Hãng bay giá siêu rẻ MYAirline sắp khai trương, cạnh tranh với trùm giá rẻ AirAsia

452
MYAirline sẽ bay nội địa cuối năm nay và khai thác quốc tế trong năm 2023. Ảnh: MYAirline

Hãng hàng không giá rẻ mới nhất ở Đông Nam Á MYAirline sẽ bay khai trương vào cuối năm nay và cạnh tranh về giá với AirAsia – hãng bay giá rẻ hàng đầu khu vực.

CEO kiêm nhà đồng sáng lập Rayner Teo nói rằng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giá rẻ đang tăng lên khi châu Á gỡ bỏ các quy định cách ly và xét nghiệm Covid. MYAirline hy vọng sẽ nổi bật với vé rẻ hơn, hỗ trợ khách hàng theo thời gian thực tốt hơn và các chuyến bay đúng giờ.

“Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể dễ dàng cung cấp các chuyến bay rẻ hơn dựa trên cơ cấu chi phí”, ông Teo nói với Nikkei Asia.

Trung tâm điều hành của MYAirline nằm ở tầng trên một trung tâm thương mại ở Subang Jaya, gần thủ đô Kuala Lumpur. Dù là anh chàng tí hon cạnh gã khổng lồ Goliath, Teo và dàn lãnh đạo hãng bay mới tự tin về chiến lược của họ, bởi một vài người trong số họ đã học hỏi kinh nghiệm trong quá trình làm việc tại hãng hàng không của tỷ phú Tony Fernandes.

Kathleen Tan, cố vấn điều hành của MYAirline, đã có 13 năm làm việc cho Fernandes, người cùng với một nhà đầu tư khác đã dẫn đầu thương vụ mua lại AirAsia vào năm 2001 với giá 1 ringgit (25 xu Mỹ). Vụ thu mua này đã tạo thay đổi làm rung chuyển ngành vận tải hàng không giá rẻ trong khu vực.

Trong khi đó, Giám đốc dịch vụ cabin Mohd Izwan Razak của MYAirline từng thuộc biên chế của AirAsia trong 17 năm. Còn bản thân Teo làm việc cho hãng cũ 15 năm, đến tháng 7-2019 thì từ chức trưởng bộ phận bán hàng.

Teo nói rằng ông không có kế hoạch sử dụng nhân viên cũ của AirAsia, mà đó chỉ đơn giản là “tuyển dụng những người đã mất việc hoặc đang bị giảm giờ làm, gồm phi công hoặc tiếp viên, trong hai năm qua do ảnh hưởng của Covid.

MYAirline đã được Ủy ban Hàng không Malaysia cấp phép bay. Tự mô tả mô hình kinh doanh của mình là “chi phí cực thấp”, MYAirlines dự định lúc đầu sẽ có 3 máy bay Airbus A320 đã qua sử dụng, nhưng đặt mục tiêu tăng quy mô lên 50 chiếc trong vòng 5 năm tới.

“Chúng tôi đã ký một số hợp đồng hấp dẫn với những hãng cho thuê máy bay lớn”, CEO Teo nói, nhưng từ chối tiết lộ chi tiết.

CEO Rayner Teo của MYAirline từng làm việc 15 năm tại AirAsia. Ảnh: Nikkei Asia

Trong khi đó, ông trùm Tony Fernandes của Capital A đã từ chối bình luận khi bị các nhà báo hỏi về MYAirlines và ảnh hưởng của hãng bay nhỏ đối với AirAsia.

Các nhà phân tích cho rằng MYAirline phải đối mặt với một số thách thức trong cạnh tranh về chi phí với các hãng bay lâu đời như AirAsia và Malaysia Airlines.

Shukor Yusof của hãng phân tích Endau Analytics cho biết: “Hãng hàng không đang được tiếp thị như một hãng hàng không giá cực rẻ. Đây là một khái niệm thú vị vì chi phí trung bình cho mỗi chỗ ngồi của AirAsia là một trong những mức giá đáy trong ngành và khó ai có giá rẻ hơn nữa”.

Nhà phân tích hàng không độc lập Brendan Sobie cho rằng sự xuất hiện của MYAirline sẽ tăng cường cạnh tranh, khiến vấn đề dư dôi công suất từ trước dịch Covid trở nên trầm trọng hơn. Trích dẫn số liệu của Malaysia Airports, Sobie cho biết lưu lượng hành khách nội địa ở nước này trong tháng 8-2022 chỉ ở mức 66% so với hồi tháng 8-2019, trong khi lưu lượng khách bay quốc tế chỉ ở mức 38% so với trước dịch.

“Sẽ có một số kích thích đối với ngành khi giá vé giảm và có thể quay về mức trước dịch. Nhưng điều này khó bền vững trong bối cảnh giá nhiên liệu cao như hiện nay. Trước Covid, sản lượng khai thác nội địa rất thấp và không hãng hàng không nội địa nào của Malaysia có lãi”, Sobie phân tích.

Trong khi đó, CEO Teo nói rằng ông sẽ sử dụng sân bay quốc tế Kuala Lumpur làm trung tâm (hub), khai thác các tuyển nội địa trước và mở các tuyến quốc tế một năm sau đó.

Theo dữ liệu của Ủy bay doanh nghiệp Malaysia, MYAirline có 2 triệu cổ phiếu với giá một ringgit, tức số vốn là 2 triệu ringgit (430.000 đô la). Hai công ty Zillion Wealth và Trillion Cove Holdings thuộc sở hữu của doanh nhân Goh Hwan Hua có cổ phần lần lượt là 88% và 10% trong hãng hàng không. Ông Teo sở hữu 2% còn lại.

Ông Goh có hơn 20 năm kinh nghiệm quản lý các doanh nghiệp liên quan đến công nghệ thông tin và ứng dụng tại Malaysia, Thái Lan, Singapore và Indonesia. Doanh nhân này cũng tham gia kinh doanh nhiều ngành khác nhau, bao gồm thương mại điện tử, bán vé điện tử, fintech, bán lẻ và du lịch.

Teo cho biết sở hữu một hãng hàng không thương mại là ước mơ từ lâu của Goh.

“Anh ấy đã hỏi tôi trong bảy năm qua về ý tưởng thành lập một hãng hàng không và câu trả lời của tôi luôn giống với anh ấy, rằng có nhiều cách để lãng phí tiền của bạn”, Teo nói.

“Nhưng vào tháng 10-2020, khi Goh hỏi lại, tôi nghĩ đây là thời điểm tốt nhất để bắt tay chuẩn bị” Teo đề cập đến sự sụp đổ của hàng không toàn cầu do các nước đóng cửa bầu trời.

Ricky Hồ / BSA

Giá gạo thế giới có thể tăng thêm 20% nếu Việt Nam và Thái Lan đạt thỏa thuận tăng giá