức thuế từ 1-137 USD/tấn CO2 (1 tấn CO2 bằng 1 tín chỉ carbon). Do đó, phát triển thị trường tín chỉ carbon càng sớm sẽ giúp nông dân có được lợi nhuận kép từ sản phẩm nông nghiệp và từ tín chỉ carbon.

Tâm An (Nguồn: https://vietnamnet.vn/viet-nam-co-57-trieu-tin-chi-carbon-rung-ban-gia-nao-hop-ly-2311758.html)

Cục Lâm nghiệp: Sắp đàm phán, ký thêm thoả thuận bán tín chỉ carbon rừng

Bán tín chỉ carbon rừng đang được nhiều địa phương ở nước ta quan tâm và muốn triển khai sớm. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới, Cục Lâm nghiệp đã thông tin một loạt vấn đề liên quan để các tỉnh nắm rõ.

Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), thời gian qua, một số địa phương đã nhận được đề nghị của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đến tìm hiểu và đề xuất triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ cacbon rừng (dịch vụ carbon rừng), bao gồm việc đo đạc, báo cáo, thẩm định, phát hành và thương mại tín chỉ cacbon rừng

Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực mới, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đầy đủ, chi tiết và cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện trong thời gian tới. Do đó, Cục Lâm nghiệp cung cấp thông tin để Sở NN-PTNT các tỉnh tham khảo và cùng quan tâm hợp tác, triển khai.

Tiếp tục bán tín chỉ carbon rừng

Về triển khai về tình hình triển khai dịch vụ carbon rừng, theo Cục Lâm nghiệp, để triển khai đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), Chính phủ đã giao các bộ quản lý ngành, lĩnh vực mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến năm 2030. Trong đó, ngành nông nghiệp được giao giảm phát thải 129,8 triệu tấn CO2tđ. 

Trên cơ sở đó, Bộ NN-PTNT đã giao lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất giảm tối thiểu 39,31 triệu tấn CO2tđ đến năm 2025 và 79,1 triệu tấn CO2tđ đến năm 2030.

Theo báo cáo kết quả thực hiện REDD+ Việt Nam, giai đoạn 2014-2018, lượng giảm phát thải từ rừng đạt 56,7 triệu tấn (trong đó lượng giảm phát thải là 20,3 triệu tấn và lượng tăng hấp thụ là -36,4 triệu tấn).

Kết quả giảm phát thải và tăng hấp thụ có được là nhờ nỗ lực khôi phục, bảo vệ, phát triển rừng của cả nước trong giai đoạn vừa qua. Vì vậy, lĩnh vực lâm nghiệp có tiềm năng và đang từng bước chủ động hoàn thiện các điều kiện, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn chi tiết để tham gia thị trường carbon trong nước và quốc tế sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cam kết NDC.

Việt Nam đã thu 51,5 triệu USD từ bán tín chỉ carbon rừng. Ảnh minh hoạ: Thung Nham

Cục Lâm nghiệp cũng cho biết, Việt Nam đang triển khai duy nhất một Chương trình chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng, đó là Thoả thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) được ký ngày 22/10/2020 giữa Bộ NN-PTNT và Ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới. 

Theo ERPA, Việt Nam chuyển nhượng cho Ngân hàng Thế giới 10,3 triệu tấn CO2 với đơn giá 5 USD/tấn CO2. Tổng giá trị chi trả là 51,5 triệu USD, trong đó 95% lượng chuyển nhượng sẽ được tính vào NDC của Việt Nam. 

Để thực hiện ERPA này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107 quy định về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính ERPA.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT và Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent), cơ quan hành chính của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) đang chuẩn bị đàm phán, ký kết và triển khai Thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ theo Ý định thư (LoI) đã ký ngày 31/10/2021. 

Dự kiến, nước ta sẽ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 của vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ giai đoạn 2021-2025. Toàn bộ lượng tín chỉ chuyển nhượng này sẽ được tính vào cam kết NDC của Việt Nam.

Sẽ phân bổ hạn ngạch cho các vùng

Thời gian qua, một số tỉnh như Quảng Nam, Sơn La, Lào Cai, Thanh Hóa đã đề xuất xây dựng và triển khai Đề án thí điểm đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Tuy nhiên, đến nay các tỉnh này chưa thực hiện do thiếu quy định pháp luật và các hướng dẫn chi tiết.

Cục Lâm nghiệp cũng nêu một loạt khó khăn, vướng mắc trong triển khai dịch vụ carbon rừng. Đơn cử, chính sách và quy định pháp lý đã hình thành nhưng thiếu quy định, hướng dẫn chi tiết để có thể triển khai dịch vụ carbon rừng, bao gồm: quyền sở hữu carbon rừng, quy định về trao đổi, chuyển nhượng, cơ chế quản lý, sử dụng nguồn thu từ dịch vụ carbon rừng.

Vấn đề hạn ngạch giảm phát thải đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu NDC và tiềm năng tín chỉ carbon rừng có thể thương mại của từng địa phương chưa được xác định, phân bổ. Thông tin, nhận thức của nhiều bên liên quan đến dịch vụ carbon rừng còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, tiêu chuẩn carbon rừng và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định, cấp tín chỉ để áp dụng cho thị trường carbon trong nước chưa được xây dựng.

Bộ NN-PTNT sẽ triển khai đánh giá tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ carbon từ rừng cấp quốc gia, vùng, địa phương đến năm 2030 và có tính đến năm 2050.

Theo đó, sẽ phân bổ hạn ngạch giảm phát thải từ rừng cho các vùng sinh thái, các địa phương hàng năm giai đoạn 2021-2030 để thực hiện mục tiêu NDC. Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về tín chỉ carbon rừng và quy định chi tiết về hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng giảm phát thải/tăng hấp thụ carbon rừng.

Cùng với đó, xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống đăng ký, quản lý tín chỉ carbon rừng. Tham mưu tổ chức đàm phán, ký kết, triển khai thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ (ERPA) với Tổ chức tăng cường tài chính trong lâm nghiệp (Emergent) và các đối tác khác…

Hiện nay, các bộ, ngành đang xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý và các điều kiện thể chế, kỹ thuật và năng lực để triển khai thị trường carbon trong nước và tham gia thị trường carbon thế giới.

Do vậy, Cục Lâm nghiệp khuyến nghị các Sở NN-PTNT, việc thương mại, trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon rừng với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế phải tuân thủ quy định pháp luật và chỉ được thực hiện đối với lượng giảm phảt thải dôi dư sau khi đã hoàn thành trách nhiệm đóng góp NDC theo hạn ngạch được phân bổ.

Các địa phương chủ động huy động và lồng ghép các nguồn lực hợp pháp để triển khai các biện pháp giảm phát thải/tăng hấp thụ trên diện tích rừng quản lý để triển khai Kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực lâm nghiệp. Từ đó, làm cơ sở đề xuất, triển khai các dự án chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng.

Tâm An (Nguồn: https://vietnamnet.vn/cuc-lam-nghiep-thong-tin-loat-van-de-lien-quan-thuong-mai-tin-chi-carbon-rung-2305959.html)

Lợi ích kép của ngành gỗ Việt Nam trong việc tạo ra tín chỉ carbon

(VietQ.vn) – Mới đây, Việt Nam đã nhận được hơn 51 triệu USD từ Ngân hàng thế giới từ việc chuyển nhượng hơn 10 triệu tín chỉ carbon rừng cho thấy sự quan tâm của các tổ chức nước ngoài cho các dự án carbon nói chung và các dự án carbon từ ngành gỗ nói riêng tại Việt Nam là rất lớn.

Theo ông Phùng Quốc Mẫn, Phó Chủ tịch HAWA (Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM), cho biết năm 2023 kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam chỉ đạt 14,5 tỷ USD so với 15.8 tỷ USD năm 2022. Một trong những thị trường giảm mạnh nhất là EU. Trong hai tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đã có dấu hiệu tăng trưởng tích cực và dự kiến năm nay ngành gỗ Việt Nam sẽ phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 16 tỷ USD.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng để đạt được mục tiêu trên, các doanh nghiệp ngành gỗ cần hiểu rõ, đáp ứng và mở rộng các thi trường xuất khẩu, tận dụng các cơ hội từ nhiều phía để tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, trong đó có vấn đề tài chính carbon và thị trường carbon. Bởi vấn đề tài chính xanh và thị trường carbon không xa lạ với các nước phát triển nhưng lại là vấn đề hoàn toàn mới mẻ tại Việt Nam nói chung và ngành gỗ nói riêng.

Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, ông Nguyễn Ngọc Tùng, Giám đốc Quỹ VinaCarbon đánh giá, ngành gỗ có tiềm năng rất lớn trong việc tạo ra tín chỉ carbon để bù đắp cho các ngành công nghiệp khác và giúp Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bởi cây có tính năng hấp thụ carbon trong khí quyển và lưu trữ trong gỗ, hoặc có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng cách sử dụng như một nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài ra, ở một số lĩnh vực, gỗ có thể được sử dụng thay thế cho các vật liệu phát thải cao khác như bê tông, nhựa…

Việt Nam có khoảng hơn 14 triệu ha rừng, trong số đó có gần một nửa là rừng sản xuất. Theo ông Tùng, nếu các DN ngành gỗ nhận thức được việc đầu tư phát triển bền vững, giảm phát thải là xu thế tất yếu và cần thiết phải thực hiện thì nguồn thu của DN không chỉ đến từ các hoạt động chế biến gỗ và lâm sản mà còn từ tín chỉ carbon. Đồng thời, đầu tư cho giảm phát thải cho ngành gỗ cũng đồng nghĩa với DN tuân thủ các quy định quốc tế về quản lý và khai thác rừng bền vững, do đó sẽ tăng tính cạnh canh và khả năng thâm nhập vào các thị trường như EU, mang lại giá trị cao hơn cho hàng xuất khẩu của DN.

Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Rừng Việt Nam (VFCO) cũng cho biết, kết quả kiểm kê khí nhà kính quốc gia và tính toán phát thải khí trong lâm nghiệp cho thấy lĩnh vực lâm nghiệp là lĩnh vực duy nhất có phát thải ròng âm, tức là lượng hấp thụ carbon của rừng lớn hơn lượng phát thải carbon. Tính trung bình trong giai đoạn 2010-2020, lượng phát thải ròng trung bình năm trong lâm nghiệp là khoảng âm 40 triệu tấn CO2 tương đương. Nếu quy ra giá trị bằng tiền để giảm 40 triệu tấn CO2 tương đương khoảng 3.500 tỷ đồng với giả định chi phí giảm phát thải 1 tấn CO2 tương đương là 5 USD.

Qua đó cho thấy, ngoài các lợi ích lâm sản mà rừng đang mang lại cho hoạt động sản xuất, việc thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lâm nghiệp sẽ góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam và tạo nguồn tài chính bổ sung từ các hoạt động mua bán, trao đổi và thương mại tín chỉ carbon tại thị trường carbon trong nước và quốc tế. Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng thị trường carbon trong nước và khi đi vào hoạt động sẽ mở ra các cơ hội về mua bán, trao đổi, thương mại tín chỉ carbon giữa các DN, thúc đẩy đầu tư cho giảm phát thải khí nhà kính và tăng hấp thụ carbon trong các hoạt động lâm nghiệp.

