Giới trẻ châu Á theo đuổi học nghề cơ khí xe hơi tại Nhật Bản

Một buổi học ở Cao đẳng Kỹ thuật Xe hơi Nissan tại thành phố Yokohama. Ảnh: Nikkei Asia

Học viên từ Việt Nam và Nepal luôn đứng đầu về tỷ lệ tại các trường cao đẳng kỹ thuật xe hơi ở Nhật Bản. Giới trẻ các nước châu Á đang phát triển đang đổ xô đăng ký học tại các trường này. Họ hy vọng mức lương cao hơn ở quê nhà và cơ hội được ở lại Nhật Bản sau tốt nghiệp. Nhưng Nhật Bản lại lo ngại về tương lai ngành công nghiệp sản xuất xe hơi của nước này.

Học viên nước ngoài tăng 5 lần

Các trường kỹ thuật cơ khí độc lập hoặc do các hãng xe Toyota, Honda và Nissan vận hành đang thu hút đông đảo sinh viên nước ngoài. Theo Tổ chức dịch vụ sinh viên Nhật Bản (JSSO), học viên đến từ Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn nhất 43% trong tổng số học viên quốc tế tại các trường cơ khí xe hơi vào năm 2022, tiếp theo là Nepal với 26%

Trường Cao đẳng Kỹ thuật Toyota ở Tokyo có khoảng 400 học viên theo học, với khoảng 25% là người nước ngoài, nhiều gấp đôi trước Covid. Giám đốc Yoshihiro Wakabayashi nói rằng: “Thật đáng buồn khi thế giới xe hơi rất hấp dẫn đối với người nước ngoài nhưng lại không hấp dẫn lắm đối với người Nhật. Xây dựng và các ngành sản xuất cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Tôi lo lắng rằng văn hóa sản xuất của Nhật Bản sẽ bị mất đi. Điều này sẽ gây tác động đến nền kinh tế Nhật Bản”.

Sự thay đổi trong cơ cấu học viên tại các trường như Cao đẳng Kỹ thuật Toyota làm nổi bật vai trò ngày càng tăng của lao động nước ngoại khi xứ Phù Tang đối diện với tình trạng dân số lão hóa ngày một tăng.

Theo Bộ Lao động, số lượng lao động nước ngoài vượt ngưỡng 2 triệu người trong tháng 10-2023, tăng 12% trong so với năm trước. Khoảng 27% trong số họ làm việc trong lĩnh vực sản xuất. Người Việt chiếm 1/4 tổng số, phần lớn nhất, tiếp theo là lao động đến từ Trung Quốc và Philippines.

Chính phủ Nhật Bản đã khuyến khích tuyển dụng người nước ngoài trong ngành sửa chữa xe hơi kể từ năm 2019 bằng cách cấp cho họ quyền cư trú với tư cách là “lao động kỹ năng đặc định” – theo cách gọi của người Nhật. Số lượng người nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp sửa chữa xe hơi đã tăng hơn gấp đôi trong 5 năm qua lên khoảng 4.800 người.

Yoshie Motohiro, chủ tịch Trường Cao đẳng Kỹ thuật Xe hơi Nissan, nói các trường cao đẳng cơ khí xe hơi đã nhận thấy “nhu cầu đặc biệt” từ sinh viên quốc tế kể từ khi các hạn chế nhập cảnh vào Nhật Bản được nới lỏng sau đại dịch. Theo Bộ Giao thông vận tải, trước đại dịch, số lượng tuyển sinh nước ngoài tại các trường sửa chữa xe Nhật Bản đã tăng gấp 5 lần trong giai đoạn 2016-2021 lên đến 5.000 học viên.

Motohiro cho biết 360 sinh viên quốc tế đã theo học tại 5 trường cao đẳng kỹ thuật do Nissan điều hành ở Nhật Bản trong năm nay – gấp ba lần so với năm 2019. Hầu hết trong số họ có ý định làm việc sau khi tốt nghiệp tại Nhật Bản, nơi có mức lương cao hơn.

