Cuộc trường chinh lương thực của Trung Quốc

169
Chiến tranh và thời tiết cực đoan đe dọa an ninh lương thực toàn cầu, khiến Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ở nước ngoài. Ảnh: Nikkei Asia.
Các tập đoàn nhà nước và tư nhân của Trung Quốc đã mở rộng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ở nước ngoài từ hơn 20 năm qua.
Không chỉ mua đất hay thuê đất để canh tác ở Nam Mỹ, châu Âu và các khu vực khác, doanh nghiệp Trung Quốc cũng đẩy mạnh việc thâu tóm các công ty sản xuất và kinh doanh thực phẩm trên toàn cầu.
Cuộc chiến Ukraine không làm Trung Quốc lo ngại về tình trạng thiếu lương thực, nhưng chắc chắn sẽ thúc đẩy họ dấn thân mạnh mẽ hơn. “Đó lại là một lời nhắc nhở với Trung Quốc rằng an ninh lương thực không phải là lời nói suông”, Even Pay, phó giám đốc về nông nghiệp của hãng nghiên cứu chính sách Trivium China ở Bắc Kinh nói.
Thâu tóm đất canh tác và chuỗi cung ứng nước ngoài
Cuối thập niên 1990, Trung Quốc bắt đầu chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp nội địa đầu tư ra nước ngoài, kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, tốc độ đầu tư vào nông nghiệp ở nước ngoài rất chậm và gặp nhiều trở ngại chính trị. Với hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các doanh nghiệp nhà nước cấp tỉnh – như Tập đoàn ngũ cốc Trùng Khánh, Công ty Beidahuang Nongken Group của tỉnh Hắc Long Giang, Công ty sản xuất và xây dựng Tân Cương – chú ý đến việc thâu tóm đất nông nghiệp ở nước ngoài.
Các doanh nghiệp Trung Quốc gặp khó với các hệ thống hành chính địa phương, và nhiều dự án được đề xuất nhưng không thành công. Tuy vậy, các quan chức vẫn lưu tâm đến cách thức đàm phán các hợp đồng này. “Đối với các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh, một trong những điều lớn nhất, rõ ràng nhất là có rất nhiều nhạy cảm chính trị nảy sinh vào thời điểm các nhà đầu tư trực thuộc nhà nước hoặc các doanh nghiệp quốc doanh bắt đầu mua hoặc kiểm soát các vùng đất canh tác diện tích lớn”, bà Pay diễn giải.
Sau khi công luận phản ứng gay gắt về tin tức mua lại đất vào năm 2008, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cố gắng phân bua với báo chí rằng Bộ Nông nghiệp không ưu đãi đối với các công ty mua hoặc thuê đất ở nước ngoài. Trong những năm sau đó, Trung Quốc bắt đầu khuyến khích doanh nghiệp trong nước hướng ra nước ngoài nhằm cạnh tranh với các nhà sản xuất hàng hóa lớn trên thế giới. Các công ty Trung Quốc bắt đầu đầu tư vào các phân khúc khác nhau của chuỗi sản xuất lương thực, từ bảo quản ngũ cốc đến đóng gói và vận chuyển. Đây chính là công cuộc trường chinh mới trong quá trình Trung Quốc đa dạng hóa nguồn lương thực toàn cầu.
Kể từ năm 2014, tập đoàn quốc doanh Cofco bắt đầu thu mua các công ty ngũ cốc đa quốc gia. Hiện Cofco sở hữu các cảng, nhà ga và kho chứa ở khắp các vùng ngũ cốc trọng điểm trên thế giới. Với năng lực hàng năm 100 triệu tấn ở nước ngoài, tập đoàn này trở thành nhà xuất khẩu ngũ cốc và dầu lớn nhất từ Argentina, hãng xuất khẩu đậu nành lớn nhất từ Brazil đến Trung Quốc và một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất ở khu vực Biển Đen – theo website của tập đoàn.
Trong giai đoạn 2014 – 2016, Cofco thực hiện hàng loạt các vụ thâu tóm lớn. Chẳng hạn, chi 2,25 tỷ đô la để sở hữu 100% tập đoàn Nobel Agri ở Hong Kong, tương tự là 1,8 tỷ đô la để mua hãng mua bán ngũ cốc Nidera của Hà Lan. Trước đó, theo Dealogic, Cofco cũng chi đậm để sở hữu hoàn toàn hãng rượu Bisquertt Vineyard ở Chile và hãng rượu Château de Viaud ở Pháp, chi nhánh mua bán ngũ cốc của công ty Criddle & Co ở Anh và hãng tàu United Shipping Agency ở Romania. Cuộc chiến Nga – Ukraine đã khiến các nhà quan sát nhận ra rằng Trung Quốc đang sở hữu nhiều trang trại, công ty kinh doanh lương thực tại Ukraine.
Cofco đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng mới này – đảm bảo khả năng tiếp cận các thị trường lớn và thiết lập mạng lưới vận tải để đưa hàng hóa từ những nơi như Ukraine hay Brazil về Trung Quốc. Công cuộc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Trung Quốc ở nước ngoài ngày càng mở rộng khi các doanh nghiệp nhà nước khác tham gia chuỗi hàng hóa toàn cầu. Các thương vụ sáp nhập và mua lại (M&A) ở nước ngoài giúp Trung Quốc giành quyền kiểm soát nhiều hơn với quá trình sản xuất mà không cần kiểm soát hoàn toàn đất đai.
Trong hai thương vụ lớn trong những năm gần đây, tập đoàn Shuanghui International Holdings đã mua lại hãng thịt Smithfield Foods của Mỹ và ChemChina mua hãng hóa chất nông nghiệp Syngenta của Thụy Sĩ. Hai tập đoàn này trở thành người dẫn dắt làn sóng đầu tư của Trung Quốc vào nông nghiệp ở Brazil và Argentina.
Những năm gần đây, đầu tư của Trung Quốc vào chuỗi lương thực mới trên toàn thế giới còn chuyển sang công nghệ sinh học với lai tạo các giống lúa và lúa mì mới. Cả khu vực tư nhân cũng tham gia.
Nhà nghiên cứu Zhang Hongzho tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore nói rằng: “Họ đã chuyển chiến lược từ đầu tư vào đất hoặc thuê đất nông nghiệp sang xây dựng sự hiện diện của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu. Khi các nước đều dựa vào thị trường thế giới để bảo đảm nguồn cung thì người Trung Quốc bắt đầu xem đây là những khoản đầu tư chiến lược. Họ tin rằng đây là cách tốt hơn nhiều để bảo vệ nguồn lương thực của Trung Quốc”.

