Doanh nghiệp thế giới “kêu trời” trước các quy định nhập khẩu mới của Trung Quốc

111
Hàng dài xe tải tại cảng container Ninh Ba – Chu Sơn ở tỉnh Triết Giang. Các nhà xuất khẩu phương Tây đang lo ngại các mặt hàng thực phẩm sẽ bị Hải quan Trung Quốc giam ở cảng sau ngày 1-1-2022. Ảnh: Reuters

Các hãng rượu whiskey Ireland, chocolate Bỉ và các thương hiệu cà phê châu Âu đang dốc toàn lực để đáp ứng các quy định mới về thực phẩm của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Nhiều nhà xuất khẩu đang lo ngại hàng của họ sẽ không được phép nhập vào thị trường khổng lồ này sau thời hạn trên.

Tắc nghẽn nghiêm trọng sau ngày 1-1

Hải quan Trung Quốc hồi tháng 4-2021 đã đưa ra các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mới: Các cơ sở sản xuất, chế biến và kho chứa thực phẩm nước ngoài cần đăng ký với cơ quan chức năng trước trước cuối năm 2021 để có thể xuất hàng sang Trung Quốc.

Nhưng các quy định chi tiết để có được mã đăng ký cần thiết lại chỉ được phía Trung Quốc công bố vào tháng 10. Đến tháng 11 rồi, trang mạng dành cho các doanh nghiệp tự đăng ký mới hoạt động.

“Sẽ có nhiều gián đoạn, xáo trộn lớn sau ngày 1-1 tới”, theo lời một nhà ngoại giao châu Âu tại Bắc Kinh chuyên hỗ trợ các hãng thực phẩm EU hoàn thành thủ tục hải quan Trung Quốc.

Lượng thực phẩm nhập từ nước ngoài vào Trung Quốc đã tăng vọt trong những năm gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo ở nước này. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn thứ sáu trên thế giới với kim ngạch nhập khẩu đạt 89 tỉ đô la trong năm 2019.

Trung Quốc đã cố gắng áp dụng các quy định kiểm soát thực phẩm nhập khẩu này từ nhiều năm qua, nhưng gặp sự phản đối mạnh mẽ của các nước. Tháng 9-2017, EU đã khiếu nại quyết định này với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Kết quả là Trung Quốc đã dời ngày thực hiện các quy định mới từ 1-10-2017 đến ngày 30-9-2019. Hạn chót lại dời một lần nữa đến đầu năm 2022, tuy vậy các quy định lại càng thêm phiền phức khi kèm theo các điều kiện mới của chính sách “zero Covid” của Trung Quốc.

Tổng cục Hải Quan Trung Quốc (GACC) đã không đưa ra bất cứ giải thích nào tại sao các loại thực phẩm được xem là có nguy cơ thấp như rượu vang, bột mì và dầu olive lại nằm trong nhóm cần phải kiểm soát nghiêm ngặt.

Một số chuyên gia nói rằng đây là nỗ lực của nhà chức trách Trung Quốc để quản lý tốt khối lượng thực phẩm khổng lồ nhập vào các cảng Trung Quốc. Tuy vậy, chính phủ Trung Quốc đã đẩy phần trách nhiệm về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm cho doanh nghiệp nước ngoài.

Trong một thông cáo gửi cho Reuters, GACC nói rằng cơ quan này đã tham khảo ý kiến của các bên về các quy định mới trước tháng 4-2021. “Chúng tôi xem xét đầy đủ và tích cực tiếp thu các ý kiến đóng góp. Chúng tôi đã tuân thủ chặt chẽ các thỏa thuận của WTO về các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm”, thông cáo của GACC viết. Cơ quan này nói họ cũng trả lời các câu hỏi của các công ty xuất khẩu nước ngoài.

Hàng rào thương mại phi thuế quan

EU đã gửi bốn công văn đến GACC trong năm nay, yêu cầu giải thích rõ ràng và cho phép doanh nghiệp có nhiều thời gian hơn để đáp ứng các quy định mới của Trung Quốc – Damien Plan, nhà tư vấn về nông nghiệp của phái đoàn EU tại Bắc Kinh, nói với Reuters.

Tuần trước, GACC đã đồng ý rằng các quy định mới chỉ áp dụng với hàng hóa được sản xuất sau ngày 1-1-2022. Điều này cũng đồng nghĩa rằng các sản phẩm đang trên đường tàu biển đến Trung Quốc sẽ được miễn trừ. Nhưng GACC đã không đưa ra một quyết định chính thức về chuyện này – nhà ngoại giao Plan giải thích.

Giới ngoại giao và các hãng xuất khẩu nước ngoài nói rằng họ tin đây là “hàng rào thương mại mới” đối với các sản phẩm nước ngoài.

“Chúng tôi chưa từng gặp bất cứ quy định nào khắc nghiệt như lần này”, Andy Anderson, Giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại nông nghiệp khu vực phía Tây nước Mỹ (WUSATA), phát biểu. Đại diện của tổ chức chuyên xúc tiến xuất khẩu thực phẩm của Mỹ đã mô tả các quy định này là “hàng rào thương mại phi thuế quan”.

Các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là hàng đông lạnh và trữ mát, đã bi “giam” trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần ở các cơ quan thủ tục hải quan Trung Quốc trong năm 2020 do các quy định xét nghiệm và khử trùng.

Các mặt hàng như cà phê hạt chưa rang, dầu ăn, ngũ cốc và các loại hạt thuộc nhóm 14 mặt hàng mà phía Trung Quốc cho rằng có nguy cơ và cần được đăng ký với cơ quan quản lý ở các nước xuất khẩu trước cuối tháng 10-2021.

Các hãng sản xuất các mặt hàng thực phẩm có nguy cơ thấp cần đăng ký trên trang mạng của chính phủ Trung Quốc được công bố trong tháng 11 rồi. “Hiện trang tiếng Hoa đã chạy, nhưng trang tiếng Anh vẫn đang là phiên bản thử nghiệm”, Giám đốc phát triển kinh doanh Li Xiang thuộc hãng dịch vụ hải quan và kiểm định CIRS Europe cho biết.

Trung Quốc chỉ đưa ra các quy định đối với các hãng sản xuất các mặt hàng hoàn chỉnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Các quy định này đã làm khó các nhà sản xuất trong việc tìm cơ sở gia công hoặc dán nhãn sản phẩm.

Một số các hãng rượu mạnh Mỹ đã đăng ký, nhưng vẫn không rõ về các quy định dán nhãn như thế nào – Robert Maron, Phó Chủ tịch phụ trách thương mại quốc tế của Hội đồng các hãng rượu mạnh Mỹ, cho biết.

“Cần phải có nhiều thời gian để hiểu các yêu cầu của Trung Quốc là gì. Tôi cho rằng đây là lo âu chính của các thành viên thuộc hiệp hội chúng tôi”, ông Maron phát biểu.

Hiện chưa có hãng rượu whiskey nào do CIRS Ireland hỗ trợ có thể đăng ký với chính phủ Trung Quốc – nhà tư vấn Li của CIRS Europe nói.

Các doanh nghiệp hiện vẫn không rõ là các mặt hàng xuất khẩu chưa có mã đăng ký dán trên bao bì sẽ bị đối xử như thế nào khi hàng đến cảng Trung Quốc.

“Vào thời điểm này, thông tin mà chúng tôi nhận được từ nhà chức trách Trung Quốc là sẽ không có bất cứ giai đoạn ân hạn hay miễn trừ nào nữa”, ông Li nói.

Ricky Hồ

Nông sản Thái Lan bị hư hại khi Trung Quốc giam hàng ở cửa khẩu