Cần chủ động và tích cực “xanh hóa”

Là một trong các quốc gia hàng đầu về chế biến gỗ và lâm sản, các chính sách của Việt Nam đang hướng đến một nền lâm nghiệp bền vững, đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Các định hướng chính sách lớn về phát triển lâm nghiệp đến năm 2030 là đạt mục tiêu 1 triệu ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững và 100% diện tích rừng của tổ chức thực hành quản lý rừng bền vững.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Hệ thống chứng chỉ rừng Quốc gia (VFCS) đã được thành lập theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 1/10/2018, được Tổ chức chứng chỉ rừng quốc tế (PEFC) công nhận và được quản lý và vận hành bởi Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững. Kể từ khi chính thức vận hành vào năm 2020, thương hiệu Chứng chỉ rừng Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, đáp ứng các yêu cầu thị trường, nâng cao thương hiệu gỗ Việt, thúc đẩy thương mại sản phẩm lâm sản và nâng cao năng lực của các bên liên quan.

Vũ Tấn Phương khẳng định, từ yêu cầu của thị trường, sử dụng nguyên liệu gỗ được chứng nhận sẽ là xu hướng chính trong những năm tới. Các lợi ích tài chính trực tiếp từ thương mại carbon có thể được tạo ra, nếu các DN đáp ứng các yêu cầu của thị trường carbon. Ngoài ra, việc sản xuất theo hướng giảm phát thải, carbon thấp sẽ tạo ra các cơ hội về tiếp cận công nghệ sản xuất xanh, nâng cao năng lực. Những lợi ích này sẽ nâng cao giá trị của DN, tạo ra các lợi thế cạnh tranh trong tiếp cận thị trường và thể hiện trách nhiệm của DN đối với các vấn đề bảo vệ môi trường, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Từ góc độ của một đơn vị tư vấn, ông Trần Đức Trí Quang, Giám đốc Dữ liệu FPT IS chia sẻ quy trình tạo ra tín chỉ carbon có 3 bước chính: đánh giá phát thải cơ sở 3 năm trước khi thực hiện dự án; đánh giá giảm phát thải và ước tính tín chỉ từ năm thứ 2; đánh giá tính khả thi, hoàn thành đăng ký, đánh giá độc lập… Trong đó, điểm khởi đầu bắt buộc là giá trị phát thải cơ sở 3 năm trước khi thực hiện dự án. Do đó, khi DN cân nhắc lập dự án giảm phát thải, cần thiết thực hiện kiểm kê khí nhà kính và tích lũy dữ liệu trong 3 năm làm cơ sở tính toán khả năng giảm phát thải.

Trong khi đó, để thu hút đầu tư và tận dụng nguồn vốn của các quỹ đầu tư, ông Quang cho rằng, các DN ngành gỗ cần chủ động và tích cực trong quá trình “xanh hóa”, từ việc ban lãnh đạo phải nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển bền vững, thiết lập các bộ phận chuyên trách và sẵn sàng thay đổi cách tiếp cận, quản lý cho phù hợp với một dự án tạo tín chỉ carbon. Bên cạnh đó, DN cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi số để giảm chi phí sản xuất; tăng cường quảng bá thương hiệu và chất lượng sản phẩm và xây dựng các khu công nghiệp chế biến tập trung quy mô lớn.

Diệu Hường (t/h) (Nguồn: https://vietq.vn/loi-ich-kep-cua-nganh-go-viet-nam-trong-viec-tao-ra-tin-chi-carbon-d220098.html)

Tích hợp truy xuất nguồn gốc trong kiểm kê khí nhà kính đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp

(VietQ.vn) – Kết hợp kiểm kê khí nhà kính vào hệ thống truy xuất nguồn gốc sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch, chính xác qua đó giúp nâng cao khả năng kiểm kê và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Sau cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) và bảo vệ tầng ô-zôn. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng ký Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg yêu cầu 1912 cơ sở phát thải KNK thực hiện kiểm kê. Hiện tại, các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ các chuyên gia và công cụ công nghệ để thực hiện kiểm kê và giảm nhẹ phát thải KNK.

Theo quy định, các cơ sở phải kiểm kê KNK nếu phát thải từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc các ngành công nghiệp lớn, vận tải hàng hóa, tòa nhà thương mại, và xử lý chất thải rắn. Hiện nay, các cơ sở đang trong giai đoạn kiểm kê và xây dựng báo cáo, rất cần tư vấn và công cụ tính toán từ các chuyên gia.

Kiểm kê KNK là một hoạt động quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Đây là quá trình thu thập thông tin, số liệu về các nguồn phát thải KNK, tính toán lượng phát thải và hấp thụ khí nhà kính trong một phạm vi nhất định và trong một năm cụ thể, dựa trên các phương pháp và quy trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Việc kiểm kê này không chỉ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tác động môi trường của mình mà còn là nền tảng để phát triển các chiến lược giảm nhẹ phát thải, hướng tới phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, khái niệm truy xuất nguồn gốc (TXNG) vẫn còn khá mới mẻ, nhưng đã và đang được triển khai mạnh mẽ. Đặc biệt, sự kết hợp giữa kiểm kê KNK và TXNG đang mở ra những cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong việc nâng cao tính minh bạch và chính xác của quá trình sản xuất, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng khắt khe.

Ngày 28/03/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN về quản lý TXNG sản phẩm hàng hóa, quy định chi tiết các thông tin tối thiểu cần có trong hệ thống TXNG. Các thông tin này bao gồm tên sản phẩm, hình ảnh, nhà sản xuất, địa chỉ sản xuất, các công đoạn sản xuất, mã truy vết, thời gian sản xuất, mã TXNG sản phẩm, và các tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng. Việc tiêu chuẩn hóa và tích hợp các thông tin này vào hệ thống kiểm kê KNK giúp doanh nghiệp dễ dàng theo dõi, tính toán và báo cáo lượng phát thải một cách chính xác hơn.

Một ví dụ điển hình về sự kết hợp này là Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về xuất khẩu cà phê tại Việt Nam. Với sự hỗ trợ của Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia, Vĩnh Hiệp đã triển khai hệ thống TXNG điện tử cho sản phẩm cà phê, tích hợp các công cụ tính toán phát thải KNK. Hệ thống này không chỉ giúp xác định nguồn gốc nguyên liệu mà còn theo dõi toàn bộ quá trình sản xuất, từ khâu chăm sóc, chế biến đến kiểm soát chất lượng và tính toán lượng CO2 phát thải. Kết quả đạt được đã giúp doanh nghiệp không chỉ nâng cao tính minh bạch trong chuỗi cung ứng mà còn kiểm soát tốt hơn lượng phát thải KNK, đặc biệt trong bối cảnh các yêu cầu về sản phẩm “xanh” ngày càng tăng cao từ các thị trường quốc tế.

Vinamilk là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam chuẩn hóa phương pháp đo lường và kiểm kê KNK theo tiêu chuẩn ISO 14064 cho hoạt động sản xuất và chăn nuôi. Với việc hoàn thành kiểm kê KNK tại các đơn vị năm 2022, Vinamilk đã đạt được những kết quả ấn tượng, trong đó Nhà máy sữa Vinamilk Nghệ An và Trang trại bò sữa Vinamilk Nghệ An đã trở thành những đơn vị đầu tiên đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS2060:2014. Việc này không chỉ khẳng định trách nhiệm xã hội của Vinamilk mà còn mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong việc giảm phát thải KNK và duy trì quỹ cây xanh để hấp thụ khí nhà kính.

Tương tự, Công ty CP Công nghệ cao Traphaco đã sử dụng viên nén mùn cưa thay cho than cám trong vận hành hệ thống lò hơi, giúp giảm đáng kể lượng phát thải KNK. Nhờ hoạt động kiểm kê, Traphaco lần đầu tiên xác định được lượng phát thải KNK từ hoạt động này và đặt ra mục tiêu cắt giảm thêm 10% lượng khí thải carbon so với công nghệ sử dụng than cám trước đây.

Tuy nhiên, việc kiểm kê KNK không chỉ đơn thuần là thu thập và tính toán số liệu mà còn yêu cầu sự hỗ trợ của các chuyên gia và công nghệ để đảm bảo tính chính xác và minh bạch. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang gặp nhiều khó khăn trong việc đo lường và báo cáo lượng phát thải KNK do thiếu công nghệ và kiến thức chuyên môn. Để hỗ trợ, việc áp dụng các công cụ tích hợp, sử dụng công nghệ IoT và AI trong thu thập và phân tích dữ liệu, cũng như sử dụng các mô hình dự báo để quản lý rủi ro biến đổi khí hậu, là cần thiết.

Theo TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, để đảm bảo tính chính xác, minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế của các báo cáo kiểm kê KNK, các phương pháp kiểm kê cần phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, việc chuẩn hóa năng lực đội ngũ chuyên gia kiểm kê cũng rất quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam có thể hòa nhập và đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế.

Trong bối cảnh quốc tế, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra những yêu cầu khắt khe về việc báo cáo phát thải KNK đối với hàng hóa nhập khẩu. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để họ nâng cao tiêu chuẩn sản xuất, tích hợp kiểm kê KNK với TXNG và các giải pháp chuyển đổi số để phát triển bền vững.

Có thể thấy, việc tích hợp kiểm kê KNK với TXNG không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao khả năng kiểm soát và giảm nhẹ phát thải KNK mà còn đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế. Đây là một hướng đi mới, đầy tiềm năng cho sự phát triển bền vững và hội nhập của doanh nghiệp trong tương lai.

Kể từ năm 2025, hàng nghìn doanh nghiệp sẽ bắt buộc phải thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Mặt khác, kể từ đầu năm 2024, nhà nhập khẩu vào EU các sản phẩm phân bón, sắt, thép, nhôm và xi măng sẽ phải thực hiện báo cáo khí thải nhà kính trên mỗi đơn vị sản phẩm, theo cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới.

Duy Trinh (Nguồn: https://vietq.vn/ap-dung-truy-xuat-nguon-goc-trong-kiem-ke-khi-nha-kinh-giai-phap-moi-cho-doanh-nghiep-d224362.html)

Thúc đẩy áp dụng tiêu chuẩn ISO 14064 về hệ thống quản lý xác minh và tính toán khí nhà kính

(VietQ.vn) – Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14064 về Hệ thống quản lý xác minh và tính toán khí nhà kính là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn. ISO 14064 đưa ra các hướng dẫn và yêu cầu rõ ràng về định lượng và xác minh lượng phát thải trong kiểm kê khí nhà kính với 3 tiêu chuẩn con: ISO 14064-1, 14064-2, 14064-3.

Hiện nay, biến đổi khí hậu được coi là một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia, chính phủ, doanh nghiệp và công dân phải đối mặt. Biến đổi khí hậu liên quan đến cả con người và các hệ tự nhiên, có thể dẫn đến thay đổi đáng kể trong việc sử dụng nguồn lực, sản xuất và các hoạt động kinh tế.

Đáp lại, các sáng kiến mang tính địa phương, quốc gia, vùng và quốc tế đang được phát triển và ứng dụng để giảm phát thải khí nhà kính. Các sáng kiến như vậy dựa trên việc định lượng, quan trắc, báo cáo và đánh giá phát thải và/hoặc loại bỏ khí nhà kính.

Do đó, việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14064 về Hệ thống quản lý xác minh và tính toán khí nhà kính là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn. ISO 14064 đưa ra hướng dẫn và yêu cầu rõ ràng về định lượng và xác minh lượng phát thải trong kiểm kê khí nhà kính với 3 tiêu chuẩn con: ISO 14064-1, 14064-2, 14064-3.

