Diễn đàn Mekong Connect 2024 diễn ra trong hai ngày 17 – 18/12/2024 tại Đại học An Giang, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, với chủ đề: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ vùng ĐBSCL – TP.HCM và cả nước, hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới”, đã khép lại với nhiều điểm nhấn đáng nhớ. Diễn đàn năm nay với hơn 1000 lượt khách tham dự, trong đó có nhiều đại biểu là lãnh đạo trung ương, chuyên gia trong và ngoài nước, các cơ quan ngoại giao. Diễn đàn 2024 đã mở ra nhiều không gian để chia sẻ, thảo luận và kiến tạo những giải pháp chiến lược, hành động cụ thể nhằm thúc đẩy liên kết vùng, khai thác hiệu quả tài nguyên bản địa và lan tỏa các sáng kiến bền vững. Bản tổng kết này là cái nhìn toàn diện về những hoạt động nổi bật, các ý kiến đóng góp sâu sắc và những định hướng chiến lược đã được đề xuất tại Mekong Connect 2024. Đây chính là nền tảng quan trọng để vùng ĐBSCL cùng TP.HCM vươn xa, trở thành trung tâm kinh tế – thương mại – công nghệ xanh của cả nước và khu vực.
MỘT SỐ TRÍCH DẪN TỪ CÁC PHÁT BIỂU LIÊN QUAN MEKONG CONNECT 2024
1 – BỘ TRƯỞNG NN & PTNT LÊ MINH HOAN
“Người Đồng bằng đang tự liên kết với nhau bằng liên kết cấp tiểu vùng: Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, các tỉnh duyên hải. Người Đồng bằng liên kết với nhau thông qua những sáng kiến: Mekong Connect, Mekong xanh, các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các hội chợ quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP. Người Đồng bằng liên kết bằng Đề án “Quy hoạch 1 triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh”. Đây là một phép thử cho tinh thần liên kết trong ngành hàng lúa gạo để nhân rộng sang liên kết vùng chuyên canh cây ăn trái, thuỷ sản”.
2 – BỘ TRƯỞNG BỘ KHCN HUỲNH THÀNH ĐẠT
“Mekong Connect là một diễn đàn thường niên uy tín, là cầu nối vững chắc giữa các tỉnh vùng ĐBSCL với TP.HCM và cả nước. Tôi ghi nhận và đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn với cách làm sáng tạo, có tính kế thừa, có mục tiêu rõ ràng để giải quyết các vấn đề thực tiễn”.
3 – PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC UBND TP.HCM DƯƠNG NGỌC HẢI
“Diễn đàn Mekong Connect 2024 năm nay đã thực sự gắn kết được nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các Doanh nghiệp và người dân, tạo điều kiện, động lực thuận lợi cho TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL hình thành liên kết chuỗi giá trị, định hướng cho doanh nghiệp, nông dân nắm bắt xu hướng thị trường, ứng dụng công nghệ để kết nối chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản và tăng cường hội nhập thị trường quốc tế. Qua đó, định hướng được những giải pháp lớn cho năm 2025, là năm tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021-2025”.
4 – CHUYÊN GIA KINH TẾ PHẠM CHI LAN
“TP.HCM không thể cứ phát triển trên cơ sở những quan niệm cũ của chúng ta về công nghiệp hóa. Nó không thực sự còn đúng với thời đại ngày nay. Một TP.HCM – đầu tàu kinh tế không của chỉ ĐBSCL hay miền Nam mà còn của cả nước, thì không thể cứ đi theo các ngành công nghiệp mang tính chất gia công, sử dụng công nghệ giá rẻ như dệt may, giày dép, đồ gỗ… TP.HCM rất rất cần phải biến mình thành trung tâm tài chính, dịch vụ thương mại, trung tâm của các ngành công nghiệp dựa trên công nghệ cao mới mà Việt Nam đang rất cần như bán dẫn.”
“Khi TP.HCM dịch chuyển thì phải tìm nơi dịch chuyển, nơi dịch chuyển thích hợp nhất chính là các tỉnh ĐBSCL, nơi mà đã cung cấp nguồn lao động cho các lĩnh vực đó. Bây giờ đưa trở lại các ngành đó về cho địa phương, cho các tỉnh ĐBSCL như đàn sếu bay tiếp theo con sếu đầu đàn là TP.HCM, để có thể vượt lên. Thứ hai là nguồn lao động trở về từ TP.HCM cũng rất quý. Đó là nguồn lao động đã trải qua các hoạt động công nghiệp, dịch vụ, đã quen với thói quen làm việc trong một môi trường thị trường cạnh tranh cao, cả về nhân lực cũng như tất cả các mặt khác. Ngoài ra họ cũng là lực lượng giúp cho khả năng kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh trở thành hiện thực nhiều hơn, vì khi người ta đã từng sống và làm việc ở TP.HCM rồi thì họ sẽ có sẵn lực lượng từ trong xã hội để kết nối với nhau.”
