F88 mời CEO tài chính vi mô Thái Lan làm cố vấn cấp cao, chuẩn bị IPO tỷ đô

684
Ông Piyasak Ukritnukun, chuyên gia tài chính vi mô hàng đầu của Thái Lan
Tiêu điểm:

F88 mời CEO tài chính vi mô Thái Lan làm cố vấn cấp cao, chuẩn bị IPO tỷ đô

Chuỗi cửa hàng cầm đồ F88 đã mời ông Piyasak Ukritnukun – chuyên gia tài chính vi mô hàng đầu của Thái Lan – làm cố vấn cao cấp của chuỗi và tiến tới là thành viên Hội đồng quản trị độc lập.
Ông Piyasak hiện là CEO của Công ty tài chính vi mô Ngern Tid Lor (NTL), một trong ba công ty tài chính vi mô lớn nhất Thái Lan. Ông được kỳ vọng sẽ giúp F88 thực hiện IPO (niêm yết lần đầu) thành công với định giá công ty 1 tỷ USD vào năm 2023 và trở thành tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân hàng đầu Việt Nam.
Là một trong ba công ty tài chính vi mô lớn nhất tại Thái Lan cùng với Srisawad và Muangthai Capital, NTL hiện hoạt động dưới dạng chuỗi cửa hàng tài chính với 1.076 phòng giao dịch khắp Thái Lan. Thành lập năm 1980, ban đầu NTL tập trung cung cấp sản phẩm cho vay bằng đăng ký xe. Năm 2009, NTL được Ngân hàng Ayudhya mua lại. Gần đây, NTL đã nộp đơn IPO tại Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan với mục tiêu huy động 1 tỷ USD để đạt mức vốn hóa dự kiến khoảng 2,5 tỷ USD.
Thành lập năm 2013, F88 tăng trưởng nhanh trong bốn năm đầu tiên nhờ nhận vốn đầu tư của Mekong Capital và Granite Oak. Hiện chuỗi đã có hơn 300 điểm giao dịch và đội ngũ nhân viên gần 2.000 người. Chuỗi cầm đồ đạt lợi nhuận sau thuế 45 tỷ đồng trong năm 2020, tăng trưởng 169% so với năm trước đó. Tuy nhiên, chuỗi này nói mức này vẫn kém bởi con số đề ra trước đó là 377 tỷ đồng.
F88 có nhiều điểm tương đồng với NTL. Đối tượng khách hàng chính mà cả hai công ty đều nhắm đến là phân khúc khách hàng có thu nhập thấp, không có khả năng hoặc khó có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng hay các công ty tài chính. Cả hai đều bắt đầu bằng các sản phẩm cho vay bằng đăng ký xe máy/ ô tô. Sau đó mở rộng chuỗi cung ứng dịch vụ tài chính ra các sản phẩm khác như bảo hiểm, thu hộ chi hộ, thanh toán hóa đơn… và dần chuyển thành các công ty cung cấp dịch vụ tài chính hàng đầu tại Việt Nam và Thái Lan.
F88 đặt mục tiêu IPO vào năm 2023 khi số văn phòng giao dịch đạt 1.000 trên toàn quốc. Tuy nhiên thoát khỏi tai tiếng của ngành cầm đồ trong quá khứ sẽ là thách thức của chuỗi này. Hiện F88 đã áp dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm khách hàng và quản trị rủi ro, phát triển ứng dụng điện thoại di động, tiếp cận khách hàng đa kênh, phân tích khách hàng bằng hệ thống phân tích dữ liệu lớn big data…