Cụ thể, ISO 14064 nêu chi tiết các nguyên tắc và yêu cầu về thiết kế, triển khai, quản lý và báo cáo các kiểm kê khí nhà kính thuộc cấp công ty, hoặc tổ chức. Tiêu chuẩn bao gồm các yêu cầu để xác định ranh giới phát thải khí nhà kính, định lượng và biện pháp loại bỏ khí nhà kính của một tổ chức và xác nhận các hành động hoặc hoạt động cụ thể của công ty vào việc cải tiến quản lý khí nhà kính. Tiêu chuẩn này cũng bao gồm yêu cầu và hướng dẫn về các quản lý chất lượng kiểm kê, báo cáo, đánh giá nội bộ và trách nhiệm của tổ chức về các hoạt động kiểm định.

ISO 14064-2 nhấn mạnh về các dự án khí nhà kính hoặc hoạt động dựa trên các dự án được thiết kế đặc biệt để giảm thiểu phát thải khí nhà kính hoặc làm tăng cường loại bỏ khí nhà kính.

Tiêu chuẩn này bao gồm các nguyên tắc, yêu cầu để xác định kịch bản ranh giới của dự án và để quan trắc, định lượng cũng như báo cáo hiệu quả hoạt động của dự án tương quan đến ranh giới kịch bản nền và cung cấp cơ sở dữ liệu cho các dự án khí nhà kính sẽ được thẩm định, kiểm định.

ISO 14064-3 nêu chi tiết các nguyên tắc và yêu cầu để đánh giá các kiểm kê khí nhà kính và thẩm định hoặc kiểm định các dự án khí nhà kính. Tiêu chuẩn này mô tả quá trình thẩm định hoặc kiểm định khí nhà kính có liên quan và xác định các thành phần như hoạch định thẩm định hoặc kiểm định, quy trình đánh giá và đánh giá của tổ chức hoặc các xác nhận khí nhà kính của dự án. Các tổ chức hoặc các bên hoạt động độc lập có thể áp dụng TCVN ISO 14064-3 để thẩm định hoặc kiểm định các xác nhận khí nhà kính.

Bộ tiêu chuẩn ISO 14064 được kỳ vọng áp dụng cho các tổ chức có lợi nhuận, các chính phủ, các bên đề xuất dự án và những người có chung quyền lợi khắp thế giới bằng cách cung cấp tính rõ ràng và nhất quán để định lượng, quan trắc, báo cáo và thẩm định hoặc kiểm định các kiểm kê khí nhà kính, các dự án khí nhà kính.

Mai Phương (Nguồn: https://vietq.vn/thuc-day-ap-dung-tieu-chuan-iso-14064-ve-he-thong-quan-ly-xac-minh-va-tinh-toan-khi-nha-kinh-d224345.html)

Tiêu chuẩn GHG Protocol về đo lường và báo cáo phát thải khí nhà kính

(VietQ.vn) – GHG Protocol do Viện Tài nguyên thế giới (WRI) và Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới về Phát triển bền vững (WBCSD) phát triển để giúp các công ty, tổ chức và chính phủ tính toán, quản lý lượng phát thải khí nhà kính của họ.

Khí nhà kính là một tập hợp các khí tự nhiên và nhân tạo có khả năng gây hiệu ứng nhà kính trên Trái Đất. Các khí này có khả năng hấp thụ và tỏa nhiệt độ, giữ lại nhiệt năng từ ánh sáng mặt trời và gây ra sự gia tăng của hiệu ứng nhà kính. Hiệu ứng nhà kính là hiện tượng mà các khí nhà kính tạo ra một lớp chắn bức xạ trong khí quyển, giữ lại nhiệt và làm tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất.

Hoạt động kiểm kê khí nhà kính có tầm quan trọng đối với việc đánh giá và quản lý tác động của con người lên biến đổi khí hậu và sự thay đổi trong hệ thống khí quyển. Vì vậy, không chỉ tại Việt Nam mà các nước trên thế giới luôn có sự quan tâm đối với hoạt động kiểm kê khí nhà kính của doanh nghiệp.

Theo đó, tiêu chuẩn GHG Protocol là một trong những tiêu chuẩn phổ biến được sử dụng để đo lường và báo cáo phát thải khí nhà kính hiện nay đối với các tổ chức, doanh nghiệp. GHG Protocol do Viện Tài nguyên thế giới (WRI) và Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới về Phát triển bền vững (WBCSD) phát triển để giúp các công ty, tổ chức và chính phủ tính toán, quản lý lượng phát thải khí nhà kính của họ.

Tại COP 26, Việt Nam đặt ra mục tiêu giảm mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ảnh minh họa.

GHG Protocol cung cấp hướng dẫn, phương pháp tính toán và khuôn khổ báo cáo theo ngành cụ thể cho các loại hình tổ chức và hoạt động khác nhau.

GHG Protocol chia phát thải khí nhà kính làm ba phạm vi: Phạm vi 1 – phát thải trực tiếp từ các nguồn được sở hữu hoặc kiểm soát. Phạm vi 2 – phát thải gián tiếp từ việc sản xuất các nguồn năng lượng điện, nhiệt, hơi do tổ chức mua và sử dụng. Phạm vi 3 – tất cả các phát thải gián tiếp khác xảy ra trong chuỗi giá trị.

GHG Protocol tương đối toàn diện và chi tiết, bao trùm nhiều lĩnh vực và hoạt động, đồng thời cung cấp thêm hướng dẫn, công cụ để tính toán, quản lý khí nhà kính.

Mai Phương (Nguồn: https://vietq.vn/tieu-chuan-ghg-protocol-ve-do-luong-va-bao-cao-phat-thai-khi-nha-kinh-d224449.html)

Tiêu chuẩn ISO 14067:2018 về xác định dấu vết carbon của sản phẩm

(VietQ.vn) – Tiêu chuẩn ISO 14067:2018 là tiêu chuẩn tham chiếu, đưa ra các nguyên tắc, yêu cầu và hướng dẫn cho việc xác định dấu vết carbon của một sản phẩm. Tiêu chuẩn ISO 14067 thuộc bộ tiêu chuẩn môi trường ISO 14000, cho phép doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm với môi trường.

Trong bối cảnh hướng đến phát triển bền vững, việc xác định dấu chân carbon của sản phẩm ngày càng trở nên phổ biến ở mỗi quốc gia. Vấn đề giảm thiểu tác động của dấu chân carbon đang được coi là một ưu tiên hàng đầu trong các nỗ lực bảo vệ môi trường.

Theo đó, tiêu chuẩn ISO 14067:2018 là tiêu chuẩn tham chiếu, đưa ra các nguyên tắc, yêu cầu và hướng dẫn cho việc xác định dấu vết carbon của một sản phẩm. Tiêu chuẩn ISO 14067 thuộc bộ tiêu chuẩn môi trường ISO 14000, cho phép doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm với môi trường.

Tiêu chuẩn yêu cầu tổ chức lập báo cáo nghiên cứu CFP dựa trên phân tích vòng đời của sản phẩm thông qua các phương pháp luận đánh giá vòng đời của ISO 14040 và ISO 14044.

CFP hay còn được hiểu là dấu vết carbon của một sản phẩm là tổng lượng phát thải nhà kính được tạo ra trong quá trình đánh giá vòng đời của một sản phẩm – nghĩa là từ việc thu mua hoặc tạo ra nguyên liệu thô từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho đến khi xử lý cuối cùng sau sử dụng.

Áp dụng tiêu chuẩn ISO 14067:2018 mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: Tăng cường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; Tăng hiểu biết về các nguồn phát thải, loại bỏ khí nhà kính của các quá trình trong chuỗi cung ứng của sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp; Xác định các nguồn phát thải chính của các dịch vụ/sản phẩm của doanh nghiệp; Xác định các khu vực, các công đoạn tiềm năng cho hoạt động giảm phát thải; Tạo điều kiện cho việc đánh giá lựa chọn thiết kế sản phẩm, tìm nguồn cung ứng thay thế, các lựa chọn nguyên liệu, vận chuyển, tái chế, các quá trình xử lý chất thải…

Tăng tính nhận diện và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; Đáp ứng các yêu cầu của khách hàng, cũng như chứng minh với khách hàng, đối tác về trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng thông qua việc thực hiện các hành động nhằm giảm tphát thải khí nhà kính góp phần giảm biến đổi khí hậu;…

Tiêu chuẩn ISO 14067:2018 có thể thực hiện cho mọi loại hình sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bởi các doanh nghiệp ở tất cả các quy mô khác nhau.

Mai Phương (Nguồn: https://vietq.vn/tieu-chuan-iso-140672018-ve-xac-dinh-dau-vet-carbon-cua-san-pham-d224421.html)

2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính

(VietQ.vn) – Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Theo đó, danh mục lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gồm:

Năng lượng: Công nghiệp sản xuất năng lượng; tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ và dân dụng; khai thác than; khai thác dầu và khí tự nhiên.

Giao thông vận tải: Tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải.

Xây dựng: Tiêu thụ năng lượng trong ngành xây dựng; các quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng.

Các quá trình công nghiệp: Sản xuất hóa chất; luyện kim; công nghiệp điện tử; sử dụng sản phẩm thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ozon; sản xuất và sử dụng các sản phẩm công nghiệp khác.

Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất: Chăn nuôi; lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất; trồng trọt; tiêu thụ năng lượng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; các nguồn phát thải khác trong công nghiệp.

Chất thải: Bãi chôn lấp chất thải rắn; xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học; thiêu đốt và đốt lộ thiên chất thải; xử lý và xả thải nước thải.

 2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê

Quyết định nêu cụ thể danh mục 2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật năm 2024; trong đó có 1.805 cơ sở thuộc ngành công thương; 75 cơ sở thuộc ngành giao thông vận tải; 229 cơ sở thuộc ngành xây dựng và 57 cơ sở thuộc ngành tài nguyên và môi trường.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ sở phát thải khí nhà kính thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở theo hướng dẫn của các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính của cơ sở theo Nghị định của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon theo quy định.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc có liên quan đôn đốc các cơ sở phát thải khí nhà kính trên địa bàn thuộc danh mục ban hành kèm theo Quyết định này thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định; cập nhật, điều chỉnh danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính trên địa bàn phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ quản lý lĩnh vực có liên quan theo quy định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, cập nhật danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Quyết định 13/2024/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2024. Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính hết hiệu lực từ ngày 1/10/2024.

Các cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục quy định tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg nhưng không thuộc danh mục quy định tại Quyết định 13/2024/QĐ-TTg không có nghĩa vụ thực hiện và nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở năm 2025.

Nam Dương (Nguồn: https://vietq.vn/2166-co-so-phat-thai-khi-nha-kinh-phai-thuc-hien-kiem-ke-khi-nha-kinh-d224385.html)

So sánh tiêu chuẩn GHG Protocol và ISO 14064 về đo lường, báo cáo phát thải khí nhà kính

(VietQ.vn) – Hoạt động kiểm kê khí nhà kính có tầm quan trọng đối với việc đánh giá, quản lý tác động của con người lên biến đổi khí hậu và sự thay đổi trong hệ thống khí quyển. Hiện nay, hai tiêu chuẩn phổ biến được sử dụng để đo lường và báo cáo phát thải khí nhà kính là GHG Protocol và ISO 14064.