“Tôi cho rằng xu hướng dịch chuyển các công nghiệp sẽ không chỉ dừng lại ở TP.HCM, mà tương lai có thể cả Bình Dương, Đồng Nai cũng cần có sự dịch chuyển để đi vào các ngành công nghiệp mới hơn, như thế sẽ có sự dịch chuyển tương đối nhiều ở khu vực phía Nam để chuyển về ĐBSCL. Khi đó, ĐBSCL nên sẵn sàng bằng ba cách. Thứ nhất, nên chủ động làm việc nhiều hơn những nơi đã là trung tâm phát triển trước mình là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… để xem xem những lĩnh vực gì có thể chuyển dịch được. Thứ hai, là sự chủ động chuẩn bị thêm về các mặt hạ tầng cần thiết cho họ, ngoài lĩnh vực giao thông mà hiện nhà nước, cũng như khu vực đồng bằng đang có những chủ trương khá nhiều, thì cũng rất nên lưu ý hạ tầng điện trên cơ sở xanh. Thứ ba, một trong những điều quan trọng đối với các tỉnh ĐBSCL hiện nay là phải chú ý đào tạo nguồn nhân lực về quản trị. Lao động thì chúng ta có thể có nhiều, nhưng làm được quản trị trong các doanh nghiệp là rất cần.”
5 – ÔNG WATCHARAPONG RADOMSITTIPAT, CHỦ TỊCH HIIỆP HỘI OTOP TOÀN THÁI LAN
“Yếu tố bán được giá ở đây là phải có thương hiệu. Có câu chuyện. Có nhãn mác của vùng miền. Người nông dân họ không biết sản phẩm họ có có giá trị. Chính phủ sẽ phải là người cho họ kiến thức để làm cho sản phẩm của họ có giá trị”
“Cách nhanh nhất để kiếm tiền và đến với người tiêu dùng là gắn OTOP với du lịch, có shop bán OTOP trong các sự kiện, hay lên tivi và kết nối với 17 chỉ tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Chính phủ Thái Lan đã có chính sách xây dựng làng OTOP du lịch. Hiện toàn Thái Lan có 680 làng làm du lịch OTOP”.
6 – BÀ PHẠM THỊ XUÂN HƯƠNG TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM OPC
“Nói về liên kết 4 nhà (nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà quản lý). Doanh nghiệp đầu tàu nhưng chính quyền là chủ đạo. Có chính quyền thì người dân yên tâm, doanh nghiệp cũng yên tâm đầu tư và bản thân chính quyền cũng như một bộ lọc giúp người dân tránh được nhiều rủi ro”.
“Từ kinh nghiệm cũng như những khó khăn OPC gặp phải khi phát triển các vùng trồng ở các địa phương tôi kiến nghị: Thứ nhất, chính quyền sớm có quy hoạch những vùng trồng trên địa bàn. Một quy hoạch rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp rất nhiều trong việc định ra các chiến lược, kế hoạch của mình khi đầu tư. Thứ hai, chính quyền hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại với sản phẩm từ vùng trồng. Thứ ba, chính quyền tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng cơ sở sơ chế, biến dược liệu tại cụm vùng trồng.”
7 – PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ NN&PTNT AN GIANG HỒ THANH BÌNH
“Hôm nay là buổi để chúng tôi giới thiệu với các doanh nghiệp về các cây dược liệu của An Giang. Mong nhận thêm thông tin từ các doanh nghiệp, để chính quyền có thể điều chỉnh quy hoạch, chính sách của nhà nước cho phù hợp. Thứ hai, phải làm sao xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ. Triển khai quy hoạch vùng trồng, vùng bảo tồn, xây dựng các thương hiệu dược liệu. Cuối cùng, An Giang cũng mong muốn chính phủ có các chính sách ưu đãi thêm nữa để thúc đẩy doanh nghiệp đến An Giang đầu tư, phát triển ngành dược liệu”.
8 – BÀ HUỲNH THANH BÌNH MINH, GIÁM ĐỐC QUỸ TAEL PARTNERS VIỆT NAM
“Cơ hội khi mà chúng tôi nhìn vào ĐBSCL là nông nghiệp, lương thực. Đó là những nhu cầu rất cơ bản”.
