Hàng không được chính phủ cứu trợ thì mỉm cười, nhưng ngành khác méo mặt

533
Tiêu điểm:
Hàng không được chính phủ cứu trợ thì mỉm cười, nhưng ngành khác méo mặt
Các gói cứu trợ của chính phủ Úc đã khiến các hãng bay mỉm cười, trong khi ngành khách sạn và các lĩnh vực liên quan nói rằng họ đã không bao giờ có được chiếc phao cứu sinh cần thiết. Hai hãng hàng không Qantas và Virgin Australia lập tức tăng doanh số kỷ lục, nhưng ngành khách sạn đã ta thán rằng tỷ lệ đặt phòng của họ vẫn dưới 10% trong ba tháng tới.
Cuối tháng 3, chính phủ Úc đưa ra gói ngân sách 1, 2 tỷ AUD, tức 930 triệu USD, nhằm hỗ trợ 50% giá cho 800.000 vé máy bay đến các vùng du lịch trọng điểm, gồm Cairns và Gold Coast. Khách mua loại vé giảm này có thể bay từ tháng 7 đến tháng 9 – kỳ nghỉ đông và là kỳ nghỉ dài nhất của học sinh trong năm ở đất nước này. 
Phản ứng với chương trình trợ giá này là “tuyệt vời”, CEO Alan Joyce của tập đoàn hàng không Qantas phát biểu. Hãng hàng không nói đã bán được 250.000 vé trong hai tuần đầu tiên kể từ khi tung ra chiến dịch vé mới. Con số này là “trên cả tuyệt vời” bởi doanh số của hãng hàng không lớn nhất ở Úc trong năm tài chính tính đến hết tháng 6 này đã sụt giảm đến 60%.
Hãng hàng không lớn thứ hai sau Qantas là Virgin Australia nộp đơn xin phá sản năm ngoái. Trong vòng 15 tiếng đồng hồ đầu tiên, số booking đặt vé đã tăng bốn lần so với tuần trước đó. Một trong các đường bay bán chạy là từ Melbourne đi Gold Coast với giá 78 AUD.
Kế hoạch hỗ trợ đã giúp các hãng bay không sa thải nhân viên, nhưng những ngành khác lại không ưng chút nào với kế hoạch của Thủ tướng Scott Morrison.
Các biện pháp kích thích đã biến Sydney và Melbourne trở thành “vùng chết” – Hiệp hội các cơ sở lưu trú với 3.000 khách sạn thành viên đã tuyên bố. Khách sạn ở hai thành phố lớn nhất nước này “đang mong mỏi chờ các hỗ trợ cấp thiết”, CEO Dean Long của hiệp hội phát biểu. Ông nói rằng tỷ lệ đặt phòng của các khách sạn trong vòng ba tháng tới dưới 10%.
Hội đồng Du lịch Úc (ATIC) cũng nổi giận. Giám đốc điều hành Simon Westaway tuyên bố: “Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đóng cửa biên giới, vì ít khách du lịch có được rất ít từ gói hỗ trợ”. Ông cũng cho biết nói rằng sự hỗ trợ của chính phủ “quá chọn lọc và ngắn hạn”.
Các dữ liệu của chính phủ cho thấy: Du khách đã chi 146,4 tỷ AUD, bao gồm vé máy bay, trong lãnh thổ nước Úc trong năm 2019, với 30% trong số này là của du khách nước ngoài.
Du lịch chiếm 3,1% GDP của Úc trong năm 2019. Một bong bóng du lịch đã hình thành với New Zealand cho phép du khách nhập cảnh mà không phải cách ly. Tuy nhiên, hai cửa ngõ du lịch chính là Sydney và Melbourne vẫn còn đóng hoàn toàn với du khách từ các nơi khác trên thế giới.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,48 – 55,83 triệu đồng/lượng, quay đầu giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 190.000 đồng/lượng chiều bán ra, chênh lệch hai đầu 350.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.788,4 USD/ounce, giảm 5,2 USD/ounce, tương đương 0,29% giá trị so với chốt phiên trước. Giá vàng đã mất tới 1% giá trị khi đồng USD phục hồi.
