Hàn Quốc tài trợ Việt Nam 6,5 triệu USD phát triển nông thôn mới

SONY DSC

(Vietnamtimes) – Đây là thông tin mà TS Lee Sang Woo, Tổng đại diện Quỹ Toàn cầu hóa nông thôn Hàn Quốc (SGF) cho biết tại buổi họp báo giới thiệu Diễn đàn quốc tế Saemaul năm 2017 ngày 23.10. 

Theo TS Lee Sang Woo, thời gian qua Hàn Quốc đã tài trợ 2 triệu USD cho phát triển nông thôn mới Việt Nam, thông qua việc triển khai làng thí điểm theo mô hình “phong trào làng mới”, còn gọi tên gọi là Saemaul Undong (SU).

SU được Chính phủ Hàn Quốc đưa vào năm 1970 để phát triển khu vực nông thôn, thu hẹp khoảng cách nông thôn và đô thị, hướng đến sự ổn định và phát triển xã hội.

Việt Nam nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc về mô hình này từ năm 2014.

Tới nay, đã có tám làng thí điểm SU ở Việt Nam, gồm ba làng đang triển khai và năm làng mới, tại các tỉnh Ninh Thuận, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Huế và Hậu Giang.

Ảnh minh họa

Từ các bước xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao thu nhập, hoàn chỉnh hệ thống dịch vụ phúc lợi xã hội, phong trào SU tại Hàn Quốc đã thành công vượt mong đợi. 70% dân số ở nông thôn có thu nhập cao bằng đô thị.

Một trong những kết quả quan trọng mà SU đã làm được không phải là đô thị hóa nông thôn, mà là hài hòa phát triển kinh tế xã hội cả nước, đưa cư dân đô thị về sống, về du lịch nông thôn, gắn đô thị với nông thôn và phát triển công nghiệp chế biến, gắn công nghiệp với nông nghiệp.

Nhân dân thành phố, các công xưởng, cơ quan trên toàn quốc bắt đầu quay lại học tập tinh thần cộng đồng của phong trào SU ở nông thôn.

Điều quan trọng, phong trào SU Hàn Quốc diễn ra trong hàng chục năm, đi từ dễ đến khó, từ nhỏ đến lớn, tự tích luỹ sức dân để dân đầu tư cho mình. Trong đó, vai trò của người đứng đầu điều phối phong trào là Thủ tướng Park Chung Hee là rất quan trọng; vai trò của “thủ lĩnh cộng đồng” (độc lập với chính quyền và đảng phái chính trị, do dân tự bầu và “trả lương”); việc đào tạo cán bộ cơ sở; đặc biệt là tập trung xoá bỏ tư duy ỷ lại – được xem là kẻ thù chính cản nông thôn phát triển.

Cho biết tại buổi họp báo ngày 23.10, TS Ngô Thị Phương Lan, giám đốc Trung tâm phát triển nông thôn – SU, ĐH KHXH&NV TP.HCM cho biết, việc đầu tiên khi làm làng thí điểm SU ở Việt Nam là thay đổi tư duy người dân qua một số chương trình, rồi mới tiến hành chỉnh trang đường xá, cơ sở vật chất nông thôn, lập hợp tác xã, phối hợp các cấp tiến hành các chương trình khác dựa trên việc khảo sát nhu cầu người dân…

Theo PGS.TS Võ Văn Sen, hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, dù chương trình nông thôn mới ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề như: nhận thức, năng lực của các ngành, cấp chưa thật sự đúng, đầy đủ; chưa có tiêu chí thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới; chưa có sự thống nhất trong việc xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện…

Cũng theo nhiều chuyên gia, chương trình nông thôn mới ở Việt Nam là quản lý theo Luật Ngân sách nên phải do chính quyền xã nắm, với nhiều cơ chế hành chính và nhân sự còn quan liêu, nhũng nhiễu. Trong khi đó, ở SU Hàn Quốc, “Ủy ban Phát triển Làng mới” của dân từng làng bầu ra. Người dân tự lựa chọn dự án, chọn thiết kế, quản lý lao động, vật tư và tiền của cả nhà nước cho và dân đóng góp…

Diễn đàn quốc tế Saemaul năm 2017 được kì vọng sẽ là cơ hội để các nhà khoa học, quản lý, những người thực hiện mô hình SU trên thế giới đưa ra các giải pháp hiệu quả; đặc biệt là chia sẻ của các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam về các dự án đã, đang được thực hiện, triển khai hiệu quả tại các vùng nông thôn Việt Nam.

Diễn đàn dự kiến được tổ chức vào từ ngày 23 đến 24.11.2017 tại ĐH KHXHNV TPHCM.

Tới nay, đã có hơn 20 nước trên thế giới nhận được chia sẻ kinh nghiệm từ SU Hàn Quốc.

Theo NĐT