HP chuyển hơn 50% năng lực sản xuất máy tính ra khỏi Trung Quốc

Trung Quốc hiện chiếm 90% năng lực sản xuất và lắp ráp máy tính cá nhân toàn cầu, với Trùng Khánh là cứ điểm sản xuất lớn nhất. Tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 40% vào năm 2030. Ảnh: Caixin Global

HP đang tìm cách chuyển hơn một nửa hoạt động sản xuất máy tính cá nhân ra khỏi Trung Quốc. Nikkei Asia đưa tin HP đang hình thành một trung tâm thiết kế “dự phòng” tại Singapore nhằm giảm thiểu rủi ro địa chính trị Mỹ – Trung.

Đây là động thái mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của hãng máy tính hàng đầu của Mỹ nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Phần lớn sản lượng PC của HP là tại Trung Quốc. Hãng đang đàm phán với các nhà cung ứng và đặt mục tiêu di dời trong hai hoặc ba năm tới. Một nguồn tin khác của Nikkei Asia nói rằng HP thạm chí đặt mục tiêu sản xuất tới 70% máy tính xách tay của mình bên ngoài Trung Quốc.

Thái Lan được xem là điểm đến chính. Ít nhất năm nhà cung cấp của HP đang xây dựng các cơ sở sản xuất hoặc trung tâm kho bãi mới tại Thái Lan và hai nhà cung cấp đã tăng công suất tại đó kể từ đầu năm theo yêu cầu của HP.

“Chắc chắn HP đang đặt cược lớn vào việc xây dựng một trung tâm sản xuất tại Thái Lan”, một trong những nguồn tin cấp cao cho biết. “Chúng tôi có các cơ sở khác ở Đông Nam Á để hỗ trợ khách hàng, nhưng hãng nói rằng không đủ hiệu quả, vì vậy chúng tôi đang xây dựng một nhà máy mới tại Thái Lan theo yêu cầu”.

Một giám đốc điều hành tại một nhà cung cấp linh kiện và phụ tùng khác hoan nghênh động thái này. “Chúng tôi đã từng lo lắng về việc không đủ đơn hàng cho toàn bộ các cơ sở sản xuất của mình tại Thái Lan. Nhưng từ đầu năm nay, chúng tôi đã nhận được nhiều đơn hàng của HP. Hoạt động kinh doanh của chúng tôi tại Thái Lan hiện khá bận rộn”.

HP cũng đang tuyển dụng các kỹ sư và quản lý tại Singapore, nhằm thiết lập đội ngũ dự phòng cho Trung tâm Thiết kế Đài Loan, nơi chịu trách nhiệm hầu hết các kế hoạch phát triển các sản phẩm mới và liên lạc với chuỗi cung ứng. Theo một nguồn tin, HP đang tuyển dụng thêm khoảng hai trăm nhân viên kỹ thuật và chuyên gia, bao gồm các kỹ sư điện và cơ khí và các chuyên gia chuỗi cung ứng.

HP mở văn phòng đại diện tại Trung Quốc từ rất sớm, vào năm 1981 – chỉ hai năm sau khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình thực hiện chính sách mở cửa. Năm 1985, HP trở thành nhà đầu tư công nghệ cao đầu tiên của Mỹ lập liên doanh với Bắc Kinh. Hãng máy tính hàng đầu của Mỹ đã biến Trùng Khánh thành trung tâm sản xuất laptop của thế giới từ năm 2008. Acer và Asus cũng theo bước của HP, đề nghị các nhà cung ứng lập nhà xưởng ở Trùng Khánh. Có thể kế đến Quanta Computer, Inventec, Foxconn… Ngày nay, Trùng Khánh đứng đầu Trung Quốc về xuất khẩu PC.

HP đã xuất xưởng khoảng 52 triệu PC vào năm 2023, chỉ đứng sau Lenovo, theo hãng nghiên cứu IDC.

Đối đầu Mỹ – Trung đã buộc các hãng công nghệ lớn của Mỹ đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Dell, Apple, Microsoft và nhiều công ty khác đã chuyển một phần hoạt động sản xuất PC của họ sang Đông Nam Á và đã phân bổ nhiều nguồn lực tiếp thị hơn để khám phá doanh số bán hàng tại địa phương.

Chiu Shih-fang, nhà phân tích chuỗi cung ứng tại Viện Nghiên cứu kinh tế Đài Loan, cho biết các động thái mới của HP đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng phục hồi chuỗi cung ứng trong năm nay.

“Ngoài cuộc chiến công nghệ đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, trận động đất lớn ở Nhật Bản vào tháng 1 đã làm gián đoạn tính liên tục của nguồn cung đối với nhiều lĩnh vực trong nhiều tháng. Cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ là một bất ổn địa chính trị khác mà nhiều hãng công nghệ đang tính đến”, Chiu nói.

Nhà phân tích công nghệ kỳ cựu này cho biết việc lắp ráp PC có AI hỗ trợ tại Trung Quốc có khả năng gây ra rủi ro liên tục của chuỗi cung ứng nếu Washington quyết định thắt chặt hơn nữa việc kiểm soát xuất khẩu chip công suất cao. Ví dụ, Intel đã bị cấm vận chuyển chip Core Ultra 9 dành cho PC AI cho Huawei.

“Máy tính cá nhân AI là hy vọng của mọi hãng sản xuất máy tính cá nhân trong việc kích thích thị trường, nhưng AI cũng là một chiến trường nóng bỏng bối cảnh đối đầu Mỹ – Trung gia tăng. Đẩy nhanh quá trình di dời sản xuất nhằm giảm thiểu rủi ro từ bất kỳ sự leo thang đột ngột nào là quyết định đúng đắn”, bà Chiu phân tích.

Trước đó, tháng 7-2023 Nikkei Asia cũng đưa tin HP có kế hoạch chuyển bớt năng lực sản xuất laptop thương mại (hay doanh nghiệp) từ Trung Quốc sang Mexico, laptop cá nhân sang Thái Lan. Kế hoạch sản xuất PC cũng thực hiện trong năm 2024 tại Việt Nam, tuy vậy tờ báo Nhật Bản không nêu rõ kế hoạch cụ thể nào của HP. Dự kiến năng lực sản xuất PC bên ngoài Trung Quốc của HP là 5 triệu chiếc.

Trong một báo cáo công bố tháng 9-2020, Viện Tư vấn và Thông tin thị trường (MIC) có trụ sở tại Đài Bắc đã dự báo rằng Đông Nam Á sẽ trở thành một trung tâm sản xuất PC mới thay thế cho Trung Quốc. MIC chỉ ra hai lý do: chi phí lao động tăng cao của Trung Quốc và kế hoạch giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một nước hay khu vực duy nhất thúc đẩy các hãng PC chuyển dịch sản xuất sang Đông Nam Á. MIC nói Trung Quốc hiện chiếm tới 90% năng lực sản xuất PC của thế giới, nhưng tỷ lệ này dự kiến sẽ giảm còn 40% vào năm 2030.

Theo Nikkei Asia, HP, Caixin Global

Ricky Hồ / BSA Media 

Trợ cấp của Thái Lan cho xe điện Trung Quốc khiến công nghiệp xe nội địa lao đao