Khí nhà kính là tập hợp các khí tự nhiên và nhân tạo có khả năng gây hiệu ứng nhà kính trên Trái Đất. Các khí này có khả năng hấp thụ và tỏa nhiệt độ, giữ lại nhiệt năng từ ánh sáng mặt trời và gây ra sự gia tăng của hiệu ứng nhà kính. Hiệu ứng nhà kính là hiện tượng mà các khí nhà kính tạo ra một lớp chắn bức xạ trong khí quyển, giữ lại nhiệt và làm tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất.

Hoạt động kiểm kê khí nhà kính có tầm quan trọng đối với việc đánh giá và quản lý tác động của con người lên biến đổi khí hậu và sự thay đổi trong hệ thống khí quyển. Vì vậy, không chỉ tại Việt Nam mà các nước trên thế giới luôn có sự quan tâm đối với hoạt động kiểm kê khí nhà kính của doanh nghiệp. Hiện nay, hai tiêu chuẩn phổ biến được sử dụng để đo lường và báo cáo phát thải khí nhà kính là GHG Protocol và ISO 14064.

GHG Protocol là bộ công cụ hướng dẫn do Viện Tài nguyên thế giới (WRI) và Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới về Phát triển bền vững (WBCSD) phát triển để giúp các công ty, tổ chức và chính phủ tính toán, quản lý lượng phát thải khí nhà kính của họ. GHG Protocol cũng cung cấp hướng dẫn, phương pháp tính toán và khuôn khổ báo cáo theo ngành cụ thể cho các loại hình tổ chức và hoạt động khác nhau.

ISO 14064 là một chuỗi các tiêu chuẩn quốc tế do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) phát triển để giúp các tổ chức định lượng, giám sát, báo cáo và xác minh lượng phát thải khí nhà kính và lượng khí nhà kính đã được loại bỏ. ISO 14064 bao gồm ba phần: phần 1 (hướng dẫn ở cấp tổ chức), phần 2 (hướng dẫn ở cấp dự án) và phần 3 (hướng dẫn yêu cầu và quy trình xác nhận và xác minh). Bộ tiêu chuẩn ISO 14064 tương thích với các tiêu chuẩn ISO khác, chẳng hạn như ISO 14001 về hệ thống quản lý môi trường,…

Về điểm giống nhau, cả hai tiêu chuẩn đều dựa trên nguyên tắc cơ bản: liên quan, đầy đủ, thống nhất, minh bạch và chính xác. Cả hai tiêu chuẩn đều cho phép tính linh hoạt và thích ứng với bối cảnh và mục tiêu cụ thể của từng tổ chức hoặc dự án, đồng thời khuyến khích cải tiến liên tục, sự tham gia của các bên liên quan.

Về điểm khác nhau, GHG Protocol chia phát thải khí nhà kính làm ba phạm vi: Phạm vi 1 (phát thải trực tiếp từ các nguồn được sở hữu hoặc kiểm soát), tương tự như Loại 1 của ISO 14064. Phạm vi 2 (phát thải gián tiếp từ việc sản xuất các nguồn năng lượng điện, nhiệt, hơi do tổ chức mua và sử dụng), tương tự như Loại 2 của ISO 14064. Phạm vi 3 (tất cả phát thải gián tiếp khác xảy ra trong chuỗi giá trị). Phạm vi 3 của GHG Protocol bao trùm Loại 3,4,5,6 của ISO 14064.

Ở cấp độ tổ chức, tiêu chuẩn ISO 14064-1 phân loại phát thải khí nhà kính thành sáu loại: Loại 1- Phát thải và loại bỏ khí nhà kính trực tiếp; Loại 2 – Phát thải khí nhà kính gián tiếp từ năng lượng nhập khẩu; Loại 3 – Phát thải khí nhà kính gián tiếp từ giao thông vận tải; Loại 4 – Phát thải khí nhà kính gián tiếp từ các sản phẩm được tổ chức sử dụng; Loại 5 – Phát thải khí nhà kính gián tiếp liên quan đến việc sử dụng sản phẩm của tổ chức; Loại 6 – Phát thải khí nhà kính gián tiếp từ các nguồn khác.

Đối với phạm vi áp dụng, GHG Protocol tương đối toàn diện và chi tiết hơn, bao trùm nhiều lĩnh vực, hoạt động hơn, đồng thời cung cấp thêm hướng dẫn và công cụ để tính toán, quản lý khí nhà kính. Còn ISO 14064 tổng quát và ngắn gọn hơn, tập trung vào các yêu cầu, thông số kỹ thuật để định lượng, giám sát, báo cáo và xác minh khí nhà kính, đồng thời có nhiều không gian hơn cho việc giải thích và điều chỉnh.

Các chuyên gia đánh giá, GHG Protocol và ISO 14064 có thể khác nhau về cách tiếp cận và phân loại phát thải nhưng cả hai đều cung cấp khuôn khổ hữu ích cho việc tính toán, kiểm kê khí nhà kính. Để có thể lựa chọn tiêu chuẩn để tính toán và quản lý khí nhà kính, cần xem xét một số yếu tố như mục đích, phạm vi, đối tượng, nguồn lực. Cả hai tiêu chuẩn đều tương thích và bổ sung cho nhau; các công ty và tổ chức có thể sử dụng GHG Protocol để xác định, tính toán lượng phát thải khí nhà kính, sau đó sử dụng ISO 14064 để báo cáo và xác minh.

Mai Phương (Nguồn: https://vietq.vn/so-sanh-tieu-chuan-ghg-protocol-va-iso-14064-ve-do-luong-va-bao-cao-phat-thai-khi-nha-kinh-d224565.html)

TIN TIÊU CHUẨN VỀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI

Lợi ích khi áp dụng tiêu chuẩn ISO 26000 về trách nhiệm xã hội

(VietQ.vn) – Áp dụng tiêu chuẩn ISO 26000 mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: Tăng cường uy tín và hình ảnh của công ty; Tạo môi trường làm việc lành mạnh và công bằng; Đáp ứng yêu cầu của thị trường; Tuân thủ hiệu quả các quy định pháp luật về vấn đề kinh doanh, môi trường, chất lượng sản phẩm hàng hóa… trên thế giới;…

Đánh giá trách nhiệm xã hội không chỉ đơn thuần là xu hướng mà đã trở thành tín hiệu mạnh mẽ về sự tiến bộ của doanh nghiệp thời hiện đại. Từ đó thể hiện sự nhạy bén đáng kể về vai trò của doanh nghiệp không chỉ trong việc tạo ra lợi nhuận, mà còn góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững.

ISO 26000 là tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế (ISO) về hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng và thực hiện trách nhiệm xã hội một cách hiệu quả.

Tiêu chuẩn bao gồm các hướng dẫn tự nguyện và không có yêu cầu về một hệ thống quản lý đạt chuẩn cụ thể, do đó nó không thể được chứng nhận giống như những tiêu chuẩn ISO khác (ISO 9001 về hệ thống quản lý chất lượng, ISO 14001 về hệ thống quản lý môi trường,…).

Áp dụng tiêu chuẩn ISO 26000 mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: Tăng cường uy tín và hình ảnh của công ty; Tạo môi trường làm việc lành mạnh và công bằng; Đáp ứng yêu cầu của thị trường; Tuân thủ hiệu quả các quy định pháp luật về vấn đề kinh doanh, môi trường, chất lượng sản phẩm hàng hóa… trên thế giới;

Xây dựng nền tảng kinh doanh bền vững là bước đệm giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ; Cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ với tiềm năng lợi nhuận; Tăng lòng trung thành và cam kết của người lao động đối với doanh nghiệp; Tăng năng suất, tối ưu hiệu quả quản lý;…

Nội dung chính của tiêu chuẩn ISO 26000 được cấu trúc như sau: Thứ nhất là phạm vi – xác định phạm vi của tiêu chuẩn này và nhận biết những hạn chế và ngoại lệ nhất định;

Thứ hai là thuật ngữ và định nghĩa – xác định và cung cấp định nghĩa của các thuật ngữ chính có tầm quan trọng cơ bản cho việc hiểu về trách nhiệm xã hội và sử dụng tiêu chuẩn này;

Thứ ba là hiểu biết về trách nhiệm xã hội – mô tả các yếu tố và điều kiện quan trọng có ảnh hưởng đến việc phát triển trách nhiệm xã hội và còn tiếp tục tác động đến tính chất và thực hành trách nhiệm xã hội. Điều này cũng mô tả khái niệm trách nhiệm xã hội – có nghĩa là gì và được áp dụng như thế nào với tổ chức. Điều này bao gồm hướng dẫn cho các tổ chức quy mô nhỏ và vừa áp dụng tiêu chuẩn này.

Thứ tư là nguyên tắc trách nhiệm xã hội – giới thiệu và giải thích các nguyên tắc trách nhiệm xã hội: trách nhiệm giải trình, minh bạch, hành vi đạo đức, tôn trọng lợi ích của các bên liên quan, tôn trọng nguyên tắc pháp quyền, tôn trọng các chuẩn mực hành vi quốc tế, tôn trọng quyền con người;

Thứ năm là nhận biết về trách nhiệm xã hội và việc tham gia của các bên liên quan – đề cập đến sự thừa nhận của một tổ chức đối với trách nhiệm xã hội của mình, đồng thời xác định và gắn kết các bên liên quan của tổ chức, doanh nghiệp;

Thứ sáu là hướng dẫn về các đối tượng chính, chủ đề cốt lõi của trách nhiệm xã hội – giải thích các chủ đề cốt lõi và vấn đề kèm theo liên quan đến trách nhiệm xã hội. Đối với từng chủ đề cốt lõi, thông tin được cung cấp bao gồm phạm vi, mối quan hệ với trách nhiệm xã hội, các nguyên tắc và xem xét liên quan, cũng như các hành động và mong đợi liên quan;

Thứ bảy là hướng dẫn về việc tích hợp trách nhiệm xã hội trong toàn bộ tổ chức – cung cấp hướng dẫn về việc đưa trách nhiệm xã hội vào thực tiễn trong một tổ chức. Điều này gồm hướng dẫn liên quan đến: hiểu biết về trách nhiệm xã hội của tổ chức, tích hợp trách nhiệm xã hội trong toàn bộ tổ chức, truyền thông về trách nhiệm xã hội, cải thiện sự tin cậy của tổ chức về trách nhiệm xã hội, tiến trình xem xét, cải tiến hiệu năng và đánh giá các sáng kiến tự nguyện đối với trách nhiệm xã hội.

Tiêu chuẩn ISO 26000 phù hợp với tất cả loại hình tổ chức trong khu vực tư nhân, nhà nước và các tổ chức phi lợi nhuận dù cho quy mô lớn hay nhỏ và tổ chức hoạt động ở nước phát triển hay đang phát triển.

Mai Phương (Nguồn: https://vietq.vn/loi-ich-khi-ap-dung-tieu-chuan-iso-26000-ve-trach-nhiem-xa-hoi-d224263.html)

Tiêu chuẩn ISO 26000 hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng và thực hiện trách nhiệm xã hội

(VietQ.vn) – ISO 26000 là tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế (ISO) về hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng và thực hiện trách nhiệm xã hội một cách hiệu quả. ISO 26000 phù hợp với tất cả doanh nghiệp có mong muốn làm tốt các hoạt động liên quan đến trách nhiệm xã hội.

