Báo cáo tổng kết Mekong Connect 2022

241
ĐỀ DẪN
1 – TỔ CHỨC VÀ ĐIỀU PHỐI
  • Mekong Connect ra đời vào 2015, từ sáng kiến của Mạng lưới liên kết cấp vùng ABCD Mekong (An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp) và sau đó có thêm TP.HCM. Thành phần Ban tổ chức Mekong Connect: các tỉnh thành An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp – TP. Hồ Chí Minh và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cùng với sự hỗ trợ của CLB Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC).
  • Mekong Connect là Diễn đàn thường niên dành cho: doanh nhân, doanh nông, nông dân, nhà quản lý, chuyên gia… và các đối tượng có mối quan tâm đặc biệt đến ĐBSCL.
  • Mekong Connect được bảo trợ và cố vấn của: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
  • Mekong Connect 2022 được điều phối bởi: VCCI Cần Thơ, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp – BSA, Trung tâm Xúc tiến ĐT– TM và HCTL Cần Thơ.
2 – THÀNH PHẦN THAM DỰ MEKONG CONNECT 2022
  • Ông Trần Thanh Mẫn – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
  • Ông Lê Quang Mạnh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ.
  • Ông Phan Văn Mãi – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư TT Thành uỷ – Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP.HCM.
  • Ông Lê Đức Thọ – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh Bến Tre.
  • Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
  • Ông Nguyễn Hoàng Giang – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
  • TS Nguyễn Quân – Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ.
  • Ông Trương Quang Hoài Nam – Phó Trưởng Ban đối ngoại Trung ương.
  • Ông Trần Việt Trường – Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP. Cần Thơ.
  • Ông Phạm Thiện Nghĩa – Phó Bí thư Tỉnh – Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Tỉnh Đồng Tháp.
  • Ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Tỉnh An Giang.
  • Ông Trần Anh Thư – Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Tỉnh An Giang.
  • Ông Nguyễn Trúc Sơn – Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Tỉnh Bến Tre.
  • Ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch TT Uỷ ban Nhân dân TP.Hồ Chí Minh.
  • Cùng Lãnh đạo Tỉnh uỷ, Thành uỷ, UBND các địa phương ABCD Mekong, TP.HCM và đối tác. Các cơ quan ban ngành các địa phương.
  • Bà Phạm Chi Lan – Chuyên gia kinh tế.
  • Ông Lê Đăng Doanh – Chuyên gia kinh tế.
  • Nhiều diễn giả uy tín quốc tế và Việt Nam.
  • Gần 1.000 khách VIP & doanh nhân.
  • Gần 20 đoàn thuộc lãnh đạo các tổ chức trong và ngoài nước, các tỉnh thành, viện trường…
  • Gần 200 doanh nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia khu triển lãm và Phiên chợ khởi nghiệp Xanh.
  • Hơn 50 cơ quan báo đài.

BA ĐIỂM MỚI CỦA MEKONG CONNECT SO VỚI DIỄN ĐÀN CÁC NĂM TRƯỚC
Thứ nhất: Diễn đàn diễn ra khi đã có những nghị quyết, quyết định về phương hướng phát triển mới, quy hoạch tích hợp ĐBSCL… Đây là cơ sở, nền tảng để Mekong Connect 2022 có thể dựa trên đó đưa ra những chương trình liên kết, tích hợp bằng các kế hoạch hành động cụ thể, hiệu quả.
Thứ hai: Năm nay với sự phát triển khá mạnh của hoạt động khởi nghiệp trong nông nghiệp ở các ngành, lĩnh vực, đoàn thể… trên cả nước, chương trình Mekong Connect 2022 đến lúc tổ chức thêm “diễn đàn” liên kết này, trong đó dành liên tiếp hai ngày cho “Ngày Hội khởi nghiệp và Phiên chợ Khởi nghiệp Xanh”. Đây là không gian lớn nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp cả nước giao lưu để chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội phát triển, nâng qui mô, phát hiện các cơ hội thị trường, cũng như nâng cao năng lực thị trường (thực hành hoạt động tiếp thị và phân phối sản phẩm).
Thứ ba: Thể hiện mối quan tâm lớn tới vấn đề “phát triển bền vững” mà chuyển đổi số là một yếu tố hết sức quan trọng, để có thể thúc đẩy công cuộc đổi mới nông nghiệp, đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam.

PHẦN 1

DIỄN ĐÀN CHÍNH: CHỦ ĐỘNG NÂNG CHẤT LƯỢNG LIÊN KẾT, TÍCH HỢP ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

I. PHÁT BIỂU
  1. Đến dự phiên khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có bài phát biểu quan trọng. Sau khi đánh giá “Vùng ĐBSCL là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước…”, ông đã cập nhật những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đối với vùng ĐBSCL. Đồng thời ông nêu bật những định hướng mang tầm khu vực cho Diễn đàn, cho các hoạt động liên kết tích hợp của các tỉnh thành trong mạng lưới các tỉnh Mekong, trong đó nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của TP.HCM: “Diễn đàn Mekong Connect năm 2022 đã đánh dấu bước phát triển mới trong việc mở rộng liên kết vùng với việc tham gia của TP.HCM”. Và Ông Trần Thanh Mẫn cũng kỳ vọng trong thời gian tới Diễn đàn sẽ tiếp tục mở rộng nhiều địa phương tham gia hơn để phát huy tinh thần liên kết cùng phát triển, liên kết tạo nên thịnh vượng.
