Giá vàng miếng có thể vượt ngưỡng 100 triệu đồng/lượng cuối năm nay?

Số vàng dự trữ của Trung Quốc được ghi nhận chính thức ở mức 2.215 tấn, với tổng giá trị hơn 140 tỷ USD. Tuy nhiên, chuyên gia Dominic Frisby nhận định rằng Trung Quốc có thể nắm giữ số vàng khổng lồ đến 33.000 tấn, giá trị khoảng 2.086 tỷ USD, gấp 15 lần con số chính thức của Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock

Giá vàng miếng SJC sẽ đạt ngưỡng kỷ lục mới 103 triệu đồng/lượng (sau khi đã cộng chênh lệch giá) nếu giá vàng thế giới tăng sốc lên 3.000 USD/ounce trong năm 2024. Giá vàng trong nước cũng có thể lập ngưỡng kỷ lục mới khi “bám đuôi” giá vàng thề giới được dự báo có thể lên 3.300 USD/ounce cuối năm 2024, đầu năm 2025.

Hôm nay 10-4, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng niêm yết ở mức 82,8 triệu đồng/lượng mua vào và 84,82 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP.HCM, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với rạng sáng 9-4, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng 2,4 triệu đồng ở cả hai chiều.

Giá vàng thế giới tiếp đà tăng với vàng giao ngay tăng 15,1 USD lên 2.352,5 USD/ounce. Vàng giao trong tương lai chốt ở mức 2.372,4 USD/ounce cuối phiên giao dịch hôm nay, tăng 14 USD so với sáng qua.

Vậy giá vàng trong tương lai sẽ như thế nào?

Vàng có thể sớm tăng lên mức kỷ lục 3.300 USD/ounce trong năm 2024, tương đương mức giá của năm 1980 khi lạm phát tăng vọt do tình hình căng thẳng ở Trung Đông và tác động của giá dầu tăng. Từ năm 2000 đến nay, Trung Quốc đã dẫn dắt làn sóng mua vàng của các nền kinh tế mới nổi. Đây chính là lực đẩy siêu tốc cho giá vàng trong năm nay.

Trung Quốc đang thống lĩnh thị trường vàng thế giới với tốc độ mua vào tăng cao chưa từng có.  Nhiều chuyên gia cùng ghi nhận xu hướng Trung Quốc tăng mua vàng dự trữ nhằm có thể hỗ trợ cho đồng nội tệ của nước này.

Trung Quốc dẫn dắt làn sóng mua vàng toàn cầu

Nhu cầu trang sức và đầu tư vàng ở Trung Quốc đạt 789 tấn vào năm 2022, chiếm khoảng 20% nhu cầu toàn cầu, cùng chia sẻ vị trí quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới với Ấn Độ.

Kinh tế trì trệ khiến người tiêu dùng Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến vai trò lưu trữ giá trị của vàng. Theo dữ liệu mới nhất, đồ trang sức bằng vàng và bạc là một trong những mặt hàng tiêu dùng bán chạy nhất ở Trung Quốc năm nay, tăng 12% giá trị so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ đứng sau hàng may mặc. Nếu như trước đây, chỉ có người lớn tuổi mua vàng thì nay giới trẻ Trung Quốc cũng đặc biệt yêu thích mua sắm vàng. Kết quả một cuộc khảo sát được công bố trong tháng 10 vừa rồi cho thấy 70% người tiêu dùng ở độ tuổi 18-40 có ý định mua đồ trang sức bằng vàng.

Ở cấp độ quốc gia, theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), Trung Quốc đang trong giai đoạn ráo riết mua vàng và đang thống lĩnh thị trường toàn cầu với lượng mua vào tăng kỷ lục. Trong mười tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã mua thêm 204 tấn vàng, nâng số vàng dự trữ lên 2.215 tấn với tổng giá trị hơn 140 tỷ USD.

WGC nói Trung Quốc giờ đây đã trở thành một trong những nước có dự trữ vàng lớn nhất thế giới. Lượng vàng mà Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) mua vào trong năm nay sẽ lập mức cao kỷ lục mới.

Dominic Frisby, chuyên gia phân tích vàng và nhà sáng lập tạp chí The Flying Frisby, đánh giá rằng Trung Quốc là nước sản xuất và nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới, nhưng lại thực hiện phương châm “không làm mình nổi bật giữa đám đông” hay “không được tỏa sáng quá rực rỡ”.