“Chúng tôi phải tiếp nhận thêm sinh viên quốc tế. Chúng tôi cần tích cực tuyển dụng họ. Chính người nước ngoài có thể giúp Nhật Bản khắc phục tình trạng thiếu lao động”, bà Motohiro nói.

Ayumi Nakajima, giám đốc điều hành của Cao đẳng Kỹ thuật Honda, cho biết số lượng người Nam Á học tại các trường cao đẳng kỹ thuật ngày càng nhiều trong 5 năm qua do tỷ lệ sở hữu xe hơi ngày càng tăng ở Nepal, khiến nhu cầu thợ cơ khí cũng tăng theo.

“Trước đây, phần lớn sinh viên quốc tế của chúng tôi là từ Việt Nam, cộng với một số ít đến từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác. Hiện hầu hết đến từ các nước Nam Á như Nepal, Bangladesh và Sri Lanka”, Nakajima nói.

Học viên từ Việt Nam và Nepal chiếm tỷ lệ đứng đầu tại các trường dạy sửa xe ở Nhật Bản. Nguồn: JSSO

Nhu cầu thợ cơ khí lành nghề rất cao

Nhu cầu thợ lành nghề sửa chữa xe hơi đang rất cao ở Nhật Bản, cứ mỗi ứng viên thì có đến 5 lời mời làm việc, theo dữ liệu của Bộ Lao động trong năm 2022. Theo dữ liệu của hiệp hội ngành, có khoảng 331.000 thợ sửa chữa cho khoảng 82 triệu chiếc xe ở Nhật Bản trong năm 2022. Có nghĩa là mỗi thợ sẽ có thể phụ trách bảo dưỡng, sửa chữa 247 chiếc xe mỗi năm.

Theo trang Salary Expert của Nhật Bản, một thợ cơ khí mới vào nghề với 1-3 năm kinh nghiệm có thể kiếm được mức lương trung bình 3,4 triệu yen mỗi năm, khoảng 22.500 đô la. Thợ cơ khí lâu năm có trên 8 năm kinh nghiệm sẽ có mức lương trung bình 5,6 triệu yen (37.000 đô la).

Giới trẻ Nhật ít quan tâm đến nghề sửa xe. Thế nhưng, báo cáo của Bộ Giao thông vận tải năm 2023 nói rằng số lượng thanh niên muốn trở thành thợ sửa xe đang giảm do tỷ lệ sinh giảm và các yếu tố khác. Còn Bộ Lao động nói tỷ lệ sinh ở Nhật Bản đã giảm năm thứ tám liên tiếp vào năm 2023 xuống còn khoảng 758.000, thấp nhất kể từ khi Nhật Bản bắt đầu thu thập dữ liệu dân số từ năm 1899, tức 125 năm trước.

Trong khi đó, nhu cầu về cơ khí xe hơi ngày càng tăng khi chiếc xe kết nối với mạng Internet và tự động hóa hơn trước. Tuy vậy, kỳ thi lấy bằng quốc gia về cơ khí xe hơi của Nhật Bản sẽ được cập nhật từ năm 2027, bao gồm các câu hỏi về các môn liên quan đến xe điện.

Nakajima của từ Cao đẳng Kỹ thuật Honda nhận xét: “Trước đây, động cơ xe hơi có thể được sửa chữa bằng cách tháo rời các bộ phận. Nhưng trong tương lai, kỹ thuật viên sẽ cần sử dụng các thiết bị đặc biệt như máy tính hoặc công cụ không dẫn điện để sửa chữa”.

Motohiro từ trường Nissan cho biết, “Học viên cần học cách xử lý những chiếc xe điện và có thể gặp nguy cơ bị điện giật – mối nguy hiểm không có ở xe chạy xăng hoặc diesel. Họ cũng cần lưu ý đến số lượng chip và camera trên xe khi phần mềm điều khiển xe ngày một phức tạp hơn”.

Theo Nikkei Asia

Ricky Hồ / BSA Media