Giá vàng tăng 30% trong chín tháng qua, giá lên kỷ lục khi Mỹ hạ lãi suất

Vàng đã tăng giá 30% trong năm nay, và dự kiến sẽ tăng ít nhất hơn 20% nữa trong năm nay. Ảnh: Nikkei Asia

Vàng thường có xu hướng tăng giá do lượng mua vào tăng sau khi Fed hạ lãi suất. Đây là yếu tố thúc đẩy lực mua chính đối với vàng trong năm nay, khiến nhà đầu tư ngó lơ cổ phiếu. Giá vàng giao trong tương lai đã đạt mốc 2.700 đô la/ troy ounce lần đầu tiên hôm 26-9.

Chiến lược gia Joni Teves thuộc ngân hàng UBS, phân tích rằng đồng đô la yếu, rủi ro địa chính trị kéo dài và tình trạng cò cưa trong bầu cử tổng thống Mỹ khiến nhà đầu tư tìm đến vàng.

Giá vàng tương lai tại New York đã đạt mức 2.702,30 đô la một troy ounce hôm đầu tuần, lập kỷ lục mới.

Mức tăng từ cuối năm 2023 đến mức cao kỷ lục hôm 26-9 là 630 đô la, mức tăng hàng năm lớn nhất được ghi nhận. Kỷ lục trước đó là vào năm 2020, khi giá vàng tăng 566 đô la từ cuối năm 2019 lên mức cao nhất trong năm, khi Covid-19 bùng phát và lãi suất giảm do ngân hàng trung ương các nước nới lỏng chính sách tiền tệ trên diện rộng.

Mức tăng trong năm nay là khoảng 30%, vượt mức tăng khoảng 20% ​​của chỉ số S&P 500.

Người mua vàng có thể được chia thành ba nhóm. Nhóm đầu tiên là các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ đã giảm dự trữ đô la và tăng dự trữ vàng sau khi chiến sự Ukraine – Nga bùng nổ tháng 2-2022.

Nhóm thứ hai là các nhà đầu tư cá nhân ở Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và những nơi khác. Nhóm nhà đầu tư này đã tăng lượng vàng nắm giữ vì lo ngại về nền kinh tế và lạm phát.

Nhóm thứ ba – các nhà đầu tư tổ chức đã tận dụng việc cắt giảm lãi suất của Mỹ để mua vào – đang thúc đẩy mức tăng giá gần đây.

Khi Mỹ bắt đầu cắt giảm lãi suất, “trọng tâm của giá vàng sẽ chuyển từ chính sách tiền tệ của Mỹ sang chính sách tài khóa của nước này”, nhà phân tích thị trường Itsuo Toshima cho biết.

Cuộc đua bầu cử tổng thống Mỹ giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đang hồi gay cấn. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng các chính sách tài khóa mở rộng sẽ được áp dụng bất kể ai thắng cử.

Việc mở rộng nợ chính phủ Mỹ có thể dẫn đến sự suy giảm niềm tin vào đồng đô la, khiến đồng đô xanh thêm đà mất giá. Tsuyoshi Ueno, nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu NLI cho biết “Đây là quan điểm dài hạn, nhưng vàng có khả năng sẽ được mua như một loại tiền tệ thay thế khi đồng đô la, đồng tiền cơ sở, giảm giá trị”.

Khi giá vàng tăng vọt lên mức cao kỷ lục vào năm 2011, động lực thúc đẩy là sự bất ổn về tài khóa ở châu Âu và S&P Global Ratings của Mỹ đã hạ xếp hạng trái phiếu kho bạc Mỹ. Khi có nhiều lo ngại về trái phiếu kho bạc Mỹ, được xem là tài sản tương đối an toàn, thì dòng tiền có nhiều khả năng chảy vào vàng nhiều hơn.

Hôm 24-9, Moody’s Ratings nói rằng nếu nợ của Mỹ tiếp tục tăng do các chia rẽ chính trị và các yếu tố khác, thì điều này sẽ “không nhất quán với xếp hạng Aaa nếu không có hành động chính sách nào được thực hiện để điều chỉnh hướng đi”.

Moody’s là công ty duy nhất trong ba công ty xếp hạng lớn duy trì xếp hạng Aaa cao nhất của họ đối với nền kinh tế Mỹ.

Tiền đã được tích lũy bằng đồng đô la Mỹ trong khi lãi suất cao hiện đang được phân tán, dẫn đến việc mua vàng.

Cho đến nay, tiền đã chảy vào đồng đô la do khả năng kỳ vọng lợi nhuận trên 5% với ít rủi ro. Đồng đô la gần đây đã có xu hướng giảm và chỉ số đô la, cho thấy sức mạnh của đồng bạc xanh so với các loại tiền tệ chính, tạm thời ở mức thấp hơn 100, mức thấp nhất kể từ tháng 7-2023.

Nhiều người cho rằng đà tăng lịch sử của vàng sẽ tiếp tục khi mối lo ngại về tài chính của Hoa Kỳ dần trở nên mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, một số người trên thị trường cảnh báo không nên theo đuổi giá cao hơn nữa. Naohiro Niimura, đồng giám đốc của Market Risk Advisory, cho biết giá vàng hiện tại chủ yếu được đẩy lên do các nhà đầu tư tổ chức không có kế hoạch nắm giữ lâu dài và “điều quan trọng là phải nhận thức rằng họ có thể trở thành người bán tùy thuộc vào rủi ro địa chính trị và xu hướng thị trường chứng khoán”.

Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) đã dừng mua vàng trong bốn tháng liên tiếp đến tháng 8 vừa rồi, có thể là do lo ngại giá cao.

Vậy giá vàng trong tương lai sẽ như thế nào?

Vàng có thể sớm tăng lên mức kỷ lục 3.300 đô la/ounce trong năm 2024, tương đương mức giá của năm 1980 khi lạm phát tăng vọt do tình hình căng thẳng ở Trung Đông và tác động của giá dầu tăng. Từ năm 2000 đến nay, Trung Quốc đã dẫn dắt làn sóng mua vàng của các nền kinh tế mới nổi. Đây chính là lực đẩy siêu tốc cho giá vàng trong năm nay.

Trung Quốc đang thống lĩnh thị trường vàng thế giới với tốc độ mua vào tăng cao chưa từng có. Trước tháng 5-2024, nhiều chuyên gia cùng ghi nhận xu hướng Trung Quốc tăng mua vàng dự trữ nhằm có thể hỗ trợ cho đồng nội tệ của nước này.

Theo Nikkei Asia, Reuters

Ricky Hồ

Giá vàng miếng có thể vượt ngưỡng 100 triệu đồng/lượng cuối năm nay?