Các hãng bay hủy chuyến, điều hướng ra khỏi không phận Afghanistan

270
Người sơ tán chờ đợi được rời khỏi Afghanistan tại sân bay quốc tế ở Kabul, ngày 16/8/2021, khi Taliban tuyên bố kiểm soát quốc gia Tây Nam Á. Ảnh: AFP
Tiêu điểm

Các hãng bay hủy chuyến, điều hướng ra khỏi không phận Afghanistan

Rạng sáng nay 17-8, Đại sứ quán Mỹ tại Kabul đã khuyến cáo công dân Mỹ còn kẹt lại ở thủ đô không nên đến sân bay quốc tế Kabul để bảo đảm an toàn cá nhân. Sân bay quốc tế Hamid Karzai đã đóng cửa với các chuyến bay dân số. Chuyến bay cuối cùng của Air India từ Kabul đi New Delhi chiều 16-8 bị hủy trước giờ cất cánh. Trong khi đó, các nước khẩn trương di tản công dân ra khỏi Afghanistan, đặc biệt là các nước đồng minh thân cận với Mỹ như Anh, Hàn Quốc, New Zealand và châu Âu.
Các hãng bay lớn đã cấp tập điều hướng tuyến bay ra khỏi không phận Afghanistan. Các tuyến bay đến Ấn Độ, Pakistan và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) bị gián đoạn. Các hãng United Airlines của Mỹ, Virgin Atlantic của Anh, Emirates và Flydubai của UAE phải bay vòng, tránh không phận Afghanistan. Người phát ngôn hãng hàng không Lufthansa của Đức nói rằng các chuyến bay của hãng đến Ấn Độ sẽ kéo dài thêm một tiếng đồng hồ.
Trước đó, hồi tháng 7 các hãng Mỹ đã bị Cục Hàng không Liên bang (FAA) hạn chế bay ở một số độ cao nhất định, ngoại trừ các chuyến đi và đến từ sân bay Hamid Karzai lúc đó vẫn trong tầm kiểm soát của quân đội Mỹ.
Một giờ dài hơn cho các chuyến bay đến Nam Á và Trung Đông là những thiệt hại đầu tiên của ngành hàng không khi Taliban nắm quyền ở Afghanistan. Nhưng một khi các chuyến bay quốc tế bị cắt đứt thì cũng đồng nghĩa rằng đất nước Trung Á nhỏ bé này sẽ bị cô lập với cộng đồng quốc tế trong một thời gian dài. Đặt mối quan hệ ngoại giao với các nước, tiến hành đàm phán các hiệp định hàng không mới và thiết lập các tuyến bay trở lại phải mất thời gian dài, có khi nhiều thập niên.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,65 – 57,35 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, chênh lệch giá hai đầu vẫn 700.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.785 USD/ounce, tăng 5,3 USD, tương đương 0,3% so với chốt phiên trước.
2/ Infographic: Xu hướng tuyển dụng toàn cầu sau đại dịch Covid-19
3/ Các nền tảng đa ứng dụng như Grab, Gojek… đã khởi động trở lại dịch vụ giao hàng liên quận ngay khi TP.HCM hướng dẫn, cho phép shipper giao hàng thiết yếu được di chuyển liên quận. Người dùng có thể đặt các dịch vụ đi chợ hộ, giao lương thực và nhu yếu phẩm, đồ dùng thiết yếu đến tất cả các quận, huyện và TP. Thủ Đức. Đây là nhu cầu thiết yếu của người dân khi bị hạn chế đi lại. Shipper hiện phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt và phải tuân thủ trang bị và có các giấy tờ cần thiệt như giấy thông hành, mã QR, thẻ đeo, băng tay, mẫu đăng ký nhận diện shipper theo quy định.
4/ Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong hai quý đầu năm 2021, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang các thị trường chính như: Hoa Kỳ, EU, Anh, Úc đều đạt mức tăng trưởng hai con số. Xuất khấu tôm sang Hàn Quốc giảm nhẹ về lượng, nhưng tăng về trị giá, trong khi xuất khẩu tôm sang Trung Quốc giảm cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Được biết, Việt Nam và nhiều quốc gia đã bị tác động bởi dịch Covid-19, nhưng nửa đầu năm xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, khi nhu cầu nhập khẩu tôm của nhiều thị trường trên thế giới tăng, đặc biệt ở những thị trường lớn. Tuy nhiên, gần đây việc dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam đã khiến nhiều tỉnh phía Nam phải áp dụng Chỉ thị 16. Dự báo, xuất khẩu tôm trong quý 3/2021 sẽ chậm lại cho tới khi dịch được khống chế thành công.
5/ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cập nhật danh sách cảnh báo 10 mặt hàng, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, tiếp tục có nguy cơ bị nhiều thị trường nước ngoài dụng biện pháp chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hoặc phòng vệ thương mại. Theo đó, danh sách theo dõi 10 mặt hàng được xác định có nguy cơ bị áp dụng các biện pháp trên gồm: gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ, đá nhân tạo, gạch men, xe đạp điện, ống đồng, vỏ bình ga, ghim đóng thùng, gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục. Được biết, danh sách này được xây dựng trên cơ sở theo dõi biến động xuất khẩu của những mặt hàng đã bị thị trường xuất khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với nước thứ ba nhưng chưa áp dụng đối với Việt Nam.
