Các diễn giả tại buổi tọa đàm “Nguồn vốn đầu tư cho liên kết bền vững”, trong khuôn khổ Mekong Connect 2024, sáng 18/12 đều thống nhất cho rằng “nông nghiệp và lương thực” vẫn là mỏ vàng tiềm năng của ĐBSCL mà các nhà đầu tư nước ngoài nhắm tới.
Một trong những thách thức lớn nhất đối với sự phát triển bền vững của ĐBSCL chính là làm thế nào để huy động được nguồn vốn đầu tư dài hạn và hiệu quả. Điều này không chỉ quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu và môi trường mà còn là động lực để xây dựng một nền kinh tế năng động, thích ứng với những biến động thị trường toàn cầu.
Tại phiên toàn thể Mekong Connect 2024, Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan nói: “Như chúng ta đã biết ĐBSCL là một trong ba đồng bằng bị tác động lớn nhất của BĐKH. Điểm chung nhất cho ĐBSCL theo tôi là tự mình thay đổi theo hướng phát triển bền vững. Một sự đổi mới cơ bản, cách thức ĐBSCL trong tương lai. Chúng ta cứ nghĩ nông nghiệp là xanh, nhưng cách làm nông nghiệp lâu nay của chúng ta là nâu là đen chứ không phải xanh. Vài năm gần đây chúng ta mới dần đi theo hướng xanh”.
Cũng theo bà Phạm Chi Lan, ĐBSCL có thể khai thác các nguồn lực khác, chuyển đổi cây trồng và canh tác nông nghiệp để mang lại lợi ích cao hơn, mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn, cải thiện đời sống của người nông dân. Chỉ dựa vào lúa gạo không thôi, thì không có cách nào làm cho đời sống của người dân ĐBSCL khá lên được.
“Cách thức chúng ta chuyển đổi sang thuận thiên, sang đa dạng hóa kinh tế nông nghiệp, thời gian qua là rất đúng hướng” – bà Phạm Chi Lan nói.
Ở góc nhìn của quỹ đầu tư, bà Huỳnh Thanh Bình Minh, Giám đốc Quỹ Tael Partners Việt Nam, nói: “Cơ hội khi mà chúng tôi nhìn vào ĐBSCL là nông nghiệp, lương thực. Đó là những nhu cầu rất cơ bản”.
Bà Minh cho biết, Tael Partners Việt Nam đã đầu tư 1,3 tỷ USD ở khu vực Đông Nam Á. Riêng ở Việt Nam Quỹ Tael Partners đã đầu tư từ 2013, vào 8 công ty trong các lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế, giáo dục…
Bà Huỳnh Thanh Bình Minh, Giám đốc Quỹ Tael Partners Việt Nam (bìa phải). Ảnh: BSA Media.
Theo bà Minh để nhìn ra được cơ hội đầu tư cụ thể thì những người quản lý quỹ phải nhìn thấy đầu tiên là thị trường lớn. Thủy – hải sản, lúa gạo, rau-củ-quả đều có thị trường rất lớn. Các công ty ở Việt Nam đều đã xuất khẩu đi hàng chục nước. Nhưng như các công ty ở Thái Lan họ có thể xuất khẩu đến 150 nước, tức là dư địa để phát triển cho các công ty ở Việt Nam còn rất lớn.
Thứ hai, không phải ngành nào cũng tăng trưởng như nhau. Chẳng hạn, ngành nông nghiệp lương thực có thể có tốc độ tăng trưởng rất chậm, nhưng nếu chuyển qua sản phẩm chế biến, sản phẩm đóng gói, đồ uống… thì giá trị thị trường sẽ rất lớn. Trong những ngành này sẽ có mức độ tăng trưởng cao, chẳng hạn những ngành thực phẩm tốt cho sức khỏe, như nước uống từ trái dừa, là một trong những ngành đang phát triển nhanh nhất. Các nhà đầu tư sẽ nhìn vào từng ngành một này để tìm xem tiềm năng tăng trưởng đến từ đâu về lượng, về giá trị.
Có doanh nghiệp rất lớn, ví dụ doanh nghiệp về ngành tôm, nhưng không tạo ra được câu chuyện giá trị thì càng lớn thì biên độ càng mỏng, rất dễ bị cạnh tranh bởi các quốc gia khác. Chẳng hạn, với ngành tôm là sự cạnh tranh từ Ấn Độ hoặc Ecuador. Tức là doanh nghiệp có thể rất lớn ở Việt Nam nhưng không thể cạnh tranh được nếu không tạo giá trị cho sản phẩm.
