Gay cấn những câu hỏi từ BGK vòng chung kết Cuộc thi khởi nghiệp 2020

750
 Rất nhiều câu hỏi khó, gay cấn từ các thành viên BGK đặt ra cho các thí sinh trong ngày đầu chung kết “Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn 2020” đang diễn ra ở Đà Lạt.
Theo đuổi những câu hỏi từ vòng bán kết
Tiến sĩ Nguyễn Đức Tùng, một thành viên BGK hỏi chủ dự án “Sản xuất đất trồng và phân Compost từ phế phẩm nông nghiệp”: Ở vòng bán kết, các bạn chưa trả lời thỏa đáng câu hỏi liên quan đến vấn đề gây ô nhiễm đến môi trường, trách nhiệm xã hội?
Thí sinh Nguyễn Hồng Đăng, đại diện nhóm dự án “Sản xuất đất trồng và phân Compost từ phế phẩm nông nghiệp” cho hay: “Dự án đã có những thay đổi và dự tính đến điều này trong tương lai. Thứ nhất, chúng tôi chuyển đổi những sản phẩm phế phẩm nông nghiệp tạo ra sản phẩm đất trồng, giúp bảo vệ môi trường, các sản phẩm đất trồng này lại đưa về cho người dân trồng cây. Thứ hai là tạo công ăn việc làm cho người dân quanh khu vực. Và thứ ba là khi bán hàng thì có chính sách thu lại bao bì tại các đại lý. Thứ 4 là sẽ tạo ra những bao bì trong thời gian tới có khả năng phân hủy sinh học được….
Tiến sĩ Nguyễn Đức Tùng, thành viên BGK trong phần chất vấn các thí sinh
Nhóm bạn trẻ của dự án “Sản xuất đất trồng và phân Compost từ phế phẩm nông nghiệp” trong phần trình bày bài thi của mình
Với Nguyễn Thanh Việt, chủ dự án “Bánh phồng khoai lang”, được Ban giám khảo đặt ra câu hỏi làm sao để phát triển, nghiên cứu thị trường về khẩu vị của những người tiêu dùng ở khắp miền Bắc, Trung, Nam để đưa sản phẩm mình đi xa hơn.
Tiến sĩ Đàm Sao Mai đặt vấn đề dự án của Thanh Việt cần quan tâm đến chất lượng nguồn nguyên liệu, và phát triển thêm các dòng sản phẩm khác được chế biến sâu từ khoai lang…
Giám khảo, tiến sĩ Đàm Sao Mai luôn đưa ra những câu hỏi cho các thí sinh dự thi
Với dự án, “Xây dựng nông trại dứa sạch gắn với phát triển du lịch tạo sinh kế cho thanh niên nông thôn vùng núi Quỳnh Lưu” của Nguyễn Văn Hạnh ở Nghệ An, Giám khảo Phan Bửu Toàn cho rằng, cần quy hoạch khu vực cho khách trải nghiệm, không đưa tất cả các khâu sản xuất cho khách trải nghiệm khi kết hợp với du lịch.
“Nên suy nghĩ thêm các mặt hàng thủ công từ dứa, tạo ra các món ăn, để làm du lịch khi khách đến trải nghiệm”, giám khảo Bửu Toàn nói thêm.
Trong khi đó, nhận xét về dự án của Nguyễn Văn Hạnh, giám khảo Đàm Sao Mai nói: “Cần xem lại khâu chế biến sâu sau thu hoạch, bởi nhiều nơi đã làm những sản phẩm dứa sấy, hay trà từ dứa, nên rất cần công nghệ chế biến sau thu hoạch để có những sản phẩm độc đáo hơn”.
Với dự án “Pơ Lang – Sản xuất các sản phẩm chế biến chuyên sâu từ quả bơ tươi và thảo dược Đắk Lắk” của Phạm Thị Thu Hằng, giám khảo Nguyễn Đức Tùng đặt câu hỏi: Mỗi năm một sản phẩm mới có quá sức không, có những sản phẩm làm đẹp cho phụ nữ ở nông thôn, thành thị không, cần cân đối lại?
“Các thương hiệu nổi tiếng rất lâu mới thay đổi sản phẩm mới, để người tiêu dùng có niềm tin, yêu, nên cần suy nghĩ lại chiến lược của mình về sản phẩm mới”, giám khảo Đức Tùng nói.
Phạm Thị Thu Hằng, dự án “Pơ Lang – Sản xuất các sản phẩm chế biến chuyên sâu từ quả bơ tươi và thảo dược Đắk Lắk” luôn muốn Ban giám khảo hỏi nhiều hơn để hoàn thiện sản phẩm hơn
Đến những lời khuyên
Với dự án “Khảo sát ứng dụng tảo Spirulina Platensis làm thức ăn cho tôm thẻ chân trắng”, của Nguyễn Ngọc Trân, Bến Tre, giám khảo Đàm Sao Mai nhận xét, dự án nên có các khảo sát rõ ràng, tại sao tôm phải ăn tảo, làm sao để nông dân thấy đó là hiệu quả, phải tìm những bằng chứng khảo sát phù hợp.
Còn giám khảo Nguyễn Phi Vân khuyên các bạn trong dự án này, muốn sản phẩm có tính thương mại tốt, cần đăng ký sở hữu trí tuệ, không người khác thấy hay sẽ làm.
“Vì họ có tiền, có nguồn lực…”, giám khảo Phi Vân nói,
Tới phần thi của Lê Thị Hải, dự án “Xây dựng trên tình hình chung của ngành nuôi nhuyễn thể tại tỉnh Quảng Ninh”, giám khảo Nguyễn Lâm Viên cho biết, thị trường TP.HCM rất tiềm năng cho ngao hai cồi, vậy phải tìm cách đảm bảo trong quá trình vận chuyển.
Giám khảo Đàm Sao Mai chia sẻ, vấn đề vận chuyển là khó khăn, cần công nghệ cho sản phẩm tươi hơn, và vẫn giữ được vị ngon khi vận chuyển
Những dự án giá trị gia tăng từ nông sản luôn được giám khảo Nguyễn Lâm Viên quan tâm. Với chủ dự án “Bánh phồng khoai lang”, TGĐ Vinamit cho biết, rất thích cách làm của Việt trong việc bán các sản phẩm giá trị gia tăng từ khoai lang hiện nay: Việt hãy tìm đến tôi, tôi sẽ có những giúp đỡ trong việc phát triển sản phẩm thêm sau này”.
Khi Lê Thị Hải chia sẻ, “việc chế biến sâu cung cấp cho thị trường nội địa để không lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đang là vấn đề đau đầu hiện nay của dự án”. Ngay lập tức, giám khảo Nguyễn Đức Tùng chỉ cách: Hãy nghiên cứu mô hình chế biến sâu, như tinh chất ngao chẳng hạn, như thế sẽ tạo ta giá trị tốt hơn nhiều.
Dẫn chứng cụ thể hơn cho dự án của Lê Thị Hải, giám khảo Hà Việt Quân cho biết, hãy học theo cách tiếp cận thị trường trong nước của ngao sạch Lenger, họ tiếp cận những chuỗi siêu thị, bán những gói nhỏ, vừa ăn cho các gia đình, bà nội trợ. Hay nghiên cứu chương trình Ocop làm ruốc hàu.

