“Chia bớt trứng” cho rổ nào?

123
Tâm lý bất an sau cơn sóng thần SVB

Trước đợt sụp đổ của của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), các nhà đầu tư khôn ngoan đã cảm nhận những rung chấn và muốn tìm đến Việt Nam để chia bớt trứng ra khỏi giỏ và tìm một môi trường mới, trải nghiệm mới. Khi chia trứng ra khỏi Mỹ thành xu hướng rõ ràng hơn thì các nước châu Á, đặc biệt là Việt Nam, phải tìm cách làm sao lót ổ trứng của mình ngày càng đẹp, hấp dẫn để đón cơ hội…

Sự kiện SVB – một ngân hàng chuyên phục vụ các startup công nghệ và giới đầu tư mạo hiểm ở Silicon Valley thuộc bang  California, Mỹ sụp đổ giống như cơn sóng thần lan khắp thế giới, tạo ra tâm lý hoảng loạn cho giới đầu tư mạo hiểm và cộng đồng khởi nghiệp trên toàn thế giới. Họ choáng váng trước một cuộc khủng hoảng nhấn chìm một ngân hàng có tuổi đời hàng chục năm, từng nắm giữ 200 tỷ USD tài sản. Các nhà đầu tư lớn và quỹ đầu tư quốc gia trong khu vực đã vội vã kiểm tra mức độ rủi ro của danh mục đầu tư trong biến cố SVB.

Bất an

Khủng hoảng của SVB gây lo ngại lớn ở châu Á, nơi đang có phong trào khởi nghiệp sôi nổi nhất thế giới nhờ thế hệ trẻ đông đảo và nhiều khát vọng. Các công ty khởi nghiệp và công ty đầu tư mạo hiểm từ Trung Quốc đến Ấn Độ và cả ở Đông Nam Á trong những tuần qua giống như một người bị bệnh tim đang chơi tàu lượn siêu tốc.

Chẳng hạn SPD (Shanghai Pudong Development) – một liên doanh của SVB ở Trung Quốc còn được gọi là SPD Silicon Valley Bank vốn rất tích cực cho vay đối với startup mới thành lập và quỹ đầu tư không thể vay vốn từ các ngân hàng truyền thống. Liên doanh này sau cơn sóng thần đã phải liên tục phát đi các thông điệp nhằm trấn an khách hàng và các công ty trong danh mục đầu tư. Họ khẳng định luôn hoạt động ổn định theo luật pháp và quy định của Trung Quốc, đồng thời có bảng cân đối kế toán độc lập.

Broncus Holding của Hong Kong cũng có khoảng 11,8 triệu USD, tương đương khoảng 6,5% lượng tiền và các khoản tương đương tiền, đã được gửi tại SVB kể từ ngày 10/3. Họ phải trấn an: “Công ty đang tích cực làm việc để bảo toàn và thu hồi tiền gửi của mình tại SVB”.

Nhà phát triển game Nazara Technologies của Ấn Độ cho biết hai đơn vị có liên quan gián tiếp đến công ty có khoảng 7,8 triệu USD tại SVB. Ở Nhật Bản, ngoài SoftBank, hãng quản lý tài sản Sumitomo Mitsui Trust Holdings có 0,29% cổ phần của SBV Financial Group – công ty mẹ của Silicon Valley Bank, tính đến cuối quý 4 năm ngoái.

Một số công ty ở Hàn Quốc cũng đã lên tiếng về SVB. Đáng chú ý là Dịch vụ hưu trí quốc gia Hàn Quốc. Theo đó, quỹ hưu trí công của Hàn Quốc có 0,17% cổ phần trong SBV Financial Group, tính đến cuối quý 4 năm ngoái.

Sau những nỗ lực được mô tả điên cuồng để cố gắng trấn an, một số giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp cho biết vụ việc như một lời cảnh báo để họ không chịu thêm cơn sóng thần nào nữa. Cho dù chính phủ Mỹ đưa những khuyến cáo mang tính đảm bảo về tính an toàn, nhưng các nhà đầu tư hiểu rằng không thể nào để dồn trứng vào một giỏ. Đã đến lúc phải có một cuộc di cư, phân tán nguồn lực và thị trường trong lĩnh vực khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm.

Không thể để hết “trứng” vào một “giỏ” ngân hàng…

Trong một tuyên bố chung sau khi SVB đổ vỡ, một nhóm các nhà đầu tư mạo hiểm cá nhân đã chia sẻ trên mạng xã hội: “SVB đã là đối tác lâu năm và đáng tin cậy của ngành đầu tư mạo hiểm và những nhà sáng lập của chúng tôi. Trong 40 năm, SVB là một nền tảng quan trọng đóng vai trò then chốt trong việc phục vụ cộng đồng khởi nghiệp và hỗ trợ nền kinh tế đổi mới ở Mỹ. Các sự kiện diễn ra vừa qua đã gây thất vọng và lo ngại sâu sắc”.

Tờ Wall Street Journal dẫn lời Wang Guanyan, giám đốc điều hành của một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Quảng Châu, Trung Quốc chuyên phát triển các trò chơi thực tế ảo rằng: “Sự kiện SVB là một lời nhắc nhở để chúng tôi xem xét lại sự phụ thuộc của mình vào đầu tư từ Mỹ.

Ông Wang cho biết công ty của ông đã lên kế hoạch chuyển một số tiền mà họ gửi tại SVB trở lại Trung Quốc hoặc Singapore, nơi họ cũng điều hành một studio. Theo ông Wang, công ty của ông đã thận trọng trong việc phụ thuộc giao dịch bằng đô la Mỹ vì lo ngại về việc giám sát chặt chẽ hơn của Mỹ đối với đầu tư vào công nghệ Trung Quốc.