“Chúng tôi mong muốn kể được câu chuyện để thuyết phục hội đồng đầu tư đầu tư vào. Để như vậy thì doanh nghiệp phải có câu chuyện tăng trưởng của riêng mình. Câu chuyện tạo ra giá trị. Câu chuyện về việc tối ưu hóa các nguồn lực, tăng năng suất, giảm chi phí, giảm thất thoát ra sao. Chẳng hạn, Việt Nam có mức thất thoát của ngành nông nghiệp là 15 đến 40%, tức là hậu thu hoạch bị thất thoát. Những doanh nghiệp nào có giải pháp để giải quyết những vấn đề này, Những doanh nghiệp nào có giải pháp để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, lấy phụ phẩm của ngành nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, như vỏ tôm, vỏ dừa, vỏ sầu riêng… thì đều là những câu chuyện để chúng tôi thuyết phục các nhà đầu tư đầu tư vào” – bà Minh chia sẻ.
Ngoài ra, các ngành kinh doanh này phải áp dụng được các tiến bộ công nghệ của thế giới. Ngành nông nghiệp sẽ không ai đầu tư nếu phụ thuộc vào thời tiết, chịu nhiều rủi ro. Đầu tư thì phải tính toán được rủi ro, nếu không tính toán được rủi ro sẽ không thể thuyết phục được họ. Chẳng hạn, sử dụng các số liệu về thời tiết, về môi trường để tính toán được rủi ro ở mức độ nào, và làm sao giải quyết được rủi ro này. Khi đó mới thuyết phục được nhà đầu tư, đồng tiền họ bỏ ra sẽ thu được bao nhiêu với mức độ rủi ro như thế nào.
“Nhìn vào các doanh nghiệp ở ĐBSCL chúng tôi thấy rất nhiều cơ hội để đầu tư, nhưng mỗi quỹ thì họ cần một số tiền để bỏ ra tương xứng. Ví dụ chúng tôi đang quản lý một quỹ chừng 1,3 tỷ USD thì chúng tôi cần một khoản đầu tư từ 15 đến 40 triệu USD cho một doanh nghiệp. Để hấp thụ số vốn này thì khả năng doanh nghiệp thực thi phải cực tốt. Ngồi kiểm lại chúng tôi chưa thực sự thấy nhiều cơ hội để đầu tư. Chúng tôi thực sự mong có nhiều doanh nghiệp được ươm tạo, được hỗ trợ, một hệ sinh thái, “cần một làng” để nuôi một doanh nghiệp lớn hơn, để tạo ra tiềm năng để chúng tôi đầu tư” – bà Minh nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty tư vấn Clickable Impact, chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: BSA Media.
Trong khi đó, đại diện Tổ chức tư vấn đầu tư tác động môi trường và xã hội – bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty tư vấn Clickable Impact, cho biết theo một báo cáo mới nhất của châu Á thì trong khoảng ba năm trở lại đây số lượng nhà đầu tư chuyển từ đầu tư truyền thống sang đầu tư tác động đã nhân đôi. Hiện cũng có nhiều nhà đầu tư tác động dần chuyển qua thị trường Việt Nam. Cung cấp các khoản tài trợ tác động cho các công ty Việt Nam. Đặc thù, Clickable là hỗ trợ các công ty ở nhóm khởi nghiệp khí hậu, nên chúng tôi quan tâm đến các doanh nghiệp có nhu cầu vốn nhỏ hơn, nằm khoảng 1-5 triệu USD.
Các nhà đầu tư tác động ở Việt Nam chưa nhiều, họ thường chỉ đóng vai trò tham gia, nhưng chưa tham gia với vai trò dẫn dắt.
