Đầu tháng 9/2022 – Bán kết cuộc thi “Khởi nghiệp Nông nghiệp – Dự án Nông nghiệp đổi mới sáng tạo” lần 8

136
Triển khai từ đầu tháng 4.2022, Ban tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp nông nghiệp – Dự án nông nghiệp đổi mới sáng tạo” lần 8 năm 2022 đã nhận được tổng cộng 164 bài thi của các dự án khởi nghiệp từ 40 tỉnh, thành. Sau vòng chấm sơ khảo, có 88 dự án nổi trội được chọn vào thi vòng bán kết. Vòng thi này bắt đầu khởi tranh từ ngày 7.9, bắt đầu với các dự án khu vực Tây Nam bộ.
Có khoảng 30 dự án vào chung kết
Theo đó, vòng bán kết 1 diễn ra tại An Giang từ ngày 7 đến 9.9 với 23 dư án thuộc các địa phương khu vực ĐBSCL gồm: An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang và Trà Vinh. Vòng bán kết 2 diễn ra tại Hà Nội trong các ngày 16, 17 và 18.9 với 35 dự án thuộc các địa phương: Bắc Kạn, Hà Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Sơn La, Thái Bình và Thanh Hóa.
Trong khi đó, 30 dự án còn lại từ 10 tỉnh, thành như Bình Thuận, Đăk Lăk, Đăk Nông, Kontum, Lâm Đồng, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tây Ninh và TP.HCM sẽ thi bán kết 3 tại TP.HCM từ ngày 24 và 25.9. Do thời gian trình bày bài thi và hỏi đáp dưới 10 phút, nên các dự án cần điều chỉnh lại nội dung bài thi ngắn gọn, súc tích. Hạn chót nhận bài điều chỉnh cuối cùng là 7 ngày trước khi thí sinh tham gia phần thi thuyết trình.
Khác với 7 mùa thi trước, năm nay, các dự án thi bán kết tại An Giang và TP.HCM sẽ tham gia “Phiên chợ khởi nghiệp Xanh”. Đây là phiên chợ được tổ chức ngay tại khu vực thi để các dự án tham gia trưng bày, bán sản phẩm. Ban giám khảo (BGK) sẽ đánh giá, chấm điểm về hình thức trưng bày, tác phong và nội dung tiếp thị, giới thiệu sản phẩm với khách hàng. Vì vậy, các chủ Dự án cần lưu ý, chuẩn bị chu đáo về sản phẩm trưng bày, thể hiện cách bán hàng để nhận được số điểm tốt, đây là một phần rất quan trọng trong thang điểm tổng. Theo kế hoạch của Ban tổ chức, sau khi kết thúc 3 vòng thi bán kết, sẽ có khoảng 30 dự án xuất sắc được chọn vào thi chung kết vào tháng 10 tại TP.HCM.
Tại chung kết, 10 dự án (kể cả đoạt giải hoặc không đoạt giải) sẽ được BTC chọn hỗ trợ 50% chi phí tham gia Study tour (học tập kết hợp tham quan, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm) nhân dịp “Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan năm 2022”.
Thí sinh thi thuyết trình, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và cách vận hành của dự án
Còn thời gian để dự án điều chỉnh bài thi
Theo một số thành viên BGK, các bài thi năm nay không mạnh hơn năm 2021 do cách trình bày, diễn giải chưa rõ ràng, nhất là vấn đề thương mại hoá sản phẩm, sự sáng tạo trong ý tưởng. Tuy nhiên, khi tham gia các lớp tập huấn trước khi diễn bán kết, nhờ được các chuyên gia tìm hiểu sâu hơn về sản phẩm, dịch vụ cũng như ý tưởng đã giúp các dự án nhận ra được những điều còn thiếu sót, cần cập nhật lại vào bài thi cho phù hợp.
Ông Ngô Đình Dũng, Giám đốc điều hành công ty Giải pháp Quản trị Tổng thể ISM, một trong những giám khảo tại vòng sơ loại thẳng thắn chia sẻ rằng, bài thi năm nay có phần yếu hơn các năm trước, không tạo được nhiều ấn tượng. Năm nay, khu vực phía Bắc có nhiều dự án tham gia hơn so với mọi năm, tập trung nhiều ở khu vực miền núi. Tuy nhiên, bài thi chưa nêu rõ được những ưu điểm, sự sáng tạo, mới lạ hay thị trường không rõ ràng, sản phẩm có nhưng quy mô, cách thức phân phối còn nhiều hạn chế. Nếu không có sự thay đổi mang tính đột phá, những dự án này khó để vươn mình thành một doanh nghiệp thực thu. Trong khi đó, tại khu vực phía Nam, nhiều bài thi đến từ khu vực học sinh, sinh viên. Những bài thi này có ý tưởng tốt, nhưng để ứng dụng vào thực tiễn vẫn là dấu hỏi lớn.
Có một số dự án gây được ấn tượng và có tính khả thi cao như dự án “Bột rửa rau Kochu” của nhóm Nguyễn Hải Minh (Nghệ An) hay dự án “Các loại sản phẩm thay thế thịt có nguồn gốc thực vật từ đồng bằng sông Cửu Long” của Cao Thị Cẩm Nhung ở Hậu Giang. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là nhận định thông qua các bài trình bày của các dự án, vòng bán kết chưa diễn ra nên các dự án có thời gian để điều chỉnh, hoàn thiện. Hi vọng, các thí sinh sẽ có được sự chuẩn bị tốt nhất khi trực tiếp thuyết trình và được BGK nhìn nhận, giúp làm rõ thêm trong phần hỏi đáp, từ đó có sự phát triển tốt hơn. Ông Dũng nhấn mạnh.
Cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 8 năm 2022, do Dự án khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo SKC thuộc Trung tâm BSA tổ chức với sự đồng hành của các DN Hàng VNCLC, Công ty Cổ phần Vinamit,  Qũy hỗ trợ phát triển Thanh Niên, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau và chương trình HVNCLC Chuẩn hội nhập. Cuộc thi năm nay có tổng giải thưởng hơn 600 triệu đồng.
Từ đầu tháng 8 đến nay, sau khi công bố danh sách 88 dự án vào bán kết, BTC cuộc thi đã tiến hành tập huấn cho các dự án này. Tại Hà Nội, các chuyên gia Tiền Gia Trí, Nguyễn Cẩm Chi, Nguyễn Thị Quý Phương và Hồ Ngọc Phương Thảo đã tập huấn cho các dự án về các chủ đề: Quản lý tài chính doanh nghiệp; Trade Marketing – Tiếp thị tại điểm bán và xây dựng kênh phân phối; Quản lý tài chính doanh nghiệp; Truyền thông và Marketing doanh nghiệp, cùng với đó là chuyên đề “Doanh nghiệp khởi nghiệp cần thực hành tiêu chuẩn ngay từ ban đầu”. Ở khu vực TP.HCM, chuyên gia Trần Anh Tuấn cũng đã chia sẻ, hướng dẫn các dự án khu vực ở ĐBSCL, TP.HCM và Tây Nguyên về “Tư duy đổi mới sáng tạo cải tiến nội dung và nâng cao chất lượng dự án kinh doanh”.
Tương ở Spico, sản phẩm của dự án đoạt giải nhất năm 2021
Bài và ảnh ANH TUẤN