Hiện nay, trách nhiệm xã hội trở thành mối quan tâm lớn trên toàn thế giới, vì vậy việc đảm bảo trách nhiệm xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng chứng minh doanh nghiệp quan tâm đến môi trường và phát triển bền vững.

Theo đó, ISO 26000 là tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế (ISO) về hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng và thực hiện trách nhiệm xã hội một cách hiệu quả.

Tiêu chuẩn này bao gồm các hướng dẫn tự nguyện và không có yêu cầu về một hệ thống quản lý đạt chuẩn cụ thể, do đó nó không thể được chứng nhận giống như những tiêu chuẩn ISO khác (ISO 9001 về hệ thống quản lý chất lượng, chứng nhận ISO 14001 về hệ thống quản lý môi trường,…). 

Tiêu chuẩn này được viết bởi các chuyên gia làm trong lĩnh vực xã hội, đại diện cho 7 vấn đề trách nhiệm xã hội chủ chốt: chính phủ, tổ chức nhân quyền, thực hành lao động, môi trường, quyền người tiêu dùng và quyền cộng đồng.

Mục tiêu mấu chốt của ISO 26000 là đóng góp vào sự phát triển bền vững toàn cầu bằng cách nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội. Từ đó, cải thiện, tác động tích cực đến các đối tượng, bao gồm: người lao động, môi trường, cộng đồng dân cư,…

Trong đó, ISO 26000 đưa ra các hướng dẫn về: khái niệm, điều kiện và điều khoản liên quan trách nhiệm xã hội; nền tảng, xu hướng và đặc điểm của trách nhiệm xã hội; các nguyên tắc và thực hành liên quan đến trách nhiệm xã hội; các đối tượng và vấn đề cốt lõi liên quan đến trách nhiệm xã hội; thúc đẩy cách hành xử trách nhiệm xã hội thông qua tổ chức và các chính sách; xác định và lôi cuốn sự tham gia của các bên liên quan;…

ISO 26000 áp dụng cho mọi tổ chức, bất kể loại hình, quy mô, lĩnh vực hoạt động. ISO 26000 phù hợp với tất cả doanh nghiệp có mong muốn làm tốt các hoạt động liên quan đến trách nhiệm xã hội.

Mai Phương (Nguồn: https://vietq.vn/tieu-chuan-iso-26000-huong-dan-doanh-nghiep-xay-dung-va-thuc-hien-trach-nhiem-xa-hoi-d224234.html)

7 nguyên tắc của tiêu chuẩn ISO 26000 về trách nhiệm xã hội

(VietQ.vn) – ISO 26000 là tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế (ISO) về hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng và thực hiện trách nhiệm xã hội một cách hiệu quả. ISO 26000 được ban hành có thể áp dụng cho mọi loại tổ chức với mọi loại hình, quy mô và lĩnh vực khác nhau.

ISO 26000 áp dụng cho mọi tổ chức, doanh nghiệp với mọi quy mô. (Ảnh minh họa)

ISO 26000 gồm 7 nguyên tắc cơ bản. Nguyên tắc đầu tiên là trách nhiệm giải trình – doanh nghiệp, tổ chức cần chịu trách nhiệm về tác động của mình đối với xã hội, nền kinh tế và môi trường. Doanh nghiệp, tổ chức cần có trách nhiệm đối với những tác động của các quyết định và hoạt động của tổ chức đối với xã hội, môi trường và nền kinh tế, đặc biệt là hậu quả tiêu cực nghiêm trọng; có những hành động nhằm ngăn ngừa tái diễn các tác động tiêu cực ngoài chủ ý và không lường trước.

Nguyên tắc thứ hai là minh bạch – doanh nghiệp, tổ chức cần minh bạch trong các quyết định và hoạt động có tác động đến xã hội và môi trường. Tổ chức cần công khai chính sách, quyết định và hoạt động thuộc trách nhiệm của tổ chức, bao gồm cả những tác động biết trước và có thể có đối với xã hội và môi trường một cách rõ ràng, chính xác và đầy đủ, ở mức độ hợp lý và trọn vẹn. Thông tin này cần có sẵn, dễ tiếp cận và dễ hiểu đối với những người đã hoặc có thể chịu ảnh hưởng đáng kể bởi tổ chức. Thông tin cần kịp thời và đúng sự thật, được trình bày một cách rõ ràng, khách quan sao cho các bên liên quan có thể đánh giá chính xác tác động mà những quyết định và hoạt động của tổ chức tạo ra đối với lợi ích tương ứng của họ.

Nguyên tắc thứ ba là hành vi đạo đức – doanh nghiệp, tổ chức cần phải luôn ứng xử có đạo đức. Hành vi của tổ chức cần dựa trên các nguyên tắc trung thực, công bằng và nhất quán. Những giá trị này hàm ý mối quan tâm đối với con người, động vật và môi trường cũng như cam kết điều chỉnh tác động hoạt động và quyết định của tổ chức tới lợi ích của các bên liên quan.

Nguyên tắc thứ tư là tôn trọng quyền lợi của các bên liên quan. Doanh nghiệp, tổ chức cần xác định các bên liên quan; thừa nhận và quan tâm thích đáng đến quyền lợi cũng như quyền hợp pháp của các bên liên quan và đáp ứng mối quan ngại mà họ bày tỏ; thừa nhận rằng một số bên liên quan có thể có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của tổ chức; xem xét quan điểm của các bên liên quan có quyền lợi có thể chịu ảnh hưởng bởi một quyết định hay hoạt động ngay cả khi họ không có vai trò chính thức trong bộ máy điều hành của tổ chức hoặc không nhận thức được các quyền lợi này;…

Nguyên tắc thứ năm là tôn trọng nguyên tắc pháp quyền – doanh nghiệp, tổ chức cần nhận thức rằng việc tôn trọng nguyên tắc pháp quyền là bắt buộc. Nguyên tắc pháp quyền đề cập đến quyền lực tối cao của luật pháp, đặc biệt không một cá nhân hoặc tổ chức nào được đứng trên luật pháp và chính phủ cũng phải tuân thủ luật pháp. Vì vậy, tổ chức cần thực hiện các bước để nhận thức về các luật và quy định áp dụng, để thông tin cho mọi người trong tổ chức về nghĩa vụ của họ trong việc tuân thủ và thực hiện các biện pháp tuân thủ luật pháp.

Nguyên tắc thứ sáu là tôn trọng chuẩn mực ứng xử quốc tế – doanh nghiệp, tổ chức cần tôn trọng các chuẩn mực ứng xử quốc tế, trong khi vẫn gắn với nguyên tắc tôn trọng nguyên tắc pháp quyền.

Nguyên tắc thứ bảy là tôn trọng quyền con người – Doanh nghiệp, tổ chức cần tôn trọng và thúc đẩy, khi có thể, những quyền được nêu trong Bộ Luật quốc tế về quyền con người; tôn trọng tính chất chung của các quyền này, đó là, chúng được áp dụng không thể tách rời ở tất cả các quốc gia, nền văn hóa và hoàn cảnh; trong những trường hợp quyền con người không được bảo vệ, thì cần thực hiện các biện pháp tôn trọng quyền con người và tránh lợi dụng những tình huống này; trong những trường hợp luật hoặc việc thi hành luật không đưa ra các biện pháp bảo vệ thích đáng quyền con người, thì cần gắn kết với nguyên tắc tôn trọng chuẩn mực ứng xử quốc tế.

Mai Phương (Nguồn: https://vietq.vn/7-nguyen-tac-cua-tieu-chuan-iso-26000-ve-trach-nhiem-xa-hoi-d224304.html)

Quy trình cấp chứng nhận tiêu chuẩn WRAP về trách nhiệm xã hội

(VietQ.vn) – Tiêu chuẩn WRAP là tên viết tắt của Worldwide Responsible Accredited Production, là bộ tiêu chuẩn đánh giá trách nhiệm xã hội đối với các tổ chức sản xuất gia công hàng dệt may. Trong đó, quy trình chứng nhận tiêu chuẩn WRAP gồm 5 bước với ba mức chứng nhận là bạch kim, vàng và bạc.

Tiêu chuẩn WRAP là tên viết tắt của Worldwide Responsible Accredited Production, là bộ tiêu chuẩn đánh giá trách nhiệm xã hội đối với các tổ chức sản xuất gia công hàng dệt may, do tổ chức WRAP ban hành vào năm 2000. Việc áp dụng WRAP trong hệ thống sản xuất giúp nhà máy thuộc lĩnh vực sản xuất, gia công hàng dệt may đảm bảo rằng họ hoạt động phù hợp với luật pháp cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về đạo đức tại nơi làm việc.

Áp dụng tiêu chuẩn WRAP mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: Khẳng định cam kết của lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp trong việc thực hiện áp dụng, duy trì và cải tiến thường xuyên hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động được làm việc trong môi trường an toàn, đảm bảo các điều kiện cần thiết nhằm nâng cao chất lượng công việc.

Tiếp đến là đáp ứng yêu cầu của pháp luật đối với những yêu cầu bắt buộc của luật định; Nâng cao danh tiếng thương hiệu của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng, khách hàng, đối tác và các bên quan tâm với tư cách là một doanh nghiệp tiến bộ và công bằng;

Giảm thiểu các nguy cơ về sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc, hạn chế tai nạn lao động, rủi ro có thể gây thiệt hại về mặt tài chính và danh tiếng cho doanh nghiệp; Tạo được môi trường làm việc hấp dẫn, uy tín khuyến khích được sự tham gia của nhiều lao động, đặc biệt là các lao động có tay nghề, chất lượng cao; Tăng năng suất, cải thiện khả năng cạnh tranh sản phẩm, dịch vụ; Loại bỏ rào cản xuất khẩu sang các khu vực châu Âu,…

Để áp dụng WRAP, doanh nghiệp phải tuân thủ 12 nguyên tắc sau: Tuân thủ luật pháp và các quy định có liên quan đến nơi làm việc; Nghiêm cấm sử dụng lao động cưỡng bức; Nghiêm cấm sử dụng lao động trẻ em; Nghiêm cấm ngược đãi, quấy rối, lạm dụng lao động; Đảm bảo lương và phúc lợi; Đảm bảo giờ làm việc; Nghiêm cấm phân biệt đối xử; An toàn lao động; Tự do nghiệp đoàn và thỏa ước lao động tập thể; Môi trường; Tuân thủ luật hải quan; An ninh.

Quy trình cấp chứng nhận WRAP gồm 5 bước. Bước 1 là Nộp đơn đăng ký – Doanh nghiệp cần điền đầy đủ thông tin theo yêu cầu cho tổ chức WRAP. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần nộp phí hồ sơ.

Bước 2 là Tự đánh giá trước kiểm toán – Sau khi nộp đơn đăng ký chứng nhận, doanh nghiệp cần tiến hành tự đánh giá trước kiểm toán. Điều này nhằm để doanh nghiệp chứng minh việc mình đã và đang áp dụng các thông lệ tuân thủ xã hội.

Bước 3 là Tiến hành đánh giá, giám sát – Khi đã hoàn thành nộp yêu cầu đánh giá trước kiểm toán, doanh nghiệp sẽ lựa chọn đơn vị giám sát được WRAP công nhận. Đơn vị này sẽ dựa trên 12 nguyên tắc của WRAP để tiến hành kiểm toán. Thời gian hoàn thành giám sát phải thực hiện trong thời gian tối đa 6 tháng kể từ ngày nộp đơn đăng ký.