  2. Trước đó, trong phần phát biểu khai mạc, với tư cách là địa phương đăng cai Mekong Connect 2022, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đã nhấn mạnh: “Liên kết, hợp tác để cùng phát triển” đã được xác định – là một trong các chìa khóa quan trọng để dẫn đến thành công, phát triển bền vững, để có thể vận dụng và phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của các bên, cùng đạt được mục tiêu đề ra với hiệu quả cao nhất”. Theo ông Trần Việt Trường, đây là dịp thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện về kinh tế – xã hội giữa các tỉnh, thành phố…, cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận và nắm bắt các cơ hội, thách thức khi tham gia thị trường quốc tế và tăng cường liên kết, hợp tác để nâng cao lợi thế cạnh tranh, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp. Các địa phương, doanh nhân, doanh nông, nông dân, nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước gặp gỡ xây dựng các mối liên kết, thiết lập các mối liên hệ, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh, tiềm năng của mình.
II. THẢO LUẬN TẠI HỘI TRƯỜNG
PHÓNG SỰ ĐỀ DẪN: TÌNH HÌNH LIÊN KẾT TÍCH HỢP CỦA ĐBSCL & TP.HCM, VỚI GÓC TIẾP CẬN:
Năm 2017, Chính phủ  ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP thường được gọi là Thuận thiên về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quyết định số 287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. ĐBSCL từng có Quy hoạch tổng hợp phát triển và lần này là quy hoạch tích hợp vùng lần đầu tiên được ban hành theo Luật Quy hoạch.
Thực tế, hiện nay giữa các tỉnh, thành trong mạng lưới liên kết ABCD Mekong và TP.HCM đã có nhiều liên kết, tích hợp trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, y tế, giáo dục, du lịch… nhưng cần nâng cao chất lượng các hoạt động phối hợp liên kết- hợp tác- tích hợp nguồn lực – hơn nữa và nhiều kỳ vọng được đặt vào diễn đàn Mekong Connect năm nay. Đã có những con đường cao tốc kết nối với các cửa khẩu, hay các cảng ở dọc sông Hậu…
Những công trình phối hợp giữa các địa phương Mekong về cải tiến nông nghiệp, cải tiến giống cây và kỹ thuật canh tác hay hoạt động hợp tác giữa TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL về việc chọn vùng nguyên liệu để cùng xây dựng chuỗi giá trị…. Cũng như mong muốn đóng góp của TP.HCM với các tỉnh đồng bằng thông qua hợp tác về thương mại điện tử, hỗ trợ về mặt xây dựng tiêu chuẩn hay chế biến, xuất khẩu nông sản… Tuy nhiên, vẫn còn đó những đề án mới định hình, cần có tiếng nói chung và cùng nhau hành động. Có thể thấy nhu cầu, kỳ vọng của sự liên kết, tích hợp của mỗi tỉnh, thành với nhau là rất lớn, các tỉnh có nhu cầu đóng góp những thế mạnh, khả năng của mình vào công cuộc tích hợp chung…
PHIÊN 1: CHỦ ĐỘNG NÂNG CHẤT LƯỢNG LIÊN KẾT TÍCH HỢP, VỚI CÁC ĐIỂM NHẤN: 
Mỗi tỉnh giới thiệu một dự án để kêu gọi đầu tư – hợp tác. Đây là một trong những hành động, việc làm cụ thể, thực tế từ diễn đàn năm 2022:
An Giang: Dự án Trung tâm Đầu mối Sản xuất và phân phối lúa gạo cấp vùng tại tỉnh An Giang. Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Gang, trình bày: An Giang duy trì 200 ngàn ha đất trồng lúa, trong đó, phát triển 100 ngàn ha chuyên canh lúa hàng hóa chất lượng cao có liên kết với doanh nghiệp; phục hồi, phát triển các vùng sản xuất lúa đặc sản; sản xuất lúa giống quy mô khoảng 25 ngàn đến 30 ngàn ha. UBND tỉnh An Giang đã ban hành “Đề án Xây dựng và Phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó, tập trung xây dựng các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, góp phần đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm; phấn đấu đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản, góp phần đưa gạo Việt trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới… Để đảm bảo mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả, trách nhiệm và có sức cạnh tranh cao, thực hiện mục tiêu chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, tích hợp đa giá trị vào sản phẩm, tăng thu nhập của người dân, tỉnh An Giang tiếp tục kêu gọi đầu tư và xác định nguồn lực đầu tư xã hội là động lực cho sự phát triển của ngành nông nghiệp An Giang trong thời gian tới…
Bến Tre: Dự án Bến Tre và các tỉnh duyên hải phía đông qua tăng cường kết nối hạ tầng liên kết vùng (đường ven biển, cầu Đình Khao và RM2). Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre trình bày: Nhận thấy tiềm năng từ TP.Hồ Chí Minh về các tỉnh ĐBSCL là rất lớn.
