Giáo sư Trần Văn Thọ trò chuyện cùng doanh nghiệp dẫn đầu LBC

153
Ngày 14/4/2023, các thành viên thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu LBC có cuộc gặp gỡ giáo sư Trần Văn Thọ, giáo sư danh dự Đại học Waseda Nhật Bản, cố vấn kinh tế đã tham gia ban tư vấn chính phủ nhiều năm.
Tại đây, nhiều nội dung liên quan đến kinh tế Việt Nam, những thách thức, cơ hội trước những biến động của thế giới đã được nêu ra.
Theo đó, hiện nay, kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, các quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc… đang vươn lên rất mạnh trong nhiều mặt, họ đã và đang xây dựng những chiến lược nhằm đưa nền kinh tế của mình vươn tầm thế giới.
Theo giáo sư Trần Văn Thọ, Việt Nam đang có nhiều cơ hội vượt lên vị trí cao về năng suất lao động, bởi với dân số 100 triệu, đứng vị trí cao trên thế giới. Tuy nhiên, phải có những biện pháp để tăng năng suất lao động…
Tiềm năng của Việt Nam rất nhiều, đến từ đầu tư xây dựng, công nghệ khoa học, chất lượng lao động. Trong đó, chỉ số năng lực của giới trẻ Việt Nam về công nghệ thông tin, toán học, cao hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới…
“Tuy nhiên, trình độ học vấn còn thấp khi có tới 61% lao động Việt Nam có trình độ học vấn 9 năm trở xuống, 24% có kỹ năng chuyên môn… Do đó Việt Nam cần đầu tư cải thiện trong những yếu tố trên”, giáo sư Trần Văn Thọ nói.
Vì vậy, Việt Nam phải tạo ra một giai đoạn phát triển cao, ngoạn mục mới thay đổi nhanh vị trí của mình trên thế giới. Việc cần làm là phát huy nội lực, giảm phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI cũng là hướng phát triển cần làm.
Theo giáo sư Trần Văn Thọ, làm sao liên kết với doanh nghiệp khác trong thời điểm này, đó là một nghệ thuật, doanh nghiệp phải PR được nguồn lực kinh doanh của mình. Trong đó, giáo sư Thọ nhấn mạnh, nhiều nghiên cứu cho thấy chữ tín giữ vai trò quan trọng trong việc tăng cường và ổn định chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó sẽ sáng tạo ra dịch vụ mới…
Giáo sư Trần Văn Thọ chia sẻ tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp LBC

Bàn về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh
Chia sẻ tại buổi trò chuyện, TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mô hình tăng trưởng xanh sẽ là động lực lớn cho nền kinh tế, vừa giúp cho quá trình chuyển đổi bền vững hơn, đồng thời lại sữa chữa những khó khăn, vướng mắc đã gặp phải trong quá khứ, nhất là dựa vào nông nghiệp.
Giáo sư Trần Văn Thọ cho rằng, kinh tế xanh rất đáng quan tâm và Việt Nam cần có những biện pháp kích thích để hành động tiêu thụ hàng hóa xanh. Kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh sẽ làm cho chất lượng nền kinh tế phát triển cao hơn, dù tốc độ phát triển có chậm lại nhưng nó quan trọng.
Theo chuyên gia tiêu chuẩn, bà Nguyễn Kim Thanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn có vẻ như đang là trào lưu, dường như chưa có mô hình kinh doanh nào để cho thấy nó thật sự hiệu quả.
Bà Thanh dẫn giải, như con tôm, năm 5 trước Ecuador chưa là gì cả, nhưng hiện nay đang dẫn đầu vì họ đã sử dụng công nghệ nuôi tuần hoàn, công nghệ mới để giảm tất cả những tác động tiêu cực trên môi trường, quan tâm đến cộng đồng…. Việt Nam, dù có những thời điểm dẫn đầu ngành thủy sản (con tôm), nhưng hiện nay, doanh nghiệp nhà máy lúc có hàng lúc không, và chưa có mô hình thực sự hiệu quả như Ecuador …
“Do vậy, làm kinh tế tuần hoàn, theo tôi nên bắt đầu từ những chuỗi giá trị mình đang có và mình cần làm mạnh nó lên”, bà Kim Thanh cho hay.
Đồng thời, cũng theo bà Thanh, chúng ta phải có những chỉ tiêu cụ thể trong tăng trưởng xanh.
Trong khi đó, bàn về năng lực con người trong thời đại mới, bà Cao Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ cho rằng, chiến lược về con người, hệ thống đổi mới sáng tạo con người của thời đại công nghệ rất quan trọng với doanh nghiệp.
Bà Dung nói, về nhân sự chúng ta cần có năng lực tổng hợp, tìm, đào tạo con người như vậy là không dễ. Chúng tôi có những cách phát hiện ra con người có năng lực tổng hợp để có chính sách, chế độ đào tạo, phát triển họ thành những lãnh đạo trẻ trong tương lai.
Chia sẻ thêm về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, bà Cao Ngọc Dung cho rằng, nền nông nghiệp Việt Nam nếu có nhiều doanh nghiệp đi một cách bền vững thì sẽ có một nền kinh tế bền vững. Tuy nhiên, bà Dung cũng đề cập đến một vấn đề cố hữu trong kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, đó là Việt Nam thường làm theo phong trào, không tập trung vào vấn đề mũi nhọn để phát triển…
Đồng tình với bà Cao Ngọc Dung, TS Nguyễn Quân – Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam nhìn nhận, xoay quanh vấn đề đổi mới sáng tạo, năng suất lao động và thâm sâu công nghiệp hóa, chuyển đổi số…. chúng ta nên bỏ việc làm theo kiểu phong trào.
“Đổi mới sáng tạo, chúng ta làm theo phong trào rất nhiều, đổi mới sáng tạo không chỉ tập trung trong phần R&D, mà cả trong nguồn nhân lực, xây dựng tài sản vô hình, trí tuệ của doanh nghiệp…”, Tiến sĩ Nguyễn Quân nói.
Tiến sĩ Nguyễn Quân thông tin: “Hội tự động hóa luôn mong muốn hỗ trợ cho địa phương và doanh nghiệp làm chuyển đổi số, trên quan điểm cùng tháo gỡ dần các nút thắt. Bắt đầu tư đâu, bắt đầu từ lãnh đạo doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, phải chuẩn bị nguồn lực cho chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu, không có dữ liệu thì không làm được”.
Tiến sĩ Nguyễn Quân cũng đề cấp đến một việc quan trọng, Việt Nam đang có công nghiệp hóa, nhưng thiếu sự quan tâm đến những ngành quan trọng trong công nghiệp hóa, như ngành công nghiệp vật liệu, công nghiệp cơ khí chính xác và cơ khí công nghiệp nặng. Nhà máy cơ khí lớn của Việt Nam không có, đa phần là các doanh nghiệp tư nhân, làm giỏi nhưng không phải là quy mô quốc gia…
Trao đổi thêm về vấn đề kinh tế nông nghiệp, giáo sư Trần Văn Thọ cho rằng, thực tế cho thấy những doanh nghiệp quan tâm đến tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn thì có cổ phiếu tăng và được người ta quan tâm hơn, tương lai sẽ phát triển hơn nữa.

Một số hình ảnh tại sự kiện:

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi gặp gỡ giáo sư Trần Văn Thọ tại sự kiện
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, cùng giáo sư Trần Văn Thọ và Tiến sĩ Nguyễn Quân – Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam

Giáo sư Trần Văn Thọ, Chủ tịch UBND TPHCM, cùng khách mời tại sự kiện
Bài, ảnh: Trần Quỳnh