Bước 4 là Thẩm định – WRAP tiến hành đánh giá, báo cáo đề xuất của doanh nghiệp. Nếu đề xuất đáp ứng được yêu cầu của tiêu chuẩn thì doanh nghiệp sẽ được cấp chứng nhận. Trong một vài trường hợp có vấn đề, doanh nghiệp sẽ được thông báo để tiến hành kiểm tra, khắc phục.

Bước 5 là Cấp chứng nhận – Nếu đã vượt qua thẩm định, doanh nghiệp sẽ được tổ chức cấp chứng nhận WRAP. Tùy vào quy mô cũng như quyết định mà mức chứng nhận sẽ khác nhau.

Có ba mức chứng nhận WRAP. Đó là bạch kim, vàng và bạc. Chứng nhận bạch kim có hiệu lực trong hai năm. Mức chứng nhận này được trao cho những cơ sở đáp ứng được đầy đủ 12 nguyên tắc WRAP trong ba lần kiểm toán liên tiếp.

Chứng nhận vàng với hiệu lực một năm được cấp cho các cơ sở tuân thủ 12 nguyên tắc của WRAP. Và cuối cùng là chứng nhận bạc có hiệu lực trong vòng 6 tháng. Chứng nhận này dành cho các cơ sở đã tuân thủ 12 nguyên tắc của WRAP nhưng không tuân thủ các chính sách, quy trình hoặc đào tạo liên quan ở một mức nhẹ.

Mai Phương (Nguồn: https://vietq.vn/quy-trinh-cap-chung-nhan-tieu-chuan-wrap-ve-trach-nhiem-xa-hoi-d223888.html)

Tiêu chuẩn EICC-RBA về trách nhiệm xã hội trong lĩnh vực điện tử, công nghệ

(VietQ.vn) – Hiện nay, Việt Nam là quốc gia tập trung nhiều các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử, công nghệ. Để hoạt động hiệu quả, ngoài quá trình vận hành, sản xuất, các doanh nghiệp cũng cần tuân thủ theo các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội trong kinh doanh. Trong đó, EICC-RBA là tiêu chuẩn giúp các doanh nghiệp tuân thủ theo các nguyên tắc trách nhiệm xã hội.

Cụ thể, EICC là viết tắt của The Electronic Industry Citizenship Coalition – Liên minh các công ty điện tử hàng đầu trên thế giới với mục đích phát triển và nâng cao việc tuân thủ các trách nhiệm xã hội, đạo đức, môi trường trong chuỗi cung ứng điện tử trên toàn thế giới. EICC bao gồm các yêu cầu chính sau: nguồn nhân lực, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, môi trường, hệ thống quản lý, đạo đức.

Năm 2017, EICC được nâng cấp thành RBA với mục đích giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hơn.

RBA là viết tắt của Responsible Business Alliance – Liên minh Doanh nghiệp có trách nhiệm, trước đây là EICC. Quy tắc ứng xử RBA đưa ra các tiêu chuẩn cần thiết để đảm bảo các yếu tố như: Điều kiện làm việc trong chuỗi cung ứng ngành công nghiệp điện tử; Người lao động được đối xử tôn trọng và nhân phẩm; Quy trình sản xuất có trách nhiệm với môi trường.

Áp dụng tiêu chuẩn EICC-RBA mang lại nhiều lợi ích: EICC-RBA có thể đo lường được cho các nhà máy trong chuỗi cung ứng, bao gồm tăng năng suất và chất lượng cũng như giảm tỷ lệ luân chuyển công nhân, thương tật và bệnh tật; Đảm bảo hoạt động kinh doanh có trách nhiệm với môi trường;

Việc tuân theo EICC-RBA chứng minh doanh nghiệp rất coi trọng quyền lợi của người lao động, đem lại danh tiếng và bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp; Đảm bảo các tiêu chuẩn sức khỏe và an toàn cao nhất cùng các điều kiện công bằng cho người lao động; Mở rộng thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh; Giảm thiểu rủi ro những vấn đề liên quan đến pháp luật;…

Áp dụng tiêu chuẩn EICC-RBA mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội. Ảnh minh họa.

Đối tượng áp dụng tiêu chuẩn EICC-RBA gồm: Các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử; ô tô; sản xuất đồ chơi; doanh nghiệp viễn thông; các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu cho các công ty sản xuất điện tử; đơn vị phân phối bán lẻ thiết bị điện tử;… Hiện nay trên thế giới, tiêu chuẩn EICC-RBA được rất nhiều tập đoàn, công ty điện tử lớn áp dụng như Samsung, Panasonic… và mang lại hiệu quả lớn.

Mai Phương (Nguồn: https://vietq.vn/tieu-chuan-eicc-rba-ve-trach-nhiem-xa-hoi-trong-linh-vuc-dien-tu-cong-nghe-d224182.html)

Chương trình WCA – thước đo đánh giá điều kiện nơi làm việc của doanh nghiệp

(VietQ.vn) – WCA – Workplace Condition Assessment là Chương trình đánh giá điều kiện nơi làm việc. WCA được xem như thước đo để đánh giá điều kiện làm việc của doanh nghiệp theo tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, mở ra cơ hội kinh doanh và phát triển thị trường cho doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

Nói cách khác, WCA cung cấp một giải pháp hữu ích, tiết kiệm chi phí cho các đơn vị sản xuất kinh doanh muốn tìm cách cải tiến điều kiện làm việc một cách hiệu quả, góp phần vào việc tuân thủ các tiêu chuẩn hiện hành theo ngành công nghiệp và thực hành sản xuất tốt.

Tiêu chuẩn WCA tập trung vào các nội dung chính sau: Lao động (lao động trẻ em/cưỡng bức, phân biệt đối xử, kỷ luật, quấy rối/lạm dụng, tự do lập hội, hợp đồng lao động); Tiền lương và giờ làm việc (tiền lương và phúc lợi; giờ làm việc); Sức khỏe và An toàn (cơ sở làm việc chung, chuẩn bị khẩn cấp, chấn thương nghề nghiệp, an toàn máy móc, mối nguy hiểm về an toàn, hóa chất và vật liệu nguy hiểm, ký túc xá và căng tin);

Hệ thống quản lý (tài liệu và hồ sơ, phản hồi và sự tham gia của người lao động, kiểm toán và quy trình hành động khắc phục); Môi trường (tuân thủ pháp luật, hệ thống quản lý môi trường, chất thải và khí thải).

Áp dụng chương trình WCA mang lại nhiều lợi ích, có thể kể đến như: Cải thiện điều kiện làm việc để có lực lượng lao động chất lượng hơn, khỏe mạnh hơn và năng suất hơn; cải thiện uy tín trong quan hệ đối tác với nhà cung cấp thông qua sự minh bạch và tin cậy cao hơn; Giảm tình trạng kiểm tra và trùng lặp quá mức;

Xây dựng mối quan hệ bền chặt với khách hàng; Nhận cơ hội kinh doanh mới từ các nhà bán lẻ quốc tế; Cải thiện hiệu suất xã hội; Cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc; Tiêu chuẩn được chấp nhận toàn cầu; Hữu ích để thu hút khách hàng mới; Hữu ích để giữ được niềm tin của khách hàng hiện tại; Kết quả nhất quán, đo lường và giám sát; Được chấp nhận cho các tổ chức quốc tế;…

WCA là chương trình chứng nhận tự nguyện và phù hợp với mọi tổ chức đang xem xét cải tiến các thực hành đạo đức và tính bền vững để đáp ứng mong đợi của tất cả các bên liên quan.

Mai Phương (Nguồn: https://vietq.vn/chuong-trinh-wca-la-thuoc-do-danh-gia-dieu-kien-noi-lam-viec-cua-doanh-nghiep-d224408.html)

Tiêu chuẩn ETI – cam kết của doanh nghiệp về đạo đức kinh doanh

(VietQ.vn) – Tiêu chuẩn ETI ra đời nhằm mang lại điều kiện làm việc thuận lợi nhất cho người lao động (từ người trồng nguyên liệu thô cho đến người sản xuất hàng tiêu dùng), mục tiêu hướng đến một thế giới mà tất cả người lao động không bị bóc lột, phân biệt đối xử, đồng thời được hưởng các điều kiện tự do, an ninh và bình đẳng.

ETI – Ethical Trading Initiative hay Sáng kiến Đạo đức trong Thương mại là một liên minh các doanh nghiệp, công đoàn và tổ chức tự nguyện cam kết cùng nhau cải thiện điều kiện làm việc trên toàn bộ chuỗi cung ứng. Liên minh này được thành lập vào ngày 9/6/1998 có trụ sở chính tại Vương quốc Anh.

Theo đó, tiêu chuẩn ETI ra đời nhằm mang lại điều kiện làm việc thuận lợi nhất cho người lao động (từ người trồng nguyên liệu thô cho đến người sản xuất hàng tiêu dùng), mục tiêu hướng đến một thế giới mà tất cả người lao động không bị bóc lột, phân biệt đối xử, đồng thời được hưởng các điều kiện tự do, an ninh và bình đẳng.

Áp dụng tiêu chuẩn ETI mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, có thể kể đến như: Đáp ứng yêu cầu từ khách hàng – Chứng nhận ETI là minh chứng rõ ràng cho sự cam kết của doanh nghiệp về đạo đức trong kinh doanh, điều mà ngày càng được người tiêu dùng trân trọng.

Cam kết đạo đức vững vàng – Đảm bảo rằng các sản phẩm của doanh nghiệp được chế tạo và kinh doanh một cách hợp pháp và công bằng;

Thúc đẩy thực tiễn thương mại đúng đắn – Khích lệ sự cải thiện của ngành công nghiệp trong việc thực hiện các tiêu chuẩn cao về đạo đức và hỗ trợ cho quyền lợi người lao động.

Tăng cường lợi thế cạnh tranh: Xác lập một lợi thế cạnh tranh bền vững bằng cách khẳng định rõ lập trường đạo đức của doanh nghiệp, thu hút sự tín nhiệm từ khách hàng và đối tác kinh doanh, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hướng tới phát triển bền vững.

Giảm thiểu rủi ro, tăng năng suất – Giúp giảm thiểu rủi ro đối với quá trình sản xuất và duy trì sự gắn bó mạnh mẽ từ phía nhân viên, dẫn đến nâng cao năng suất của doanh nghiệp.

Có thể nói, việc có chứng nhận ETI sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng tầm nhìn bền vững và thế mạnh đáng kể trong thị trường ngày càng chú trọng vào các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội như hiện nay.

 Mai Phương (Nguồn: https://vietq.vn/tieu-chuan-eti-la-cam-ket-cua-doanh-nghiep-ve-dao-duc-kinh-doanh-d224487.html)

TIÊU CHUẨN VỀ AN TOÀN & AN TOÀN THỰC PHẨM

Tiêu chuẩn ASC – Aquaculture Stewardship Council

Bên cạnh các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm như tiêu chuẩn ISO 22000, FSSC 22000 hay GlobalGAP thì ASC cũng là cái tên khá quen thuộc đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành chăn nuôi thủy sản.

ASC – Aquaculture Stewardship Council là tiêu chuẩn gì?

ASC là tiêu chuẩn được thành lập bởi Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF và Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan IDH. Mục đích mà tiêu chuẩn được thành lập là nhằm quản lý ngành nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm, hiệu quả hơn. Tiêu chuẩn này được xây dựng trên bốn nền tảng chính. Bao gồm môi trường, an sinh động vật, an toàn thực phẩm và xã hội.