Do đó, Bến Tre không chỉ phát triển kinh tế theo trục truyền thống QL1 đi về Bến Tre qua QL60, QL57 mà mong muốn mở ra tuyến mới là tuyến động lực ven biển. Cùng với 28 tỉnh thành ven biển, Bến Tre mong muốn kết nối vào trục đường ven biển của cả nước; đặc biệt là từ TP.Hồ Chí Minh về Bến Tre tới Kiên Giang dài hơn 700km hiện chưa được xây dựng. Ba dự án kết nối liên vùng có tổng vốn 24.600 tỷ đồng, bao gồm: 1/ Dự án Tuyến động lực ven biển tỉnh Bến Tre, kết nối giữa các tỉnh Bến Tre – Tiền Giang – Trà Vinh. 2/ Dự án cầu Đình Khao bắc qua sông Cổ Chiên kết nối tuyến đường bộ Bến Tre – Vĩnh Long. 3/ Dự án cầu Rạch Miễu 2 bắc qua sông Tiền cùng tuyến đường bộ 17 km kết nối giữa tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, tạo hành lang kinh tế song song với Quốc lộ 60, Quốc lộ 57 với các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long.
Cần Thơ: Dự án Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ. Ông Trần Phú Lộc Thành, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ trình bày: Mục tiêu chung của dự án là hình thành “Một điểm đến đa dịch vụ”, góp phần hình thành nên chuỗi sản xuất liên kết gắn với 3 nhà: nhà nông, nhà sản xuất (thương nhân, doanh nghiệp nông sản) và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu; khuyến khích thiết lập mối liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần gia tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và giá trị gia tăng của sản phẩm. Trung tâm được hình thành bởi việc thu hút các nhà đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư thứ cấp về sản xuất, thương mại, dịch vụ, các tổ chức nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, các dịch vụ hỗ trợ khác doanh nghiệp, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đào tạo chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia nông nghiệp công nghệ cao và quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đồng Tháp: Dự án xây dựng hình ảnh “một điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư”. Ông Phạm Thiện Nghĩa, Phó Bí thư Tỉnh – Chủ tịch UBND Tỉnh Đồng Tháp, cho biết Đồng Tháp “bắt tay” với An Giang xây dựng dự án này, khi cả hai cùng nằm trong nhóm ABCD Mekong, được biết đến là hai tỉnh láng giềng có vị trí ở thượng nguồn sông Mê Kông, là trung tâm kinh tế thương mại giữa 3 thành phố lớn: TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ và Thủ đô Phnôm Pênh của Vương quốc Campuchia, cửa ngõ giao thương có từ lâu đời giữa vùng ĐBSCL. Đây sẽ là bước mở đầu cho các hoạt động hợp tác thực chất, hiệu quả giữa hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang trong các lĩnh vực như: Hợp tác phát triển liên kết vùng, quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội; Hợp tác đề xuất xây dựng cơ chế chính sách phát triển chung cho các tỉnh trong vùng và cho vùng; Hợp tác phát triển quy hoạch, cơ chế chính sách, đầu tư khu vực biên giới; Hợp tác phát triển logistics, công nghiệp chế biến, xúc tiến thương mại; Hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, OCOP; đào tạo nguồn nhân lực; Hợp tác phát triển trên các lĩnh vực du lịch, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường…
TP.HCM: Dự án Bàn Ăn Xanh – Liên kết bền vững để nâng cao tiêu chuẩn nông sản, thực phẩm và sản phẩm tiêu dùng. Ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM – Saigon Co.op, trình bày: Năm 2022, trong bối cảnh nhu cầu người tiêu dùng thay đổi từ ăn no sang ăn an toàn, thực tế cho thấy chứng nhận cho các sản phẩm vẫn đang là một khoảng trống. Việc đưa sản phẩm an toàn ra thị trường và thu phục được sự tin cậy của người tiêu dùng là việc làm thiết thực đem lại lợi ích cho cả xã hội. Trước tình hình đó, Saigon Co.op đã phối hợp với Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng Cao xây dựng Dự án nâng cao tiêu chuẩn nông sản – thực phẩm với tên Bàn Ăn Xanh. Đây là sáng kiến nhằm xây dựng chuỗi liên kết, kết hợp giữa Nhà sản xuất – Nhà kỹ thuật – Nhà phân phối – Nhà nước với mục đích đảm bảo sự an toàn và nâng cao chất lượng thực phẩm các bữa ăn hàng ngày cho mỗi gia đình Việt. Mục tiêu của Dự án Bàn Ăn Xanh nhằm xây dựng mối liên hệ chặt chẽ và bền vững giữa Người Tiêu dùng – Nhà Phân phối – mà trước hết là phục vụ cho chính nhu cầu hàng ngày của người Việt Nam.
