DN Việt trước thách thức của một thế giới đầy biến động

68
Tại hội thảo “Diễn biến kinh tế 2022-2023 và những khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam”, sáng 15/9, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: “bản thân các doanh nghiệp cần chuẩn bị cho một năm thế giới đầy biến động”, còn về phía nhà nước thì cần nỗ lực làm sao để “phát triển các doanh nghiệp dân tộc”, đó mới là kế “sâu rễ bền gốc”.
Hội thảo Diễn biến kinh tế 2022 – 2023: Những khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam, do Hội DN HVNCLC tổ chức sáng 15/9, với 2 diễn giả là TS Lê Đăng Doanh và chuyên gia quản trị Đỗ Hòa. Hội thảo thu hút hơn 100 doanh nghiệp và phóng viên báo đài tham dự.
Bất định và phức tạp
Mở đầu hội thảo, TS Lê Đăng Doanh đã phác thảo lại một bức tranh thế giới đầy biến động và phức tạp thời gian qua. Ông cũng dự báo là xu hướng này còn tiếp tục, ít nhất cho năm sắp tới, 2023.
Với độ mở cao của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, với tỷ trọng xuất nhập khẩu tương đương 236% GDP, bất cứ “cơn nóng-lạnh” nào của nền kinh tế thế giới cũng sẽ tác động sâu sắc đến Việt Nam, và các doanh nghiệp sẽ phải sẵn sàng ứng phó. Mặc dù đã có những tín hiệu lạc quan, nhưng xu hướng đại dịch Covid-19 được cho là sẽ vẫn tiếp tục. Ít nhất, ngay bây giờ, Trung Quốc vẫn tiếp tục chính sách zero Covid-19, vẫn đóng cửa các khu dân cư hàng trăm nghìn dân. Nền kinh tế thế giới thay đổi mạnh mẽ, “trước đây các du thuyền hạng sang đi khắp nơi, như đặc quyền của nhà giàu, nay thì không thể cập bến được, vì không cảng nào dám nhận” – TS Lê Đăng Doanh lấy dẫn chứng.
Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh Nga – Ukraine cũng đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện thế giới. Giá dầu thô tăng vọt, kéo theo giá phân bón và các mặt hàng khác như gạo, lúa mì, sữa… cũng đồng loạt tăng theo. Mới đây, chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, cùng hàng loạt các đoàn nghị sĩ Mỹ và EU tới Đài Loan sau đó sẽ làm cho tình hình eo biển Đài Loan vốn đã căng thẳng càng thêm căng thẳng. “Với những động thái gần đây, sẽ không có gì bất ngờ nếu thời gian tới Mỹ – Trung sẽ tiếp tục gia tăng căng thẳng với những đòn ăn miếng trả miếng của cả hai bên về thương mại và công nghệ” – TS Doanh nhận định.
Mặt khác, biến đổi khí hậu, với những diễn biến thời tiết cực đoan ở khắp nơi trên thế giới. Trong khi tình trạng khô hạn, nắng nóng chưa từng thấy ở châu Âu, Trung Quốc gây thiệt hại lớn cho nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực, thì tại Pakistan lũ lụt nhấn chìm hơn 1/3 diện tích đất nước dưới nước, làm chết hàng nghìn người.
Trong bối cảnh đó, mỗi nền kinh tế sẽ phải đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực, an toàn về y tế bao gồm dược phẩm, dụng cụ y tế cần thiết. “Việt Nam cũng cần tự túc ở mức độ nhất định. Vai trò, trách nhiệm của nhà nước được khẳng định trong phúc lợi xã hội, không thể để bàn tay vô hình của cơ chế thị trường điều tiết tất cả các lĩnh vực” – ông Doanh nói.
TS Lê Đăng Doanh trình bày tại hội thảo.