ASC là chứng nhận quốc tế giúp ngành nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm bảo vệ môi trường, hệ sinh thái tốt hơn. Bên cạnh đó, ASC cũng đưa ra các quy định nhằm giúp người lao động có môi trường làm việc tốt nhất. Chứng nhận ASC được chia ra làm hai bộ thành phần. Đó là tiêu chuẩn trang trại dành cho các trang trại nuôi trồng và tiêu chuẩn chuỗi hành trình dành cho các nhà sản xuất, chế biến, phân phối. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, ASC mới phát triển tiêu chuẩn trang trại. 

Tiêu chuẩn ASC mang đến những lợi ích gì?

Đầu tiên, với các trang trại nuôi trồng thủy sản, việc áp dụng ASC vào hệ thống của mình sẽ xây dựng hệ thống nuôi trồng, sản xuất hiệu quả, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó đáp ứng yêu cầu của nhà xuất nhập khẩu. Điều này giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng doanh thu.

Đối với người tiêu dùng, chứng nhận ASC có ý nghĩa vô cùng lớn. Đứng trước sự đa dạng trong nguồn cung cấp sản phẩm thủy sản, người tiêu dùng sẽ bị hoang mang không biết sản phẩm nào đạt chất lượng. Tuy nhiên, từ ngày ASC được thành lập, khách hàng đã có thể dễ dàng lựa chọn mặt hàng đảm bảo an toàn. Các sản phẩm đạt chứng nhận ASC sẽ được phép dán nhãn chứng nhận trên bao bì. Ngoài ra, chứng nhận này cũng góp phần xây dựng ngành thủy sản phát triển bền vững.

TCVN 10736-38:2023 về xác định các amin thơm và amin béo trong không khí trong nhà

(VietQ.vn) – Chất lượng không khí trong nhà ngày càng trở nên ô nhiễm với sự xuất hiện của nhiều loại chất gây hại. Trong đó phải nhắc tới các amin thơm và amin béo. Do đó việc xác định nồng độ các chất này theo tiêu chuẩn sẽ vô cùng quan trọng.

Các amin được tạo ra bởi các quá trình hóa học kỹ thuật và ngoài ra còn do sự phân hủy sinh học hoặc phi sinh học các hợp chất nitơ. Nguồn gốc và sự xuất hiện của các amin trong không khí trong nhà thì bên cạnh các nguồn có nguồn gốc sinh học, các nguồn amin trong không khí trong nhà còn có thể là các sản phẩm có chứa polyuretan, đặc biệt là các chất tạo bọt như ghế xe, nệm, gối và đồ nội thất bọc hoặc làm vật liệu cách nhiệt, hấp thụ âm thanh. Các nguồn khác, ví dụ như thực phẩm, như cá (các amin béo) và khói thuốc lá (các amin thơm).

Một số amin, đặc biệt là các amin thơm là những chất lỏng hoặc rắn không tan trong nước và dễ bị ô xy hóa nên khi dính vào da có thể gây bỏng rát. Thậm chí theo Bộ Công thương cho biết, các amin thơm còn là chất có khả năng gây ung thư. Ở nhiều quốc gia, quy định hàm lượng đối với loại chất này được đưa vào luật, được làm rất nghiêm do xem trọng sự an toàn đối với người tiêu dùng, đặc biệt đối với những sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với da người.

Do đó việc xác định các amin thơm và amin béo trong không khí trong nhà theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10736-38:2023 về không khí trong nhà do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố giúp kiểm soát được nồng độ an toàn đối với các chất gây ô nhiễm không khí trong nhà một cách hiệu quả.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10736-38:2023 không khí trong nhà- phần 38 về xác định các amin trong không khí trong nhà và trong buồng thử nghiệm- lấy mẫu chủ động trên các bộ lấy mẫu có chứa phin lọc tẩm axt phosphoric đưa ra các phương pháp xác định các amin thơm và amin béo bậc một, bậc hai và bậc ba có trong không khí trong nhà bằng cách sử dụng phương pháp lấy mẫu tích lũy và sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC) kết hợp với phép đo hai lần khối phổ (MS-MS) hoặc phép đo khối phổ có độ phân giải cao (HRMS).

Tiêu chuẩn này cũng hướng dẫn quy trình lấy mẫu để xác định nồng độ khối lượng của các amin theo giá trị trung bình bằng cách lấy mẫu các amin trên các phin lọc đã tẩm axit phosphoric. Quy trình phân tích của phương pháp đo được đề cập trong TCVN 10736 39 (ISO 16000-39).

Các phép đo được thực hiện với các bộ lấy mẫu có chứa vật liệu hỗ trợ trơ đã ngâm tẩm axit phosphoric và hoạt động ở lưu lượng dòng quy định trong các khoảng thời gian lấy mẫu xác định nêu trong tiêu chuẩn này. Các yêu cầu về thể tích mẫu cũng được xác định.

Mặc dù tiêu chuẩn này chủ yếu dùng để đo các amin nhưng cũng có thể được sử dụng để đo các amin khác có trong không khí trong nhà. Tiêu chuẩn này mô tả các quy trình chế tạo và đưa ra các yêu cầu đối với việc sử dụng các ống thủy tinh chứa các bộ lọc bằng bông thủy tinh đã tẩm axit phosphoric làm bộ lấy mẫu, nhưng không loại trừ các bộ lấy mẫu khác đã được chứng minh có đặc tính tương đương hoặc tốt hơn. Tiêu chuẩn này cũng đưa ra các quy trình chứng minh tính tương đương của các kiểu bộ lấy mẫu hoặc phương pháp lấy mẫu khác.

Luu ý, tiêu chuẩn này không đề cập đến việc xác định các amin trong các môi trường khác như nước hoặc đất. Ngoài ra, tiêu chuẩn này không đề cập đến việc xác định các isoxyanat trong không khí trong nhà dưới dạng các amin tương ứng.

Theo đó, cấu trúc cơ bản của bộ lấy mẫu amin để lấy mẫu chủ động bao gồm hộp chứa, tốt nhất là ống thủy tinh hoặc nhựa và bộ lọc. Bộ lọc được tẩm bằng axit có áp suất hơi thấp và không có tác dụng oxy hóa. Về vấn đề này, axit phosphoric là phù hợp nhất. Bản thân vật liệu lọc phải trơ, như bông thủy tinh chưa qua xử lý, hạt thủy tinh hoặc sợi thủy tinh, về cơ bản, vật liệu lọc trơ có thể là polyme xốp, trơ.

Bộ lấy mẫu được đề xuất bao gồm một ống thủy tinh có đường kính ngoài 6,25 mm, dài 60 mm và một đầu thuôn dài 20 mm với đường kính ngoài của đầu là 2,5 mm. Bộ lọc được đề xuất bao gồm 50 mg bông thủy tinh chưa xử lý đã được tầm tương ứng với khoảng 100 μmol hoặc 9,8 mg H3PO4.

Yêu cầu bộ lấy mẫu nêu trong tiêu chuẩn này được làm thủ công. Các bộ lấy mẫu thay thế phải được thử nghiệm theo quy trình. Thực hiện lấy mẫu bằng cách rót khoảng 100 mL axetonitril vào bình định mức 200 mL. Sau đó, cho 470 μL axit phosphoric 85 % vào bình và trộn với axetonitril. Sau đó, thêm axetonitril đến vạch 200 mL và trộn lại dung dịch để thu được dung dịch H3PO4 34,3 mmol/L trong axetonitril. Chuyển 2,5 g bông thủy tinh vào bình cầu đáy tròn 500 mL cùng với 200 mL dung dịch 34,3 mmol/L H3PO4 trong axetonitril (2,74 nmol H3PO4/g bông thủy tinh). Axetonitril được chưng cất trong thiết bị cô quay ở tốc độ 100 r/min và ở nhiệt độ từ 90 °C đến 100 °C.

Mỗi ống thủy tinh được nhồi bằng (50,0 ± 0,5) mg bông thủy tinh đã tẩm thu được (tương ứng với 137 μmol H3PO4/bộ lấy mẫu nếu tất cả H3PO4 vẫn còn trên bông thủy tinh và nếu axit được phân bố đều). Bông thủy tinh đã tẩm được nén kỹ trong ống thủy tinh. Cả hai đầu ống thủy tinh đều được bịt kín bằng nắp nhựa phù hợp. Bảo quản các bộ lấy mẫu trong tủ đông ở -36 °C cho đến khi sử dụng.

Kiểm tra xác nhận khối lượng axit phosphoric trên từng bộ lấy mẫu (xấp xỉ 9,8 mg hoặc 100 μmol tương ứng) được xác nhận bằng cách chuẩn độ 5 bộ lấy mẫu cho mỗi lô hàng (10 % lô) bằng dung dịch 0,01 mol của natri hydroxit và phenolphtalein làm chỉ thị. Sự thay đổi màu tương ứng với điểm tương đương thứ hai (tương ứng với khoảng 20 mL dung dịch NaOH 0,01 M).

Lựa chọn thời gian lấy mẫu phù hợp. Thể tích lấy mẫu phụ thuộc vào nồng độ dự kiến của các amin có trong không khí lấy mẫu. Thể tích này phải nằm trong khoảng từ 5 L đến 100 L. Trong quá trình lấy mẫu, độ ẩm tương đối của không khí được lấy mẫu phải thấp hơn 65 % (nhiệt độ và độ ẩm trong bộ lấy mẫu) đề tránh ngưng tụ nước trong bộ lấy mẫu.

Biên bản lấy mẫu phải bao gồm ít nhất các nội dung: Mục tiêu của phép đo (mô tả ngắn gọn); Xem xét tình trạng (mô tả chi tiết, nếu cần); Người thực hiện ban đầu; Ngày và giờ đo; Số lượng mẫu; Thời gian lấy mẫu (min); Thể tích lấy mẫu (L); Điều kiện không khí trong nhà: áp suất (hPa), nhiệt độ (°C), độ ẩm tương đối (% RH); Điều kiện lưu lượng dòng trong phòng; Điểm lấy mẫu;

Màu của giấy chỉ thị được làm ướt bằng dịch rửa giải vẫn còn trong bông thủy tinh của bộ lấy mẫu sau khi rửa giải. Màu của giấy chỉ thị được làm ướt bằng dịch rửa giải từ đầu pipet Pasteur sau khi chuyển dịch rửa giải từ bình định mức sang lọ nhỏ.

Về phép đo so sánh do thiếu các tiêu chí đánh giá thích hợp liên quan đến nồng độ amin trong không khí trong nhà, nên việc so sánh bằng các phép đo song song với tình huống ở phòng khác (ví dụ: không có vật liệu hấp thụ âm thanh, vật liệu cách nhiệt hoặc đồ nội thất có bọc) hoặc với nồng độ không khí ngoài trời có thể hữu ích. Nếu thích hợp, nên thực hiện các mẫu so sánh bổ sung dự phòng (có thể được phân tích sau này, nếu cần).

Trước khi lấy mẫu, các bộ lấy mẫu yêu cầu được lấy ra khỏi tủ đông và được bảo quản ở nhiệt độ phòng cho đến khi cân bằng nhiệt để tránh ngưng tụ nước trên bộ lọc. Trước khi lấy mẫu, tháo các nắp bịt kín ở cả hai mặt của bộ lấy mẫu. Nếu có thể, đầu của bộ lấy mẫu được nối với buồng thử bằng một đoạn ống mềm ngắn phù hợp. Đầu lấy mẫu có đường kính 6,25 mm được nối với bơm lấy mẫu đã hiệu chuẩn bằng ống mềm phù hợp.

