Các thương hiệu xa xỉ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận vượt bậc tại Việt Nam

Trung tâm mua sắm Saigon Centre ở Q1, TP.HCM. Đây là nơi tập trung đông đảo các thương hiệu cao cấp. Ảnh: VG

Các hãng hàng xa xỉ như Gucci, Louis Vuitton, Chanel, Cartier và Dior đã đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình 140% trong năm 2022 so với năm trước đó. Tiến sĩ Daniel Borer, giảng viên kinh tế Đại học RMIT, nói rằng các thương hiệu xa xỉ đang xem Việt Nam là một trong những thị trường mục tiêu hàng đầu tại Đông Nam Á.

Thị trường tỷ đô, lợi nhuận kếch xù

Tuy nhiên, dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Vietdata công bố đầu tháng 1-2024 cho thấy mức lợi nhuận cao hơn gần bốn lần trong năm 2022.

Theo Vietdata, 12 nhà phân phối 34 thương hiệu cao cấp như Louis Vuitton, Chanel, Dior và Hermes đạt doanh thu tổng hợp 25.000 tỉ đồng (hơn 1 tỷ đô la) trong năm 2022, tăng 67% so với năm trước đó. Lợi nhuận đạt 3.800 tỷ động (156,57 triệu đô la) trong năm 2022, tăng 270% so với trước. Trong số 12 công ty phân phối, Tam Sơn đứng đầu với doanh thu 4.750 tỷ đồng, lợi nhuận 849 tỷ đồng.

Hãng dữ liệu Statista ước đoán thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam đạt doanh thu 957,2 triệu đô la trong năm 2023, với mức tăng trưởng hàng năm là 3,23% từ nay đến 2028. Nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với hàng xa xỉ mang đến cơ hội đáng kể cho các thương hiệu mở rộng và đầu tư vào Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển với GDP bình quân đầu người năm 2022 của Việt Nam đạt 4.200 đô la, theo Ngân hàng Thế giới (WB). Mức này nằm ở vùng trung bình thấp ở ASEAN, xếp dưới Indonesia (4.800 đô), và trên Philippines (3.500 đô), nhưng vần cách xa thu nhập ở Singapore (82.800 đô), Brunei (37.200 đô) hay Malaysia (12 nghìn đô la Mỹ).

Dù vậy, Việt Nam là ngôi sao đang lên của ngành hàng xa xỉ. Việt Nam đã nỗ lực giữ được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người nhanh và vững chắc, trung bình trên 4% trong bốn năm gần đây.Trong khi hầu hết các nước đang phải vật lộn để phục hồi sau đại dịch, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng kinh tế kỷ lục là 7,2% trong năm 2022 và 5% trong năm 2023.

Lương tăng 1 đồng, chi tiêu đồ xa xỉ tăng hơn 3 đồng

Tại sao các thương hiệu lại quan tâm các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế?

Tiến sĩ Borer nói hàng xa xỉ là một trong những mặt hàng hiếm hoi mà người ta có thể vung tay chi tiêu khi trở nên dư dả hơn. Thu nhập tăng 10% có thể giúp chi tiêu cho hàng xa xỉ tăng nhiều hơn tỷ lệ này. Chẳng hạn, người giàu có thể chi 30 triệu đồng một tháng cho những món đồ xa xỉ. Khi lương của người đó tăng từ 200 triệu đồng lên 220 triệu đồng (tăng 10%), thì họ có thể tăng khoản chi tiêu cho những món đồ xa xỉ từ 30 lên 40 triệu đồng một tháng (tăng 33,3%). Tức là, tăng lương một đồng thì chi tiêu hàng xa xỉ sẽ tăng hơn ba đồng.

Ngược lại, nếu lương của một người bị giảm, hàng xa xỉ là thứ đầu tiên bị cắt bỏ. Trước Covid-19, Trung Quốc đã trải qua khoảng một thập niên tăng trưởng phi mã. Châu Á trở thành điểm đến bán chạy nhất của các thương hiệu xa xỉ. Về doanh số bán hàng xa xỉ trực tuyến, khu vực châu Á – Thái Bình Dương chiếm tới 45% doanh số bán hàng toàn cầu vào năm 2021, cao hơn nhiều so với mức 27% và 28% của châu Mỹ và châu Âu.

Trong đại dịch, thị trường Trung Quốc hạ nhiệt và doanh số bán hàng xa xỉ bắt đầu chững lại. Các thương hiệu thiết kế như Gucci, Versace hay Rolex bắt đầu tìm kiếm những thị trường mới đang phát triển như Việt Nam.

Liệu 2024 các thương hiệu xa xỉ vẫn ăn nên làm ra?

Giống như người dân láng giềng, người Việt không ngại khoe sự giàu có của mình bằng những món đồ “độc” chỉ người có tiền mới có thể sắm được. Đây là tín hiệu tốt cho các thương hiệu xa xỉ, vì họ mong muốn nhắm đến một số ít người thuộc giới thượng lưu có thu nhập cao, hơn là phân bổ sự giàu có đồng đều trong xã hội.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu các thương hiệu xa xỉ có tiếp tục xem Việt Nam là thị trường trọng điểm hay không.

Tiến sĩ Borer nói rằng kinh tế Trung Quốc vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng đáng kể. Các thương hiệu xa xỉ sẵn sàng chờ cơ hội quay trở lại thị trường khổng lồ này. Trong khi, Việt Nam là thị trường trọng tâm vào năm 2022, các thương hiệu hạng sang dường như có nhiều lựa chọn hấp dẫn hơn vào năm 2024 để bán những món hàng được người giàu săn đón. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu họ chuyển các chiến dịch marketing và nỗ lực bán hàng sang nơi khác.

Tiến sĩ Borer nói: “Không có lý do gì để lo sợ rằng Cartier, Dior và Chanel sẽ biến mất khỏi các trung tâm thương mại ở TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Chỉ cần có nhu cầu lớn, các thương hiệu cao cấp chắc chắn sẽ vẫn duy trì các cửa hàng của mình. Câu hỏi thực sự ở đây không phải là các thương hiệu xa xỉ có cần Việt Nam hay không, mà là liệu Việt Nam có cần những nhãn hàng hạng sang hay không”.

Tác già chính: Daniel Brorer – RMIT

Biên tập & hiệu đính: Ricky Hồ – BSA Media