Cánh đồng lúa ở Nội Giang, Tứ Xuyên trong đợt khô hạn tháng 8/2022. Ảnh: Getty Images.

Tự lực cánh sinh
Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu tiên gọi an ninh lương thực, bao gồm cả an ninh ngũ cốc, là điều kiện tiên quyết cho an ninh quốc gia trong kế hoạch năm năm 2021 – 2025. Mục tiêu của Trung Quốc là 650 triệu tấn ngũ cốc mỗi năm. Rebecca Nadin, giám đốc phòng chống rủi ro và khả năng phục hồi toàn cầu thuộc hãng tư vấn ODI tại London, cho rằng: “Nơi đầu tư thực sự về nông nghiệp vẫn là trong nước. Trung Quốc muốn có một nguồn cung thực phẩm đa dạng, muốn tự túc lương thực và tự cung ứng đủ năng lượng. Đó là giấc mơ lớn nhất của đất nước khổng lồ”.
Trung Quốc đã tăng cường cải cách nông nghiệp trong nước, chẳng hạn như sửa đổi quyền sở hữu đất đai ở nông thôn và đầu tư vào công nghệ tiết kiệm nước. Trong chính sách tự cung tự cấp, chính phủ Trung Quốc cũng đầu tư vào phát triển các loại “thực phẩm của tương lai” như trứng và thịt có nguồn gốc thực vật hoặc nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Năm 2020, một lần nữa ông Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống lãng phí thực phẩm.
Thành công của ngành nông nghiệp Trung Quốc không chỉ quan trọng đối với an ninh lương thực của nước này mà còn là sự ổn định nguồn cung lương thực trên toàn cầu. Shenggen Fan, Hiệu trưởng Học viện Kinh tế và Chính sách Lương thực Toàn cầu ở Trung Quốc, nhấn mạnh: “Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cầu của chính mình bởi quy mô dân số lớn. Lượng nhập khẩu lớn sẽ không tốt với Trung Quốc và cả thị trường thế giới”.
Trong khi đó, lo ngại về an ninh lương thực, sự phụ thuộc lớn vào nguồn nhập khẩu và tập quán thu mua và dự trữ lương thực toàn cầu của đất nước khổng lồ có thể khiến thị trường đảo lộn, giá cả leo thang. Tất nhiên, nhiều nước phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực sẽ khốn đốn.  Cofco là ví dụ điển hình. Tập đoàn điều hành một trong những kho dự trữ lương thực lớn nhất Trung Quốc, với 310 silo khổng lồ tại cảng Đại Liên lưu trữ các loại đậu và ngũ cốc canh tác trong nước và nhập khẩu.
Qin Yuyun, người đứng đầu dự trữ ngũ cốc tại Cục Dự trữ Chiến lược và Lương thực Quốc gia, nói với báo chí hồi tháng 11 năm ngoái: “Các kho dự trữ lúa mì của chúng tôi có thể đáp ứng nhu cầu trong một năm rưỡi. Không có vấn đề gì về nguồn cung”.

Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu bắp và lúa mì từ Mỹ để bù đắp cho lượng thiếu hụt từ thị trường Nga và Ukraine. Dự kiến nước này sẽ tiêu thụ 65% sản lượng bắp và 53% lượng lúa mì của thế giới trong năm 2023. Ảnh: Reuters.

Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính rằng đến năm 2023 Trung Quốc chiếm 20% dân số thế giới, nhưng sẽ tiêu thụ 65% lượng bắp và 53% lượng lúa mì của thế giới. Các chuyên gia cho rằng những kho dự trữ này là một trong những yếu tố đẩy giá lên. Akio Shibata, Chủ tịch Viện nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên ở tỉnh Tochigi, phía bắc Tokyo, nhận định: “Việc Trung Quốc tích trữ là một lý do khiến giá cả tăng cao. Trung Quốc tiếp tục lưu kho hơn 50% ngũ cốc toàn cầu. Điều này sẽ không thay đổi”. Cán cân an ninh lương thực toàn cầu không quá lệch trong những năm qua, kể cả trước Covid và chiến tranh. Liên hiệp quốc ước tính có khoảng 828 triệu người bị “mất an ninh lương thực” trong năm 2021.
Nếu Trung Quốc mua hàng loạt các loại hàng hóa như ngũ cốc từ thị trường mở, giá lương thực toàn cầu có thể bị đẩy lên cao hơn và các nước nghèo sẽ chịu vạ. Cuộc chiến Ukraine là bước ngoặt để Trung Quốc và các nước suy lại vấn đề an ninh lương thực. “Tôi nghĩ đó là một lời cảnh tỉnh cho tất cả. Thực phẩm, dinh dưỡng và ngũ cốc là những vấn đề toàn cầu”, theo lời ông hiệu trưởng Fan.
Tuy vậy, đạt được khả năng tự cấp tự túc trong sản xuất lương thực không phải là nhiệm vụ dễ dàng, bởi ảnh hưởng từ quá trình đô thị hóa và tác động của biến đổi. Thời tiết cực đoan và thất thường dẫn đến tình trạng sâu hại và suy giảm đa dạng sinh học, khiến canh tác không đạt sản lượng mong muốn.
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước và đất canh tác đang trầm trọng hơn ở Trung Quốc do sử dụng thuốc trừ sâu quá mức hay chất thải công nghiệp. Số liệu của Bộ Tài nguyên Trung Quốc công bố năm 2021 cho thấy: Trong giai đoạn 2009 – 2019, Trung Quốc mất đi 75.000 cây số đất canh tác, tương đương 4,5 lần diện tích của thủ đô Bắc Kinh. Đến cuối 2019, chỉ 13% diện tích đất ở Trung Quốc là thích hợp cho canh tác nông nghiệp, ít hơn 6% so với thập niên trước đó. Ngoài ra, các đợt lũ lụt, hạn hán và nắng nóng gia tăng đã làm cho thu hoạch mùa màng kém ổn định và khó dự báo hơn.
Các trang trại trên khắp Trung Quốc đang phải đối phó các thách thức khác nhau. Nhà nghiên cứu cấp cao Li Zhao của Greenpeace East Asia cho rằng chính quyền địa phương và trung ương đang đau đầu tìm giải pháp bởi “các khu vực khác nhau phải đối mặt với những loại thách thức khá khác nhau”.
Nhưng bất chấp các nỗ lực tự cung tự cấp, Trung Quốc buộc phải tiếp tục hướng ra thế giới bên ngoài để đáp ứng nhu cầu lương thực khổng lồ trong nước. Ngoài việc đầu tư vào công nghệ canh tác trong nước, Trung Quốc đang quảng bá những lợi ích đầu tư vào nông nghiệp ở nước ngoài.
Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư để tăng sản lượng lương toàn cầu. Nhưng chỉ với 20% dân số thế giới, việc Trung Quốc tiêu thụ hơn 50% sản lượng một số loại ngũ cốc, đó cũng là mối lo mới.
Ricky Hồ (theo TGHN)