Khai mạc Diễn đàn Mekong Connect 2022: “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững”

230
Ngày 23 và 24/11/2022, tại TP. Cần Thơ, Diễn đàn Mekong Connect 2022 diễn ra, do các tỉnh, thành trong Mạng lưới liên kết ABCD Mekong (An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp), Thành phố Hồ Chí Minh, và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (Hội DN HVNCLC) tổ chức.
Mekong Connect năm 2022 có chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững” (Thông tin chi tiết sự kiện, có thể truy cập tại https://mekongconnect.vn  hay bằng QR Code ở mặt sau thẻ đeo của mỗi vị khách).
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giữ vai trò then chốt trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đóng góp gần 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản… nhưng hiện nay là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.
Trong gần 3 năm qua, ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới, đại dịch Covid-19, nền kinh tế trong nước có nhiều khó khăn khiến vùng này đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Những năm qua, Nhà nước đã có nhiều quyết sách và giải pháp cho vùng: Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13–NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quyết định số 287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chính phủ đã công bố Quy hoạch tích hợp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đây là quy hoạch vùng đầu tiên được ban hành theo Luật Quy hoạch.

Có thể nói, Mekong Connect 2022 có ba điểm mới so với Diễn đàn các năm trước.
Thứ nhất : Diễn đàn diễn ra khi đã có những nghị quyết, quyết định về phương hướng phát triển mới, quy hoạch tích hợp…đây là cơ sở, nền tảng để Mekong Connect 2022 có thể dựa trên đó đưa ra những chương trình liên kết, tích hợp bằng các kế hoạch hành động cụ thể, hiệu quả.
Nét mới thứ hai, năm nay với sự phát triển khá mạnh của hoạt động khởi nghiệp trong nông nghiệp ở các ngành, lĩnh vực, đoàn thể …trên cả nước, chương trình Mekong Connect 2022 đến lúc có thể tổ chức thêm một ngày, trong đó, dành liên tiếp hai ngày cho “Ngày hội khởi nghiệp và Phiên chợ khởi nghiệp Xanh”.
Đây là không gian lớn nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp cả nước giao lưu để chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội phát triển, nâng qui mô, phát hiện các cơ hội thị trường, cũng như nâng cao năng lực thị trường (thực hành hoạt động tiếp thị và phân phối sản phẩm).
Điểm mới thứ ba, thể hiện mới quan tâm lớn tới vần đề “Phát triển bền vững” mà chuyển đổi số là một yếu tố hết sức quan trọng, để có thể thúc đẩy công cuộc đổi mới nông nghiệp, đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam.
Thực tế hiện nay giữa các tỉnh, thành trong mạng lưới liên kết ABCD Mekong và TPHCM đã có nhiều liên kết, tích hợp trên các lĩnh vực, từ kinh tế, y tế, giáo dục, du lịch… Đã có những con đường cao tốc kết nối với các cửa khẩu, hay các cảng ở dọc sông Hậu. Những công trình hợp tác giữa TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL về việc chọn vùng nguyên liệu để xây dựng chuỗi giá trị…. Cũng như sự đóng góp của TPHCM với các tỉnh đồng bằng thông qua hợp tác về thương mại điện tử, hỗ trợ về mặt chế biến. Có thể thấy nhu cầu, kỳ vọng của sự liên kết, tích hợp của mỗi tỉnh, thành với nhau là rất lớn, các tỉnh có nhu cầu đóng góp những thế mạnh, khả năng của mình vào công cuộc tích hợp chung. Với tỉnh An Giang, địa phương này rất quan tâm vấn dề “Khai thác và phát triển kinh tế biên mậu”. Hiện An Giang với 3 khu kinh tế cửa khẩu đã thu hút được 14 dự án đầu tư và đang xây dựng Đề án “Phát triển thương mại biên giới tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Còn Đồng Tháp quan tâm vấn đề “Chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân, một số kinh nghiệm”. Hiện tỉnh Đồng Tháp đã có các mô hình mới, cách làm hay trong lĩnh vực chuyển đổi số đã triển khai, như: Lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thuỷ sản, thuỷ lợi, lâm nghiệp… Trong lĩnh vực kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử đã có những mô hình hay “Cây xoài nhà tôi” được triển khai tại HTX xoài Mỹ Xương; “Cây cam vườn tôi” tại xã Tân Thuận Đông… Mô hình Lúa – Cá thuộc Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (WB9) thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm gạo tại Cơ sở Huỳnh Kiểm – huyện Hồng Ngự và Công ty TNHH Phương Minh – huyệnThanh Bình.