“Chúng tôi mong muốn kể được câu chuyện để thuyết phục hội đồng đầu tư đầu tư vào. Để như vậy thì doanh nghiệp phải có câu chuyện tăng trưởng của riêng mình. Câu chuyện tạo ra giá trị. Câu chuyện về việc tối ưu hóa các nguồn lực, tăng năng suất, giảm chi phí, giảm thất thoát ra sao. Chẳng hạn, Việt Nam có mức thất thoát của ngành nông nghiệp là 15 đến 40%, tức là hậu thu hoạch bị thất thoát. Những doanh nghiệp nào có giải pháp để giải quyết những vấn đề này, Những doanh nghiệp nào có giải pháp để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, lấy phụ phẩm của ngành nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, như vỏ tôm, vỏ dừa, vỏ sầu riêng… thì đều là những câu chuyện để chúng tôi thuyết phục các nhà đầu tư đầu tư vào”.
“Nhìn vào các doanh nghiệp ở ĐBSCL chúng tôi thấy rất nhiều cơ hội để đầu tư, nhưng mỗi quỹ thì họ cần một số tiền để bỏ ra tương xứng. Ví dụ chúng tôi đang quản lý một quỹ chừng 1,3 tỷ USD thì chúng tôi cần một khoản đầu tư từ 15 đến 40 triệu USD cho một doanh nghiệp. Để hấp thụ số vốn này thì khả năng doanh nghiệp thực thi phải cực tốt. Ngồi kiểm lại chúng tôi chưa thực sự thấy nhiều cơ hội để đầu tư. Chúng tôi thực sự mong có nhiều doanh nghiệp được ươm tạo, được hỗ trợ, một hệ sinh thái, “cần một làng” để nuôi một doanh nghiệp lớn hơn, để tạo ra tiềm năng để chúng tôi đầu tư”.
9 – BÀ NGUYỄN THỊ THU HÀ, CHUYÊN GIA TƯ VẤN CẤP CAO CÔNG TY TƯ VẤN CLICKABLE IMPACT
“Có ba rào cản ở thị trường Việt Nam. Thứ nhất là khả năng các công ty có thể xây dựng mô hình kinh doanh và quản trị rủi ro, phòng vệ được các rủi ro khí hậu, tránh việc suy giảm tài sản, khả năng sinh lợi của tài sản. Thứ hai, bản thân doanh nghiệp ĐBSCL thường chỉ theo mô hình làm việc với người nông dân. Các mô hình này tạo ra được tác động xã hội tích cực, nhưng lại chưa biết cách làm thế nào để truyền thông về tác động xã hội tích cực đã tạo ra được. Tức là tạo ra được tác động xã hội nhưng phải tìm cách chứng minh và thuyết phục được nhà đầu tư. Thứ ba là năng lực quản lý tài chính một cách minh bạch. Khi nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường, việc đầu tiên là kiểm tra xem định giá của công ty như thế nào, bằng cách kiểm tra dự phóng dòng tiền tương lai.”
10 – ÔNG ANDERSON TAN, GIÁM ĐỐC CÔNG TY ACCELEBATOR SINGAPORE
“Chúng tôi nhìn Việt Nam với con mắt đầy ngưỡng mộ và ganh tỵ vì Việt Nam có quá nhiều nguồn lực, nhiều sự ưu đãi của thiên nhiên. Tôi hy vọng Việt Nam có thể trở thành nơi sản xuất lương thực cho Đông Nam Á. Đó là cách người singapore nhìn vào Mekong và Việt Nam.”
“Hiện nay, Việt Nam còn rất nhiều dư địa phát triển nông nghiệp. Ví dụ chỉ cần nhìn vào sự lãng phí sau thu hoạch, thì chúng ta thấy nếu biến các phế phẩm, các thứ đang bị bỏ phí trong nông nghiệp, nếu được tận dụng một cách hợp lý thì có thể trở thành những sản phẩm có giá trị rất lớn, và phát triển bền vững”.
“Mekong Connect có thể hội tụ các địa phương, chuyên gia, doanh nghiệp toàn vùng như một cái hub thì các nhà đầu tư, như các nhà đầu tư Singapore chẳng hạn, có thể chỉ cần phải tìm đến đó và có thể tìm thấy các cơ hội đầu tư của mình thay vì phải đi khắp cả một vùng ĐBSCL rộng lớn. Chúng ta gom hết lại đây và các nhà đầu tư tìm đến, thì đó là sự kết nối”.