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 55,3 – 55,65 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 170.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.778,4 USD/ounce, giảm tới 14,5 USD/ounce, tương đương 0,81% giá trị so với chốt phiên trước. Giá vàng đã suy giảm sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cần phải nâng lãi suất để ngăn kinh tế Mỹ tăng trưởng quá nóng.
2/ Infographic: Tình hình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp của tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021
Nguồn: Thời Báo Tài Chính Việt Nam
3/ Xuất nhập khẩu của Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2021 vẫn ghi nhận đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020. Theo Bộ Công thương, đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa bốn tháng đầu năm nay ước đạt 206,51 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3%; nhập khẩu đạt 102,6 tỷ USD, tăng 30,8%. Cán cân thương mại hàng hóa bốn tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,29 tỷ USD với Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất.
4/ Vụ đông xuân 2020 – 2021, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed (ThaiBinh Seed) phối hợp với HTX Nông nghiệp Kinh doanh dịch vụ Hòa Trị 2 (huyện Phú Hòa, Phú Yên) triển khai mô hình trình diễn giống lúa TBR 225, TBR 1. Được biết, đây là lần đầu tiên tại tỉnh Phú Yên có mô hình liên kết cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng đạt năng suất 90 tạ/ha. Theo đó, giống lúa TBR 225, TBR 1 đều cho năng suất rất cao, sạch sâu bệnh đã giúp cho bà nông dân trong khu vực được mùa chưa từng có. Thời gian tới, Sở NN-PTNT Phú Yên sẽ triển khai nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng ra các huyện khác để mang lại thu nhập cao cho nông dân.
5/ Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO) đã đăng tải công bố chấp thuận bảo hộ nhãn hiệu ST25 cho gạo của công ty I&T Enterprise, Inc. Đây là đơn vị duy nhất trong 4 doanh nghiệp Mỹ khi thẩm tra đạt được các yêu cầu cơ bản của USPTO. Theo đó, doanh nghiệp xin bảo hộ nhãn hiệu ST25 này đã chính thức được chấp thuận với thời hạn 30 ngày để các bên khác phản đối. USPTO nhấn mạnh, bất cứ bên nào liên quan đến nhãn hiệu đều có thể gửi thông báo phản đối, hoặc làm đơn gia hạn phản đối cho Ban khiếu nại và xét xử nhãn hiệu (TTAB) thuộc USPTO. Không chỉ riêng Mỹ, gạo ST25 cũng đang bị một doanh nghiệp ở Australia đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Như vậy tính đến nay, đã có 6 hồ sơ đăng ký nhãn hiệu bảo hộ gạo ST25 tại Mỹ, Australia.
6/ Theo CNBC, đồng Ether có thể “soán ngôi” Bitcoin để trở thành đồng mã hóa lớn nhất thế giới. Vừa qua, ngân hàng JPMorgan cũng đưa ra quan điểm đồng tiền kỹ thuật số Ether được liên kết với chuỗi khối Ethereum có thể đi đường dài tốt hơn Bitcoin và đánh giá nó như “xương sống” của nền kinh tế tiền điện tử. Mối quan tâm đến tiền điện tử đã tăng lên trong năm qua khi Bitcoin liên tục chạm các mức cao kỷ lục mới. Một số yếu tố bao gồm sự quan tâm gia tăng của các tổ chức và các công ty lớn như Tesla được ghi nhận là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của nó. Infinite Market Cap ước tính tổng vốn hóa thị trường của Ethereum đã vượt qua Walt Disney và Ngân hàng Mỹ, lên tới 388,82 tỷ USD. Được biết, Ngân hàng Đầu tư châu Âu và các tổ chức như Goldman Sachs đã thông báo phát hành trái phiếu điện tử trị giá 121 triệu USD trên mạng lưới Ethereum, cho phép các công ty dùng đồng Ether mua trái phiếu có kỳ hạn 2 năm.
7/ Các công ty lớn của Mỹ hiện đang nóng lòng muốn quay trở lại với môi trường làm việc trực tiếp vì đã quá chán nản và mệt mỏi phải làm việc trực tuyến, kể cả công ty sở hữu Zoom, ứng dụng video trực tuyến làm mưa làm gió thị trường suốt hơn một năm qua do đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu. Giám đốc các ngân hàng và các công ty công nghệ đều cho biết không muốn các nhân viên của họ làm việc hoàn toàn từ nhà trong những tháng sắp tới bởi tình trạng làm việc trực tuyến liên tục một thời gian dài thực sự khiến tất cả quá mệt mỏi. Trong thời gian vừa qua, giới lãnh đạo các công ty ở Mỹ đã tranh luận rất nhiều về lộ trình nên trở lại làm việc trong thời gian tới như thế nào, liệu có nên tiếp tục kết hợp làm việc trực tiếp và trực tuyến ngay cả khi đại dịch chấm dứt hay không.
8/ Contemporary Amperex Technology (CATL), một nhà sản xuất pin xe điện Trung Quốc ít người biết đến, vừa trở thành “cái nôi” sản sinh hàng loạt tỷ phú USD, thậm chí vượt qua cả hai đại gia công nghệ Google và Facebook. Theo Forbes, có tới 9 người sở hữu tài sản từ 1 tỷ USD trở lên nhờ cổ phần tại CATL, công ty cung cấp pin điện cho các hãng xe như BMW, Volkswagen và Mercedes-Benz. Giá cổ phiếu CATL đã tăng hơn 150% trong 12 tháng qua nhờ nhu cầu xe điện tăng vọt. Được biết, tổng giá trị tài sản của 9 tỷ phú liên quan CATL là 72 tỷ USD, con số khổng lồ đối với một công ty mới 10 năm tuổi. Trong khi đó, hai đại gia công nghệ lớn của Mỹ, Google và Facebook, tạo ra 8 tỷ phú.
9/ Thâm hụt thương mại của Mỹ vừa lập đỉnh cao mới trong tháng 3, khi người tiêu dùng rủng rỉnh tiền kích cầu từ Chính phủ tiếp tục mạnh tay sắm những sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Hãng tin CNBC dẫn số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 4/5 vừa qua cho biết thâm hụt thương mại của nước này tăng lên mức 74,4 tỷ USD trong ba tháng đầu năm 2021. Khoản thâm hụt khổng lồ này được ghi nhận trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới giữ đà phục hồi mạnh và tiền kích cầu chảy vào túi người dân. Trong quý 1, kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,4%. Riêng trong tháng 3, phần lớn người dân nước này đã nhận được mỗi người một tấm séc trị giá 1.400 USD từ gói kích thích 1.900 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden.
10/ Theo công ty Cigar Habanos, Trung Quốc trong năm 2020 đã vượt Tây Ban Nha để trở thành thị trường lớn nhất tiêu thụ xì gà Cuba. Tuy nhiên, mặc dù nhu cầu tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gia tăng, doanh thu toàn cầu của xì gà Cuba đã giảm khoảng 4% xuống 507 triệu USD. Loại thuốc lá đặc sản này là một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của nền kinh tế Cuba. Xuất khẩu mặt hàng này đã giảm 11% trong năm 2020 do đại dịch Covid-19 và các lệnh cấm của Mỹ nhằm siết chặt nguồn thu ngoại tệ của Cuba. Do lệnh cấm vận thương mại kéo dài của Mỹ, Cuba không được xuất khẩu xì gà sang Mỹ, thị trường lớn nhất thế giới cho mặt hàng này. Các loại Cigar cuốn bằng tay của Cuba bao gồm Cohiba, Montecristo và Partagas được coi là một trong những nhãn hiệu nổi tiếng nhất thế giới.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Khởi động chương trình Ứng viên Hàng Việt Nam chất lượng cao 2022