Hai ưu tiên của TP.HCM cho diễn đàn Mekong Connect 2024
Phát biểu tổng kết phiên toàn thể Diễn đàn Mekong Connect 2024, ông Dương Ngọc Hải, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, cho biết TP.HCM với lợi thế riêng có của mình sẽ ưu tiên phối hợp với ĐBSCL ở hai mục tiêu chủ chốt là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút vốn đầu tư.
Ông Dương Ngọc Hải đánh giá, ĐBSCL với lợi thế về hệ sinh thái đa dạng, hệ thống sông ngòi và nhiều giá trị tài nguyên mang bản sắc văn hóa riêng vùng sông nước. Đây là vùng kinh tế quan trọng, tập trung sản xuất lúa gạo và là điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp, đóng góp lượng lớn hàng nông sản xuất khẩu của quốc gia.
Tiềm năng hợp tác giữa TP.HCM với ĐBSCL rất lớn, tuy nhiên kết quả đến nay đạt chưa được như mong muốn, hoạt động liên kết vùng chưa đi vào chiều sâu, hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng do còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức về điều kiện tự nhiên, công nghệ, vốn đầu tư, chất lượng nuồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, môi trường đầu tư – kinh doanh và cơ chế quản trị – hợp tác – liên kết vùng, từ đó, việc khai thác các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội theo đúng hướng quy hoạch còn nhiều khó khăn, chưa đạt hiệu quả.
“Qua một ngày làm việc nghiêm túc, tập trung, Diễn đàn Mekong Connect lần thứ 09 đã đạt được kết quả kỳ vọng, với 2 phiên tập trung thảo luận các vấn đề thách thức, phân tích các điểm nghẽn xoay quanh chủ đề huy động nguồn vốn và nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó có những góc nhìn mới để cùng nhau đề xuất các giải pháp duy trì sự liên kết và phát triển bền vững, tạo động lực để xây dựng một nền kinh tế năng động, thích ứng với những biến động toàn cầu như hiện nay” – ông Hải nói.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM, Diễn đàn Mekong Connect 2024 năm nay đã thực sự gắn kết được nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các Doanh nghiệp và người dân, tạo điều kiện, động lực thuận lợi cho TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL hình thành liên kết chuỗi giá trị, định hướng cho doanh nghiệp, nông dân nắm bắt xu hướng thị trường, ứng dụng công nghệ để kết nối chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản và tăng cường hội nhập thị trường quốc tế. Qua đó, định hướng được những giải pháp lớn cho năm 2025, là năm tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021-2025.
Mekong Connect 2024 thu hút sự quan tâm của các cơ quan ngoại giao và chuyên gia quốc tế. Ảnh: BSA Media.
Ông Dương Ngọc Hải khẳng định, để hoạt động liên kết vùng trong giai đoạn sắp tới được triển khai thực chất và hiệu quả cao trong bối cảnh mới, xu hướng phát triển mới của thế giới, TP.HCM với nhiều điều kiện thuận lợi so với các địa phương khác, sẽ tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, đầu tàu trong liên kết phát triển nhằm thực hiện các chiến lược đột phá về phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực, không gian phát triển mới cho Vùng ĐBSCL và các khu vực, địa phương trong cả nước.
Trong đó:
Một là, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: (1) Ưu tiên hợp tác đào tạo lực lượng khoa học, kỹ thuật có trình độ chuyên sâu về các lĩnh vực công nghệ phần mềm, công nghệ sinh học, cơ khí, điện tử, hóa học; (2) Đẩy mạnh liên kết, phối hợp giữa các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng của các địa phương để tổ chức đào tạo đào tạo tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của cả Vùng; (3) Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc mở rộng ngành nghề đào tạo mới; trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, thị trường lao động; (4) Tăng cường trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ trong đó tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của TP.HCM như công nghệ thông tin, kinh tế số, dịch vụ, xây dựng hệ thống logistics… cho các địa phương.
Hai là, ưu tiên triển khai các giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư: (1) TP.HCM và Vùng ĐBSCL chú trọng phát triển hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, nâng cao chất lượng hạ tầng cả đường bộ, đường thủy, cảng biển, sân bay và các hệ thống logistics, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc, cầu cảng, hệ thống kho bãi hiện đại để giảm chi phí vận tải và thời gian vận chuyển hàng hóa; nghiên cứu, khai thác các phương thức vận tải để phát triển du lịch kết hợp với phát triển giao thương hàng hóa, dịch vụ; (2) Hoàn thiện hạ tầng, nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư thuận lợi, tạo môi trường thuận lợi, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đặc biệt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp từ địa phương; (3) Các địa phương cần tăng cường các hoạt động quảng bá tiềm năng và lợi thế của khu vực, tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư, kết nối doanh nghiệp và hợp tác quốc tế để thu hút thêm nhà đầu tư trong và ngoài nước; (4) TP.HCM sẽ tiếp tục tích cực giới thiệu các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư tại các tỉnh Vùng ĐBSCL, tạo động lực đồng hành chính quyền đối với các doanh nghiệp trong hợp tác song phương và đa phương với các tỉnh, thành.
Diễn đàn Mekong Connect năm 2024 diễn ra trong hai ngày 17 và 18/12/2024 tại Đại học An Giang, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, với chủ đề: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ vùng ĐBSCL – TP.HCM và cả nước, hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới”.
Mekong Connect 2024 với sự bảo trợ của Bộ NN&PTNT, Bộ KHCN, do UBND tỉnh An Giang và UBND TP.HCM đồng tổ chức và chủ trì. Cùng với đó là sự đồng hành của các tỉnh thành: Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang và Vĩnh Long.
Sự kiện được phối hợp thực hiện bởi: Sở Công Thương TP.HCM, Sở Công Thương An Giang, Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, VCCI Đồng bằng sông Cửu Long và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC). Mekong Connect 2024 được điều phối bởi: Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp – BSA.