Các hãng hàng không, sân bay châu Mỹ dẫn đầu thế giới về đúng giờ

Hãng hàng không quốc gia Avianca Airlines của Colombia trở thành hãng hàng không đúng giờ nhất thế giới trong năm 2023. Ảnh: CNN

Các hãng bay và các sân bay ở châu Mỹ và Ấn Độ đã khuấy đảo bảng thành tích đúng giờ của ngành hàng không thế giời trong năm 2023, theo hãng dữ liệu hàng không Cirium có trụ sở tại London. “Việc các hãng bay, sân bay không ngừng theo đuổi tính hiệu quả và đúng giờ là điều đáng khen ngợi khi chúng ta bước vào năm 2024, một năm đầy hứa hẹn đối với lĩnh vực hàng không”, CEO Jeremy Bowen của Cirium phát biểu.

Cirium xếp hạng các hãng hàng không theo thời gian đến đúng giờ (OTP), yêu cầu chuyến bay chở khách phải đến cổng trong vòng 14 phút 59 giây kể từ thời gian đến dự kiến, đúng 15 phút vẫn được xem là trễ. Tương tự, các sân bay được xếp hạng theo thời gian khởi hành đúng giờ, đủ điều kiện khi chuyến bay rời cổng trong vòng 14 phút 59 giây so với giờ khởi hành dự kiến.

Nhật Bản mất danh giá đúng giờ nhất thế giới

Hãng Avianca Airlines của Colombia và Azul Ailrines của Brazil đã thực hiện cuộc lật đổ ngoạn mục đối với các hãng bay truyền thống của Nhật Bản trong năm 2023 với tỷ lệ đúng giờ OTP lần lượt là 85,73% và 85,51%. Thành lập năm 1919, Avianca là hãng hàng không lâu đời thứ hai thế giới còn tồn tại, sau KLM của Hà Lan. Khai trương năm 2008, Azul là hãng hàng không quốc gia Brazil theo mô hình giá rẻ.

Qatar Airways xếp thứ ba với 85,11%, Delta Air Lines của Mỹ hạng tư và Iberia Airlines của Tây Ban Nha xếp hạng năm với tỷ lệ trên 84%.

Các hãng hàng không đủ điều kiện trong danh mục toàn cầu cần phải nằm trong top 10% trong số tất cả các hãng hàng không chở khách theo năng lực và độ rộng mạng lưới của họ, cũng như phục vụ ít nhất ba khu vực trên thế giới với các chuyến bay hàng ngày. Các hãng hàng không Nhật Bản có truyền thống đứng đầu bảng xếp hạng OTP của Cirium, ghi nhận hiệu suất tốt nhất với sáu lần đứng đầu trong số 11 bảng xếp hạng được công bố từ năm 2011 đến năm 2022.

Các sân bay đủ điều kiện là những sân bay đón 25-40 triệu chỗ ngồi, tỷ lệ máy bay rời khỏi cổng khởi hành đúng giờ là từ 80%. Các hãng bay phải phục vụ ít nhất ba khu vực đạ lý trên thế giới. Nước Mỹ thống trị hạng mục sân bay toàn cầu khi chiếm 5 trong số 10 vị trí hàng đầu. Ấn Độ nổi bật với vị trí thứ hai cho sân bay quốc tế Rajiv Gandhi ở Hyderabad và hạng ba về tay sân bay quốc tế Kempegowda ở Bengaluru, với OTP trên 84%.

Các hãng hàng không lớn của Nhật Bản là All Nippon Airways (ANA) và Japan Airlines (JAL) từ hai vị trí dẫn đầu đã bị tụt xuống hạng bảy và hạng tám trong bảng xếp hạng 2023 của Cirium, với tỷ lệ OTP lần lượt là 82,75% và 82,58%. Cả hai hãng bay Nhật Bản đổ lỗi cho điều kiện thời tiết chưa từng có và tình trạng tắc nghẽn tại Haneda khiến OTP giảm vào năm ngoái.

Báo cáo hàng tháng của Cirium cho thấy hiệu suất đúng giờ của cả ANA và JAL đã giảm xuống còn khoảng 71% trong tháng 8, tháng cao điểm có bão. Ngoài vấn đề thời tiết, người phát ngôn của JAL còn cho rằng tỷ lệ thấp là do “lượng hành khách tăng cao do kỳ nghỉ hè và kỳ nghỉ lễ Obon” ở Nhật Bản. Obon là mùa du lịch cao điểm ở Nhật Bản vào khoảng giữa tháng 8.

Sân bay Haneda tụt xuống vị trí thứ 10 từ vị trí số 1 năm 2022, với OTP là 80,51%. Sân bay bận rộn nhất Nhật Bản đang bị giám sát chặt chẽ sau vụ tai nạn chết người giữa máy bay của Japan Airlines và máy bay của lực lượng bảo vệ bờ biển vào hôm 2-1-2024.

Hàng không Ấn Độ tạo ấn tượng

Bất chấp sự thụt lùi trong bảng xếp hạng toàn cầu, hai hãng bay Nhật Bản vẫn là những hãng có thành tích tốt nhất trong số các hãng hàng không châu Á-Thái Bình Dương. Theo Cirium, các hãng Thai AirAsia và hãng Indigo lớn nhất ở Ấn Độ bám sát hai hãng Nhật Bản, với tỷ lệ OTP trên 82%. Cirium cho biết hiệu quả hoạt động mạnh mẽ của hãng hàng không giá rẻ IndiGo đã góp phần giúp các sân bay Rajiv Gandhi và Kempegowda được xếp hạng cao trong danh mục toàn cầu.

Chuyên gia David White của Cirium cho biệt IndiGo chiếm hơn một nửa số chuyến bay ở cả Hyderabad và Kempegowda (Bengaluru), và hơn 2/3 số ghế ở hai sân bay này.  Nhưng dữ liệu của Cirium cho thấy hiệu suất tổng thể của IndiGo đã bị sụt giảm khi OTP giảm xuống 76% trong tháng 11 và 69% trong tháng 12.

Rashi Lal, nhà phân tích cấp cao của ngành tại Economist Intelligence Unit, cho biết: “Khoảng cách cung – cầu ngày càng gia tăng trong kỳ nghỉ lễ mùa đông, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn và chậm trễ lớn. Tầm nhìn thấp do sương mù ở miền bắc Ấn Độ cũng ảnh hưởng đến hoạt động đúng giờ của tất cả các hãng hàng không. Trong năm tới, cơ sở hạ tầng sân bay sẽ được nâng cấp mạnh mẽ trên khắp đất nước để giải quyết những vấn đề này.”

Các hãng bay có OTP cao nhất ở châu Á – Thái Bình Dương từ hạng 5 đến hạng 10 gồm: Air New Zealand, Garuda Indonesia, Singapore Airlines, Philippine Airlines, Vietnam Airlines và Cathay Pacific Airways

Hong Kong Express, thuộc sở hữu hoàn toàn của Cathay Pacific, là hãng hàng không giá rẻ cao cấp nhất ở châu Á. Hãng xếp thứ ba toàn cầu về hãng hàng không giá rẻ với OTP là 85,23%, cao hơn Cathay 76,32%. Cathay, hãng hàng không hàng đầu của Hồng Kông, đang phải vật lộn với tình trạng thiếu phi công trong kỳ nghỉ lễ khi đã hủy hơn 150 chuyến bay kể từ Giáng sinh.

Theo Cirium, Bloomberg, Nikkei Asia

Ricky Hồ / BSA Media