Cuộc cạnh tranh về các tiêu chuẩn ngày càng khốc liệt

143
Đó là chia sẻ của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, tại tổng kết 6 năm chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao–Chuẩn hội nhập.
Chia sẻ tại buổi tổng kết 5 năm chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập, sáng 22/2, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc chuẩn hóa và nâng cao uy tín về chất lượng, an toàn thực phẩm Việt, đặc biệt trong hoạt động liên quan đến xuất khẩu là yêu cầu cấp bách và hết sức quan trọng.
Trải qua 6 năm hoạt động từ 2017- 2022 với nhiều chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp, Hội đã hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ tiêu chuẩn để đảm bảo ổn định chất lượng sản phẩm, ngày càng nâng cao uy tín thương hiệu với người tiêu dùng và phát triển vững bền.
Tại buổi tổng kết, bà Hạnh cũng chia sẻ về câu chuyện những cuộc cạnh tranh về tiêu chuẩn. “Tôi vừa mới được tin Bộ Nông nghiệp Thái Lan đã phản ứng ngay với tình hình cạnh tranh về sầu riêng với Việt Nam. Lần trước, khi chúng ta bắt đầu xuất khẩu chính ngạch sầu riêng qua Trung Quốc, họ làm ngay một biện pháp rất ấn tượng, tức là họ tổ chức một Hội đồng tướng lĩnh và quản lý nhà nước để kiểm tra chất lượng của sầu riêng. Tôi nghĩ đó là một cách làm marketing quá hay.
Tôi cũng nghe một người nông dân thương lái đi xuất khẩu sầu riêng thông tin cho chúng tôi là người Thái đã đưa ra tiêu chuẩn để cạnh tranh với sầu riêng của Việt Nam. Họ không xuống giá, không tặng quà cho ai mua sầu riêng, mà họ cạnh tranh bằng tiêu chuẩn”, bà Hạnh chia sẻ.
Theo bà Hạnh, người ăn sầu riêng có rất nhiều khẩu vị khác nhau, ví dụ như người thích ăn loại khô, người thích ăn loại vàng… nhưng Thái Lan đã đưa ra cam kết về tiêu chuẩn là “sầu riêng khô và ngon nhất”. Bởi, họ hiểu được thị hiếu của người Trung Quốc – khách hàng chính, khách hàng mục tiêu của họ thích sầu riêng khô.
Thái Lan đưa ra một tiêu chuẩn về độ khô của cơm sầu riêng.

Thái Lan đưa ra một tiêu chuẩn về độ khô của cơm sầu riêng.

“Sầu riêng của Thái Lan thua Việt Nam ngay từ đầu về hai chuyện. Một là họ không rải mùa được, còn Việt Nam có sầu riêng trong suốt cả năm, thiên nhiên ưu đãi. Thứ hai, Việt Nam ở ngay bên cạnh biên giới, quá thuận lợi và giảm được chi phí. Khi họ cạnh tranh về tiêu chuẩn như vậy, chính là họ bám vào một vấn đề lớn nhất của thị trường thế giới hiện nay là vấn đề tiêu chuẩn”, bà Hạnh nhận định.
Tiếp câu chuyện, bà Hạnh nói về cuộc cạnh tranh âm thầm về tiêu chuẩn giữa những hệ thống siêu thị lớn trên cả nước. “Chúng tôi có chương trình hợp tác với Saigon Co.op về tiêu chuẩn “bàn ăn xanh”, thì một hệ thống siêu thị khác họ đang chạy đua với một hệ thống tiêu chuẩn còn toàn diện và khái quát hơn. Đó là tới cuối năm 2024 những nông sản và thực phẩm muốn vào trong hệ thống siêu thị của họ mà không đạt tiêu chuẩn mà họ đưa ra, là loại hết.
Chúng ta có thể hình dung là một cách thầm lặng, cuộc chiến đấu và cạnh tranh để đáp ứng những tiêu chuẩn của thị trường ở trên thế giới hay ngay trên thị trường nội địa của những hệ thống siêu thị lớn ngày càng thấy rất rõ trong thực tế hoạt động kinh doanh”, bà Hạnh thông tin.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cũng cho rằng, độ tin cậy đối với hệ thống tiêu chuẩn của hàng hóa, đặc biệt là nông sản và thực phẩm của Việt Nam đang ngày càng nóng, ngày càng khốc liệt hơn và nếu chúng ta không có đầy đủ thông tin, thậm chí không nắm được về mặt tiến độ của cuộc cạnh tranh này, chúng ta sẽ bị loại ra khỏi cuộc chiến.
Các hệ thống siêu thị ngày càng đưa ra nhiều tiêu chuẩn để tự hoàn thiện hơn tiêu chuẩn chất lượng của mình. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Các hệ thống siêu thị ngày càng đưa ra nhiều tiêu chuẩn để tự hoàn thiện hơn tiêu chuẩn chất lượng của mình. Ảnh: Nguyễn Thủy.

“Đó là điều mà chúng tôi thấy ở năm thứ 6 của chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập, việc thông tin cập nhật về tiêu chuẩn và những vấn đề mới trong cạnh tranh là rất bức bách, để chúng tôi phải tiếp tục một chặng đường mới của mình. Bên cạnh đó thì tư vấn đào tạo, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhận những chứng nhận về tiêu chuẩn phù hợp nhất của họ cũng vẫn là một việc mà mình phải tập trung hơn và công tác truyền thông, quảng bá để cho người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp hiểu sâu về vai trò của tiêu chuẩn đối với sản phẩm là một việc mà chúng tôi cũng phải làm thường xuyên hơn”, bà Hạnh cho hay.
“Tiêu chuẩn hỗ trợ cho doanh nghiệp có sự ổn định về chất lượng một cách bền bỉ mà không có một quảng cáo nào, lợi ích nào được người tiêu dùng tin tưởng một cách bền bỉ và lâu dài bằng chính chất lượng sản phẩm. Cạnh tranh bằng giá kéo nhau xuống đáy, còn cạnh tranh bền bỉ, nghiêm túc và quyết liệt một cách lặng lẽ nhất chính là bằng chất lượng ổn định. Muốn có chất lượng ổn định chỉ có một quá trình ổn định, tuân thủ tiêu chuẩn một cách nghiêm túc và ổn định”, bà Vũ Kim Hạnh nói.