Nhà sản xuất dựa trên lòng tin và kiến thức chuyên gia về an toàn sản phẩm trong tiêu dùng. Với TP.HCM, đây còn là một nỗ lực liên kết với các tỉnh ĐBSCL theo mô hình hợp tác công tư, xâu chuỗi và thúc đẩy việc nâng cao và duy trì tiêu chuẩn của nông đặc sản đồng bằng, một cách thống nhất và đồng bộ từ khâu canh tác, phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đến khâu sản xuất chế biến an toàn, và thông qua kênh tiêu thụ tiếp cận đến thị trường,
PHIÊN 2: KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ
Lần đầu tiên diễn đàn thiết kế hẳn một chuyên đề, nhấn mạnh về: Khoa học công nghệ – đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, gồm 2 phiên thảo luận liên tiếp trong buổi sáng 24/11 với những diễn giả uy tín, chuyên môn cao. Theo đó:
Chủ đề 1: Làm thế nào để ứng dụng KHCN và thực hiện chuyển đổi số đi vào thực tiễn của đời sống kinh tế. Với sự điều phối của ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Angel Investor, Đồng sáng lập Go Global Holdings – Công ty đầu tư và hỗ trợ cho các chuỗi nhượng quyền tại Việt Nam và khu vực. Các diễn giả đã đặt vấn đề, đề xuất, gợi mở những cách tiếp cận mới từ kinh nghiệm thực tiễn:
  • Bà Chu Vân Hải, Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM: Những bài học của TP.HCM trong hoạt động hỗ trợ ứng dụng KHCN và ĐMST cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Đó là TP.HCM đặc biệt quan tâm Kinh tế số, nên đã có hàng loạt những chủ trương, chính sách trong hoạt động hỗ trợ ứng dụng KHCN và ĐMST cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, như: Phát triển kho dữ liệu, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tư vấn, kết nối, cung cấp thông tin công nghệ, về KHCN (đã có hơn 112 DN)… thiết bị cho các doanh nghiệp và các cá nhân, hình thành cộng đồng doanh nghiệp.
  • Ông Nguyễn Đình Uyên, Phụ trách vận hành Khu thực nghiệm ứng dụng CNTT trong Nông nghiệp thuộc Công viên phần mềm Quang Trung, TPHCM – Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Nông nghiệp và Tự động hóa – người từ Mỹ về Việt Nam – với những đúc kết trong quá trình vận hành Khu thực nghiệm ứng dụng CNTT trong nông nghiệp: Vấn đề của chúng tôi là làm những công nghệ R&D cho những ai cần tới. Việc đã và cần làm “là ngồi xuống với nhau”, xem anh cần gì và tôi có thể làm gì cho anh. Có những thứ cần nghiên cứu mới, nhưng có những thứ công nghệ nước ngoài đã có, chỉ cần đưa nó về, thiết kế lại cho phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của chúng ta – tức “chuyển giao công nghệ”.
  • Ông Lương Việt Quốc, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành RealTime Robotics Inc (RtR): Đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ bắt đầu từ đâu, và như thế nào? RealTime Robotics – một công ty thuần Việt ở Khu Công nghệ cao TP.HCM, với chỉ khoảng 60 kỹ sư hoàn toàn người Việt, đang sản xuất những chiếc drone cung cấp cho cảnh sát Mỹ. Câu chuyện đặt ra là: Khi đầu tư thì chọn những cách giải những bài toán mà thế giới người ta còn vướng mắc, tìm cách phá vỡ những rào cản. Qua thực tế RealTime Robotics cho thấy trí tuệ của người Việt mình hoàn toàn có thể làm được nhiều sản  phẩm công nghệ đứng đầu thế giới, bán giá cao hơn các nước tiên tiến… Tất cả thông qua con đường đổi mới sáng tạo.
  • Bà Nguyễn Thị Quỳnh Viên, Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp số Hương Đất với những kinh nghiệm thực tiễn khi triển khai các giải pháp trong sản xuất, quản lý hoạt động của doanh nghiệp nông nghiệp: Phải số hóa quy trình sản xuất cũng như điều phối hàng. Vẫn biết số hóa trong nông nghiệp thực là một thách thức rất lớn, vì có quá nhiều biến số, nhưng phải quyết tâm. Thứ hai là phải thay đổi tập quán canh tác của người nông dân, từ “tự do” sang làm “nhật ký đồng ruộng” thông qua những cái app đơn giản nhất.
Chủ đề 2: Chuẩn bị nguồn nhân lực KHCN cho kinh tế ĐBSCL.
Theo góc tiếp cận, nguồn nhân lực rất quan trọng, địa phương nào, khu vực nào, doanh nghiệp nào muốn theo đuổi mục tiêu gia tăng giá trị, gia tăng hàm lượng KHCN thì nguồn nhân lực càng đóng vai trò then chốt, các diễn giả tham gia phiên thảo luận đã trình bày:
  • TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ: Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực vì sự phát triển bền vững ĐBSCL, chia sẻ tầm nhìn từ SDMD (Sustainable Development of the Mekong Delta). Qua khảo sát 10.000 sinh viên tốt nghiệp tại trường ĐH Cần Thơ năm ngoái cho thấy, 65% tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp từ trường tham gia vào các công ty tư nhân, 12% làm ở cơ quan quản lý nhà nước. Thời gian tới, việc liên kết đào tạo nhân lực phải dựa trên nhu cầu thực tế của địa phương và doanh nghiệp cần được chú trọng. Và nhóm giải pháp về nguồn nhân lực bao gồm: xây dựng các chính sách tạo lập động cơ học tập, mở rộng cơ hội việc làm; phát triển thị trường lao động chất lượng cao; tạo hệ sinh thái sáng tạo để thu hút và giữ chân nhân tài; xây dựng nền kinh tế tri thức; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về tự chủ đại học; thiết lập mạng lưới các trường đại học; thúc đẩy các chương trình đổi mới sáng tạo khởi nghiệp; nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí nguồn nhân lực.
  • Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Cty CP Vinamit: Hành trình đào tạo thực chiến cho đội ngũ kỹ sư nông nghiệp chất lượng cao sau khi ra trường vì một nền kinh tế nông nghiệp bền vững là một hành trình, 4 năm vẫn chưa đủ. Có 3 nhóm khoa học mà các bạn sẽ được học. Đó là khoa học công nghệ, khoa học công nghệ, khoa học vì sự sống (công nghệ khoa học sinh học) – ứng dụng sinh học phân tử và cuối cùng là khoa học lối sống. Các kỹ sư được học từ chuyên gia sinh học, y sinh, dinh dưỡng học đến chuyên gia thiết bị, công nghệ, xét nghiệm lẫn thí nghiệm… Dự kiến năm 2023, có 30 em vừa tốt nghiệp chính quy về chuyên gia dinh dưỡng – ngoài bằng về kỹ sư canh nông, công nghệ sinh học. Từ đó, nâng cao năng lực canh tác cây trồng mang ý nghĩa dinh dưỡng tương lai cho người tiêu dùng. Đó là hướng mà Vinamit đang đi. Từ dự án “Organic Town – Gis Market”, Vinamit cũng có một chương trình mang tên Cộng đồng thực phẩm thay đổi vì sự sống – đã đào tạo được 65 “doanh chủ”.
  • Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Phát triển doanh nghiệp Tập đoàn ApexTool Group: Chiến lược chuẩn bị nguồn nhân lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam để đón đầu thành công cơ hội chuyển hướng đầu tư sản xuất từ các thị trường lân cận. Kinh nghiệm Từ quá trình xây dựng cộng đồng kỹ sư trẻ ở trường ĐH sư phạm kỹ thuật TP HCM, có 5.000 lượt sinh viên tham gia thường xuyên, 1.000 kỹ sư từ group này tham gia vào thị trường lao động công nghệ cho các tập đoàn lớn.
  • Bà Dương Ngọc Cẩm Tú, Giám đốc Hành chính Nhân sự Công ty Rynan Technologies Vietnam: Kinh nghiệm thực tế của Rynan Technologies trong việc phối hợp với Viện trường để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu vận hành và kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ. Là Công ty ký thỏa thuận hợp tác với trường đại học như Cần Thơ, Trà Vinh, để có nguồn lực dự bị từ khi các bạn còn ngồi trong ghế nhà trường. Để tuyển được nhân sự sau đó còn có nhiều yếu tố, trong đó việc tạo môi trường làm việc cũng như xây dựng văn hóa doanh nghiệp là rất quan trọng. Hiện tại, Mỹ Lan Group có khoảng 800 nhân viên, gần như 100% là những người con của ĐBSCL. Trẻ năng động, tuổi trung bình 27- 29 tuổi.
Trước đó, trong phần phát biểu đề dẫn cho chuyên đề này, Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Hoàng Giang đề nghị các địa phương chú trọng:
  • Chủ động triển khai hiệu quả các nhiệm vụ KHCN, phát triển nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã, ứng dụng, chuyển giao KHCN vào sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, xây dựng các sản phẩm chủ lực của vùng với mục tiêu cung cấp cho các địa phương trong cả nước và phục vụ cho hoạt động xuất khẩu bên cạnh việc cung cấp cho từng thị trường trực thuộc kinh tế.
  • Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp hệ thống giống chất lượng cao, các dịch vụ kỹ thuật chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng.
  • Hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp, tạo giá trị gia tăng cao và nhiều cơ hội việc làm tại chỗ cho người nông dân vùng ĐBSCL. Xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm đồng bộ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu vùng ĐBSCL.
PHIÊN 3: PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VỚI 4 NHÓM THẢO LUẬN ĐỒNG THỜI VỚI 4 CHỦ ĐỀ
(Các đề xuất – kiến nghị)
“Phát triển bền vững” – đây là vấn đề lớn khi mà ĐBSCL không chỉ đối mặt với biến đổi khí hậu mà còn những thách thức nội tại cũng như những xáo trộn sau đại dịch, những thay đổi nhanh chóng từ cuộc cách mạng công nghiệp bên ngoài. Lựa chọn lĩnh vực để đồng hành, đột phá, phát triển một cách bền vững cả ba khía cạnh kinh tế, xã hội và văn hóa là ưu tiên lúc này:
1 – An Giang với chủ đề: Khai thác và phát triển kinh tế biên mậu. Các vấn đề rút ra:
  • Xét về địa kinh tế, đặc biệt là sau chuyến công du của Thủ tướng, An Giang thấy có nhiều lợi thế hơn.
  • Thương nhân, doanh nghiệp mong muốn giao thương là tự nhiên và đúng đắn, cần được cụ thể hóa và các ý kiến địa phương phải đi trước để có những đề xuất chính sách thích ứng, phù hợp, thúc đấy kinh tế biên mậu.
