Giá gạo thế giới có thể tăng thêm 20% nếu Việt Nam và Thái Lan đạt thỏa thuận tăng giá

166
Một phụ nữ Thái Lan cấy lúa ở Khon Kaen. Giá gạo thế giới có thể tăng thêm 20% nếu Thái Lan và Việt Nam đạt thỏa thuận tăng giá gạo. Ảnh: Reuters

Hai nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới sẽ tiến hành các thảo luận hợp tác song phương nhằm tăng giá gạo xuất khẩu tại Hà Nội vào đầu tháng 10 tới – hãng Nikkei Asia của Nhật Bản dẫn lời các quan chức Thái Lan.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan Chalermchai Sri-on sẽ thăm Việt Nam trong hai ngày 6 và 7-10. Ông sẽ hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan về hợp tác nông nghiệp giữa hai nước, bao gồm giá xuất khẩu gạo.

Việt Nam và Thái Lan có thể tăng giá khoảng 20%, khiến giá lương thực thế giới tăng cao hơn và làm gia tăng lạm phát toàn cầu trong bối cảnh chiến tranh Nga – Ukraine vẫn chưa có hồi kết.

Đầu tháng 9, hai nước đã nhất trí hợp tác tăng giá xuất khẩu gạo. Cả hai bên đều cho rằng nông dân trồng lúa của hai nước không thể trang trải chi phí sản xuất cao hơn do chi phí phân bón, hóa chất nông nghiệp và nhiên liệu tăng cao. Mỗi nước sẽ thành lập các nhóm công tác riêng để kiểm tra các biện pháp cụ thể.

Giá gạo tương đối ổn định trên thị trường quốc tế so với giá lúa mì vốn tăng mạnh kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine cuối tháng 2 vừa qua. Nhưng từ hôm 9-9-2022, Ấn Độ – nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – đã áp thuế xuất khẩu 20% đối với lô hàng một số loại gạo nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường nội địa.

Với lợi thế giá thấp hơn các đối thủ cạnh tranh trong cùng phân khúc, gạo Ấn Độ tiếp tục được nhiều nước nhập khẩu với hơn 11,3 triệu tấn trong nửa đầu năm 2022. Con số này vượt quá tổng lượng xuất khẩu của ba nhà xuất khẩu gạo lớn tiếp theo Việt Nam, Thái Lan và Pakistan.

Cuối tháng 8-2022 vừa qua, gạo 5% tấm của Ấn Độ được chào bán với giá chỉ khoảng 338 USD/tấn (giá FOB), thấp hơn giá của Pakistan 40 USD, Việt Nam khoảng 55 USD và Thái Lan khoảng 100 USD mỗi tấn.

Nếu lấy mức giá 338 USD/tấn vào cuối tháng 8 làm cơ sở, thì với mức thuế 20% thì mỗi tấn gạo Ấn Độ tăng thêm 67 USD thành 405 USD, tức cao hơn gạo 5% tấm của Việt Nam khoảng 12 USD/tấn, Pakistan 27 USD/tấn, nhưng vẫn rẻ hơn giá gạo Thái Lan 33 USD/tấn. Ở phân khúc gạo tấm, Ấn Độ đã quyết định cấm hoàn toàn.

Quyết định của Ấn Độ đã góp phần thúc giá gạo xuất khẩu tăng 30 USD mỗi tấn trong tuần qua.

Trong khi đó, dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết xuất khẩu gạo toàn cầu đạt 51,63 triệu tấn trong năm 2021. Ấn Độ chiếm 41% trong tổng số, tiếp theo là Việt Nam và Thái Lan với khoảng 12% mỗi nước. Trong khi Trung Quốc và Philippines là những nước nhập khẩu gạo chính của thế giới, thì Nhật Bản cũng sử dụng gạo nhập khẩu cho các sản phẩm thực phẩm chế biến.

Ricky Hồ / BSA 

Samsung đầu tư 5 tỉ đô la cho nỗ lực “xanh” hóa nhà máy trên toàn cầu