BGK vòng Chung kết gồm những người uy tín trong nhiều lĩnh vực gồm:

  1.  Bà  Nguyễn Thị Thu Vân – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Thanh niên nông thôn TW Đoàn, Trưởng Ban Giám khảo.
  2. Tiến sỹ Nguyễn Đức Tùng – Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân; Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (DAA).  Giám đôc Trung tâm hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (SYS) của TW Đoàn
  3. Ông Phạm Phú Ngọc Trai – Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu GIBC, Chủ tịch CLB doanh  nghiệp dẫn đầu LBC.
  4. Thạc sĩ QTKD Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN HVNCLC, Giám đốc Trung tâm BSA
  5. Ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit, Phó Chủ tịch Hội DN HVNCLC
  6. Tiến sĩ  Hà Việt Quân – Tổ trưởng Tổ công tác 569 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc.
  7. Thạc sĩ QTKD Nguyễn Phi Vân – Giám đốc cấp cao về phát triển thương hiệu, nhượng quyền thương mại Quốc tế, Chủ tịch Mạng lưới đầu tư thiên thần Việt Nam
  8. Chuyên gia Đại diện Văn phòng Nông thôn mới
  9. PGS.TS Đàm Sao Mai – Nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác Quốc tế, Giảng viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM
  10. Thạc sĩ khoa học Trần Anh Tuấn – Giám đốc Công ty tư vấn Người mở đường (The Pathfinder), Công ty tư vấn FT Consulting.
  11. Ông Phan Bửu Toàn – Phó hiệu trường Trường Cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn, Chủ tịch hiệp hội Hướng dẫn viên du lịch TP.HCM

Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo Thanh niên nông thôn 2020 do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp với Ban thanh niên nông thôn của Trung ương Đoàn tổ chức. Chương trình có sự phối hợp của Đề án 844 của Chính Phủ, Ủy ban dân tộc, HVNCLC – Chuẩn hội nhập, công ty Cổ phần Vinamit, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên. Cùng các doanh nghiệp đồng hành như: Công ty TNHH SXTM Dịch vụ Qui Phúc, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long, Công ty Cổ phần Cơ điện Tân Hoàn Cầu, Công ty TNHH May thêu giày An Phước, Công ty TNHH Minh Long I, Công ty TNHH Lợi Lợi Dân, Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan, Công ty TNHH SXTM Qùa Việt

Dưới đây là những hình ảnh nổi bật của các thí sinh tại ngày đầu vòng chung kết:
Nhiều dự án phân chia nhau mỗi người một nhiệm vụ theo thế mạnh trong việc phát triển, kinh doanh
Phần dự thi của Lương Mạnh Quyết cùng các công sự trong Dự án sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho chó mèo
Phạm Đình Ngãi đến từ Trà Vinh cùng vợ với dự án Mật hoa dừa Sokfarm
“Xây dựng nông trại dứa sạch gắn với phát triển du lịch tạo sinh kế cho thanh niên nông thôn vùng núi Quỳnh Lưu” của Nguyễn Văn Hạnh ở Nghệ An
Những sản phẩm chế biến từ dứa của Nguyễn Văn Hạnh
Phần dự thi của dự án “Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo bằng chuồng lạnh trong nuôi gà sinh sản và liên kết sản xuất theo chuỗi trong chăn nuôi gà bản Đầm Hà”
Các thành viên BGK lắng nghe phần trình bày của thí sinh thi
Giám khảo Trần Anh Tuấn – Giám đốc Công ty tư vấn Người mở đường (The Pathfinder), Công ty tư vấn FT Consulting nhận xét: Dự án “Trà sâm dây Ngọc Linh” của Lê Thị Thanh Lịch và Hồ Kim Oanh đã có những thay đổi đáng kể trong cách kinh doanh online, tiếp cận công nghệ số, so với vòng bán kết.
Giám khảo Hà Việt Quân, chia sẻ với dự án mật hoa dừa của Phạm Đình Ngãi
Các giám khảo tâm huyết với cuộc thi luôn lắng nghe và đặt ra những vấn đề cho dự án
Lý Thị Quyên, Bắc Kạn với dự án gối thảo dược người Dao trả lời Ban giám khảo
Thí sinh Lý Thị Quyên, dự án gối thảo dược của người Dao ở tỉnh Bắc Kạn trong phần trả lời BGK
Nguyễn Ngọc Trân, Bến Tre với dự án “Khảo sát ứng dụng tảo Spirulina Platensis làm thức ăn cho tôm thẻ chân trắng”
Trần Trung Đức đến từ Hòa Bình với dự án “HTX chuối Viba”
Dự án chăn nuôi và chế biến gà vi sinh từ Bắc Kạn
Nhiều dự án cho BGK dùng thử và đánh giá sản phẩm ngay tại buổi thi
BGK thử sản phẩm từ dự án “Phát triển cây gia vị Bạc hà & các sản phẩm chế biến từ Bạc hà”
Phần trình bày của Bùi Thị Duyên ở Thái Bình với dự án “Phát triển cây gia vị Bạc hà & các sản phẩm chế biến từ Bạc hà”
Nguyễn Ngọc Hoàng Anh, Dự án HANA DALAT – sản phẩm nông nghiệp và du lịch canh nông
Huỳnh Thị Minh Anh và bạn mình là học sinh THPT ở Đà Lạt với dự án “Mô hình kinh doanh sản phẩm lụa tơ tằm được bổ sung nano carbon” được giám khảo Phi Vân hứa “bao tiêu đầu ra”
Từ Đăk Nông, thí sinh Trần Đình Lượng trình bày dự án “Sản xuất bún gấc”
Nguyễn Thanh Việt với dự án “Bánh phồng khoai lang”
Thí sinh Dương Thị Hồng Chuyên tỉnh Đồng Tháp với dự án “Sản phẩm tiện lợi từ khô cá”
Ngày mai những dự án còn lại sẽ tiếp tục thi, liệu ai sẽ là chủ nhân của chiếc cúp giải nhất mùa thi năm 2020? Hãy cùng chờ đến đầu giờ chiều ngày 14/11.
Bài, ảnh: Trần Quỳnh