Co.op – tương lai nào cho người dẫn đầu?

    Câu hỏi lớn của Co.op là phải làm sao thu hút các nhóm đối tượng trẻ, thu nhập tốt, thế hệ Y, Z.
    Trong bài này, chúng tôi chỉ đưa ra góc nhìn và đánh giá chuyên môn về những gì Co.op đã và đang thể hiện trên thị trường, và tác động của nó thế nào đến ngành bán lẻ tới đây…
    Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định Co.op vẫn là nhà bán lẻ số một Việt Nam, nhưng, trong một thị trường bán lẻ biến động từng ngày như Việt Nam, nếu chỉ nhìn vào doanh số để so sánh sẽ phiến diện. Do đó, cần cái nhìn đa chiều hơn để đánh giá vị thế của Co.op.
    Trải nghiệm khách hàng
    Trước đây, khi khách hàng chưa phân hoá, Co.op không cần phải lo, bởi lẽ đang sở hữu nhóm khách hàng số đông và các đối tượng ngoài nhóm cũng “không vấn đề gì” để “theo chân” nhóm người mua chính này.
    Nhưng, trong vài năm gần đây, khi các phân khúc khách hàng trẻ, khách hàng thu nhập cao nổi lên, dẫn dắt xu hướng thị trường, thì chiến lược bán lẻ lại đặt ra thử thách lớn.
    Một chuyên gia nghiên cứu thị trường chia sẻ: khi nhóm người mua chủ lực mười năm trước của Co.op ngày càng già đi, sống phụ thuộc, tiết kiệm hơn, thì câu hỏi lớn của Co.op là phải làm sao thu hút các nhóm đối tượng trẻ, thu nhập tốt, thế hệ Y, Z vào thay thế.
    Đến chỗ này mới thấy Co.op đuối. Mấy năm gần đây, hầu như không thấy Co.op đưa ra các cải tiến đáng kể nào về không gian mua sắm, để giúp trẻ hoá và mang tính sáng tạo trong cung cấp các trải nghiệm mua sắm. Thực ra, Co.op cũng có một số hoạt động được thực hiện, nhưng thường không lâu dài, hoặc không triệt để. Những nghiên cứu thị trường năm 2020 mà chúng tôi được tham khảo, cũng chưa thấy Co.op có cải thiện đáng kể nào. Trong khi các đối thủ của họ đã có những bước tiến quyết liệt và mang lại nhiều hiệu quả.
    Tương lai, người mua hàng sẽ tiếp tục phân hoá, và đặt ra những nhu cầu cao hơn cho các trải nghiệm mua sắm, không chỉ tại điểm bán mà còn có trước, sau chuyến mua sắm. Quả thật, nếu Co.op không có những cải tiến mang tính chiến lược, toàn diện liên quan đến vấn đề này, họ sẽ tiếp tục mất khách hàng vào tay các đối thủ.
    Chậm trong mở rộng hệ thống
    Khi khách hàng ngày càng có xu hướng đi mua sắm nhiều kênh thì bên cạnh mô hình truyền thống, nhà bán lẻ nhất thiết phải xây dựng được đại siêu thị, siêu thị nhỏ (minimart), cửa hàng tiện lợi (CVS), siêu thị cao cấp… để đáp ứng nhu cầu của họ. Điều đáng tiếc nhất là ở phân khúc mà Co.op có kinh nghiệm và nắm trong tay mô hình khá chuẩn là minimart Co.opFood, lúc các đối thủ của họ còn non kém, thì lại không tranh thủ mở thật nhanh số lượng cửa hàng. Lấy ví dụ tại TP.HCM, thị trường minimart phát triển nhất cả nước, giai đoạn 2018 – 2020 là “thời gian vàng” của mở rộng chuỗi nhưng Co.op đã bỏ qua, kết quả là họ bị tụt lại phía sau Bách Hoá Xanh, VinMart. Ở các mô hình còn lại, có sự mở rộng, nhưng chưa thấy các giải pháp tốt, đến cải tiến chất lượng mô hình.