SVB là cái tên phổ biến với nhiều startup châu Á, đặc biệt là các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ sinh học và phần mềm. Nhà phân tích cổ phiếu lĩnh vực chăm sóc sức khỏe Xinyao Wang cho biết: “Sau cú sốc SVB, các startup mất đi một kênh tài chính quan trọng và cần tìm những kênh khác để huy động tiền, đặc biệt là từ các quỹ bằng đô la Mỹ”.

Trong số những công ty bị ảnh hưởng nặng nề có BeiGene Ltd. – một startup công nghệ sinh học đang phát triển các loại thuốc điều trị ung thư. BeiGene có các khoản tiền gửi không được bảo hiểm tại SVB trị giá khoảng 3,9% trong số 4,5 tỷ USD tiền mặt họ sở hữu, tương đương với khoảng 175,5 triệu USD. Sau cú sốc, BeiGene trấn an: “Công ty không cho rằng những diễn biến gần đây của SVB sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của mình”. Đồng thời, công ty giải thích họ đã đa dạng hóa các vị trí đầu tư và tiền mặt của mình trên một số tổ chức tài chính lớn bao gồm JPMorgan Chase & Co., Morgan Stanley và UBS Group AG. Nói cách khác, chia trứng ra nhiều giỏ là cách để BeiGene lánh nạn khỏi những “đột biến” không thể lường trước.

Cơ hội lót ổ chờ đại bàng đến khởi nghiệp

Bộ trưởng Bộ Công nghệ Rajeev Chandrasekhar (trái) và Thủ tướng Narendra Modi

Tại Ấn Độ, quê hương của một số công ty khởi nghiệp hàng đầu thế giới, Bộ trưởng Bộ Công nghệ Rajeev Chandrasekhar phát biểu trên Twitter cá nhân rằng các công ty khởi nghiệp nên học từ khủng hoảng SVB và phải tin tưởng hơn vào hệ thống ngân hàng của Ấn Độ. Ông cũng nhìn nhận việc Mỹ chuyển sang hỗ trợ tất cả các khoản tiền gửi tại SVB có nghĩa là những rủi ro tiềm ẩn đối với các startup Ấn Độ đã qua đi.

Srikrishnan Ganesan, CEO và đồng sáng lập startup phần mềm Rocketlane có trụ sở tại Chennai và văn phòng ở cả Ấn Độ và Mỹ, lại nói: “Bạn cần chắc chắn tiền luôn có trong tài khoản ngân hàng”.

Thành lập vào năm 2020 và huy động được 21 triệu USD, Rocketlane gửi từ 16 – 17% lượng tiền mặt họ có tại SVB. Họ sử dụng khoản này cho các vấn đề như trả lương cho nhân viên tại Mỹ. Ông Ganesan cảm thấy tiếc vì đáng ra có thể chuyển tiền sang một ngân hàng khác vào một tuần trước khi SVB sụp đổ.

Ông Ganesan cho biết các startup giai đoạn đầu có trụ sở tại Ấn Độ và các nơi khác gần đây đã nhận được tài trợ ở Mỹ, nhưng lại không có thời gian để tách rời khỏi SVB, sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương. Ông đúc kết ra một bài học mà mình đã thấm được sau vụ này là “không tập trung quá nhiều vốn vào bất kỳ tổ chức nào và không phụ thuộc quá nhiều vào bất kỳ nhà cung cấp hoặc nhà cung cấp đơn lẻ nào”.

Jensen Ye, nhà đồng sáng lập 43 tuổi của một startup cung cấp dịch vụ mã hóa, cho biết công ty của ông đã nhận được khoản đầu tư mới trị giá 7 triệu USD từ một quỹ có trụ sở tại Mỹ vào tháng 12 và ký gửi số tiền đó với SVB. Thành lập tại Trung Quốc và hiện có trụ sở tại Singapore, startup này đã lên kế hoạch sử dụng số tiền gọi được để trả lương cho nhân viên và mở rộng hoạt động tại Singapore. Ông Ye nói đầy tiếc nuối: “Tôi không bao giờ nghĩ rằng việc chúng ta bỏ tất cả trứng vào một giỏ là không an toàn, bởi trước đó tôi thấy mọi chuyện vững như bàn thạch”.

Tại Đông Nam Á, hầu hết giới khởi nghiệp không tiếp xúc với SVB hoặc rất ít. Tuy nhiên, sự kiện SVB khiến cho những tín hiệu manh nha tìm đường sang Mỹ bị khựng lại. Yinglan Tan, đối tác sáng lập ở Insignia Ventures Partners (Singapore) cho rằng biến cố SVB sẽ mang lại cho quốc đảo này cơ hội để thu hút vốn và tài năng trong ngành công nghệ.

Đồng tình với nhận định này, Jeffrey Seah, đối tác tại Quest Ventures, kỳ vọng rằng một số quỹ sẽ chuyển tiền các tổ chức ngân hàng có vốn hóa và đáng tin cậy hơn, chẳng hạn như các tổ chức ở Singapore.

Hiện giờ, việc tìm ngân hàng ở Đông Nam Á để thay thế cho SVB không dễ. David Gowdey, đối tác quản ở Jungle Ventures, nói: “Các ngân hàng ở Đông Nam Á không cung cấp sản phẩm và dịch vụ giống như SVB”.

Tuy nhiên, trước nhu cầu muốn tìm nơi trú ẩn an toàn đang tăng đột biến sau cơn sóng thần SVB thì các nước châu Á có cơ hội lót ổ chờ đại bàng đến khởi nghiệp. Cơ hội đó dành cho cả các nước ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Anh Tú / Bản tin LBC