Lạm phát, giá dầu và khủng hoảng lương thực

Lạm phát tăng cao ở nhiều nước như Mỹ, Đức, Nhật Bản… Để kiềm chế lạm phát thì các nước đã tăng lãi suất, nước Mỹ đã và sẽ tiếp tục tăng lãi suất nữa. Khi đó giá trị đồng USD biến động, khi đó giá cả sẽ tiếp tục biến động. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất 0,75% (ngày 27/7/2022). Đây là hành động nhằm kiềm chế lạm phát, thu hút đầu tư vào Mỹ, ngăn chặn suy thoái kinh tế Mỹ. Lãi suất cho vay ở Mỹ đã lên mức 2,25-2,5%/năm, mức cao nhất từ 20 năm. Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng âm liền hai quý 1 và 2/2022.
Giá hàng hóa ở Mỹ tăng cao, người tiêu dùng Mỹ giảm bớt chi tiêu, ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, nhất là với hàng dệt may và hàng điện tử… Đây là điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam phải lưu ý bởi “Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời cũng là thị trường Việt Nam có thặng dư thương mại lớn nhất lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm” – TS Lê Đăng Doanh lưu ý.
Cũng theo TS Doanh, IMF năm nay đã 5 lần đưa ra các dự báo và lần nào cũng điều chỉnh giảm mức tăng trưởng xuống. “Điều đó cho thấy mức độ biến động của nền kinh tế thế giới dữ dội như thế nào. Dù Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những nước có mức tăng trưởng cao nhất, nhưng trước khó khăn thế giới và những rào cản nội tại, chúng ta chưa có thể sớm lạc quan” – TS Doanh nhận định.
Trong bối cảnh lạm phát leo thang tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, giá nhiều mặt hàng lương thực – thực phẩm, từ lúa mì và các ngũ cốc khác cho đến thịt, trứng, sữa và dầu ăn đều tăng mạnh. Đây là hệ quả của nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm việc giá phân bón và xăng dầu tăng mạnh trong vòng 1 năm qua và ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ukraine làm giảm mạnh nguồn cung lúa mì từ hai nước này.
Lệnh cấm xuất khẩu lương thực và sự gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng từ một số nước như Ấn Độ (cấm xuất khẩu lúa mì), Ukraine (lúa mì, yến mạch, đường…) và Indonesia (dầu cọ) khiến đà tăng giá càng được đẩy mạnh hơn. Và gạo có thể là loại lương thực sắp bị cuốn vào cơn sốt này. Chỉ số Giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã cho thấy giá gạo thế giới âm thầm tăng 5 tháng liên tiếp, đạt mức cao nhất 12 tháng – theo dữ liệu tháng 5 công bố vào tuần trước.
Giá tăng cao, sức mua giảm sút, nên sức mua giảm, nên việc xuất khẩu sang các nước đó sẽ hết sức khó khăn. “Chúng ta không thể cứ nghĩ xuất khẩu năm sau phải cao hơn năm trước được nữa” – TS Lê Đăng Doanh cảnh báo.
Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo các chuyên gia, doanh nghiệp, phóng viên báo đài.

Cần một chính sách phát triển doanh nghiệp dân tộc

Trong bối cảnh thế giới đầy biến động và thách thức như vậy thì doanh nghiệp Việt lại đang phải đối mặt với những khó khăn từ nội tại. Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, song vẫn cần phòng ngừa tái phát, nền kinh tế hồi phục, tái cơ cấu nền kinh tế. Lạm phát nhập khẩu từ dầu khí, nguồn cung các nguyên vật liệu nhập khẩu bị gián đoạn, chi phí sản xuất tăng cao, lãi suất ngân hàng tăng, thị trường chứng khoán sụt giảm, lao động mất việc tăng lên… Các biện pháp cứu trợ được ban hành kịp thời nhưng việc thực hiện đến tay người lao động phụ thuộc vào sự năng động của địa phương. “Hai năm phong tỏa, doanh nghiệp đã thoi thóp, nhiều doanh nghiệp có thể nói là đã chết. Doanh nghiệp hiện rất cần vốn để hồi phục, nhưng khi cần vốn thì doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thủ tục hành chính phiền hà, chồng chéo, nhiêu khê…” TS Doanh nêu vấn đề.
Ở một khía cạnh khác, Việt Nam đa thực hiện chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế để tránh phụ thuộc vào một đối tác, tham gia CPTPP và RCEP, ký kết 15 Hiệp định Thương Mại Tự Do (FTA) với 59 nền kinh tế, EU (EVFTA), Anh và các nước khác, mở rộng quan hệ kinh tế và thị trường xuất-nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo TS Lê Đăng Doanh, chúng ta hiện chưa tận dụng hết các cơ hội mở ra. Chẳng hạn, tiềm năng thương mại giữa Việt Nam và liên minh châu Âu là rất lớn. Nhưng hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam khai thác được rất ít, rất kém. Kém rất nhiều so với các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp FDI đã đánh hơi thấy tiềm năng này và họ đang khai thác rất hiệu quả.
Nhìn ngược lại vấn đề, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, hiện nay chúng ta đã phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư nước ngoài, với nhiều ưu đãi đến mức vô lối. Nếu có sự biến động các doanh nghiệp FDI có thể ngay lập tức bỏ chúng ta đi. Cho nên chúng ta phải xây dựng các doanh nghiệp dân tộc, những doanh nghiệp sẽ ở lại việt nam, hợp tác các viện khoa học, các trường khai thác các tiềm năng của Việt Nam từ con người lẫn vật lực. “Cần nỗ lực hơn nữa phát triển doanh nghiệp dân tộc thay vì quá ưu đãi đầu tư nước ngoài như đã diễn ra ở một số nơi hiện nay” – TS Lê Đăng Doanh khuyến nghị.
Chuyên gia Đỗ Hòa: Đây là lúc các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi
Chuyên gia Đỗ Hòa trình bày tại hội thảo.