2/ Vụ nghịch năm 2021, nông dân vùng chuyên canh thanh long Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã có lợi nhuận cao, cuộc sống ổn định nhờ thanh long được mùa, được giá. Theo đó, năng suất bình quân khoảng 20 tấn quả/ha. Nếu thu hoạch thời điểm hiện tại, mỗi ha nông dân đạt giá trị sản xuất 500 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 300 triệu đồng. Những hộ giỏi thâm canh có thể đạt năng suất trên 30 tấn/ha, giá trị sản xuất lên đến 750 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn lãi không dưới 500 triệu đồng. Năm 2021, để phát huy hiệu quả vùng chuyên canh, huyện Chợ Gạo tiếp tục triển khai Đề án Phát triển cây thanh long đến năm 2025 cũng như định hướng nông dân sản xuất và chứng nhận VietGAP và GlobalGAP.
3/ Infographic: Lao động và việc làm quý I/2021
Tình hình lao động và việc làm cả nước trong quý 1/2021 đã chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 1.
Nguồn: Thời Báo Tài Chính Việt Nam
4/ Trong triển lãm năng lượng tái tạo do cơ quan ngoại giao Đức tổ chức tại Hà Nội, các nhà tổ chức đã thông báo Việt Nam hiện đứng thứ 8 thế giới về năng lượng tái tạo. Và với mức đầu tư 7,4 tỷ USD vào điện gió, điện mặt trời, thì Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng để trở thành một trong những nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới. Số liệu năm 2020 cho thấy, Trung Quốc là nước đầu tư vào năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới với 83,6 tỷ USD, đứng thứ hai là Mỹ với 49,3 tỷ USD. Việt Nam xếp trên Pháp và Đức khi số tiền đầu tư vào năng lượng tái tạo của hai nước này lần lượt là 7,3 tỷ USD và 7,1 tỷ USD. Được biết, chính phủ Việt Nam đã xác định hướng chuyển dịch năng lượng, với tỷ lệ năng lượng tái tạo sẽ đạt 15-20% vào năm 2020 và 25-30% vào năm 2045.
5/ Theo nghiên cứu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, mức độ nhận thức về thực hành kinh doanh có trách nhiệm của các doanh nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân còn thấp. Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ có khoảng 56% doanh nghiệp được khảo sát đồng ý với khái niệm đầy đủ về thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Những năm tới, mục tiêu của nghiên cứu là hỗ trợ Việt Nam xây dựng một kế hoạch hành động quốc gia về kinh doanh có trách nhiệm vào năm 2022. Kế hoạch này sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đưa khung pháp lý của Việt Nam tới gần hơn các tiêu chuẩn quốc tế.
6/ Coca-Cola cho biết hãng này sẽ tăng giá bán đồ uống để đối phó với tác động của chi phí hàng hóa cao hơn. Thông báo này của Coca-Cola được đưa ra sau khi các đối thủ khác của hãng là Kimberly-Clark và J.M. Smucker cũng đã có những động thái tương tự. Mặc dù điều này có thể giúp các hãng tăng lợi nhuận, song có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng người tiêu dùng “thắt hầu bao” vì đang phải vật lộn với tác động kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Coca-Coloca hiện vẫn chưa tiết lộ sản phẩm nào nào sẽ bị tăng giá bán. Được biết, thông báo gần nhất về việc tăng giá bán là vào hồi năm 2018, thời điểm nhôm phải chịu mức thuế cao dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
7/ Telkomsel, một công ty con thuộc sở hữu của tập đoàn viễn thông đa quốc gia lớn nhất Indonesia Telkom, đang xem xét khoản đầu tư 300 triệu USD vào dịch vụ gọi xe và thanh toán Gojek. Trước đó, vào tháng 11/2020, Telkomsel cũng đã từng rót vốn 150 triệu USD vào Gojek. Đầu tháng 4 vừa qua, các nguồn tin của Reuters cho biết Gojek đang chuẩn bị hoàn tất việc sáp nhập với nền tảng thương mại điện tử Tokopedia để tạo ra một công ty liên doanh mới lấy tên gọi GoTo. Nguồn tin cũng cho biết khoản đầu tư 300 triệu USD này sẽ giúp Telkomsel trở thành một trong tám nhà đầu tư hàng đầu của GoTo, cùng với các tên tuổi khác như Google (Alphabet), Alibaba và Softbank.
