Hãng xe điện Great Wall Motor của Trung Quốc xâm nhập thị trường Việt Nam

Mẫu xe hybrid Haval H6 được trưng bày tại trụ sở của Great Wall Motor ở Bangkok. Dòng xe này sẽ được nhập từ Thái Lan về bán ở Việt Nam từ tháng 8-2023 sắp tới. Ảnh: Bloomberg

Great Wall Motor (GWM) loan báo rằng sẽ mở bán tại Việt Nam mẫu xe hybrid Haval H6 vào tháng 8-2023 và sẽ xây dựng nhà máy lắp ráp các loại xe chạy bằng năng lượng mới tại Việt Nam vào năm 2025. GWM là ví dụ mới nhất cho nỗ lực thâm nhập thị trường Việt Nam của các hãng xe điện Trung Quốc.

Và họ sử dụng Thái Lan làm bàn đạp để xâm nhập Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác.

Tập trung vào phân khúc bình dân trở xuống

Những chiếc Haval H6 ban đầu của GWM sẽ được nhập từ phân xưởng của GWM ở tỉnh Rayong của Thái Lan. Việt Nam là thị trường xe hơi lớn thư tư tại ASEAN sau Indonesia, Thái Lan và Malaysia – theo dữ liệu về doanh số bán xe năm 2022 do Liên đoàn xe hơi ASEAN công bố.

Nhà máy tại Rayong là cơ sở thứ hai ở nước ngoài với đầy đủ quy trình sản xuất của hãng xe Trung Quốc sau Brazil. Bắt đầu hoạt động từ tháng 6-2021, nhà máy chuyên sản xuất xe hybrid Haval H6 và Haval Jolion. Khoảng 60% xe lắp ráp tại nhà máy được bán ở Thái Lan, trong khi 40% còn lại được xuất khẩu ra nước ngoài – thông cáo của GWM vào thời điểm đó viết.

Đại diện của hãng xe có trụ sở chính ở Hồ Bắc nói với tờ Caixin rằng hãng xe đang hợp tác chặt chẽ với chính phủ Thái Lan và các nhà cung cấp cốt lõi về kế hoạch sản xuất xe điện 100% vào khoảng năm 2025 tại Thái Lan. Công ty hy vọng sẽ biến Thái Lan thành trung tâm sản xuất xe điện ở Đông Nam Á.

Được tách ra khỏi GWM vào năm 2018, hãng sản xuất pin lithium-ion SVOLT Energy Technology trước đây nói với Caixin rằng họ có kế hoạch xây dựngnhà máy sản xuất pin ở Thái Lan.

Bước vào thị trường Việt Nam là nỗ lực mới nhất của GWM nhằm mở rộng thị trường tại Đông Nam Á. Hiện hãng xe đã có mặt tại Thái Lan, Malaysia, Lào, Campuchia, Philippines và Brunei, đồng thời có kế hoạch mở rộng sang các nước còn lại của ASEAN như Singapore và Indonesia.

Thị trường xe điện Việt Nam cũng đang sôi động với các mẫu xe điện của Trung Quốc. Cuối tháng 6, TMT Motors chính thức “chào sân” xe điện mini Trung Quốc Wuling Hongguang tới khách hàng Việt Nam với giá thấp nhất 239 triệu đồng/chiếc. Tại triển lãm xe hơi Saigon Autotech & Accessories 2023 tại TP.HCM vào tháng 5 vừa rồi, mẫu xe điện Zhidou A01 có kích thước “siêu nhỏ”, chạy tốc độ tối đa chỉ khoảng 50 kmh sẽ bán chính thức tại Việt Nam trong quý 3-2023 với mức giá hơn 100 triệu đồng/chiếc.

Hiện vẫn chưa có giá bán của các mẫu xe Haval H6.

Thái Lan – “cứ địa” của các hãng xe Trung Quốc

Xe điện Trung Quốc đang áp đảo tại trường Thái Lan bởi sự có mặt từ sớm của hãng xe đại lục. Các hãng xe Trung Quốc xem Thái Lan là một “đại bản doanh” để mở rộng thị phần xe điện của họ ở Đông Nam Á.