Lưu lượng dòng khí lấy mẫu được điều chỉnh nhiều nhất là 1 L/min, thường là xấp xỉ 1 L/min. Thể tích lấy mẫu phụ thuộc vào nồng độ dự kiến của các amin trong mẫu không khí. Thể tích này phải nằm trong khoảng từ 5 L đến 100 L. Thường sử dụng thể tích lấy mẫu chuẩn là 50 L. Các mẫu phải được dán nhãn nêu rõ ít nhất là số lượng mẫu, ngày và thời gian lấy mẫu và tên của người thực hiện. Nhãn phải được cố định trên ống lấy mẫu chứ không phải trên nắp làm kín.

Sau khi lấy mẫu xong, cả hai đầu của bộ lấy mẫu được bịt kín bằng nắp và các bộ lấy mẫu đã nạp được bảo quản trong tủ đông ở -36 °C cho đến khi chuẩn bị mẫu. Mẫu có thể được bảo quản theo cách này đến 6 tháng.

Việc chuẩn bị mẫu được thực hiện bằng cách rửa giải axit phosphoric và muối amoni tương ứng của các amin bằng nước. Tháo cả hai nắp bịt kín ra khỏi các ống lấy mẫu. Các ống lấy mẫu được cắm vào bình định mức 5 mL. Việc rửa giải các amin hoặc muối amoni tương ứng, được thực hiện bằng pipet tự động với 5 000 μL nước (chất lượng dùng cho HPLC). Nước được cung cấp cẩn thận lên bông thủy tinh đã tẩm từ phía đầu mở rộng của ống.

Dòng nước chảy qua ống lấy mẫu xảy ra nhỏ giọt. Nếu cần, có thể tăng tốc độ nhỏ giọt bằng cách nhấc nhẹ ống lấy mẫu ra khỏi bình định mức. Dòng chảy từ trên xuống dưới phải chậm và liên tục. Cần tránh trộn lẫn chất lỏng trong ống (đặc biệt khi thể tích rửa giải giảm xuống còn 1 mL). Tốt nhất là nước ở đáy hòa tan các muối amoni cũng như axit phosphoric và rửa chúng vào bình định mức trong khi nước ở phía trên không chứa axit phosphoric và muối amoni.

Các ống lấy mẫu vẫn giữ lại trên bình định mức cho đến khi toàn bộ nước đi qua bình định mức. Nếu cần, thêm vài giọt nước để làm đầy bình định mức đến vạch 5 mL. Các dung dịch mẫu nước được hút ra khỏi bình định mức bằng pipet Pasteur dài và chuyển vào các lọ sạch để phân tích sắc ký lỏng hiệu năng cao. Các lọ được đậy kín bằng nắp vặn và được bảo quản trong tủ lạnh ở 4 °C cho đến khi phân tích [chi tiết, xem TCVN 10736-39 (ISO 16000-39)].

Những giọt nước cuối cùng từ bộ lấy mẫu được nhỏ lên giấy thử test congo đỏ. Màu đỏ phải giữ nguyên không đổi vì sự đổi màu sang xanh lam cho thấy rằng dư axit phosphoric.

Tương tự, phần còn lại của dung dịch mẫu trong pipet ppasteur (được sử dụng để chuyển vào lọ) được ấn ra giấy chỉ thị đỏ congo bằng nắp cao su. Giấy chỉ thị phải chuyển sang màu xanh đậm. Màu xanh lam cho biết dịch rửa giải có tinh axit và bộ lấy mẫu đã không bị quá tải.

An Dương (Nguồn: https://vietq.vn/tcvn-10736-382023-ve-xac-dinh-cac-amin-trong-khong-khi-trong-nha-s25-d224611.html)

Cần ban hành bộ tiêu chí xác định chính xác hàng hóa sản xuất tại Việt Nam

(VietQ.vn) – Bộ Công Thương đang đề nghị xây dựng Nghị định quy định cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lý về ghi nhãn hàng hóa, giúp xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam một cách minh bạch, có căn cứ, phù hợp pháp luật hiện hành.

Theo Bộ Công Thương, trong những năm qua, cùng với xu thế hội nhập kinh tế thế giới, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ có diễn biến ngày càng phức tạp, không chỉ gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia mà còn gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới. Nhiều nước trên thế giới đã có những giải pháp hữu hiệu nhằm đấu tranh, phòng chống nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Cho tới nay, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương.

Cần bảo vệ uy tín, thương hiệu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Với hàng hóa sản xuất trong nước, bao gồm cả hàng hóa sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định như thế nào thì được thể hiện “Sản phẩm của Việt Nam” hay “Sản xuất tại Việt Nam”.

Một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn “Sản xuất tại Việt Nam” khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử.

Xuất phát từ đây, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định bộ tiêu chí để các doanh nghiệp có thể căn cứ vào đó xác định chính xác hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, tránh phát sinh tranh cãi, thậm chí thiệt hại không đáng có.

Bên cạnh đó, việc thiếu vắng các quy định về cách xác định như thế nào là “Hàng hoá của Việt Nam” hay “Sản xuất tại Việt Nam” đối với hàng hóa lưu thông trong nước có thể dẫn đến xung đột giữa sản xuất và tiêu dùng khi cơ quan chức năng không có căn cứ phân xử.

Việc ban hành văn bản về cách xác định hàng hóa “Sản xuất tại Việt Nam” giúp giải quyết vấn đề này, khiến môi trường kinh doanh minh bạch hơn, được quản lý tốt hơn và quyền lợi của người tiêu dùng cũng được đảm bảo hơn.

Theo Bộ Công Thương, việc xây dựng Nghị định quy định cách xác định hàng hóa “Sản xuất tại Việt Nam” hướng đến các mục đích hoàn thiện hệ thống pháp lý về ghi nhãn hàng hóa, giúp xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam một cách minh bạch, có căn cứ, phù hợp pháp luật hiện hành.

Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí để giúp các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước xác định được hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, làm cơ sở thực hiện cho một số hoạt động khác như thể hiện xuất xứ, nguồn gốc trên nhãn, bao bì hàng hóa, quảng cáo hàng hóa, xây dựng thương hiệu…

Thiết lập cơ chế ngăn ngừa, phòng chống gian lận thương mại, bảo vệ sản xuất trong nước và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Bảo vệ uy tín, thương hiệu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Nam Dương (Nguồn: https://vietq.vn/can-ban-hanh-bo-tieu-chi-de-xac-dinh-chinh-xac-hang-hoa-san-xuat-tai-viet-nam-d224484.html)

TCVN 13765:2023 về yêu cầu cùi nhãn sấy phù hợp để chế biến thực phẩm

(VietQ.vn) – Cùi nhãn sấy là sản phẩm có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Tuy nhiên trong quá trình sản xuất, chế biến cùi nhãn sấy cần tuân theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13765:2023.

Long nhãn, nhãn khô là phần cùi nhãn được sấy khô ở nhiệt độ cao trong nhiều giờ. Long nhãn dùng để ăn trực tiếp hoặc làm nguyên liệu nấu các món chè như chè đậu xanh long nhãn, chè nếp nấu chè, chè nhãn nhục đường phèn, chè đậu đen long nhãn… Long nhãn dùng để làm các món kem, món hầm ngon, tốt cho sức khỏe hay để ngâm rượu, pha trà an thần. Tuy nhiên để có thể tạo ra được long nhãn chất lượng cao trong quá trình chế biến cần đảm bảo an toàn về nguyên vật liệu, vi sinh vật, phụ gia theo tiêu chuẩn.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13765:2023 về cùi nhãn sấy do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố áp dụng cho cùi nhãn sấy được chế biến từ cùi nhãn quả tươi thuộc các giống của loài dimocarpus longan Lour, họ bồ hòn (Sapindaceae). Theo hướng dẫn, nguyên liệu để sản xuất cùi nhãn sấy phải đảm bảo tươi, phù hợp để chế biến thực phẩm.

Các chỉ tiêu cảm quan đối với cùi nhãn sấy được quy định luôn ở trạng thái khô, rời, không dính tay, có cấu trúc dẻo, dai đặc trưng; màu sắc đặc trưng của sản phẩm (từ vàng nhạt đến nâu), đồng đều, không bị xém cạnh; mùi vị đặc trưng của long nhãn, không có mùi lạ hay tạp chất.

Các chỉ tiêu lý-hóa đối với cùi nhãn sấy được quy định về độ ẩm không lớn hơn mức 18% khối lượng; hoạt độ nước không lớn hơn 0,65%; hàm lượng đường tổng số không lớn hơn 70 % khối lượng; hàm lượng tro không tan trong axit clohydric, không lớn hơn 0,2%.

Phụ gia thực phẩm nếu sử dụng phải đáp ứng theo quy định hiện hành. Giới hạn tối đa hàm lượng kim loại nặng đối với cùi nhãn sấy được quy định về chỉ tiêu asen mức giới hạn là 1,0mg/kg; chì 2,0; thiếc 250. Giới hạn tối đa độc tố vi nấm đối với cùi nhãn sấy được quy định về chỉ tiêu Aflatoxin Bi ở mức giới hạn tối đa là 2,0 microgram/kg; Aflatoxin tổng số (B1, B2, G1, G2) là 4,0 microgram/kg.

Giới hạn vi sinh vật E.coli cho phép là O CFU/g đối với giới hạn dưới, giới hạn trên là 10CFU/g. Nấm men giới hạn là 10 CFU/g và 102 CFU/g. Nấm mốc là 102 CFU/g và 103 ( CFU là viết tắt của Colony Forming Units, là đơn vị đo số lượng của một loại vi sinh vật cụ thể, còn sống và đang hoạt động trong một môi trường hoặc trong một đơn vị khối lượng (hay thể tích). Nên các định các chỉ tiêu cảm quan bằng cách đánh giá hình dạng cùi nhãn sấy và tạp chất bằng mắt thường.

Yêu cầu về bao gói, sản phẩm phải được đóng gói trong bao bì sao cho kín khí và không thấm nước, đảm bảo tính chất cảm quan và các đặc tính chất lượng khác đặc trưng cho sản phẩm. Vật liệu bao gói phải đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định đối với vật liệu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Ghi nhãn sản phẩm theo TCVN 7087 (CODEX STAN 1) và các quy định hiện hành. 

Tên sản phẩm có thể là “long nhãn” hoặc “cùi nhãn sấy” hoặc tên gọi thích hợp khác. Tên sản phẩm cần mô tả đúng bản chất của sản phẩm mà không lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Phải bảo quản sản phẩm trong điều kiện khô, sạch, không có mùi lạ, đảm bảo chống ẩm ướt và duy trì được chất lượng sản phẩm.

Phương tiện vận chuyển sản phẩm phải khô, sạch, không có mùi lạ, đảm bảo chống ẩm ướt và duy trì được chất lượng sản phẩm. Không vận chuyển sản phẩm lẫn với các loại hàng hóa khác có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

An Dương (Nguồn: https://vietq.vn/tcvn-137652023-ve-yeu-cau-cui-nhan-say-phu-hop-de-che-bien-thuc-phams31-d224828.html)

BSAS (DỰ ÁN HVNCLC – CHUẨN HỘI NHẬP)