11 – TS PHẠM SỸ THÀNH, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU KINH TẾ VÀ CHIẾN LƯỢC TRUNG QUỐC (CESS)
“Nhân tài họ sẽ không đến một nơi chỉ để ngồi nhìn cánh đồng lúa, nhìn cò bay, nhìn mấy doanh nghiệp sản xuất dừa. Ít nhất họ phải thấy được cơ hội. Vậy thì chính quyền, tổ chức kết nối vùng đóng vai trò rất là quan trọng trong việc làm sao có chính sách thu hút đầu tư để mọi người đều cảm thấy đây là một cơ hội hấp dẫn. Giải bài toán nhân lực, vẫn phải quay trở lại với bài toán là để không bị di cư về chất xám, để không bị chảy máu chất xám. Thế thì vẫn phải là có những cơ hội để để nguồn nhân lực họ nhìn thấy rằng là họ có thể làm được việc gì đấy tại địa phương mình.”
12 – BÀ TIÊU YẾN TRINH, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CỔ PHẦN TALENTNET
“Khi nói về nguồn nhân lực thì mình sẽ khởi đầu từ kinh tế, kinh doanh trước. Thật ra Mekong cũng là một cô gái đẹp, giống như ngọc trong đá nếu khai thác, kết nối được hệ sinh thái. Làm sao kết nối cụm Mekong và TP.HCM mạnh mẽ hơn để tạo ra những giá trị lớn hơn. Trong đó điển hình như du lịch. Hiện tại chưa có hệ sinh thái, nhóm sản phẩm nào cho cả Mekong bằng một hành trình 5-7 ngày dựa trên mỗi khu vực có những đặc thù khác nhau của từng tỉnh, mình phối lại, mình tạo ra một sản phẩm về Mekong du lịch kết nối”.
“Phải Dự báo nhu cầu nhân lực, 4-5 năm để khi ra trường, nguồn nhân lực này sẽ phục vụ được đúng những ngành trọng điểm mà tỉnh có nhu cầu. Đó là bước thứ nhất rất quan trọng về hoạch định nguồn nhân lực mang tính chiến lược. Thứ hai, ĐBSCL đang thiếu hẳn ở khúc quản lý cấp trung để thực hiện ý tưởng và ước mơ của các doanh chủ và việc đào tạo cho nguồn nhân lực công nhân, nhân viên cấp dưới làm thiếu hẳn, không có tính chiến lược và không có tính quản trị.”
13 – ÔNG LÊ QUANG BÌNH, GIÁM ĐỐC ECUE, ĐẠI DIỆN CHƯƠNG TRÌNH GEARS VIỆT NAM
“Rất nhiều quỹ đầu tư người ta bây giờ nhìn vào một mô hình đầu tư hay một dự án người ta sẽ hỏi ngay xem có vấn đề giới trong đấy như thế nào? Đó chính là vấn đề bình đẳng giới liên quan đến cơm áo, gạo tiền rồi đúng không. Thứ hai, ĐBSCL xuất khẩu rất nhiều sang thị trường châu Âu, vậy không biết anh chị có biết tháng tư vừa rồi Liên minh châu Âu đã ra qua một chỉ thị về thẩm định bền vững của doanh nghiệp. Tức là, từ năm 2026 tất cả các doanh nghiệp của châu Âu họ sẽ phải kiểm định hai thứ. Thứ nhất là hoạt động của họ ảnh hưởng thế nào đến môi trường. Thứ hai là hoạt động của ảnh họ hoạt động ảnh hưởng thế nào đến những vấn đề liên quan đến quyền của phụ nữ, bạo lực, quấy rối, lao động trẻ em…”
14 – ÔNG STEPHEN KREPPEL, GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH TỔ CHỨC TƯ VẤN QUỐC GIA, TỔ CHỨC ĐIỀU PHỐI VÀ TIẾP THỊ QUỐC GIA MÔNG CỔ (MNMCO)
“Tôi nghe các bạn nhắc nhiều về giống gạo Japonica của Nhật Bản có giá bán hay giá xuất khẩu cao so với các loại gạo khác của Việt Nam. Nhưng nếu như ST 25 được chọn là gạo ngon nhất thế giới thì vấn đề tôi đặt ra là tại sao các bạn không phổ biến hơn nữa ST25 vì nó là câu chuyện của đồng bằng, là biểu trưng của ngành lúa gạo Việt nam chẳng hạn. Gạo của đồng bằng có giá ngang ngửa với gạo của các nước khác không ngoài tầm với của các bạn, khi các bạn có giống lúa phẩm chất cao, câu chuyện hay”
“Tôi ấn tượng với mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh mà các tỉnh đồng bằng đang theo đuổi. Chẳng hạn ở gian hàng Hậu Giang, tôi được giới thiệu về cơ sở chế biến rượu, phần bã hèm bia làm thức ăn chăn nuôi hay phân bón, rồi từ rượu chế biến nâng cao thành các loại dầu xoa bóp thảo dược. Đó là sự độc đáo của sản phẩm Đồng bằng”.
BÁO CÁO TỔNG KẾT DIỄN ĐÀN MEKONG CONNECT 2024