Năm 2022, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Thái Lan, với tổng trị giá 77,4 tỷ baht, chủ yếu trong lĩnh vực điện tử và xe hơi – theo Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BoI). Nhật Bản đứng thứ hai với 50,8 tỷ baht, Mỹ bám sát với 50,3 tỷ và Đài Loan 45,2 tỷ.

Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu xe điện chiếm 50% tổng số phương tiện sản xuất trong nước vào năm 2030 và trở thành trung tâm sản xuất xe điện hàng đầu ASEAN. Đến năm 2030 lượng xe điện được lắp ráp ở nước này đạt khoảng 700.000 xe/năm. Mục tiêu lớn nhất là đến năm 2035, toàn bộ xe bán ra thị trường là xe điện.

Năm ngoái, Thái Lan cũng đã thông qua một loạt ưu đãi như giảm thuế và trợ cấp chi phí, dao động trong khoảng từ 70.000 Baht đến 150.000 baht (khoảng 4.300 đô la) tùy mẫu xe, nhằm thúc đẩy tiêu thụ và sản xuất xe điện trong giai đoạn 2022-2023.

Một trong những hãng Trung Quốc thành công sớm nhất tại Thái Lan là SAIC. Năm 2012, công ty thành lập liên doanh với tập đoàn CP nổi tiếng và thương hiệu MG chính thức gia nhập thị trường này từ năm 2014. Dữ liệu thời điểm đó cho thấy có tới 31.005 mẫu xe MG đã được bán ra, đưa dòng xe vào top 10 thương hiệu xe hơi hàng đầu Thái Lan.

Năm 2020, Great Wall Motor (GWM) tiếp nối thành công của đồng hương khi xây nhà máy đầu tiên với số vốn ban đầu là 12 tỷ baht. Cuối năm 2022, hãng công bố nâng số vốn lên thành 22,6 tỷ baht để “thúc đẩy Thái Lan trở thành trung tâm sản xuất xe điện của Đông Nam Á”.

Các mẫu xe của GWM hiện được ưa chuộng nhất ở Thái Lan trong năm ngoái, với 11.616 xe bán ra, tăng 214% so với năm trước đó. Từ năm 2023 này, một số dòng xe của GWM được sản xuất ở Thái Lan.

Các hãng xe điện khác của Trung Quốc cũng đang quan tâm cơ hội kinh doanh ở Đông Nam Á. Hôm 28-6, hãng Aion thuộc Tập đoàn xe hơi Quảng Châu đã ký thỏa thuận với đại lý địa phương để bán xe điện ở Thái Lan. Aion cũng đang có kế hoạch nội địa hóa hoạt động sản xuất tại Thái Lan vì hãng đặt mục tiêu xây dựng trụ sở khu vực tại Thái Lan này vào cuối năm nay.

Chính phủ Thái Lan cũng tích cực mời gọi doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào ngành xe điện Thái Lan.

Hồi tháng 4-2023, BoI đã tổ chức các đoàn đi thăm Quảng Châu, Thượng Hải, Hàng Châu và Thâm Quyến nhằm thu hút doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào ngành xe điện, điện tử và công nghệ số ở Thái Lan.

Tổng Thư ký BoI Narit Therdsteerasukdi nói rằng các quan chức Thái Lan đã gặp gỡ năm hãng xe điện lớn của Trung Quốc, gồm Changan Automobile, Geely Global, BYD, JAC Motors and Jiangling Motors. Trong số này, BYD hiện đã đầu tư vào Thái Lan. BYD đang có kế hoạch đầu tư 17,8 tỉ baht để xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện với công suất lên tới 150.000 xe mỗi năm.

Đầu tháng 6, Liên đoàn công nghiệp Thái Lan (FTI) đã có cuộc họp với Đại sứ Trung Quốc tại Thái Lan Han Zhiquiang về các cơ hội đầu tư vào Thái Lan. Chủ tịch FTI Kriengkrai Thiennukul nói sau cuộc họp rằng “sẵn sàng giới thiệu và hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc với 45 câu lạc bộ ngành thuộc liên đoàn, đặc biệt là hậu cần và chuỗi cung ứng để xây dựng các nhà máy xe điện Thái Lan”.

Ricky Hồ / BSA