Từ năm 2000 đến nay, Trung Quốc đã sản xuất được khoảng 7.000 tấn vàng. Ông Frisby giải thích là hơn 50% hoạt động khai thác vàng ở Trung Quốc thuộc sở hữu của nhà nước và Trung Quốc hoàn toàn không xuất khẩu vàng mà họ khai thác được. Về nhập khẩu, không có con số chính xác về số lượng vàng mà Trung Quốc nhập khẩu từ Thụy Sĩ, Dubai hay London, nhưng ông Frisby tin rằng thị trường có thể đưa ra một số ước tính.

Ông Frisby đặc biệt lưu ý là có rất nhiều vàng được đưa vào Trung Quốc thông qua Sàn giao dịch vàng Thượng Hải. Ông khẳng định có 22.000 tấn vàng đã được rút ra khỏi Sàn giao dịch vàng Thượng Hải trong thế kỷ này.

Ông Frisby nói với Kitco News rằng lượng vàng mà Trung Quốc nắm giữ có thể lên đến 33.000 tấn vàng, tương đương 2.086 tỷ USD. Con số này cao gấp khoảng 15 lần so với những con số mà WGC tổng hợp từ các số liệu do chính phủ Trung Quốc công bố chính thức. Một nửa trong số vàng khổng lồ trên có thể thuộc sở hữu nhà nước. Con số này cũng gấp bốn lần số lượng vàng Mỹ đang có.

Đó còn chưa kể khoảng 4.000 tấn vàng nữa thuộc sở hữu của Chính phủ Trung Quốc trước năm 2000. “Nếu đối đầu địa chính trị Mỹ – Trung gia tăng, vàng sẽ trở thành vũ khí mới của Trung Quốc”, ông Frisby nhận định. Ông nói thêm rằng Trung Quốc có thể cân nhắc sử dụng lượng vàng dự trữ khổng lồ để hỗ trợ đồng nhân dân tệ.

Giá vàng tăng vọt trong năm 2024?

Cơn sốt mua vàng trên phạm vi toàn cầu khá rõ nét kể từ đầu năm tới nay, với việc ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi tích cực thu gom vàng.

Trước các động thái ngưng tăng lãi suất trong tuần rồi của Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), giá vàng đã quay trở lại ngưỡng trên 2.000 USD/ounce và được giao dịch ở mức 2.040 USD/ounce.

Một số quỹ vàng thế giới nhận định rằng vàng sẽ bước vào một “thị trường tăng giá mới”, với mức giá vượt quá 2.100 USD/ounce ngay trong năm 2023. Với các diễn biến hiện tại, các chuyên gia thị trường tin rằng giá vàng sẽ có thể chạm mốc 3.000 USD/ounce và bitcoin sẽ tăng cao chạm mốc 100.000 USD vào năm tới. Tán đồng quan điểm này, ông Frisby tỏ ra “lạc quan” về giá trị của hai loại tài sản này trong năm 2024. “Vàng có vẻ đã sẵn sàng tăng giá, với mức giá có thể đạt 2.700 USD/ounce vào năm tới và thậm chí có thể đạt mức 3.000 USD”.

Nhiều chuyên gia thừa nhận một xu hướng dễ thấy là Trung Quốc có thể xem xét hỗ trợ đồng nhân dân tệ bằng vàng. Đây cũng là một yếu tố có thể đẩy giá vàng chạm mốc 3.000 USD/ounce trong năm 2024.

Trước đó, một số tổ chức đã dự báo rằng vàng có thể sớm tăng lên mức kỷ lục 3.300 USD/ounce, tương đương mức giá của năm 1980 khi lạm phát tăng phi mã do tác động của giá dầu tăng và tình hình bất ổn ở Trung Đông.

Giá vàng thế giới cũng tác động đến giá vàng tại thị trường Việt Nam. Kết thúc ngày 14-12, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức mua 72,8 triệu đồng, bán 73,8 triệu đồng mỗi lượng, tăng 200.000 đồng so với đầu phiên giao dịch.

Dự kiến giá vàng miếng SJC có thể leo lên mốc 80 triệu đồng/lượng (sau khi đã cộng chênh lệch giá) trong năm nay khi vàng thế giới lên 2.100 USD/ounce. Giá vàng miếng SJC sẽ đạt ngưỡng kỷ lục mới 103 triệu đồng/lượng (sau khi đã cộng chênh lệch giá) nếu giá vàng thế giới tăng sốc lên 3.000 USD/ounce trong năm 2024.

Theo Kitco News, Bloomberg, Financial Times