  • Thương mại cần cải tiến cơ sở hạ tầng, thủ tục xuất nhập khẩu và có ưu tiên nguồn lực.
  • Giao thương biên giới cần khắc phục nạn phiền hà nhũng nhiễu, không minh bạch.
  • Cần có đội phản ứng nhanh giải quyết những phiền hà khi thực hiện các thủ tục thông quan.
  • Cần có nỗ lực chính sách tối ưu hóa vai trò doanh nhân, khắc phục tình trạng đơn điệu, thu hút đầu tư phát triển kinh tế biên mậu.
  • Lấy doanh nghiệp làm trung tâm của chính sách kinh tế biên mậu, khai thác những thay đổi của chính sách từ các nước để hàng hóa xuất khẩu chuyển dịch từ phí Nam, có chi phí rẻ hơn, khai thác những thế mạnh khi kết nối 2 nền kinh tế Việt Nam- Campuchia.
  • Xây dựng kho bãi, logistics theo chuẩn quốc tế, nâng cấp dịch vụ vùng biên. Nếu như chậm chân thì Campuchia sẽ đi nhanh hơn, tạo ra một sức ép từ kinh tế biên mậu.
  • Cần có diễn đàn thông tin giữa 2 nước định kỳ và thường xuyên.
2 – Bến Tre với chủ đề: Phân tích kinh nghiệm thành công của các mô hình thực hành kinh tế tuần hoàn.
  • TS Nguyễn Hồng Quân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn, trình bày về vai trò của mô hình kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và những gợi ý cho doanh nghiệp Việt Nam. Ông nhấn mạnh liên kết 4 nhà: nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp và cộng đồng liên quan.
  • Bà Trần Hoàng Phú Xuân – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần kết nối thời trang (Faslink) chia sẻ về hành trình phát triển sản phẩm thời trang bằng vải chế biến từ phụ phẩm, phế phẩm của rác thải, tơ sen, vỏ hàu, sợi bạc hà, bã cà phê. Bà nhấn mạnh về tính sẵn sàng thương mại hoá toàn cầu và tại VN của sản phẩm từ kinh tế tuần hoàn.
  • Ông Shota Miura – Giám đốc Tài chính, phụ trách Phát triển bền vững Công ty UNIQLO, chia sẻ tham luận về Mô hình thời trang bền vững LifeWear. Nhấn mạnh: kinh tế tuần hoàn từ bên trong doanh nghiệp và từ phía khách hàng. Sự thay đổi của việc từ trách nhiệm xã hội chuyển sang chiến lược kinh doanh.
  • Bà Nguyễn Thị Tuyết Ngọc – Giám đốc Công ty chỉ số nông nghiệp Agri Index tham luận về Ứng dụng tư duy thị trường trong việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Nhấn mạnh: Cần nắm tay nhau để thưc hiện kinh tế tuần hoàn và minh bạch hoá nguồn cung.
  • GS TS Võ Tòng Xuân: Dư địa của kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là rất lớn. Và cần gỡ khó từ chính sách.
3 – TP. Cần Thơ và TP.HCM với chủ đề: Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn cho thị trường trong nước và quốc tế.
Việc xây dựng, tạo vùng nguyên liệu có thể là khó nhưng nó sẽ khó hơn nếu để mất kiểm soát cái vùng trồng sẽ dẫn đến thiếu hoặc dư thừa. Rồi việc phải nghĩ đến tiếp theo là kiểm soát được là thị trường để giữ cân bằng cung – cầu. Và 4 vấn đề lớn cần quan tâm đúng mức:
  • Vai trò quan trọng của mã số vùng trồng.
  • Cần xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kho lạnh.
  • Kết nối, tích hợp và tối ưu chi phí.
  • Đáp ứng quan tâm của thị trường thế giới và người tiêu dùng trong nước về tiêu chuẩn.
4 – Đồng Tháp với chủ đề: Chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân, một số kinh nghiệm.
  • Chuyển đổi số của Đồng Tháp là đi sớm hơn so với các địa phương khác, đó là một lợi thế. Trong đó có việc hợp tác với Công ty Rynan Technologies thực hiện 3 bước: Số hóa dữ liệu. Số hóa quy trình và Quản lý số. Đang tiếp tục bước 2, đầu năm 2023 có việc tích hợp công nghệ quản lý nước lũ.
  • Chuyển đổi số phải đi cùng với việc phát huy chuỗi giá trị và sắp xếp lại sản xuất mới tận dụng hết giá trị và đặc biệt là bảo mật thông tin.
  • Trong quy trình 3 bước: Xây dựng – tích hợp – khai thác dữ liệu, thì cái khó nhất là bước xây dựng dữ liệu, cần có quyết sách và quyết liệt.
  • Tiếp đến phải có phần mềm – Ứng dụng thân thiện dễ sử dụng cho mọi đối tượng. Công ty Rynan Technologies đang hỗ trợ nông dân Đồng Tháp sử dụng “App đồng hành”.