Với thành phố Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Kiều Duyên – Giám đốc TTXT – ĐT – TM và HC triển lãm TP. Cần Thơ cho biết: “Chúng tôi mong muốn qua những nội dung tại Mekong Connect 22 sẽ kết nối thêm được nhiều hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp ở TP. Cần Thơ cũng như doanh nghiệp vùng ĐBSCL. Với đề tài của mình, TP. Cần Thơ sẽ tiếp thu, ghi nhận những ý kiến đóng góp, tư vấn, khuyến nghị của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp để giúp TP. Cần Thơ trong công tác chuẩn bị nhằm xây dựng được Trung tâm liên kết vùng theo Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội cho cơ chế đặc thù của TP. Cần Thơ. Trong nghị quyết này, TP. Cần Thơ được thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL đặt tại TP. Cần Thơ. Sau Mekong Connect 2022, Trung tâm này hy vọng sẽ sớm hình thành và triển khai.
Theo bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN HVNCLC: “Những nghị quyết của Chính phủ về quy hoạch cho vùng ĐBSCL, như nền móng vững chắc để sự liên kết, tích hợp của các tỉnh, thành trong mạng lưới liên kết ABCD Mekong, TP.HCM và Hội DN HVNCLC, Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu LBC có thêm nhiều điều kiện thuận lợi hướng tới sự liên kết hiệu quả, bền vững. Để cho liên kết không nằm trên chủ trương, trên giấy mà là bằng hành động thật. Đây như đánh dấu một cột mốc thúc đẩy hành động chặt chẽ hơn, cụ thể hơn, rõ ràng hơn sau diễn đàn … đó là điểm đặc biệt mới của Mekong Connect 2022. Diễn đàn Mekong Connect năm nay bàn về nhiều nội dung như: Nâng chất liên kết – tích hợp; Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo từ cuộc chuyển đổi số; Viện trường và nguồn nhân lực cho kinh tế nông nghiệp; Kinh tế biên mậu; Kinh tế tuần hoàn; Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và chú trọng chế biến nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản.
Do đó, những nội dung được bàn đến trong Mekong Connect 2022 đưa ra được nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đặc biệt quan tâm, nhằm đưa kinh tế của địa phương mình, và toàn vùng tạo động lực mới, bứt phá trong giai đoạn mới sau đại dịch Covid-19, theo tinh thần các nghị quyết của Đảng và Nhà nước mà trọng tâm là quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.
Bên cạnh đó, các nội dung hoạt động của “Ngày hội khởi nghiệp – Phiên chợ Xanh”, diễn ra liên tiếp trong 2 ngày 23 và 24 cũng rất phong phú.
“Ngày hội khởi nghiệp – Phiên chợ Xanh” diễn ra với nhiều hoạt động nổi bật cùng sự tham gia của đội ngũ doanh nghiệp khởi nghiệp trong 8 năm cuộc thi “Khởi nghiệp nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo” do Trung tâm BSA tổ chức. Trong đó bao gồm các doanh nghiệp từ Mạng lưới liên kết ABCD Mekong và các tỉnh khác ở ĐBSCL. Cùng với đó là chủ thể của OCOP từ 13 tỉnh ĐBSCL và từ TP.HCM đã đạt được chứng nhận OCOP từ 3* đến 5*.
“Ngày hội khởi nghiệp – Phiên chợ Xanh” còn có các doanh nghiệp đoạt giải các cuộc thi của Techfest các vùng miền năm 2022; các trường Đại học, các đoàn thể (Hội Phụ nữ, TW Đoàn… ) có hoạt động khởi nghiệp mạnh.
Hoạt động của “”Ngày hội khởi nghiệp – Phiên chợ Xanh” diễn ra với nhiều nội dung phong phú, đa dạng: (Thông tin chi tiết sự kiện, có thể truy cập tại https://mekongconnect.vn  hay bằng QR Code ở mặt sau thẻ đeo của mỗi vị khách).
  • Các cuộc thảo luận trong Diễn đàn:
PHIÊN 1: Chủ động nâng chất lượng liên kết tích hợp
Lãnh đạo ABCD Mekong + lãnh đạo TP.HCM giới thiệu về 01 dự án liên kết quan trọng nhất mà mỗi tỉnh, thành phố sẽ hợp tác, thực hiện trong năm 2023
+ Thảo luận nhóm: “Làm thế nào để thực hiện được các hoạt động liên kết tích hợp và đem lại giá trị trong thực tiễn”
PHIÊN 2: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Với 2 nhóm thảo luận về 2 chủ đề tại sân khấu chính.
+ Chủ đề 1: Làm thế nào để ứng dụng KHCN và thực hiện CĐS đi vào thực tiễn của đời sống kinh tế
+ Chủ đề 2: Chuẩn bị nguồn nhân lực khoa học công nghệ cho kinh tế ĐBSCL
PHIÊN 3: Phát triển bền vững. 4 nhóm thảo luận với 4 chủ đề:
+ Chủ đề 1: Khai thác và phát triển kinh tế biên mậu –tỉnh  An Giang chủ trì.
+ Chủ đề 2: Phân tích kinh nghiệm thành công của các mô hình thực hành kinh tế tuần hoàn – Tỉnh Bến Tre chủ trì.
+ Chủ đề 3: Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn cho thị trường trong nước và quốc tế – TP Cần Thơ và TP.HCM chủ trì.
+ Chủ đề 4: Chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân, một số kinh nghiệm – tỉnh Đồng Tháp chủ trì.
  • Trao chứng nhận HVNCLC – Chuẩn hội nhập cho 12 doanh nghiệp
  • Ký kết các thỏa thuận hợp tác
Mekong Connect ra đời vào năm 2015, từ sáng kiến của Mạng lưới liên kết cấp vùng ABCD Mekong (An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp) và sau đó có thêm TP.HCM. Diễn đàn Mekong Connect được phối hợp tổ chức bởi Hội DN HVNCLC, cùng với sự hỗ trợ của Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu (LBC).
Mekong Connect được bảo trợ và cố vấn của: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mekong Connect 2022 được điều phối bởi: VCCI Cần Thơ, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp – BSA, Trung tâm Xúc tiến ĐT– TM và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ.
Đây là diễn đàn thường niên dành cho: doanh nhân, doanh nông, doanh nghiệp khởi nghiệp, nông dân, nhà quản lý, chuyên gia… và các nông dân đối tượng có mối quan tâm đặc biệt đến ĐBSCL.