Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Hãy suy nghĩ lớn hơn cho cây sen Đồng Tháp

92
Cây sen, bên cạnh các giá trị trong ngành thực phẩm, có nhiều tiềm năng để phát triển hàng mỹ phẩm và dược phẩm. Nếu áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào giá trị sẽ lên cao rất nhiều… Đó là nội dung được đặt ra tại hội thảo khoa học về chế biến sâu ngành hàng sen do UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức ngày 30/8.
Hội thảo có sự tham dự của Bộ Trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan, đại diện các Viện, trường từ Hà Nội, Cần Thơ và các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ sen.
Lấy sen để làm dược liệu y tế, điều trị ngoại khoa và sản xuất mỹ phẩm tự nhiên. Đây là những lĩnh vực khá mới trong chế biến sâu ngành hàng sen. Những định hướng này dựa trên dược tính của cây sen. Bởi lâu nay, từ lá, thân, củ sen đều có những giá trị dược liệu, như: Hạ lypid máu, chống béo phì, chống oxxy hóa.
Bên cạnh đó, sen cũng có nhiều công dụng hỗ trợ chăm sóc sắc đẹp, cải thiện nếp nhăn, ngăn ngừa mụn, se khít lỗ chân lông.
Nhưng theo các chuyên gia, doanh nghiệp, để làm được những sản phẩm này, đòi hỏi phải có trình độ khoa học kỹ thuật cao về trích ly, chiết xuất, bào chế. Đồng thời, phải đảm bảo tính kinh tế cho sản phẩm. Do đó, các chuyên gia cho rằng, Đồng Tháp cần cân nhắc thực hiện từng bước một.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ Trưởng Bộ NN và PTNT cho rằng, cần thoát ra khỏi tư duy ăn uống, kiếm tiền, mà là giấc mơ của người nông dân được hiện thực hóa thành giá trị vật chất, giá trị văn hóa của một vùng đất. Suy nghĩ lớn hơn, giá trị sen mang lại gì cho con người Đồng Tháp.
Theo TS Phạm Minh Nhựt, Trưởng Ngành Công nghệ sinh học, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, vùng nguyên liệu phải đạt chuẩn hữu cơ và các điều kiện khác để có nguồn sen chất lượng.
Chia sẻ tại sự kiện, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC cho rằng, trong những xu hướng của thực phẩm tốt cho sức khỏe, những ưu tiên hàng đầu là phải tiện lợi trong đời sống, thực phẩm dựa trên thực vật, và những sản phẩm của địa phương…
“Theo tôi sen là sản phẩm phù hợp cho những xu hướng thực phẩm này. Trong chuyến đi Thaifex hồi cuối tháng 5/2022 của Hội DN HVNCLC, tôi thấy họ ít nói, hoặc không nói những sản phẩm về sen, tôi nghĩ đây sẽ là lợi thế cạnh tranh cho sen Việt Nam”, bà Kim Hạnh nói.
Trong khi đó, ông Ngô Chí Công, Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp, nhấn mạnh rằng, để có những sản phẩm tốt, chất lượng cao cần có vùng nguyên liệu đạt chuẩn và ổn định về sản lượng, tránh tình trạng ùn ứ hoặc khan hiếm nguyên liệu cục bộ.
Tại hội thảo khoa học này, các chuyên gia cũng khẳng định, việc đưa ra các sản phẩm chế biến sâu từ sen Đồng Tháp ra thị trường cũng cần gắn với những câu chuyện về văn hoá, lịch sử của đất và người. Những yếu tố du lịch, tâm linh, thích ứng với biến đổi khí hậu cũng cần được khai tác tổng hòa trong phát triển ngành hàng và sản phẩm Sen Đồng Tháp.
Từ một loài thuỷ sinh đặc hữu mọc hoang ở Đồng Tháp Mười, cây sen đã trở thành một trong các ngành hàng chủ lực của nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2025. So với những ngành hàng khác, ngành hàng sen vẫn còn non trẻ, chính vì vậy còn rất nhiều việc phải làm, trong đó, đòi hỏi tư duy bao quát hơn cho cây sen.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT tại sự kiện

 

Tr. Quỳnh