  • Và một thành tố không thể không nhắc tới: Nguồn nhân lực – thành tố quyết định sự thành bại của chuyển đổi số. Đồng Tháp đã có những mô hình để chuẩn bị nguồn nhân lực: Đào tạo, tuyển dụng, đào tạo lại, thành lập tổ đoàn thanh niên chuyển đổi số cộng đồng… Sắp tới sẽ kết hợp viện trường, doanh nghiệp.
KÝ KẾT HỢP TÁC – XÚC TIẾN
  1. Bốn tỉnh ABCD Mekong, TP.HCM và Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), ký kết về phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp – nông nghiệp đổi mới sáng tạo của bốn tỉnh ABCD Mekong và TP.HCM trong năm 2023.
  2. Công ty Cổ phần Vinamit (TP.HCM), Hội Doanh nghiệp HVNCLC, Công ty Rynan Technologies (Trà Vinh), Công ty cổ phần Cơ khí Bùi Văn Ngọ (TP.HCM), Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Việt Đức (Đồng Tháp) và nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp với đại diện là Trung tâm Tư vấn khởi nghiệp Đại học Cần Thơ, ký kết hợp tác xây dựng Trung tâm R&D – Chế biến (sản xuất thử) nông sản – thực phẩm để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và SME Việt Nam.
  3. Bộ Khoa học – Công nghệ và Hội Doanh nghiệp HVNCLC ký kết thỏa thuận khung chương trình hợp tác hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
  4. Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Sài Gòn Co.op) và Hội Doanh nghiệp HVNCLC ký kết thỏa thuận hợp tác phối hợp xây dựng và triển khai Chương trình “Bàn ăn Xanh”.
  5. Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM ký kết với các tỉnh ABCD về “Hợp tác xây dựng Đề án Phát triển vùng nguyên liệu bền vững”.
  6. Công ty Cổ phần Ba Huân, TP.HCM ký kết với tỉnh An Giang.
  7. Công ty TNHH San Hà, TP.HCM ký kết với Công ty Mekong Agri, tỉnh Đồng Tháp.
  8. Sàn TMĐT Tiki ký hợp tác với Sở Công thương 4 tỉnh ABCD Mekong.
TRAO CHỨNG NHẬN HÀNG VIỆT NAM CHẤT LƯỢNG CAO – CHUẨN HỘI NHẬP CHO 12 DOANH NGHIỆP
Ngành thực phẩm
  • Công ty cổ phần Thực phẩm và Nước giải khát Thanh Bình
  • Công ty cổ phần Thực phẩm và Nước giải khát Nam Việt
  • Công ty TNHH Kinh doanh Nước mắm Huỳnh Khoa
  • Công ty TNHH Tân Nhiên
Ngành phi thực phẩm
  • Công ty TNHH Văn phòng phẩm Thuận Nam
  • Công ty cổ phần Phát triển Thực mỹ phẩm Vfarm
  • Công ty TNHH Sản xuất – Dịch vụ – Thương mại Tiến Thịnh
  • Công ty TNHH EBC Group
  • Công ty TNHH Thương mại sản xuất Dây và Cáp điện Đại Long
  • Công ty cổ phần Thiết bị điện MBT
  • Công ty TNHH Đầu tư ứng dụng sản suất Bao bì Việt
  • Công ty cổ phần Sản xuất và Đầu tư Hưng Phát

GIỚI THIỆU ĐỊA PHƯƠNG ĐĂNG CAI MEKONG CONNECT 2023:

TỈNH AN GIANG

CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH – SONG HÀNH CÙNG DIỄN ĐÀN CHÍNH
  • Hội thảo – giao lưu với chuyên gia, doanh nhân, doanh nghiệp dẫn đầu
  • Tư vấn tiêu chuẩn để hội nhập
  • Triển lãm trưng bày theo chủ đề của doanh nghiệp, các tỉnh thành
  • Bán hàng – Chinh phục người tiêu dùng
  • Matching – Kết nối thị trường trong và ngoài nước
  • Studytour – Tham quan, học tập các mô hình kinh tế đồng bằng
TRUYỀN THÔNG
  • Hơn 50 cơ quan thông tấn, báo chí, đài truyền hình trung ương và tỉnh thành với nhiều ekip đã đến dự diễn đàn. Tính đến nay, đã có hơn 160 tin, bài, phóng sự, clip… về Mekong Connect 2022 được đăng tải.
  • Cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhân sự tham gia Phiên chợ Khởi nghiệp Xanh trong khuôn khổ Diễn đàn, thông qua mạng xã hội đã chia sẻ nội dung, hình ảnh, sự kiện… góp phần rất lớn trong việc lan tỏa Mekong Connect 2022.

