Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp lần 8: Tổng giải thưởng hơn 600 triệu đồng

120
Đối với các bạn trẻ thuộc hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp, cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp – BSA tổ chức là sân chơi tạo sức bật để hoàn thiện và phát triển dự án kinh doanh.
Theo BTC, hạn chót nhận bài dự thi trước ngày 20/7. Các chuyên gia, giám khảo sẽ chấm vòng sơ khảo vào tháng 7/2022.
Nhằm tiếp tục tạo lập môi trường thuận lợi nhằm thúc đẩy, hỗ trợ các DN khởi nghiệp ngày càng hoàn thiện và phát triển, giúp thu hút được sự trợ giúp của các doanh nghiệp dẫn đầu, thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong và ngoài nước, Hội DN HVNCLC, Trung tâm BSA tiếp tục tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp nông nghiệp – Dự án nông nghiệp đổi mới sáng tạo” lần 8 năm 2022.
Theo bà Vũ Kim Anh, chủ nhiệm dự án Sáng tạo khởi nghiệp SKC, trưởng BTC cuộc thi thì ngoài sự đồng hành của các doanh nghiệp trong suốt 7 mùa thi trước như tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, công ty cổ phần Vinamit, công ty cổ phần Cơ điện Tân Hoàn Cầu, công ty TNHH SX TM DV Qui Phúc, công ty TNHH Lợi Lợi Dân…, năm nay, cuộc thi còn nhận được tài trợ của Quỹ hỗ trợ phát triển thanh niên và công ty Cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau với các mục tiêu gắn với nông nghiệp sạch, nhất là khu vực ĐBSCL. Mặc dù các chương trình tập huấn, đào tạo, kết nối sẽ được tổ chức rộng khắp cả nước nhưng doanh nghiệp khởi nghiệp ở miền Tây Nam bộ sẽ có cơ hội nhiều hơn đôi chút so với những khu vực khác.
Cuộc thi dự án khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp đổi mới sáng tạo 2022 có hai tôn chỉ hoạt động xuyên suốt cuộc thi bao gồm: Tạo cơ hội cho các dự án khởi nghiệp phát triển sản phẩm từ tài nguyên bản địa, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước và Hỗ trợ nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn, tự xây dựng và thực hành các tiêu chuẩn cần thiết và phù hợp để đảm bảo kinh doanh tốt, phát triển bền vững.
Đối tượng tham gia
So với những năm trước, cuộc thi năm nay không giới hạn độ tuổi, giới tính, dân tộc, địa phương. Việc đăng ký được xác định theo cá nhân hoặc tập thể, doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc các ngành nghề nông đặc sản chế biến, thực phẩm chế biến, nhóm nghiên cứu phát triển (R&D) sản phẩm và đổi mới mô hình kinh doanh nông sản trong các doanh nghiệp, các mô hình thực hành kinh tế tuần hoàn. Sản phẩm, dịch vụ đã được thương mại hóa. Thời gian phát triển dự án, ý tưởng trên một năm, được căn cứ theo giấy chứng nhận, hồ sơ lập doanh nghiệp.
Đối tượng tham gia cuộc thi cũng dành cho các dự án sản xuất, thương mại dịch vụ, kinh doanh về các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp, công nghiệp bảo quản, chế biến, sản phẩm công nghiệp có nguồn gốc sinh học, chế phẩm sinh học, làng nghề, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tài nguyên bản địa, thiết bị nông nghiệp, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và những dự án, sản phẩm có ứng dụng công nghệ, nông nghiệp 4.0.
Một điểm mới khác là các dự án khởi nghiệp đã tham gia, đã có các giải thưởng trong các cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp cấp quốc gia, quốc tế và cấp khu vực, hoặc cuộc thi Dự án khởi nghiệp ở 7 mùa thi trước đăng ký tham gia phải có yếu tố mới, phát triển tốt hơn đều được đăng ký tham gia cuộc thi năm nay.
Ở vòng bán kết và chung kết, các dự án có 5 phút để thuyết trình và có thể sử dụng các hình thức giới thiệu dự án như file Powerpoint, chiếu slide, Youtube, TikTok. Thí sinh có 5 phút trả lời câu hỏi của ban giám khảo, nhà đầu tư. Tại hai vòng thi này, các dự án phải trưng bày giới thiệu sản phẩm đã được thương mại trong khu vực tổ chức thi.