Đồng tình với nhận định của TS Lê Đăng Doanh về những biến động khó lường và nhanh chóng của thị trường thế giới, chuyên gia Đỗ Hòa nhấn mạnh, Việt Nam là nền kinh tế phụ thuộc thị trường xuất nhập khẩu rất nhiều, nên các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao các biến động trên thị trường thế giới để có thể có chính sách ứng phó kịp thời.

Ông Đỗ Hòa lấy ví dụ, như vừa rồi giá dầu lên cao đã có thể ngay lập tức tác động lên xuất khẩu của Việt Nam. Khi giá dầu lên cao thì chi phí vận chuyển sẽ tăng lên làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Trước đây, có thể sức cạnh tranh của chúng ta đến từ giá rẻ hơn, nhưng nay với chi phí vận chuyển lên cao do giá dầu lên cao thì mức giá rẻ này không đủ bù cho chi phí. Do đó, khi giá dầu lên cao thì các nhà nhập khẩu châu Âu sẽ tính toán tìm đến những khu vực có có khoảng cách gần hơn về địa lý như Nam Mỹ thay vì các nước ở xa hơn như Việt Nam.
Mặt khác, việc khai thác các thị trường Mỹ, EU thời gian tới có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Lạm phát gia tăng, kinh tế đình đốn sẽ làm sức mua của các thị trường này giảm sút, chưa kể như ở Mỹ, khi các nhà máy mới “hồi hương” của họ đi vào hoạt động thì có thể họ sẽ không còn nhập nhiều các mặt hàng điện tử, vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Đây sẽ là một khó khăn khác mà doanh nghiệp Việt phải tính tới.
Sau khi phân tích và chỉ ra các khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt khi đến với các thị trường Mỹ, châu Âu, cũng như Hàn Quốc, Nhật Bản, chuyên gia Đỗ Hòa nhấn mạnh đến thị trường khu vực (bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN) mà doanh nghiệp Việt có vẻ còn đang bỏ ngỏ. Với hàng chục năm kinh nghiệm tư vấn cho doanh nghiệp và lăn lộn phát triển thị trường ở các nước ASEAN ông Đỗ Hòa đặt câu hỏi: “Tại sao hàng hóa ASEAN vào Việt Nam rất nhiều, nhưng hàng Việt Nam vào các nước ASEAN khác lại rất thấp?” – Và ông tự lý giải: Đó là vì các doanh nghiệp đang thiếu một chiến lược hiệu quả để khai thác thị trường lớn ngay sát kề bên này. “Phải chịu khó bỏ công nghiên cứu, vạch chiến lược để khai thác xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống phân phối thì mới có thể thâm nhập vào thị trường của họ được” – ông Đỗ Hòa nói.
Theo chuyên gia Đỗ Hòa, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể thâm nhập tốt vào thị trường khu vực nếu thực sự muốn làm, nếu thực sự lên kế hoạch để làm, và kiên trì bám đuổi mục tiêu. Chỉ cần sản xuất được sản phẩm thực sự tốt (nhất là đừng nhập hàng nước khác về dán nhãn Việt), có chiến lược marketing bài bản, hàng Việt hoàn toàn có thể thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường khu vực. Ông Đỗ Hòa tự tin, người Thái Lan, Malaysia sẵn sàng bỏ tiền mua với giá cao nếu họ biết rằng họ mua được những sản phẩm tốt nhất của Việt Nam. Ông khẳng định: “Sản phẩm tốt nhất để doanh nghiệp việt nam xuất khẩu, kể cả ra thị trường khu vực, là sản phẩm chất lượng tốt của Việt Nam.”
Ở một khía cạnh khác, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, với biểu hiện từ số thương vụ M&A (mua bán-sáp nhập) của 6 tháng đầu năm cao gần bằng cả năm 2021, chứng tỏ sức doanh nghiệp đã đuối lắm rồi, thì các doanh nghiệp cần có những điều chỉnh thích ứng kịp thời. Nhưng điều chỉnh không hẳn là thay đổi lập tức, hoàn toàn về chiến lược, mà có thể từ những khâu cơ bản, đó là tối ưu hóa.  “Tối ưu hóa những gì mình đang làm, làm tốt hơn những gì mình đang làm. Năm năm trước giá cả ổn định, có khi cả năm mới review một lần, giờ thị trường thay đổi hàng ngày, nếu chúng ta vẫn giữ theo lề thói cũ là chúng ta lạc hậu. Từ khâu nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất cũng vậy, sau một thời gian sẽ bị lạc hậu, tại sao không đánh giá lại, gộp lại để bớt chi phí nhân công, để giảm giá thành sản phẩm” – ông Đỗ Hòa gợi ý.