PHẦN II

NGÀY HỘI KHỞI NGHIỆP – PHIÊN CHỢ KHỞI NGHIỆP XANH

(Diễn ra trong 2 ngày liên tiếp 23 – 24.11.2022)
Đối tượng tham gia: Đội ngũ doanh nghiệp “Khởi nghiệp nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo” đoạt giải qua 8 cuộc thi do Trung tâm BSA tổ chức, trong đó bao gồm các doanh nghiệp từ các tỉnh ABCD Mekong và các tỉnh khác ở ĐBSCL. Các chủ thể của OCOP từ 13 tỉnh ĐBSCL và từ TP.HCM đã đạt được chứng nhận OCOP từ 3* –  5*. – doanh nghiệp đoạt giải các cuộc thi của Techfest các vùng miền năm 2022. Các thanh niên khởi nghiệp đoạt giải Lương Định Của. Đoàn thể của các địa phương trong khu vực ĐBSCL có hoạt động khởi nghiệp mạnh…
Hoạt động thực chiến: Có 5 loại hình hoạt động thực chiến trong khuôn khổ Ngày Hội khởi nghiệp – Phiên chợ Khởi nghiệp Xanh. Theo đó:
1 – Tư vấn – Giao lưu
  • Ông Nguyễn Ngọc Luận – Giám đốc Công ty Cà phê Meet More (nguyên Chủ tịch CLB Doanh nghiệp Sài Gòn Asean) chia sẻ kinh nghiệm đưa nông sản Việt lên quầy kệ, siêu thị ở nước ngoài.
  • Bà Nguyễn Thị Quỳnh Viên – Thạc sĩ khoa học (Chuyên ngành hóa), Giám đốc, Founder của Công ty TNHH SX – TM – DV Hương Đất (Nhãn hàng rau hữu cơ Happy Vegi), Giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp số Hương Đất: Chia sẻ về ứng dụng công nghệ nhất định vào sản xuất và dịch vụ cho vườn và khách hàng.
  • Ông Phạm Quốc Đăng Khoa – Giám đốc sản phẩm cho nền tảng điện toán đám mây tại VMware (Mỹ), một trong những công ty phần mềm lớn nhất thế giới, chia sẻ về chủ đề: Chuyển hoá bản thân cho việc phát triển sự nghiệp.
2 – Bán hàng
  • Phiên chợ Khởi nghiệp Xanh với gần 150 đơn vị tham gia
  • Giới thiệu hàng ngàn sản phẩm xanh, mới, lạ, hữu ích, tạo thích thú cho khách đến chợ
3 – Thảo luận – hội thảo
  • Ông Tiền Gia Trí – Thạc sĩ QTKD – Giảng viên tại BMG International Education, chủ trì với chủ đề: Xây dựng chiến lược phân phối, kế hoạch marketing, kế hoạch trade marketing, khuyến mãi, phát triển sản phẩm mới, quản lý và kiểm soát ngân sách.
  • Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh – Tiến sĩ QTKD ĐH Công Nghệ Paramount – Hoa Kỳ; Angel Investor, Co-Founder của Go Global Holdings – Công ty đầu tư và hỗ trợ cho các chuỗi nhượng quyền tại VN và khu vực – Phó chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM, TGĐ Saigon Book, chủ trì về chủ đề: Cách nào để những start-up có thể “scale-up”?
4 – Matching (kết nối doanh nghiệp với nhà mua hàng)
  • Matching quốc tế:
  • Với nhà mua hàng từ Úc: 14 doanh nghiệp tham dự.
  • Với các nhà mua hàng từ Hà Lan: 8 doanh nghiệp tham dự.
  • Matching trong nước: 48 doanh nghiệp tham dự với các siêu thị:
  • Central Group
  • Coop Mart
  • Mega Market
  • Go (cử 7 đại điện của 2 nhóm ngành hàng FMCG & Fresh. Nhân sự tham gia là giám đốc ngành hàng của Go (ngành nước, ngành đông lạnh, ngành rau củ quả,…). Go đánh giá cao các doanh nghiệp/sản phẩm tham dự kết nối đợt này).
5 – Study tour – tham quan học tập các mô hình, doanh nghiệp tiêu biểu tại Cần Thơ:
  • Công ty Dược Trà (giải Nhì cuộc thi Dự án khởi nghiệp lần 8/2022 do BSA tổ chức).
  • Xưởng sản xuất Lekima sấy dẻo (giải Cộng đồng cuộc thi Dự án khởi nghiệp lần 8).
  • Nhà máy Dinhgiafood (DN HVNCLC).
  • Trung tâm khởi nghiệp hợp tác Hàn Quốc tại TP. Cần Thơ.
  • Khu du lịch Cồn Sơn: Trao đổi kinh nghiệm xây dựng Làng du lịch sinh thái, cộng đồng phát triển làng nghề bánh dân gian Nam Bộ.
HOẠT ĐỘNG TIỀN MEKONG CONNECT 2022
TRƯỚC THỀM MEKONG CONNECT 2022 TRUNG TÂM BSA – HỘI DOANH NGHIỆP HVNCLC CÙNG BỘ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỔ CHỨC:
  1. Tọa đàm trực tiếp và trực tuyến: Phá vỡ bí ẩn của kinh tế tuần hoàn (ngày 12.11.2022, tại Văn phòng Bộ NN – PTNT chi nhánh phía Nam, Q.3, TP.HCM).
  2. Diễn đàn: Ổn định chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn nông sản của các hợp tác xã nông nghiệp (ngày 22.11.2022, tại Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn II, quận 1, TP.HCM).
XEM TỔNG KẾT MEKONG CONNECT 2022 BẰNG HÌNH ẢNH, VUI LÒNG TRUY CẬP TẠI ĐÂY: https://www.youtube.com/watch?v=6-dbXEGSY1s

                                     BAN TỔ CHỨC MEKONG CONNECT 2022