Tiêu chí dành cho các dự án tham gia
Theo yêu cầu của ban tổ chức, dự án tham gia phải thể hiện được các nội dung như mục đích, lý do thực hiện dự án khởi nghiệp, quy trình và phương thức thực hiện, sự sáng tạo cũng như thực tế phù hợp với mục tiêu nông nghiệp phát triển phải bền vững, có tính hỗ trợ, tác động đến cộng đồng. Dự án trên cơ sở ứng dụng tài nguyên bản địa, có tính tăng trưởng bền vững, có ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh sinh lợi nhuận, cách thức thực hiện và tính khả thi cao.
Chủ dự án khởi nghiệp phải nêu chi tiết cách thức thực hiện như: có bản kế hoạch kinh doanh, phương pháp, thời gian phát triển dự án, có kế hoạch quảng bá sản phẩm rõ ràng, cách xử lý rủi ro, dự tính mức tài chính mời gọi đầu tư (nếu có nhu cầu). Đặc biệt, bài thi cần thể hiện rõ các tiêu chuẩn canh tác, sản xuất, chế biến… đang áp dụng. Các dự án đạt được chứng nhận như OCOP, HACCP, ISO 9001, FDA,…sẽ có nhiều lợi thế.
Một yêu cầu khác là dự án phải do chính thí sinh xây dựng (viết) và chịu trách nhiệm về tính pháp lý. Mỗi cá nhân chỉ được nộp một dự án tham gia. Dự án tập thể không được quá ba thành viên, riêng thành viên thi dự án cá nhân không được làm trưởng nhóm. Bài dự thi được đánh máy và in trên khổ A4, cỡ chữ 14, phông chữ Times New Roman, không quá 15 trang.
Doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia lớp tập huấn do Trung tâm BSA tổ chức
Thí sinh thi khác vùng?
Theo ban tổ chức (BTC), hạn chót nhận bài dự thi trước ngày 20/7. Các chuyên gia, giám khảo sẽ chấm vòng sơ khảo vào tháng 7/2022. Bán kết sẽ diễn ra vào tháng 9/2022 ở ba khu vực gồm miền Bắc (Thanh Hóa), Đông Nam bộ và Tây Nguyên (TP.HCM).Khu vực ĐBSCL dự kiến được tổ chức tại một trong số địa phương có phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh, trong đó có An Giang hoặc Cà Mau. Nếu những năm trước, dự án bắt buộc phải dự thi theo khu vực thì năm nay, ở vòng bán kết, các thí sinh được quyền chọn địa điểm thi khác vùng miền. Vòng chung kết được tổ chức tại TP.HCM vào tháng 10 tới.
“Năm 2021, doanh nghiệp khởi nghiệp khá chật vật trong việc xúc tiến thị trường do dịch Covid-19. Do vậy, BTC dự kiến sẽ mở phiên chợ tại các vòng thi để thí sinh trực tiếp bán hàng. Khách hàng chính là các giám khảo, chuyên gia sẽ trực tiếp khai thác thông tin về sản phẩm, quy trình sản xuất, công nghệ, bao bì, các chiến lược kinh doanh, giá bán,… đây là cách để các chuyên gia nhìn nhận rõ hơn về khả năng bán hàng, tương tác với khách hàng. Đánh giá của chuyên gia, giám khảo qua phiên chợ này sẽ được đưa vào thang điểm tổng. Đây cũng là một điểm mới của cuộc thi so với những năm trước” – bà Vũ Kim Anh chia sẻ.