8/ Tập đoàn thực phẩm khổng lồ Nestle của Thụy Sỹ cho biết, doanh thu từ cà phê mạnh mẽ đã giúp tổng doanh thu của tập đoàn này trong quý I/2021 tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, doanh thu toàn cầu của Nestle tăng lên 21,1 tỷ franc Thụy Sỹ (22,9 tỷ USD) trong quý I năm nay. Trong khi cà phê là mặt hàng đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng doanh thu của Nestle trong quý vừa qua, nhờ nhu cầu đối với các nhãn hiệu Nespresso, Nescafe và Starbucks đều tăng mạnh, các sản phẩm từ sữa và thực phẩm dành cho vật nuôi thực phẩm cũng góp phần thúc đẩy đà tăng trưởng hữu cơ của Nestle. Được biết, Nestle đang chuyển đổi danh mục thương hiệu và bắt đầu đẩy mạnh cung cấp các sản phẩm chay để bắt nhịp cùng xu hướng toàn cầu. Nestle dự báo triển vọng doanh thu cả năm 2021 của họ sẽ tăng trưởng khoảng 5% so với năm trước đó.
Sản phẩm Nescafe
9/ Chính quyền thành phố Seoul thông báo hôm 23/4 đã thu giữ tiền kỹ thuật số từ hàng trăm đối tượng nợ thuế nhiều nhất, những người đã cất giấu tài sản dưới dạng “tiền ảo”. Với quyết định này, Seoul đã trở thành chính quyền địa phương đầu tiên ở Hàn Quốc thu thuế bằng tiền điện tử. Được biết Sở Thuế đã tìm thấy tiền điện tử của 1.566 cá nhân và chủ doanh nghiệp và đã thu giữ hơn 25 tỷ won (22 triệu USD) tài sản “ảo” này của 676 người trong số đó. Những người này đang nợ 27,4 tỷ won tiền thuế phải nộp cho chính quyền và vì vậy 118 người trong số họ đã được hoàn trả 1,26 tỷ won. Loại tiền điện tử phổ biến nhất của những người chậm nộp thuế là đồng Bitcoin (19%), đồng DragonVein và Ripple (16% mỗi loại), đồng Ethereum (10%) và đồng Stellar (9%). Các loại tiền điện tử khác chiếm tổng cộng 30%.
10/ Viện nghiên cứu Riken của Nhật Bản và các tổ chức nghiên cứu khác đã phát triển thành công công nghệ mới giúp phát hiện virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 trong vòng chưa đầy 5 phút. Đây là phương pháp xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho kết quả nhanh nhất trên thế giới tính đến thời điểm hiện tại. Khác với phương pháp phản ứng chuỗi polymerase (PCR), phương pháp mới không cần phải lọc sạch và khuyến đại RNA của virus và do vậy, nó có thể xác định các phân tử phát sáng trong vòng chưa đầy 5 phút sau khi các mẫu xét nghiệm được trộn với thuốc thử có chứa enzyme đặc biệt. Mặc dù có tốc độ xét nghiệm siêu nhanh nhưng chi phí trên mỗi xét nghiệm theo phương pháp mới gần tương đương với phương pháp PCR (trung bình 177 USD).
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Lễ hội “100 món ngon sử dụng nước mắm truyền thống Phú Quốc”