6/ SK Telecom Co, nhà mạng lớn nhất của Hàn Quốc cho biết sẽ hợp tác với ông lớn của mạng tin nhắn di động Kakao Corp để tạo ra một quỹ đầu tư trị giá 20 tỷ won (17,29 triệu USD). Theo thông báo chung, mỗi công ty sẽ rót 10 tỷ won để tạo quỹ, với kế hoạch thu hút thêm nguồn tài trợ từ các nhà đầu tư khác để nâng tổng số tiền lên hơn 25 tỷ won. Quỹ mới sẽ tập trung đầu tư vào các công ty công nghệ và các công ty khởi nghiệp trong các ngành công nghiệp hội tụ với trọng tâm đảm bảo các tiêu chuẩn ESG (phát triển bền vững gồm Môi trường – Xã hội – Quản trị doanh nghiệp). Xu hướng đầu tư cho các công ty đảm bảo ESG ngày càng được cơ quan quản lý, các quỹ đầu tư, tổ chức và thị trường quan tâm. Theo công ty dịch vụ tài chính Morningstar, các quỹ ESG đã thu hút dòng tiền kỷ lục trong năm 2020, gấp đôi so với một năm trước đó.
7/ Theo Nikkei Aisa, công ty sản xuất màn hình LG Display, thuộc tập đoàn LG của Hàn Quốc, đã thông báo kế hoạch đầu tư 3.300 tỷ Won (2,8 tỷ USD) để sản xuất màn hình OLED cỡ nhỏ và trung bình thế hệ mới. Theo đó, LG Display cho biết kế hoạch đầu tư này dự kiến sẽ bắt đầu trong tháng này và kéo dài tới tháng 3/2024. Nhà máy sản xuất màn hình thế hệ mới dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024 tại thành phố Paju, thuộc tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc. Được biết, LG Display đã đặt mục tiêu đạt sản lượng 60.000 màn hình OLED cỡ nhỏ và trung bình tại nhà máy ở Paju. Từng là nhà sản xuất smartphone lớn thứ ba thế giới, những năm gần đây, công ty LG Electronics ngập trong thua lỗ ở mảng kinh doanh này và không thể tiếp tục đương đầu với sức ép cạnh tranh, đặc biệt là từ các đối thủ Trung Quốc.
8/ Theo hãng tin AFP, công ty Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos đang kiện chính phủ Mỹ vì đã trao hợp đồng thám hiểm mặt trăng cho đối thủ là SpaceX của tỷ phú Elon Musk. Được biết, hợp đồng hệ thống hạ cánh có người (HLS) trị giá 2,9 tỷ USD đã được trao cho SpaceX vào tháng 4. Kể từ khi vuột mất hợp đồng, Blue Origin đã khiếu nại đến Văn phòng Trách nhiệm chính phủ Mỹ nhưng cơ quan này hồi tháng 7 duy trì quyết định của NASA. Ngoài ra, hợp đồng này cũng bị nhiều nhà thầu khác phản đối vì cho rằng Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) phải chia nhỏ thành nhiều gói, đồng thời cho rằng quy trình đánh giá không công bằng.
Tỷ phú Bezos đã kiện chính phủ Mỹ vì mất hợp đồng 2,9 tỷ USD. Ảnh: Bold Business
9/ Indonesia đã công bố chiến lược thay thế 35% hàng nhập khẩu vào năm 2022 nhằm tăng khả năng tự chủ và thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước. Trong một tuyên bố nhân kỷ niệm Ngày Quốc khánh thứ 76 của Indonesia, Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang Kartasasmita hôm 17/8 đã phát biểu rằng chiến lược này nhằm xây dựng ngành công nghiệp trong nước độc lập, có chủ quyền, tiên tiến, bình đẳng và toàn diện.
Indonesia sẽ ưu tiên cắt giảm các mặt hàng nhập khẩu có giá trị lớn trong năm 2019 như máy móc, hóa chất, kim loại, điện tử, thực phẩm, thiết bị điện, dệt may, ô tô, kim loại, cao su và các vật liệu làm bằng cao su.Đồng thời, Indonesia sẽ khuyến khích phát triển các lĩnh vực sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, tăng cường tiện ích của ngành sản xuất trong nước và thúc đẩy đầu tư để sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu.
10/ Nhật Bản vẫn là nước nắm giữ nhiều nhất trái phiếu chính phủ Mỹ, với 1.277 tỷ USD trong tháng 6/2021, so với mức 1.266 tỷ USD trong tháng 5.Theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ, lượng trái phiếu của nước này do nước ngoài nắm giữ trong tháng 6 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2020 trong bối cảnh nhu cầu chung đã kéo lợi suất xuống. Những người nắm giữ chính sở hữu 7.202 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ trong tháng 6, tăng so với mức 7.135 tỷ USD trong tháng 5. Lượng nắm giữ của nước ngoài là cao kỷ lục thứ hai từ trước tới nay. Trong tháng 6, có 67 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ đã được mua, mức cao nhất trong một năm. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ ở mức 1,6062% vào đầu tháng 6 và giảm 14 điểm cơ bản xuống 1,4680% vào cuối tháng.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Yên tâm khô ráo với áo mưa K26 từ Sơn Thủy