    Suốt ba năm qua cũng chứng kiến sự bành trướng của Co.op về các vùng nông thôn. Một chuyến khảo sát thị trường Tây Ninh của chúng tôi năm trước tại… 4 siêu thị Co.opmart ở tỉnh còn chưa phát triển này, lại cho thấy những “cái đáng lo” cho nhà bán lẻ này: những vị trí “chiến lược” đặt siêu thị (có lẽ kỳ vọng ở thì tương lai) lại quá xa khi dân cư còn ít, lượng khách vắng vẻ, gánh nặng chi phí vận hành sẽ rất lớn cho toàn hệ thống. Theo đánh giá của chúng tôi, hệ thống Co.opmart tại các khu vực thị xã, thị trấn sẽ là thách thức lớn trong ngắn và trung hạn. Nhất là trong bối cảnh những khu vực này có nhiều dữ liệu cho thấy chợ và cửa hàng tạp hoá đang quay lại đà tăng trưởng tốt, chứng tỏ người tiêu dùng chưa thấy rõ “ưu điểm” thật sự khác biệt khi vào siêu thị.
    Cú thâu tóm giờ ra sao?
    Hơn một năm trước, thị trường bán lẻ Việt Nam chấn động với thương vụ Co.op mua lại Auchan, rất đáng tự hào khi lần đâu tiên nhà bán lẻ thuần nội bỏ ra số tiền lớn mua lại một hệ thống bán lẻ có bề dày kinh nghiệm tại châu Âu. Cú “ra tay” thật sự làm… nức lòng người tiêu dùng.
    Nhưng, tình hình hiện nay thế nào? Chúng tôi làm một vòng các địa điểm đặt Auchan trước đây, ở một số vị trí, tấm bảng hiệu Auchan không còn, nhưng cũng không thấy Co.opmart đâu, chưa thể thay tên đổi chủ. Những chỗ đã đổi rồi thì Co.op đang áp dụng mô hình siêu thị Co.opmart dạng vừa và nhỏ, theo đánh giá cảm quan của người viết thì lượng khách hàng ra vào cũng không khá hơn lúc trước Auchan là mấy.
    Với đánh giá từ bên ngoài và mang tính chuyên môn bán lẻ, thật sự khó hiểu là Co.op có lợi thế nào thông qua thương vụ này, chỉ có sự đáng tiếc là sau khi thâu tóm, họ đã không có những phương án hay để phát triển và mở rộng hệ thống hai bên. Một lần nữa, câu chuyện về sự sẵn sàng về mô hình và hiệu quả đầu tư được đặt ra.
    Sự chậm chân đáng tiếc ở TMĐT
    Sở hữu số lượng cửa hàng vật lý rộng khắp, một chuỗi cung ứng mạnh so với phần còn lại, là người đầu tiên khai sinh mô hình mua và giao hàng tại nhà với chi phí thấp, cơ sở dữ liệu khách hàng có sẵn khổng lồ, mối quan hệ với hàng ngàn nhà cung cấp hiện hữu… Co.op cách đây nhiều năm đã đứng trước cơ hội lớn trong việc phát triển mô hình thương mại điện tử (TMĐT). Đến các siêu thị của họ dễ dàng nhận thấy những giỏ hàng được đóng gói ngăn nắp chuẩn bị được đội ngũ “xe ôm” cộng tác đưa đến các hộ gia đình (tiền thân của Grab, Uber, chứ chẳng phải dạng vừa).
    Nhưng, tất cả có lẽ chỉ dừng lại ở đó. Đáng tiếc là nhà bán lẻ số một này không tận dụng được mọi lợi thế và ý tưởng khi đó để phát triển mô hình TMĐT. Bên cạnh nỗi lo nghi vấn bị tư nhân thâu tóm, có lẽ Co.op còn nhiều việc phải làm. Chậm thay đổi, một ngày không xa họ sẽ bị bỏ lại…

    Lên Amazon bán sự tiện lợi và đa dụng

    Phan Tường (Theo TGHN)