“Một cuộc chơi thú vị ở Việt Nam là các nhóm nhà đầu tư cung cấp các sản phẩm hỗ trợ vốn vay cho đầu tư tác động. Các nhà đầu tư vốn vay này tập trung vào các nhóm doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Đặc biệt, yêu thích các doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu của phụ nữ trên 20% trong cơ cấu vốn của doanh nghiệp” – bà Hà nói.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, có ba rào cản ở thị trường Việt Nam. Thứ nhất là khả năng các công ty có thể xây dựng mô hình kinh doanh và quản trị rủi ro, phòng vệ được các rủi ro khí hậu, tránh việc suy giảm tài sản, khả năng sinh lợi của tài sản. Thứ hai, bản thân doanh nghiệp ĐBSCL thường chỉ theo mô hình làm việc với người nông dân. Các mô hình này tạo ra được tác động xã hội tích cực, nhưng lại chưa biết cách làm thế nào để truyền thông về tác động xã hội tích cực đã tạo ra được. Các quỹ đầu tư quan tâm đến việc giảm lượng khí nhà kính, nhưng họ cũng quan tâm đến việc tạo ra được bao nhiêu sinh kế cho người có thu nhập thấp, những người ở đáy tháp thu nhập. Tức là tạo ra được tác động xã hội nhưng phải tìm cách chứng minh và thuyết phục được nhà đầu tư. Thứ ba là năng lực quản lý tài chính một cách minh bạch. Khi nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường, việc đầu tiên là kiểm tra xem định giá của công ty như thế nào, bằng cách kiểm tra dự phóng dòng tiền tương lai. Họ xem liệu chúng ta thực sự có mang được dòng tiền dương.
Ông Anderson Tan, Giám đốc Công ty Accelebator Singapore, chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: BSA Media.
Cũng nhìn nhận ĐBSCL như một thị trường đầy tiềm năng, ông Anderson Tan, Giám đốc Công ty Accelebator Singapore, nói rằng: “Chúng tôi nhìn Việt Nam với con mắt đầy ngưỡng mộ và ganh tỵ vì Việt Nam có quá nhiều nguồn lực, nhiều sự ưu đãi của thiên nhiên. Tôi hy vọng Việt Nam có thể trở thành nơi sản xuất lương thực cho Đông Nam Á. Đó là cách người singapore nhìn vào Mekong và Việt Nam.
Theo ông Anderson Tan, nếu tiềm năng này được hiện thực thực hóa thì lợi ích rất lớn. Hiện nay, Việt Nam còn rất nhiều dư địa phát triển nông nghiệp. “Ví dụ chỉ cần nhìn vào sự lãng phí sau thu hoạch, thì chúng ta thấy nếu biến các phế phẩm, các thứ đang bị bỏ phí trong nông nghiệp, nếu được tận dụng một cách hợp lý thì có thể trở thành những sản phẩm có giá trị rất lớn, và phát triển bền vững” – ông Anderson Tan nói.
Đánh giá cao sáng kiến kết nối của Mekong Connect, ông Anderson Tan khi Mekong Connect có thể hội tụ các địa phương, chuyên gia, doanh nghiệp toàn vùng như một cái hub thì các nhà đầu tư, như các nhà đầu tư Singapore chẳng hạn, có thể chỉ cần phải tìm đến đó và có thể tìm thấy các cơ hội đầu tư của mình thay vì phải đi khắp cả một vùng ĐBSCL rộng lớn. “Chúng ta gom hết lại đây và các nhà đầu tư tìm đến, thì đó là sự kết nối” – ông Anderson Tan nhận định.
Một khía cạnh hợp tác đầy tiềm năng khác giữa Singapore và ĐBSCL đó là công nghệ nông nghiệp. Singapore có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ (Agritech Startup) nhưng lại thiếu đi một môi trường thực tế để áp dụng, trong khi Việt Nam lại là cả một vùng thực địa rộng lớn và đầy tiềm năng. Nếu có thể tìm được sự kết nối này (công nghệ Singapore và tài nguyên Việt Nam-Mekong) thì tiềm năng sẽ rất lớn, bởi bản thân Singapore là một bàn đạp để các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra các nước khác.
Diễn đàn Mekong Connect năm 2024 diễn ra trong hai ngày 17 và 18/12/2024 tại Đại học An Giang, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, với chủ đề: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ vùng ĐBSCL – TP.HCM và cả nước, hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới”.
Mekong Connect 2024 với sự bảo trợ của Bộ NN&PTNT, Bộ KHCN, do UBND tỉnh An Giang và UBND TP.HCM đồng tổ chức và chủ trì. Cùng với đó là sự đồng hành của các tỉnh thành: Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang và Vĩnh Long.
Sự kiện được phối hợp thực hiện bởi: Sở Công Thương TP.HCM, Sở Công Thương An Giang, Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, VCCI Đồng bằng sông Cửu Long và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC). Mekong Connect 2024 được điều phối bởi: Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp – BSA.