Tổng giá trị giải thưởng tăng hơn 7 mùa thi trước
Cuộc thi năm nay, tổng giá trị giải thưởng tăng hơn so với 7 mùa thi trước đây với 620 triệu đồng. Một giải nhất trị giá 90.000.000 đồng, trong đó có 50.000.000 đồng tiền mặt, 40.000.000 đồng còn lại được BTC tài trợ thông qua các hoạt động hỗ trợ tham gia hội chợ quốc tế về nông sản, lúa gạo và thực phẩm tại Thái Lan (Thaifex), tham gia 3 lớp học nâng cao kiến thức về xúc tiến thương mại, thực hành nông nghiệp chất lượng cao với chi phí thấp, tham quan, học thực tế tại nông trường, trang trại có chuyên gia huấn luyện trong 3 ngày; thực hiện 1 youtube truyền thông sản phẩm. Hai giải nhì có tổng trị giá 100 triệu đồng, mỗi dự án nhận 30 triệu tiền mặt. Ba giải ba có tổng trị giá giải thưởng 120 triệu đồng, mỗi dự án nhận 20 triệu tiền mặt. Ba giải khuyến khích 90 triệu đồng, mỗi dự án nhận 10 triệu đồng tiền mặt.
Phần còn lại của giải thưởng dành cho dự án đoạt giải nhì, ba và khuyến khích được chuyển qua hỗ trợ thực hiện 1 clip truyền thông phát triển sản phẩm, tham gia 3 lớp học nâng cao kiến thức về công tác xúc tiến thương mại, thực hành nông nghiệp chất lượng cao với chi phí thấp, học thực tế tại nông trường, trang trại có chuyên gia huấn luyện, tư vấn xây dựng thương hiệu, bao bì.
BTC cũng sẽ trao một giải đặc biệt trị giá 50.000.000 đồng tiền mặt dành cho dự án đạt các tiêu chí Bảo tồn và phát triển môi trường sinh thái bền vững và một giải sáng tạo, có ý nghĩa cộng đồng trị giá 20 triệu đồng. Ngoài ra còn có 3 giải Dự án thực hành tiêu chuẩn LocalGap với tổng giải thưởng 150 triệu đồng (mỗi dự án nhận 50 triệu đồng bao gồm chi phí một phần của tư vấn. Phần đối ứng của chi phí tư vấn còn lại sẽ do doanh nghiệp bổ sung thêm – nếu có). Chi phí chứng nhận, phí kiểm nghiệm sẽ do doanh nghiệp tự chi trả. Các dự án đều được BTC trao giấy chứng nhận, cờ và cúp xếp hạng đoạt giải.
Gợi ý bố cục trình bày ý tưởng
Chương 1: Thông tin chung – Bài thi phải khái quát được dự án về lĩnh vực và sản phẩm, dịch vụ thực hiện, mô hình sản xuất, kinh doanh, phân tích thị trường, phân tích tình hình kinh tế – xã hội để xây dựng đề án, đánh giá về thị trường hướng tới, phân tích về đối thủ cạnh tranh, lợi thế cạnh tranh, nguy cơ rủi ro, phương án khắc phục. Mô tả dự án cần nêu mục tiêu dự án, quy mô dự án, sản phẩm,dịch vụ thực hiện, phương thức tiến hành, đối tác, chiến lược phát triển, triển vọng…
Chương 2: Kế hoạch kinh doanh – Phần đầu tư cho dự án cần làm rõ về nguồn vốn, huy động vốn, sử dụng vốn…, trang thiết bị, mặt bằng, các chi phí khác có liên quan. Bộ máy nhân sự gồm tổ chức bộ máy, quản trị nhân sự… Lập kế hoạch tiếp thị như marketing, truyền thông, dịch vụ kèm theo; tổ chức tiêu thụ sản phẩm.  Lập kế hoạch tài chính cần trình bày rõ việc xây dựng giá thành và giá bán; dự kiến lợi nhuận hàng tháng, năm thứ nhất và trong ít nhất 3 năm đầu, kế hoạch tài chính dự trù cho các năm khi dự án hoạt động, phương án thu hút vốn tạo nguồn tài chính cho dự án để đầu tư mở rộng và tái đầu tư.
Chương 3: Kế hoạch hành động – Nêu bật những hoạt động dự án thực hiện trong việc tổ chức kinh doanh, sản xuất và dịch vụ hỗ trợ;…
Chương 4: Định vị thương hiệu – Nêu được tầm nhìn thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ thương hiệu; định vị thương hiệu; đầu tư phát triển thương hiệu…
Chương 5: Ý nghĩa tác động xã hội – Cần phân tích những ý nghĩa kinh tế, xã hội mang lại khi triển khai dự án thành công.